Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những Huyền Thoại

Poujade Và Các Nhà Trí Thức

Tác giả: Roland Barthes
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Poujade và các nhà trí thức

THEO Poujade thì các nhà trí thức là ai? Chủ yếu là các “giáo sư” (“các giáo sư Sorbonne, các nhà sư phạm dũng cảm, các trí thức tỉnh lỵ”) và các kỹ thuật gia (“các kỹ trị gia, các nhà bách nghệ, các chuyên gia đa ngành hoặc các tên trộm đa tài*”). Có thể lúc đầu Poujade nghiêm khắc với các nhà trí thức chỉ là dựa trên mối oán hận về thuế khoá: “giáo sư” là kẻ trục lợi*; trước hết bởi vì đấy là một người làm công (“Bạn Pierrot tội nghiệp của tôi ơi, bạn không biết hạnh phúc của bạn khi bạn là người làm công”*); và sau nữa là vì ông ấy không kê khai các bài giảng riêng của mình. Còn kỹ thuật gia thì là đứa bạo tàn dưới danh nghĩa kẻ đi kiểm tra bị căm ghét, hắn ta hành hạ người nộp thuế. Nhưng vì chủ nghĩa Poujade* ngay lập tức đã tìm cách xây dựng những siêu mẫu của mình, nên nhà trí thức nhanh chóng được chuyển từ phạm trù thuế khoá sang phạm trù huyền thoại.

Cũng như mọi thực thể huyền thoại, nhà trí thức thuộc về một yếu tố tổng quát, thuộc về một chất: đó là không khí, nghĩa là cái trống rỗng (tuy đấy là một danh tính ít có tính chất khoa học). Anh ta lượn lờ bên trên, anh ta không “dính” với thực tại (thực tại hiển nhiên là mặt đất, huyền thoại mập mờ biểu đạt đồng thời giống nòi, nông thôn, địa phương, lương tri, gì gì nữa không kể xiết, v.v.). Một ông chủ quán ăn thường xuyên tiếp các nhà trí thức, gọi họ là những “trực thăng”, hình ảnh dè bỉu ý muốn nói rút từ máy bay ra sức mạnh cường tráng: nhà trí thức bứt ra khỏi hiện thực, nhưng vẫn đứng im tại chỗ trong không trung, và quay tròn: anh ta lên cao nhưng nhút nhát, vừa cách xa vùng trời tôn giáo bao la, vừa cách xa mặt đất vững chãi của người đời. Anh ta thiếu là thiếu những “cội rễ” trong lòng dân tộc. Những trí thức không phải là các nhà duy tâm mà cũng chẳng phải là các nhà hiện thực, đó là những con người mù sương, “u mê”. Tầm cao chính xác của họ là tầm cao của đám mây, điều này Aristophane* xưa kia nói đã nhàm tai (nhà trí thức hồi đó là Socrates*). Treo lơ lửng trong khoảng trống rỗng trên cao, các nhà trí thức đầy ắp sự trống rỗng ấy, họ là “cái trống nhờ rỗng mà vang lên”: người ta thấy ló ra ở đây nền tảng không tránh khỏi của mọi thuyết phản-trí-thức: ngờ vực ngôn ngữ, xem mọi lời lẽ đối địch chỉ là tiếng động, đúng như biện pháp xưa nay vẫn thế của các cuộc luận chiến tiểu tư sản, đó là vạch ra ở người khác những khuyết tật bổ sung cho khuyết tật mà người ta không thấy ở bản thân mình, đó là trút lên đối phương những hệ quả các sai lầm của chính mình, đó là mình mù không thấy thì bảo người ta là tối tăm, mình điếc không nghe thì bảo người ta là nói chẳng ra hồn.

