Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Ngày xưa có một người học trò nghèo nhưng học giỏi, được Thiên đình rất chú ý. Trong sổ thiên tào hồi đó đã ghi cho anh chàng đậu tiến sĩ, làm quan đến thượng thư. Mỗi lần anh đi học thường qua một ngôi đền thờ thần ở làng bên cạnh. Vị thần làng đó vốn đã có đọc ở sổ thiên tào nên tỏ vẻ cung kính người học trò ấy. Những khi anh ta đi qua đền thì tượng thần đang ngồi trên bệ lật đật đứng dậy rất lễ phép.

Một hôm người từ giữ đền nằm mơ thấy thần bảo: – “Ngày mai ngươi phải quét dọn đền cho sạch sẽ tử tế vì có quan lớn đến chơi nhà ta”. Người từ làm y như lời và suốt ngày hôm ấy hắn đứng trực ở cổng đền chờ đón vị khách quý của ông thần. Nhưng đợi mãi, hắn ta chả thấy một ai cả, trừ ra anh học trò xơ xác nói trên hôm đó vô tình có ghé vào đền nghỉ chân một lúc. Người từ cho là dân thường không để ý gì đến.

Ít lâu sau, người từ cũng lại chiêm bao thấy ông thần dặn dò như trước. Lần này, hắn cũng chả thấy ai lạ hơn là anh học trò hôm nọ đến đây ngâm một bài phú rồi lại đi. Nhưng hắn vẫn không tin. Đến lượt thứ ba cũng thế. Bây giờ người từ mới cho là quả phù hợp với lời thần dặn, bèn kể chuyện cho người học trò nọ nghe và bảo:

– Đã ba lần như thế, nên tôi chắc rằng nhà thầy sau này sẽ đỗ đạt làm quan to chứ chẳng chơi.

Nghe nói, người học trò như mở cờ trong bụng. Anh ta quyết chắc cầm sự vinh hoa phú quý trong tay. Hắn nghĩ ngợi rất nhiều về tương lai của mình. Một hôm khi ngắm lại nhan sắc vợ mình, hắn thấy không được đẹp tý nào cả. Thế rồi đêm hôm ấy nằm dưới bóng trăng, hắn mơ tưởng một người đẹp như chị Hằng. Hắn bụng bảo dạ: – “Rồi ta sẽ cho vợ ta về đi thôi! Một khi đỗ đạt thì thiếu gì nơi ngấp nghé muốn làm bà. Lúc đó ta sẽ tìm những đám con vua cháu chúa; đã da trắng môi son lại vừa lắm của”. Nghĩ thế, qua ngày hôm sau hắn kiếm cớ gây sự với vợ và đòi bỏ cho kỳ được. Mọi người đều lấy làm lạ và tỏ vẻ khinh bỉ một người có học như hắn lại có thể nhẫn tâm đến thế được. Nhưng hắn chỉ cười khẩy mà không kể gì dư luận.

Một hôm khác có một người đến đòi nợ hắn. Vừa mới bước chân vào sân, người ấy đã bị hắn chỉ tay vào mặt mắng cho một trận:

– Ta chưa có trả. Không khéo nay mai ta sẽ cắm đất vào vườn ở của mày cho mày biết mặt[1].

Hắn còn đe dọa nhiều người nữa. Gặp ai không vừa ý, hắn nói:

– Rồi chúng mày sẽ biết tay ông!

Tất cả những hành động của người học trò đều được tâu báo về Thiên đình. Ngọc hoàng nghe nói rất phật ý. Cho nên ít lâu sau đó, người từ giữ đền lại nằm mơ thấy ông thần tin cho biết là không phải kinh sợ đối với người học trò nữa vì trên Thiên đình đã tước sổ mất rồi, không cho đỗ đạt nữa.

Ông từ hỏi: – “Tội của nó như thế nào?” – “Nó bị kết án là “dưới trăng bỏ vợ, trước sân đòi nhà, chưa làm nên đã thất đức”[2]. Bây giờ nó không được hưởng phúc nữa”.

Quả nhiên người học trò đó thi mãi không đỗ, muốn nối duyên lại với vợ cũ cũng không được. Cửa nhà hắn ngày một sa sút dần. Do đó mà có câu tục ngữ: “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”[3].

