- PHÂN LOẠI TRUYỆN CỔ, MỘT VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ LÂU, NHƯNG VẪN CÒN RẤT MỚI MẺ
Khi nói đến mấy tiếng “truyện cổ tích” hay “truyện đời xưa”, chúng ta đều sẵn có quan niệm rằng, đấy là một danh từ chung bao gồm hết thảy các loại truyện do quần chúng vô danh sáng tác và lưu truyền qua các thời đại. Trong đó, có truyện đượm tính chất hoang đường, có truyện gần với sự thật, có truyện ngụ một ý nghĩa sâu xa, có truyện không quan tâm đến đạo đức triết lý, có truyện mang tính nghệ thuật cao, có truyện hãy còn mộc mạc chưa được gia công tô điểm, có truyện nghiêm trang, có truyện buồn cười, có truyện dài, có truyện rất ngắn, có truyện từ ngàn xưa để lại, có truyện mới đặt gần đây, v.v…
Khái niệm “truyện cổ tích” như vậy thật rộng và phức tạp. Chẳng khác gì nhìn vào một khu rừng trong đấy có nhiều loại cây: cây to, cây nhỏ, gỗ tốt, gỗ xấu, mọc chằng chịt lẫn lộn. Cũng vì thế, xác định đặc trưng từng loại truyện cổ khác nhau để đi đến phân loại truyện cổ, vẫn là một công việc hứng thú và luôn luôn có ý nghĩa đối với nhiều nhà nghiên cứu và sưu tầm văn học dân gian từ trước tới nay. Tuy nhiên, cho đến lúc này, công việc đó vẫn chưa hoàn thành, và chưa có một kiến giải nào khả dĩ gọi là thỏa đáng.
Nghiêm Toản và Thanh Lãng cũng như một số người đã không dựa trên một tiêu chuẩn xác đáng nào trong khi chia truyện cổ thành những loại truyện như truyện mê tín hoang đường, truyện ma quỷ, truyện thần tiên, truyện ái tình, truyện luân lý, truyện tòa án, truyện nói về người, truyện nói về vật, v.v…[1] Bởi vì trong những loại truyện luân lý ngụ ngôn, truyện phúng thế hài đàm đâu phải không có những truyện có tính chất mê tín hoang đường. Và ngược lại, trong những loại truyện ma quỷ, truyện thần tiên, cũng chẳng phải là hiếm những đề tài có tính chất ái tình, luân lý?
Cách chia của Nguyễn Văn Ngọc trong bài “Mào đầu” quyển Truyện cổ tích nước Nam cũng chưa đem lại cho ta một sự phân biệt dứt khoát[2]. Ông quan tâm nhiều đến tính thống nhất về mặt hình thức của những loại truyện cổ khác nhau. Chẳng hạn những truyện có kết thúc bằng những câu phương ngôn lý ngữ được ông liệt vào một loại, những truyện có xen lẫn câu ca hài hát lại được chia thành một loại khác. Nhưng quá thiên về hình thức, thậm chí không quan niệm được tính chất linh động của truyện cổ về mặt hình thức, tác giả rốt cuộc đã không vượt khỏi chủ nghĩa hình thức đơn thuần.
Có người không phân loại nhưng có ý sưu tập riêng một số truyện, cho đây là những truyện của trẻ em (đồng thoại) để mặc nhiên phân biệt với truyện của người lớn. Nếu có thể cho đây là một tiêu chuẩn thì cái tiêu chuẩn phân loại theo đối tượng thưởng thức ấy kể ra cũng không có gì là phân minh, nhất là đối với truyện cổ Việt-nam! Vì khác với các dân tộc phương Tây, người Việt-nam trước đây sáng tác truyện cổ dường như không có ý định dành một loại nào riêng cho trẻ em cả.
Có lẽ do chỗ khó khăn trong việc phân loại nên đã có người dựa vào tính chất ảo tưởng khá phổ biến trong các truyện cổ mà chia đại khái làm hai loại lớn: một loại trong đó ảo tưởng chiếm ưu thế, như các truyện động vật, truyện ma quái, truyện thần tiên, v.v… và một loại truyện tương đối ít nhân tố ảo tưởng hơn như các truyện về sinh hoạt, truyện cười, truyện triết lý, v.v…
Trong sách Văn nghệ bình dân Việt-nam[3], Trương Tửu cũng theo lối này. Ông chia toàn bộ truyện truyền miệng thành hai loại: thần kỳ và thế sự. Mỗi loại lại được chia thành nhiều hạng. Ví dụ, loại thần kỳ có bốn hạng: truyện thần tiên, truyện anh hùng, truyện ma quỷ và truyện nói về con người. Loại thế sự thì có các hạng: truyện tiếu lâm, truyện khôi hài, truyện ngụ ngôn, truyện nói về nhân tình thế thái, v.v…
Cách sắp xếp này có sự khái quát cao hơn hẳn những người đi trước, song khi đi vào các hạng mục nhỏ cũng vẫn còn dấu vết hình thức. Một truyện triết lý, ngụ ngôn hay khôi hài không nhất định phải ít nhân tố ảo tưởng hơn một truyện anh hùng, truyện động vật. Ngược lại cũng không phải cứ truyện động vật, truyện anh hùng nào cũng đều phải có sự can thiệp của yếu tố thần tiên. Để đạt tới một kết luận định sẵn, tác giả của truyện không từ một biện pháp nào: có thần kỳ hay không thần kỳ đều dùng được cả.
Như vậy, cũng không thể lấy tính chất ảo tưởng làm tiêu chuẩn cơ bản trong việc phân loại truyện cổ. Phân loại như thế, dễ dẫn chúng ta đến một tình trạng khó xử: càng sắp xếp chi li thì những đặc điểm riêng về loại hình, về kết cấu nghệ thuật, và cả những mối liên hệ trong nội dung tư tưởng… của từng loại truyện càng dễ bị lẫn lộn.
Thế thì phải chăng không thể phân loại truyện cổ tích một cách rành mạch được. Chắc chắn không phải. Nhưng để có một ý niệm xác đáng, trước khi phân loại cần tìm hiểu thấu đáo những đặc trưng cơ bản nhất của từng loại truyện truyền miệng. Đó là phương pháp cần thiết trong khi nghiên cứu văn học dân gian.
- TRUYỆN CỔ TÍCH KHÁC VỚI NHỮNG LOẠI CHUYỆN NÀO?
Trước tiên, chúng ta hãy kiểm điểm lại danh từ “truyện cổ tích” hay “truyện đời xưa” nhiều khi vẫn thường được dùng một cách quá rộng rãi. Người ta dùng danh từ đó để chỉ bất cứ loại truyện nào có thể gắn lên đầu hai tiếng “ngày xưa…”. Bây giờ đây chúng ta nên trả lại cái tên truyện cổ tích cho môn loại của nó. Còn cái tên dùng để chỉ chung cho tất cả các loại truyện truyền miệng, chúng ta tạm gọi nó là truyện khi chưa tìm được tiếng nào thích hợp hơn. Khái niệm “truyện đời xưa” thật ra vẫn không được bao quát, vì ngoài những truyện đời xưa đúng nghĩa ra, không phải không có những truyện mới được sáng tác hôm qua hôm kia, những truyện “đời nay” mà vẫn cứ là truyện như thường.
Xác định như thế rồi, chúng ta sẽ gạt ra mấy loại truyện sau đây mà phạm vi bộ sách này không nói tới:
Một là ngụ ngôn. Ngụ ngôn là một loại truyện đơn giản, có mục đích rõ rệt là kết cấu câu chuyện phải nói lên một ý nghĩa gì. Cũng có khi nó được người ta dùng để so loại như ca dao, tục ngữ: lấy cái gần nói cái xa, lấy cái dễ nói cái khó, lấy cái cụ thể nói cái trừu tượng. Truyện ngụ ngôn thường rất ngắn, bằng văn vần hay văn xuôi, có một kết luận định sẵn, đó là một bài học luân lý hay một quan niệm về triết lý. Nếu trong cổ tích, dung lượng phong phú của những câu chuyện kể không bắt buộc phải bỏ qua nhiều chi tiết, mà nhiều khi ngược lại, thì đối với ngụ ngôn, do yêu cầu làm sáng rõ cái ý nghĩa đã chuẩn bị sẵn trong truyện, lại cần phải tước bỏ bớt những chi tiết rườm rà. Nói ngoa, nói phóng đại là phương pháp thuyết phục của ngụ ngôn. Tuy nhiên, ẩn sau những hình thức thuyết phục có vẻ vô lý, nội dung ý nghĩa của truyện ngụ ngôn thường lại hợp tình hợp lý. Nhiều truyện cổ tích cũng có ý nghĩa ngụ ngôn nhưng cách xây dựng câu chuyện thì theo một thể tài khác hẳn. Truyện ngụ ngôn có phần giống với truyện tiếu lâm về nghệ thuật, về ý nghĩa và cả về cười cợt nữa, nhưng lại khác tiếu lâm ở chỗ nó không chuyển thành cái cười phũ phàng, hơn nữa không dâm tục.
Hai là khôi hài hay hoạt kê. Loại này đặc biệt ở tính chất gây cười. Ngày xưa, những truyện khôi hài được sáng tác có kết thúc trọn vẹn, nghĩa là nhiều truyện cũng có bố cục chặt chẽ, trước sau ăn khớp nhau, có nhiều chi tiết, nhiều sự kiện rườm rà không khác gì thể tài cổ tích.
Chỉ có khác với cổ tích là mỗi tình tiết của truyện đều có ý gây cười hoặc mỉa mai bằng cười cợt. Nhưng về sau này thể truyện khôi hài thường ngắn gọn, có khi không đầu không đuôi.
Ba là tiếu lâm. Theo đúng nghĩa của nó thì cũng là loại truyện gây cười. Nhưng nếu cái cười ở khôi hài đã có tính chất châm biếm đả kích thì cái cười ở tiếu lâm, châm biếm đả kích còn có phần trắng trợn hơn. Ở khôi hài thì người ta thường kiêng dè những điều dâm tục, nhưng với tiếu lâm, điều đó không thành vấn đề nữa. Khác với nghệ thuật của cổ tích, truyện tiếu lâm cũng như truyện ngụ ngôn thường kết thúc giữa chừng. Nghĩa là câu chuyện bao giờ cũng dừng lại khi mục đích của nó đã đạt cũng như hình tượng của truyện bao giờ cũng bó hẹp trong khuôn khổ và mục đích quy định.
Điều cần để ý là trong kho tàng truyện cổ tích của bất cứ dân tộc nào cũng đều có một số truyện chứa đựng tính chất vui tươi cười cợt có khi pha lẫn cả tục nữa, nhưng vẫn không có tác dụng gây cười như truyện khôi hài và tiếu lâm. Những truyện đó vẫn là truyện cổ tích vì trước sau chúng vẫn đầy đủ những đặc trưng của truyện cổ tích.
Bốn là loại truyện tạm gọi là truyện thời sự. Loại này khác với truyện cổ tích và các loại truyện khác ở chỗ, tác giả của nó không dùng đến tưởng tượng hoặc chỉ dùng rất ít. Nó là truyện có thật, xảy ra ở trong một nước hay một địa phương nhất định. Dưới hình thức một câu chuyện kể ngắn gọn, nó bộc lộ rõ rệt một thái độ. Thường thì bao giờ câu chuyện cũng được chủ quan tác giả hướng tới một kết luận nào đấy. Đó chính là truyện đời chứ không phải mô phỏng, nhại lại truyện đời. Sở dĩ không gọi là truyện đời hay truyện thế sự mà gọi là truyện thời sự vì loại truyện này vốn xuất hiện nóng hổi và trung thực ngay sau khi sự việc xảy ra, nhanh như một tin báo. Nó cũng là lịch sử mà lại là lịch sử ít bị phóng đại hóa hay thần thánh hóa. Nó khác ngụ ngôn ở chỗ: ngụ ngôn thì châm biếm một cách kín đáo, nhẹ nhàng còn nó khi đả kích thì đả kích táo tợn, nói thẳng nói thật tên tuổi đối tượng mà không sợ vạ miệng chút nào.
Truyện thời sự thường có hai hình thức: có truyện kể bằng văn xuôi, không có hình thức thành văn cố định. Ví dụ những truyện có đề tài về kháng chiến, rào làng, đi dân công, thi đua… gần đây hay là những truyện như: Tán Cao mổ ruột, Bảo Đại bị Tây bắn què chân[4] ngày trước. Có truyện đặt bằng văn vần mà ta thường gọi là truyện vè, như vè Sai đạo kể chuyện bọn khâm sai núp sau lưng giặc Pháp làm hại đồng bào, hay như vè Cô Thông Tằm, vè Con gái chửa hoang, v.v… Nên nhớ là không phải bất cứ truyện vè nào cũng đều là truyện thời sự. Có truyện là ngụ ngôn (vè Con cua), có truyện là cổ tích (vè Chàng Lía).
Đó là bốn loại truyện có hình thức và mục đích rõ ràng, dễ phân biệt.
Ngoài bốn loại này, còn có thể nói đến một số loại truyện khác trong kho tàng truyện của chúng ta. Nhưng thời gian và quá trình truyền miệng đã làm cho các đặc trưng của chúng trở nên gần gũi nhau hơn, ranh giới hầu như bị xóa nhòa, nên rất dễ lẫn lộn.
Tuy nhiên nếu đi sâu vào từng truyện, ta vẫn có thể phát hiện ra thần thoại và tiên thoại, phật thoại. Những loại này tuy giống nhau về hình thức nhưng lại khác biệt về nội dung.
Về thần thoại chúng tôi đã có dịp xác định đặc trưng trong quyển Lược khảo về thần thoại Việt-nam[5]. Còn tiên thoại, phật thoại hay nói chung là truyện tôn giáo là những loại truyện rất dễ nhìn nhận dù của bất cứ dân tộc nào, vì chúng mang theo dấu ấn rõ nét của một thứ tôn giáo nhất định. Chúng thường xuất hiện từ miệng tăng lữ với mục đích tuyên truyền dẫn giải về chủ nghĩa yếm thế. Chủ đề của truyện thường thường là việc nhân quả báo ứng, thoát ly cuộc sống trần tục, v.v…[6].
