Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Sự tích con dã tràng

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Có hai vợ chồng một ông già tên là Dã Tràng. Trong vườn họ có một hang rắn. Thường ngày làm cỏ gần đấy, ông già vẫn thấy có một cặp vợ chồng rắn hổ mang ra vào trong hang.

Một hôm, con rắn chồng bò ra khỏi hang một mình. Ông nhìn thấy rắn vợ nằm cuộn ở trong. Vì mới lột nên mình mẩy nó yếu ớt không cựa quậy được. Một lúc lâu, rắn chồng bò trở về, miệng tha một con nhái đút cho vợ ăn.

Ít lâu sau, Dã Tràng lại thấy rắn vợ bò ra khỏi hang một mình. Lần này rắn chồng đến kỳ lột nằm im thim thíp, lốt da cũ còn bỏ lại bên hang. Hồi lâu, rắn vợ trở về, theo sau có một con rắn đực khác khá lớn. Dã Tràng thấy hai con bò đến cửa hang thì dừng lại rồi quấn lấy nhau như bện dây thừng. Một lát sau, con rắn đực một mình bò vào hang.

Dã Tràng biết con rắn đực này toan làm gì rồi. Ông cảm thấy ngứa mắt, muốn trừ bò con rắn đó đi để cứu con rắn chồng đang lúc suy nhược. Lúc đó bên mình không có cái gì cả, ông bèn rút một mũi tên nhằm con rắn mới, bắn ngay một phát. Không ngờ mũi tên lại trúng vào đầu con rắn vợ chết tươi, còn con kia hoảng hồn chạy mất. Dã Tràng nghĩ cũng thương con rắn cái nhưng trong thương có lẫn cả giận, nên ông chán nản bỏ đi về nhà. Từ đó, ông không thèm để ý đến hang rắn nữa.

Chừng dăm ngày sau, một hôm, Dã Tràng nằm võng thuật chuyện vợ chồng con rắn cho vợ mình đã thấy và đã làm. Ông kể vừa dứt lời thì bỗng nghe trên máng nhà có tiếng phì phì. Cả hai người hốt hoảng nhìn lên thì thấy có một con rắn hổ mang rất lớn, đuôi quấn lấy xà nhà, đầu vườn tới gần chỗ ông nằm, miệng nhả một viên ngọc. Ông vừa cầm lấy thì bỗng nghe được tiếng rắn nói:

– Ông là ân nhân mà tôi cứ ngỡ là kẻ thù. Mấy hôm nay tôi đợi ông trên máng này chỉ chực mổ chết để báo thù cho vợ tôi. Nhưng vừa rồi nghe ông kể chuyện rõ ràng, tôi mới biết là lầm. Xin biếu ông viên ngọc nghe này. Đeo nó vào mình thì có thể nghe hiểu được mọi tiếng muông chim ở thế gian.

Từ kinh ngạc đến sung sướng, Dã Tràng nhận viên ngọc quý và từ đó không bao giờ rời.

*

Một hôm, Dã Tràng đang hái rau, bỗng có một bầy quạ đến đậu ở mấy ngọn cau nói chuyện lao xao. Chúng nó bảo Dã Tràng như thế này: – “Ở núi Nam có một con dê bị hổ vồ. Hãy lên đó lấy về mà ăn nhưng nhớ để lòng lại cho chúng tôi với”. Dã Tràng làm theo lời quạ, quả thấy xác một con dê trên núi Nam. Ông xẻo lấy một ít thịt xâu lại xách về. Đến nhà, ông vội mách cho xóm giềng biết mà đi lấy, không quên dặn họ để bộ ruột dê lại cho bầy quạ. Nhưng ông không ngờ người trong xóm nghe tin ấy đua nhau đi đông quá, thành ra họ lấy hết cả, chẳng chừa một tý gì.

Lũ quạ không thấy ruột dê, cho là Dã Tràng đánh lừa, bèn đổ xô đến vườn ông réo lên om sòm. Thấy vậy, ông biết là người trong xóm đã làm hại mình không giữ chữ tín với bầy quạ. Ông phân trần mấy lần nhưng bầy quạ không nghe, cứ đứng đó chửi mãi.

Tức mình, ông bèn lấy cung tên ra bắn vào chúng. Chủ ý là để đuổi chúng đi chứ không định giết. Chẳng ngờ bầy quạ thấy vậy cho là ông lấy oán trả ân liền cắp lấy mũi tên có đề tên Dã Tràng ở đuôi, tìm dịp báo thù. Lúc bay qua sông thấy một cái xác chết trôi, đàn quạ bèn đem mũi tên cắm vào yết hầu xác chết. Khi quan sở tại đến làm biên bản, thấy mũi tên, liền đoán Dã Tràng là thủ phạm, sai lính bắt ông hạ ngục.

Dã Tràng bị bắt bất ngờ hết sức kêu oan, nhưng mũi tên là một chứng cứ sờ sờ làm cho ông đuối lý, đành chịu chui đầu vào gông. Tuy nhiên, ông vẫn một mực xin quan xét nỗi oan uổng. Thấy vậy, quan sai lính giải ông về kinh để vua phân xử.

Từ đề lao tỉnh, ông lại bị điệu đi. Dọc đường trời tối bọn lính dừng lại quán ăn uống và nghỉ ngơi. Dã Tràng cổ bị gông, chân bị xiềng nằm trên đống rơm buồn rầu không ngủ được. Lúc trời gần rạng, ông nghe có một đàn chim sẻ bay ngang đầu nói chuyện về nhau: – “Nhanh lên! Chuyến này sẽ không lo đói nữa mà cũng chả sợ ai đánh đuổi cả”. Một con khác hỏi: – “Của ai mang đến bỏ vương vãi thế nhỉ?”. Con nọ trả lời: – Của vua nước bên kia. Họ toan kéo sang đánh úp nước bên này. Ngày hôm qua quân đội giáo mác kéo đi liên miên không ngớt. Nhưng xe thóc vừa sắp đến biên cương thì bị sụp hầm đổ hết. Họ đang trở về lấy thứ khác, cho nên chúng mình tha hồ chén”.

Nghe đoạn, chờ lúc bọn lính đến dẫn ông lên đường, Dã Tràng bảo họ:

– Xin các ông bẩm lại với quan rằng việc của tôi là việc oan uổng và nhỏ mọn không nên bận tâm, mà giờ đây có một việc quốc gia trọng đại và cấp bách nữa, cần tính liệu gấp.

Bọn lính tra gạn ông mãi nhưng ông không nói gì thêm, chỉ nài rằng hễ có mặt quan mình mới tỏ bày rõ ràng.

Khi gặp mấy vị quan đầu tỉnh, Dã Tràng liền cho họ biết rằng vua Hiền Đế ở phương Bắc đã sai tướng cầm quân sang đánh úp nước mình. Hiện họ đang đóng quân đầy ở biên giới, chỉ vì bị sụp hầm, xe lương đổ hết, chưa tấn công được. Bây giờ họ đang vận thêm lương, chờ đầy đủ sẽ vượt cửa ải sang Nam.

Bọn quan tỉnh lấy làm lo lắng nhưng cũng gạn hỏi ông có dám chắc như vậy không. Dã Tràng chỉ vào đầu mình đoan rằng nếu nói sai, ông sẽ xin chịu chết. Nhưng nếu lời của ông đúng thì xin bề trên phóng thích cho ông. Ngay lúc đó, những tên quân do thám được tung đi tới tấp mọi ngả để lấy tin. Chỉ nội ngày hôm sau, Dã Tràng đã được thả vì lời mách của ông quả đúng và vừa vặn để chuẩn bị đối phó với địch.

Được tha, Dã Tràng đi bộ lần về quê nhà. Bóng chiều vừa ngả, ông mới đến vùng Hồng-hoa. Ông tìm vào nhà người bạn rất thân là Trần Anh nghỉ chân.

Gặp lại bạn cũ, vợ chồng Trần Anh vui mừng khôn xiết. Nghe tin ông bị tra tấn giam cùm và suýt mất đầu, hai vợ chồng rất thương cảm.

Thấy bữa ăn tối thiết bạn không có gì, Trần Anh xuống bếp bảo vợ:

– Bạn ta đến lại gặp lúc trong nhà chả có gì ăn. Sẵn có cặp ngỗng, con nó đã khôn, ta làm thịt một con, ngày mai đãi bạn lên đường.

Người vợ bằng lòng nhưng dặn chồng sáng dậy sớm bắt ngỗng và cắt tiết vặt lông giúp mình một tay.

Trong khi hai vợ chồng bàn tính thì cặp ngỗng ở ngoài chuồng nghe được câu chuyện. Ngỗng trống bảo ngỗng mái: – “Mình ôi! Mình hãy ở lại nuôi con, tôi sẽ đứng sẵn cho chủ nó bắt”. Ngỗng mái không nghe, xin chết thay chồng. Nhưng ngỗng trống nhất quyết hy sinh, nên chạy ra sân từ giã đàn con: – Con ơi! Các con ở lại với mẹ nghe. Cha sẽ không bao giờ gặp lại các con nữa”. Song ngỗng mái vẫn lạch bạch chạy theo, đòi chết thay chồng cho bằng được.

Lúc bấy giờ Dã Tràng nằm trên bộ ván đặt kề cửa sổ nên nghe được tiếng ngỗng than thở. Ông bỗng thấy thương con vật vô tội chỉ vì mình mà phải lìa đàn con bé bỏng. Ông toan nói trước với bạn, nhưng thấy bất tiện. Ông đành nghe ngóng ở chỗ chuồng ngỗng chờ lúc bạn ra bắt thì sẽ cản lại.

Suốt đêm hôm đó tuy mệt mà ông không dám ngủ. Quả nhiên, vào khoảng canh tư, Trần Anh thức dậy bước ra chuồng. Ngỗng trống xua ngỗng mái chạy rồi vươn cổ để cho bắt. Khi Trần Anh sắp cắt cổ ngỗng thì Dã Tràng đã lật đật chạy xuống bếp nắm lấy dao. Ông nói:

– Xin bạn thả nó ra. Tính tôi không hay sát sinh. Tình thân của đôi ta lọ phải cỗ bàn mới thân. Nếu bạn giết nó thì tôi lập tức đi khỏi chỗ này.

Thấy bạn có vẻ quả quyết, Trần Anh đành thả ngỗng ra, rồi giục vợ chạy đi mua tép về đãi bạn.

Cơm nước xong, Dã Tràng từ giã bạn lên đường về nhà. Đến ao, ông đã thấy vợ chồng ngỗng cùng với bầy con đứng chực ở đấy. Ngỗng đực tặng Dã Tráng một viên ngọc và nói:

Đa tạ ân nhân cứu mạng. Không biết lấy gì báo đền, chúng tôi xin tặng người viên ngọc này, mang nó vào người có thể đi được dưới nước dễ dàng không khác gì trên bộ. Nếu đem ngọc này xuống nước mà khoắng thì sẽ rung động đến tận đáy biển.

Ngỗng lại nói tiếp:

– Còn như con tép là vật đã thế mạng chúng tôi thì từ nay, dòng dõi chúng tôi sẽ xin chừa tép ra không ăn, để tỏ lòng nhớ ơn!

