Giai cấp tư sản như công ty vô danh
HUYỀN THOẠI thích ứng với lịch sử ở hai điểm: hình thức của nó chỉ là lý do khơi gợi một cách tương đối; khái niệm của nó về bản chất có tính lịch sử. Vậy nên có thể hình dung cách nghiên cứu lịch đại các huyền thoại, hoặc người ta xem xét huyền thoại theo hướng nhìn về quá khứ (và thế là lập ra huyền thoại học lịch sử), hoặc người ta theo dõi diễn biến của một số huyền thoại trước kia cho tới hình thức của chúng ngày nay (và thế là tiến hành lịch sử hướng tương lai. Ở đây tôi chỉ phác thảo về phương diện đồng đại các huyền thoại ngày nay là vì một lý do khách quan: xã hội chúng ta là môi trường ưu đãi của những biểu đạt huyền thoại. Bây giờ cần phải nói tại sao.
Dù lịch sử đem đến cho chúng ta những biến cố, những thoả hiệp, những nhượng bộ và những phiêu lưu chính trị thế nào đi nữa, các thay đổi về kỹ thuật, về kinh tế hoặc cả về xã hội thế nào đi nữa, thì xã hội chúng ta vẫn còn là một xã hội tư sản. Tôi chẳng phải không biết là từ năm 1789, ở Pháp, nhiều kiểu giai cấp tư sản nối tiếp nhau nắm quyền; nhưng cơ cấu sâu xa vẫn thế, đó là cơ cấu của một chế độ tư hữu nhất định, của một trật tự nhất định, của một hệ tư tưởng nhất định. Thế nhưng trong việc định danh lại xảy ra một hiện tượng đáng chú ý: về mặt kinh tế, giai cấp tư sản được gọi tên chẳng khó khăn: công khai là chủ nghĩa tư bản*. Về mặt chính trị, giai cấp ấy thừa nhận mình một cách khó khăn: không có các đảng “tư sản” ở Nghị viện. Về mặt hệ tư tưởng, nó biến mất hoàn toàn: giai cấp tư sản đã xoá tên mình bằng cách chuyển từ thực tế sang biểu hiện của nó, từ con người kinh tế sang con người tinh thần: nó dễ dàng dàn xếp về các sự kiện, nhưng nó không thoả hiệp về các giá trị, nó tiến hành chiến dịch thoát-danh* thật sự; giai cấp tư sản tự xác định như giai cấp xã hội không muốn được gọi tên. “Tư sản”, “tiểu tư sản”, “chủ nghĩa tư bản*”, “giai cấp vô sản*” là những nơi xảy ra tình trạng chảy máu không ngừng: nghĩa thoát ra khỏi chúng cho đến khi tên gọi là gì trở nên vô ích.
Hiện tượng thoát-danh cũ ấy rất quan trọng, cần phải xem xét tỉ mỉ một chút. Về phương diện chính trị, tình trạng chảy máu của danh tính tư sản diễn ra qua ý niệm quốc gia. Đó từng là ý niệm tiến bộ vào thời của nó, dùng để loại trừ giai cấp quý tộc; ngày nay, giai cấp tư sản hoà tan vào quốc gia, dù phải quẳng ra khỏi quốc gia những thành phần mà nó tuyên bố là ngoại nhập (những người cộng sản). Thuyết hổ lốn có chỉ đạo ấy cho phép giai cấp tư sản nhận được sự bảo lãnh về số lượng của các đồng minh tạm thời là tất cả những giai cấp trung gian, do đó mà là những giai cấp “chưa định hình”.
Tuy sử dụng đã lâu, nhưng từ quốc gia cũng đã không thể được phi chính trị hoá một cách sâu sắc; thực thể chính trị của nó vẫn còn đấy, rất gần, hoàn cảnh nào đó bất chợt bộc lộ nó ra: ở Nghị viện có các đảng “quốc gia”, và cách định danh hổ lốn phô bày ra ở đây điều mà nó có ý định che giấu, đó là sự khác biệt căn bản. Ta thấy đấy, thuật ngữ chính trị của giai cấp tư sản đã khẳng định như một tiền đề là có cái đại đồng: nhưng bản thân chính trị đã là sự thể hiện ý thức hệ, một mảnh ý thức hệ.