KHẢO DỊ

Có người kể hơi khác về chi tiết: Người học trò đi qua cổng đền, ở đó có hai con chó đá đều vẫy đuôi mừng, hỏi thì đáp là vì biết ông sắp sửa đỗ ông Nghè. Từ đó người học trò ấy luôn luôn dọa dẫm những người không vừa ý mình. Về sau, hắn gặp chó không vẫy đuôi nữa. Chó bảo: vì ông ăn ở xấu nên Thiên đình không cho đỗ, bây giờ chỉ có cách làm việc thiện mới thay đổi được ý trời. Một hôm hắn qua sông thấy một bầy kiến trôi giữa dòng nước, bèn lội xuống vớt tất cả lên. Nhờ thế về sau hắn lại đậu.[4]

Có hai truyện khác nội dung gần giống với truyện trên:

Truyện Hai anh em họ Lê ở Thần-đầu: Xưa có hai vợ chồng một người tiều phu họ Lê. Vì nghèo khổ cô đơn nên bị bọn hương lý trong làng đối đãi rất tệ: phu phen sưu dịch lúc nào cũng tróc vào họ, hơi chậm một tý là bị chúng đánh phạt. Tức mình, vợ chồng cầu khẩn mong có một mụn con để sau này rửa hờn. Thượng đế sai hai Trạng xuống đầu thai. Hai vợ chồng mừng lắm, cố kiếm củi cho nhiều, lấy tiền cho con đi học. Về sau cả hai anh em đều đậu Trạng. Lúc vinh quy, voi ngựa quân gia đầy đường, đi đến đâu các quan và hương lý địa phương đều phải đón rước tấp nập. Những người khinh bỉ đánh đập hai vợ chồng ngày xưa bây giờ cũng đến chào lạy họ. Hai vợ chồng rất hả hê bảo con: “Ngày xưa chúng nó lấn áp nhà ta đủ điều, bây giờ các con cố làm cho chúng nó biết mặt”. Con nghe lời, nhưng sau đó ít lâu, hai ông Trạng làm bậy, có một vị thần bèn tâu lên Thượng đế. Thượng đế liền đòi hai Trạng về.

Một truyện Thần với Thần đồng: Làng Cẩm-lâm từ xưa chưa có người đậu đạt làm quan. Một hôm trên Thiên đình phái một ông Trạng đến làng ấy, cho đầu thai vào nhà hai vợ chồng đốn gỗ. Họ ngoài 40 tuổi mới sinh con trai. Thằng bé lên 7, nổi tiếng thần đồng. Gần nhà có đền thờ Thành hoàng, đứa bé thường ngày chơi với các bạn ở đó. Một đêm, ông từ mộng thấy thần bảo: – “Trạng hay đến đây bắt buộc ta vì kính lễ phải đứng dậy luôn. Vậy bảo làng làm cho ta một cái bình phong che trước ngai cho ta ẩn”.

Làng nghe nói không tin, cho một người ra ngủ ở đền cầu mộng. Thần lại cho biết như trước. Hương lý bèn xây một cái bình phong để không ai được nhìn vào tượng thần. Và từ đó trở đi nhiều người đâm ra ghen ghét nhà thần đồng, họ gây sự với bố mẹ và làm tình làm tội đánh đập dọa nạt luôn. Thiên đình thấy dân làng vô lễ đối với Trạng, bèn phạt họ bằng cách đòi Trạng về. Cho nên ít lâu sau thần lại báo mộng cho ông từ rằng: – “Chúng mày có thể phá bình phong được rồi vì Thiên đình quyết định không cho Trạng ở làng chúng mày nữa”. Vài ngày sau thần đồng chết[5].

Trong Liêu trai chí dị có truyện Gả em thế chị (Tỷ muội dịch giá) có nói tới một người học trò chưa đỗ đã toan đổi vợ.

Một anh học trò họ Mao, bố trước làm nghề chăn trâu, được nhà họ Trương tư cấp và hứa gả con gái lớn cho. Nhưng cô gái không muốn kết duyên với con nhà chăn trâu, nên đến ngày cưới cương quyết không chịu về. Cô em khuyên dỗ bị chị mắng: “Đừng lắm lời, mày sao không lấy nó đi!” – “Nếu bố mà gả, em đáp, thì em sẽ lấy”. Cuối cùng người bố phải đánh tráo người em thế chị.