Dã Tràng không ngờ có sự báo đáp quá hậu như thế, sung sướng nhận lấy ngọc rồi về.

Khi đến bờ sông, Dã Tràng muốn thử xem công hiệu của viên ngọc mới, liền cứ để nguyên áo quần xuống nước. Thì lạ thay nước rẽ ra thành một lối cho ông đi thẳng xuống đáy sông. Ông dạo cảnh hồi lâu rồi cầm viên ngọc khoắng vào nước nhiều lần thử xem thế nào.

Hôm đó, Long vương và các triều thần đang hội họp ở thủy phủ bỗng thấy nhà cửa lâu đài và mọi kiến trúc khác bỗng nhiên rung động cơ hồ muốn đổ. Ai nấy đều nháo nhác không hiểu duyên cớ. Vua lập tức truyền cho bộ hạ đi dò la sự tình.

Bộ hạ Long vương đi theo con đường sóng ngầm lọt vào cửa sông thì thấy Dã Tràng đang cầm ngọc khoắng vào nước. Mỗi một lần khoắng như thế, họ cảm thấy xiêu người nhức óc. Tuy biết đích là thủ phạm, họ cũng không dám làm gì, chỉ tiến đến dùng lời nói khéo mời ông xuống chơi thủy phủ.

Gặp Long vương, Dã Tràng cho biết đó là mình chỉ mới làm thử để xem phép có hiệu nghiệm chăng. Long vương và triều thần nghe nói, ai nấy đều xanh mắt. Nếu hắn làm thật thì thế giới thủy phủ sẽ còn gì nữa! Vì thế, Long vương đãi Dã Tràng rất hậu. Ông muốn gì có nấy. Cho đến lúc ông ra về, Long vương còn đem vàng bạc tống tiễn rất nhiều để mong ông nể mặt.

Dã Tràng lên khỏi nước có bộ hạ của Long vương tiễn chân về tới tận nhà mới trở lại. Bà con xóm giềng thấy ông đã không việc gì mà lại trở nên giàu có thì ai cũng lấy làm mừng cho ông. Từ đó Dã Tràng rất quý hai viên ngọc. Ông may một cái túi đựng chúng và luôn luôn đeo ở cổ.

Một hôm Dã Tràng đi bộ nửa ngày đường đến nhà một người bà con ăn giỗ. Lúc đến nơi, Dã Tràng sờ lên cổ giật mình mới nhớ ra vì vội quá nên ông đã bỏ quên mất túi ngọc ở nhà. Ông không thể nào còn an tâm ngồi ăn được. Mọi người đều lấy làm ngạc nhiên thấy ông vừa chân ướt chân ráo đến nơi đã vội cáo từ về ngay.

Nhưng khi về đến nhà, ông tìm mãi vẫn không thấy túi ngọc đâu cả. ông rụng rời cả người. Đi tìm vợ, vợ cũng không thấy nốt. Nóng ruột, ông lục lọi khắp nơi. Cuối cùng ông bắt được một mảnh giấy do vợ viết để lại gài ở chỗ treo án. Trong đó, vợ ông nói rằng có người của Long vương lên bảo cho biết hễ ai bắt được túi ngọc đưa xuống dâng Long vương thì sẽ được phong làm hoàng hậu. Bởi vậy bà ta đã trộm phép ông đưa túi ngọc xuống thủy phủ rồi, không nên tìm làm gì cho mệt.

Đọc xong thư vợ, Dã Tràng ngất đi. Ông không ngờ vợ ông lại có thể như thế được. Ông cũng không ngờ âm mưu của Long vương thâm độc đến nước ấy. Nghĩ đến hai thứ bảo vật, ông tức điên ruột. Sau cùng, ông dự tính cho cát lấp biển thành một con đường đi xuống thủy phủ để lấy lại túi ngọc vì ông còn nhớ rõ đường lối đến cung điện của Long vương. Mặc dầu mọi người can ngăn, ông cũng không nghe, bèn dọn nhà ra bờ biển để làm công việc đó. Ngày ngày ông xe cát chở đến bờ quyết lấp cho bằng được.

Cho tận đến chết, Dã Tràng vẫn không chịu bỏ dở công việc. Chết rồi ông hóa thành con còng còng hay cũng gọi là con dã tràng, ngày ngày xe cát để lấp biển[1].

Tục ngữ có câu:

Dã tràng xe cát biển Đông,

Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.

hay là:

Công dã tràng hàng ngày xe cát,

Sóng biểu dồn tan tác còn chi[2].

hay là:

Con còng còng dại lắm không khôn,

Luống công xe cát sóng dồn lại tan.

Người ta nói ngày nay loài ngỗng sở dĩ không bao giờ ăn tép là vì chúng nó như ăn loài tép đã thế mạng cho tổ tiên mình ngày xưa. Họ còn nói loài ngỗng có một cái mào trắng trên đầu là dấu hiệu để tang cho Dã Tràng để nhớ ơn cứu mạng[3].

KHẢO DỊ

Đoạn đầu truyện này tương tự với truyện ngụ ngôn Con cua mà một tác giả vô danh đã đặt thành vè gọi là vè Con cua hay Triều đương cố sự phú.

Ông Trương Thủ Chí đi câu dọc ghềnh thường thấy hai con cua nọ đi ăn với nhau. Một hôm cua vợ đến kỳ lột, non da non thịt, yếu đuối không đi được. Lúc đó chỉ một mình cua chồng tha mồi về cho vợ rồi lại nằm ngoài cửa hang canh gác kẻo sợ những con cua khác đến ăn thịt.

Đến khi cua chồng lột nằm một chỗ, cua vợ đã không chăm sóc lại còn rủ chúng bạn tới ăn thịt chồng[4].

… Cua đực lại tứ chi chuyển lột,

Tay chân yếu mười phần còn một,

Xương thịt mòn muôn ngạch đều không,

Lòng những tin có vợ nuôi chồng,

Hay đâu nỗi say trai đắm gái.

Nhớ thù quên ngãi,

Nhớ oán quên ân,

Vào trong hang cắt thịt xé thân,

Ra ngoài cửa ăn tươi nuốt sống…[5].

Ông bèn đem điều thấy được tâu lên vua. Vua có ý định thử xem giữa người với cua có giống nhau chăng, mới cho rao khắp thiên hạ: hễ người nào có gan giết được vợ thì sẽ: “Ngôi nhất phẩm quyền phong nhất thế: chức tam công lộc hưởng thiên niên”. Có một anh lực sĩ hám chức cao quyền trọng, liền đến lĩnh bảo kiếm nhà vua về định giết vợ, nhưng khi nhìn vào khe cửa thấy vợ nựng con: thương cha con hiện đang ở chốn sa trường sương gió. v.v… thì, không nỡ hạ thủ, bèn trở về cung tự trói mình chịu tội.

Vua lại cho rao khắp thiên hạ: ai giết được chồng chém đầu đem nạp bệ rồng thì sẽ “phong chức hướng tôn quận chúa”. Có một nàng Nữ tố nghe vậy bèn giết chồng, đưa thủ cấp đến nạp mong lĩnh thưởng. Nhưng vua ra lệnh phân thây Nữ tố và tha bổng lực sĩ.

Đoạn giữa truyện Sự tích con dã tràng chịu ảnh hưởng của tích Công Dã Tràng trong Luận ngữ của Khổng Tử. Thiên V sách đó chép: “[Khổng] Tử bảo Công Dã Tràng là người có thể gả con gái được. [Tràng] tuy bị mắc trong vòng dây trói nhưng không phải tội do mình làm. Bèn đem con gái gả cho [Tràng]”.

Người ta giải thích rằng: Công Dã Tràng là người nước Lỗ, học trò Khổng Tử, hiểu biết tiếng chim. Nhà ông nghèo không đủ ăn. Một hôm có con chim bay tới nhà kêu rằng: – “Công Dã Tràng! Công Dã Tràng. Cọp bắt dê ở núi Nam, người ăn thịt, ta ăn gan. Phiên phiến lên, chớ dùng dằng!”. Công Dã Tràng lên núi bắt được dê đưa về làm thịt ăn. Không ngờ người chủ mất dê từng làm dấu riêng ở sừng. Khi nhận được sừng dễ ở nhà Công Dã Tràng, hắn cho là ông đã ăn trộm dê của mình bèn đi cáo với Lỗ công.

Công Dã Tràng kể rõ sự tình cho Lỗ công biết, Lỗ công không tin là thực, bắt ông bỏ vào nhà giam. Khổng Tử biết Công Dã Tràng là người ngay thật, đi minh oan cho ông, nhưng Lỗ công cũng không tha. Khổng Tử than rằng: – “Ở chốn cùm trói, lẽ đâu không có người ngay mắc nạn”.

Không bao lâu con chim ấy lại bay tới nhà ngục kêu rằng: – “Công Dã

Tràng! Công Dã Tràng! Người nước Tề đem binh sang! Sông Nghi-thủy ở đầu đàng, kíp ngăn ngừa chớ nguy nan!”. Công Dã Tràng bèn nói lại với người cai ngục phi báo cho Lỗ công biết. Lỗ công sai quân đi do thám quả có quân Tề sắp sang đánh. Lỗ công mới biết Dã Tràng bị tội oan, bèn thả cho ông, cấp cho nhiều tiền bạc. Lại phong cho ông làm đại phu, nhưng Công Dã Tràng cho là nhờ chim mới được làm quan nên không chịu nhận[6].

Hoàng Khản giải rằng: Công Dã Tràng là người biết được tiếng chim. Một hôm từ nước Vệ trở về Lỗ thấy một bà già đứng bên đường khóc, ông hỏi vì sao mà khóc thì bà ta nói: – “Tôi đợi con tôi mãi mà không thấy nó về”. Công Dã Tràng mách: – “Tôi mới nghe một bầy chim gọi nhau sang làng kia ăn thịt người, vậy có lẽ là con bà đó chăng?”.

Người đàn bà liền sang làng ấy tìm con thì quả nhiên có thật. Bà ta kiện quan, cáo Công Dã Tràng vào tội giết người. Dã Tràng kêu oan, quan không nghe, tống giam và hẹn rằng: – “Nếu cho quan trên thấy chứng cớ, đúng sẽ tha”.

Công Dã Tràng ở trong ngục được 60 ngày. Một hôm ông nghe trên mái nhà có bầy hoàng tước nói với nhau chíu chít. Ông cười ầm lên. Chủ ngục hỏi vì sao mà cười. Dã Tràng đáp: – “Tôi nghe chúng nói: Bên bến Bạch-lưu, có xe chở lúa, trâu nọ gẫy sừng, lúa đổ tóe loe. Họ hốt còn dư, ta đi ăn chừ”. Chủ ngục tới nói thấy quả như thế bèn báo với quan. Quan tha bổng cho Dã Tràng.

Về Sự tích con dã tràng, người Nghệ-an cũng kể như trên kia, trừ một vài chi tiết hơi khác, ví dụ lúc ông bị giam, không phải nghe chim sẻ nói chuyện mà nghe một bầy kiến nói với nhau về cái tin kho lúa đổ.

