Thỏ, hổ và gà có lần ở chung với nhau để hợp sức phát nương rẫy. Ngày đầu tiên, thỏ và hổ đi cắt tranh, giao cho gà nhiệm vụ trông nhà và nấu ăn.
Sau khi quét dọn trong nhà ngoài ngõ, gà nấu cơm. Cơm chín, gà bắc một nồi nước lên bếp. Nước sôi gà nhảy lên miệng nồi, đẻ vào nồi một quả trứng, rồi cất lên mấy tiếng “cục ta cục tác”.
Trứng vừa chín thì thỏ và hổ cũng vừa về. Gà bắc trứng ra. Thỏ, hổ vừa mệt vừa đói nên ăn rất ngon miệng. Thỏ hỏi: “Chị gà ơi! Chị làm thế nào mà có món ăn thích khẩu thế?”. Gà nói thực cho biết cung cách mình đã chế ra món ăn đó. Sáng hôm sau, họ lại dậy sớm tiếp tục đi cắt tranh. Lần này hổ đi cùng gà, còn thỏ đến lượt ở nhà nấu ăn. Hổ còn dặn thỏ cố lo làm sao có bữa ăn ngon như gà đã làm hôm qua. Thỏ đáp: “Việc đó không khó, bác cứ tin ở tôi!”.
Sau khi nấu cơm, thỏ cũng bắc một nồi nước sôi rồi cũng đứng lên thành bếp chìa đít vào nồi và rặn như kiểu gà đã dạy. Xong việc, thỏ hý hửng ra cửa đón hổ và gà về.
Bữa ăn hôm ấy, hổ đói bụng háu ăn, gắp ngay trước mấy miếng bỏ vào miệng. Nhưng chưa kịp nuốt thì hổ đã vội khạc nhổ rối rít và gầm lên đuổi đánh thỏ. Thỏ vùng chạy nhưng không kịp nữa, bị hổ tóm được đánh cho một trận mê tơi. Hổ dằn đầu thỏ xuống đất mấy lần làm thỏ toạc cả da miệng. Sau lần bị đòn ấy thỏ giận hổ vô cùng, quyết nghĩ cách báo được thù mới hả. Mấy ngày sau, thỏ và hổ lại tiếp tục công việc Lúc này tranh cắt đem phơi đã khô, phải đánh đống lại đưa về lợp nhà. Trong khi chưa biết làm thế nào để chuyển tranh về thì thỏ đã hiến kế bảo hổ: – “Trong ba ta, tôi thấy bác có sức khỏe hơn cả. Vậy bác hãy nằm xuống để tôi chất tranh lên lưng, dùng dây buộc chặt vào lưng rồi cứ thế bác chở về nhà, chừng một chuyến là xong tất cả”. Hổ nghe có lý, nằm ngay xuống cho thỏ chất cỏ tranh lên. Khi đã đầy lưng, thỏ lấy dây cột quàng mấy chục vòng xuống bụng, xuống cổ, quàng cả vào các chân của hổ, v.v… Thế rồi thỏ nhảy lên, lấy đá đánh lửa đốt cho bén vào tranh rồi nhảy xuống chạy mất. Tranh khô được lửa, cháy rất thỏa thích. Hổ vẫn vô tình lo làm xong công việc, đến khi lửa liếm xuống gần lưng, nóng quá, mới hoảng hồn, gầm lên, lăn lộn. Nhưng đống lửa vẫn dính chắc lấy lưng hổ vì dây cột nhiều và chặt quá. Hổ càng chạy, lửa càng như được quạt mạnh, bùng to lên.
Khi hổ giãy được khối lửa khỏi lưng thì da đã bị bỏng, lông đã bị cháy sém loang lổ. Hổ giận tràn hông bỏ đi tìm thò thì thỏ đã biến đi đâu mất.
Cũng vì thế mà ngày nay người ta nói nòi giống của thỏ và hổ còn mang những vết tích của cha ông chúng để lại: một loài bị xẻ môi trên; một loài lông vẫn còn những vết cháy sém.
KHẢO DỊ
Một truyện khác có tính chất ngụ ngôn. nói về Nguồn gốc bộ da con hổ và hàm trên con trâu:
Một hôm, hổ thấy trâu bị người thợ cày mắng chửi đánh đạp mà vẫn cứ cúi đầu phục tùng, bèn chờ lúc trâu được nghỉ, đến gần hỏi: – “Tại sao mày lại chịu nhục nhã như thế?”. Trâu đáp: “Vì người có trí khôn”.
