Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

80 Lời Bố Gửi Con Trai

Bức Thư Thứ 76: Uyên Bác Sáng Tạo

Tác giả: Từ Ninh
Chọn tập

Con trai của bố:

Thời đại hiện nay là thời đại bùng nổ thông tin, kinh tế phát triển mạnh mẽ, khoa học kỹ thuật phát triển một cách chóng mặt, tầm quan trọng của tri thức thì có lẽ không cần phải nói nhiều nữa. Một người có một nền tảng tri thức vững chắc luôn là tiêu điểm trong số đông người, luôn nhận được sự đồng tình, chấp nhận, khâm phục của mọi người. Có được một kho tri thức uyên thâm, rộng rãi và nhiều năng lực cũng sẽ là người thành công trong công việc, thậm chí trong mọi lĩnh vực. Vì vậy, ý nghĩa của “uyên bác” chúng ta cũng không cần phải nói nhiều nữa nhé.

Có câu nói: “mọi thiên tài đều sở hữu một sức sáng tạo phi phàm”. Rất nhiều nhà khoa học đạt được giải Nobel thời niên thiếu không phải là một người “an phận thủ thường”, họ thường đưa ra những ý tưởng kỳ dị, có những hành động kỳ quái, bởi vì họ luôn thích được làm những điều mà người khác không tưởng tượng nổi, hay mọi người chưa từng làm bao giờ. Giải Nobel Sinh học và Y học vào năm 1962 của Cricks; Giải Nobel Vật lý học năm 1972 của Cooper; Giải Nobel Sinh học và Y học vào năm 1991 của Enns… tất cả đều là những sự kiện bùng nổ, nổi tiếng trên thế giới. Nhưng cũng vì sự không an phận, không ngừng sáng tạo đó mới có thể khiến cho họ đạt được những thành tựu lớn lao đến như thế.

Thật ra, mỗi một con người đều có sự sáng tạo của mình, đều có khả năng sáng tạo ra những phương pháp mới để giải quyết vấn đề. Đúng như các nhà tâm lý học đã nói, những khả năng mà chúng ta đã bộc phát ra chỉ là “một phần cực nhỏ trong tài nguyên khổng lồ của cơ thể và trí não của chúng ta”. Mỗi sự sáng tạo của một con người là một núi băng chìm ở dưới biển, có lúc có thể thấy được một góc của nó, cũng có lúc thậm chí lại không hề thấy nó đâu cả. Khi còn nhỏ, đứa trẻ nào cũng rất hiếu kỳ, tò mò, chuyện gì cũng muốn được tìm hiểu đến nơi đến chốn cho thật thấu đáo, chính vì thế mà chúng không hề sợ sệt gì cả, chỉ thích mạo hiểm và có thể tìm thấy được niềm vui ở trong đó. Tính hiếu kỳ, tò mò chính là động lực để trẻ tiến hành sáng tạo ra những hoạt động, tính hiếu kỳ càng mạnh thì sức tưởng tượng lại càng phong phú, tính sáng tạo càng cao. Bố còn nhớ con hồi nhỏ đã có thể dùng giấy vệ sinh để quấn thành cái ô tô nhỏ, tự pha chế bột xà phòng để thổi ra những quả bong bóng nhiều màu sắc, để cây nến cháy chảy lên ngón tay…. tuy rằng không bùng nổ nhưng nó đã rèn luyện cho con tính sáng tạo và năng lực sử dụng đôi tay…. Sự hiếu kỳ đó, tinh thần ham tìm tòi, học hỏi đó, bố hy vọng con sẽ giữ và phát huy nhé, và con cũng đừng quên không ngừng khiêu chiến với chính bản thân mình, tìm cho mình một mục tiêu và niềm vui mới.

Bố cũng phải nói thêm một điểm nữa là: sức sáng tạo không phải không có biên giới, là những không tưởng xa vời mà nó là một dạng khả năng giúp cho con người ta có thể thích ứng với hoàn cảnh. Người có sự sáng tạo chắc chắn sẽ có thể vận dụng linh hoạt những kiến thức mình đã được học, và sáng tạo thêm một cái mới. Từ những điểm này có thể nói, “uyên bác” cũng là cơ sở, căn nguyên của sáng tạo, vì thế, bây giờ điều con cần phải làm là một số điều sau:

Đầu tiên: đương nhiên là nỗ lực học tập, ngoài những kiến thức con có được trên lớp, còn có rất nhiều kiến thức rộng lớn hơn nữa mà con cũng có thể có được thông qua những giờ ngoại khóa, đọc sách báo…

Thứ hai: Biết cách tổng hợp và phân tích hệ thống thông tin, hệ thống kiến thức, học cách tư duy vấn đề, thấu hiểu vấn đề từ những góc độ khác nhau, và dũng cảm khiêu chiến với quyền uy, đưa ra những chất vấn…

Thứ ba, đó là tiến hành rèn luyện tư duy, suy nghĩ khác nhau, phá vỡ những kiến thức ban đầu, từ một điểm mở rộng tầm nhìn ra khắp mọi nơi, tiến hành thăm dò theo những phương hướng, những góc độ khác nhau, tổng hợp những kiến thức, quan niệm mới để tìm ra nhiều hơn những phương pháp giải quyết vấn đề.

Thứ tư đó là nên học hỏi người khác, tìm thấy những thiếu sót, nhược điểm của mình từ người khác để có thể tìm cách bù đắp, bổ sung, tiếp thu những tinh hoa từ những quan điểm, tư duy của người khác, hoàn thiện mình từ trong những cuộc tranh luận với mọi người.

Như vậy, sự tiến bộ của con sẽ ngày càng lớn, càng nhanh đấy con trai ạ.

Bố của con.

Chọn tập
Bình luận