Về chỗ quạ báo tin cho Dã Tràng có thịt dê có một đoạn văn vần:

Ông Dã Tràng, ông Dã Tràng,

Có dê chết bên sông nằm dọc đàng.

Ông ra đem về ông ăn lấy thịt, cho tôi cái nội tràng.

Cho vội vàng! Cho vội vàng! [7].

Theo sưu tầm của Lăng-đờ (Landes), thì nội dung truyện Người hiểu tiếng loài vật chỉ là phần đầu của truyện Sự tích con dã tràng nói trên, nhưng có thêm một đoạn như sau:

Sau khi làm chủ viên ngọc do rắn chồng tặng, anh chàng (ở đây không nói tên Dã Tràng) bỗng hiểu được tiếng loài vật, như chim, kiến và các thú vật khác… Anh không dám nói sự thật với vợ vì nếu nói thì viên ngọc sẽ biến mất. Một hôm, người vợ đang ngồi ở góc nhà, anh nghe những con kiến nói với nhau: – “Sắp có trận lụt, phải lên cao mà ở mới được”. Thấy chồng cười một mình, vợ gặng hỏi lý do. Chồng nhất định không nói. Vợ giận quá mà chết. Chồng buồn vì cái chết của vợ mới đến nhà bạn chơi cho khuây khỏa[8].

Nguyễn Văn Tố[9] và Bô-trô Rút-xen (Botreau Roussel)[10] đã kể ra một số dị bản của truyện trên như sau:

Truyện của người Lào: Ông vua hiểu tiếng loài vật: Vua Kê-cay-a một hôm đi qua bờ ao thấy con gái của vua Thủy tề (Na-ga-ray-a) tằng tịu với một con rắn nước. Tức mình vua giết chết con rắn và quật cho cô gái mấy gậy vào lưng. Cô gái về khóc lóc với cha. Vua Thủy tề nổi giận, chạy đến định tìm giết kẻ thù, nhưng khi đang rình ở cung vua Kê-cay-a thì bỗng nghe vua kể lại cho hoàng hậu chuyện ông ta gặp con gái mình tình tự với rắn, chuyện nhà vua tự tay giết rắn và đánh công chúa như thế nào. Vua Thủy tề bèn quay về hỏi lại con gái. Cô này thú thật. Thế là đổi giận thành mừng, vua Thủy tề liền tìm đến cung vua Kê-cay-a lần nữa dưới dạng một người bà-la-môn, hỏi vua mong ước gì thì giúp. Vua Kê-cay-a chỉ muốn biết tiếng loài vật. Vua Thủy tề sẵn lòng truyền cho phép lạ nhưng dặn chớ hở cho ai biết, nếu không thì chết tức khắc.

Một hôm vua Kê-cay-a sai đặt ngai vàng trên một cái nền nện chặt trát kín, bỗng nghe một lũ kiến trong nền nói vọng ra: – “Hãy hợp sức nhau lật đổ cái ngai của tên vua này!”. Vua cười một mình. Hoàng hậu hỏi vì sao có cái cười bất thường. Vua không nói. Hoàng hậu vật nài mãi. Vua bảo nếu nói ra thì chết mất. Hoàng hậu bảo nếu không chịu nói thì mình cũng chết. Vua đành hứa sẽ nói trong một dịp tới.

Một hôm khác vua đang đi chơi gặp hai vợ chồng con dê. Dê vợ bảo dê chồng lội ra giữa ao lấy cho mình một ít cỏ non, nếu không thì chết. Dê chồng mắng ngay: – “Tao chả dại chết đuối trong ao sâu. Mụ cứ chết đi có hơn không. Tao có ngu ngốc như lão vua kia đâu mà cứ chiều vợ đến hy sinh tính mạng vô lý như thế”.

Nghe nói vậy, vua Kê-cay-a trở về đuổi vợ vào rừng[11].

Trong Kinh tam tạng có truyện tương tự:

Ngày xưa con gái Long vương đi chơi trên trần bị một người chăn bò trói đánh. Vua nước ấy bắt gặp, sai cởi trói thả về. Về nhà, Long vương hỏi con gái tại sao lại khóc. Cô gái vu cho vua trên trần đánh. Long vương bèn hóa thành rắn tìm lên trần, nấp dưới giường vua, bỗng nghe vua nói với vợ: – “Hôm nay ta đi chơi gặp một cô gái bị đứa chăn bò đánh, được ta giải thoát cho”.

Ngày hôm sau, dưới lốt người, Long vương đến gặp vua trần nói: – Ông đã làm một việc tốt là cứu con gái tôi. Nay ông muốn gì tôi sẽ cho nấy”. Vua nói: – “Vật quý tôi đã có nhiều. Tôi chỉ muốn hiểu tiếng loài vật” – “Ông cứ trai giới trong 7 ngày sẽ được như ý. Nhưng phải giữ kín đừng cho ai biết”. Từ đấy, vua trần quả nghe hiểu được tiếng muôn loài.

Một hôm đang ăn với hoàng hậu, vua trông thấy bướm cái bảo bướm đực kiếm cho nó thức ăn. Bướm đực trả lời ai kiếm nấy ăn. Buớm cái nói: bụng nó không muốn thế. Vua cười một mình. Hoàng hậu hỏi, vua nín lặng. Một lần khác, vua ngồi với hoàng hậu thấy hai con bướm gặp nhau, cãi nhau và cả hai đánh nhau rơi xuống đất. Vua lại cười. Hoàng hậu hỏi đến ba lần, vua đều không nói. Nhưng khi hoàng hậu dọa sẽ tự vẫn, thì vua đành bảo chờ mình đi dạo một lát rồi sẽ cho biết vì sao mà cười.

Để cảnh tỉnh vua trần, Long vương hóa thành một bầy dê lội sông. Một con dê cái gọi chồng trở lại đưa mình đi. Dê chồng nói không thể đưa được. Dê vợ cũng đòi tự tử và nói: – “Anh không biết có ông vua trước kia sắp chết vì vợ mình đó ư?”. Dê chồng đáp: – “Ông vua ấy chết cho vợ là vì hắn ngốc. Mày cứ chết đi, ta không thiếu gì dê cái”. Vua trần nghe nói thế, tự nghĩ mình thua sự sáng suốt của con dê đực. Lúc trở về hoàng hậu lại vật vã đòi tự tử. Vua đáp: – “Cứ chết đi, trong cung ta thiếu gì cung phi, cần gì một thứ mày”[12].

Truyện của Pháp: Con gà trống dũng cảm:

Một anh chàng nghèo khổ nhưng hay giúp người. Nhà anh chỉ có hai con cừu anh thường chăn trên đồi. Một hôm, anh đuổi theo đánh chết một con chó sói giành lại con cừu cho một cô gái chăn cừu. Cô gái cảm ơn và tặng anh một con chó. Hôm khác, nhờ có anh báo tin bão kịp thời cho bố cô gái chăn cừu nên ông cất đặt được gọn rơm rạ đang phơi. Ông ta khen anh và tặng một con gà trống. Hôm khác nữa, anh lại cứu một con rắn ra khỏi đống lửa. Rắn bảo anh đưa nó về nhà và dặn khi mẹ nó đền ơn thì cứ đòi biết tiếng loài vật. Mẹ rắn cho anh phép lạ ấy bằng cách thổi vào miệng và dặn anh chớ có tiết lộ bí mật mà chết.

Sáng hôm sau, anh nghe hai con vật nói nhau: – “Nếu anh chăn cừu kia biết có gì dưới chân mình thì anh ta sẽ đào ngay”. Anh mượn cuốc đào thử thì được một thùng vàng. Từ đấy, anh trở nên giàu có, mua ruộng đất, làm nhà cửa, v.v… Lại mua trăm con cừu cho chó đi chăn, và một trăm gà mái cho gà trống cai quản. Anh lại hỏi cô gái chăn cừu nói trên làm vợ, và anh yêu vợ rất mực.

Một buổi chiều, anh cùng vợ đi xa về, con ngựa cái do vợ anh cưỡi đi chậm lại sau. Ngựa đực nói: – “Sao không đi nhanh, tao mà là bà chủ thì tao thúc mày” – “Tôi chở bà chủ mà tôi lại có đứa con trong bụng, đi nhanh sao được”. Anh cười. Vợ hỏi: – “Sao lại cười”. – “Đang nghĩ đến một chuyện” – “Chuyện gì?” – “Không thể nói được!”. Vợ làm nũng. Anh lại nghe ngựa cái nói với ngựa đực: – “Mày chưa biết con ta đã lớn tướng rồi ư?! Nếu nó mà chạy được thì nó vượt xa mẹ nó”. Anh cười to hơn trước. Vợ anh nổi cáu đòi bỏ chồng nếu chồng không chịu nói thật với mình. Chồng đáp: – “Điều này là điều cấm đối với tôi!” – “Anh hãy nói cho tôi biết đi!” – “Nếu nói thì tôi chết ngay” – “Hoặc anh nói cho tôi biết, hoặc tôi trả nhẫn cưới cho anh”. Cuối cùng anh hứa sẽ nói cho vợ biết chuyện bí mật của mình khi về nhà.

Về đến nhà, anh bảo người nhà mang ra một cái hòm thửa sẵn như một cái áo quan. Anh nằm vào hòm rồi nói: – “Mình hãy nghĩ lại, tôi nói ra thì chết, vậy có đòi nói nữa không?” Vợ đáp: – “Không nói gì thì tôi sẽ đi”. Theo phong tục, khi chủ sắp chết, người quản gia đặt vào tay chủ một cái bánh và một đồng xu. Mọi người hầu hạ trong nhà vây quanh lấy anh khóc ầm ỹ. Chó và gà cũng ở trong số đó. Nhưng gà đáng lý khóc thì lại gáy to. Chó nói: – “Sao chủ ta đã như thế mà mày còn rống ầm lên được?”. Đáp: – “Vì chủ ta dốt nát nên tao muốn nói cho ông ta tỉnh ngộ” – “Mày định nói gì với ông ấy?” Gà nhảy tới mổ miếng bánh trên tay chủ, rồi nói: – “Tao có một trăm con gà mái ở quanh tao, ấy thế mà không một con nào dám ăn một hạt nếu tao không cho phép”.

Nghe đến đây, anh lập tức ngồi nhổm dậy bước ra khỏi thùng, tháo cán chổi cho vợ một trận nên thân. – “Anh làm gì thế?” vợ nói – “Này, muốn biết ta cười gì này!”

Từ đó vợ anh không tò mò nữa, và làm việc lại hăng hơn trước[13].

Người Pháp ở Lo-ren (Lorraine) kể truyện trên, dưới đầu đề Tiếng nói loài vật:

Một người chăn cừu một hôm nằm dưới gốc cây thấy một con rắn nhờ mang mình lên rừng cho vua thú vật rồi muốn gì có nấy. Hắn giúp xong, chỉ xin biết tiếng loài vật. Hắn quả được như ý, và lại dặn: – “Tuyệt đối chớ lộ bí mật, nếu lộ là chết”. Đêm lại, đang ngủ, bỗng nghe phía ngoài có con chó sói đang dỗ hai con chó nhà, hứa sẽ chia phần nếu để cho mình vào chuồng cừu. Một con bằng lòng, một con không. Hắn dậy giết chết con chó phản chủ. Hôm khác, hắn thấy một con diều mách cho một con quạ chỗ chôn một thùng vàng. Hắn qua đào được vàng, bèn về trả cừu cho chủ không chăn nữa, tiếp đó hỏi con gái của chủ làm vợ.