Tuy biết có sự đánh tráo, lại vợ mới có bệnh chốc đầu, người học trò họ Mao cũng không phàn nàn, hai vợ chồng ăn ở với nhau tương đắc. Chồng sau đó, một hôm đi thi, qua quán họ Vương được tiếp đãi tử tế. Họ Vương cho biết đêm qua thấy thần báo mộng rằng sáng mai có giải nguyên họ Mao qua đây, sẽ giúp mình khỏi tai ách. Nghe tin này, người học trò họ Mao có vẻ hý hửng. Cũng như truyện trên của ta, hắn bắt đầu nghĩ đến vợ mình đầu tóc xấu xí, nay mai chơi với người sang không khỏi bị chê cười. Sau này khi phú quý sẽ thay đi thôi. Nhưng đến lúc treo bảng không thấy có tên mình, hắn rất buồn thẹn, bỏ về, không dám ghé lại quán họ Vương.

Ba năm sau, hắn lại đi thi; và lại được họ Vương tiếp đãi tử tế như trước. Hắn trách họ Vương lần trước nói không nghiệm. Nhưng họ Vương đáp: – “Hồi ấy thần có báo mộng cho tôi biết vì ngài có âm mưu đổi vợ, nên bị âm ty phạt không cho đỗ”. Người học trò họ Mao tỉnh ngộ, tỏ lòng hối hận, nên khoa ấy thi đậu giải nguyên, rồi thi đình đậu tiến sĩ, làm quan tể tướng. Vợ anh tóc cũng mọc dài tốt hơn trước. Còn người chị lấy chồng trọc phú, lười biếng lại hay cờ bạc, vận nhà ngày một suy. Không may chồng chết, trong khi đó em gái trở nên bà giải rồi bà nghè, cô chị càng thẹn, bèn cắt tóc đi tu.

[1] Ngày xưa ai đỗ tiến sĩ được phép lấy ba mẫu đất làm nhà ở, muốn cắm vào đâu cũng được.

[2] Nguyên văn “Nguyệt hạ phóng thê, đình tiền tỷ trạch, vị đắc ý cố thất đức”.

[3] Theo Nguyễn Văn Ngọc. Sách đã dẫn

1 Theo Tạp chí chúng tôi (1910)

[5] Theo Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn.

Ngày xưa có một người học trò nghèo nhưng học giỏi, được Thiên đình rất chú ý. Trong sổ thiên tào hồi đó đã ghi cho anh chàng đậu tiến sĩ, làm quan đến thượng thư. Mỗi lần anh đi học thường qua một ngôi đền thờ thần ở làng bên cạnh. Vị thần làng đó vốn đã có đọc ở sổ thiên tào nên tỏ vẻ cung kính người học trò ấy. Những khi anh ta đi qua đền thì tượng thần đang ngồi trên bệ lật đật đứng dậy rất lễ phép.

Một hôm người từ giữ đền nằm mơ thấy thần bảo: – “Ngày mai ngươi phải quét dọn đền cho sạch sẽ tử tế vì có quan lớn đến chơi nhà ta”. Người từ làm y như lời và suốt ngày hôm ấy hắn đứng trực ở cổng đền chờ đón vị khách quý của ông thần. Nhưng đợi mãi, hắn ta chả thấy một ai cả, trừ ra anh học trò xơ xác nói trên hôm đó vô tình có ghé vào đền nghỉ chân một lúc. Người từ cho là dân thường không để ý gì đến.

Ít lâu sau, người từ cũng lại chiêm bao thấy ông thần dặn dò như trước. Lần này, hắn cũng chả thấy ai lạ hơn là anh học trò hôm nọ đến đây ngâm một bài phú rồi lại đi. Nhưng hắn vẫn không tin. Đến lượt thứ ba cũng thế. Bây giờ người từ mới cho là quả phù hợp với lời thần dặn, bèn kể chuyện cho người học trò nọ nghe và bảo:

– Đã ba lần như thế, nên tôi chắc rằng nhà thầy sau này sẽ đỗ đạt làm quan to chứ chẳng chơi.