Về phương diện chính trị, cố gắng quan niệm thuật ngữ mang tính đại đồng thế nào đi nữa, thì cuối cùng giai cấp tư sản cũng vấp phải ổ đề kháng, theo định nghĩa đó là đảng cách mạng. Nhưng đảng chỉ có thể là tài sản chính trị: trong xã hội tư sản, không có văn hoá vô sản cũng như đạo đức vô sản, không có nghệ thuật vô sản: về phương diện tư tưởng, tất cả những gì không phải tư sản đều buộc phải vay mượn của giai cấp tư sản. Vậy là hệ tư tưởng tư sản có thể đổ đầy tất cả mà chẳng bị nguy cơ mất đi ở đó cái tên mình: chẳng ai, ở đây, sẽ trả lại nó cái tên; nó có thể bao nhiếp sân khấu tư sản, nghệ thuật tư sản, con người tư sản dưới những cái tương tự vĩnh hằng của chúng mà chẳng gặp phản kháng; tóm lại, nó có thể thả cửa thoát khỏi danh tính của mình, khi chỉ còn cùng một bản chất người mà thôi: sự rút bỏ cái tên tư sản ở đây là toàn bộ.
Tất nhiên cũng có những sự nổi loạn chống lại hệ tư trưởng tư sản. Đó là cái mà người ta thường gọi chung là tiền phong. Nhưng các sự nổi loạn ấy đều hạn chế về mặt xã hội, chúng vẫn có thể được thu phục. Trước hết bởi vì chúng xuất phát từ chính một bộ phận của giai cấp tư sản, từ một nhóm thiểu số các nghệ sĩ, các trí thức, chẳng có công chúng nào khác là chính cái giai cấp mà họ không thừa nhận, và họ vẫn lệ thuộc vào tiền bạc của giai cấp ấy để tự thể hiện. Hơn nữa, những cuộc nổi loạn ấy luôn luôn khơi nguồn cảm hứng từ sự phân biệt hết sức rõ ràng giữa tư sản về đạo đức và tư sản về chính trị; khuynh hướng tiền phong phản đối là phản đối tư sản trong nghệ thuật, trong đạo đức, đó là kẻ thiển cận, kẻ phàm tục, như vào thời đẹp đẽ nhất của chủ nghĩa lãng mạn; nhưng phản đối về chính trị thì tuyệt nhiên không*. Khuynh hướng tiền phong không tha thứ ở giai cấp tư sản là không tha thứ ngôn ngữ của nó, chứ không phải quy chế của nó. Khuynh hướng tiền phong chẳng phải là tán thành quy chế ấy, mà là đặt nó trong ngoặc đơn: dù công kích mãnh liệt thế nào đi nữa thì cuối cùng khuynh hướng ấy biện hộ là biện hộ cho con người bị bỏ rơi, chứ không phải con người bị tha hoá; mà con người bị bỏ rơi thì lại vẫn là Con người Muôn thuở*.
Tình trạng vô danh của giai cấp tư sản càng đậm thêm khi người ta chuyển từ văn hoá tư sản đích thực sang những hình thức mở rộng, phổ biến, được sử dụng của nó, mà ta có thể gọi là triết lý công cộng, thứ triết lý nuôi dưỡng đạo lý đời thường, các nghi lễ dân sự, các lễ thức phàm tục, tóm lại là những quy phạm bất thành văn của cuộc sống giao tiếp ở xã hội tư sản. Muốn quy văn hoá thống trị ấy vào cái lõi sáng tạo của nó chỉ là ảo tưởng: còn có văn hoá tư sản thuần tuý tiêu dùng . Cả nước Pháp đắm mình trong hệ tư tưởng vô danh ấy: báo chí của chúng ta, điện ảnh của chúng ta, nhà hát của chúng ta, văn chương bán rất chạy của chúng ta, các lễ nghi của chúng ta, Toà án của chúng ta, nền ngoại giao của chúng ta, các cuộc trò chuyện của chúng ta, thời tiết ra sao, người ta xét xử tội gì, cuộc hôn nhân khiến người ta xôn xao, món nấu nướng người ta mơ ước, quần áo người ta mặc, tất cả, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta đều phụ thuộc vào biểu hiện những mối quan hệ giữa con người và thế giới mà giai cấp tư sản tiến hành cho mình và cho chúng ta. Các hình thức “chuẩn mực hoá ấy” càng mở rộng càng ít gây chú ý; nguồn gốc của chúng có thể dễ dàng lẫn vào đấy; chúng lợi dụng được vị trí trung gian: vì không trực tiếp gắn với chính trị, cũng chẳng trực tiếp liên quan đến hệ tư tưởng, chúng sống yên ổn giữa hoạt động của các chiến sĩ đấu tranh và sự cà khịa của các trí thức; bị cả những người này và những người kia ít nhiều bỏ rơi, chúng gia nhập vào khối rộng lớn những cái bùng nhùng, vô nghĩa, tóm lại là vào bản chất tự nhiên. Tuy vậy chính là do đạo đức học của nó mà giai cấp tư sản thâm nhập nước Pháp: các chuẩn mực tư sản thực thi rộng khắp cả nước,được trải nghiệm như những quy luật rõ ràng của trật tự tự nhiên: giai cấp tư sản càng truyền bá những biểu hiện của nó, các biểu hiện ấy càng biến thành bản chất tự nhiên. Chất tư sản ngấm vào trong một vũ trụ lờ mờ, ở đấy chỉ có cư dân là Con người Muôn thuở, chẳng vô sản mà cũng chẳng tư sản.