Hôm khác, hổ lân la đến hỏi xin trí khôn của người. Người đáp: “Trí khôn ta để ở nhà. Nếu mày muốn, ta sẽ về lấy cho. Nhưng phải để ta trói vào gốc cây đã, nếu không mày ăn mất trâu của ta”. Hổ chịu để trói. Trói xong, người mang rơm lại đốt, vừa đốt vừa nói: – “Trí khôn của ta đây!”. Hổ giãy giụa mãi mới thoát, nhưng lửa đã cháy sém bộ lông. Con trâu thấy thế cười bổ xiêu bổ ngả đến nỗi hàm trên va vào đá gãy mất cả dãy răng. Vì thế mà ngày nay nòi giống của loài ấy còn mang vết tích của tổ tiên[1].
Về gốc tích bộ da con hổ, người Thái có một truyện:
Xưa, trời dành riêng cho người một sự ưu đãi: biết nói và có quyền ăn thịt mọi động vật. Thấy thế, hổ và rắn không chịu, vây lấy người định đánh. Người làm một cái chòi để rắn và hổ chui vào rồi bịt lại châm lửa đốt. Hổ và rắn hoảng hốt: một con va phải một thanh gỗ đã cháy đen nên bộ da có vằn, một con bò trên đống than nên bộ da lấm chấm đen[2].
Người Nùng kể về Gốc tích bộ da con hổ như sau:
Hổ bị thỏ dùng mẹo lừa làm toạc cả da. Đau quá, hổ bỏ chạy. Gặp một người làm hương, hổ nhờ chữa giúp. Người này bốc một nắm mùn cưa nhét vào các vết thương và dặn đến thợ rèn mà hơ cho khô vết thương. Không ngờ, đến nơi tàn than bay lên bắt vào mùn cưa, cháy âm ỉ mà không biết. Đến lúc nóng, hổ lồng lộn chạy lung tung khắp nơi. Một con gà gô thương hại mach: – “Tắc tà tà” (ý nói nhảy xuống sông). Nghe lời, hổ nhảy tùm xuống sông mới thoát chết. Nhưng từ đấy da hổ có vết cháy. Cũng từ đấy hổ với gà gô thành đôi bạn chí thân. Ở đâu có gà gô là ở đấy thường có hổ[3].
Truyện của người Miến-điện (Myanma) có những tình tiết hơi khác:
Thỏ và hổ cung rủ nhau đi cắt rạ. Hổ mang một túi đựng cơm thịt, còn thỏ thì một túi phân bò và cát. Đang làm, thỏ đòi ăn trước nhưng hổ thì chờ làm xong mới ăn. Thỏ nói: nhà hiền triết có nói: đến trước ăn cơm thịt, đến sau chỉ có ăn cát ăn phân. Rồi chén hết túi cơm của hổ, đoạn tìm gốc cây mà ngủ, Hổ làm xong, tìm đến túi chỉ thấy cát và phân bèn mắng thỏ, thỏ nhắc lại câu của nhà hiền triết. Hổ tin lời lại cắt và chuyển rạ. Thỏ vờ lên cơn sốt được hổ cho ngồi trên bó rạ đã chất lên lưng. Đi được một quãng thỏ đánh lửa lên đốt. Hổ bị sém da, hoảng hốt bỏ chạy. Thấy thỏ ngồi bên vệ đường, hổ mắng thì thỏ cãi: – “Tôi đã gặp bác lần nào đâu”. Hổ xin lỗi, thỏ nói: – “Tôi chả trách bác vì anh em tối giống nhau như đúc, nhưng lưng bác có nhiều vết bỏng, tốt hơn là cọ vào gốc cây”. Hổ làm theo, vết bỏng tóc màu, đau quá bỏ chạy. Lại gặp thỏ và mắng, thỏ lại đáp: – “Tôi đã gặp bác lần nào đâu. Kìa sao bác có máu, hãy lăn lên cát thì lành”. Hổ làm theo, đau nhức nhối, chạy như cuồng, lại gặp thỏ nữa, mắng thì thỏ đáp: – “Tôi không hề quen bác. Ở đây có giếng thần, bác đến đó có thể lành”. Rồi đem hổ đến, thình lình xô xuống giếng[4].
Về gốc tích cái môi con thỏ, người châu Phi kể:
Mặt trăng lúc tạo thiên lập địa sai rận xuống trần phán bảo cho loài người biết là người được hưởng lệ “sẽ chết và sẽ sống lại”. Thỏ nghe được sứ mệnh bí mật ấy, vội xuống trước tuyên bố ngược lại là “người sẽ chết và chết là chết luôn”.