Tầm cao của các đầu óc “thượng đẳng” ở đây một lần nữa được đồng nhất với trừu tượng, chắc hẳn là do độ cao và khái niệm có đặc điểm chung là loãng. Đây là sự trừu tượng máy móc, các nhà trí thức chỉ là những cái máy nghĩ (họ thiếu không phải là thiếu “trái tim” như các triết lý tình cảm chủ nghĩa có thể quan niệm, mà là thiếu “thói ranh ma”, thứ chiến thuật được trực giác nuôi dưỡng). Yếu tố tư duy máy móc tất nhiên có những thuộc tính hay ho khiến nó càng tai quái hơn: trước hết là nhạo báng (các nhà trí thức hoài nghi trước Poujade), tiếp đến là thâm hiểm, bởi vì cỗ máy, do trừu tượng nên bạo tàn: các viên chức ở phố Rivoli* là những kẻ “hư hỏng” thích thú làm cho người đóng thuế đau khổ: là những kẻ đồng lõa với Hệ thống, chúng có cái rắc rối lạnh lùng của Hệ thống, đó là loại phát minh vô bổ, loại chỉ biết phủ nhận, phủ nhận hoài đã từng khiến cho Michelet phải kêu trời, về chuyện các tu sĩ dòng Tên. Vả chăng, đối với Poujade thì các nhà bách nghệ có vai trò cũng gần gần giống như các tu sĩ dòng Tên đối với những người theo chủ nghĩa tự do xưa kia: nguồn gốc của mọi tai hoạ thuế khoá (qua trung gian của phố Rivoli, tên gọi trẹo đi của Địa ngục), những kẻ xây dựng Hệ thống và sau đó tuân thủ Hệ thống như những xác chết, perinde ac cadaver*, theo ngôn từ dòng Tên.

Đó là vì Poujade cho rằng khoa học đặc biệt dễ đi đến thái quá. Mọi sự kiện con người, kể cả sự kiện tinh thần, chỉ tồn tại như đại lượng, cứ so sánh khối lượng ấy với dung tích của một người trung bình thuộc phái Poujade là đủ để hống hách tuyên bố là nó thái quá: có thể những thái quá của khoa học chính là các phẩm chất của nó, và khoa học bắt đầu đúng ngay từ chỗ Poujade thấy nó là vô tích sự. Nhưng kiểu định lượng ấy lại quý giá với thuật hùng biện của Poujade, bởi vì nó sản sinh ra những quái vật, các nhà bách nghệ kia, những kẻ bảo vệ thứ khoa học thuần tuý, trừu tượng, chỉ được vận dụng vào thực tế dưới dạng trừng phạt.

Nhận định của Poujade đối với các nhà bách nghệ (và các nhà trí thức) chẳng phải là hết trông mong: biết đâu nó sẽ có khả năng “vực dậy” “nhà trí thức Pháp”. Căn bệnh của anh ta là sự phì đại (người ta lúc đó sẽ có thể phẫu thuật cho anh ta), là đã đem áp vào dung lượng trí tuệ bình thường của tiểu thương một khúc ruột thừa nặng thái quá: khúc ruột thừa ấy được cấu tạo kỳ dị bởi chính khoa học, khoa học vừa được khách quan hoá vừa được khái niệm hoá, thứ chất liệu rất nặng nó bám vào người ta hoặc tách khỏi người ta hệt như quả táo hoặc miếng bơ mà ông chủ hàng tạp hoá thêm vào hoặc bớt ra để có được trọng lượng chính xác. Bảo rằng nhà bách nghệ bị toán học làm cho u mê có nghĩa là nếu vượt quá một tỉ lệ khoa học nào đấy, người ta sẽ bước vào lĩnh vực định tính của các độc tố. Ra khỏi những giới hạn lành mạnh của định lượng, khoa học mất giá khi nó không còn có thể xác định được như một lao động. Các nhà trí thức, kỹ sư, giáo sư, giáo sư đại học và viên chức không làm gì cả: đó là những nhà duy mỹ, họ năng lui tới, không phải những quán rượu ngon tỉnh lẻ, mà là những quán bar sang trọng ở tả ngạn*. Ở đây xuất hiện một quan niệm thân thuộc với tất cả những chế độ mạnh: đó là đồng nhất tính trí thức với sự nhàn rỗi; nhà trí thức theo định nghĩa là kẻ lười biếng; có lẽ cần phải dứt khoát đưa anh ta vào công việc, chuyển đổi hoạt động chỉ có thể đo đếm trong tình trạng thái quá có hại thành lao động cụ thể, nghĩa là có thể đưa vào hệ đo đếm của Poujade. Người ta biết rằng xét cho cùng, ở đấy không thể có lao động nào được lượng hoá hơn – và cũng có lợi hơn – là đào những cái hố hoặc chất đá thành đống: đó chính là lao động ở trạng thái thuần tuý, vả chăng cũng là lao động mà tất cả các chế độ hậu-Poujade thế nào cũng dành cho nhà trí thức nhàn rỗi.