Nghe nói, người học trò như mở cờ trong bụng. Anh ta quyết chắc cầm sự vinh hoa phú quý trong tay. Hắn nghĩ ngợi rất nhiều về tương lai của mình. Một hôm khi ngắm lại nhan sắc vợ mình, hắn thấy không được đẹp tý nào cả. Thế rồi đêm hôm ấy nằm dưới bóng trăng, hắn mơ tưởng một người đẹp như chị Hằng. Hắn bụng bảo dạ: – “Rồi ta sẽ cho vợ ta về đi thôi! Một khi đỗ đạt thì thiếu gì nơi ngấp nghé muốn làm bà. Lúc đó ta sẽ tìm những đám con vua cháu chúa; đã da trắng môi son lại vừa lắm của”. Nghĩ thế, qua ngày hôm sau hắn kiếm cớ gây sự với vợ và đòi bỏ cho kỳ được. Mọi người đều lấy làm lạ và tỏ vẻ khinh bỉ một người có học như hắn lại có thể nhẫn tâm đến thế được. Nhưng hắn chỉ cười khẩy mà không kể gì dư luận.

Một hôm khác có một người đến đòi nợ hắn. Vừa mới bước chân vào sân, người ấy đã bị hắn chỉ tay vào mặt mắng cho một trận:

– Ta chưa có trả. Không khéo nay mai ta sẽ cắm đất vào vườn ở của mày cho mày biết mặt[1].

Hắn còn đe dọa nhiều người nữa. Gặp ai không vừa ý, hắn nói:

– Rồi chúng mày sẽ biết tay ông!

Tất cả những hành động của người học trò đều được tâu báo về Thiên đình. Ngọc hoàng nghe nói rất phật ý. Cho nên ít lâu sau đó, người từ giữ đền lại nằm mơ thấy ông thần tin cho biết là không phải kinh sợ đối với người học trò nữa vì trên Thiên đình đã tước sổ mất rồi, không cho đỗ đạt nữa.

Ông từ hỏi: – “Tội của nó như thế nào?” – “Nó bị kết án là “dưới trăng bỏ vợ, trước sân đòi nhà, chưa làm nên đã thất đức”[2]. Bây giờ nó không được hưởng phúc nữa”.

Quả nhiên người học trò đó thi mãi không đỗ, muốn nối duyên lại với vợ cũ cũng không được. Cửa nhà hắn ngày một sa sút dần. Do đó mà có câu tục ngữ: “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”[3].

KHẢO DỊ

Có người kể hơi khác về chi tiết: Người học trò đi qua cổng đền, ở đó có hai con chó đá đều vẫy đuôi mừng, hỏi thì đáp là vì biết ông sắp sửa đỗ ông Nghè. Từ đó người học trò ấy luôn luôn dọa dẫm những người không vừa ý mình. Về sau, hắn gặp chó không vẫy đuôi nữa. Chó bảo: vì ông ăn ở xấu nên Thiên đình không cho đỗ, bây giờ chỉ có cách làm việc thiện mới thay đổi được ý trời. Một hôm hắn qua sông thấy một bầy kiến trôi giữa dòng nước, bèn lội xuống vớt tất cả lên. Nhờ thế về sau hắn lại đậu.[4]

Có hai truyện khác nội dung gần giống với truyện trên:

Truyện Hai anh em họ Lê ở Thần-đầu: Xưa có hai vợ chồng một người tiều phu họ Lê. Vì nghèo khổ cô đơn nên bị bọn hương lý trong làng đối đãi rất tệ: phu phen sưu dịch lúc nào cũng tróc vào họ, hơi chậm một tý là bị chúng đánh phạt. Tức mình, vợ chồng cầu khẩn mong có một mụn con để sau này rửa hờn. Thượng đế sai hai Trạng xuống đầu thai. Hai vợ chồng mừng lắm, cố kiếm củi cho nhiều, lấy tiền cho con đi học. Về sau cả hai anh em đều đậu Trạng. Lúc vinh quy, voi ngựa quân gia đầy đường, đi đến đâu các quan và hương lý địa phương đều phải đón rước tấp nập. Những người khinh bỉ đánh đập hai vợ chồng ngày xưa bây giờ cũng đến chào lạy họ. Hai vợ chồng rất hả hê bảo con: “Ngày xưa chúng nó lấn áp nhà ta đủ điều, bây giờ các con cố làm cho chúng nó biết mặt”. Con nghe lời, nhưng sau đó ít lâu, hai ông Trạng làm bậy, có một vị thần bèn tâu lên Thượng đế. Thượng đế liền đòi hai Trạng về.