Một hôm, hai vợ chồng cưỡi ngựa đi thăm người cô ở làng bên cạnh. Hắn nghe hai con vật nói với nhau, một con nói: – “Mày hẳn là nặng nề vì mụ cưỡi mày có mang”. Hắn phì cười. Thấy thế vợ hắn gặng hỏi, hỏi không được thì kêu gào khóc lóc. Cuối cùng hắn nói: – “Nếu nói thì tôi chết mất. Thôi hãy đợi ba ngày nữa để tôi đi từ giã bà con đã rồi sẽ nói cho biết”. Ba ngày qua, trong khi hắn uống chén rượu cuối cùng với một người bạn thì một đàn gà trống bay đến cửa sồ gáy lên: – “Nếu chủ nghe ta thì không chết”. Kết cục, hắn nghe lời của đàn gà không cần giữ lời hứa trước, và vợ hắn cũng không dám gặng hỏi nữa[14].

Truyện Người hiểu tiếng loài vật của người da đen ở Goa-đờ-lúp (Goadeloupe):

Có một người nghèo nhưng sống hiền lành. Một hôm anh cứu sống một con rắn ngắc ngoải về nạn cháy rừng. Được sống lại, rắn cảm ơn anh và bảo: – “Anh hãy liếm lưỡi tôi thì sẽ được truyền một phép mầu là hiểu tiếng loài vật. Nhưng nếu anh nói với người khác thì sẽ chết ngay”. Anh làm theo.

Sau đó anh lấy vợ. Một hôm, cùng vợ ngồi trên một hòn đá ở bờ sông, nghe hai con chuột nói với nhau: – “Hai người này không biết rằng họ đang ngồi trên một kho vàng mà một nhà nào đông con cũng không thể ăn hết được”.

Anh cười một mình, vợ hỏi không được, giận bỏ đi tắm sông. Trong khi đó có hai con dơi nói với nhau: – “Nếu hai người này biết rằng có một luồng nước sắp đổ tới thì họ sẽ không tắm”. Chồng vội bảo vợ lên ngay. Vợ vừa lên thì nước sông dâng cao làm trôi hòn đá ngồi lúc nãy. Tuy vậy, vợ cũng không nguôi giận. Dọc đường vợ bảo: – “Nếu anh không nói, tôi bỏ về cho mà xem”. Chồng không đáp. Trong khi đó nghe hai con ngựa nói chuyện với nhau, chồng lại cười làm cho vợ càng thêm giận dỗi. Đến nhà, vợ khóc lăn giữa đất và gào lên: – “Mày muốn tao chết, tao đi dây!”. Chồng dỗ dành: – “Nếu tôi nói thì tôi sẽ chết mất”. Vợ vẫn không nguôi giận, chồng định nói sự thật, mới đi tìm một cái áo quan. Nhưng đúng vào lúc anh sắp nằm vào áo quan, bỗng nghe con chó nói: – “Chủ ta sắp chết vì con mụ ấy”. Gà trống đáp: – “Kệ lão ấy. Nếu tôi mà là lão ấy thì tôi sẽ tống tiễn vợ bằng một trận mưa gậy vào lưng, rồi tôi lấy vợ khác”.

Nghe thế, anh chàng hiểu tiếng loài vật liền ngồi dậy cầm gậy phang cho vợ một trận đòn dữ dội rồi tống ra khỏi cửa. Anh đi kiếm kho vàng dưới hòn đá chỗ hai con chuột nói lúc nãy, và từ đấy anh giàu có đến nỗi có nhiều người đàn bà chạy theo mình[15].

Có khá nhiều truyện khác tương tự các truyện trên, nổi bật là tình tiết người chồng biết tiếng thú vật nhưng nếu nói ra thì chết và người vợ không nén được tò mò như: truyện Ha-ri-vam-xa của đạo Bà-la-môn (vua Bra-ma-đát-ta hiểu tiếng loài vật không nói cho hoàng hậu biết); truyện mở đầu bộ Nghìn lẻ một đêm (con lừa, con bò và người cày ruộng), truyện Bác-lam và Jô-da-phát; truyện Nang Tang-trai của Thái-lan; hay truyện của người Lô-bi (Lobis) châu Phi (ở đây, người chồng biết tiếng loài vật vì thỏa mãn tính tò mò của vợ, nên bị chết[16]).

Còn có một loạt truyện khác cũng có nhân vật biết tiếng loài vật do ngẫu nhiên ăn được một món ăn thiêng. Ví dụ truyện của các dân tộc ở Xcăng-đi-na-vơ (Scandinave) trong Et-đát (Eddas) có nói đến một nhân vật anh hùng là Xi-gua giết một con rồng nấu tim ăn và uống máu của nó, liền đó hiểu được những lời trò chuyện giữa hai con quạ. Hoặc biết tiếng loài vật bằng con đường tiếp thu môn học về tiếng loài vật ở nhà trường. Sau đây là một truyện của người Ma-rốc (Maroc) Tiếng loài chim:

Một người lái buôn giàu có ở Phe-dơ (Phez) không con, nhờ một pháp sư cho ăn một thứ quả loài cây lạ, người vợ liền có mang đẻ được một con trai.

Ông ta cho con đi học. Con lên mười ông mang đến đất Thánh, nhưng đi qua một thành phố Ai-cập, thấy có một trường học dạy tiếng chim, ông bèn để con lại học với một số vàng, định lúc trở về sẽ lại đón con về. Nhưng khi người bố trở về thì lạc đường, không đón được. Mấy năm sau, ông mới lại đi tìm thì con mình đã tinh thông tiếng chim, và đang thay thầy giáo dạy tiếng chim ở trường. Bố đưa con đi tàu về quê. Giữa đường, thấy có ba con chim trò truyện với nhau, người bố hỏi con xem chúng nói gì. Con không trả lời. Mọi người chế nhạo. Mãi sau nài mãi, con mới cho biết: – “Nó bảo con ngày sau sẽ làm vua còn bố thì làm phu khuân vác”. Bố giận để bụng, một đêm nọ nhân lúc con ngủ say bèn bỏ hòm đem thả xuống biển, nhưng khi bố về đến nhà thì nhà cháy, hai vợ chồng tay trắng phải đi làm thuê kiếm ăn rất vất vả. Trong khi đó, anh chàng biết tiếng chim được một người đánh cá nước nọ vớt lên nuôi làm con nuôi. Anh đánh bạn với con một viên quan án nước ấy. Vua nước ấy lúc đó bị ba con chim đến kêu quang quác suốt ngày, đuổi mấy cũng không đi. Vua sai các quan đại thần giải thích lý do, hứa ai trả lời được thì chia cho nửa nước, không thì chặt đầu. Đến lượt quan án phải giải thích. Cả nhà buồn rầu khóc lóc vì biết sẽ bị vua xử tử. Thấy bạn buồn và khi biết lý do, anh chàng xin phép vào giảng giải thay quan án. Anh nói với vua: – “Trong ba con chim này, có một con trống ở xứ Đông, một con trống ở xứ Tây. Con mái vốn là vợ con xứ Tây nhưng vừa qua vì chồng đi vắng lâu ngày, nó đã theo con xứ Đông. Bây giờ con xứ Tây mới trỏ về, nên cả ba đến xin vua phân xử”. Vua chưa biết nên phân xử thế nào, bèn nhờ chàng biết tiếng chim xử hộ. Anh bảo hai con trống bay về hai phía, rồi bảo con mái hãy đi theo con nào mình thích. Con mái lại theo con trống xứ Tây.

Thấy phải mất một nửa nước vì một việc quá đơn giản như vậy, vua có ý lật lọng. Anh chàng bèn ra giữa sân gọi mấy tiếng, chim bay tới hằng hà sa số kêu ầm ỹ ở sân rồng. Vua hoảng sợ, đành làm theo lời hứa. Sau khi vua chết, anh lên nối ngôi. Khi ông vua trẻ bắt phu chở củi đến cung điện để đốt sưởi mùa đông thì người bố cũng ở trong số những phu vác củi. Con nhận ra cha, bèn bảo cha đưa mẹ – bấy giờ làm thợ giặt – đến hoàng cung cùng hưởng phú quý với bố mẹ nuôi[17].

Tóm lại, truyện Sự tích con dã tràng của ta có thể bắt nguồn từ loạt truyện

Người hiểu tiếng loài vật kết hợp với truyện Công Dã Tràng gốc từ Trung-quốc để chuyển thành một truyện mới khá lý thú.

[1] Theo báo Tân văn (1935).

[2] Câu này ở Nam-bộ có người đọc: Sóng ba đào ai xét công cho.

[3] Đoạn này theo Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn.

[4] Theo Trương Vĩnh Ký. Chuyện đời xưa, truyện Nhơn vật đạo đồng.

[5] Vè Con cua

[6] Theo Paulus Của. Chuyện giải buồn.

[7] Bản khai của thôn Hướng-dương.

[8] Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn. Theo sưu tầm của Nguyễn Văn Tố thì truyện còn có thêm một đoạn nữa là khi đến nhà bạn, bạn định làm thịt ngỗng đãi anh, nhưng vì nghe tiếng vợ chồng ngỗg than thở nên anh cố chối từ, vì thế ngỗng không bị đưa làm thịt. Cho nên khi anh chết lũ ngỗng để trở có cái mào trắng trên đầu (Một truyện kể của cổ tích Người hiểu tiếng loài vật trong tập san của Hội Đông-dương nghiên cứu về con người (IIEH) tập VI, 1943).

[9] Một truyện kể của cổ tích Người hiểu tiếng1oài vật, đã dẫn.

[10] Người hiểu tiếng loài vật (cổ tích Lào và cổ tích Goa-đơ-lúp (Goadeloupe) xuất phát từ Năm sách dạy trẻ (Panchatantra) Ấn-dộ) trong IIEH, đã dẫn.

[11] Truyện này từ sách Năm sách dạy trẻ (Panchatantra) của Ấn-độ truyền vào Lào.

[12] Sa-van (Chavanes). Năm trăm truyện cổ và ngụ ngôn trích từ Kinh Đại tạng Trung-quốc.

[13] Theo Pua-ra (Pourra). Kho tàng truyện cổ tích, quyển III.

[14] Theo Đơ-la-ruy (Delarue) và Tơ-ne-dơ (Tenèze). Truyện cổ dân gian Pháp, quyển II.

[15] Bô-trô Rút- xen (Botreau – Roussel). Bài đã dẫn.

[16] Xem thêm các dị bản truyện Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán số 48, tập II.

[17] Theo Mô-ha-mét En Pha-si (Mohamed El Fasi), và Đéc-men-ghem (Dermenghem). Sách đã dẫn.

