Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Lê Văn Khôi

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Ngày xưa vào triều Minh Mạng, có một chàng trai nhà nghèo nhưng có sức khỏe tuyệt trần. Anh chàng thường chống đò ngang ở bến đò Thiên Tả kiếm ăn. Lúc mới sinh, anh có ba cái nốt đỏ ở bụng, ai nấy đều bảo là tướng rất quý. Tiếng đồn thổi mỗi ngày một rộng. Quan trên nghe tin, cho là tướng nghịch, toan bắt nộp triều đình để lấy thưởng. Biết được tin ấy, anh bỏ lên miền núi rừng tỉnh Cao Bằng. Từ đây, anh kêu gọi các hài kiệt nhóm họp lại, làm giặc chống lại triều đình. Trong số đồ đảng của anh có Nguyễn Hựu Khôi, một chàng trẻ tuổi, nhưng sức khỏe và gan dạ thì được mọi người trầm trồ khen ngợi.

Dần dần thế lực của họ rất mạnh. Họ chiếm được tỉnh Cao Bằng, rồi đánh lan ra các nơi. Quân đi đến đâu các tỉnh hàng phục đến đấy. Nhà vua lo sợ, sai Lê Văn Duyệt cầm quân đi đánh, nhưng quân của họ chiến đấu rất dũng cảm, mấy lần đánh lui những đạo binh đông đảo của triều đình. Chẳng mấy chốc họ tiến sát Bắc thành. Quân triều đình rút vào cố thủ. Bấy giờ vào tiết tháng Bảy, nước sông lên to. Thấy thế nguy khốn, Lê Văn Duyệt vô cùng lo lắng. Hắn bèn biện lễ vật cầu thần giúp đỡ. Thần báo mộng cho biết: tối hôm sau hễ thấy nơi nào có ngọn lửa xanh thì dồn toàn lực đánh ập vào chỗ đó, thần sẽ “âm phò” cho được thắng lợi. Được lời thần, Lê Văn Duyệt ra lệnh cho các đạo quân sẵn sàng. Vào lúc nửa đêm, bỗng nhiên có môt tiếng sét vang, một ngọn lửa xanh xuất hiện ở chỗ quân giặc đang đóng. Quân sĩ triều đình biết là có thần giúp, lăn xả vào chỗ có ngọn lửa. Quả nhiên, họ phá tan được giặc, bắt sống được hàng trăm người trong đó có anh lái đò Thiên Tả và Nguyễn Hựu Khôi.

Khi đưa hàng trăm tội nhân ra pháp trường xử trảm, Lê Văn Duyệt liếc thấy một tù binh dáng người vạm vỡ khỏe mạnh, tướng mạo khôi ngô, thì đem lòng thương hại, mới gọi đến hỏi:- ” Ngươi tên là gì?”-“Nguyễn Hựu Khôi”- người ấy đáp. – ” Ngươi có tài nghệ gì không?”- ” Lên rừng trói hổ, xuống sông bắt sấu, làm gì cũng được!”.

Lê Văn Duyệt bèn bảo lãnh cho chàng để được”đái tội lập công” rồi đưa vào Nam kỳ.

*

Chẳng mấy chốc Nguyễn Hựu Khôi đã chiếm được lòng tin của Lê Văn Duyệt. Bất cứ công việc gì khó khăn nặng nhọc chàng đều làm cho chủ vui lòng. Sức khỏe và lòng gan dạ của chàng đã làm mọi người khiếp phục. Những tay đô vật cũng như những nhà côn quyền đều coi chàng là bậc đàn anh. Bao nhiêu công việc hàng voi phục hổ, chàng chẳng coi ra mùi mẽ gì.

Một hôm có sứ thần nước Xiêm đến Gia Định. Để sứ thần biết oai thượng quốc, Lê Văn Duyệt sai Khôi cải trang làm lính, trà trộn trong đám quân sĩ đợi lệnh ra trổ tài cho sứ thần xem. Ở Gia Định hồi ấy, người ta có nuôi hổ trong những cái chuồng đặt trong các “khai” rào kín xung quanh. Lê Văn Duyệt truyền mở hội đấu hổ cho mọi người tới xem rồi mời sứ thần Xiêm và các quan chức cùng mình lên ngồi trên vọng đài.

