Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ! Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Bụng làm dạ chịu hay là truyện thầy hít

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Ngày xưa, có một anh chàng vô công rồi nghề, ngày ngày chỉ biết ăn bám vợ và khoác lác. Người vợ rất lấy làm bực mình vì phải nai lưng ra làm nuôi chồng và ba đứa con. Một hôm, chị vợ bắt anh ta phải đi học một nghề gì để nuôi thân vì mình không cáng đáng nổi nữa. Anh chàng đi lang thang suốt buổi, hết đứng bụi này lại ngồi bụi kia chả học nghề ngỗng gì cả, cho đến xế trưa lại về.

Trước khi vào nhà, hắn đứng nấp sau vách có ý nghe ngóng xem vợ có nói xấu gì mình chăng. Vừa khi người vợ đi chợ về mua được năm tấm bánh gói, chia cho ba đứa con mỗi đứa một cái. Còn lại hai cái, mẹ bảo con đưa vào buồng cất vào trong vại gạo cho cha. Nghe thấy thế, anh ta rất thích, chờ một lúc lâu mới giả bộ đi từ phía cổng bước vào nhà. Vợ hỏi:

– Đã tìm được nghề gì chưa?

– Đã, hắn đáp.

– Nghề gì mà học nhanh thế?

– Tao đi dọc đường gặp một ông thầy hít, ông ấy dạy cho tao bói bằng cách hít. Bây giờ có cái gì cất giấu ở đâu, tao chỉ dùng lỗ mũi hít hít mấy cái là tìm ra ngay. Nào, có cái gì cần tìm để tao làm thử cho mà xem?

Vợ tiếp lời ngay:

– Vậy thì tôi có mua cho hai cái bánh còn cất đi một nơi, cứ hít cho ra mà ăn, như không tìm được thì nhịn vậy!

Thế là anh chàng ngước mũi lên giả bộ hít mấy cái, rồi nói:

– Đúng rồi, nó ở trong vại gạo.

Rồi hắn chạy vào lấy bánh ra ăn trước con mắt kính phục của vợ con.

Người vợ tưởng thật, mừng quá, vội chạy đi loan báo với xóm giềng rằng chồng mình học được nghề thầy hít, thử đoán một việc thấy hay như thần. Từ nay ai có một cái gì cứ đến nhờ anh ấy tìm hộ.

Hôm ấy, trong xóm có một bà mất một ổ lợn con, kiếm khắp mọi nơi không thấy. Nghe nói thế, bà ta vội chạy đến khẩn khoản nhờ tìm. Thật là may cho anh chàng, vì lúc đứng nghỉ ở một bụi tre dọc đường, hắn đã trông thấy bầy lợn con chạy lạc vào đó. Hắn ta mừng quá, bảo bà già: – “Nếu kiếm được thì bà sẽ cho tôi những gì!”. Bà ta hứa cho hai con lợn con. Anh ta cũng giả vờ hít mấy cái rồi dắt bà đến ngay chỗ có lợn. Bầy lợn được tìm ra ngay và sau đó anh được chia hai con như lời chủ nhân đã hứa. Vợ thấy chồng chỉ học một nghề giản dị mà làm ra của dễ dàng thì sung sướng quá, vội chạy về khoe với cha mẹ đẻ. Người cha nghe nói con rể học được phép lạ cũng có ý hâm mộ. Ông ta nói riêng với vợ : – “Bà cứ bảo gọi rể sang đây. Nếu nó chỉ đúng món tiền chôn ở gốc táo sau vườn thì cho nó một nửa”. Ông ta không ngờ chàng rề của ông đã lén theo vợ sang từ lúc nãy và đứng nấp ở một góc nhà. Nghe cha vợ bảo thế, anh ta lén chạy một mạch về nhà rồi giả cách nằm ngủ. Khi vợ và mẹ vợ về, phải thức mãi hắn mới chịu dậy. Thế là anh chàng theo sang nhà ông nhạc, chỉ đúng chỗ chôn của, và được thưởng một nửa số tiền chôn.

Từ đó tiếng đồn về thầy hít lan đi rất nhanh. Cũng vào thời gian ấy trong hoàng cung bỗng xảy ra một vụ trộm lớn. Nhà vua mất trộm một con rùa vàng và một con rùa bạc là hai món bảo vật của vua Trung-quốc tặng. Trong cung rối rít cả lên, chả có cách gì tìm ra thủ phạm cả. Vừa nghe tiếng đồn có thầy hít đại tài, vua vội sai quân lính đi mời về cho bằng được.

Khi thấy sứ giả đến nhà triệu mình, anh chàng vô cùng hoảng hốt. Chót đánh lừa mọi người, anh ta không còn biết than thở với ai cả. Nằm trong cáng dọc đường về kinh đô, anh ta nghĩ bụng: – “Thôi phen này thì bay đầu đến nơi rồi!”. Anh chàng buồn quá, tưởng tượng những nhục hình đang chờ mình ở cung vua mà rụng rời chân tay. Vì thế khi qua sông, anh ta nhảy đại xuống nước, nghĩ rằng thà chết ở đây còn hơn bị kìm kẹp khổ thân. Hai người lính khiêng cáng sợ rằng hắn chết thì tai vạ sẽ đổ lên đầu mình, bèn chia nhau lặn xuống nước tìm và cuối cùng cũng lôi được anh chàng lên bờ. Khi tỉnh lại, hắn ta rất thất vọng, nhưng cũng làm bộ giận, mắng hai người đó:

– Tao xuống để hỏi vua Thuỷ tề xem ai là thủ phạm chứ có can gì mà chúng mày hốt hoảng lên như thế.

Nhưng trong bụng anh ta nghĩ: – “Thế là muốn thoát cũng không thoát nổi. Biết tính làm sao bây giờ?”. Anh chàng lại nằm lên cáng cho hai người kia khiêng đi, miệng lẩm bẩm mấy tiếng:

– Bụng làm dạ chịu, chớ khá than van!

Không ngờ hai người khiêng cáng mà vua sai đi: một người tên là Bụng và một tên là Dạ. Hai đứa đã đồng mưu ăn trộm hai con rùa của vua. Tang vật hiện còn giấu trên máng nhà, chưa đưa đi thoát được. Nay nghe thầy hít lẩm bẩm như thế, tưởng là thầy đã hỏi vua Thủy tề biết rõ cơ sự rồi, bọn họ bèn hạ cáng xuống và lạy thầy như tế sao. Cả hai thú tội cho thầy nghe rồi cuối cùng xin thầy làm ơn giấu giùm, nếu không sẽ khó mà thoát án tử hình.

Nghe đoạn, thầy như mở cờ trong bụng, vội hứa để bọn họ an tâm. Khi gặp vua, anh chàng lại giở giói phép hít của mình và quả nhiên tìm được hai bảo vật còn giấu ở trên ống máng. Nhà vua thán phục tài năng của anh, tặng thưởng rất hậu, lại ban cho tước lớn.

Anh ta về nhà chưa được bao lâu thì bỗng một hôm được sứ Trung quốc tìm đến tận nhà ngỏ lời mời mọc khẩn khoản. Số là trong cung cấm của hoàng đế Trung-quốc vừa xảy ra một mẻ trộm rất lớn. Nhiều món bảo vật quý giá nhất trần đời đều bị bọn người táo gan lấy mất. Nhiều thầy bói được vời đến cung nhưng chả nên tích sự gì cả. Nay nghe tiếng có thầy hít Việt-nam đại tài nên phái sứ giả sang mời tìm hộ. Nếu tìm được bảo vật, hoàng đế sẽ ban tứ rất hậu.

Anh chàng lần này lại lo sốt vó, có thể nói hơn cả mấy lần trước. Vừa qua một khúc sông, anh ta đã nhảy ngay xuống nước định tự vẫn như lần trước. Không ngờ người ta lại cứu được lên. Nhưng lần này không hiểu anh ta nhảy thế nào mà khi lên bị sứt một một bên mũi. Hồi tỉnh lại, anh chàng chỉ cái mũi sứt nói với sứ giả Trung-quồc rằng: – “Tôi nhờ có cái mũi này mới làm ăn được. Nay con cá nóc đã cướp mất sự mầu nhiệm của tôi rồi, còn gì mà sang nữa”. Sứ giả không biết nói thế nào, đành phải để cho anh ta trở lại nhà[1].

KHẢO DỊ

Nhiều người chỉ kể có một phần của truyện trên: hoặc kể phần đầu nhưng không nói đến việc hít, mà chỉ nói đến một nhành tre để anh chàng cầm về, nói là có phép tìm ra vật giấu kín, hoặc kể phần cuối nhưng thay cho “Bụng làm Dạ chịu là “Quýt làm Cam chịu”, v. v… Truyện của ta tương tự với khá nhiều truyện của các dân tộc trong nước và trên thế giới.