Có hai vợ chồng một ông già tên là Dã Tràng. Trong vườn họ có một hang rắn. Thường ngày làm cỏ gần đấy, ông già vẫn thấy có một cặp vợ chồng rắn hổ mang ra vào trong hang.

Một hôm, con rắn chồng bò ra khỏi hang một mình. Ông nhìn thấy rắn vợ nằm cuộn ở trong. Vì mới lột nên mình mẩy nó yếu ớt không cựa quậy được. Một lúc lâu, rắn chồng bò trở về, miệng tha một con nhái đút cho vợ ăn.

Ít lâu sau, Dã Tràng lại thấy rắn vợ bò ra khỏi hang một mình. Lần này rắn chồng đến kỳ lột nằm im thim thíp, lốt da cũ còn bỏ lại bên hang. Hồi lâu, rắn vợ trở về, theo sau có một con rắn đực khác khá lớn. Dã Tràng thấy hai con bò đến cửa hang thì dừng lại rồi quấn lấy nhau như bện dây thừng. Một lát sau, con rắn đực một mình bò vào hang.

Dã Tràng biết con rắn đực này toan làm gì rồi. Ông cảm thấy ngứa mắt, muốn trừ bò con rắn đó đi để cứu con rắn chồng đang lúc suy nhược. Lúc đó bên mình không có cái gì cả, ông bèn rút một mũi tên nhằm con rắn mới, bắn ngay một phát. Không ngờ mũi tên lại trúng vào đầu con rắn vợ chết tươi, còn con kia hoảng hồn chạy mất. Dã Tràng nghĩ cũng thương con rắn cái nhưng trong thương có lẫn cả giận, nên ông chán nản bỏ đi về nhà. Từ đó, ông không thèm để ý đến hang rắn nữa.

Chừng dăm ngày sau, một hôm, Dã Tràng nằm võng thuật chuyện vợ chồng con rắn cho vợ mình đã thấy và đã làm. Ông kể vừa dứt lời thì bỗng nghe trên máng nhà có tiếng phì phì. Cả hai người hốt hoảng nhìn lên thì thấy có một con rắn hổ mang rất lớn, đuôi quấn lấy xà nhà, đầu vườn tới gần chỗ ông nằm, miệng nhả một viên ngọc. Ông vừa cầm lấy thì bỗng nghe được tiếng rắn nói:

– Ông là ân nhân mà tôi cứ ngỡ là kẻ thù. Mấy hôm nay tôi đợi ông trên máng này chỉ chực mổ chết để báo thù cho vợ tôi. Nhưng vừa rồi nghe ông kể chuyện rõ ràng, tôi mới biết là lầm. Xin biếu ông viên ngọc nghe này. Đeo nó vào mình thì có thể nghe hiểu được mọi tiếng muông chim ở thế gian.

Từ kinh ngạc đến sung sướng, Dã Tràng nhận viên ngọc quý và từ đó không bao giờ rời.

*

Một hôm, Dã Tràng đang hái rau, bỗng có một bầy quạ đến đậu ở mấy ngọn cau nói chuyện lao xao. Chúng nó bảo Dã Tràng như thế này: – “Ở núi Nam có một con dê bị hổ vồ. Hãy lên đó lấy về mà ăn nhưng nhớ để lòng lại cho chúng tôi với”. Dã Tràng làm theo lời quạ, quả thấy xác một con dê trên núi Nam. Ông xẻo lấy một ít thịt xâu lại xách về. Đến nhà, ông vội mách cho xóm giềng biết mà đi lấy, không quên dặn họ để bộ ruột dê lại cho bầy quạ. Nhưng ông không ngờ người trong xóm nghe tin ấy đua nhau đi đông quá, thành ra họ lấy hết cả, chẳng chừa một tý gì.

Lũ quạ không thấy ruột dê, cho là Dã Tràng đánh lừa, bèn đổ xô đến vườn ông réo lên om sòm. Thấy vậy, ông biết là người trong xóm đã làm hại mình không giữ chữ tín với bầy quạ. Ông phân trần mấy lần nhưng bầy quạ không nghe, cứ đứng đó chửi mãi.

Tức mình, ông bèn lấy cung tên ra bắn vào chúng. Chủ ý là để đuổi chúng đi chứ không định giết. Chẳng ngờ bầy quạ thấy vậy cho là ông lấy oán trả ân liền cắp lấy mũi tên có đề tên Dã Tràng ở đuôi, tìm dịp báo thù. Lúc bay qua sông thấy một cái xác chết trôi, đàn quạ bèn đem mũi tên cắm vào yết hầu xác chết. Khi quan sở tại đến làm biên bản, thấy mũi tên, liền đoán Dã Tràng là thủ phạm, sai lính bắt ông hạ ngục.

Dã Tràng bị bắt bất ngờ hết sức kêu oan, nhưng mũi tên là một chứng cứ sờ sờ làm cho ông đuối lý, đành chịu chui đầu vào gông. Tuy nhiên, ông vẫn một mực xin quan xét nỗi oan uổng. Thấy vậy, quan sai lính giải ông về kinh để vua phân xử.

Từ đề lao tỉnh, ông lại bị điệu đi. Dọc đường trời tối bọn lính dừng lại quán ăn uống và nghỉ ngơi. Dã Tràng cổ bị gông, chân bị xiềng nằm trên đống rơm buồn rầu không ngủ được. Lúc trời gần rạng, ông nghe có một đàn chim sẻ bay ngang đầu nói chuyện về nhau: – “Nhanh lên! Chuyến này sẽ không lo đói nữa mà cũng chả sợ ai đánh đuổi cả”. Một con khác hỏi: – “Của ai mang đến bỏ vương vãi thế nhỉ?”. Con nọ trả lời: – Của vua nước bên kia. Họ toan kéo sang đánh úp nước bên này. Ngày hôm qua quân đội giáo mác kéo đi liên miên không ngớt. Nhưng xe thóc vừa sắp đến biên cương thì bị sụp hầm đổ hết. Họ đang trở về lấy thứ khác, cho nên chúng mình tha hồ chén”.

Nghe đoạn, chờ lúc bọn lính đến dẫn ông lên đường, Dã Tràng bảo họ:

– Xin các ông bẩm lại với quan rằng việc của tôi là việc oan uổng và nhỏ mọn không nên bận tâm, mà giờ đây có một việc quốc gia trọng đại và cấp bách nữa, cần tính liệu gấp.

Bọn lính tra gạn ông mãi nhưng ông không nói gì thêm, chỉ nài rằng hễ có mặt quan mình mới tỏ bày rõ ràng.

Khi gặp mấy vị quan đầu tỉnh, Dã Tràng liền cho họ biết rằng vua Hiền Đế ở phương Bắc đã sai tướng cầm quân sang đánh úp nước mình. Hiện họ đang đóng quân đầy ở biên giới, chỉ vì bị sụp hầm, xe lương đổ hết, chưa tấn công được. Bây giờ họ đang vận thêm lương, chờ đầy đủ sẽ vượt cửa ải sang Nam.

Bọn quan tỉnh lấy làm lo lắng nhưng cũng gạn hỏi ông có dám chắc như vậy không. Dã Tràng chỉ vào đầu mình đoan rằng nếu nói sai, ông sẽ xin chịu chết. Nhưng nếu lời của ông đúng thì xin bề trên phóng thích cho ông. Ngay lúc đó, những tên quân do thám được tung đi tới tấp mọi ngả để lấy tin. Chỉ nội ngày hôm sau, Dã Tràng đã được thả vì lời mách của ông quả đúng và vừa vặn để chuẩn bị đối phó với địch.

Được tha, Dã Tràng đi bộ lần về quê nhà. Bóng chiều vừa ngả, ông mới đến vùng Hồng-hoa. Ông tìm vào nhà người bạn rất thân là Trần Anh nghỉ chân.

Gặp lại bạn cũ, vợ chồng Trần Anh vui mừng khôn xiết. Nghe tin ông bị tra tấn giam cùm và suýt mất đầu, hai vợ chồng rất thương cảm.

Thấy bữa ăn tối thiết bạn không có gì, Trần Anh xuống bếp bảo vợ:

– Bạn ta đến lại gặp lúc trong nhà chả có gì ăn. Sẵn có cặp ngỗng, con nó đã khôn, ta làm thịt một con, ngày mai đãi bạn lên đường.

Người vợ bằng lòng nhưng dặn chồng sáng dậy sớm bắt ngỗng và cắt tiết vặt lông giúp mình một tay.

Trong khi hai vợ chồng bàn tính thì cặp ngỗng ở ngoài chuồng nghe được câu chuyện. Ngỗng trống bảo ngỗng mái: – “Mình ôi! Mình hãy ở lại nuôi con, tôi sẽ đứng sẵn cho chủ nó bắt”. Ngỗng mái không nghe, xin chết thay chồng. Nhưng ngỗng trống nhất quyết hy sinh, nên chạy ra sân từ giã đàn con: – Con ơi! Các con ở lại với mẹ nghe. Cha sẽ không bao giờ gặp lại các con nữa”. Song ngỗng mái vẫn lạch bạch chạy theo, đòi chết thay chồng cho bằng được.

Lúc bấy giờ Dã Tràng nằm trên bộ ván đặt kề cửa sổ nên nghe được tiếng ngỗng than thở. Ông bỗng thấy thương con vật vô tội chỉ vì mình mà phải lìa đàn con bé bỏng. Ông toan nói trước với bạn, nhưng thấy bất tiện. Ông đành nghe ngóng ở chỗ chuồng ngỗng chờ lúc bạn ra bắt thì sẽ cản lại.

Suốt đêm hôm đó tuy mệt mà ông không dám ngủ. Quả nhiên, vào khoảng canh tư, Trần Anh thức dậy bước ra chuồng. Ngỗng trống xua ngỗng mái chạy rồi vươn cổ để cho bắt. Khi Trần Anh sắp cắt cổ ngỗng thì Dã Tràng đã lật đật chạy xuống bếp nắm lấy dao. Ông nói:

– Xin bạn thả nó ra. Tính tôi không hay sát sinh. Tình thân của đôi ta lọ phải cỗ bàn mới thân. Nếu bạn giết nó thì tôi lập tức đi khỏi chỗ này.

Thấy bạn có vẻ quả quyết, Trần Anh đành thả ngỗng ra, rồi giục vợ chạy đi mua tép về đãi bạn.

Cơm nước xong, Dã Tràng từ giã bạn lên đường về nhà. Đến ao, ông đã thấy vợ chồng ngỗng cùng với bầy con đứng chực ở đấy. Ngỗng đực tặng Dã Tráng một viên ngọc và nói:

Đa tạ ân nhân cứu mạng. Không biết lấy gì báo đền, chúng tôi xin tặng người viên ngọc này, mang nó vào người có thể đi được dưới nước dễ dàng không khác gì trên bộ. Nếu đem ngọc này xuống nước mà khoắng thì sẽ rung động đến tận đáy biển.

Ngỗng lại nói tiếp:

– Còn như con tép là vật đã thế mạng chúng tôi thì từ nay, dòng dõi chúng tôi sẽ xin chừa tép ra không ăn, để tỏ lòng nhớ ơn!

