Con trai của bố:
Cho dù dũng cảm kiên cường, cho dù gánh vác trách nhiệm, nhưng không phải chuyện nào cũng thuận buồm xuôi gió theo ý muốn của con người cả đâu con trai nhé. Trong cuộc sống, trong việc học tập, và trong môi trường công việc, trong tương lai còn tồn tại rất nhiều những khó khăn, gian khổ, khúc mắc, trắc trở lớn nhỏ và còn vô số những bất công, bất chính trong cuộc sống nữa nhé con. Chính vì thế, các con cần phải trang bị cho mình một phẩm chất quan trọng – tinh thần lạc quan tiến thủ.
Có một câu chuyện của một bà cụ như sau:
“Bà cụ có hai cậu con trai, cậu trai lớn bán ô, còn cậu con trai thứ nhuộm vải. Vì thế, khi trời âm u, bà cụ lo vải của cậu con thứ bị mưa ướt. Còn ngày nắng thì bà cụ lại lo ô của cậu lớn không có ai mua nên suốt ngày bà âu sầu ủ rũ, không biết phải làm sao. Người khác trông thấy vậy liền góp ý: “Bà cụ ơi, bà nên nghĩ thế này: trời mưa thì cậu con lớn của bà sẽ làm ăn tốt, ngày nắng thì vải của cậu con thứ của bà sẽ được phơi đẹp đẽ, bà cụ cứ nghĩ như thế thì sẽ không cần phải suốt ngày âu sầu ủ rũ nữa”. Bà cụ nghĩ rồi lại nghĩ, thấy quả thật đúng như vậy. Từ đó bà sống một cuộc sống vui vẻ.”
Lạc quan khiến người ta nhìn mọi việc tích cực hơn, có lợi hơn. Đồng thời nó còn có tác dụng như một liều “vacxin tâm lý” giúp con người miễn dịch với mọi khó khăn gian khổ, nỗ lực phấn đấu vì thành công ngày sau. Người lạc quan có tinh thần vui vẻ hơn người bi quan rất nhiều.
Những người theo chủ nghĩa lạc quan cho rằng, những sự việc khiến cho người ta vui vẻ, có ích lợi sẽ tồn tại lâu dài mà phổ biến, còn những chuyện bất lợi hoặc không vui vẻ chỉ là tạm thời mà thôi, có thể tìm, phát hiện ra ở đó cả những vấn đề bất lợi và có lợi – “Tái ông mất ngựa – trong họa có phúc” chính là đạo lý đó. Chính vì thế, những người lạc quan sẽ dũng cảm chấp nhận khiêu chiến, vui vẻ được thử sức và tình nguyện gánh vác trách nhiệm của mình, do đó cũng sẽ dễ dàng đạt được thành công. Còn những người theo chủ nghĩa bi quan lại cho rằng, những việc tốt đẹp thường là tạm thời còn những việc xấu mới tồn tại mãi mãi. Một khi vấp phải khó khăn, thất bại, bọn họ thường không trách cứ bản thân mình, mà đi đổ thừa cho người khác, mất đi ý chí tiến thủ, ý chí đấu tranh.
Con còn nhớ cúp bóng chuyền lần trước không, các con bị thất bại, cảm thấy vô cùng buồn bã, thất vọng, đến lần tổ chức cúp năm sau cũng không muốn tham gia, lại còn chỉ trích lẫn nhau, trách cái này, trách cái kia không phát huy đúng phong độ… Thật ra “thắng bại là lẽ thường tình”, câu này các con chắc chắn đều biết. Nếu như thất bại một lần thì cũng không cần phải sốt ruột quá, căng thẳng quá, mà điều quan trọng là phải tổng kết lại, đúc kết lại kinh nghiệm và tìm ra nguyên nhân. Quả nhiên dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên, trong trận thi đấu sau đó các con đã vứt bỏ đi được gánh nặng tâm lý, toàn đội đã cùng nhau cố gắng mà giành được chiến thắng trong hiệp đấu cuối cùng và đã thuận lợi bước vào trận chung kết. Con thấy đó có đúng là một ví dụ điển hình và thực tế không?
Cho nên, các con hãy nhớ lại lần đó, hãy lạc quan, nỗ lực điều đó sẽ có ích vô cùng cho việc học tập và công việc sau này của các con đấy.
Bố của con.