Trước hết là truyện của dân tộc Vân-kiều. Thầy mo ngửi, cũng có một nhân vật vì trót giả điên lừa vợ và cả làng rằng mình có phép dùng mũi hít có thể tìm ra vật bị mất. Cũng gần như truyện của ta, đầu tiên anh tìm cho vợ một dụng cụ làm cỏ mà anh cố ý giấu đi một nơi. Sau đó, anh tìm ra chum bạc của bố vợ chôn ở gốc mía (do anh đến nhà nấp kín một chỗ nghe được). Nhưng khác với truyện của ta, anh lần lượt giải đáp đúng hai cuộc đố với hai bọn lái buôn bằng cách trước khi vào cuộc, cải trang tới làm quen với họ, để tìm ra điều bí mật. Cuộc đố thứ nhất là bắt hai con mèo buộc vào cổ hai con voi, xem con nào đực con nào cái. Cuộc thứ hai đem một khúc gỗ chỉ đàng nào gốc đàng nào ngọn, v. v… Anh đều thắng lợi và chiếm được của cải hàng hóa bộn bề. Nhà vua cũng nghe tiếng anh, triệu về không phải để tìm bảo vật bị mất mà để bắt anh trị một con hổ dữ. Anh đi cùng với một toán lính, nhưng vừa thấy hổ thì đã chết ngất. Bọn lính đuổi hổ đi, ném anh vào giữa một bụi tre rồi bỏ về. Tỉnh dậy anh thấy hổ gầm ghè xung quanh bụi tre. Chờ khi hổ ngồi thò đuôi vào bụi, anh lẳng lặng chẻ lạt, dùng lạt buộc đuôi hổ vào gốc tre. Hổ lồng lộn vẫn không rút được đuôi, lại bị anh thò dao cắt mất dái, lăn ra chết. Thế là anh trở về tâu vua đã giết được hổ và cải chính cái tin chết ngất do bọn lính tung ra; anh nói lúc đó mình nằm xuống làm phép, v. v… Lần thứ hai vua bắt anh cầu đảo gọi mưa, làm được vua sẽ nhường ngôi cho, nếu không thì chém đầu. Anh trở về hoảng quá, đi cả ra khố. Không ngờ nước đái rơi vào đầu một con cóc. Cóc sợ anh xối nước mặn vào hang của nó, xin tha, và báo cho anh biết ngày nọ tháng nọ sẽ mưa lụt. Anh về bày đàn làm bộ cầu cúng, quả nhiên có mưa to. Vua giữ lời hứa nhường ngôi[2].

Thứ hai là truyện của đồng bào Tày:

Khọn, một anh chàng chỉ có một con trâu, một hôm không biết chăn thế nào để trộm lấy mất. Anh bèn chặt một ống cọn[3] rồi về bảo với vợ rằng mình đã đổi trâu lấy cái ống này có phép tìm ra vàng bạc. Vợ về mách bố, bố sợ rể có phép lấy mất vàng bạc của mình, bèn mang chôn giấu ban đêm. Không ngờ chàng rể đã ngồi rình trên ngọn cây, thấy hết. Nhân bố vợ thách tìm của, Khọn bèn làm bộ nhờ cái ống mà phát hiện ra những của cải đó, và được bố vợ chia cho một nửa.

Sau đó vua mất cái ấn vàng, đòi Khọn – bấy giờ đã nổi tiếng – đến tìm. Cũng như truyện của ta, ngồi trên kiệu về cung, Khọn than thở: – “Thằng đầu chết, thằng bụng cũng hết sống”. Không ngờ ăn trộm ấn vàng lại là hai người khiêng kiệu; thấy anh nói thế tưởng anh đã biết, vội lạy anh để anh giấu đi cho. Do đó mà Khọn tìm ra ấn và được vua thưởng hậu.

Nhưng rồi về sau Khọn thấy phải tống khứ cái ống nguy hiểm có thể làm anh mất đầu. Một hôm anh làm một mâm cỗ linh đình đặt sẵn trong hang kín.. Rồi anh nói với một bọn lái trâu về sự mầu nhiệm của cái ống có thể làm ra cơm rượu. Bọn lái trâu thấy anh gõ vào ống và thấy có cơm rượu thật, bèn gạ đổi đàn trâu. Dĩ nhiên là Khọn ưng thuận[4].

Đồng bào Tày còn có truyện một người dốt đặc cán mai nhờ may mà đỗ Trạng. Tất cả những hành động của Trạng đều là nhờ vợ vô tình làm cho, mà kết quả, tiếng khen lại dồn vào Trạng. Sau đó một hôm, Trạng được làng cử đi đánh chiêng làm lễ cầu mát. Trạng cột một sợi dây vào chân nhờ vợ giật để ra hiệu đánh cho đúng lễ nghi: không ngờ người ta đi lại vấp dây lia lịa. Tưởng vợ nhắc, Trạng cũng vội đánh chiêng lia lịa. Dân đang ngơ ngác vì thấy Trạng đánh loạn xạ thì bỗng thấy sau xóm có đám cháy, nên cho là Trạng tiên tri đánh chiêng cho dân di chữa cháy.

Phần sau cũng như truyện trên, nghe nói Trạng tiên tri, vua bèn cho gọi về triều để tìm cái ấn vàng. Trạng lo quá bảo vợ: – “Thôi đêm nay ta quyết tử cho rồi!”. Không ngờ con “quỷ cốt tử” là kẻ ăn trộm ấn vàng nghe vậy, tưởng Trạng biết sự thực, bèn tìm tới xin Trạng tha đừng tâu vua. Trạng chỉ mong có thế[5].

Truyện Miến-điện (Myanmar) Chàng lừa phỉnh và chàng nói khoác:

Có hai chàng túng đói tìm cách làm ăn. Một người đánh cắp một con trâu giấu đi, rồi tìm đến chủ có trâu nói có ông thày bói giỏi. Chàng lừa phỉnh làm bộ bói, chỉ đúng được thưởng 10 đồng. Lúc ấy thôn trưởng mất một hộp thuốc lá bằng vàng, nghe tiếng, gọi đến, bắt bói và dọa nếu chạy trốn sẽ ra lệnh cả làng đuổi bắt. Đành phải ở lại than với nhau: – “Chỉ nên trách thời vận thôi”. Không ngờ kẻ trộm vốn tên là Thời Vận, nghe thế tưởng thầy đã biết, sụp lạy xin tha. Thế là hai người chỉ cho thôn trưởng chỗ giấu hộp. Nhà vua nghe tin bói giỏi, họi họ về triều vì có một bọn lái buôn chở tới bảy thuyền châu báu đánh cuộc với vua, nếu đoán được trong một cái hộp có gì họ sẽ mất tất cả thuyền hàng, trái lại thì vua mất vương quốc. Hai chàng lần này lo sốt vó, tính nhảy xuống nước chết cho rồi, nhưng họ lại biết bơi, đành bảo nhau cứ bơi ra khơi cho đến khi không bơi được nữa là chết. Không ngờ khi bơi qua bảy chiếc thuyền, bỗng nghe đứa con đầu bếp của bọn lái buôn đang hỏi bố nó trong hộp có gì. Bố nó đáp: – “Trong hộp sắt là hộp đồng, trong hộp đồng là hộp bạc, trong hộp bạc là hộp vàng, trong nữa là một lạng chất thơm thượng hạng”.

Nghe thế hai chàng lại bơi trở vào, nói cho vua hay và vua thắng cuộc. Sau đó một hôm trong khi chàng nói khoác vào cung, thì chàng lừa phỉnh ở nhà đổi quách nhà và làm bộ bị bỏng. Lành rồi, hắn vào tâu vua là sách bói đã cháy mất không thể làm ăn được nữa. Vua bèn cho họ làm quan[6].