Dứt tiếng trống, Duyệt truyền lệnh bắt đầu cuộc đấu. Khôi mình trần trùng trục, một tay cầm côn sắt, một tay cầm đùi lợn sống tiến lại chuồng hổ mở cửa cho nó ra. Không ngờ gặp phải con hổ quá dữ, vừa ra khỏi chuồng là chồm ngay lên mình Khôi. Chàng sợ nguy đến tính mạng, đành cho nó một côn, hổ ngã lăn ra tắt thở.

Trong khi sứ thần và mọi người đều vừa run vừa phục tài Khôi, thì Duyệt làm bộ nổi giận lấy cớ tại sao lại tự tiện giết mất hổ quý, liền rút lệnh tiễn truyền quân đao phủ dẫn Khôi ra chém. Khôi sụp lạy xin tha tội để cho mình đi bắt trói con khác. Thế rồi chàng lại cầm đùi lợn vào “khai” mở cửa một chuồng hổ khác. Giữa những tiếng trống, tiếng reo dậy đất, chàng cùng hổ quần nhau hồi lâu. Cuối cùng một miếng đá của chàng làm cho hổ lăn ra ngã ngửa. Sẵn dây ở khố, chàng lấy ra trói lại, vác đưa đến trước đài phục mệnh. Trên vọng đài Lê Văn Duyệt hài lòng, sứ thần Xiêm vô cùng thán phục.[1]

*

Lê Văn Duyệt từ chỗ trọng tài đến chỗ tin yêu, nhận chàng làm con nuôi. Về phần Lê Văn Khôi – tên họ mới của người tù – cũng cảm ơn tri ngộ của chủ. Từ ngày trở thành người thân của quan Tổng trấn, chàng muốn gì có nấy. Cởi áo tù binh khoác áo võ quan, dần dần từ Phó vệ lên Chánh vệ, bước đường công danh tiến nhanh vun vút. Nhưng không bao giờ Khôi quên những bạn nằm gai nếm mật đã rơi đầu dưới lưỡi đao của đao phủ. Được Lê Văn Duyệt che chở, vây cánh của Khôi mỗi ngày một đông. Nhưng giữa lúc đang thuận buồm xuôi gió thì không may Lê Văn Duyệt chết.

Lại nói chuyện, trước kia vua Minh Mạng vốn có tỵ hiềm với Lê Văn Duyệt. Gia Long trước khi nhắm mắt có ý định bỏ trưởng lập thứ, nên cho đòi các quan đại thần về kinh để hỏi ý kiến. Riêng Lê Văn Duyệt tỏ ý bênh cho dòng đích. Nghe được tin này, Minh Mạng xiết bao căm tức. Từ khi lên làm vua, ông muốn ăn gan uống máu Lê Văn Duyệt cho hả giận. Nhưng hồi đó trong tay Lê Văn Duyệt còn nắm binh quyền, nên Minh Mạng đành nuốt giận làm lành. Cho đến ngày Duyệt chết, Minh Mạng mới bãi bỏ chức tổng trấn, giải tán Nam thành; thành Phiên An bây giờ chỉ là thủ phủ của Gia Định, còn sáu tỉnh Nam kỳ trực thuộc với triều đình. Minh Mạng lại cử bố vợ của mình là Bạch Xuân Nguyên làm bố chính Gia Định, dặn cố kiếm lỗi của Duyệt lúc sống để trị tội cho thỏa lòng căm tức bấy lâu.

Lại nói chuyện quốc trượng Bạch Xuân Nguyên vốn là một tên hung ác. Bước chân tới Gia Định, hắn ra sức bới lông tìm vết để khép Lê Văn Duyệt vào tội lộng hành. Hắn đã giết mấy mấy người thân tín của Duyệt. Những người còn lại, hắn sai giam giữ để tra khảo. Về phần Lê Văn Khôi thì chàng hết sức đau xót cho chủ, hơn nữa lại nhìn thấy vây cánh của mình đang bị tỉa dần tỉa mòn, mưa đồ báo phục có cơ vỡ lở nay mai. Vì vậy ngọn lửa hận càng bừng bừng bốc lên.