Gạt tất cả các loại truyện trên ra, chúng ta sẽ chỉ còn lại những loại truyện với cái tên quen gọi là truyền thuyết, cổ tích.
Vậy truyền thuyết, cổ tích là gì? Ranh giới giữa truyền thuyết, cổ tích như thế nào?
- RANH GIỚI GIỮA TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH
Truyền thuyết, cổ tích đều là những truyện tự sự nằm trong loại hình tự sự dân gian, do quần chúng tưởng tượng nên, cốt truyện tương đối dài, kết thúc trọn vẹn, các tình tiết được thuật theo trình tự thời gian, và trong không gian ba tầng của người thời cổ: cõi người, cõi trời (bao gồm cả cõi tiên), cõi đất (âm phủ và thủy phủ). Nội dung của chúng, hoặc hoang đường, huyền diệu hoặc không, thường thường đề cập đến những mối quan hệ giữa con người trong xã hội có giai cấp nhiều hơn là giữa con người với tự nhiên. Mục đích là gây hứng thú thẩm mỹ cho người nghe, người đọc, đồng thời cũng để giáo dục họ, nhưng không cốt gây cười, cũng không ngụ ý như các thể loại tự sự dân gian khác.
Truyền thuyết và cổ tích tuy giống nhau trên đại thể, nhưng thật ra vẫn là hai khái niệm cần phân biệt.
Danh từ “truyền thuyết” có một hàm nghĩa cũng khá rộng rãi. Nó thường được dùng để chỉ những câu chuyện cũ, những sự kiện lịch sử còn được quần chúng truyền lại nhưng không bảo đảm về mặt chính xác (có thể do truyền miệng mà sai lạc, đồng thời cũng có thể do tưởng tượng của dân chúng phụ họa thêu dệt mà càng sai lạc hơn). Vì thế, trong quan niệm của nhân dân ta trước tới nay, mấy chữ truyền thuyết có khả năng bao trùm lấy nhiều loại truyện. Cũng do phạm vi quá rộng rãi của khái niệm đó mà đôi lúc người ta còn lẫn lộn nó với cả truyện cổ tích và truyện thời sự nữa.
Cho nên, nếu chỉ giới hạn việc định nghĩa truyền thuyết là những truyện trong đó lịch sử bị biến tướng bởi óc tưởng tượng và lãng mạn của nhân dân, nói cách khác những truyện do tưởng tượng cấu thành nhưng có gắn liền với một ý nghĩa lịch sử như quan niệm của một số nhà nghiên cứu nước ngoài[7], thì e không thích hợp với thực tiễn văn học dân tộc. Tình trạng nhập nhằng thường thấy giữa truyền thuyết và cổ tích như trên đã nói, đòi hỏi chúng ta phải có một định nghĩa rạch ròi, dứt khoát hơn.
Giả định rằng truyền thuyết là sự thật được hoang đường hóa còn cổ tích thì hoàn toàn do tưởng tượng tạo nên, nhưng ai mà không nhận thấy có những truyền thuyết như Sự tích con muỗi, Sự tích hồ Ba-bể, là hoàn toàn bịa đặt, v.v… Ngược lại, cũng không hiếm gì những truyện cổ tích vốn lúc đầu dựa vào một sự thật khách quan nào đó rồi được tác giả nâng lên thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Lại giả định rằng truyền thuyết có dính dấp đến lịch sử, còn cổ tích thì không phải như vậy, nhưng trên thực tế, nào hiếm gì những truyện cổ tích có quan hệ ít nhiều đến lịch sử, như các truyện Chàng Lía, Bùi Cầm Hổ chẳng hạn?
Theo chúng tôi, điều cần chú ý trước hết là phần nhiều các truyền thuyết đều chưa được xây dựng thành truyện. Chúng chỉ mới là từng mẩu truyện. Ví dụ truyền thuyết về Lý Công Uẩn chỉ gồm có hai tình tiết: mẹ vua không chồng mà chửa, sau cho vua làm con nuôi sư Lý Khánh Văn; lúc ở với sư, vua đã đề vào lưng tượng Phật mấy chữ “đày đi viễn châu”, đến nỗi hòa thượng trụ trì chùa này nằm mộng thấy Phật từ giã mình đi đày theo lệnh của thiên tử.
Có nhiều truyền thuyết chưa có kết cấu trọn vẹn, chưa nhuần nhuyễn tính nghệ thuật. Ví dụ truyền thuyết ông Đùng bà Đà là chuyện hai anh em ruột lấy nhau bị xử tử, chết thành thần.
Cho nên, trên từng bước tiến triển của loại hình, nếu truyền thuyết – hiểu theo nghĩa rộng – đạt đến chỗ hoàn chỉnh thì tùy theo nội dung, nó có thể trở thành cổ tích hay thần thoại. Bởi xét về mặt nghệ thuật, về nội dung ý nghĩa thì tuyệt không có gì khác giữa một truyền thuyết với một cổ tích hay một thần thoại.
Văn học truyền miệng Việt-nam không có loại anh hùng ca như văn học truyền miệng của đồng bào thiểu số, nhưng có một số truyền thuyết phần nào có mang phong cách anh hùng ca. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì có thể ngờ rằng, ngày xưa chúng ta cũng có anh hùng ca với hình thức văn vần. Nhưng có lẽ trải qua bao nhiêu biến thiên lịch sử, đặc biệt là những biến thiên về ngôn ngữ văn tự, loại anh hùng ca đó mất dần đi, chỉ còn lại đây đó những cốt truyện kể bằng văn xuôi mà ta gọi là truyền thuyết. Truyện Thánh Gióng, truyện Khổng Lồ đúc chuông, truyện Bố Cái đại vương, chẳng hạn, có thể nguyên xưa đều là những anh hùng ca. Nhưng đã từ lâu, sự lãng quên, sự chuyển hóa của lịch sử làm cho những thiên anh hùng ca đó chịu những số phận không chút giống nhau. Truyện Thánh Gióng trở thành một thần thoại hay một thần tích; truyện Khổng Lồ trở thành một cổ tích, còn truyện Bố Cái đại vương chẳng hạn thì được các nhà chép sử gạn bớt những yếu tố hoang đường mà trở thành một sự tích lịch sử. Cùng một hiện tượng “tha hóa” kiểu như thế, ngày nay, chúng ta còn có thể lọc được trong thần tích của các làng một số truyền thuyết có dấu vết của phong cách anh hùng ca như Sự tích thần làng Võng-la[8], Sự tích Thánh Chèm, v.v…
Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, nếu truyền thuyết có thể đứng được thành một thể loại riêng biệt thì phải gồm những truyện xưa chuyên nói về anh hùng lực sĩ trong thời khuyết sử và thời Bắc thuộc đã được kỳ vĩ hóa, thần thánh hóa. Nhưng số lượng hiện nay biết được cũng không nhiều. Những truyện anh hùng lực sĩ sáng tác trong thời phong kiến tự chủ đương nhiên không thể liệt vào loại truyền thuyết này vì nói chung, trong quan niệm nghệ thuật về con người của chúng, đã có sự khác biệt về chất. Con người ở đây không còn có phong thái chất phác vô tư và khảng khái như các nhân vật anh hùng thời xưa. Nhân vật Lê Phụng Hiểu là một lực sĩ có sức khỏe tuyệt trần, nhưng cái ước muốn của Lê Phụng Hiểu thì chung quy không ngoài ước muốn phục vụ vua chúa phong kiến để cầu danh lợi. Vẻ đẹp của ông đã được một hệ quy chiếu thẩm mỹ khác trước quy định.
Tuy phân biệt truyền thuyết với cổ tích như trên, nhưng ở đây, khi sưu tập chúng tôi vẫn xếp chung truyền thuyết với cổ tích và coi như là những truyện cổ tích. Bởi vì không những số lượng của chúng ít ỏi, mà về nội dung, những truyền thuyết này cũng đượm ít nhiều phong vị của cổ tích, nếu như không đượm phong vị của thần thoại.
- ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI CỦA CỔ TÍCH
Như vậy, đặc trưng của cổ tích biểu hiện ở những chỗ nào? Thực cũng khó mà vạch một cách thật dứt khoát ranh giới của thể loại này; vì như ta đã biết, tất cả mọi loại hình tự sự dân gian đều được sáng tạo nên bằng cảm quan nghệ thuật của quần chúng, nên đều mang những kết cấu khá thống nhất, có những mô-típ tương đối ổn định. Thêm vào đó, chúng lại được sáng tác, chỉnh lý và truyền tụng bằng miệng nên cũng ảnh hưởng qua lại với nhau một cách mật thiết. Tuy nhiên, tìm hiểu cho sâu, vẫn có thể phân biệt được loại hình này với loại hình khác trên những nét căn bản. Theo chúng tôi, có ba đặc điểm đáng chú ý hơn cả để nhìn nhận loại hình cổ tích:
Một là, tính chất cổ của sự việc. Truyện cổ tích được xác định trước tiên ở phong cách cổ của nó. Gần như bất cứ cổ tích nào cũng không ra ngoài những quy ước về màu sắc cổ của nhân vật và không khí cổ của câu chuyện. Không khí truyền kỳ hoang đường của một số truyện cổ tích, xét cho cùng cũng xuất phát từ tính chất cổ. Giá thử ngày nay có người phỏng theo cổ tích dựng lên một câu chuyện thậm chí rất hoang đường nhưng lại có những nhân vật ăn mặc theo lối tân thời, đi ô-tô hay xe đạp chẳng hạn, thì dù không hiểu đặc trưng cổ tích thế nào đi nữa, chắc cũng khó có ai ngờ nghệch nhận đây là một truyện cổ tích được. Dù cho phạm vi hai khái niệm “cổ” và “kim” trong cổ tích không khỏi có lúc lẫn lộn, nhưng mỗi nhân vật, mỗi tình tiết mỗi hình ảnh của cổ tích đều nhất thiết phải là một nhân vật, một tình tiết, một hình ảnh vốn có trong truyền thống nghệ thuật xa xưa của văn học dân gian, được nhân dân coi là quen thuộc, đã thấm sâu vào tiềm thức mọi người. Cũng giống như những miếng trò kiệt tác trong tuồng hay chèo cổ luôn luôn được các đời sau sử dụng lắp đi lắp lại, những mô-típ nghệ thuật đã trở thành tiêu biểu của văn học dân gian, nhất là nghệ thuật vần vè hay truyện kể, cũng thường xuyên được tái sinh có chuyển dịch ít nhiều trong nhiều thời đại, làm thành kiểu tư duy nghệ thuật đặc trưng của văn học dân gian, và đó là điều kiện thuận lợi để truyện cổ tích sinh sôi nẩy nở theo phương thức ứng diễn và tìm thấy mối liên hệ loại hình với nhau.
Như vậy, vấn đề xác định tính cổ của truyện cổ tích là căn cứ chủ yếu vào phương thức cấu tạo hình tượng, sự sắp xếp, xâu chuỗi cốt truyện và mô-típ, mà không nhất thiết căn cứ vào thời điểm lịch sử của câu chuyện. Những truyện như Vợ ba Đề Thám tuy cách ta trên nửa thế kỷ và mang thề tài cổ tích rõ rệt nhưng trong đó có những tên giặc râu xồm, mũi lõ, có súng trường, súng lục… nên vẫn chưa thể nào thừa nhận là truyện cổ tích.
Nó là câu chuyện đã qua nhưng chưa hoàn toàn “cổ”. Nó thuộc về loại những truyện mới. Mặc dầu không có mốc giới hạn về thời gian rõ rệt, nhưng một truyện cổ tích cố nhiên không thể là một truyện đời nay và cũng không thể là một truyện dĩ vãng nhưng phù hợp với đời nay hơn là đời xưa, phù hợp với trạng thái sinh hoạt hiện đại hơn là trạng thái sinh hoạt của xã hội cũ. Cái chất liệu dĩ vãng chứa đựng trong đấy thực tình chưa lắng xuống, và chưa được đại đa số nhân dân công nhận là ở bên kia biên giới của cái “mới”. Sở dĩ có những câu chuyện mới sáng tác gần đây có thể liệt vào truyện cổ tích là vì bối cảnh, khí hậu xã hội, phong cách sinh hoạt và tâm lý nhân vật mà chúng được xây dựng, so với bối cảnh, khí hậu, phong cách sinh hoạt và tâm lý của người đời xưa tuyệt không có gì là trái ngược. Cho nên, tính chất cổ là một tiêu chuẩn không thể thiếu được khi nhận định một truyện cổ tích.
Hai là, trong sự việc được kể đừng có yếu tố gì quá xa lạ với bản sắc dân tộc. Nghệ thuật cổ tích cho phép tác giả bịa đặt mọi tình tiết, thậm chí bịa đặt những tình tiết không hợp lý. Nhưng đã là cổ tích của một dân tộc thì sự bịa đặt không thể vượt ra khỏi bản sắc dân tộc. Hãy đặt một giả thuyết là có một câu chuyện không kém lý thú và màu sắc cũng rất cổ, lưu hành phổ biến trong khá nhiều người. Có điều, nhân vật trong truyện đáng lý là Bụt, Tiên, hay Ngọc Hoàng thượng đế, thì ở đây lại là… Đức Chúa Trời hay Đức Mẹ Đồng trinh. Chỉ cần thế thôi, câu chuyện đã trở nên xa lạ, đã nhạt đi mất nhiều ý vị của một cổ tích. Nhưng nếu đấy là một truyện ngụ ngôn hay khôi hài thì lại khác. Vai Đức Chúa hay Đức Mẹ vẫn không ảnh hưởng gì đến đặc trưng loại hình của chúng. Miễn câu chuyện có ngụ một ý tưởng sâu sắc hay gợi được cười cợt cho người nghe, người đọc là đủ.