Một truyện của Ấn-độ cũng rất gần với truyện của ta, chỉ có khác là không nói tới việc hít và ở đoạn cuối tình tiết có hơi khác. Chằng hạn, khi vợ sang khoe tài chồng mình ở nhà bố mẹ đẻ, anh chàng tự xưng đoán giỏi cũng chạy sang trốn ở một xó, nhìn trộm người ta ăn uống. Đêm đến hắn làm bộ mới ở nhà mình sang, nói với mẹ vợ: – “Tôi có thể biết những người khác ăn gì”. Mẹ vợ bảo hắn: – “Thế ngày hôm nay mấy đứa con tôi ăn những gì nào?”. Hắn kể ra vanh vách. Mẹ vợ rất thán phục. Tin hắn giỏi đoán truyền đến vua. Vua cho gọi đến. Trong tay cầm một con dê, vua bảo hắn: – “Nghe nói mày giỏi đoán, vậy phải đoán cho ra trong tay tao cầm gì? Hắn sợ quá buột miệng kêulên: “Pi-la-găng-ti ơi, giờ chết của mày đã điểm rồi!” Pi-la-găng-ti là tên của của hắn mà cũng là tiếng Ấn chỉ con dê. Vua tưởng hắn có tài, trọng đãi và cho về. Ít lâu sau, vua mất một chuỗi ngọc, cho gọi hắn vào cung bắt nội trong 15 ngày phải tìm cho ra, nếu không sẽ treo cổ. Hắn bỏ cả ăn uống, chỉ mếu máo kêu tên mẹ và bà: “Ối Xu-ni-da, ối Mu-ni-da ơi, biết làm sao đây!” – Chính hai người hầu của vua có tên như thế dã ăn trộm chuỗi ngọc. Chúng nó nghe thấy hô danh mình thì sợ quá, bèn thú thật với thầy và chỉ chỗ giấu ngọc. Thế là hắn thành công và được vua ban rất hậu.

Một truyện Ấn-độ khác từng chép trong sách Biển truyện (Kathâ Sarit-sâgara) từ thế kỷ thứ XII:

Một người bà-la-môn nghèo tên là Ha-ri-xác-măng. Vì không nuôi nổi một đàn con, phải đi ở với một người giàu. Người này làm lễ cưới cho con gái mà không mời anh ta. Anh chàng giận lắm, dặn vợ: – “Có dịp cứ mách với họ là ta bói giỏi”. Bèn vào chuồng ngựa nhà chủ dắt một con giấu vào rừng. Nhà chủ mất ngựa, tìm mãi không thấy. Người vợ bèn mách rằng chồng mình bói giỏi. Thấy họ khẩn khoản, anh chàng giả vờ làm như kiểu thầy bói thực thụ, và cuối cùng dĩ nhiên tìm ra được ngựa. Từ đó mọi người phục chàng như thần. Tiếng đồn lan ra khắp nơi. Một hôm trong cung vua có vụ trộm lớn mất nhiều vàng ngọc và của quý. Vua gọi anh ta đến và bắt tìm cho ra. Hắn xin khất đến mai. Của cải của vua vốn bị một tên thị tỳ trong cung tên Đô-ri-hô-va (cái lưỡi) lấy trộm. Người thị tỳ ấy đến nghe ngóng từ buồng chàng. Giữa lúc đó Ha-ri-xác-măng đang chửi cái lưỡi của mình đã làm mình khốn khổ. Thị tì tưởng thầy đã biết, nên mở cửa chạy vào thú tội và xin thầy thương cho. Sáng mai anh chàng chỉ cho vua những của đã mất. Vua toan thưởng thì một viên quan cố vấn không chịu tin, bắt thử lại. Người ta mang đến một cái chậu úp, trong có một con cóc, bắt đoán. Anh chàng tưởng nguy đến nơi. Hắn nhớ hồi nhỏ cha mình thường gọi mình bằng cóc nên kêu lên: – “Cóc ơi! Ít ra trước kia mày cũng tự do hơn bây giờ”. Vua nghe nói ngỡ hắn đoán đúng: khen ngợi và thưởng rất hậu.

Người Ai-cập cũng có truyện một anh lái buôn vỡ nợ, do vợ xúi giục đi ra nước ngoài làm nghề bói bất đắc dĩ. Được vua gọi vào cung thử tài, hắn lo sợ đến mất mật. Nhưng hắn vô tình đoán trúng chỗ giấu con châu chấu và con chim sẻ bằng cách gọi tên mình và tên vợ ra để than thở. Một lần khác. để tìm một vụ trộm lớn trong cung, hắn giao cho vợ một túi sỏi và vợ hắn tình cờ ném trúng mấy lần vào đầu những tên trộm đứng rình nghe ngóng. Thế là bọn trộm tưởng thầy đã biết, vội tặng hắn tiền đế hắn đừng làm cho chúng phải treo cổ.

Phần cuối còn có tình tiết: một hôm các vua láng giềng gọi bọn thầy bói của mình đến để thi tài với hắn. Các vua cho bí mật chôn dưới đất: một nồi sữa, một nồi mật và một nồi đậu. Các thầy bói kia chịu không đoán ra. Đến lượt hắn, hắn ngoảnh bảo vợ: – “Tất cả đều tại mình, thôi chúng ta có thể khuân đồ đạc đi khỏi nước này, lần thứ nhất là sữa, lần thứ hai là mật, lần thứ ba là đậu”. Do là hắn kể những thức ăn mà vợ hắn mới mua. Các vua tắc lưỡi và thưởng hắn rất hậu.

Ở phương Tây cũng có nhiều truyện cổ tích gần giống với truyện của chúng ta. Dưới đây là truyện Ông thầy pháp, của người Pháp, mà người Bồ-đào-nha (Portugal), người Anh, người Ý (Italia), Tây-ban-nha (Espana) cũng kể tương tự:

Một chàng trẻ tuổi một hôm bỗng tự xưng là thầy pháp, có khả năng tìm thấy những vật bí mật. Một bà chúa mất một chiếc nhẫn quý, gọi hắn đến bắt tìm cho ra thủ phạm. Ông chúa hỏi: – “Mày đòi công bao nhiêu?” – “Ba bữa ăn”, hắn đáp – “Được”.

Người đầu bếp mang đến cho hắn bữa ăn đầu tiên. Hắn nói : – “Đó là một”. Thì chính tên đầu bếp ấy lại là một trong những tên trộm chiếc nhẫn của chủ. Nó trở về nói lại với đồng lõa. Lần sau người thứ hai lại mang thức ăn đến. Hắn lại nói: – “Đó: đã hai rồi”. Lần thứ ba cũng thế. Cả ba tên trộm sợ quá, vì tưởng hắn đã biết, bèn đến gặp hắn thú thật, và, hẹn nếu không mách chủ, chúng sẽ tặng một nửa của cải. Hắn bày một mẹo là bắt một con gà cho nó nuốt chiếc nhẫn vào bụng.

Tuy được nhẫn quý, ông chúa vẫn không tin, lại sai bắt một con dế để lên đĩa, trên úp một cái chuông con, rồi bảo hắn: – “Trong ấy có gì nói ngay, nếu không hai khẩu súng lục đây tao sẽ bắn mày vỡ óc”. Hắn không còn biết làm thế nào đành than một mình: – “Thân ta như con dế bị bắt”. Đó là hắn nói theo một câu tục ngữ “tình trạng bối rối như con dế bị bắt” nhưng cũng làm cho ông chúa tưởng là thầy đoán giỏi.

Truyện của người Na-uy ( Norvège) đại khái cũng như truyện của người Pháp:

Một người đốt than một hôm mua được cái áo cũ của một ông thầy cả. Anh ta mặc vào người và tự cho mình là tiên tri. Vua mất cái nhẫn quý. Anh ta gõ cửa nhà vua, nói mình có thể tìm được. Vua hẹn cho ba ngày phải tìm cho ra, nêu không sẽ đuổi. Chiều hôm đầu tiên một người hầu – chính là một trong những tên trộm – mang thức ăn đến. Khi ăn xong, nó bưng mâm đi, anh ta nói: “Đó là một đã đi rồi” (tức là một ngày đã qua). Việc cũng diễn ra như thế đối với hai người hầu sau đều là đồng lõa ăn trộm chiếc nhẫn. Họ cho là thầy đã biết hết và tìm đến thú thực với thầy. Anh ta bảo kiếm một con lợn to cho nó nuốt chiếc nhẫn. Sau đó, vua lấy một cái bình bạc có nắp đi ra bờ biển, một lúc sau vào gọi anh ta đến đoán cái gì trong bình. Anh ta than một mình: – “Ôi cua tội nghiệp! Xảy ra cho mày bao nhiêu là thử thách”. Đúng là con cua mà nhà vua đã bỏ vào bình để đố.

Một loạt truyện sau đây tuy hình tượng đã đổi khác nhưng câu nói dẫn đến sự hiểu lầm vẫn giữ nguyên, cũng đều là dị bản của các truyện trên. Truyện của người Đức:

Một người đàn bà có thói quen ngáp ba lần trước khi đi ngủ. Một hôm có ba tên trộm toan vào nhà khoắng của. Khi một đứa trèo thang nhìn vào cửa sổ thì vừa đúng lúc người đàn bà ngáp. Mụ nói to: – “Đó là một”. Tên kia cho là bị lộ chạy ra nói với đồng bọn. Tên thứ hai thấy yên yên lại trèo lên, vừa vặn lúc mụ ngáp cái thứ hai: – “Đó là hai!”. Lúc sau, tên trộm thứ ba sắp trèo thì cái ngáp thứ ba cũng đến với mụ ta cùng câu nói: – “Đó là ba”. Ba tên chạy mất mật.