Dã Tràng không ngờ có sự báo đáp quá hậu như thế, sung sướng nhận lấy ngọc rồi về.

Khi đến bờ sông, Dã Tràng muốn thử xem công hiệu của viên ngọc mới, liền cứ để nguyên áo quần xuống nước. Thì lạ thay nước rẽ ra thành một lối cho ông đi thẳng xuống đáy sông. Ông dạo cảnh hồi lâu rồi cầm viên ngọc khoắng vào nước nhiều lần thử xem thế nào.

Hôm đó, Long vương và các triều thần đang hội họp ở thủy phủ bỗng thấy nhà cửa lâu đài và mọi kiến trúc khác bỗng nhiên rung động cơ hồ muốn đổ. Ai nấy đều nháo nhác không hiểu duyên cớ. Vua lập tức truyền cho bộ hạ đi dò la sự tình.

Bộ hạ Long vương đi theo con đường sóng ngầm lọt vào cửa sông thì thấy Dã Tràng đang cầm ngọc khoắng vào nước. Mỗi một lần khoắng như thế, họ cảm thấy xiêu người nhức óc. Tuy biết đích là thủ phạm, họ cũng không dám làm gì, chỉ tiến đến dùng lời nói khéo mời ông xuống chơi thủy phủ.

Gặp Long vương, Dã Tràng cho biết đó là mình chỉ mới làm thử để xem phép có hiệu nghiệm chăng. Long vương và triều thần nghe nói, ai nấy đều xanh mắt. Nếu hắn làm thật thì thế giới thủy phủ sẽ còn gì nữa! Vì thế, Long vương đãi Dã Tràng rất hậu. Ông muốn gì có nấy. Cho đến lúc ông ra về, Long vương còn đem vàng bạc tống tiễn rất nhiều để mong ông nể mặt.

Dã Tràng lên khỏi nước có bộ hạ của Long vương tiễn chân về tới tận nhà mới trở lại. Bà con xóm giềng thấy ông đã không việc gì mà lại trở nên giàu có thì ai cũng lấy làm mừng cho ông. Từ đó Dã Tràng rất quý hai viên ngọc. Ông may một cái túi đựng chúng và luôn luôn đeo ở cổ.

Một hôm Dã Tràng đi bộ nửa ngày đường đến nhà một người bà con ăn giỗ. Lúc đến nơi, Dã Tràng sờ lên cổ giật mình mới nhớ ra vì vội quá nên ông đã bỏ quên mất túi ngọc ở nhà. Ông không thể nào còn an tâm ngồi ăn được. Mọi người đều lấy làm ngạc nhiên thấy ông vừa chân ướt chân ráo đến nơi đã vội cáo từ về ngay.

Nhưng khi về đến nhà, ông tìm mãi vẫn không thấy túi ngọc đâu cả. ông rụng rời cả người. Đi tìm vợ, vợ cũng không thấy nốt. Nóng ruột, ông lục lọi khắp nơi. Cuối cùng ông bắt được một mảnh giấy do vợ viết để lại gài ở chỗ treo án. Trong đó, vợ ông nói rằng có người của Long vương lên bảo cho biết hễ ai bắt được túi ngọc đưa xuống dâng Long vương thì sẽ được phong làm hoàng hậu. Bởi vậy bà ta đã trộm phép ông đưa túi ngọc xuống thủy phủ rồi, không nên tìm làm gì cho mệt.

Đọc xong thư vợ, Dã Tràng ngất đi. Ông không ngờ vợ ông lại có thể như thế được. Ông cũng không ngờ âm mưu của Long vương thâm độc đến nước ấy. Nghĩ đến hai thứ bảo vật, ông tức điên ruột. Sau cùng, ông dự tính cho cát lấp biển thành một con đường đi xuống thủy phủ để lấy lại túi ngọc vì ông còn nhớ rõ đường lối đến cung điện của Long vương. Mặc dầu mọi người can ngăn, ông cũng không nghe, bèn dọn nhà ra bờ biển để làm công việc đó. Ngày ngày ông xe cát chở đến bờ quyết lấp cho bằng được.

Cho tận đến chết, Dã Tràng vẫn không chịu bỏ dở công việc. Chết rồi ông hóa thành con còng còng hay cũng gọi là con dã tràng, ngày ngày xe cát để lấp biển[1].

Tục ngữ có câu:

Dã tràng xe cát biển Đông,

Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.

hay là:

Công dã tràng hàng ngày xe cát,

Sóng biểu dồn tan tác còn chi[2].

hay là:

Con còng còng dại lắm không khôn,

Luống công xe cát sóng dồn lại tan.

Người ta nói ngày nay loài ngỗng sở dĩ không bao giờ ăn tép là vì chúng nó như ăn loài tép đã thế mạng cho tổ tiên mình ngày xưa. Họ còn nói loài ngỗng có một cái mào trắng trên đầu là dấu hiệu để tang cho Dã Tràng để nhớ ơn cứu mạng[3].

KHẢO DỊ

Đoạn đầu truyện này tương tự với truyện ngụ ngôn Con cua mà một tác giả vô danh đã đặt thành vè gọi là vè Con cua hay Triều đương cố sự phú.

Ông Trương Thủ Chí đi câu dọc ghềnh thường thấy hai con cua nọ đi ăn với nhau. Một hôm cua vợ đến kỳ lột, non da non thịt, yếu đuối không đi được. Lúc đó chỉ một mình cua chồng tha mồi về cho vợ rồi lại nằm ngoài cửa hang canh gác kẻo sợ những con cua khác đến ăn thịt.

Đến khi cua chồng lột nằm một chỗ, cua vợ đã không chăm sóc lại còn rủ chúng bạn tới ăn thịt chồng[4].

… Cua đực lại tứ chi chuyển lột,

Tay chân yếu mười phần còn một,

Xương thịt mòn muôn ngạch đều không,

Lòng những tin có vợ nuôi chồng,

Hay đâu nỗi say trai đắm gái.

Nhớ thù quên ngãi,

Nhớ oán quên ân,

Vào trong hang cắt thịt xé thân,

Ra ngoài cửa ăn tươi nuốt sống…[5].

Ông bèn đem điều thấy được tâu lên vua. Vua có ý định thử xem giữa người với cua có giống nhau chăng, mới cho rao khắp thiên hạ: hễ người nào có gan giết được vợ thì sẽ: “Ngôi nhất phẩm quyền phong nhất thế: chức tam công lộc hưởng thiên niên”. Có một anh lực sĩ hám chức cao quyền trọng, liền đến lĩnh bảo kiếm nhà vua về định giết vợ, nhưng khi nhìn vào khe cửa thấy vợ nựng con: thương cha con hiện đang ở chốn sa trường sương gió. v.v… thì, không nỡ hạ thủ, bèn trở về cung tự trói mình chịu tội.

Vua lại cho rao khắp thiên hạ: ai giết được chồng chém đầu đem nạp bệ rồng thì sẽ “phong chức hướng tôn quận chúa”. Có một nàng Nữ tố nghe vậy bèn giết chồng, đưa thủ cấp đến nạp mong lĩnh thưởng. Nhưng vua ra lệnh phân thây Nữ tố và tha bổng lực sĩ.

Đoạn giữa truyện Sự tích con dã tràng chịu ảnh hưởng của tích Công Dã Tràng trong Luận ngữ của Khổng Tử. Thiên V sách đó chép: “[Khổng] Tử bảo Công Dã Tràng là người có thể gả con gái được. [Tràng] tuy bị mắc trong vòng dây trói nhưng không phải tội do mình làm. Bèn đem con gái gả cho [Tràng]”.

Người ta giải thích rằng: Công Dã Tràng là người nước Lỗ, học trò Khổng Tử, hiểu biết tiếng chim. Nhà ông nghèo không đủ ăn. Một hôm có con chim bay tới nhà kêu rằng: – “Công Dã Tràng! Công Dã Tràng. Cọp bắt dê ở núi Nam, người ăn thịt, ta ăn gan. Phiên phiến lên, chớ dùng dằng!”. Công Dã Tràng lên núi bắt được dê đưa về làm thịt ăn. Không ngờ người chủ mất dê từng làm dấu riêng ở sừng. Khi nhận được sừng dễ ở nhà Công Dã Tràng, hắn cho là ông đã ăn trộm dê của mình bèn đi cáo với Lỗ công.

Công Dã Tràng kể rõ sự tình cho Lỗ công biết, Lỗ công không tin là thực, bắt ông bỏ vào nhà giam. Khổng Tử biết Công Dã Tràng là người ngay thật, đi minh oan cho ông, nhưng Lỗ công cũng không tha. Khổng Tử than rằng: – “Ở chốn cùm trói, lẽ đâu không có người ngay mắc nạn”.

Không bao lâu con chim ấy lại bay tới nhà ngục kêu rằng: – “Công Dã

Tràng! Công Dã Tràng! Người nước Tề đem binh sang! Sông Nghi-thủy ở đầu đàng, kíp ngăn ngừa chớ nguy nan!”. Công Dã Tràng bèn nói lại với người cai ngục phi báo cho Lỗ công biết. Lỗ công sai quân đi do thám quả có quân Tề sắp sang đánh. Lỗ công mới biết Dã Tràng bị tội oan, bèn thả cho ông, cấp cho nhiều tiền bạc. Lại phong cho ông làm đại phu, nhưng Công Dã Tràng cho là nhờ chim mới được làm quan nên không chịu nhận[6].

Hoàng Khản giải rằng: Công Dã Tràng là người biết được tiếng chim. Một hôm từ nước Vệ trở về Lỗ thấy một bà già đứng bên đường khóc, ông hỏi vì sao mà khóc thì bà ta nói: – “Tôi đợi con tôi mãi mà không thấy nó về”. Công Dã Tràng mách: – “Tôi mới nghe một bầy chim gọi nhau sang làng kia ăn thịt người, vậy có lẽ là con bà đó chăng?”.

Người đàn bà liền sang làng ấy tìm con thì quả nhiên có thật. Bà ta kiện quan, cáo Công Dã Tràng vào tội giết người. Dã Tràng kêu oan, quan không nghe, tống giam và hẹn rằng: – “Nếu cho quan trên thấy chứng cớ, đúng sẽ tha”.

Công Dã Tràng ở trong ngục được 60 ngày. Một hôm ông nghe trên mái nhà có bầy hoàng tước nói với nhau chíu chít. Ông cười ầm lên. Chủ ngục hỏi vì sao mà cười. Dã Tràng đáp: – “Tôi nghe chúng nói: Bên bến Bạch-lưu, có xe chở lúa, trâu nọ gẫy sừng, lúa đổ tóe loe. Họ hốt còn dư, ta đi ăn chừ”. Chủ ngục tới nói thấy quả như thế bèn báo với quan. Quan tha bổng cho Dã Tràng.

Về Sự tích con dã tràng, người Nghệ-an cũng kể như trên kia, trừ một vài chi tiết hơi khác, ví dụ lúc ông bị giam, không phải nghe chim sẻ nói chuyện mà nghe một bầy kiến nói với nhau về cái tin kho lúa đổ.