Đã đến lúc chàng và phó vệ Hùng, bạn chàng, được Bạch Xuân Nguyên gọi vào dinh. Biết hai người này vốn được Lê Văn Duyệt tin cậy, Bạch Xuân Nguyên hỏi ngay:

– Vậy chớ hai thầy ở với Lê Văn Duyệt lâu năm, hai thầy có biết và làm chuyện chi “bất pháp” hãy nói cho ta hay thử?

Không nhịn được nữa, Lê Văn Khôi lập tức mắng ngay:

– Anh là kẻ hậu sinh mà dám khinh mạn một bậc lão tướng công thần. Nếu như thượng công còn sống thì anh làm một tên lính hầu trà của ngài cũng không đáng. Nay ngài mới thất lộc mà anh dám kêu tên ngài ra nói xách mé như vậy. Coi chừng kẻo chúng tôi lấy đầu đi đó!

Nghe mấy lời nhục mạ mình như sét đánh bên tai, Bạch Xuân Nguyên giận tràn hông, vội thét lính bắt giam Khôi lại để trị tội. Nhưng Khôi không để bị giam lâu. Đêm hôm ấy, chàng đã tìm được cách vượt ngục. Lập tức, chàng kêu gọi quân sĩ của mình đột nhập vào các dinh thất bắt bọn quan tỉnh giam lại. Riêng Bạch Xuân Nguyên bị họ tẩm dầu làm bó đuốc sống đốt trước mồ Lê Văn Duyệt.

Tuy mọi việc chưa sẵn sàng, nhưng đã lỡ cưỡi lên lưng hổ, Lê Văn Khôi đành liều cùng các bạn kêu gọi mọi người kéo cờ khởi nghĩa. Chỉ trong một tháng họ lấy được cả Nam kỳ. Minh Mạng cả sợ, sai tướng đem đại quân vào đánh. Quân của Khôi ít, lại bị dàn mỏng nên sau mấy trận quyết chiến giữ không nổi, cuối cùng phải rút vào thành Phiên An cố thủ. Minh Mạng hăm hở ra lệnh vây thành. Nhưng tuy bị vây, thành vẫn trơ gan đứng vững. Minh Mạng càng nóng lòng nóng ruột muốn hạ mau mau, song dù quân đông tướng giỏi súng nhiều, thành vẫn không làm sao hạ nổi. Việc đó làm cho nhà vua hết sức bực bội.

Một hôm, Minh Mạng giả làm dân thường đi dạo chơi ở cánh đồng phía Tây kinh thành.Vua thấy có một bầy trẻ chăn trâu đang chơi trò xây thành bày trận.Tò mò, ông dừng lại xem. Toán trẻ trong thành hết sức cố thủ, toán trẻ ngoài thành đánh mãi không được bèn nghĩ ra kế chất rơm lên xe đốt lửa đẩy vào, nhờ đó cuối cùng thành bị hạ. Lập tức, Minh Mạng sai các tướng học theo kế hỏa công của bọn trẻ mà làm, và nhờ đó ông hạ được thành Phiên An.[2]

KHẢO DỊ

Đồng bào Tày kể chuyện Lê Văn Khôi như sau:

Ngày xưa có ông Hai Khôi là người rất khỏe ở xóm Na-giam (Cao Bằng). Khôi bị bọn quan bắt đi tải lương. Một hôm đi đến chợ Xum – lau, ông gặp hai người trẻ tuổi đón hỏi làm quen. Hai người tự xưng là Bảo Ngược, là thần thuồng luồng. Họ nhờ Khôi đưa giùm một bức thư cho hai nàng Sào Ngược ở Na-giam và nhờ giữ thật kín, sẽ xin hậu tạ. Khôi nói: -” Đây là một cái miếu cổ, làm gì có người?” – Họ trả lời: -“Đến đấy cứ gọi lên:”Nàng Đang nàng Đạt ở đâu ra mà nhận thư!”, khắc có người ra tiếp”. Khôi nhận lời, nhưng đi đến Kẹo-vụt, chàng bóc trộm ra xem. Chàng chẳng thấy trong thư có chữ nghĩa gì cả, trừ vết máu đỏ lòe.