Rồi đó, thỏ lên trời khoe công. Giận thỏ làm sai ý mình, mặt trăng đánh thỏ sứt môi, nên từ đó thỏ truyền lại cho dòng dõi của mình môi sứt[5].
[1] Theo truyện kể của người miền Bắc và miền Trung. Người Miến-điện (Myanma) có truyện Vì sao trâu không có hàm trên, hơi khác: Trâu với bò là hai anh em chú bác, rất thân nhau. Bò chỉ có hàm dưới, một hôm mượn hàm trên của trâu để đi xem ngựa biểu diễn. Ngựa múa hát hay quá làm bò cười như nắc nẻ. Ngựa thấy răng bò đẹp bèn hỏi mượn để múa hát cho hay hơn. Bò vô tình không biết mưu ngựa nên cho mượn ngay. Ngựa nhảy múa mỗi lúc một xa rồi ba chân bốn cẳng chạy mất. Bò đuổi không kịp đành chịu mất. Ngày nay trâu thường kêu:”Răng của tôi!”, bò kêu: “Bác nói đúng!”, còn ngựa kêu: “Hì hì hì hì” (Truyện dân gian Miến-điện; bản dịch của Minh Trí, Vân Minh và Hoàng Hải).
Về đề tài này người miền Nam kể như sau: Xưa trâu có đủ hai hàm răng mà ngựa chỉ có một. Một hôm trâu được mời đi ăn giỗ. Lúc trở về gặp ngựa. Ngựa bảo trâu cho mượn hàm răng trên để đến lượt mình ăn giỗ, rồi sẽ trả lại sau. Trâu không ngờ gì cả cho mượn ngay, nhưng cũng như truyện trên, ngựa đã có dụng ý xấu giữ hàm răng của trâu lại không trả. Một hôm gặp ngựa, trâu đòi, ngựa bảo: -“Chúng ta hãy chạy thi, anh hơn tôi, tôi sẽ đưa ngay”. Nói rồi ngựa chạy, trâu đuổi không kịp và từ đấy đành chịu mất hàm răng trên (Theo lời kể của đồng bào Mỹ-tho và Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn).
[2] Theo lời kể của người Thái.
[3] Theo lời kể của người Nùng ở Cao-bằng.
[4]Theo Truyện dân gian Miến-điện, đã dẫn.
[5] Theo Re-vi-dơ (Révise). Tôn giáo của các dân tộc lạc hậu, quyển I.
Thỏ, hổ và gà có lần ở chung với nhau để hợp sức phát nương rẫy. Ngày đầu tiên, thỏ và hổ đi cắt tranh, giao cho gà nhiệm vụ trông nhà và nấu ăn.
Sau khi quét dọn trong nhà ngoài ngõ, gà nấu cơm. Cơm chín, gà bắc một nồi nước lên bếp. Nước sôi gà nhảy lên miệng nồi, đẻ vào nồi một quả trứng, rồi cất lên mấy tiếng “cục ta cục tác”.
Trứng vừa chín thì thỏ và hổ cũng vừa về. Gà bắc trứng ra. Thỏ, hổ vừa mệt vừa đói nên ăn rất ngon miệng. Thỏ hỏi: “Chị gà ơi! Chị làm thế nào mà có món ăn thích khẩu thế?”. Gà nói thực cho biết cung cách mình đã chế ra món ăn đó. Sáng hôm sau, họ lại dậy sớm tiếp tục đi cắt tranh. Lần này hổ đi cùng gà, còn thỏ đến lượt ở nhà nấu ăn. Hổ còn dặn thỏ cố lo làm sao có bữa ăn ngon như gà đã làm hôm qua. Thỏ đáp: “Việc đó không khó, bác cứ tin ở tôi!”.
Sau khi nấu cơm, thỏ cũng bắc một nồi nước sôi rồi cũng đứng lên thành bếp chìa đít vào nồi và rặn như kiểu gà đã dạy. Xong việc, thỏ hý hửng ra cửa đón hổ và gà về.