Định lượng hoá lao động như vậy tất nhiên dẫn đến đề cao sức mạnh cơ thể, sức mạnh của các bắp thịt, của bộ ngực, của đôi cánh tay; ngược lại cái đầu là nơi đáng ngờ, chính vì các sản phẩm của nó thuộc định tính chứ không phải định lượng. Người ta bắt gặp lại ở đây ý Poujade thường dùng để miệt thị bộ óc (cá ươn vì cái đầu, người ta thường nói như vậy ở chỗ Poujade), đầu óc vô duyên tai hại như thế rõ ràng chính là do vị trí lệch tâm của nó, ở tít trên cao của cơ thể, gần với mây trời, xa các cội rễ. Người ta khai thác triệt để ngay tính chất mập mờ của khái niệm cao siêu; cả một vũ trụ quan được dựng lên, không ngừng chơi giỡn xoay quanh sự giống nhau mơ hồ giữa cơ thể, tinh thần và xã hội: cơ thể đấu tranh chống lại đầu óc ư, đó là cả một cuộc đấu tranh của những kẻ hèn mọn, của chốn tăm tối sống động chống lại cái trên cao.

Chính Poujade cũng đã nhanh chóng triển khai truyền thuyết về sức mạnh cơ thể của mình: được cấp bằng huấn luyện viên thể dục thể thao, cựu R.A.F.*, cầu thủ bóng bầu dục, lý lịch ấy bảo đảm giá trị của ông ta: để đổi lấy sự gắn bó của thuộc hạ, thủ trưởng truyền cho sức mạnh về căn bản có thể đo đếm, bởi vì đó là sức mạnh của cơ thể. Vì vậy uy thế đầu tiên của Poujade (hãy hiểu là nền tảng lòng tin thương lái mà người ta có thể có được ở ông ấy) là sức bền của ông (“Poujade, đó là hiện thân của quỷ, ông ta không biết mệt”). Các chiến dịch đầu tiên của ông trước hết là những thành tích về thể lực chạm đến mức siêu phàm (“Đó là hiện thân của quỷ”). Sức mạnh gang thép ấy sinh ra tính chất biến tại (Poujade cùng lúc có mặt khắp nơi), nó làm cho ngay đến chất liệu cũng phải oằn xuống (Poujade làm mục gãy tất cả những chiếc xe ông ta sử dụng). Tuy nhiên ở Poujade còn có một giá trị khác ngoài sức bền: đó như một cái duyên, được ban phát thoải mái ngoài sức-mạnh-hàng-hoá, như kiểu theo luật lệ ngày xửa ngày xưa, người bán một bất động sản phải thêm cho khách mua một thứ đồ vật: khoản “trà thuốc” ấy khiến thủ trưởng ra thủ trưởng và Poujade tỏ vẻ có tài, đó là giọng nói của ông ta, phần thêm thắt ngoài việc tính toán sòng phẳng. Chắc hẳn giọng nói ấy xuất phát từ nơi có ưu thế của cơ thể, nơi ấy đồng thời vừa ở giữa vừa có cơ bắp, đó là lồng ngực, nó đối nghịch hẳn với cái đầu trong toàn bộ huyền thoại cơ thể ấy; nhưng giọng nói, phương tiện truyền dẫn ngôn từ răn dạy lại thoát ra khỏi quy luật nghiệt ngã của định lượng: số phận của các đồ vật thông thường là dùng mãi mòn đi, còn giọng nói lại có tính chất mỏng manh dễ vỡ quý giá của những đồ vật xa hoa; giọng nói phù hợp không phải là cứ oang oang, nói mãi không biết mệt, mà là ăn nói dịu dàng ngọt ngào; giọng nói của Poujade tiếp nhận giá trị thanh thoát và tuyệt vời vốn được dành cho đầu óc của nhà trí thức trong các huyền thoại khác.