Một truyện Thần với Thần đồng: Làng Cẩm-lâm từ xưa chưa có người đậu đạt làm quan. Một hôm trên Thiên đình phái một ông Trạng đến làng ấy, cho đầu thai vào nhà hai vợ chồng đốn gỗ. Họ ngoài 40 tuổi mới sinh con trai. Thằng bé lên 7, nổi tiếng thần đồng. Gần nhà có đền thờ Thành hoàng, đứa bé thường ngày chơi với các bạn ở đó. Một đêm, ông từ mộng thấy thần bảo: – “Trạng hay đến đây bắt buộc ta vì kính lễ phải đứng dậy luôn. Vậy bảo làng làm cho ta một cái bình phong che trước ngai cho ta ẩn”.

Làng nghe nói không tin, cho một người ra ngủ ở đền cầu mộng. Thần lại cho biết như trước. Hương lý bèn xây một cái bình phong để không ai được nhìn vào tượng thần. Và từ đó trở đi nhiều người đâm ra ghen ghét nhà thần đồng, họ gây sự với bố mẹ và làm tình làm tội đánh đập dọa nạt luôn. Thiên đình thấy dân làng vô lễ đối với Trạng, bèn phạt họ bằng cách đòi Trạng về. Cho nên ít lâu sau thần lại báo mộng cho ông từ rằng: – “Chúng mày có thể phá bình phong được rồi vì Thiên đình quyết định không cho Trạng ở làng chúng mày nữa”. Vài ngày sau thần đồng chết[5].

Trong Liêu trai chí dị có truyện Gả em thế chị (Tỷ muội dịch giá) có nói tới một người học trò chưa đỗ đã toan đổi vợ.

Một anh học trò họ Mao, bố trước làm nghề chăn trâu, được nhà họ Trương tư cấp và hứa gả con gái lớn cho. Nhưng cô gái không muốn kết duyên với con nhà chăn trâu, nên đến ngày cưới cương quyết không chịu về. Cô em khuyên dỗ bị chị mắng: “Đừng lắm lời, mày sao không lấy nó đi!” – “Nếu bố mà gả, em đáp, thì em sẽ lấy”. Cuối cùng người bố phải đánh tráo người em thế chị.

Tuy biết có sự đánh tráo, lại vợ mới có bệnh chốc đầu, người học trò họ Mao cũng không phàn nàn, hai vợ chồng ăn ở với nhau tương đắc. Chồng sau đó, một hôm đi thi, qua quán họ Vương được tiếp đãi tử tế. Họ Vương cho biết đêm qua thấy thần báo mộng rằng sáng mai có giải nguyên họ Mao qua đây, sẽ giúp mình khỏi tai ách. Nghe tin này, người học trò họ Mao có vẻ hý hửng. Cũng như truyện trên của ta, hắn bắt đầu nghĩ đến vợ mình đầu tóc xấu xí, nay mai chơi với người sang không khỏi bị chê cười. Sau này khi phú quý sẽ thay đi thôi. Nhưng đến lúc treo bảng không thấy có tên mình, hắn rất buồn thẹn, bỏ về, không dám ghé lại quán họ Vương.

Ba năm sau, hắn lại đi thi; và lại được họ Vương tiếp đãi tử tế như trước. Hắn trách họ Vương lần trước nói không nghiệm. Nhưng họ Vương đáp: – “Hồi ấy thần có báo mộng cho tôi biết vì ngài có âm mưu đổi vợ, nên bị âm ty phạt không cho đỗ”. Người học trò họ Mao tỉnh ngộ, tỏ lòng hối hận, nên khoa ấy thi đậu giải nguyên, rồi thi đình đậu tiến sĩ, làm quan tể tướng. Vợ anh tóc cũng mọc dài tốt hơn trước. Còn người chị lấy chồng trọc phú, lười biếng lại hay cờ bạc, vận nhà ngày một suy. Không may chồng chết, trong khi đó em gái trở nên bà giải rồi bà nghè, cô chị càng thẹn, bèn cắt tóc đi tu.

[1] Ngày xưa ai đỗ tiến sĩ được phép lấy ba mẫu đất làm nhà ở, muốn cắm vào đâu cũng được.

[2] Nguyên văn “Nguyệt hạ phóng thê, đình tiền tỷ trạch, vị đắc ý cố thất đức”.

[3] Theo Nguyễn Văn Ngọc. Sách đã dẫn

1 Theo Tạp chí chúng tôi (1910)

[5] Theo Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn.

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky