Con trai của bố:
Con kể với bố, trận bóng rổ hôm nay Harris đã bị bạn học khác thúc đầu gối vào “chỗ ấy”… Con đã rất sợ hãi: “Kiểu này lần sau khi chơi bóng phải hết sức cẩn thận, ngộ nhỡ làm sao thì chết…”
Mặc dù chúng ta đã nói nhiều về chủ đề tổn thương vùng kín khi vận động, nhưng con cũng không nên vì vậy mà trở nên sợ vận động.
Thông thường sức tái sinh của tinh hoàn rất mạnh mẽ. Không hiểu con đã có những trải nghiệm này chưa nhỉ, tinh hoàn sau khi bị tổn thương rất đau, đau đến nỗi không thể chịu đựng được, nhưng chỉ một lúc sau sẽ lại trở lại như bình thường. Đó là bởi vì bẩm sinh tinh hoàn đã có năng lực tự bảo vệ mình, khi nó bị kích thích một cách bất ngờ thì nó sẽ có phản xạ tự động co lại và tụt vào phía trong. Vì vậy, chỉ cần đó là những cú va chạm không quá mạnh, thì đợi một chút tinh hoàn sẽ lại trở về vị trí cũ. Mọi chuyện không có gì nghiêm trọng. Nhưng nếu như tinh hoàn bị va chạm khá mạnh, khiến cho nó co lại, rút lên cao, và một khoảng thời gian dài sau đó vẫn không chịu trở về vị trí cũ, thì lúc này tinh hoàn chuyển động khiến cho huyết quản bị xoắn vặn, dẫn tới việc cung cấp máu cho tinh hoàn bị gián đoạn có thể làm tinh hoàn bị hoại tử.
Bởi vậy khi vận động hay đùa nghịch cùng đám bạn nếu chẳng may động đến tinh hoàn, cơn đau nhanh chóng giảm dần và biến mất thì đó chính là tinh hoàn đã nhanh chóng trở về vị trí cũ của mình, con có thể coi như không có việc gì xảy ra. Nhưng nếu tinh hoàn bị va chạm mạnh, cơn đau âm ỉ không dứt do tinh hoàn không thể nhanh chóng trở về vị trí cũ hoặc khi đi tiểu nước tiểu có lẫn máu, thì phải lập tức đến bệnh viện để bác sĩ cứu chữa. Chỉ cần kịp thời đến bệnh viện để chẩn trị thường những tổn thương đó sẽ mau chóng được hồi phục, cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc sinh con sau này.
Nhưng bố cũng cần phải nhấn mạnh một điều, nhất định không được vì xấu hổ mà không đến bệnh viện chữa trị, giấu bệnh thì sẽ có lúc thấy hối hận cũng đã muộn.
Con trai nhớ nhé!
Bố của con.