Bữa ăn hôm ấy, hổ đói bụng háu ăn, gắp ngay trước mấy miếng bỏ vào miệng. Nhưng chưa kịp nuốt thì hổ đã vội khạc nhổ rối rít và gầm lên đuổi đánh thỏ. Thỏ vùng chạy nhưng không kịp nữa, bị hổ tóm được đánh cho một trận mê tơi. Hổ dằn đầu thỏ xuống đất mấy lần làm thỏ toạc cả da miệng. Sau lần bị đòn ấy thỏ giận hổ vô cùng, quyết nghĩ cách báo được thù mới hả. Mấy ngày sau, thỏ và hổ lại tiếp tục công việc Lúc này tranh cắt đem phơi đã khô, phải đánh đống lại đưa về lợp nhà. Trong khi chưa biết làm thế nào để chuyển tranh về thì thỏ đã hiến kế bảo hổ: – “Trong ba ta, tôi thấy bác có sức khỏe hơn cả. Vậy bác hãy nằm xuống để tôi chất tranh lên lưng, dùng dây buộc chặt vào lưng rồi cứ thế bác chở về nhà, chừng một chuyến là xong tất cả”. Hổ nghe có lý, nằm ngay xuống cho thỏ chất cỏ tranh lên. Khi đã đầy lưng, thỏ lấy dây cột quàng mấy chục vòng xuống bụng, xuống cổ, quàng cả vào các chân của hổ, v.v… Thế rồi thỏ nhảy lên, lấy đá đánh lửa đốt cho bén vào tranh rồi nhảy xuống chạy mất. Tranh khô được lửa, cháy rất thỏa thích. Hổ vẫn vô tình lo làm xong công việc, đến khi lửa liếm xuống gần lưng, nóng quá, mới hoảng hồn, gầm lên, lăn lộn. Nhưng đống lửa vẫn dính chắc lấy lưng hổ vì dây cột nhiều và chặt quá. Hổ càng chạy, lửa càng như được quạt mạnh, bùng to lên.
Khi hổ giãy được khối lửa khỏi lưng thì da đã bị bỏng, lông đã bị cháy sém loang lổ. Hổ giận tràn hông bỏ đi tìm thò thì thỏ đã biến đi đâu mất.
Cũng vì thế mà ngày nay người ta nói nòi giống của thỏ và hổ còn mang những vết tích của cha ông chúng để lại: một loài bị xẻ môi trên; một loài lông vẫn còn những vết cháy sém.
KHẢO DỊ
Một truyện khác có tính chất ngụ ngôn. nói về Nguồn gốc bộ da con hổ và hàm trên con trâu:
Một hôm, hổ thấy trâu bị người thợ cày mắng chửi đánh đạp mà vẫn cứ cúi đầu phục tùng, bèn chờ lúc trâu được nghỉ, đến gần hỏi: – “Tại sao mày lại chịu nhục nhã như thế?”. Trâu đáp: “Vì người có trí khôn”.
Hôm khác, hổ lân la đến hỏi xin trí khôn của người. Người đáp: “Trí khôn ta để ở nhà. Nếu mày muốn, ta sẽ về lấy cho. Nhưng phải để ta trói vào gốc cây đã, nếu không mày ăn mất trâu của ta”. Hổ chịu để trói. Trói xong, người mang rơm lại đốt, vừa đốt vừa nói: – “Trí khôn của ta đây!”. Hổ giãy giụa mãi mới thoát, nhưng lửa đã cháy sém bộ lông. Con trâu thấy thế cười bổ xiêu bổ ngả đến nỗi hàm trên va vào đá gãy mất cả dãy răng. Vì thế mà ngày nay nòi giống của loài ấy còn mang vết tích của tổ tiên[1].
Về gốc tích bộ da con hổ, người Thái có một truyện:
Xưa, trời dành riêng cho người một sự ưu đãi: biết nói và có quyền ăn thịt mọi động vật. Thấy thế, hổ và rắn không chịu, vây lấy người định đánh. Người làm một cái chòi để rắn và hổ chui vào rồi bịt lại châm lửa đốt. Hổ và rắn hoảng hốt: một con va phải một thanh gỗ đã cháy đen nên bộ da có vằn, một con bò trên đống than nên bộ da lấm chấm đen[2].
Người Nùng kể về Gốc tích bộ da con hổ như sau:
Hổ bị thỏ dùng mẹo lừa làm toạc cả da. Đau quá, hổ bỏ chạy. Gặp một người làm hương, hổ nhờ chữa giúp. Người này bốc một nắm mùn cưa nhét vào các vết thương và dặn đến thợ rèn mà hơ cho khô vết thương. Không ngờ, đến nơi tàn than bay lên bắt vào mùn cưa, cháy âm ỉ mà không biết. Đến lúc nóng, hổ lồng lộn chạy lung tung khắp nơi. Một con gà gô thương hại mach: – “Tắc tà tà” (ý nói nhảy xuống sông). Nghe lời, hổ nhảy tùm xuống sông mới thoát chết. Nhưng từ đấy da hổ có vết cháy. Cũng từ đấy hổ với gà gô thành đôi bạn chí thân. Ở đâu có gà gô là ở đấy thường có hổ[3].