Về chỗ quạ báo tin cho Dã Tràng có thịt dê có một đoạn văn vần:

Ông Dã Tràng, ông Dã Tràng,

Có dê chết bên sông nằm dọc đàng.

Ông ra đem về ông ăn lấy thịt, cho tôi cái nội tràng.

Cho vội vàng! Cho vội vàng! [7].

Theo sưu tầm của Lăng-đờ (Landes), thì nội dung truyện Người hiểu tiếng loài vật chỉ là phần đầu của truyện Sự tích con dã tràng nói trên, nhưng có thêm một đoạn như sau:

Sau khi làm chủ viên ngọc do rắn chồng tặng, anh chàng (ở đây không nói tên Dã Tràng) bỗng hiểu được tiếng loài vật, như chim, kiến và các thú vật khác… Anh không dám nói sự thật với vợ vì nếu nói thì viên ngọc sẽ biến mất. Một hôm, người vợ đang ngồi ở góc nhà, anh nghe những con kiến nói với nhau: – “Sắp có trận lụt, phải lên cao mà ở mới được”. Thấy chồng cười một mình, vợ gặng hỏi lý do. Chồng nhất định không nói. Vợ giận quá mà chết. Chồng buồn vì cái chết của vợ mới đến nhà bạn chơi cho khuây khỏa[8].

Nguyễn Văn Tố[9] và Bô-trô Rút-xen (Botreau Roussel)[10] đã kể ra một số dị bản của truyện trên như sau:

Truyện của người Lào: Ông vua hiểu tiếng loài vật: Vua Kê-cay-a một hôm đi qua bờ ao thấy con gái của vua Thủy tề (Na-ga-ray-a) tằng tịu với một con rắn nước. Tức mình vua giết chết con rắn và quật cho cô gái mấy gậy vào lưng. Cô gái về khóc lóc với cha. Vua Thủy tề nổi giận, chạy đến định tìm giết kẻ thù, nhưng khi đang rình ở cung vua Kê-cay-a thì bỗng nghe vua kể lại cho hoàng hậu chuyện ông ta gặp con gái mình tình tự với rắn, chuyện nhà vua tự tay giết rắn và đánh công chúa như thế nào. Vua Thủy tề bèn quay về hỏi lại con gái. Cô này thú thật. Thế là đổi giận thành mừng, vua Thủy tề liền tìm đến cung vua Kê-cay-a lần nữa dưới dạng một người bà-la-môn, hỏi vua mong ước gì thì giúp. Vua Kê-cay-a chỉ muốn biết tiếng loài vật. Vua Thủy tề sẵn lòng truyền cho phép lạ nhưng dặn chớ hở cho ai biết, nếu không thì chết tức khắc.

Một hôm vua Kê-cay-a sai đặt ngai vàng trên một cái nền nện chặt trát kín, bỗng nghe một lũ kiến trong nền nói vọng ra: – “Hãy hợp sức nhau lật đổ cái ngai của tên vua này!”. Vua cười một mình. Hoàng hậu hỏi vì sao có cái cười bất thường. Vua không nói. Hoàng hậu vật nài mãi. Vua bảo nếu nói ra thì chết mất. Hoàng hậu bảo nếu không chịu nói thì mình cũng chết. Vua đành hứa sẽ nói trong một dịp tới.

Một hôm khác vua đang đi chơi gặp hai vợ chồng con dê. Dê vợ bảo dê chồng lội ra giữa ao lấy cho mình một ít cỏ non, nếu không thì chết. Dê chồng mắng ngay: – “Tao chả dại chết đuối trong ao sâu. Mụ cứ chết đi có hơn không. Tao có ngu ngốc như lão vua kia đâu mà cứ chiều vợ đến hy sinh tính mạng vô lý như thế”.

Nghe nói vậy, vua Kê-cay-a trở về đuổi vợ vào rừng[11].

Trong Kinh tam tạng có truyện tương tự:

Ngày xưa con gái Long vương đi chơi trên trần bị một người chăn bò trói đánh. Vua nước ấy bắt gặp, sai cởi trói thả về. Về nhà, Long vương hỏi con gái tại sao lại khóc. Cô gái vu cho vua trên trần đánh. Long vương bèn hóa thành rắn tìm lên trần, nấp dưới giường vua, bỗng nghe vua nói với vợ: – “Hôm nay ta đi chơi gặp một cô gái bị đứa chăn bò đánh, được ta giải thoát cho”.

Ngày hôm sau, dưới lốt người, Long vương đến gặp vua trần nói: – Ông đã làm một việc tốt là cứu con gái tôi. Nay ông muốn gì tôi sẽ cho nấy”. Vua nói: – “Vật quý tôi đã có nhiều. Tôi chỉ muốn hiểu tiếng loài vật” – “Ông cứ trai giới trong 7 ngày sẽ được như ý. Nhưng phải giữ kín đừng cho ai biết”. Từ đấy, vua trần quả nghe hiểu được tiếng muôn loài.

Một hôm đang ăn với hoàng hậu, vua trông thấy bướm cái bảo bướm đực kiếm cho nó thức ăn. Bướm đực trả lời ai kiếm nấy ăn. Buớm cái nói: bụng nó không muốn thế. Vua cười một mình. Hoàng hậu hỏi, vua nín lặng. Một lần khác, vua ngồi với hoàng hậu thấy hai con bướm gặp nhau, cãi nhau và cả hai đánh nhau rơi xuống đất. Vua lại cười. Hoàng hậu hỏi đến ba lần, vua đều không nói. Nhưng khi hoàng hậu dọa sẽ tự vẫn, thì vua đành bảo chờ mình đi dạo một lát rồi sẽ cho biết vì sao mà cười.

Để cảnh tỉnh vua trần, Long vương hóa thành một bầy dê lội sông. Một con dê cái gọi chồng trở lại đưa mình đi. Dê chồng nói không thể đưa được. Dê vợ cũng đòi tự tử và nói: – “Anh không biết có ông vua trước kia sắp chết vì vợ mình đó ư?”. Dê chồng đáp: – “Ông vua ấy chết cho vợ là vì hắn ngốc. Mày cứ chết đi, ta không thiếu gì dê cái”. Vua trần nghe nói thế, tự nghĩ mình thua sự sáng suốt của con dê đực. Lúc trở về hoàng hậu lại vật vã đòi tự tử. Vua đáp: – “Cứ chết đi, trong cung ta thiếu gì cung phi, cần gì một thứ mày”[12].

Truyện của Pháp: Con gà trống dũng cảm:

Một anh chàng nghèo khổ nhưng hay giúp người. Nhà anh chỉ có hai con cừu anh thường chăn trên đồi. Một hôm, anh đuổi theo đánh chết một con chó sói giành lại con cừu cho một cô gái chăn cừu. Cô gái cảm ơn và tặng anh một con chó. Hôm khác, nhờ có anh báo tin bão kịp thời cho bố cô gái chăn cừu nên ông cất đặt được gọn rơm rạ đang phơi. Ông ta khen anh và tặng một con gà trống. Hôm khác nữa, anh lại cứu một con rắn ra khỏi đống lửa. Rắn bảo anh đưa nó về nhà và dặn khi mẹ nó đền ơn thì cứ đòi biết tiếng loài vật. Mẹ rắn cho anh phép lạ ấy bằng cách thổi vào miệng và dặn anh chớ có tiết lộ bí mật mà chết.

Sáng hôm sau, anh nghe hai con vật nói nhau: – “Nếu anh chăn cừu kia biết có gì dưới chân mình thì anh ta sẽ đào ngay”. Anh mượn cuốc đào thử thì được một thùng vàng. Từ đấy, anh trở nên giàu có, mua ruộng đất, làm nhà cửa, v.v… Lại mua trăm con cừu cho chó đi chăn, và một trăm gà mái cho gà trống cai quản. Anh lại hỏi cô gái chăn cừu nói trên làm vợ, và anh yêu vợ rất mực.

Một buổi chiều, anh cùng vợ đi xa về, con ngựa cái do vợ anh cưỡi đi chậm lại sau. Ngựa đực nói: – “Sao không đi nhanh, tao mà là bà chủ thì tao thúc mày” – “Tôi chở bà chủ mà tôi lại có đứa con trong bụng, đi nhanh sao được”. Anh cười. Vợ hỏi: – “Sao lại cười”. – “Đang nghĩ đến một chuyện” – “Chuyện gì?” – “Không thể nói được!”. Vợ làm nũng. Anh lại nghe ngựa cái nói với ngựa đực: – “Mày chưa biết con ta đã lớn tướng rồi ư?! Nếu nó mà chạy được thì nó vượt xa mẹ nó”. Anh cười to hơn trước. Vợ anh nổi cáu đòi bỏ chồng nếu chồng không chịu nói thật với mình. Chồng đáp: – “Điều này là điều cấm đối với tôi!” – “Anh hãy nói cho tôi biết đi!” – “Nếu nói thì tôi chết ngay” – “Hoặc anh nói cho tôi biết, hoặc tôi trả nhẫn cưới cho anh”. Cuối cùng anh hứa sẽ nói cho vợ biết chuyện bí mật của mình khi về nhà.

Về đến nhà, anh bảo người nhà mang ra một cái hòm thửa sẵn như một cái áo quan. Anh nằm vào hòm rồi nói: – “Mình hãy nghĩ lại, tôi nói ra thì chết, vậy có đòi nói nữa không?” Vợ đáp: – “Không nói gì thì tôi sẽ đi”. Theo phong tục, khi chủ sắp chết, người quản gia đặt vào tay chủ một cái bánh và một đồng xu. Mọi người hầu hạ trong nhà vây quanh lấy anh khóc ầm ỹ. Chó và gà cũng ở trong số đó. Nhưng gà đáng lý khóc thì lại gáy to. Chó nói: – “Sao chủ ta đã như thế mà mày còn rống ầm lên được?”. Đáp: – “Vì chủ ta dốt nát nên tao muốn nói cho ông ta tỉnh ngộ” – “Mày định nói gì với ông ấy?” Gà nhảy tới mổ miếng bánh trên tay chủ, rồi nói: – “Tao có một trăm con gà mái ở quanh tao, ấy thế mà không một con nào dám ăn một hạt nếu tao không cho phép”.

Nghe đến đây, anh lập tức ngồi nhổm dậy bước ra khỏi thùng, tháo cán chổi cho vợ một trận nên thân. – “Anh làm gì thế?” vợ nói – “Này, muốn biết ta cười gì này!”

Từ đó vợ anh không tò mò nữa, và làm việc lại hăng hơn trước[13].

Người Pháp ở Lo-ren (Lorraine) kể truyện trên, dưới đầu đề Tiếng nói loài vật:

Một người chăn cừu một hôm nằm dưới gốc cây thấy một con rắn nhờ mang mình lên rừng cho vua thú vật rồi muốn gì có nấy. Hắn giúp xong, chỉ xin biết tiếng loài vật. Hắn quả được như ý, và lại dặn: – “Tuyệt đối chớ lộ bí mật, nếu lộ là chết”. Đêm lại, đang ngủ, bỗng nghe phía ngoài có con chó sói đang dỗ hai con chó nhà, hứa sẽ chia phần nếu để cho mình vào chuồng cừu. Một con bằng lòng, một con không. Hắn dậy giết chết con chó phản chủ. Hôm khác, hắn thấy một con diều mách cho một con quạ chỗ chôn một thùng vàng. Hắn qua đào được vàng, bèn về trả cừu cho chủ không chăn nữa, tiếp đó hỏi con gái của chủ làm vợ.