Chúng ta thấy cái tên Đức Chúa hay Đức Mẹ truyền vào Việt-nam từ thế kỷ thứ XVI kể đến nay đã hơn bốn trăm năm mà vẫn chưa thể nào quen thuộc với tâm lý dân tộc. Trái lại, cái tên Bụt, Tiên cũng là mượn của những thứ tôn giáo ngoại lai nhưng đã thành truyền thống, vì từ đã rất xưa, những tôn giáo này từng hóa thân vào đời sống dân tộc, chấp nhận những sự thanh lọc gay gắt, trở thành tôn giáo chung chi phối cuộc sống tâm linh của cả cộng đồng. Đặc điểm này cắt nghĩa tại sao khi một truyện cổ tích của dân tộc này truyền vào một dân tộc khác, thì phải chuyển hóa thành một truyện mới, hay ít nhất cũng phải mang những mô-típ mới, những màu sắc quen thuộc hoặc gần như quen thuộc với điều kiện sinh hoạt, với tâm hồn của dân tộc mới.
Cần phải nói thêm là truyện cổ tích thường giàu tính cộng đồng. Giá thử trong truyện có in dấu cá tính của người sáng tác thì cá tính đó cũng phải phù hợp hoặc không phương hại gì đến tính chất chung của tập thể. Có thế, nó mới được tập thể thừa nhận và lưu truyền. Tính cộng đồng tuy không đồng nhất nhưng có quan hệ khăng khít và là cơ sở của tính dân tộc. Tất nhiên, trong cùng một giai đoạn lịch sử, giữa các dân tộc khác nhau, các tập đoàn người khác nhau vẫn có những ước mơ, hy vọng giống nhau, cho nên thế giới trong truyện cổ tích Đông Tây vẫn thường có những nét gần nhau. Mặc dù thế, truyện cổ tích của mỗi dân tộc vẫn phản ánh xã hội, đất nước, cuộc sống, phong tục, những vấn đề lịch sử cụ thể của dân tộc mình. Dân tộc tính đối với cổ tích quả là một tiêu chuẩn khá quan trọng.
Ba là, truyện cổ tích ít nhiều phải thể hiện tính tư tưởng và tính nghệ thuật. Nay ta kể cho nhau nghe một câu chuyện rất xưa về ma. Một con ma gốc đề hiện hình lè lưỡi nhát người chẳng hạn. Câu chuyện ấy sẽ không bao giờ trở thành truyện cổ tích được nếu trong đó không bao hàm một ý nghĩa gì về cuộc đời, về con người, hay không có những tình tiết gợi hứng cảm cho người nghe. Không những truyện ma mà ngay cả truyện người, truyện thần, truyện vật cũng chưa hẳn là cổ tích nếu chúng không hướng đến một mục đích nhân sinh cao cả, hoặc có mục đích nhân sinh nhưng lại không tan biến vào trong từng tình tiết của truyện để trở thành một mục đích tự thân, một nhận thức thẩm mỹ sâu sắc. Rõ ràng, truyện cổ tích không phải là một loại truyện suông vô ý nghĩa, cũng không phải là một loại truyện “ngụ ý” tầm thường. Nếu là một truyền thuyết theo nghĩa rộng như trên đã nói, thì lại khác. Truyền thuyết không bắt buộc truyện nào cũng phải có yêu cầu nhân sinh hoặc thẩm mỹ đó.
Tất nhiên, nếu là truyện có ý nghĩa mà lại chỉ đơn thuần chép lại sự thật như truyện thời sự thì cũng không thể gọi là cổ tích. Như chúng ta đã biết, văn học nghệ thuật gắn liền với cái đẹp và do đó nó đòi hỏi sự gia công, sự nỗ lực sáng tạo. Là một loại hình tự sự hoàn chỉnh nhất trong các loại hình tự sự dân gian, yêu cầu sáng tạo này đối với cổ tích rõ ràng là nghiêm nhặt hơn các loại “truyện” dân gian khác rất nhiều. Tác giả truyện cổ tích phải vận dụng trí tưởng tượng, xếp đặt nội dung, bố trí tình tiết, làm cho mạch truyện tiến triển theo một kết cấu nghệ thuật nào đấy để đạt tới kết luận định sẵn. Nói cách khác, truyện cổ tích phụ thuộc rất nhiều vào ý định và tài năng của tác giả chứ không tùy thuộc hoàn toàn vào những câu chuyện xảy ra tự nhiên trong đời sống hàng ngày. Sở dĩ những sự tích Cố Bu, Ba Vành… không còn mang tính chất lịch sử nữa là nhờ thông qua hư cấu nghệ thuật của tập thể quần chúng nên câu chuyện thực đã được cải biên hoặc cách điệu thành những thiên truyện anh hùng, những nhân vật anh hùng đúng như quan niệm lý tưởng của quần chúng. Tất nhiên, tưởng tượng và hư cấu ở đây sẽ không hạ thấp mà càng làm cho nghệ thuật truyện cổ tích có giá trị chân thật hơn hẳn các loại truyện tự sự dân gian khác. Xét về mặt quan niệm nghệ thuật, điều này có khác với phương Tây. Trong cách kể truyện cổ tích của phương Tây, người kể thường vẫn dùng một câu kết nói rõ mình đã “tán dóc”, đã “bịa” trong suốt quá trình kể chuyện. Nghĩa là cả người kể lẫn người nghe không ai tin đấy là chuyện thật. Còn ở Việt nam thì khác: người kể chỉ thực sự thành công khi làm cho người nghe tin rằng chuyện do mình kể đã xẩy ra ở đâu đó, tại một địa phương phiếm chỉ nhưng không xa nơi họ đang sống. Cũng chính nhờ tính chân thật này mà sau khi đã ngừng kể, câu chuyện vẫn còn sống động, được biến hóa từ địa danh này sang địa danh khác, và truyền đi, qua trí nhớ của nhiều người.
Tóm lại, đặc điểm thứ ba này cho phép ta phân biệt truyện cổ tích với các loại truyện dân gian khác, ở chỗ, nó là một tác phẩm văn học hoàn chỉnh hoặc tương đối hoàn chỉnh. Nó là một thể loại đã đạt đến cấp độ cao trong nghệ thuật tự sự truyền miệng, trước khi chuyển sang giai đoạn toàn thịnh của văn xuôi tự sự trong nền văn học viết.
- CÓ MẤY LOẠI TRUYỆN CỔ TÍCH?
Truyện cổ tích bao gồm nhiều thứ: truyện nói về người, truyện nói về vật; về ma quỷ, về Tiên Phật, cả những truyện về Thần Thánh nữa. Nhưng không nên dựa vào đấy mà phân loại. Thực ra đối với cổ tích và ngay cả đối với truyện cổ dân gian nói chung, bất kỳ một sự phân loại nào cũng chỉ có ý nghĩa chính xác tương đối. Nếu cần phải chia, thì theo ý chúng tôi nên chia làm ba loại sau đây:
Truyện cổ tích thần kỳ[9].
Truyện cổ tích thế sự.
Truyện cổ tích lịch sử.
● Cổ tích thần kỳ là loại truyện tương đối có nhiều nhân tố ảo tưởng nhất. Những truyền thuyết thần bí, kỳ quái, những truyện người, truyện vật nhưng bên trong đầy dẫy những sự can thiệp của huyền diệu đều có thể xem là cổ tích thần kỳ. Truyện cổ tích thần kỳ còn có một phần là tàn dư của những tưởng tượng gắn liền với mê tín, ma thuật, đồng bóng, và các hình thức tôn giáo của con người nguyên thủy. Tác giả loại truyện này nhiều khi đã dùng những lực lượng siêu tự nhiên để thắt nút, mở nút câu chuyện mà không cần biết có hợp lý hay không. Nhưng chính cái nhân tố ảo tưởng đó tạo nên biết bao tình tiết kỳ thú: nó kích thích cực mạnh trí tưởng tượng của người nghe người đọc, bằng cách đem một thế giới không thực thay thế cho thế giới có thực. Mà trong thế giới không thực đó lại bao gồm những cái nên xảy ra, đáng lẽ phải xảy ra, cho nên chính nó còn giúp người ta hiện thực hóa những ước muốn không tưởng, nghĩa là chỉ trong khoảnh khắc có thể quên bẵng những cái đang xảy ra giữa cõi đời thực để nhập thân vào một thế giới hoàn toàn xa lạ nhưng vốn có những điểm đồng cảm về lý tưởng thẩm mỹ với chính mình. Điều đó giải thích vì sao người nông dân xưa kia có thể tạm quên hết mọi mệt nhọc để theo dõi một cách hứng thú con đường Từ Thức đi tìm động tiên, hay là cùng xuống thăm âm phủ với Thủ Huồn[10].
Trong kho tàng truyện cổ tích nước ngoài, truyện thần kỳ chiếm một phần khá lớn. Đó là đặc điểm của truyện cổ tích dân gian trên thế giới. Hơn nữa có khá nhiều truyện trong đó chứa đựng tàn dư của thần thoại, như truyện cổ tích Ấn-độ, Khơ-me (Khmer) và của một số các nước phương Tây.
● Cổ tích thế sự hay sinh hoạt, trái với loại truyện trên, là những truyện không có hoặc có rất ít nhân tố ảo tưởng. Đây là những truyện bịa nhưng rất “gần đời thiết thực”; chúng giữ được khá nguyên vẹn sắc thái, âm hưởng, thậm chí, đôi khi cả những hình thức diễn biến chủ yếu của muôn nghìn câu chuyện vẫn xảy ra trong cuộc sống đa dạng của xã hội loài người. Đấy là những truyện như Của trời trời lại lấy đi… Trộm lại gặp trộm, Ông già họ Lê, Trọng nghĩa khinh tài, những truyện mang đề tài kiện cáo, chiến tranh, những truyện phiêu lưu v.v… hoặc cả những truyền thuyết rất gần với sự thật kiểu Sự tích dưa hấu, Sự tích ông đầu rau… Truyện cổ tích thế sự chẳng những không làm cho người nghe, người đọc quên mất cõi đời trước mắt mà lại dẫn họ xuyên sâu vào mọi ngõ ngách cuộc đời. Nó không nói đến những cái phi thường, nhũng cái “quái đản bất kinh”, nhưng trong cái tầm thường, cái bình dị của các tình tiết, vẫn ẩn giấu một khả năng gây hứng thú mạnh mẽ, hoặc một điều gì đáng thương đáng cảm rất mực.
Nếu có những truyện mà nhân tố ảo tưởng được đem dùng để mở nút hay kết thúc câu chuyện nhưng toàn bộ mạch truyện vẫn không chút xa lạ với lô-gích của đời sống, như truyện Sự tích chim hít cô chẳng hạn, thì vẫn có thể xếp vào cổ tích thế sự. Thật ra, tuy kết cục của truyện Sự tích chim hít cô có nói đến một đứa bé hóa thành chim, song mạch sống của toàn câu chuyện vẫn không hề chịu chi phối bởi một yếu tố thần kỳ nào. Tác giả vẽ một bức tranh xã hội vẫn thường thấy trong thời đại cũ: hình ảnh thảm thiết của hai cô cháu nhà nghèo giữa tình cảnh đói kém trầm trọng. Tất nhiên, cũng cần phân biệt nó với loại truyện thời sự nói trên kia: một bên là sự thật, một bên là mô phỏng, nhào nặn lại sự thật.
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt-nam có khá nhiều truyện loại này. Đây là một đặc điểm mà chúng ta sẽ nói ở phần sau.
● Cổ tích lịch sử là những truyện vốn dựa vào một nhân vật lịch sử hoặc một sự kiện lịch sử nào đấy nhưng lại được phát triển thành một câu chuyện hoàn chỉnh, độc lập đối với sự kiện lịch sử ban đầu. Có khi chỉ mới là một truyền thuyết, một sự tích. Có khi là một truyện hoàn toàn tưởng tượng nhưng nhân vật chính trong đó lại được đội tên của một nhân vật lịch sử. Cũng có thể đấy là một sự thật trăm phần trăm, nhưng không ai bảo đảm phần chính xác. Cố nhiên, cái cốt lịch sử trong truyện phải mang một ít nét đặc biệt phi thường, gợi trí tò mò say mê của người nghe, người đọc.
Loại cổ tích này có mấy hình thức đáng chú ý: có truyện, nhân vật và sự việc bị cường điệu hay phóng đại lên một mức độ nhất định nào đó như truyện Rắn báo oán. Có truyện, yếu tố truyền thuyết vẫn không lấn át mấy yếu tố lịch sử. Yếu tố truyền thuyết chỉ là một ít nét thần kỳ nhẹ nhõm được đem tô vào hay viền vào xung quanh những con người, những sự việc vốn xảy ra trong đời sống thực. Truyện Bùi Cầm Hổ là một ví dụ. Có những truyện khác, trái lại, yếu tố truyền thuyết đóng vai trò chủ đạo, còn yếu tố lịch sử thì chỉ chiếm một tỷ lệ rất ít ỏi, như truyện Khổng Lồ đúc chuông.
Ngoài ra, như trên đã nói, có một số truyện hầu như không có yếu tố truyền thuyết. Bởi vì nội dung câu chuyện mặc dầu có gắn vào những tình tiết có thể ngờ là bịa đặt, nhưng trước sau cũng rất gần sự thật.
Như truyện Chàng Lía, Hầu Tạo, Quận He… Những truyện ấy phần nào giống với dã sử, hoặc giống với loại truyện thời sự đã lâu ngày biến thành truyện có tính chất lịch sử. Truyện cổ tích lịch sử có thể là một thể loại mang đậm nét đặc thù của truyện dân gian Việt-nam, bởi lẽ con người Việt-nam xưa nay, do điều kiện lịch sử luôn luôn phải chống ách đô hộ xâm lược để bảo vệ nền độc lập, nên trong tâm thức vẫn gắn bó với “xã tắc”, và do đó thường xuyên có cái nhìn “lịch sử hóa” đối với mọi hiện tượng, sự vật.