Vậy là hệ tư tưởng tư sản có thể để mất đi chắc chắn nhất tên của mình bằng cách thâm nhập vào các giai cấp trung gian. Các chuẩn mực tiểu tư sản là những cặn bã của văn hoá tư sản, đó là những chân lý tư sản đã thoái hoá, đã nghèo nàn đi, đã thương mại hoá, đã hơi sáo mòn, hay có thể nói là đã lỗi thời. Liên minh chính trị của giai cấp tư sản và giai cấp tiểu tư sản định đoạt từ hơn một thế kỷ nay lịch sử nước Pháp: nó hoạ hoằn mới bị phá vỡ, và lần nào cũng chẳng có ngày mai (1848, 1871, 1936). Liên minh ấy tăng cường theo với thời gian, dần dần trở thành cộng sinh; có thể xảy ra những đợt thức tỉnh tạm thời, nhưng chẳng bao giờ hệ tư tưởng chung bị đả động tới: cùng một chất hồ “tự nhiên” phủ lên mọi biểu hiện “quốc gia”: cuộc đại hôn nhân tư sản, xuất phát từ tập tục giai cấp (phô bày và phát tán tài sản) không thể có mối liên quan nào với thể chế kinh tế của giai cấp tiểu tư sản: nhưng qua báo chí, thời sự, văn chương, cuộc hôn nhân ấy dần dần trở thành chính cái chuẩn mực, nếu không phải để sống, chí ít là để mơ màng của cặp vợ chồng tiểu tư sản. Giai cấp tư sản không ngừng hấp thụ vào hệ tư tưởng của nó cả một bộ phận đông đảo nhân loại thiếu thể chế sâu sắc của riêng mình, mà chỉ có thể sống cái thể chế ấy trong tưởng tượng, nghĩa là trong ý thức bất di bất dịch và nghèo nàn*. Bằng cách truyền bá những biểu hiện của mình qua một loạt các hình ảnh tập thể để giai cấp tiểu tư sản sử dụng, giai cấp tư sản khẳng định hão huyền là không có sự phân chia giai cấp trong xã hội: sự thoát danh tư sản đạt hiệu quả trọn vẹn nhất chính từ lúc một nữ thư ký đánh máy lương tháng hai nhăm ngàn franc nhận ra mình trong cuộc đại hôn nhân tư sản.
Rũ bỏ cái tên tư sản chẳng phải là một hiện tượng hão huyền, ngẫu nhiên, thứ yếu, tự nhiên hoặc vô nghĩa; mà chính là hệ tư tưởng tư sản, là động thái qua đó giai cấp tư sản biến thực tại của thế giới thành hình ảnh của thế giới, biến Lịch sử thành Bản chất tự nhiên. Và hình ảnh ấy đáng chú ý ở chỗ nó là một hình ảnh đảo ngược*. Thể chế của giai cấp tư sản là đặc thù, có tính lịch sử: con người mà nó biểu hiện sẽ là đại đồng, muôn thuở; giai cấp tư sản đúng là đã xây dựng quyền lực của mình trên những tiến bộ kỹ thuật, khoa học, trên sự biến đổi tự nhiên vô hạn: hệ tư tưởng tư sản sẽ khôi phục một tự nhiên không thể biến chất; những triết gia tư sản đầu tiên hiểu thấu thế giới các sự biểu đạt, bắt mọi thứ phải phục tùng tính duy lý, tuyên bố chúng phục vụ cho con người: hệ tư tưởng tư sản sẽ mang tính chất duy khoa học chủ nghĩa hoặc trực giác, nó sẽ ghi nhận sự việc hoặc sẽ nhận thức giá trị, nhưng sẽ khước từ giải thích: trật tự của thế giới sẽ tự nó là đủ hoặc khó nói ra, nó sẽ chẳng bao giờ biểu đạt cái gì. Cuối cùng, ý niệm đầu tiên về một thế giới có thể hoàn thiện, chuyển động, sẽ sản sinh ra hình ảnh đảo ngược về một nhân loại bất biến, được xác định bởi tính đồng nhất trở đi trở lại mãi mãi. Tóm lại, trong xã hội tư sản hiện đại, bước chuyển từ cái thực tại sang hệ tư tưởng được xác định như bước chuyển từ cái anti-physis sang cái pseudo-physis.*