Truyện của người Pháp:

Một người mẹ có đứa con ăn không ngồi rồi. Một hôm mẹ bảo con: – “Khi người ta muốn có một ngày tốt thì phải dậy sớm”. Đứa con nghe lời, dậy rất sớm đi ra khỏi thành phố, đứng ở cửa thành. Có ba anh đêm qua đào được một kho của bí mật đem về. Người thứ nhất gặp anh chào: – “Bông jua” (tiếng chào này cũng có nghĩa là ngày tốt). Anh chàng nói: – : “Đó là một”[7]. Người kia tưởng việc bí mật của mình đã bị lộ. Sau câu chuyện cũng lần lượt diễn ra như thế đối với người thứ hai, thứ ba. Tưởng là anh chàng đã biết cả, ba người bèn chia cho anh một phần tư kho của.

Những truyện sau đây có thể xếp vào một nhóm, vì cùng chung một loại hình tượng làm trung tâm cho câu chuyện:

Truyện từ sách Chú giải về Phật pháp (Dhammpadattha Kathâ):

Một người Ba-la-môn đi từ Bê-na-réx đến xứ Tắc-ca Si-la để học khoa học, hy vọng trở thành bậc thánh. Thầy giáo hắn có 500 đồ đệ mà trung thành tận tụy nhất là anh này vì hắn hầu hạ thầy bao nhiêu năm không tiếc sức. Nhưng hắn lại quá khờ khạo, nhét mấy cũng không vào. Thầy bụng bảo dạ: -“Phải giúp cho nó một cái gì để trả ơn. Khi một đứa dốt đã học được cái gì nhập tâm là nó không quên”. Bèn dạy cho câu chú bắt phải nói đi nói lại hàng ngày: – “Mày xát, mày xát, tại sao lại xát? Ta biết hết ý định cả rồi!”. Học xong anh trở về quê hương.

Hồi ấy vua Bê-na-rex thường cải trang đi khắp thành phố để nghe ngóng ý dân. Một đêm vua dừng lại trước nhà anh chàng đúng lúc bọn trộm đào ngạch rồi chui vào nhà. Chàng trẻ tuổi đang ngủ chợt tỉnh giấc, miệng quen thói nói ngay câu trên. Bọn trộm hoảng hồn, lỉnh mất.

Vua điều tra biết anh chàng học khoa học từ Tắc-ca Si-la về, nên ngày mai cho gọi anh đến bảo dạy cho mình cái môn học được. Học xong, vua thưởng cho một ngàn đồng vàng. Từ đó vua luôn mồm học câu nói kia. Ít lâu sau một quan đầu triều âm mưu giết vua, hắn đồng mưu với người phó cạo sẽ cắt cổ vua khi cạo gáy, và hứa sẽ cho y làm quan đầu triều nếu mình làm vua. Sắp cạo, vua đọc “câu chú” trên. Người phó cạo toát mồ hôi trán, vứt dao, sụp lạy. Vua bảo: – “Có gì cứ nói đừng sợ”. Hắn kể lại mọi việc. Vua nghĩ bụng: “Nhờ thầy ta, ta mới sống được”. Bèn bắt quan đầu triều đi đày rồi cho anh chàng thế chân[8].

Một truyện ở Bắc âu:

Một chàng vô công rỗi nghề, em của một nhà thông thái nghèo khổ, một hôm đến nhà vua xin việc làm. Vua hỏi: – “Anh biết gì?”. Đáp: – “Biết làm thơ và chơi quạt”. Vua nhận lời. Một hôm để có bài thơ dâng vua, anh ta đến ngồi dưới một gốc cây tìm tứ. Đang ngồi bỗng có một đàn lợn đến cọ vào người. Anh bật ra một câu: – “Chúng mày cọ đi cọ lại, ta biết âm mưu của chúng mày rồi”. Cho là câu hay, anh về đọc. Vua nghe đúng vào lúc phó cạo hoàng cung đang liếc dao để cạo cho vua. Phó cạo bỗng tái mặt, sụp xuống chân vua, thú rằng lưỡi dao đã tẩm thuốc độc do một quan coi kho xúi hắn. Thế là quan coi kho bị xử tử, chàng vô công rỗi nghề được thế vào. Lần khác đề tỏ ra biết chơi quạt, anh ta vô tình cứu được vua lần nữa về trò chơi của mình. Được cất nhắc làm đại thần, anh ta gọi ông anh của mình đến nhà để giúp đỡ và nói – “Lúc nào định mệnh đang cai quản thế giới, thông minh và cố gắng của anh chả được tích sự gì”.

Truyện Xây-lan (Sri Lanka):

Trong số đại thần của một ông vua, có một ông tính giản dị, không biết chữ, nhưng được vua yêu còn bọn kia thì ganh tỵ. Một hôm, chúng gợi ý cho vua là bắt mọi người làm thơ chúc tụng. Đại thần ta bối rối, nhưng cũng đến ngồi trên một hòn đá ngoài đồng để suy tư. Bỗng có một con trâu đến cà cổ và mài sừng ở hòn đá ấy. Tự nhiên một câu vụt đến: – “Ta há lại không biết mày đang mài lưỡi dao đó sao?”. Hắn đọc cho vua nghe, vua thích thú và cứ ngâm đi ngâm lại nhiều lần. Ở đây cũng có phó cạo cùng đồng lõa âm mưu cắt cổ vua và cũng sụp lạy thú tội khi nghe vua ngâm câu ấy.

Một truyện của Hy-lạp (Grece) và một truyện của Ả-rập (Arabie) cũng gần như thế. Một ông vua mua của một lái buôn ba câu cách ngôn khôn ngoan: câu đầu là: – “Dà, mày làm gì cũng phải thận trọng và nghĩ đến hậu quả”. Vua sai viết câu ấy lên khắp nơi, ngay cả áo quần. Phó cạo đang có âm mưu cắt cổ Vua (ở truyện Ả-rập thì là thầy mổ xẻ âm mưu chích huyết bằng mũi kim có thuốc độc) thấy câu trên ở khăn quấn cổ của vua (ở truyện Ả-rập thì thấy khắc trên bể nước) bèn sụp xuống thú tội[9].

Truyện của người Ca-ma-ôn ở chân núi Hy-mã-lạp(Himalaya):

Một người Bà-la-môn sống bằng nghe hành khất. Một hôm, người vợ nghe tin có một ông vua tốt bụng, ai đến xin cũng cho một đồng vàng và một con bò cái. Vợ giục chồng đi. Chồng bảo: – “Biết nói gì với vua đây?” – “Cứ nói những gì mình thấy dọc đường”, vợ đáp. Lần đầu, anh ta thấy từ trong một cái lỗ, một con mối kêu “Cúc… Cúc”, liền lặp đi lặp lại ngay cho nhớ. Đi một lát thấy một con rắn ăn sâu, anh đứng lại nhìn và nhắc đi nhắc lại: – “Ngẩng cổ thấy hay hay”. Xa nữa thấy một con lợn đang rúc trong bùn, anh lặp lại câu: “Ghi… Ghi… nó đến, nó đi”. Cuối cùng, anh nhờ một người ghi lên giấy, rồi đưa cho vua khi vua cho tiền.

Vua quý tờ giấy ấy, dán ở đầu giường, luôn luôn tụng niệm. Một hôm vua đang ngủ, có kẻ trộm vào cung. Bọn trộm nghe thấy vua nói lắp bắp những câu trên, tưởng vua biết, bên bỏ chạy. Lính gác trong cung bèn đuổi theo bắt được cả bọn. Vua tra hỏi, bọn trộm thú nhận: – “Chúng tôi vào cung định trộm, nhưng mỗi một cử động đều bị bệ hạ biết cả”. Vua bảo: – “Tại sao ta lại biết?”, – “Khi chúng tôi đục tường, bệ hạ nói: – “Cúc… Cúc”. Chúng tôi nghển cổ nghe ngóng, bệ hạ nói: – “Ngẩng cổ thấy hay hay”. Chúng tôi đi từ chỗ này sang chỗ khác, bệ hạ nói: – “Ghi… Ghi. Nó đến, nó đi”. Do đó chúng tôi tin rằng bệ hạ đã biết cả[10]”.

Một số hình tượng trong truyện trạng Bói (tức trạng Lợn) của ta có lẽ đều rút ra từ truyện Bụng làm Dạ chịu. Xem thêm truyện Chàng ngốc học khôn, số 189 tập V.

[1] Theo Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn, và Trương Vĩnh Ký: Chuyện đời xưa.

[2] Theo Mai Ván Tấn. Truyện cổ Vân-kiều.

[3] Ống cọn: ống của bánh xe tưới nước, bánh xe này nhờ sức đẩy của dòng nước mà tự động quay.