Chú thích:
[1] Nghiêm Toản trong Việt-nam văn học sử trích yếu (Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài-gòn, 1949, tr.36), chia làm bốn loại: truyện mê tín hoang đường, truyện luân lý ngụ ngôn, truyện phúng thế hài đàm và sự tích các thánh. Thanh Lãng trong Văn học khởi thảo: Văn chương bình dân (Phong trào văn hóa xuất bản, Hà-nội, 1954; tr.35-60) thì chia làm bảy: truyện ma quỷ, truyện anh hùng dân tộc, truyện ái tình, truyện luân lý, truyện thần tiên, truyện phong tục và truyện khôi hài. Tác giả sách Truyện cổ dân gian Căm-pu-chia chưa hề in (F. Martini và S. Bemard: Contes populaires inédits du Cambodge. G.P. Maisonneuve, Paris, 1946) thì chia những truyện do các ông sưu tầm làm truyện kỳ diệu, truyện về gốc tích (sự vật), truyện ngụ ý, truyện tòa án, truyện vui, truyện nói về vật, truyện vặt, v.v…
[2] a) Những truyện thuộc về cái lối cổ tích hoặc dã sử, cha mẹ hay ông bà tôi tối thường kể cho con cháu nghe; b) Những truyện mà kết cục đã thành câu phương ngôn, lý ngữ, hoặc trái lại xuất xứ từ những câu lý ngữ phương ngôn ấy ra; c) Những truyện thuần về văn chương trong có những câu ca lời hát nôm na mà vui thú, giản dị mà tự nhiên xưa kia đâu đó vẫn thường truyền tụng; d) Những truyện ngụ một cái ý cao xa thuộc về triết lý may ra so bì được với Bách tử bên Trung-quốc và sau này có thể đem vào môn học cổ điển của nước nhà; e) Những truyện vui chơi cười đùa có lý thú để tiêu sầu khiển muộn, nhưng chưa quá thuộc về cái thể “tiếu lâm”, các nhà đạo đức nghiệt ngọng vẫn quen chê là nhảm nhí…” (Truyện cổ nước Nam (A. Người ta), Thăng Long xuất bản, 1952).
[3] Hợp tác xã Văn hóa mới xuất bản, Thanh-hóa, 1951; tr.92.
[4] Truyện kể khác với các báo hồi ấy đã đăng. Đại khái: Bảo Đại 1ên Đà-1ạt tằng tịu với vợ một viên quan người Pháp, bị chồng nó ghen bắn què chân. Để che đậy việc đó, Pháp phải cho công bố là Bảo Đại đi săn voi bị sỉa hầm.
[5] Nhà xuất bản Văn sử địa, Hà-nội, in 1ần thứ nhất 1956, 1ần thứ hai 1957.
[6] Tiên thoại ở Tây phuơng (contes des fées) không phải 1à truyện tôn giáo, đó 1à cổ tích.
[7] Cắt nghĩa theo Bách hhoa từ điển La-rút-xơ (Larousse).
[8] Truyện kể rằng có một ông lão đánh cá có ba người con trai đặt tên là Linh, Minh và Cung. Họ có sức khỏe tuyệt trần, có tài võ nghệ. Quân Thục đến đánh. Tản Viên bảo vua Hùng mời ba anh em cầm quân đi đánh. Nhiều trận ác chiến diễn ra. Trong một trận, họ bị quân Thục áp đảo về số lượng, vây bọc tứ bề trong ngoài không thông nhau được. Sau mười bốn ngày nhịn đói, một hôm họ cầu thần, tự nhiên thấy trời đất tối tăm, rồi bỗng xuất hiện trước mặt ba anh em một con bò cái. Anh cả là Linh sai lính hầu vắt được một chậu sữa. Uống xong sữa bò thần, ba anh em thấy sức khỏe tăng lên rất nhiều. Sau đó, hàng đàn bò xuất hiện trên núi cao. Lập tức họ ra lệnh cho mười lăm ngàn quân sĩ vắt sữa uống và sức khỏe quân đội bỗng trở nên vô địch. Họ xông ra đánh cho tan tác địch quân, giết hàng nghìn người, cướp được quân lương khí giới rất nhiều. Khi đoàn quân quay trở về thì chẳng thấy bò đâu nữa. Để nhớ ơn, ba anh em thề từ đấy không ăn thịt bò và hạ lệnh cho dân làng Phao-võng (tức Võng la, huyện Đông-anh) không được giết thịt bò (X Võng-la thôn thần tích). Chúng tôi ngờ rằng những hình tượng uống (hoặc bú) sữa bò thần, và hàng đàn bò xuất hiện để giúp cho mười lăm ngàn quân có sức khỏe vô địch, v.v… là tàn dư của những mảnh thần thoại hoặc truyền thuyết xa xưa lưu lại trong bản thần tích này.
[9] Trong 1ần in thứ nhất bộ sách này, chúng tôi dùng khái niệm cổ tích hoang đường. Tiếp thu ý kiến của một số nhà nghiên cứu thống nhất với quan điểm phân loại của chúng tôi, chúng tôỉ xin đổi mấy chữ này thành cổ tích thần kỳ cho được rõ nghĩa hơn.
[10] Xem các truyện Sự tích động Từ Thức (số 130) và Sự tích sông Nhà-bè (số 30) ở phần sưu tập truyện.
- PHÂN BIỆT TRUYỆN CỔ TÍCH VỚI LỊCH SỬ VÀ VỚI TIỂU THUYẾT
Truyền thuyết cũng như cổ tích lịch sử là những truyện có gắn liền với một ý nghĩa, một cái tên lịch sử (tên người, tên đất, v.v…) chứ không phải là lịch sử thực sự. Nhưng đối với người đời xưa thì truyền thuyết, cổ tích, cả thần thoại nữa, thường bị lẫn lộn với lịch sử. Khi chép tiểu truyện Chu An đời Trần, hay Nguyễn Trãi đời Lê, người ta không ngần ngại đưa cả Sự tích đầm Mực[1] hay truyện Rắn báo oán[2] xen lẫn với sử liệu thực.
Như chúng tôi đã nói “Truyền thuyết có khi là thần thoại bị sửa chữa cho gần với nhân tính, có khi là lịch sử bị thần thánh hóa hay lý tưởng hóa”[3]. Trong những giai đoạn khuyết sử của dân tộc, truyền thuyết, cổ tích lịch sử thường lẫn lộn với lịch sử và sự lẫn lộn này diễn ra từ đã rất lâu, khó lòng còn phân biệt. Có nhiều nhân vật trong thời Bắc thuộc được kể trong sách Việt điện u linh tập như Lý Ông Trọng, Lý Phục Man, Trương Hống, Trương Hát hay như bà Bát Nàn, bà Lê Chân, bà Thiều Hoa (theo thần tích đều là nữ tướng của Hai bà Trưng), v.v… ngày nay vẫn làm cho chúng ta ngờ vực không hiểu đó dễ thường là nhân vật lịch sử truyền thuyết hóa hay chỉ là nhân vật truyền thuyết mà thôi.
Điều cần lưu ý là không nên lẫn lộn truyền thuyết, cổ tích lịch sử với những truyện thuộc loại truyện thời sự đã chuyển hóa thành lịch sử, hay những truyện gần như là ” liệt truyện” hoặc “giai thoại lịch sử” được ghi vào sách vở ngày xưa, nhưng đồng thời cũng được nhân dân truyền tụng. Vè Ấm Ninh khởi nghĩa, truyện Em Tám lự tẩm dầu đốt kho bom Tân-sơn-nhất đều là những truyện thời sự đã thành lịch sử, truyện Vua Ngọa Triều là một liệt truyện, truyện Công chúa Huyền Trân lấy vua Chàm là một giai thoại lịch sử.
Nhưng cổ tích lịch sử thường khi là tài liệu bổ ích cho lịch sử. Bởi vì nó là lịch sử do nhân dân kể, theo ý kiến và dư luận của nhân dân. Gor-ki từng nói: “Văn học dân gian có ý kiến riêng của nó đối với hoạt động của Lu-y XI, của I-van Hung đế, và ý kiến đó khác hẳn với cách đánh giá của những pho sử do những nhà chuyên môn viết ra, vì họ không quan tâm lắm đến vấn đề cuộc đấu tranh của các nhà vua chống lại bọn chúa phong kiến đã đem lại những gì cho đời sống của nhân dân lao động”[4].
Cho nên, cổ tích lịch sử cũng có khi được người xưa coi là dã sử. Có những nhân vật lịch sử như Chúa Thao (đời Mạc), Hầu Tạo (đời Minh Mạng) ta hầu như chỉ được biết qua truyện cổ tích mà thôi. Cũng vậy, nếu không có truyện Chàng Lía thì ngày nay mọi người dễ đã quên một anh hùng nông dân khởi nghĩa sống vào khoảng trước thời Tây Sơn, mà sử gia triều Nguyễn chẳng ai buồn chép đến. Nếu khéo sử dụng – nghĩa là không quá lạm dụng – thì cổ tích lịch sử sẽ giúp ích trong một chừng mực nào cho quốc sử.
Sau hết, cũng nên phân biệt truyện cổ tích với tiểu thuyết. Giữa hai loại hình này tuy phương thức biểu hiện có những chỗ giống nhau, nhưng thật ra lại khác nhau trên nhiều nét căn bản.
Tiểu thuyết cũng giống như truyện cổ tích, có thể chia làm hai loại: một loại, câu chuyện bị chi phối bởi yếu tố hoang đường quái đản, và một loại gần với đời sống thực. Tiểu thuyết có khi là những truyện rất dài dòng, với rất nhiều tình tiết, nghĩa là những câu chuyện có một phạm vi bao quát hiện thực rộng lớn, một khả năng tái hiện rất cao mọi diễn biến, màu sắc phức tạp và phong phú của đời sống xã hội mà truyện cổ tích không bao giờ có thể so sánh được. Nhưng tiểu thuyết cũng có khi là những truyện rất ngắn, những cốt truyện đơn giản đến mức sơ sài, hay hơn nữa là những cổ tích được phóng tác.
Khác với truyện cổ tích bắt buộc phải bó hẹp trong tính chất cổ và tính chất dân tộc, tiểu thuyết có thể mở rộng hơn về thời gian và không gian; nhân vật và hoàn cảnh mà nó xây dựng, sống trong thời đại nào và ở bất cứ vùng nào trên trái đất, đều được cả. Nhưng cái “bịa” của tiểu thuyết phải hợp lý. Trái lại, truyện cổ tích gần như lại được phép “phóng túng” về điểm này. Nhiều hình tượng trong cổ tích tưởng như là quá vô lý mà chẳng ai nghĩ đến việc giải thích tại sao lại như thế.
Nếu bằng vào thủ pháp nghệ thuật, chúng ta có thể phân chia tiểu thuyết thành hai loại khác nhau: một là “truyện kể” giống với cổ tích, hai là “truyện tả” khác hẳn với nghệ thuật cổ tích. Thường khi, hai loại vẫn được sử dụng xen lẫn với nhau mà thuật ngữ chuyên môn gọi là trần thuật phối hợp đặc tả. Nhưng dù phối hợp hay không phối hợp thì theo đúng nghĩa của nó, tiểu thuyết phải được tả nhiều hơn là kể. Mô tả tỷ mỷ nhân vật, sự việc cũng như đi sâu khai thác các cạnh góc khác nhau của cái thế giới bên trong của con người, nhà tiểu thuyết sẽ có vinh dự dựng lại những hình ảnh về đời sống đúng như nguyên mẫu. Và ở đây đặc trưng loại biệt của một ngòi bút tiểu thuyết trước hết phải là năng lực tạo hình. Mỗi nhà tiểu thuyết tạo ra một thế giới riêng, thông qua cái nét riêng không thể lẫn lộn trong thiên bẩm nghệ sĩ của tâm hồn anh ta; nhưng anh ta vẫn phải làm phong phú thế giới ấy bằng phong cách miêu tả, sao cho trong đó cũng đầy đủ mọi diện mạo khác nhau của đời sống, với những tình tiết phức tạp như thế giới ta sống hàng ngày.
Trái lại, thế giới trong truyện cổ tích không cần thiết phải miêu tả chi li. Vì thế mà chúng thường có tính ước lệ. Thời gian, không gian ở đây chỉ còn là những khái niệm phiếm chỉ. Và nếu đứng về một mặt nào đó, chúng bị bó hẹp so với tiểu thuyết, thì đứng về một mặt khác, chúng lại cũng quá rộng, đến nỗi không còn tính cụ thể lịch sử nữa. Cộng thêm vào đó là tính chất truyền miệng, đã làm xích gần thế giới của tất cả các truyện cổ tích Đông Tây lại, khoác lên cho chúng những màu sắc và không khí phảng phất giống nhau. Tất nhiên, truyện cổ tích của mỗi dân tộc vẫn có những điểm đặc thù. Vì cổ tích khác với tiểu thuyết như thế cho nên những truyện cổ tích đã đứng vững xưa nay sẽ không chịu mang hình thức tiểu thuyết hóa. Dĩ nhiên, không phải truyện cổ tích nào cũng chỉ có thể biểu hiện dưới một hình thức khô khan, đơn điệu.
Nói tóm lại, truyện cổ tích là một loại sáng tác văn nghệ của nhân dân. Nó có đặc trưng nghệ thuật riêng biệt không giống với các loại truyện ngụ ngôn, khôi hài, tiếu lâm, cũng như có phần khác với thần thoại, truyện tôn giáo và truyện thời sự. Do tính chất truyền miệng, nó mang hình thức truyện kể chứ không mang hình thức truyện tả, và do đó cũng không đồng nhất với thể loại tiểu thuyết. Nhưng với khả năng hấp dẫn không kém gì tiểu thuyết, trong một thời kỳ mà tiểu thuyết chưa phải là thứ nghệ thuật phổ cập, thì nó là một trong những loại hình nghệ thuật quan trọng, làm nhiệm vụ giải trí cho dân chúng, đồng thời cũng thỏa mãn nhu cầu cảm thụ thẩm mỹ, nhu cầu giáo dục và đấu tranh trong xã hội.
Chú thích:
[1] Xem truyện số 29, tập này.
[2] Xem truyện số 158, tập IV.