Tất nhiên cấp phó của Poujade cũng phải thuộc loại oai vệ như thế, song cục mịch hơn, chẳng quỷ quái bằng, đó là một người “lực lưỡng”: “ông Launey tráng kiện, nguyên là cầu thủ bóng bầu dục… với hai cẳng tay lông lá và to khoẻ… không có vẻ là một đứa con của Marie”, ông Cantalou “cao lớn, lực lưỡng, vuông vức, mắt nhìn thẳng, nắm đấm rắn chắc và thẳng thắn”. Bởi vì, như nhiều người vẫn nói, cơ thể sung mãn thì tinh thần trong sáng: chỉ có ai to khoẻ mới có thể thẳng thắn. Người ta ngờ rằng bản chất chung của tất cả các uy thế ấy là sự tráng kiện, mà trong lĩnh vực tinh thần là “tính cách”, tráng kiện là đối thủ của trí tuệ, thứ không được chấp nhận vào vùng trời của Poujade: người ta liền thay thế nó ở đây bằng một phẩm chất trí tuệ đặc thù, đó là sự quỷ quái; người anh hùng, ở chỗ Poujade, là kẻ được phú bẩm đồng thời vừa tính hung hăng, vừa thói ranh mãnh (“Đó là một gã ranh ma”). Thói xảo quyệt ấy, dù có tính chất trí tuệ, vẫn không đưa lý trí bị ghê tởm vào lại ngôi đền tôn vinh của Poujade: các thần thánh tiểu tư sản tuỳ sở thích ban phát nó hoặc rút nó lại, thuần tuý theo cơ may. Vả chăng xét cho cùng đó là năng khiếu gần gần thuộc về thể chất, có thể so sánh với tài đánh hơi của con vật; nó chỉ là bông hoa hiếm của sức mạnh, là năng lực đánh hơi hoàn toàn thuộc thần kinh (“Tôi, tôi đi dò la”).

Ngược lại, nhà trí thức bị lên án chính là ở cơ thể xấu xí: Mendès trông xấu như con át pích, ông ta có vẻ như chai nước Vichy (vừa là khinh bỉ nước vừa là khinh bỉ chứng đầy bụng), ẩn náu trong cái đầu trương phình mong manh dễ vỡ và vô dụng, cả con người trí thức bị mắc cái chứng nặng nề nhất trong các chứng về cơ thể, đó là chứng mệt mỏi (sự suy đồi trong lĩnh vực cơ thể); tuy rằng nhàn rỗi nhưng do bẩm sinh nên cứ mệt mỏi, khác với kiểu Poujade, mặc dù khó nhọc mà vẫn khoan khoái. Ta đụng chạm đến ở đây ý niệm sâu xa của tất cả đạo lý về cơ thể con người: ý niệm về chủng tộc. Các nhà trí thức là một chủng tộc, phái Poujade là một chủng tộc khác.