Truyện của người Miến-điện (Myanma) có những tình tiết hơi khác:
Thỏ và hổ cung rủ nhau đi cắt rạ. Hổ mang một túi đựng cơm thịt, còn thỏ thì một túi phân bò và cát. Đang làm, thỏ đòi ăn trước nhưng hổ thì chờ làm xong mới ăn. Thỏ nói: nhà hiền triết có nói: đến trước ăn cơm thịt, đến sau chỉ có ăn cát ăn phân. Rồi chén hết túi cơm của hổ, đoạn tìm gốc cây mà ngủ, Hổ làm xong, tìm đến túi chỉ thấy cát và phân bèn mắng thỏ, thỏ nhắc lại câu của nhà hiền triết. Hổ tin lời lại cắt và chuyển rạ. Thỏ vờ lên cơn sốt được hổ cho ngồi trên bó rạ đã chất lên lưng. Đi được một quãng thỏ đánh lửa lên đốt. Hổ bị sém da, hoảng hốt bỏ chạy. Thấy thỏ ngồi bên vệ đường, hổ mắng thì thỏ cãi: – “Tôi đã gặp bác lần nào đâu”. Hổ xin lỗi, thỏ nói: – “Tôi chả trách bác vì anh em tối giống nhau như đúc, nhưng lưng bác có nhiều vết bỏng, tốt hơn là cọ vào gốc cây”. Hổ làm theo, vết bỏng tóc màu, đau quá bỏ chạy. Lại gặp thỏ và mắng, thỏ lại đáp: – “Tôi đã gặp bác lần nào đâu. Kìa sao bác có máu, hãy lăn lên cát thì lành”. Hổ làm theo, đau nhức nhối, chạy như cuồng, lại gặp thỏ nữa, mắng thì thỏ đáp: – “Tôi không hề quen bác. Ở đây có giếng thần, bác đến đó có thể lành”. Rồi đem hổ đến, thình lình xô xuống giếng[4].
Về gốc tích cái môi con thỏ, người châu Phi kể:
Mặt trăng lúc tạo thiên lập địa sai rận xuống trần phán bảo cho loài người biết là người được hưởng lệ “sẽ chết và sẽ sống lại”. Thỏ nghe được sứ mệnh bí mật ấy, vội xuống trước tuyên bố ngược lại là “người sẽ chết và chết là chết luôn”.
Rồi đó, thỏ lên trời khoe công. Giận thỏ làm sai ý mình, mặt trăng đánh thỏ sứt môi, nên từ đó thỏ truyền lại cho dòng dõi của mình môi sứt[5].
[1] Theo truyện kể của người miền Bắc và miền Trung. Người Miến-điện (Myanma) có truyện Vì sao trâu không có hàm trên, hơi khác: Trâu với bò là hai anh em chú bác, rất thân nhau. Bò chỉ có hàm dưới, một hôm mượn hàm trên của trâu để đi xem ngựa biểu diễn. Ngựa múa hát hay quá làm bò cười như nắc nẻ. Ngựa thấy răng bò đẹp bèn hỏi mượn để múa hát cho hay hơn. Bò vô tình không biết mưu ngựa nên cho mượn ngay. Ngựa nhảy múa mỗi lúc một xa rồi ba chân bốn cẳng chạy mất. Bò đuổi không kịp đành chịu mất. Ngày nay trâu thường kêu:”Răng của tôi!”, bò kêu: “Bác nói đúng!”, còn ngựa kêu: “Hì hì hì hì” (Truyện dân gian Miến-điện; bản dịch của Minh Trí, Vân Minh và Hoàng Hải).
Về đề tài này người miền Nam kể như sau: Xưa trâu có đủ hai hàm răng mà ngựa chỉ có một. Một hôm trâu được mời đi ăn giỗ. Lúc trở về gặp ngựa. Ngựa bảo trâu cho mượn hàm răng trên để đến lượt mình ăn giỗ, rồi sẽ trả lại sau. Trâu không ngờ gì cả cho mượn ngay, nhưng cũng như truyện trên, ngựa đã có dụng ý xấu giữ hàm răng của trâu lại không trả. Một hôm gặp ngựa, trâu đòi, ngựa bảo: -“Chúng ta hãy chạy thi, anh hơn tôi, tôi sẽ đưa ngay”. Nói rồi ngựa chạy, trâu đuổi không kịp và từ đấy đành chịu mất hàm răng trên (Theo lời kể của đồng bào Mỹ-tho và Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn).
[2] Theo lời kể của người Thái.
[3] Theo lời kể của người Nùng ở Cao-bằng.
[4]Theo Truyện dân gian Miến-điện, đã dẫn.
[5] Theo Re-vi-dơ (Révise). Tôn giáo của các dân tộc lạc hậu, quyển I.