[3] Lược khảo về thần thoại Việt-nam, sách đã dẫn; tr.22.
[4] Báo cáo đọc ở Đại hội nhà văn Liên-xô năm 1934 (Gorki bàn về văn học, tập II, Nhà xuất bản Văn học, Hà-nội, 1970; tr.256 – 257).
Khi nói đến mấy tiếng “truyện cổ tích” hay “truyện đời xưa”, chúng ta đều sẵn có quan niệm rằng, đấy là một danh từ chung bao gồm hết thảy các loại truyện do quần chúng vô danh sáng tác và lưu truyền qua các thời đại. Trong đó, có truyện đượm tính chất hoang đường, có truyện gần với sự thật, có truyện ngụ một ý nghĩa sâu xa, có truyện không quan tâm đến đạo đức triết lý, có truyện mang tính nghệ thuật cao, có truyện hãy còn mộc mạc chưa được gia công tô điểm, có truyện nghiêm trang, có truyện buồn cười, có truyện dài, có truyện rất ngắn, có truyện từ ngàn xưa để lại, có truyện mới đặt gần đây, v.v…
Khái niệm “truyện cổ tích” như vậy thật rộng và phức tạp. Chẳng khác gì nhìn vào một khu rừng trong đấy có nhiều loại cây: cây to, cây nhỏ, gỗ tốt, gỗ xấu, mọc chằng chịt lẫn lộn. Cũng vì thế, xác định đặc trưng từng loại truyện cổ khác nhau để đi đến phân loại truyện cổ, vẫn là một công việc hứng thú và luôn luôn có ý nghĩa đối với nhiều nhà nghiên cứu và sưu tầm văn học dân gian từ trước tới nay. Tuy nhiên, cho đến lúc này, công việc đó vẫn chưa hoàn thành, và chưa có một kiến giải nào khả dĩ gọi là thỏa đáng.
Nghiêm Toản và Thanh Lãng cũng như một số người đã không dựa trên một tiêu chuẩn xác đáng nào trong khi chia truyện cổ thành những loại truyện như truyện mê tín hoang đường, truyện ma quỷ, truyện thần tiên, truyện ái tình, truyện luân lý, truyện tòa án, truyện nói về người, truyện nói về vật, v.v…[1] Bởi vì trong những loại truyện luân lý ngụ ngôn, truyện phúng thế hài đàm đâu phải không có những truyện có tính chất mê tín hoang đường. Và ngược lại, trong những loại truyện ma quỷ, truyện thần tiên, cũng chẳng phải là hiếm những đề tài có tính chất ái tình, luân lý?
Cách chia của Nguyễn Văn Ngọc trong bài “Mào đầu” quyển Truyện cổ tích nước Nam cũng chưa đem lại cho ta một sự phân biệt dứt khoát[2]. Ông quan tâm nhiều đến tính thống nhất về mặt hình thức của những loại truyện cổ khác nhau. Chẳng hạn những truyện có kết thúc bằng những câu phương ngôn lý ngữ được ông liệt vào một loại, những truyện có xen lẫn câu ca hài hát lại được chia thành một loại khác. Nhưng quá thiên về hình thức, thậm chí không quan niệm được tính chất linh động của truyện cổ về mặt hình thức, tác giả rốt cuộc đã không vượt khỏi chủ nghĩa hình thức đơn thuần.
Có người không phân loại nhưng có ý sưu tập riêng một số truyện, cho đây là những truyện của trẻ em (đồng thoại) để mặc nhiên phân biệt với truyện của người lớn. Nếu có thể cho đây là một tiêu chuẩn thì cái tiêu chuẩn phân loại theo đối tượng thưởng thức ấy kể ra cũng không có gì là phân minh, nhất là đối với truyện cổ Việt-nam! Vì khác với các dân tộc phương Tây, người Việt-nam trước đây sáng tác truyện cổ dường như không có ý định dành một loại nào riêng cho trẻ em cả.
Có lẽ do chỗ khó khăn trong việc phân loại nên đã có người dựa vào tính chất ảo tưởng khá phổ biến trong các truyện cổ mà chia đại khái làm hai loại lớn: một loại trong đó ảo tưởng chiếm ưu thế, như các truyện động vật, truyện ma quái, truyện thần tiên, v.v… và một loại truyện tương đối ít nhân tố ảo tưởng hơn như các truyện về sinh hoạt, truyện cười, truyện triết lý, v.v…
Trong sách Văn nghệ bình dân Việt-nam[3], Trương Tửu cũng theo lối này. Ông chia toàn bộ truyện truyền miệng thành hai loại: thần kỳ và thế sự. Mỗi loại lại được chia thành nhiều hạng. Ví dụ, loại thần kỳ có bốn hạng: truyện thần tiên, truyện anh hùng, truyện ma quỷ và truyện nói về con người. Loại thế sự thì có các hạng: truyện tiếu lâm, truyện khôi hài, truyện ngụ ngôn, truyện nói về nhân tình thế thái, v.v…
Cách sắp xếp này có sự khái quát cao hơn hẳn những người đi trước, song khi đi vào các hạng mục nhỏ cũng vẫn còn dấu vết hình thức. Một truyện triết lý, ngụ ngôn hay khôi hài không nhất định phải ít nhân tố ảo tưởng hơn một truyện anh hùng, truyện động vật. Ngược lại cũng không phải cứ truyện động vật, truyện anh hùng nào cũng đều phải có sự can thiệp của yếu tố thần tiên. Để đạt tới một kết luận định sẵn, tác giả của truyện không từ một biện pháp nào: có thần kỳ hay không thần kỳ đều dùng được cả.
Như vậy, cũng không thể lấy tính chất ảo tưởng làm tiêu chuẩn cơ bản trong việc phân loại truyện cổ. Phân loại như thế, dễ dẫn chúng ta đến một tình trạng khó xử: càng sắp xếp chi li thì những đặc điểm riêng về loại hình, về kết cấu nghệ thuật, và cả những mối liên hệ trong nội dung tư tưởng… của từng loại truyện càng dễ bị lẫn lộn.
Thế thì phải chăng không thể phân loại truyện cổ tích một cách rành mạch được. Chắc chắn không phải. Nhưng để có một ý niệm xác đáng, trước khi phân loại cần tìm hiểu thấu đáo những đặc trưng cơ bản nhất của từng loại truyện truyền miệng. Đó là phương pháp cần thiết trong khi nghiên cứu văn học dân gian.
Trước tiên, chúng ta hãy kiểm điểm lại danh từ “truyện cổ tích” hay “truyện đời xưa” nhiều khi vẫn thường được dùng một cách quá rộng rãi. Người ta dùng danh từ đó để chỉ bất cứ loại truyện nào có thể gắn lên đầu hai tiếng “ngày xưa…”. Bây giờ đây chúng ta nên trả lại cái tên truyện cổ tích cho môn loại của nó. Còn cái tên dùng để chỉ chung cho tất cả các loại truyện truyền miệng, chúng ta tạm gọi nó là truyện khi chưa tìm được tiếng nào thích hợp hơn. Khái niệm “truyện đời xưa” thật ra vẫn không được bao quát, vì ngoài những truyện đời xưa đúng nghĩa ra, không phải không có những truyện mới được sáng tác hôm qua hôm kia, những truyện “đời nay” mà vẫn cứ là truyện như thường.
Xác định như thế rồi, chúng ta sẽ gạt ra mấy loại truyện sau đây mà phạm vi bộ sách này không nói tới:
Một là ngụ ngôn. Ngụ ngôn là một loại truyện đơn giản, có mục đích rõ rệt là kết cấu câu chuyện phải nói lên một ý nghĩa gì. Cũng có khi nó được người ta dùng để so loại như ca dao, tục ngữ: lấy cái gần nói cái xa, lấy cái dễ nói cái khó, lấy cái cụ thể nói cái trừu tượng. Truyện ngụ ngôn thường rất ngắn, bằng văn vần hay văn xuôi, có một kết luận định sẵn, đó là một bài học luân lý hay một quan niệm về triết lý. Nếu trong cổ tích, dung lượng phong phú của những câu chuyện kể không bắt buộc phải bỏ qua nhiều chi tiết, mà nhiều khi ngược lại, thì đối với ngụ ngôn, do yêu cầu làm sáng rõ cái ý nghĩa đã chuẩn bị sẵn trong truyện, lại cần phải tước bỏ bớt những chi tiết rườm rà. Nói ngoa, nói phóng đại là phương pháp thuyết phục của ngụ ngôn. Tuy nhiên, ẩn sau những hình thức thuyết phục có vẻ vô lý, nội dung ý nghĩa của truyện ngụ ngôn thường lại hợp tình hợp lý. Nhiều truyện cổ tích cũng có ý nghĩa ngụ ngôn nhưng cách xây dựng câu chuyện thì theo một thể tài khác hẳn. Truyện ngụ ngôn có phần giống với truyện tiếu lâm về nghệ thuật, về ý nghĩa và cả về cười cợt nữa, nhưng lại khác tiếu lâm ở chỗ nó không chuyển thành cái cười phũ phàng, hơn nữa không dâm tục.
Hai là khôi hài hay hoạt kê. Loại này đặc biệt ở tính chất gây cười. Ngày xưa, những truyện khôi hài được sáng tác có kết thúc trọn vẹn, nghĩa là nhiều truyện cũng có bố cục chặt chẽ, trước sau ăn khớp nhau, có nhiều chi tiết, nhiều sự kiện rườm rà không khác gì thể tài cổ tích.
Chỉ có khác với cổ tích là mỗi tình tiết của truyện đều có ý gây cười hoặc mỉa mai bằng cười cợt. Nhưng về sau này thể truyện khôi hài thường ngắn gọn, có khi không đầu không đuôi.
Ba là tiếu lâm. Theo đúng nghĩa của nó thì cũng là loại truyện gây cười. Nhưng nếu cái cười ở khôi hài đã có tính chất châm biếm đả kích thì cái cười ở tiếu lâm, châm biếm đả kích còn có phần trắng trợn hơn. Ở khôi hài thì người ta thường kiêng dè những điều dâm tục, nhưng với tiếu lâm, điều đó không thành vấn đề nữa. Khác với nghệ thuật của cổ tích, truyện tiếu lâm cũng như truyện ngụ ngôn thường kết thúc giữa chừng. Nghĩa là câu chuyện bao giờ cũng dừng lại khi mục đích của nó đã đạt cũng như hình tượng của truyện bao giờ cũng bó hẹp trong khuôn khổ và mục đích quy định.
Điều cần để ý là trong kho tàng truyện cổ tích của bất cứ dân tộc nào cũng đều có một số truyện chứa đựng tính chất vui tươi cười cợt có khi pha lẫn cả tục nữa, nhưng vẫn không có tác dụng gây cười như truyện khôi hài và tiếu lâm. Những truyện đó vẫn là truyện cổ tích vì trước sau chúng vẫn đầy đủ những đặc trưng của truyện cổ tích.
Bốn là loại truyện tạm gọi là truyện thời sự. Loại này khác với truyện cổ tích và các loại truyện khác ở chỗ, tác giả của nó không dùng đến tưởng tượng hoặc chỉ dùng rất ít. Nó là truyện có thật, xảy ra ở trong một nước hay một địa phương nhất định. Dưới hình thức một câu chuyện kể ngắn gọn, nó bộc lộ rõ rệt một thái độ. Thường thì bao giờ câu chuyện cũng được chủ quan tác giả hướng tới một kết luận nào đấy. Đó chính là truyện đời chứ không phải mô phỏng, nhại lại truyện đời. Sở dĩ không gọi là truyện đời hay truyện thế sự mà gọi là truyện thời sự vì loại truyện này vốn xuất hiện nóng hổi và trung thực ngay sau khi sự việc xảy ra, nhanh như một tin báo. Nó cũng là lịch sử mà lại là lịch sử ít bị phóng đại hóa hay thần thánh hóa. Nó khác ngụ ngôn ở chỗ: ngụ ngôn thì châm biếm một cách kín đáo, nhẹ nhàng còn nó khi đả kích thì đả kích táo tợn, nói thẳng nói thật tên tuổi đối tượng mà không sợ vạ miệng chút nào.
Truyện thời sự thường có hai hình thức: có truyện kể bằng văn xuôi, không có hình thức thành văn cố định. Ví dụ những truyện có đề tài về kháng chiến, rào làng, đi dân công, thi đua… gần đây hay là những truyện như: Tán Cao mổ ruột, Bảo Đại bị Tây bắn què chân[4] ngày trước. Có truyện đặt bằng văn vần mà ta thường gọi là truyện vè, như vè Sai đạo kể chuyện bọn khâm sai núp sau lưng giặc Pháp làm hại đồng bào, hay như vè Cô Thông Tằm, vè Con gái chửa hoang, v.v… Nên nhớ là không phải bất cứ truyện vè nào cũng đều là truyện thời sự. Có truyện là ngụ ngôn (vè Con cua), có truyện là cổ tích (vè Chàng Lía).
Đó là bốn loại truyện có hình thức và mục đích rõ ràng, dễ phân biệt.
Ngoài bốn loại này, còn có thể nói đến một số loại truyện khác trong kho tàng truyện của chúng ta. Nhưng thời gian và quá trình truyền miệng đã làm cho các đặc trưng của chúng trở nên gần gũi nhau hơn, ranh giới hầu như bị xóa nhòa, nên rất dễ lẫn lộn.
Tuy nhiên nếu đi sâu vào từng truyện, ta vẫn có thể phát hiện ra thần thoại và tiên thoại, phật thoại. Những loại này tuy giống nhau về hình thức nhưng lại khác biệt về nội dung.
Về thần thoại chúng tôi đã có dịp xác định đặc trưng trong quyển Lược khảo về thần thoại Việt-nam[5]. Còn tiên thoại, phật thoại hay nói chung là truyện tôn giáo là những loại truyện rất dễ nhìn nhận dù của bất cứ dân tộc nào, vì chúng mang theo dấu ấn rõ nét của một thứ tôn giáo nhất định. Chúng thường xuất hiện từ miệng tăng lữ với mục đích tuyên truyền dẫn giải về chủ nghĩa yếm thế. Chủ đề của truyện thường thường là việc nhân quả báo ứng, thoát ly cuộc sống trần tục, v.v…[6].