Tuy nhiên, Poujade có một quan niệm về chủng tộc mới nhìn thoáng qua thì rất ngược đời. Cho rằng người Pháp trung bình là kết quả của nhiều sự pha trộn (điệu quen thuộc: nước Pháp, lò luyện các chủng tộc), Poujade đem đối lập một cách kiêu ngạo tính đa dạng về nguồn gốc ấy với giáo phái nghiêm ngặt của những kẻ xưa nay chỉ kết hôn giữa họ với nhau mà thôi (tất nhiên các bạn hãy hiểu đó là dân Do Thái). Ông ta trỏ vào Mendès-France* mà thét lên: “Chính mi là tên phân biệt chủng tộc!”; rồi ông ta bình luận: “Giữa hai chúng tôi, ông ấy có thể là gã phân biệt chủng tộc, vì chỉ ông ấy là có một chủng tộc”. Poujade thi hành đến cùng cái mà người ta có thể gọi là chủ nghĩa chủng tộc pha trộn, mà chẳng e ngại gì, bởi lẽ “sự pha trộn” từng được khoe khoang hết lời chỉ nhào trộn, theo chính Poujade, những Dupont, những Durand và những Poujade mà thôi, nghĩa là trước sau vẫn chính là mình. Rõ ràng ý niệm về một “chủng tộc” tổng hợp là rất quý giá, vì nó cho phép khi thì nghiêng về phía hỗn hợp, khi thì nghiêng về phía chủng tộc. Trong trường hợp thứ nhất, Poujade vận dụng ý niệm cũ về quốc gia, xưa kia có tính chất cách mạng, ý niệm ấy đã nuôi dưỡng tất cả những chủ nghĩa tự do của Pháp (Michelet chống lại Augustin Thierry*, Gide chống lại Barrès*, v.v.): “Các tổ tiên của chúng ta, những người Celtes, những người Arvernes, tất cả đều pha trộn với nhau. Tôi là đứa con sinh ra từ lò luyện của những cuộc nhập cư và di dân”. Trong trường hợp thứ hai, ông ta bắt gặp chẳng khó khăn gì đối tượng chủng tộc chủ nghĩa cơ bản là Huyết thống (ở đây đặc biệt là huyết thống Celtes, huyết thống của Le Pen*, người Bretagne rắn chắc ngăn cách với những nhà duy mỹ của Cánh Tả Mới bằng cả một vực sâu chủng tộc, hoặc huyết thống Gaule mà Mendès bị tước mất). Cũng như với trí tuệ, ở đây có vấn đề phân phối tuỳ tiện các giá trị: một số huyết thống gộp lại với nhau (huyết thống của những Dupont, những Durand và những Poujade) chỉ sinh ra huyết thống thuần khiết, và người ta có thể yên tâm với tác dụng tổng hợp của những khối lượng đồng chất; còn những huyết thống khác (nhất là huyết thống của những nhà kỹ trị không quốc tịch) là những hiện tượng định tính thuần tuý, do đó mà bị dè bỉu trong thế giới Poujade; chúng không thể pha trộn với nhau, không thể được khối lượng to lớn của Pháp cưu mang, không thể nhập vào với “khối dung tục” này là bộ phận hân hoan nhờ số lượng đông đảo đối lập với nỗi mệt mỏi của các nhà trí thức “phong nhã”.

Sự đối lập về chủng tộc giữa những kẻ to khoẻ và những kẻ mệt mỏi, giữa những người Gaule và những người không quốc tịch, giữa dân dung tục và dân tao nhã, đơn giản lại chính là sự đối lập giữa tỉnh lẻ và Paris. Paris thâu tóm mọi thói hư tật xấu của Pháp: Hệ thống, thói bạo tàn, tính trí óc, nỗi mệt mỏi: “Paris là một quái vật, bởi vì cuộc sống bị xộc xệch: đó là cuộc sống náo nhiệt, ồn ào, quay cuồng suốt từ sáng đến tối, v.v.”. Paris cũng thuộc loại độc tố, chất liệu về căn bản là định tính (điều này Poujade ở một chỗ khác gọi là phép biện chứng, mà không nghĩ rằng mình nói đúng đến thế), người ta đã thấy chất liệu ấy đối lập với thế giới định lượng của lương tri. Đương đầu với “tính chất” đối với Poujade đã là một thử thách quyết định, là Rubicon* của ông ta: xông lên Paris, giành giật lại các nghị sĩ ôn hoà tỉnh lẻ bị thủ đô mua chuộc, những kẻ thật sự phản bội chủng tộc của họ, được chờ đợi ở làng quê với những chiếc cào cỏ, bước nhảy đó đã xác định một cuộc di dân chủng tộc to lớn, còn hơn cả sự mở rộng về chính trị.