[4] Theo Truyện cổ dân gian Việt nam, tập II.

[5] Theo truyện cổ Việt-bắc.

[6] Theo truyện dân gian Miến-điện (Minh Trí, Vấn Mĩnh, Hoàng Hải dịch).

[7] Ý nói: đó là một ngày tốt.

[8] Trong Tạp chí Đông-dương số 1-2 (1974).

[9] Theo Cô- xcanh (Cosquin), Truyền thuyết của quan hầu Thánh Ê-li-da-bét ở Bồ-đào-nha.

[10] Đều theo Truyện cổ tích dân gian miền Lo-ren của Cô- xcanh (Cosquin).

Ngày xưa, có một anh chàng vô công rồi nghề, ngày ngày chỉ biết ăn bám vợ và khoác lác. Người vợ rất lấy làm bực mình vì phải nai lưng ra làm nuôi chồng và ba đứa con. Một hôm, chị vợ bắt anh ta phải đi học một nghề gì để nuôi thân vì mình không cáng đáng nổi nữa. Anh chàng đi lang thang suốt buổi, hết đứng bụi này lại ngồi bụi kia chả học nghề ngỗng gì cả, cho đến xế trưa lại về.

Trước khi vào nhà, hắn đứng nấp sau vách có ý nghe ngóng xem vợ có nói xấu gì mình chăng. Vừa khi người vợ đi chợ về mua được năm tấm bánh gói, chia cho ba đứa con mỗi đứa một cái. Còn lại hai cái, mẹ bảo con đưa vào buồng cất vào trong vại gạo cho cha. Nghe thấy thế, anh ta rất thích, chờ một lúc lâu mới giả bộ đi từ phía cổng bước vào nhà. Vợ hỏi:

– Đã tìm được nghề gì chưa?

– Đã, hắn đáp.

– Nghề gì mà học nhanh thế?

– Tao đi dọc đường gặp một ông thầy hít, ông ấy dạy cho tao bói bằng cách hít. Bây giờ có cái gì cất giấu ở đâu, tao chỉ dùng lỗ mũi hít hít mấy cái là tìm ra ngay. Nào, có cái gì cần tìm để tao làm thử cho mà xem?

Vợ tiếp lời ngay:

– Vậy thì tôi có mua cho hai cái bánh còn cất đi một nơi, cứ hít cho ra mà ăn, như không tìm được thì nhịn vậy!

Thế là anh chàng ngước mũi lên giả bộ hít mấy cái, rồi nói:

– Đúng rồi, nó ở trong vại gạo.

Rồi hắn chạy vào lấy bánh ra ăn trước con mắt kính phục của vợ con.

Người vợ tưởng thật, mừng quá, vội chạy đi loan báo với xóm giềng rằng chồng mình học được nghề thầy hít, thử đoán một việc thấy hay như thần. Từ nay ai có một cái gì cứ đến nhờ anh ấy tìm hộ.

Hôm ấy, trong xóm có một bà mất một ổ lợn con, kiếm khắp mọi nơi không thấy. Nghe nói thế, bà ta vội chạy đến khẩn khoản nhờ tìm. Thật là may cho anh chàng, vì lúc đứng nghỉ ở một bụi tre dọc đường, hắn đã trông thấy bầy lợn con chạy lạc vào đó. Hắn ta mừng quá, bảo bà già: – “Nếu kiếm được thì bà sẽ cho tôi những gì!”. Bà ta hứa cho hai con lợn con. Anh ta cũng giả vờ hít mấy cái rồi dắt bà đến ngay chỗ có lợn. Bầy lợn được tìm ra ngay và sau đó anh được chia hai con như lời chủ nhân đã hứa. Vợ thấy chồng chỉ học một nghề giản dị mà làm ra của dễ dàng thì sung sướng quá, vội chạy về khoe với cha mẹ đẻ. Người cha nghe nói con rể học được phép lạ cũng có ý hâm mộ. Ông ta nói riêng với vợ : – “Bà cứ bảo gọi rể sang đây. Nếu nó chỉ đúng món tiền chôn ở gốc táo sau vườn thì cho nó một nửa”. Ông ta không ngờ chàng rề của ông đã lén theo vợ sang từ lúc nãy và đứng nấp ở một góc nhà. Nghe cha vợ bảo thế, anh ta lén chạy một mạch về nhà rồi giả cách nằm ngủ. Khi vợ và mẹ vợ về, phải thức mãi hắn mới chịu dậy. Thế là anh chàng theo sang nhà ông nhạc, chỉ đúng chỗ chôn của, và được thưởng một nửa số tiền chôn.

Từ đó tiếng đồn về thầy hít lan đi rất nhanh. Cũng vào thời gian ấy trong hoàng cung bỗng xảy ra một vụ trộm lớn. Nhà vua mất trộm một con rùa vàng và một con rùa bạc là hai món bảo vật của vua Trung-quốc tặng. Trong cung rối rít cả lên, chả có cách gì tìm ra thủ phạm cả. Vừa nghe tiếng đồn có thầy hít đại tài, vua vội sai quân lính đi mời về cho bằng được.

Khi thấy sứ giả đến nhà triệu mình, anh chàng vô cùng hoảng hốt. Chót đánh lừa mọi người, anh ta không còn biết than thở với ai cả. Nằm trong cáng dọc đường về kinh đô, anh ta nghĩ bụng: – “Thôi phen này thì bay đầu đến nơi rồi!”. Anh chàng buồn quá, tưởng tượng những nhục hình đang chờ mình ở cung vua mà rụng rời chân tay. Vì thế khi qua sông, anh ta nhảy đại xuống nước, nghĩ rằng thà chết ở đây còn hơn bị kìm kẹp khổ thân. Hai người lính khiêng cáng sợ rằng hắn chết thì tai vạ sẽ đổ lên đầu mình, bèn chia nhau lặn xuống nước tìm và cuối cùng cũng lôi được anh chàng lên bờ. Khi tỉnh lại, hắn ta rất thất vọng, nhưng cũng làm bộ giận, mắng hai người đó:

– Tao xuống để hỏi vua Thuỷ tề xem ai là thủ phạm chứ có can gì mà chúng mày hốt hoảng lên như thế.

Nhưng trong bụng anh ta nghĩ: – “Thế là muốn thoát cũng không thoát nổi. Biết tính làm sao bây giờ?”. Anh chàng lại nằm lên cáng cho hai người kia khiêng đi, miệng lẩm bẩm mấy tiếng:

– Bụng làm dạ chịu, chớ khá than van!

Không ngờ hai người khiêng cáng mà vua sai đi: một người tên là Bụng và một tên là Dạ. Hai đứa đã đồng mưu ăn trộm hai con rùa của vua. Tang vật hiện còn giấu trên máng nhà, chưa đưa đi thoát được. Nay nghe thầy hít lẩm bẩm như thế, tưởng là thầy đã hỏi vua Thủy tề biết rõ cơ sự rồi, bọn họ bèn hạ cáng xuống và lạy thầy như tế sao. Cả hai thú tội cho thầy nghe rồi cuối cùng xin thầy làm ơn giấu giùm, nếu không sẽ khó mà thoát án tử hình.

Nghe đoạn, thầy như mở cờ trong bụng, vội hứa để bọn họ an tâm. Khi gặp vua, anh chàng lại giở giói phép hít của mình và quả nhiên tìm được hai bảo vật còn giấu ở trên ống máng. Nhà vua thán phục tài năng của anh, tặng thưởng rất hậu, lại ban cho tước lớn.

Anh ta về nhà chưa được bao lâu thì bỗng một hôm được sứ Trung quốc tìm đến tận nhà ngỏ lời mời mọc khẩn khoản. Số là trong cung cấm của hoàng đế Trung-quốc vừa xảy ra một mẻ trộm rất lớn. Nhiều món bảo vật quý giá nhất trần đời đều bị bọn người táo gan lấy mất. Nhiều thầy bói được vời đến cung nhưng chả nên tích sự gì cả. Nay nghe tiếng có thầy hít Việt-nam đại tài nên phái sứ giả sang mời tìm hộ. Nếu tìm được bảo vật, hoàng đế sẽ ban tứ rất hậu.

Anh chàng lần này lại lo sốt vó, có thể nói hơn cả mấy lần trước. Vừa qua một khúc sông, anh ta đã nhảy ngay xuống nước định tự vẫn như lần trước. Không ngờ người ta lại cứu được lên. Nhưng lần này không hiểu anh ta nhảy thế nào mà khi lên bị sứt một một bên mũi. Hồi tỉnh lại, anh chàng chỉ cái mũi sứt nói với sứ giả Trung-quồc rằng: – “Tôi nhờ có cái mũi này mới làm ăn được. Nay con cá nóc đã cướp mất sự mầu nhiệm của tôi rồi, còn gì mà sang nữa”. Sứ giả không biết nói thế nào, đành phải để cho anh ta trở lại nhà[1].