Gạt tất cả các loại truyện trên ra, chúng ta sẽ chỉ còn lại những loại truyện với cái tên quen gọi là truyền thuyết, cổ tích.
Vậy truyền thuyết, cổ tích là gì? Ranh giới giữa truyền thuyết, cổ tích như thế nào?
Truyền thuyết, cổ tích đều là những truyện tự sự nằm trong loại hình tự sự dân gian, do quần chúng tưởng tượng nên, cốt truyện tương đối dài, kết thúc trọn vẹn, các tình tiết được thuật theo trình tự thời gian, và trong không gian ba tầng của người thời cổ: cõi người, cõi trời (bao gồm cả cõi tiên), cõi đất (âm phủ và thủy phủ). Nội dung của chúng, hoặc hoang đường, huyền diệu hoặc không, thường thường đề cập đến những mối quan hệ giữa con người trong xã hội có giai cấp nhiều hơn là giữa con người với tự nhiên. Mục đích là gây hứng thú thẩm mỹ cho người nghe, người đọc, đồng thời cũng để giáo dục họ, nhưng không cốt gây cười, cũng không ngụ ý như các thể loại tự sự dân gian khác.
Truyền thuyết và cổ tích tuy giống nhau trên đại thể, nhưng thật ra vẫn là hai khái niệm cần phân biệt.
Danh từ “truyền thuyết” có một hàm nghĩa cũng khá rộng rãi. Nó thường được dùng để chỉ những câu chuyện cũ, những sự kiện lịch sử còn được quần chúng truyền lại nhưng không bảo đảm về mặt chính xác (có thể do truyền miệng mà sai lạc, đồng thời cũng có thể do tưởng tượng của dân chúng phụ họa thêu dệt mà càng sai lạc hơn). Vì thế, trong quan niệm của nhân dân ta trước tới nay, mấy chữ truyền thuyết có khả năng bao trùm lấy nhiều loại truyện. Cũng do phạm vi quá rộng rãi của khái niệm đó mà đôi lúc người ta còn lẫn lộn nó với cả truyện cổ tích và truyện thời sự nữa.
Cho nên, nếu chỉ giới hạn việc định nghĩa truyền thuyết là những truyện trong đó lịch sử bị biến tướng bởi óc tưởng tượng và lãng mạn của nhân dân, nói cách khác những truyện do tưởng tượng cấu thành nhưng có gắn liền với một ý nghĩa lịch sử như quan niệm của một số nhà nghiên cứu nước ngoài[7], thì e không thích hợp với thực tiễn văn học dân tộc. Tình trạng nhập nhằng thường thấy giữa truyền thuyết và cổ tích như trên đã nói, đòi hỏi chúng ta phải có một định nghĩa rạch ròi, dứt khoát hơn.
Giả định rằng truyền thuyết là sự thật được hoang đường hóa còn cổ tích thì hoàn toàn do tưởng tượng tạo nên, nhưng ai mà không nhận thấy có những truyền thuyết như Sự tích con muỗi, Sự tích hồ Ba-bể, là hoàn toàn bịa đặt, v.v… Ngược lại, cũng không hiếm gì những truyện cổ tích vốn lúc đầu dựa vào một sự thật khách quan nào đó rồi được tác giả nâng lên thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Lại giả định rằng truyền thuyết có dính dấp đến lịch sử, còn cổ tích thì không phải như vậy, nhưng trên thực tế, nào hiếm gì những truyện cổ tích có quan hệ ít nhiều đến lịch sử, như các truyện Chàng Lía, Bùi Cầm Hổ chẳng hạn?
Theo chúng tôi, điều cần chú ý trước hết là phần nhiều các truyền thuyết đều chưa được xây dựng thành truyện. Chúng chỉ mới là từng mẩu truyện. Ví dụ truyền thuyết về Lý Công Uẩn chỉ gồm có hai tình tiết: mẹ vua không chồng mà chửa, sau cho vua làm con nuôi sư Lý Khánh Văn; lúc ở với sư, vua đã đề vào lưng tượng Phật mấy chữ “đày đi viễn châu”, đến nỗi hòa thượng trụ trì chùa này nằm mộng thấy Phật từ giã mình đi đày theo lệnh của thiên tử.
Có nhiều truyền thuyết chưa có kết cấu trọn vẹn, chưa nhuần nhuyễn tính nghệ thuật. Ví dụ truyền thuyết ông Đùng bà Đà là chuyện hai anh em ruột lấy nhau bị xử tử, chết thành thần.
Cho nên, trên từng bước tiến triển của loại hình, nếu truyền thuyết – hiểu theo nghĩa rộng – đạt đến chỗ hoàn chỉnh thì tùy theo nội dung, nó có thể trở thành cổ tích hay thần thoại. Bởi xét về mặt nghệ thuật, về nội dung ý nghĩa thì tuyệt không có gì khác giữa một truyền thuyết với một cổ tích hay một thần thoại.
Văn học truyền miệng Việt-nam không có loại anh hùng ca như văn học truyền miệng của đồng bào thiểu số, nhưng có một số truyền thuyết phần nào có mang phong cách anh hùng ca. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì có thể ngờ rằng, ngày xưa chúng ta cũng có anh hùng ca với hình thức văn vần. Nhưng có lẽ trải qua bao nhiêu biến thiên lịch sử, đặc biệt là những biến thiên về ngôn ngữ văn tự, loại anh hùng ca đó mất dần đi, chỉ còn lại đây đó những cốt truyện kể bằng văn xuôi mà ta gọi là truyền thuyết. Truyện Thánh Gióng, truyện Khổng Lồ đúc chuông, truyện Bố Cái đại vương, chẳng hạn, có thể nguyên xưa đều là những anh hùng ca. Nhưng đã từ lâu, sự lãng quên, sự chuyển hóa của lịch sử làm cho những thiên anh hùng ca đó chịu những số phận không chút giống nhau. Truyện Thánh Gióng trở thành một thần thoại hay một thần tích; truyện Khổng Lồ trở thành một cổ tích, còn truyện Bố Cái đại vương chẳng hạn thì được các nhà chép sử gạn bớt những yếu tố hoang đường mà trở thành một sự tích lịch sử. Cùng một hiện tượng “tha hóa” kiểu như thế, ngày nay, chúng ta còn có thể lọc được trong thần tích của các làng một số truyền thuyết có dấu vết của phong cách anh hùng ca như Sự tích thần làng Võng-la[8], Sự tích Thánh Chèm, v.v…
Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, nếu truyền thuyết có thể đứng được thành một thể loại riêng biệt thì phải gồm những truyện xưa chuyên nói về anh hùng lực sĩ trong thời khuyết sử và thời Bắc thuộc đã được kỳ vĩ hóa, thần thánh hóa. Nhưng số lượng hiện nay biết được cũng không nhiều. Những truyện anh hùng lực sĩ sáng tác trong thời phong kiến tự chủ đương nhiên không thể liệt vào loại truyền thuyết này vì nói chung, trong quan niệm nghệ thuật về con người của chúng, đã có sự khác biệt về chất. Con người ở đây không còn có phong thái chất phác vô tư và khảng khái như các nhân vật anh hùng thời xưa. Nhân vật Lê Phụng Hiểu là một lực sĩ có sức khỏe tuyệt trần, nhưng cái ước muốn của Lê Phụng Hiểu thì chung quy không ngoài ước muốn phục vụ vua chúa phong kiến để cầu danh lợi. Vẻ đẹp của ông đã được một hệ quy chiếu thẩm mỹ khác trước quy định.
Tuy phân biệt truyền thuyết với cổ tích như trên, nhưng ở đây, khi sưu tập chúng tôi vẫn xếp chung truyền thuyết với cổ tích và coi như là những truyện cổ tích. Bởi vì không những số lượng của chúng ít ỏi, mà về nội dung, những truyền thuyết này cũng đượm ít nhiều phong vị của cổ tích, nếu như không đượm phong vị của thần thoại.
Như vậy, đặc trưng của cổ tích biểu hiện ở những chỗ nào? Thực cũng khó mà vạch một cách thật dứt khoát ranh giới của thể loại này; vì như ta đã biết, tất cả mọi loại hình tự sự dân gian đều được sáng tạo nên bằng cảm quan nghệ thuật của quần chúng, nên đều mang những kết cấu khá thống nhất, có những mô-típ tương đối ổn định. Thêm vào đó, chúng lại được sáng tác, chỉnh lý và truyền tụng bằng miệng nên cũng ảnh hưởng qua lại với nhau một cách mật thiết. Tuy nhiên, tìm hiểu cho sâu, vẫn có thể phân biệt được loại hình này với loại hình khác trên những nét căn bản. Theo chúng tôi, có ba đặc điểm đáng chú ý hơn cả để nhìn nhận loại hình cổ tích:
Một là, tính chất cổ của sự việc. Truyện cổ tích được xác định trước tiên ở phong cách cổ của nó. Gần như bất cứ cổ tích nào cũng không ra ngoài những quy ước về màu sắc cổ của nhân vật và không khí cổ của câu chuyện. Không khí truyền kỳ hoang đường của một số truyện cổ tích, xét cho cùng cũng xuất phát từ tính chất cổ. Giá thử ngày nay có người phỏng theo cổ tích dựng lên một câu chuyện thậm chí rất hoang đường nhưng lại có những nhân vật ăn mặc theo lối tân thời, đi ô-tô hay xe đạp chẳng hạn, thì dù không hiểu đặc trưng cổ tích thế nào đi nữa, chắc cũng khó có ai ngờ nghệch nhận đây là một truyện cổ tích được. Dù cho phạm vi hai khái niệm “cổ” và “kim” trong cổ tích không khỏi có lúc lẫn lộn, nhưng mỗi nhân vật, mỗi tình tiết mỗi hình ảnh của cổ tích đều nhất thiết phải là một nhân vật, một tình tiết, một hình ảnh vốn có trong truyền thống nghệ thuật xa xưa của văn học dân gian, được nhân dân coi là quen thuộc, đã thấm sâu vào tiềm thức mọi người. Cũng giống như những miếng trò kiệt tác trong tuồng hay chèo cổ luôn luôn được các đời sau sử dụng lắp đi lắp lại, những mô-típ nghệ thuật đã trở thành tiêu biểu của văn học dân gian, nhất là nghệ thuật vần vè hay truyện kể, cũng thường xuyên được tái sinh có chuyển dịch ít nhiều trong nhiều thời đại, làm thành kiểu tư duy nghệ thuật đặc trưng của văn học dân gian, và đó là điều kiện thuận lợi để truyện cổ tích sinh sôi nẩy nở theo phương thức ứng diễn và tìm thấy mối liên hệ loại hình với nhau.
Như vậy, vấn đề xác định tính cổ của truyện cổ tích là căn cứ chủ yếu vào phương thức cấu tạo hình tượng, sự sắp xếp, xâu chuỗi cốt truyện và mô-típ, mà không nhất thiết căn cứ vào thời điểm lịch sử của câu chuyện. Những truyện như Vợ ba Đề Thám tuy cách ta trên nửa thế kỷ và mang thề tài cổ tích rõ rệt nhưng trong đó có những tên giặc râu xồm, mũi lõ, có súng trường, súng lục… nên vẫn chưa thể nào thừa nhận là truyện cổ tích.
Nó là câu chuyện đã qua nhưng chưa hoàn toàn “cổ”. Nó thuộc về loại những truyện mới. Mặc dầu không có mốc giới hạn về thời gian rõ rệt, nhưng một truyện cổ tích cố nhiên không thể là một truyện đời nay và cũng không thể là một truyện dĩ vãng nhưng phù hợp với đời nay hơn là đời xưa, phù hợp với trạng thái sinh hoạt hiện đại hơn là trạng thái sinh hoạt của xã hội cũ. Cái chất liệu dĩ vãng chứa đựng trong đấy thực tình chưa lắng xuống, và chưa được đại đa số nhân dân công nhận là ở bên kia biên giới của cái “mới”. Sở dĩ có những câu chuyện mới sáng tác gần đây có thể liệt vào truyện cổ tích là vì bối cảnh, khí hậu xã hội, phong cách sinh hoạt và tâm lý nhân vật mà chúng được xây dựng, so với bối cảnh, khí hậu, phong cách sinh hoạt và tâm lý của người đời xưa tuyệt không có gì là trái ngược. Cho nên, tính chất cổ là một tiêu chuẩn không thể thiếu được khi nhận định một truyện cổ tích.
Hai là, trong sự việc được kể đừng có yếu tố gì quá xa lạ với bản sắc dân tộc. Nghệ thuật cổ tích cho phép tác giả bịa đặt mọi tình tiết, thậm chí bịa đặt những tình tiết không hợp lý. Nhưng đã là cổ tích của một dân tộc thì sự bịa đặt không thể vượt ra khỏi bản sắc dân tộc. Hãy đặt một giả thuyết là có một câu chuyện không kém lý thú và màu sắc cũng rất cổ, lưu hành phổ biến trong khá nhiều người. Có điều, nhân vật trong truyện đáng lý là Bụt, Tiên, hay Ngọc Hoàng thượng đế, thì ở đây lại là… Đức Chúa Trời hay Đức Mẹ Đồng trinh. Chỉ cần thế thôi, câu chuyện đã trở nên xa lạ, đã nhạt đi mất nhiều ý vị của một cổ tích. Nhưng nếu đấy là một truyện ngụ ngôn hay khôi hài thì lại khác. Vai Đức Chúa hay Đức Mẹ vẫn không ảnh hưởng gì đến đặc trưng loại hình của chúng. Miễn câu chuyện có ngụ một ý tưởng sâu sắc hay gợi được cười cợt cho người nghe, người đọc là đủ.