Với thái độ ngờ vực dai dẳng như thế, liệu Poujade có thể cứu vãn hình thái trí thức nào đó, đem đến cho nó một hình ảnh lý tưởng, nói tóm lại là đưa ra hình mẫu trí thức theo như Poujade quan niệm hay không? Poujade chỉ nói với chúng ta rằng riêng “các trí thức xứng với tên gọi ấy” mới sẽ được bước vào Olympe của ông ta mà thôi. Thế là một lần nữa chúng ta trở lại với một trong những định nghĩa nổi tiếng theo kiểu đồng nhất (A=A) mà tôi đã nhiều lần ngay ở sách này gọi là các trùng ngôn, nghĩa là chẳng đi đến đâu hết. Như vậy tất cả tính chất phản-trí-thức kết thúc ở sự tiêu vong của ngôn ngữ, nghĩa là ở sự huỷ diệt của khả năng giao tiếp xã hội.

Phần lớn những chủ đề mang tính chất Poujade ấy, dù xem ra có vẻ hết sức ngược đời, đều là các chủ đề lãng mạn suy thoái. Khi Poujade muốn định nghĩa Dân chúng, thì ông ta trích dẫn dài dòng lời tựa vở kịch Ruy Blas*: và người trí thức dưới con mắt của Poujade, thì cũng gần gần giống như nhà luật học và tu sĩ dòng Tên của Michelet, một kẻ khô khan, tự phụ, vô tích sự và nhạo báng. Đó là vì giai cấp tiểu tư sản ngày nay tiếp thu gia tài hệ tư tưởng của giai cấp tư sản tự do hôm qua là chính giai cấp đã giúp nâng cao địa vị xã hội của nó: chủ nghĩa tình cảm của Michelet chứa đựng nhiều mầm móng phản động. Barrès biết rõ điều ấy. Dù cho khoảng cách tài năng xa nhau, Poujade có lẽ vẫn còn có thể ký tên vào một số trang cuốn sách Dân chúng* của Michelet (1846).

Vì vậy, về chính vấn đề các trí thức, chủ nghĩa Poujade vượt quá Poujade rất nhiều: tư tưởng phản-trí-thức xâm nhập nhiều giới chính trị khác nhau, và không nhất thiết cứ phải thuộc phái Poujade mới căm ghét tư tưởng. Bởi vì bị công kích ở đây là mọi hình thái văn hoá biện giải, nhập cuộc, và được nâng đỡ là văn hoá “hồn nhiên”, thứ văn hoá ngây thơ để cho bạo chúa được tự do hành động. Vì vậy các nhà văn, theo nghĩa đen, không bị loại trừ khỏi gia đình Poujade (một số nhà văn, được nhiều người biết đến, đã gửi cho Poujade các tác phẩm của mình với những lời đề tặng nịnh bợ). Bị lên án là nhà trí thức, nghĩa là một lương tâm, hay đúng hơn là một Cái nhìn (Poujade nhắc lại ở đâu đấy rằng hồi còn là học sinh trung học, cậu ta rất khổ tâm khi bị các bạn học nhìn mình). Đừng có ai nhìn chúng ta cả, đó là nguyên tắc chủ nghĩa phản-trí-thức của Poujade. Duy có điều, nhìn từ góc độ nhà dân tộc học, các thái độ lôi kéo và xua đẩy rõ ràng là bổ sung cho nhau, và theo một nghĩa nào đó, và đấy không phải nghĩa Poujade tin tưởng, ông ta vẫn cần đến các nhà trí thức, bởi vì nếu ông ta lên án trí thức, thì đấy là với tư cách cái ác ma quái: trong xã hội Poujade, người trí thức có nhiệm vụ đáng nguyền rủa và cần thiết của một gã phù thuỷ hư đốn.

Chọn tập
Bình luận