Một hôm, hai vợ chồng cưỡi ngựa đi thăm người cô ở làng bên cạnh. Hắn nghe hai con vật nói với nhau, một con nói: – “Mày hẳn là nặng nề vì mụ cưỡi mày có mang”. Hắn phì cười. Thấy thế vợ hắn gặng hỏi, hỏi không được thì kêu gào khóc lóc. Cuối cùng hắn nói: – “Nếu nói thì tôi chết mất. Thôi hãy đợi ba ngày nữa để tôi đi từ giã bà con đã rồi sẽ nói cho biết”. Ba ngày qua, trong khi hắn uống chén rượu cuối cùng với một người bạn thì một đàn gà trống bay đến cửa sồ gáy lên: – “Nếu chủ nghe ta thì không chết”. Kết cục, hắn nghe lời của đàn gà không cần giữ lời hứa trước, và vợ hắn cũng không dám gặng hỏi nữa[14].

Truyện Người hiểu tiếng loài vật của người da đen ở Goa-đờ-lúp (Goadeloupe):

Có một người nghèo nhưng sống hiền lành. Một hôm anh cứu sống một con rắn ngắc ngoải về nạn cháy rừng. Được sống lại, rắn cảm ơn anh và bảo: – “Anh hãy liếm lưỡi tôi thì sẽ được truyền một phép mầu là hiểu tiếng loài vật. Nhưng nếu anh nói với người khác thì sẽ chết ngay”. Anh làm theo.

Sau đó anh lấy vợ. Một hôm, cùng vợ ngồi trên một hòn đá ở bờ sông, nghe hai con chuột nói với nhau: – “Hai người này không biết rằng họ đang ngồi trên một kho vàng mà một nhà nào đông con cũng không thể ăn hết được”.

Anh cười một mình, vợ hỏi không được, giận bỏ đi tắm sông. Trong khi đó có hai con dơi nói với nhau: – “Nếu hai người này biết rằng có một luồng nước sắp đổ tới thì họ sẽ không tắm”. Chồng vội bảo vợ lên ngay. Vợ vừa lên thì nước sông dâng cao làm trôi hòn đá ngồi lúc nãy. Tuy vậy, vợ cũng không nguôi giận. Dọc đường vợ bảo: – “Nếu anh không nói, tôi bỏ về cho mà xem”. Chồng không đáp. Trong khi đó nghe hai con ngựa nói chuyện với nhau, chồng lại cười làm cho vợ càng thêm giận dỗi. Đến nhà, vợ khóc lăn giữa đất và gào lên: – “Mày muốn tao chết, tao đi dây!”. Chồng dỗ dành: – “Nếu tôi nói thì tôi sẽ chết mất”. Vợ vẫn không nguôi giận, chồng định nói sự thật, mới đi tìm một cái áo quan. Nhưng đúng vào lúc anh sắp nằm vào áo quan, bỗng nghe con chó nói: – “Chủ ta sắp chết vì con mụ ấy”. Gà trống đáp: – “Kệ lão ấy. Nếu tôi mà là lão ấy thì tôi sẽ tống tiễn vợ bằng một trận mưa gậy vào lưng, rồi tôi lấy vợ khác”.

Nghe thế, anh chàng hiểu tiếng loài vật liền ngồi dậy cầm gậy phang cho vợ một trận đòn dữ dội rồi tống ra khỏi cửa. Anh đi kiếm kho vàng dưới hòn đá chỗ hai con chuột nói lúc nãy, và từ đấy anh giàu có đến nỗi có nhiều người đàn bà chạy theo mình[15].

Có khá nhiều truyện khác tương tự các truyện trên, nổi bật là tình tiết người chồng biết tiếng thú vật nhưng nếu nói ra thì chết và người vợ không nén được tò mò như: truyện Ha-ri-vam-xa của đạo Bà-la-môn (vua Bra-ma-đát-ta hiểu tiếng loài vật không nói cho hoàng hậu biết); truyện mở đầu bộ Nghìn lẻ một đêm (con lừa, con bò và người cày ruộng), truyện Bác-lam và Jô-da-phát; truyện Nang Tang-trai của Thái-lan; hay truyện của người Lô-bi (Lobis) châu Phi (ở đây, người chồng biết tiếng loài vật vì thỏa mãn tính tò mò của vợ, nên bị chết[16]).

Còn có một loạt truyện khác cũng có nhân vật biết tiếng loài vật do ngẫu nhiên ăn được một món ăn thiêng. Ví dụ truyện của các dân tộc ở Xcăng-đi-na-vơ (Scandinave) trong Et-đát (Eddas) có nói đến một nhân vật anh hùng là Xi-gua giết một con rồng nấu tim ăn và uống máu của nó, liền đó hiểu được những lời trò chuyện giữa hai con quạ. Hoặc biết tiếng loài vật bằng con đường tiếp thu môn học về tiếng loài vật ở nhà trường. Sau đây là một truyện của người Ma-rốc (Maroc) Tiếng loài chim:

Một người lái buôn giàu có ở Phe-dơ (Phez) không con, nhờ một pháp sư cho ăn một thứ quả loài cây lạ, người vợ liền có mang đẻ được một con trai.

Ông ta cho con đi học. Con lên mười ông mang đến đất Thánh, nhưng đi qua một thành phố Ai-cập, thấy có một trường học dạy tiếng chim, ông bèn để con lại học với một số vàng, định lúc trở về sẽ lại đón con về. Nhưng khi người bố trở về thì lạc đường, không đón được. Mấy năm sau, ông mới lại đi tìm thì con mình đã tinh thông tiếng chim, và đang thay thầy giáo dạy tiếng chim ở trường. Bố đưa con đi tàu về quê. Giữa đường, thấy có ba con chim trò truyện với nhau, người bố hỏi con xem chúng nói gì. Con không trả lời. Mọi người chế nhạo. Mãi sau nài mãi, con mới cho biết: – “Nó bảo con ngày sau sẽ làm vua còn bố thì làm phu khuân vác”. Bố giận để bụng, một đêm nọ nhân lúc con ngủ say bèn bỏ hòm đem thả xuống biển, nhưng khi bố về đến nhà thì nhà cháy, hai vợ chồng tay trắng phải đi làm thuê kiếm ăn rất vất vả. Trong khi đó, anh chàng biết tiếng chim được một người đánh cá nước nọ vớt lên nuôi làm con nuôi. Anh đánh bạn với con một viên quan án nước ấy. Vua nước ấy lúc đó bị ba con chim đến kêu quang quác suốt ngày, đuổi mấy cũng không đi. Vua sai các quan đại thần giải thích lý do, hứa ai trả lời được thì chia cho nửa nước, không thì chặt đầu. Đến lượt quan án phải giải thích. Cả nhà buồn rầu khóc lóc vì biết sẽ bị vua xử tử. Thấy bạn buồn và khi biết lý do, anh chàng xin phép vào giảng giải thay quan án. Anh nói với vua: – “Trong ba con chim này, có một con trống ở xứ Đông, một con trống ở xứ Tây. Con mái vốn là vợ con xứ Tây nhưng vừa qua vì chồng đi vắng lâu ngày, nó đã theo con xứ Đông. Bây giờ con xứ Tây mới trỏ về, nên cả ba đến xin vua phân xử”. Vua chưa biết nên phân xử thế nào, bèn nhờ chàng biết tiếng chim xử hộ. Anh bảo hai con trống bay về hai phía, rồi bảo con mái hãy đi theo con nào mình thích. Con mái lại theo con trống xứ Tây.

Thấy phải mất một nửa nước vì một việc quá đơn giản như vậy, vua có ý lật lọng. Anh chàng bèn ra giữa sân gọi mấy tiếng, chim bay tới hằng hà sa số kêu ầm ỹ ở sân rồng. Vua hoảng sợ, đành làm theo lời hứa. Sau khi vua chết, anh lên nối ngôi. Khi ông vua trẻ bắt phu chở củi đến cung điện để đốt sưởi mùa đông thì người bố cũng ở trong số những phu vác củi. Con nhận ra cha, bèn bảo cha đưa mẹ – bấy giờ làm thợ giặt – đến hoàng cung cùng hưởng phú quý với bố mẹ nuôi[17].

Tóm lại, truyện Sự tích con dã tràng của ta có thể bắt nguồn từ loạt truyện

Người hiểu tiếng loài vật kết hợp với truyện Công Dã Tràng gốc từ Trung-quốc để chuyển thành một truyện mới khá lý thú.

[1] Theo báo Tân văn (1935).

[2] Câu này ở Nam-bộ có người đọc: Sóng ba đào ai xét công cho.

[3] Đoạn này theo Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn.

[4] Theo Trương Vĩnh Ký. Chuyện đời xưa, truyện Nhơn vật đạo đồng.

[5] Vè Con cua

[6] Theo Paulus Của. Chuyện giải buồn.

[7] Bản khai của thôn Hướng-dương.

[8] Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn. Theo sưu tầm của Nguyễn Văn Tố thì truyện còn có thêm một đoạn nữa là khi đến nhà bạn, bạn định làm thịt ngỗng đãi anh, nhưng vì nghe tiếng vợ chồng ngỗg than thở nên anh cố chối từ, vì thế ngỗng không bị đưa làm thịt. Cho nên khi anh chết lũ ngỗng để trở có cái mào trắng trên đầu (Một truyện kể của cổ tích Người hiểu tiếng loài vật trong tập san của Hội Đông-dương nghiên cứu về con người (IIEH) tập VI, 1943).

[9] Một truyện kể của cổ tích Người hiểu tiếng1oài vật, đã dẫn.

[10] Người hiểu tiếng loài vật (cổ tích Lào và cổ tích Goa-đơ-lúp (Goadeloupe) xuất phát từ Năm sách dạy trẻ (Panchatantra) Ấn-dộ) trong IIEH, đã dẫn.

[11] Truyện này từ sách Năm sách dạy trẻ (Panchatantra) của Ấn-độ truyền vào Lào.

[12] Sa-van (Chavanes). Năm trăm truyện cổ và ngụ ngôn trích từ Kinh Đại tạng Trung-quốc.

[13] Theo Pua-ra (Pourra). Kho tàng truyện cổ tích, quyển III.

[14] Theo Đơ-la-ruy (Delarue) và Tơ-ne-dơ (Tenèze). Truyện cổ dân gian Pháp, quyển II.

[15] Bô-trô Rút- xen (Botreau – Roussel). Bài đã dẫn.

[16] Xem thêm các dị bản truyện Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán số 48, tập II.

[17] Theo Mô-ha-mét En Pha-si (Mohamed El Fasi), và Đéc-men-ghem (Dermenghem). Sách đã dẫn.

Chọn tập
Bình luận