Chúng ta thấy cái tên Đức Chúa hay Đức Mẹ truyền vào Việt-nam từ thế kỷ thứ XVI kể đến nay đã hơn bốn trăm năm mà vẫn chưa thể nào quen thuộc với tâm lý dân tộc. Trái lại, cái tên Bụt, Tiên cũng là mượn của những thứ tôn giáo ngoại lai nhưng đã thành truyền thống, vì từ đã rất xưa, những tôn giáo này từng hóa thân vào đời sống dân tộc, chấp nhận những sự thanh lọc gay gắt, trở thành tôn giáo chung chi phối cuộc sống tâm linh của cả cộng đồng. Đặc điểm này cắt nghĩa tại sao khi một truyện cổ tích của dân tộc này truyền vào một dân tộc khác, thì phải chuyển hóa thành một truyện mới, hay ít nhất cũng phải mang những mô-típ mới, những màu sắc quen thuộc hoặc gần như quen thuộc với điều kiện sinh hoạt, với tâm hồn của dân tộc mới.
Cần phải nói thêm là truyện cổ tích thường giàu tính cộng đồng. Giá thử trong truyện có in dấu cá tính của người sáng tác thì cá tính đó cũng phải phù hợp hoặc không phương hại gì đến tính chất chung của tập thể. Có thế, nó mới được tập thể thừa nhận và lưu truyền. Tính cộng đồng tuy không đồng nhất nhưng có quan hệ khăng khít và là cơ sở của tính dân tộc. Tất nhiên, trong cùng một giai đoạn lịch sử, giữa các dân tộc khác nhau, các tập đoàn người khác nhau vẫn có những ước mơ, hy vọng giống nhau, cho nên thế giới trong truyện cổ tích Đông Tây vẫn thường có những nét gần nhau. Mặc dù thế, truyện cổ tích của mỗi dân tộc vẫn phản ánh xã hội, đất nước, cuộc sống, phong tục, những vấn đề lịch sử cụ thể của dân tộc mình. Dân tộc tính đối với cổ tích quả là một tiêu chuẩn khá quan trọng.
Ba là, truyện cổ tích ít nhiều phải thể hiện tính tư tưởng và tính nghệ thuật. Nay ta kể cho nhau nghe một câu chuyện rất xưa về ma. Một con ma gốc đề hiện hình lè lưỡi nhát người chẳng hạn. Câu chuyện ấy sẽ không bao giờ trở thành truyện cổ tích được nếu trong đó không bao hàm một ý nghĩa gì về cuộc đời, về con người, hay không có những tình tiết gợi hứng cảm cho người nghe. Không những truyện ma mà ngay cả truyện người, truyện thần, truyện vật cũng chưa hẳn là cổ tích nếu chúng không hướng đến một mục đích nhân sinh cao cả, hoặc có mục đích nhân sinh nhưng lại không tan biến vào trong từng tình tiết của truyện để trở thành một mục đích tự thân, một nhận thức thẩm mỹ sâu sắc. Rõ ràng, truyện cổ tích không phải là một loại truyện suông vô ý nghĩa, cũng không phải là một loại truyện “ngụ ý” tầm thường. Nếu là một truyền thuyết theo nghĩa rộng như trên đã nói, thì lại khác. Truyền thuyết không bắt buộc truyện nào cũng phải có yêu cầu nhân sinh hoặc thẩm mỹ đó.
Tất nhiên, nếu là truyện có ý nghĩa mà lại chỉ đơn thuần chép lại sự thật như truyện thời sự thì cũng không thể gọi là cổ tích. Như chúng ta đã biết, văn học nghệ thuật gắn liền với cái đẹp và do đó nó đòi hỏi sự gia công, sự nỗ lực sáng tạo. Là một loại hình tự sự hoàn chỉnh nhất trong các loại hình tự sự dân gian, yêu cầu sáng tạo này đối với cổ tích rõ ràng là nghiêm nhặt hơn các loại “truyện” dân gian khác rất nhiều. Tác giả truyện cổ tích phải vận dụng trí tưởng tượng, xếp đặt nội dung, bố trí tình tiết, làm cho mạch truyện tiến triển theo một kết cấu nghệ thuật nào đấy để đạt tới kết luận định sẵn. Nói cách khác, truyện cổ tích phụ thuộc rất nhiều vào ý định và tài năng của tác giả chứ không tùy thuộc hoàn toàn vào những câu chuyện xảy ra tự nhiên trong đời sống hàng ngày. Sở dĩ những sự tích Cố Bu, Ba Vành… không còn mang tính chất lịch sử nữa là nhờ thông qua hư cấu nghệ thuật của tập thể quần chúng nên câu chuyện thực đã được cải biên hoặc cách điệu thành những thiên truyện anh hùng, những nhân vật anh hùng đúng như quan niệm lý tưởng của quần chúng. Tất nhiên, tưởng tượng và hư cấu ở đây sẽ không hạ thấp mà càng làm cho nghệ thuật truyện cổ tích có giá trị chân thật hơn hẳn các loại truyện tự sự dân gian khác. Xét về mặt quan niệm nghệ thuật, điều này có khác với phương Tây. Trong cách kể truyện cổ tích của phương Tây, người kể thường vẫn dùng một câu kết nói rõ mình đã “tán dóc”, đã “bịa” trong suốt quá trình kể chuyện. Nghĩa là cả người kể lẫn người nghe không ai tin đấy là chuyện thật. Còn ở Việt nam thì khác: người kể chỉ thực sự thành công khi làm cho người nghe tin rằng chuyện do mình kể đã xẩy ra ở đâu đó, tại một địa phương phiếm chỉ nhưng không xa nơi họ đang sống. Cũng chính nhờ tính chân thật này mà sau khi đã ngừng kể, câu chuyện vẫn còn sống động, được biến hóa từ địa danh này sang địa danh khác, và truyền đi, qua trí nhớ của nhiều người.
Tóm lại, đặc điểm thứ ba này cho phép ta phân biệt truyện cổ tích với các loại truyện dân gian khác, ở chỗ, nó là một tác phẩm văn học hoàn chỉnh hoặc tương đối hoàn chỉnh. Nó là một thể loại đã đạt đến cấp độ cao trong nghệ thuật tự sự truyền miệng, trước khi chuyển sang giai đoạn toàn thịnh của văn xuôi tự sự trong nền văn học viết.
Truyện cổ tích bao gồm nhiều thứ: truyện nói về người, truyện nói về vật; về ma quỷ, về Tiên Phật, cả những truyện về Thần Thánh nữa. Nhưng không nên dựa vào đấy mà phân loại. Thực ra đối với cổ tích và ngay cả đối với truyện cổ dân gian nói chung, bất kỳ một sự phân loại nào cũng chỉ có ý nghĩa chính xác tương đối. Nếu cần phải chia, thì theo ý chúng tôi nên chia làm ba loại sau đây:
Truyện cổ tích thần kỳ[9].
Truyện cổ tích thế sự.
Truyện cổ tích lịch sử.
● Cổ tích thần kỳ là loại truyện tương đối có nhiều nhân tố ảo tưởng nhất. Những truyền thuyết thần bí, kỳ quái, những truyện người, truyện vật nhưng bên trong đầy dẫy những sự can thiệp của huyền diệu đều có thể xem là cổ tích thần kỳ. Truyện cổ tích thần kỳ còn có một phần là tàn dư của những tưởng tượng gắn liền với mê tín, ma thuật, đồng bóng, và các hình thức tôn giáo của con người nguyên thủy. Tác giả loại truyện này nhiều khi đã dùng những lực lượng siêu tự nhiên để thắt nút, mở nút câu chuyện mà không cần biết có hợp lý hay không. Nhưng chính cái nhân tố ảo tưởng đó tạo nên biết bao tình tiết kỳ thú: nó kích thích cực mạnh trí tưởng tượng của người nghe người đọc, bằng cách đem một thế giới không thực thay thế cho thế giới có thực. Mà trong thế giới không thực đó lại bao gồm những cái nên xảy ra, đáng lẽ phải xảy ra, cho nên chính nó còn giúp người ta hiện thực hóa những ước muốn không tưởng, nghĩa là chỉ trong khoảnh khắc có thể quên bẵng những cái đang xảy ra giữa cõi đời thực để nhập thân vào một thế giới hoàn toàn xa lạ nhưng vốn có những điểm đồng cảm về lý tưởng thẩm mỹ với chính mình. Điều đó giải thích vì sao người nông dân xưa kia có thể tạm quên hết mọi mệt nhọc để theo dõi một cách hứng thú con đường Từ Thức đi tìm động tiên, hay là cùng xuống thăm âm phủ với Thủ Huồn[10].
Trong kho tàng truyện cổ tích nước ngoài, truyện thần kỳ chiếm một phần khá lớn. Đó là đặc điểm của truyện cổ tích dân gian trên thế giới. Hơn nữa có khá nhiều truyện trong đó chứa đựng tàn dư của thần thoại, như truyện cổ tích Ấn-độ, Khơ-me (Khmer) và của một số các nước phương Tây.
● Cổ tích thế sự hay sinh hoạt, trái với loại truyện trên, là những truyện không có hoặc có rất ít nhân tố ảo tưởng. Đây là những truyện bịa nhưng rất “gần đời thiết thực”; chúng giữ được khá nguyên vẹn sắc thái, âm hưởng, thậm chí, đôi khi cả những hình thức diễn biến chủ yếu của muôn nghìn câu chuyện vẫn xảy ra trong cuộc sống đa dạng của xã hội loài người. Đấy là những truyện như Của trời trời lại lấy đi… Trộm lại gặp trộm, Ông già họ Lê, Trọng nghĩa khinh tài, những truyện mang đề tài kiện cáo, chiến tranh, những truyện phiêu lưu v.v… hoặc cả những truyền thuyết rất gần với sự thật kiểu Sự tích dưa hấu, Sự tích ông đầu rau… Truyện cổ tích thế sự chẳng những không làm cho người nghe, người đọc quên mất cõi đời trước mắt mà lại dẫn họ xuyên sâu vào mọi ngõ ngách cuộc đời. Nó không nói đến những cái phi thường, nhũng cái “quái đản bất kinh”, nhưng trong cái tầm thường, cái bình dị của các tình tiết, vẫn ẩn giấu một khả năng gây hứng thú mạnh mẽ, hoặc một điều gì đáng thương đáng cảm rất mực.
Nếu có những truyện mà nhân tố ảo tưởng được đem dùng để mở nút hay kết thúc câu chuyện nhưng toàn bộ mạch truyện vẫn không chút xa lạ với lô-gích của đời sống, như truyện Sự tích chim hít cô chẳng hạn, thì vẫn có thể xếp vào cổ tích thế sự. Thật ra, tuy kết cục của truyện Sự tích chim hít cô có nói đến một đứa bé hóa thành chim, song mạch sống của toàn câu chuyện vẫn không hề chịu chi phối bởi một yếu tố thần kỳ nào. Tác giả vẽ một bức tranh xã hội vẫn thường thấy trong thời đại cũ: hình ảnh thảm thiết của hai cô cháu nhà nghèo giữa tình cảnh đói kém trầm trọng. Tất nhiên, cũng cần phân biệt nó với loại truyện thời sự nói trên kia: một bên là sự thật, một bên là mô phỏng, nhào nặn lại sự thật.
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt-nam có khá nhiều truyện loại này. Đây là một đặc điểm mà chúng ta sẽ nói ở phần sau.
● Cổ tích lịch sử là những truyện vốn dựa vào một nhân vật lịch sử hoặc một sự kiện lịch sử nào đấy nhưng lại được phát triển thành một câu chuyện hoàn chỉnh, độc lập đối với sự kiện lịch sử ban đầu. Có khi chỉ mới là một truyền thuyết, một sự tích. Có khi là một truyện hoàn toàn tưởng tượng nhưng nhân vật chính trong đó lại được đội tên của một nhân vật lịch sử. Cũng có thể đấy là một sự thật trăm phần trăm, nhưng không ai bảo đảm phần chính xác. Cố nhiên, cái cốt lịch sử trong truyện phải mang một ít nét đặc biệt phi thường, gợi trí tò mò say mê của người nghe, người đọc.
Loại cổ tích này có mấy hình thức đáng chú ý: có truyện, nhân vật và sự việc bị cường điệu hay phóng đại lên một mức độ nhất định nào đó như truyện Rắn báo oán. Có truyện, yếu tố truyền thuyết vẫn không lấn át mấy yếu tố lịch sử. Yếu tố truyền thuyết chỉ là một ít nét thần kỳ nhẹ nhõm được đem tô vào hay viền vào xung quanh những con người, những sự việc vốn xảy ra trong đời sống thực. Truyện Bùi Cầm Hổ là một ví dụ. Có những truyện khác, trái lại, yếu tố truyền thuyết đóng vai trò chủ đạo, còn yếu tố lịch sử thì chỉ chiếm một tỷ lệ rất ít ỏi, như truyện Khổng Lồ đúc chuông.
Ngoài ra, như trên đã nói, có một số truyện hầu như không có yếu tố truyền thuyết. Bởi vì nội dung câu chuyện mặc dầu có gắn vào những tình tiết có thể ngờ là bịa đặt, nhưng trước sau cũng rất gần sự thật.
Như truyện Chàng Lía, Hầu Tạo, Quận He… Những truyện ấy phần nào giống với dã sử, hoặc giống với loại truyện thời sự đã lâu ngày biến thành truyện có tính chất lịch sử. Truyện cổ tích lịch sử có thể là một thể loại mang đậm nét đặc thù của truyện dân gian Việt-nam, bởi lẽ con người Việt-nam xưa nay, do điều kiện lịch sử luôn luôn phải chống ách đô hộ xâm lược để bảo vệ nền độc lập, nên trong tâm thức vẫn gắn bó với “xã tắc”, và do đó thường xuyên có cái nhìn “lịch sử hóa” đối với mọi hiện tượng, sự vật.
Chú thích:
[1] Nghiêm Toản trong Việt-nam văn học sử trích yếu (Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài-gòn, 1949, tr.36), chia làm bốn loại: truyện mê tín hoang đường, truyện luân lý ngụ ngôn, truyện phúng thế hài đàm và sự tích các thánh. Thanh Lãng trong Văn học khởi thảo: Văn chương bình dân (Phong trào văn hóa xuất bản, Hà-nội, 1954; tr.35-60) thì chia làm bảy: truyện ma quỷ, truyện anh hùng dân tộc, truyện ái tình, truyện luân lý, truyện thần tiên, truyện phong tục và truyện khôi hài. Tác giả sách Truyện cổ dân gian Căm-pu-chia chưa hề in (F. Martini và S. Bemard: Contes populaires inédits du Cambodge. G.P. Maisonneuve, Paris, 1946) thì chia những truyện do các ông sưu tầm làm truyện kỳ diệu, truyện về gốc tích (sự vật), truyện ngụ ý, truyện tòa án, truyện vui, truyện nói về vật, truyện vặt, v.v…
[2] a) Những truyện thuộc về cái lối cổ tích hoặc dã sử, cha mẹ hay ông bà tôi tối thường kể cho con cháu nghe; b) Những truyện mà kết cục đã thành câu phương ngôn, lý ngữ, hoặc trái lại xuất xứ từ những câu lý ngữ phương ngôn ấy ra; c) Những truyện thuần về văn chương trong có những câu ca lời hát nôm na mà vui thú, giản dị mà tự nhiên xưa kia đâu đó vẫn thường truyền tụng; d) Những truyện ngụ một cái ý cao xa thuộc về triết lý may ra so bì được với Bách tử bên Trung-quốc và sau này có thể đem vào môn học cổ điển của nước nhà; e) Những truyện vui chơi cười đùa có lý thú để tiêu sầu khiển muộn, nhưng chưa quá thuộc về cái thể “tiếu lâm”, các nhà đạo đức nghiệt ngọng vẫn quen chê là nhảm nhí…” (Truyện cổ nước Nam (A. Người ta), Thăng Long xuất bản, 1952).
[3] Hợp tác xã Văn hóa mới xuất bản, Thanh-hóa, 1951; tr.92.
[4] Truyện kể khác với các báo hồi ấy đã đăng. Đại khái: Bảo Đại 1ên Đà-1ạt tằng tịu với vợ một viên quan người Pháp, bị chồng nó ghen bắn què chân. Để che đậy việc đó, Pháp phải cho công bố là Bảo Đại đi săn voi bị sỉa hầm.
[5] Nhà xuất bản Văn sử địa, Hà-nội, in 1ần thứ nhất 1956, 1ần thứ hai 1957.
[6] Tiên thoại ở Tây phuơng (contes des fées) không phải 1à truyện tôn giáo, đó 1à cổ tích.
[7] Cắt nghĩa theo Bách hhoa từ điển La-rút-xơ (Larousse).
[8] Truyện kể rằng có một ông lão đánh cá có ba người con trai đặt tên là Linh, Minh và Cung. Họ có sức khỏe tuyệt trần, có tài võ nghệ. Quân Thục đến đánh. Tản Viên bảo vua Hùng mời ba anh em cầm quân đi đánh. Nhiều trận ác chiến diễn ra. Trong một trận, họ bị quân Thục áp đảo về số lượng, vây bọc tứ bề trong ngoài không thông nhau được. Sau mười bốn ngày nhịn đói, một hôm họ cầu thần, tự nhiên thấy trời đất tối tăm, rồi bỗng xuất hiện trước mặt ba anh em một con bò cái. Anh cả là Linh sai lính hầu vắt được một chậu sữa. Uống xong sữa bò thần, ba anh em thấy sức khỏe tăng lên rất nhiều. Sau đó, hàng đàn bò xuất hiện trên núi cao. Lập tức họ ra lệnh cho mười lăm ngàn quân sĩ vắt sữa uống và sức khỏe quân đội bỗng trở nên vô địch. Họ xông ra đánh cho tan tác địch quân, giết hàng nghìn người, cướp được quân lương khí giới rất nhiều. Khi đoàn quân quay trở về thì chẳng thấy bò đâu nữa. Để nhớ ơn, ba anh em thề từ đấy không ăn thịt bò và hạ lệnh cho dân làng Phao-võng (tức Võng la, huyện Đông-anh) không được giết thịt bò (X Võng-la thôn thần tích). Chúng tôi ngờ rằng những hình tượng uống (hoặc bú) sữa bò thần, và hàng đàn bò xuất hiện để giúp cho mười lăm ngàn quân có sức khỏe vô địch, v.v… là tàn dư của những mảnh thần thoại hoặc truyền thuyết xa xưa lưu lại trong bản thần tích này.
[9] Trong 1ần in thứ nhất bộ sách này, chúng tôi dùng khái niệm cổ tích hoang đường. Tiếp thu ý kiến của một số nhà nghiên cứu thống nhất với quan điểm phân loại của chúng tôi, chúng tôỉ xin đổi mấy chữ này thành cổ tích thần kỳ cho được rõ nghĩa hơn.
[10] Xem các truyện Sự tích động Từ Thức (số 130) và Sự tích sông Nhà-bè (số 30) ở phần sưu tập truyện.
Truyền thuyết cũng như cổ tích lịch sử là những truyện có gắn liền với một ý nghĩa, một cái tên lịch sử (tên người, tên đất, v.v…) chứ không phải là lịch sử thực sự. Nhưng đối với người đời xưa thì truyền thuyết, cổ tích, cả thần thoại nữa, thường bị lẫn lộn với lịch sử. Khi chép tiểu truyện Chu An đời Trần, hay Nguyễn Trãi đời Lê, người ta không ngần ngại đưa cả Sự tích đầm Mực[1] hay truyện Rắn báo oán[2] xen lẫn với sử liệu thực.
Như chúng tôi đã nói “Truyền thuyết có khi là thần thoại bị sửa chữa cho gần với nhân tính, có khi là lịch sử bị thần thánh hóa hay lý tưởng hóa”[3]. Trong những giai đoạn khuyết sử của dân tộc, truyền thuyết, cổ tích lịch sử thường lẫn lộn với lịch sử và sự lẫn lộn này diễn ra từ đã rất lâu, khó lòng còn phân biệt. Có nhiều nhân vật trong thời Bắc thuộc được kể trong sách Việt điện u linh tập như Lý Ông Trọng, Lý Phục Man, Trương Hống, Trương Hát hay như bà Bát Nàn, bà Lê Chân, bà Thiều Hoa (theo thần tích đều là nữ tướng của Hai bà Trưng), v.v… ngày nay vẫn làm cho chúng ta ngờ vực không hiểu đó dễ thường là nhân vật lịch sử truyền thuyết hóa hay chỉ là nhân vật truyền thuyết mà thôi.
Điều cần lưu ý là không nên lẫn lộn truyền thuyết, cổ tích lịch sử với những truyện thuộc loại truyện thời sự đã chuyển hóa thành lịch sử, hay những truyện gần như là ” liệt truyện” hoặc “giai thoại lịch sử” được ghi vào sách vở ngày xưa, nhưng đồng thời cũng được nhân dân truyền tụng. Vè Ấm Ninh khởi nghĩa, truyện Em Tám lự tẩm dầu đốt kho bom Tân-sơn-nhất đều là những truyện thời sự đã thành lịch sử, truyện Vua Ngọa Triều là một liệt truyện, truyện Công chúa Huyền Trân lấy vua Chàm là một giai thoại lịch sử.
Nhưng cổ tích lịch sử thường khi là tài liệu bổ ích cho lịch sử. Bởi vì nó là lịch sử do nhân dân kể, theo ý kiến và dư luận của nhân dân. Gor-ki từng nói: “Văn học dân gian có ý kiến riêng của nó đối với hoạt động của Lu-y XI, của I-van Hung đế, và ý kiến đó khác hẳn với cách đánh giá của những pho sử do những nhà chuyên môn viết ra, vì họ không quan tâm lắm đến vấn đề cuộc đấu tranh của các nhà vua chống lại bọn chúa phong kiến đã đem lại những gì cho đời sống của nhân dân lao động”[4].
Cho nên, cổ tích lịch sử cũng có khi được người xưa coi là dã sử. Có những nhân vật lịch sử như Chúa Thao (đời Mạc), Hầu Tạo (đời Minh Mạng) ta hầu như chỉ được biết qua truyện cổ tích mà thôi. Cũng vậy, nếu không có truyện Chàng Lía thì ngày nay mọi người dễ đã quên một anh hùng nông dân khởi nghĩa sống vào khoảng trước thời Tây Sơn, mà sử gia triều Nguyễn chẳng ai buồn chép đến. Nếu khéo sử dụng – nghĩa là không quá lạm dụng – thì cổ tích lịch sử sẽ giúp ích trong một chừng mực nào cho quốc sử.
Sau hết, cũng nên phân biệt truyện cổ tích với tiểu thuyết. Giữa hai loại hình này tuy phương thức biểu hiện có những chỗ giống nhau, nhưng thật ra lại khác nhau trên nhiều nét căn bản.
Tiểu thuyết cũng giống như truyện cổ tích, có thể chia làm hai loại: một loại, câu chuyện bị chi phối bởi yếu tố hoang đường quái đản, và một loại gần với đời sống thực. Tiểu thuyết có khi là những truyện rất dài dòng, với rất nhiều tình tiết, nghĩa là những câu chuyện có một phạm vi bao quát hiện thực rộng lớn, một khả năng tái hiện rất cao mọi diễn biến, màu sắc phức tạp và phong phú của đời sống xã hội mà truyện cổ tích không bao giờ có thể so sánh được. Nhưng tiểu thuyết cũng có khi là những truyện rất ngắn, những cốt truyện đơn giản đến mức sơ sài, hay hơn nữa là những cổ tích được phóng tác.
Khác với truyện cổ tích bắt buộc phải bó hẹp trong tính chất cổ và tính chất dân tộc, tiểu thuyết có thể mở rộng hơn về thời gian và không gian; nhân vật và hoàn cảnh mà nó xây dựng, sống trong thời đại nào và ở bất cứ vùng nào trên trái đất, đều được cả. Nhưng cái “bịa” của tiểu thuyết phải hợp lý. Trái lại, truyện cổ tích gần như lại được phép “phóng túng” về điểm này. Nhiều hình tượng trong cổ tích tưởng như là quá vô lý mà chẳng ai nghĩ đến việc giải thích tại sao lại như thế.
Nếu bằng vào thủ pháp nghệ thuật, chúng ta có thể phân chia tiểu thuyết thành hai loại khác nhau: một là “truyện kể” giống với cổ tích, hai là “truyện tả” khác hẳn với nghệ thuật cổ tích. Thường khi, hai loại vẫn được sử dụng xen lẫn với nhau mà thuật ngữ chuyên môn gọi là trần thuật phối hợp đặc tả. Nhưng dù phối hợp hay không phối hợp thì theo đúng nghĩa của nó, tiểu thuyết phải được tả nhiều hơn là kể. Mô tả tỷ mỷ nhân vật, sự việc cũng như đi sâu khai thác các cạnh góc khác nhau của cái thế giới bên trong của con người, nhà tiểu thuyết sẽ có vinh dự dựng lại những hình ảnh về đời sống đúng như nguyên mẫu. Và ở đây đặc trưng loại biệt của một ngòi bút tiểu thuyết trước hết phải là năng lực tạo hình. Mỗi nhà tiểu thuyết tạo ra một thế giới riêng, thông qua cái nét riêng không thể lẫn lộn trong thiên bẩm nghệ sĩ của tâm hồn anh ta; nhưng anh ta vẫn phải làm phong phú thế giới ấy bằng phong cách miêu tả, sao cho trong đó cũng đầy đủ mọi diện mạo khác nhau của đời sống, với những tình tiết phức tạp như thế giới ta sống hàng ngày.
Trái lại, thế giới trong truyện cổ tích không cần thiết phải miêu tả chi li. Vì thế mà chúng thường có tính ước lệ. Thời gian, không gian ở đây chỉ còn là những khái niệm phiếm chỉ. Và nếu đứng về một mặt nào đó, chúng bị bó hẹp so với tiểu thuyết, thì đứng về một mặt khác, chúng lại cũng quá rộng, đến nỗi không còn tính cụ thể lịch sử nữa. Cộng thêm vào đó là tính chất truyền miệng, đã làm xích gần thế giới của tất cả các truyện cổ tích Đông Tây lại, khoác lên cho chúng những màu sắc và không khí phảng phất giống nhau. Tất nhiên, truyện cổ tích của mỗi dân tộc vẫn có những điểm đặc thù. Vì cổ tích khác với tiểu thuyết như thế cho nên những truyện cổ tích đã đứng vững xưa nay sẽ không chịu mang hình thức tiểu thuyết hóa. Dĩ nhiên, không phải truyện cổ tích nào cũng chỉ có thể biểu hiện dưới một hình thức khô khan, đơn điệu.
Nói tóm lại, truyện cổ tích là một loại sáng tác văn nghệ của nhân dân. Nó có đặc trưng nghệ thuật riêng biệt không giống với các loại truyện ngụ ngôn, khôi hài, tiếu lâm, cũng như có phần khác với thần thoại, truyện tôn giáo và truyện thời sự. Do tính chất truyền miệng, nó mang hình thức truyện kể chứ không mang hình thức truyện tả, và do đó cũng không đồng nhất với thể loại tiểu thuyết. Nhưng với khả năng hấp dẫn không kém gì tiểu thuyết, trong một thời kỳ mà tiểu thuyết chưa phải là thứ nghệ thuật phổ cập, thì nó là một trong những loại hình nghệ thuật quan trọng, làm nhiệm vụ giải trí cho dân chúng, đồng thời cũng thỏa mãn nhu cầu cảm thụ thẩm mỹ, nhu cầu giáo dục và đấu tranh trong xã hội.
Chú thích:
[1] Xem truyện số 29, tập này.
[2] Xem truyện số 158, tập IV.
[3] Lược khảo về thần thoại Việt-nam, sách đã dẫn; tr.22.
[4] Báo cáo đọc ở Đại hội nhà văn Liên-xô năm 1934 (Gorki bàn về văn học, tập II, Nhà xuất bản Văn học, Hà-nội, 1970; tr.256 – 257).