Khi đến, quả có hai người con gái đẹp tiếp Khôi. Sau khi đọc thư, họ hứa hậu tạ và dặn khi nào lội qua khe, hễ nhìn thấy vật gì cũng cứ nhặt lên. Đến lúc qua khe, Khôi chẳng nhìn thấy gì cả trừ một đống bọt trôi quanh quẩn ở chân. Chàng vốc không được, nhưng khi há miệng thì bao nhiêu bọt lọt vào miệng chàng tất cả. Từ đó Khôi khỏe mạnh gấp mười ngày trước, có thể tay không đánh chết hổ.

Một hôm đi qua dinh thấy có một bọn lính đông đúc, đang hè hụi khiêng cột gỗ ngâm dưới ao lên dinh, mà khiêng không nổi. Khôi cười nhạt, bảo họ cho cơm ăn, mình sẽ làm hết cả công việc. Bọn lính nhường tất phần cơm của họ cho chàng. Một mình Khôi ngốn hết, rồi xuống bắt tay chuyển gỗ. Mỗi chuyến chàng vác được bốn cột: hai cột hai vai, hai cột cặp nách, đưa lên quẳng rầm rầm bên dinh trấn làm cho quan ngủ không được. Khi thấy sức khỏe kỳ lạ của Khôi, quan rất khen ngợi. Nhân lúc ấy Thượng công Lê Văn Duyệt có một con ngựa bất kham, rao khắp nơi rằng ai trị được sẽ cho làm quan. Quan trấn cử Khôi về. Chàng quả trị được con ngựa.Từ đó mới làm con nuôi Lê Văn Duyệt.

Về sau Khôi nổi binh đánh triều đình. Khôi ước hẹn với người anh là Vân cùng khởi sự. Anh nổi lên ở phía Bắc, em nổi lên ở phía Nam, làm cho triều đình đối phó hết sức vất vả.[3]

[1][1] Đoạn này theo Nguyễn Bính. Truyện cổ tích Việt Nam.

[2][2] Theo Jê-ni-bren (Génibrel). Sách đã dẫn và Trương Vĩnh Tống. Mỹ Ấm tùy bút.

[3][3] Theo lời kể của đồng bào Tày (do Thân Văn Lư sưu tầm).

Ngày xưa vào triều Minh Mạng, có một chàng trai nhà nghèo nhưng có sức khỏe tuyệt trần. Anh chàng thường chống đò ngang ở bến đò Thiên Tả kiếm ăn. Lúc mới sinh, anh có ba cái nốt đỏ ở bụng, ai nấy đều bảo là tướng rất quý. Tiếng đồn thổi mỗi ngày một rộng. Quan trên nghe tin, cho là tướng nghịch, toan bắt nộp triều đình để lấy thưởng. Biết được tin ấy, anh bỏ lên miền núi rừng tỉnh Cao Bằng. Từ đây, anh kêu gọi các hài kiệt nhóm họp lại, làm giặc chống lại triều đình. Trong số đồ đảng của anh có Nguyễn Hựu Khôi, một chàng trẻ tuổi, nhưng sức khỏe và gan dạ thì được mọi người trầm trồ khen ngợi.

Dần dần thế lực của họ rất mạnh. Họ chiếm được tỉnh Cao Bằng, rồi đánh lan ra các nơi. Quân đi đến đâu các tỉnh hàng phục đến đấy. Nhà vua lo sợ, sai Lê Văn Duyệt cầm quân đi đánh, nhưng quân của họ chiến đấu rất dũng cảm, mấy lần đánh lui những đạo binh đông đảo của triều đình. Chẳng mấy chốc họ tiến sát Bắc thành. Quân triều đình rút vào cố thủ. Bấy giờ vào tiết tháng Bảy, nước sông lên to. Thấy thế nguy khốn, Lê Văn Duyệt vô cùng lo lắng. Hắn bèn biện lễ vật cầu thần giúp đỡ. Thần báo mộng cho biết: tối hôm sau hễ thấy nơi nào có ngọn lửa xanh thì dồn toàn lực đánh ập vào chỗ đó, thần sẽ “âm phò” cho được thắng lợi. Được lời thần, Lê Văn Duyệt ra lệnh cho các đạo quân sẵn sàng. Vào lúc nửa đêm, bỗng nhiên có môt tiếng sét vang, một ngọn lửa xanh xuất hiện ở chỗ quân giặc đang đóng. Quân sĩ triều đình biết là có thần giúp, lăn xả vào chỗ có ngọn lửa. Quả nhiên, họ phá tan được giặc, bắt sống được hàng trăm người trong đó có anh lái đò Thiên Tả và Nguyễn Hựu Khôi.