KHẢO DỊ

Nhiều người chỉ kể có một phần của truyện trên: hoặc kể phần đầu nhưng không nói đến việc hít, mà chỉ nói đến một nhành tre để anh chàng cầm về, nói là có phép tìm ra vật giấu kín, hoặc kể phần cuối nhưng thay cho “Bụng làm Dạ chịu là “Quýt làm Cam chịu”, v. v… Truyện của ta tương tự với khá nhiều truyện của các dân tộc trong nước và trên thế giới.

Trước hết là truyện của dân tộc Vân-kiều. Thầy mo ngửi, cũng có một nhân vật vì trót giả điên lừa vợ và cả làng rằng mình có phép dùng mũi hít có thể tìm ra vật bị mất. Cũng gần như truyện của ta, đầu tiên anh tìm cho vợ một dụng cụ làm cỏ mà anh cố ý giấu đi một nơi. Sau đó, anh tìm ra chum bạc của bố vợ chôn ở gốc mía (do anh đến nhà nấp kín một chỗ nghe được). Nhưng khác với truyện của ta, anh lần lượt giải đáp đúng hai cuộc đố với hai bọn lái buôn bằng cách trước khi vào cuộc, cải trang tới làm quen với họ, để tìm ra điều bí mật. Cuộc đố thứ nhất là bắt hai con mèo buộc vào cổ hai con voi, xem con nào đực con nào cái. Cuộc thứ hai đem một khúc gỗ chỉ đàng nào gốc đàng nào ngọn, v. v… Anh đều thắng lợi và chiếm được của cải hàng hóa bộn bề. Nhà vua cũng nghe tiếng anh, triệu về không phải để tìm bảo vật bị mất mà để bắt anh trị một con hổ dữ. Anh đi cùng với một toán lính, nhưng vừa thấy hổ thì đã chết ngất. Bọn lính đuổi hổ đi, ném anh vào giữa một bụi tre rồi bỏ về. Tỉnh dậy anh thấy hổ gầm ghè xung quanh bụi tre. Chờ khi hổ ngồi thò đuôi vào bụi, anh lẳng lặng chẻ lạt, dùng lạt buộc đuôi hổ vào gốc tre. Hổ lồng lộn vẫn không rút được đuôi, lại bị anh thò dao cắt mất dái, lăn ra chết. Thế là anh trở về tâu vua đã giết được hổ và cải chính cái tin chết ngất do bọn lính tung ra; anh nói lúc đó mình nằm xuống làm phép, v. v… Lần thứ hai vua bắt anh cầu đảo gọi mưa, làm được vua sẽ nhường ngôi cho, nếu không thì chém đầu. Anh trở về hoảng quá, đi cả ra khố. Không ngờ nước đái rơi vào đầu một con cóc. Cóc sợ anh xối nước mặn vào hang của nó, xin tha, và báo cho anh biết ngày nọ tháng nọ sẽ mưa lụt. Anh về bày đàn làm bộ cầu cúng, quả nhiên có mưa to. Vua giữ lời hứa nhường ngôi[2].

Thứ hai là truyện của đồng bào Tày:

Khọn, một anh chàng chỉ có một con trâu, một hôm không biết chăn thế nào để trộm lấy mất. Anh bèn chặt một ống cọn[3] rồi về bảo với vợ rằng mình đã đổi trâu lấy cái ống này có phép tìm ra vàng bạc. Vợ về mách bố, bố sợ rể có phép lấy mất vàng bạc của mình, bèn mang chôn giấu ban đêm. Không ngờ chàng rể đã ngồi rình trên ngọn cây, thấy hết. Nhân bố vợ thách tìm của, Khọn bèn làm bộ nhờ cái ống mà phát hiện ra những của cải đó, và được bố vợ chia cho một nửa.

Sau đó vua mất cái ấn vàng, đòi Khọn – bấy giờ đã nổi tiếng – đến tìm. Cũng như truyện của ta, ngồi trên kiệu về cung, Khọn than thở: – “Thằng đầu chết, thằng bụng cũng hết sống”. Không ngờ ăn trộm ấn vàng lại là hai người khiêng kiệu; thấy anh nói thế tưởng anh đã biết, vội lạy anh để anh giấu đi cho. Do đó mà Khọn tìm ra ấn và được vua thưởng hậu.

Nhưng rồi về sau Khọn thấy phải tống khứ cái ống nguy hiểm có thể làm anh mất đầu. Một hôm anh làm một mâm cỗ linh đình đặt sẵn trong hang kín.. Rồi anh nói với một bọn lái trâu về sự mầu nhiệm của cái ống có thể làm ra cơm rượu. Bọn lái trâu thấy anh gõ vào ống và thấy có cơm rượu thật, bèn gạ đổi đàn trâu. Dĩ nhiên là Khọn ưng thuận[4].

Đồng bào Tày còn có truyện một người dốt đặc cán mai nhờ may mà đỗ Trạng. Tất cả những hành động của Trạng đều là nhờ vợ vô tình làm cho, mà kết quả, tiếng khen lại dồn vào Trạng. Sau đó một hôm, Trạng được làng cử đi đánh chiêng làm lễ cầu mát. Trạng cột một sợi dây vào chân nhờ vợ giật để ra hiệu đánh cho đúng lễ nghi: không ngờ người ta đi lại vấp dây lia lịa. Tưởng vợ nhắc, Trạng cũng vội đánh chiêng lia lịa. Dân đang ngơ ngác vì thấy Trạng đánh loạn xạ thì bỗng thấy sau xóm có đám cháy, nên cho là Trạng tiên tri đánh chiêng cho dân di chữa cháy.

Phần sau cũng như truyện trên, nghe nói Trạng tiên tri, vua bèn cho gọi về triều để tìm cái ấn vàng. Trạng lo quá bảo vợ: – “Thôi đêm nay ta quyết tử cho rồi!”. Không ngờ con “quỷ cốt tử” là kẻ ăn trộm ấn vàng nghe vậy, tưởng Trạng biết sự thực, bèn tìm tới xin Trạng tha đừng tâu vua. Trạng chỉ mong có thế[5].

Truyện Miến-điện (Myanmar) Chàng lừa phỉnh và chàng nói khoác:

Có hai chàng túng đói tìm cách làm ăn. Một người đánh cắp một con trâu giấu đi, rồi tìm đến chủ có trâu nói có ông thày bói giỏi. Chàng lừa phỉnh làm bộ bói, chỉ đúng được thưởng 10 đồng. Lúc ấy thôn trưởng mất một hộp thuốc lá bằng vàng, nghe tiếng, gọi đến, bắt bói và dọa nếu chạy trốn sẽ ra lệnh cả làng đuổi bắt. Đành phải ở lại than với nhau: – “Chỉ nên trách thời vận thôi”. Không ngờ kẻ trộm vốn tên là Thời Vận, nghe thế tưởng thầy đã biết, sụp lạy xin tha. Thế là hai người chỉ cho thôn trưởng chỗ giấu hộp. Nhà vua nghe tin bói giỏi, họi họ về triều vì có một bọn lái buôn chở tới bảy thuyền châu báu đánh cuộc với vua, nếu đoán được trong một cái hộp có gì họ sẽ mất tất cả thuyền hàng, trái lại thì vua mất vương quốc. Hai chàng lần này lo sốt vó, tính nhảy xuống nước chết cho rồi, nhưng họ lại biết bơi, đành bảo nhau cứ bơi ra khơi cho đến khi không bơi được nữa là chết. Không ngờ khi bơi qua bảy chiếc thuyền, bỗng nghe đứa con đầu bếp của bọn lái buôn đang hỏi bố nó trong hộp có gì. Bố nó đáp: – “Trong hộp sắt là hộp đồng, trong hộp đồng là hộp bạc, trong hộp bạc là hộp vàng, trong nữa là một lạng chất thơm thượng hạng”.

Nghe thế hai chàng lại bơi trở vào, nói cho vua hay và vua thắng cuộc. Sau đó một hôm trong khi chàng nói khoác vào cung, thì chàng lừa phỉnh ở nhà đổi quách nhà và làm bộ bị bỏng. Lành rồi, hắn vào tâu vua là sách bói đã cháy mất không thể làm ăn được nữa. Vua bèn cho họ làm quan[6].

