Thao tác Astra
KHÉO LÉO gợi ra những mặt tiêu cực của Thể chế để chiều lòng người, từ nay đã trở thành một phương tiện ngược đời nhưng hữu hiệu để tôn phồng Thể chế lên. Đây là sơ đồ của cách chứng minh mới mẻ ấy: muốn khôi phục hoặc phát triển giá trị thể chế nào đó ư, thoạt tiên người ta nêu lên tỉ mỉ những cái nhỏ nhen của thể chế ấy, những điều bất công mà nó sinh ra, những phiền nhiễu mà nó gây nên, nhấn chìm nó vào trong bản chất không hoàn hảo của nó; rồi cuối cùng cứu nó mặc dù hay đúng hơn là cùng với những khuyết tật tai vạ nặng nề của nó. Các thí dụ ư? Chẳng thiếu.
Hãy lấy một đội quân: hãy nêu toạc ra thái độ quân phiệt của các viên chỉ huy, tính chất thiển cận, bất công của kỷ cương, và hãy dìm vào sự hà khắc ngu xuẩn ấy một con người trung bình, có thể phạm sai lầm nhưng ai cũng thấy dễ thương. Rồi cuối cùng, hãy lật cái mũ ảo thuật, và rút từ đó ra hình ảnh của một quân đội chiến thắng, cờ xí tung bay trước gió, đáng kính nể, và người ta chỉ có thể trung thành với nó, như cô vợ của Sganarelle* mặc dầu bị đánh đập vẫn chung thuỷ với chồng (From here to eternity*, Chừng nào còn có những con người).
Hãy lấy một đội quân khác: hãy nêu bật sự cuồng tín khoa học của các tay kỹ sư, tính chất mù quáng của họ; hãy chỉ ra tất cả những gì mà một sự hà khắc hết sức vô nhân đạo huỷ hoại: các con người, các lứa đôi. Và rồi hãy tung cờ lên, hãy cứu đội quân ấy bằng sự tiến bộ, hãy ngoắc cái vĩ đại của đội quân này vào thắng lợi của đội quân kia (Các cơn lốc của Jules Roy*). Bây giờ đến Giáo hội: hãy nêu lên gay gắt tính giả đạo đức, đầu óc hẹp hòi của những kẻ mê đạo, hãy chỉ ra rằng tất cả những điều này đều có thể gây chết chóc, đừng giấu giếm bất cứ tai hoạ nào của đức tin. Và rồi, in extremis* hãy làm cho người ta hiểu rằng đức tin, dù bạc bẽo đến đâu vẫn là con đường cứu rồi cho chính các nạn nhân của nó, và hãy biện minh sự hà khắc về mặt tinh thần bằng lòng thánh thiện của những kẻ bị nó áp chế (Living Room* của Graham Greene).
Đó là một kiểu lấy bệnh trị bệnh: người ta chữa các căn bệnh nghi ngờ Giáo hội, nghi ngờ Đội quân bằng chính cái căn bệnh của Giáo hội và của Đội quân. Người ta tiêm vào một chút mầm bệnh không quan trọng để ngăn ngừa hoặc chữa trị căn bệnh chủ yếu. Người ta nghĩ rằng chống đối cái vô nhân đạo của các giá trị thể chế là một căn bệnh phổ biến, tự nhiên, có thể dung thứ: không nên đối đầu thẳng thừng với nó mà tốt hơn là nên phù phép như phù phép đuổi tà ma: người ta để cho con bệnh thể hiện căn bệnh của mình, người ta lái con bệnh đến chỗ nhận ra chính bộ mặt phản kháng của mình, và sự phản kháng càng bay biến một cách chắc chắn khi bộ mặt ấy được gián cách, được nhìn thấy, thể chế chỉ còn là một hỗn hợp tốt xấu, nghĩa là không tránh khỏi, hai mặt đều chấp nhận được, và do đó có lợi. Cái xấu vốn có của mặt tiêu cực được chuộc bởi cái tốt siêu việt của tôn giáo, của tổ quốc, của Giáo hội v.v.. “Thú nhận” một chút xấu xa tránh cho khỏi phải thừa nhận nhiều cái xấu xa được che giấu.
Người ta có thể tìm thấy ở quảng cáo cái sơ đồ có tính chất tiểu thuyết thể hiện rõ loại vắc-xin mới ấy. Đấy là quảng cáo Astra. Mẩu chuyện luôn luôn bắt đầu bằng tiếng kêu tức giận đối với mac-ga-rin: “Mac-ga-rin chỉ là bọt à? Không thể tưởng tượng được!” “Thể này mà là mac-ga-rin ư? Cậu mày sẽ nổi khùng lên đấy!” Và rồi đôi mắt mở to, lòng dịu đi, mac-ga-rin là một thức ăn ngon, thú vị, dễ tiêu, tiết kiệm, hữu ích trong mọi hoàn cảnh. Người ta biết bài học cuối cùng rút ra: “Thế là các vị được giải thoát khỏi một thành kiến đã khiến các vị phải trả giá đắt!” Cũng theo cách ấy Thể chế giải phóng cho các vị khỏi những thành kiến tiến bộ của các vị. Đội quân, giá trị lý tưởng ư? Không thể tưởng tượng được; cứ nhìn mà xem những phiền nhiễu của nó, thái độ quân phiệt của nó, sự mù quáng luôn có thể bắt gặp ở các cấp chỉ huy của nó. Giáo hội không thể sai lầm ư? Chà, đáng ngờ lắm: cứ nhìn mà xem những kẻ mê đạo của nó, những linh mục không uy quyền của nó, tính chất xu thời chết người của nó. Và rồi lương tri tính đi toán lại: những cái hại lặt vặt của thể chế có đáng kể gì so với các lợi ích của nó? Cũng đáng giá của một liều vắc-xin đấy chứ. Xét cho cùng, mac-ga-rin chỉ là mỡ có hề chi đâu nếu hiệu suất của nó cao hơn hiệu suất của bơ? Xét cho cùng, thể chế hơi tàn bạo và mù quáng một chút có hề chi đâu, nếu nó làm cho chúng ta được sống với giá rẻ hơn? Chúng ta đây, cả chúng ta nữa, được giải thoát khỏi một thành kiến mà chúng ta đã phải trả giá đắt, quá đắt, chúng ta đã phải trả giá bằng quá nhiều trăn trở, quá nhiều phản kháng, quá nhiều đấu tranh và quá nhiều cô đơn.