Khi đưa hàng trăm tội nhân ra pháp trường xử trảm, Lê Văn Duyệt liếc thấy một tù binh dáng người vạm vỡ khỏe mạnh, tướng mạo khôi ngô, thì đem lòng thương hại, mới gọi đến hỏi:- ” Ngươi tên là gì?”-“Nguyễn Hựu Khôi”- người ấy đáp. – ” Ngươi có tài nghệ gì không?”- ” Lên rừng trói hổ, xuống sông bắt sấu, làm gì cũng được!”.

Lê Văn Duyệt bèn bảo lãnh cho chàng để được”đái tội lập công” rồi đưa vào Nam kỳ.

*

Chẳng mấy chốc Nguyễn Hựu Khôi đã chiếm được lòng tin của Lê Văn Duyệt. Bất cứ công việc gì khó khăn nặng nhọc chàng đều làm cho chủ vui lòng. Sức khỏe và lòng gan dạ của chàng đã làm mọi người khiếp phục. Những tay đô vật cũng như những nhà côn quyền đều coi chàng là bậc đàn anh. Bao nhiêu công việc hàng voi phục hổ, chàng chẳng coi ra mùi mẽ gì.

Một hôm có sứ thần nước Xiêm đến Gia Định. Để sứ thần biết oai thượng quốc, Lê Văn Duyệt sai Khôi cải trang làm lính, trà trộn trong đám quân sĩ đợi lệnh ra trổ tài cho sứ thần xem. Ở Gia Định hồi ấy, người ta có nuôi hổ trong những cái chuồng đặt trong các “khai” rào kín xung quanh. Lê Văn Duyệt truyền mở hội đấu hổ cho mọi người tới xem rồi mời sứ thần Xiêm và các quan chức cùng mình lên ngồi trên vọng đài.

Dứt tiếng trống, Duyệt truyền lệnh bắt đầu cuộc đấu. Khôi mình trần trùng trục, một tay cầm côn sắt, một tay cầm đùi lợn sống tiến lại chuồng hổ mở cửa cho nó ra. Không ngờ gặp phải con hổ quá dữ, vừa ra khỏi chuồng là chồm ngay lên mình Khôi. Chàng sợ nguy đến tính mạng, đành cho nó một côn, hổ ngã lăn ra tắt thở.

Trong khi sứ thần và mọi người đều vừa run vừa phục tài Khôi, thì Duyệt làm bộ nổi giận lấy cớ tại sao lại tự tiện giết mất hổ quý, liền rút lệnh tiễn truyền quân đao phủ dẫn Khôi ra chém. Khôi sụp lạy xin tha tội để cho mình đi bắt trói con khác. Thế rồi chàng lại cầm đùi lợn vào “khai” mở cửa một chuồng hổ khác. Giữa những tiếng trống, tiếng reo dậy đất, chàng cùng hổ quần nhau hồi lâu. Cuối cùng một miếng đá của chàng làm cho hổ lăn ra ngã ngửa. Sẵn dây ở khố, chàng lấy ra trói lại, vác đưa đến trước đài phục mệnh. Trên vọng đài Lê Văn Duyệt hài lòng, sứ thần Xiêm vô cùng thán phục.[1]

*

Lê Văn Duyệt từ chỗ trọng tài đến chỗ tin yêu, nhận chàng làm con nuôi. Về phần Lê Văn Khôi – tên họ mới của người tù – cũng cảm ơn tri ngộ của chủ. Từ ngày trở thành người thân của quan Tổng trấn, chàng muốn gì có nấy. Cởi áo tù binh khoác áo võ quan, dần dần từ Phó vệ lên Chánh vệ, bước đường công danh tiến nhanh vun vút. Nhưng không bao giờ Khôi quên những bạn nằm gai nếm mật đã rơi đầu dưới lưỡi đao của đao phủ. Được Lê Văn Duyệt che chở, vây cánh của Khôi mỗi ngày một đông. Nhưng giữa lúc đang thuận buồm xuôi gió thì không may Lê Văn Duyệt chết.

Lại nói chuyện, trước kia vua Minh Mạng vốn có tỵ hiềm với Lê Văn Duyệt. Gia Long trước khi nhắm mắt có ý định bỏ trưởng lập thứ, nên cho đòi các quan đại thần về kinh để hỏi ý kiến. Riêng Lê Văn Duyệt tỏ ý bênh cho dòng đích. Nghe được tin này, Minh Mạng xiết bao căm tức. Từ khi lên làm vua, ông muốn ăn gan uống máu Lê Văn Duyệt cho hả giận. Nhưng hồi đó trong tay Lê Văn Duyệt còn nắm binh quyền, nên Minh Mạng đành nuốt giận làm lành. Cho đến ngày Duyệt chết, Minh Mạng mới bãi bỏ chức tổng trấn, giải tán Nam thành; thành Phiên An bây giờ chỉ là thủ phủ của Gia Định, còn sáu tỉnh Nam kỳ trực thuộc với triều đình. Minh Mạng lại cử bố vợ của mình là Bạch Xuân Nguyên làm bố chính Gia Định, dặn cố kiếm lỗi của Duyệt lúc sống để trị tội cho thỏa lòng căm tức bấy lâu.

Lại nói chuyện quốc trượng Bạch Xuân Nguyên vốn là một tên hung ác. Bước chân tới Gia Định, hắn ra sức bới lông tìm vết để khép Lê Văn Duyệt vào tội lộng hành. Hắn đã giết mấy mấy người thân tín của Duyệt. Những người còn lại, hắn sai giam giữ để tra khảo. Về phần Lê Văn Khôi thì chàng hết sức đau xót cho chủ, hơn nữa lại nhìn thấy vây cánh của mình đang bị tỉa dần tỉa mòn, mưa đồ báo phục có cơ vỡ lở nay mai. Vì vậy ngọn lửa hận càng bừng bừng bốc lên.

Đã đến lúc chàng và phó vệ Hùng, bạn chàng, được Bạch Xuân Nguyên gọi vào dinh. Biết hai người này vốn được Lê Văn Duyệt tin cậy, Bạch Xuân Nguyên hỏi ngay:

– Vậy chớ hai thầy ở với Lê Văn Duyệt lâu năm, hai thầy có biết và làm chuyện chi “bất pháp” hãy nói cho ta hay thử?

Không nhịn được nữa, Lê Văn Khôi lập tức mắng ngay:

– Anh là kẻ hậu sinh mà dám khinh mạn một bậc lão tướng công thần. Nếu như thượng công còn sống thì anh làm một tên lính hầu trà của ngài cũng không đáng. Nay ngài mới thất lộc mà anh dám kêu tên ngài ra nói xách mé như vậy. Coi chừng kẻo chúng tôi lấy đầu đi đó!

Nghe mấy lời nhục mạ mình như sét đánh bên tai, Bạch Xuân Nguyên giận tràn hông, vội thét lính bắt giam Khôi lại để trị tội. Nhưng Khôi không để bị giam lâu. Đêm hôm ấy, chàng đã tìm được cách vượt ngục. Lập tức, chàng kêu gọi quân sĩ của mình đột nhập vào các dinh thất bắt bọn quan tỉnh giam lại. Riêng Bạch Xuân Nguyên bị họ tẩm dầu làm bó đuốc sống đốt trước mồ Lê Văn Duyệt.

Tuy mọi việc chưa sẵn sàng, nhưng đã lỡ cưỡi lên lưng hổ, Lê Văn Khôi đành liều cùng các bạn kêu gọi mọi người kéo cờ khởi nghĩa. Chỉ trong một tháng họ lấy được cả Nam kỳ. Minh Mạng cả sợ, sai tướng đem đại quân vào đánh. Quân của Khôi ít, lại bị dàn mỏng nên sau mấy trận quyết chiến giữ không nổi, cuối cùng phải rút vào thành Phiên An cố thủ. Minh Mạng hăm hở ra lệnh vây thành. Nhưng tuy bị vây, thành vẫn trơ gan đứng vững. Minh Mạng càng nóng lòng nóng ruột muốn hạ mau mau, song dù quân đông tướng giỏi súng nhiều, thành vẫn không làm sao hạ nổi. Việc đó làm cho nhà vua hết sức bực bội.

Một hôm, Minh Mạng giả làm dân thường đi dạo chơi ở cánh đồng phía Tây kinh thành.Vua thấy có một bầy trẻ chăn trâu đang chơi trò xây thành bày trận.Tò mò, ông dừng lại xem. Toán trẻ trong thành hết sức cố thủ, toán trẻ ngoài thành đánh mãi không được bèn nghĩ ra kế chất rơm lên xe đốt lửa đẩy vào, nhờ đó cuối cùng thành bị hạ. Lập tức, Minh Mạng sai các tướng học theo kế hỏa công của bọn trẻ mà làm, và nhờ đó ông hạ được thành Phiên An.[2]

KHẢO DỊ

Đồng bào Tày kể chuyện Lê Văn Khôi như sau:

Ngày xưa có ông Hai Khôi là người rất khỏe ở xóm Na-giam (Cao Bằng). Khôi bị bọn quan bắt đi tải lương. Một hôm đi đến chợ Xum – lau, ông gặp hai người trẻ tuổi đón hỏi làm quen. Hai người tự xưng là Bảo Ngược, là thần thuồng luồng. Họ nhờ Khôi đưa giùm một bức thư cho hai nàng Sào Ngược ở Na-giam và nhờ giữ thật kín, sẽ xin hậu tạ. Khôi nói: -” Đây là một cái miếu cổ, làm gì có người?” – Họ trả lời: -“Đến đấy cứ gọi lên:”Nàng Đang nàng Đạt ở đâu ra mà nhận thư!”, khắc có người ra tiếp”. Khôi nhận lời, nhưng đi đến Kẹo-vụt, chàng bóc trộm ra xem. Chàng chẳng thấy trong thư có chữ nghĩa gì cả, trừ vết máu đỏ lòe.

Khi đến, quả có hai người con gái đẹp tiếp Khôi. Sau khi đọc thư, họ hứa hậu tạ và dặn khi nào lội qua khe, hễ nhìn thấy vật gì cũng cứ nhặt lên. Đến lúc qua khe, Khôi chẳng nhìn thấy gì cả trừ một đống bọt trôi quanh quẩn ở chân. Chàng vốc không được, nhưng khi há miệng thì bao nhiêu bọt lọt vào miệng chàng tất cả. Từ đó Khôi khỏe mạnh gấp mười ngày trước, có thể tay không đánh chết hổ.

Một hôm đi qua dinh thấy có một bọn lính đông đúc, đang hè hụi khiêng cột gỗ ngâm dưới ao lên dinh, mà khiêng không nổi. Khôi cười nhạt, bảo họ cho cơm ăn, mình sẽ làm hết cả công việc. Bọn lính nhường tất phần cơm của họ cho chàng. Một mình Khôi ngốn hết, rồi xuống bắt tay chuyển gỗ. Mỗi chuyến chàng vác được bốn cột: hai cột hai vai, hai cột cặp nách, đưa lên quẳng rầm rầm bên dinh trấn làm cho quan ngủ không được. Khi thấy sức khỏe kỳ lạ của Khôi, quan rất khen ngợi. Nhân lúc ấy Thượng công Lê Văn Duyệt có một con ngựa bất kham, rao khắp nơi rằng ai trị được sẽ cho làm quan. Quan trấn cử Khôi về. Chàng quả trị được con ngựa.Từ đó mới làm con nuôi Lê Văn Duyệt.

Về sau Khôi nổi binh đánh triều đình. Khôi ước hẹn với người anh là Vân cùng khởi sự. Anh nổi lên ở phía Bắc, em nổi lên ở phía Nam, làm cho triều đình đối phó hết sức vất vả.[3]

[1][1] Đoạn này theo Nguyễn Bính. Truyện cổ tích Việt Nam.

[2][2] Theo Jê-ni-bren (Génibrel). Sách đã dẫn và Trương Vĩnh Tống. Mỹ Ấm tùy bút.

[3][3] Theo lời kể của đồng bào Tày (do Thân Văn Lư sưu tầm).

Chọn tập
Bình luận