Một truyện của Ấn-độ cũng rất gần với truyện của ta, chỉ có khác là không nói tới việc hít và ở đoạn cuối tình tiết có hơi khác. Chằng hạn, khi vợ sang khoe tài chồng mình ở nhà bố mẹ đẻ, anh chàng tự xưng đoán giỏi cũng chạy sang trốn ở một xó, nhìn trộm người ta ăn uống. Đêm đến hắn làm bộ mới ở nhà mình sang, nói với mẹ vợ: – “Tôi có thể biết những người khác ăn gì”. Mẹ vợ bảo hắn: – “Thế ngày hôm nay mấy đứa con tôi ăn những gì nào?”. Hắn kể ra vanh vách. Mẹ vợ rất thán phục. Tin hắn giỏi đoán truyền đến vua. Vua cho gọi đến. Trong tay cầm một con dê, vua bảo hắn: – “Nghe nói mày giỏi đoán, vậy phải đoán cho ra trong tay tao cầm gì? Hắn sợ quá buột miệng kêulên: “Pi-la-găng-ti ơi, giờ chết của mày đã điểm rồi!” Pi-la-găng-ti là tên của của hắn mà cũng là tiếng Ấn chỉ con dê. Vua tưởng hắn có tài, trọng đãi và cho về. Ít lâu sau, vua mất một chuỗi ngọc, cho gọi hắn vào cung bắt nội trong 15 ngày phải tìm cho ra, nếu không sẽ treo cổ. Hắn bỏ cả ăn uống, chỉ mếu máo kêu tên mẹ và bà: “Ối Xu-ni-da, ối Mu-ni-da ơi, biết làm sao đây!” – Chính hai người hầu của vua có tên như thế dã ăn trộm chuỗi ngọc. Chúng nó nghe thấy hô danh mình thì sợ quá, bèn thú thật với thầy và chỉ chỗ giấu ngọc. Thế là hắn thành công và được vua ban rất hậu.

Một truyện Ấn-độ khác từng chép trong sách Biển truyện (Kathâ Sarit-sâgara) từ thế kỷ thứ XII:

Một người bà-la-môn nghèo tên là Ha-ri-xác-măng. Vì không nuôi nổi một đàn con, phải đi ở với một người giàu. Người này làm lễ cưới cho con gái mà không mời anh ta. Anh chàng giận lắm, dặn vợ: – “Có dịp cứ mách với họ là ta bói giỏi”. Bèn vào chuồng ngựa nhà chủ dắt một con giấu vào rừng. Nhà chủ mất ngựa, tìm mãi không thấy. Người vợ bèn mách rằng chồng mình bói giỏi. Thấy họ khẩn khoản, anh chàng giả vờ làm như kiểu thầy bói thực thụ, và cuối cùng dĩ nhiên tìm ra được ngựa. Từ đó mọi người phục chàng như thần. Tiếng đồn lan ra khắp nơi. Một hôm trong cung vua có vụ trộm lớn mất nhiều vàng ngọc và của quý. Vua gọi anh ta đến và bắt tìm cho ra. Hắn xin khất đến mai. Của cải của vua vốn bị một tên thị tỳ trong cung tên Đô-ri-hô-va (cái lưỡi) lấy trộm. Người thị tỳ ấy đến nghe ngóng từ buồng chàng. Giữa lúc đó Ha-ri-xác-măng đang chửi cái lưỡi của mình đã làm mình khốn khổ. Thị tì tưởng thầy đã biết, nên mở cửa chạy vào thú tội và xin thầy thương cho. Sáng mai anh chàng chỉ cho vua những của đã mất. Vua toan thưởng thì một viên quan cố vấn không chịu tin, bắt thử lại. Người ta mang đến một cái chậu úp, trong có một con cóc, bắt đoán. Anh chàng tưởng nguy đến nơi. Hắn nhớ hồi nhỏ cha mình thường gọi mình bằng cóc nên kêu lên: – “Cóc ơi! Ít ra trước kia mày cũng tự do hơn bây giờ”. Vua nghe nói ngỡ hắn đoán đúng: khen ngợi và thưởng rất hậu.

Người Ai-cập cũng có truyện một anh lái buôn vỡ nợ, do vợ xúi giục đi ra nước ngoài làm nghề bói bất đắc dĩ. Được vua gọi vào cung thử tài, hắn lo sợ đến mất mật. Nhưng hắn vô tình đoán trúng chỗ giấu con châu chấu và con chim sẻ bằng cách gọi tên mình và tên vợ ra để than thở. Một lần khác. để tìm một vụ trộm lớn trong cung, hắn giao cho vợ một túi sỏi và vợ hắn tình cờ ném trúng mấy lần vào đầu những tên trộm đứng rình nghe ngóng. Thế là bọn trộm tưởng thầy đã biết, vội tặng hắn tiền đế hắn đừng làm cho chúng phải treo cổ.

Phần cuối còn có tình tiết: một hôm các vua láng giềng gọi bọn thầy bói của mình đến để thi tài với hắn. Các vua cho bí mật chôn dưới đất: một nồi sữa, một nồi mật và một nồi đậu. Các thầy bói kia chịu không đoán ra. Đến lượt hắn, hắn ngoảnh bảo vợ: – “Tất cả đều tại mình, thôi chúng ta có thể khuân đồ đạc đi khỏi nước này, lần thứ nhất là sữa, lần thứ hai là mật, lần thứ ba là đậu”. Do là hắn kể những thức ăn mà vợ hắn mới mua. Các vua tắc lưỡi và thưởng hắn rất hậu.

Ở phương Tây cũng có nhiều truyện cổ tích gần giống với truyện của chúng ta. Dưới đây là truyện Ông thầy pháp, của người Pháp, mà người Bồ-đào-nha (Portugal), người Anh, người Ý (Italia), Tây-ban-nha (Espana) cũng kể tương tự:

Một chàng trẻ tuổi một hôm bỗng tự xưng là thầy pháp, có khả năng tìm thấy những vật bí mật. Một bà chúa mất một chiếc nhẫn quý, gọi hắn đến bắt tìm cho ra thủ phạm. Ông chúa hỏi: – “Mày đòi công bao nhiêu?” – “Ba bữa ăn”, hắn đáp – “Được”.

Người đầu bếp mang đến cho hắn bữa ăn đầu tiên. Hắn nói : – “Đó là một”. Thì chính tên đầu bếp ấy lại là một trong những tên trộm chiếc nhẫn của chủ. Nó trở về nói lại với đồng lõa. Lần sau người thứ hai lại mang thức ăn đến. Hắn lại nói: – “Đó: đã hai rồi”. Lần thứ ba cũng thế. Cả ba tên trộm sợ quá, vì tưởng hắn đã biết, bèn đến gặp hắn thú thật, và, hẹn nếu không mách chủ, chúng sẽ tặng một nửa của cải. Hắn bày một mẹo là bắt một con gà cho nó nuốt chiếc nhẫn vào bụng.

Tuy được nhẫn quý, ông chúa vẫn không tin, lại sai bắt một con dế để lên đĩa, trên úp một cái chuông con, rồi bảo hắn: – “Trong ấy có gì nói ngay, nếu không hai khẩu súng lục đây tao sẽ bắn mày vỡ óc”. Hắn không còn biết làm thế nào đành than một mình: – “Thân ta như con dế bị bắt”. Đó là hắn nói theo một câu tục ngữ “tình trạng bối rối như con dế bị bắt” nhưng cũng làm cho ông chúa tưởng là thầy đoán giỏi.

Truyện của người Na-uy ( Norvège) đại khái cũng như truyện của người Pháp:

Một người đốt than một hôm mua được cái áo cũ của một ông thầy cả. Anh ta mặc vào người và tự cho mình là tiên tri. Vua mất cái nhẫn quý. Anh ta gõ cửa nhà vua, nói mình có thể tìm được. Vua hẹn cho ba ngày phải tìm cho ra, nêu không sẽ đuổi. Chiều hôm đầu tiên một người hầu – chính là một trong những tên trộm – mang thức ăn đến. Khi ăn xong, nó bưng mâm đi, anh ta nói: “Đó là một đã đi rồi” (tức là một ngày đã qua). Việc cũng diễn ra như thế đối với hai người hầu sau đều là đồng lõa ăn trộm chiếc nhẫn. Họ cho là thầy đã biết hết và tìm đến thú thực với thầy. Anh ta bảo kiếm một con lợn to cho nó nuốt chiếc nhẫn. Sau đó, vua lấy một cái bình bạc có nắp đi ra bờ biển, một lúc sau vào gọi anh ta đến đoán cái gì trong bình. Anh ta than một mình: – “Ôi cua tội nghiệp! Xảy ra cho mày bao nhiêu là thử thách”. Đúng là con cua mà nhà vua đã bỏ vào bình để đố.

Một loạt truyện sau đây tuy hình tượng đã đổi khác nhưng câu nói dẫn đến sự hiểu lầm vẫn giữ nguyên, cũng đều là dị bản của các truyện trên. Truyện của người Đức:

Một người đàn bà có thói quen ngáp ba lần trước khi đi ngủ. Một hôm có ba tên trộm toan vào nhà khoắng của. Khi một đứa trèo thang nhìn vào cửa sổ thì vừa đúng lúc người đàn bà ngáp. Mụ nói to: – “Đó là một”. Tên kia cho là bị lộ chạy ra nói với đồng bọn. Tên thứ hai thấy yên yên lại trèo lên, vừa vặn lúc mụ ngáp cái thứ hai: – “Đó là hai!”. Lúc sau, tên trộm thứ ba sắp trèo thì cái ngáp thứ ba cũng đến với mụ ta cùng câu nói: – “Đó là ba”. Ba tên chạy mất mật.

Truyện của người Pháp:

Một người mẹ có đứa con ăn không ngồi rồi. Một hôm mẹ bảo con: – “Khi người ta muốn có một ngày tốt thì phải dậy sớm”. Đứa con nghe lời, dậy rất sớm đi ra khỏi thành phố, đứng ở cửa thành. Có ba anh đêm qua đào được một kho của bí mật đem về. Người thứ nhất gặp anh chào: – “Bông jua” (tiếng chào này cũng có nghĩa là ngày tốt). Anh chàng nói: – : “Đó là một”[7]. Người kia tưởng việc bí mật của mình đã bị lộ. Sau câu chuyện cũng lần lượt diễn ra như thế đối với người thứ hai, thứ ba. Tưởng là anh chàng đã biết cả, ba người bèn chia cho anh một phần tư kho của.

Những truyện sau đây có thể xếp vào một nhóm, vì cùng chung một loại hình tượng làm trung tâm cho câu chuyện:

Truyện từ sách Chú giải về Phật pháp (Dhammpadattha Kathâ):

Một người Ba-la-môn đi từ Bê-na-réx đến xứ Tắc-ca Si-la để học khoa học, hy vọng trở thành bậc thánh. Thầy giáo hắn có 500 đồ đệ mà trung thành tận tụy nhất là anh này vì hắn hầu hạ thầy bao nhiêu năm không tiếc sức. Nhưng hắn lại quá khờ khạo, nhét mấy cũng không vào. Thầy bụng bảo dạ: -“Phải giúp cho nó một cái gì để trả ơn. Khi một đứa dốt đã học được cái gì nhập tâm là nó không quên”. Bèn dạy cho câu chú bắt phải nói đi nói lại hàng ngày: – “Mày xát, mày xát, tại sao lại xát? Ta biết hết ý định cả rồi!”. Học xong anh trở về quê hương.

Hồi ấy vua Bê-na-rex thường cải trang đi khắp thành phố để nghe ngóng ý dân. Một đêm vua dừng lại trước nhà anh chàng đúng lúc bọn trộm đào ngạch rồi chui vào nhà. Chàng trẻ tuổi đang ngủ chợt tỉnh giấc, miệng quen thói nói ngay câu trên. Bọn trộm hoảng hồn, lỉnh mất.

Vua điều tra biết anh chàng học khoa học từ Tắc-ca Si-la về, nên ngày mai cho gọi anh đến bảo dạy cho mình cái môn học được. Học xong, vua thưởng cho một ngàn đồng vàng. Từ đó vua luôn mồm học câu nói kia. Ít lâu sau một quan đầu triều âm mưu giết vua, hắn đồng mưu với người phó cạo sẽ cắt cổ vua khi cạo gáy, và hứa sẽ cho y làm quan đầu triều nếu mình làm vua. Sắp cạo, vua đọc “câu chú” trên. Người phó cạo toát mồ hôi trán, vứt dao, sụp lạy. Vua bảo: – “Có gì cứ nói đừng sợ”. Hắn kể lại mọi việc. Vua nghĩ bụng: “Nhờ thầy ta, ta mới sống được”. Bèn bắt quan đầu triều đi đày rồi cho anh chàng thế chân[8].

Một truyện ở Bắc âu:

Một chàng vô công rỗi nghề, em của một nhà thông thái nghèo khổ, một hôm đến nhà vua xin việc làm. Vua hỏi: – “Anh biết gì?”. Đáp: – “Biết làm thơ và chơi quạt”. Vua nhận lời. Một hôm để có bài thơ dâng vua, anh ta đến ngồi dưới một gốc cây tìm tứ. Đang ngồi bỗng có một đàn lợn đến cọ vào người. Anh bật ra một câu: – “Chúng mày cọ đi cọ lại, ta biết âm mưu của chúng mày rồi”. Cho là câu hay, anh về đọc. Vua nghe đúng vào lúc phó cạo hoàng cung đang liếc dao để cạo cho vua. Phó cạo bỗng tái mặt, sụp xuống chân vua, thú rằng lưỡi dao đã tẩm thuốc độc do một quan coi kho xúi hắn. Thế là quan coi kho bị xử tử, chàng vô công rỗi nghề được thế vào. Lần khác đề tỏ ra biết chơi quạt, anh ta vô tình cứu được vua lần nữa về trò chơi của mình. Được cất nhắc làm đại thần, anh ta gọi ông anh của mình đến nhà để giúp đỡ và nói – “Lúc nào định mệnh đang cai quản thế giới, thông minh và cố gắng của anh chả được tích sự gì”.

Truyện Xây-lan (Sri Lanka):

Trong số đại thần của một ông vua, có một ông tính giản dị, không biết chữ, nhưng được vua yêu còn bọn kia thì ganh tỵ. Một hôm, chúng gợi ý cho vua là bắt mọi người làm thơ chúc tụng. Đại thần ta bối rối, nhưng cũng đến ngồi trên một hòn đá ngoài đồng để suy tư. Bỗng có một con trâu đến cà cổ và mài sừng ở hòn đá ấy. Tự nhiên một câu vụt đến: – “Ta há lại không biết mày đang mài lưỡi dao đó sao?”. Hắn đọc cho vua nghe, vua thích thú và cứ ngâm đi ngâm lại nhiều lần. Ở đây cũng có phó cạo cùng đồng lõa âm mưu cắt cổ vua và cũng sụp lạy thú tội khi nghe vua ngâm câu ấy.

Một truyện của Hy-lạp (Grece) và một truyện của Ả-rập (Arabie) cũng gần như thế. Một ông vua mua của một lái buôn ba câu cách ngôn khôn ngoan: câu đầu là: – “Dà, mày làm gì cũng phải thận trọng và nghĩ đến hậu quả”. Vua sai viết câu ấy lên khắp nơi, ngay cả áo quần. Phó cạo đang có âm mưu cắt cổ Vua (ở truyện Ả-rập thì là thầy mổ xẻ âm mưu chích huyết bằng mũi kim có thuốc độc) thấy câu trên ở khăn quấn cổ của vua (ở truyện Ả-rập thì thấy khắc trên bể nước) bèn sụp xuống thú tội[9].

Truyện của người Ca-ma-ôn ở chân núi Hy-mã-lạp(Himalaya):

Một người Bà-la-môn sống bằng nghe hành khất. Một hôm, người vợ nghe tin có một ông vua tốt bụng, ai đến xin cũng cho một đồng vàng và một con bò cái. Vợ giục chồng đi. Chồng bảo: – “Biết nói gì với vua đây?” – “Cứ nói những gì mình thấy dọc đường”, vợ đáp. Lần đầu, anh ta thấy từ trong một cái lỗ, một con mối kêu “Cúc… Cúc”, liền lặp đi lặp lại ngay cho nhớ. Đi một lát thấy một con rắn ăn sâu, anh đứng lại nhìn và nhắc đi nhắc lại: – “Ngẩng cổ thấy hay hay”. Xa nữa thấy một con lợn đang rúc trong bùn, anh lặp lại câu: “Ghi… Ghi… nó đến, nó đi”. Cuối cùng, anh nhờ một người ghi lên giấy, rồi đưa cho vua khi vua cho tiền.

Vua quý tờ giấy ấy, dán ở đầu giường, luôn luôn tụng niệm. Một hôm vua đang ngủ, có kẻ trộm vào cung. Bọn trộm nghe thấy vua nói lắp bắp những câu trên, tưởng vua biết, bên bỏ chạy. Lính gác trong cung bèn đuổi theo bắt được cả bọn. Vua tra hỏi, bọn trộm thú nhận: – “Chúng tôi vào cung định trộm, nhưng mỗi một cử động đều bị bệ hạ biết cả”. Vua bảo: – “Tại sao ta lại biết?”, – “Khi chúng tôi đục tường, bệ hạ nói: – “Cúc… Cúc”. Chúng tôi nghển cổ nghe ngóng, bệ hạ nói: – “Ngẩng cổ thấy hay hay”. Chúng tôi đi từ chỗ này sang chỗ khác, bệ hạ nói: – “Ghi… Ghi. Nó đến, nó đi”. Do đó chúng tôi tin rằng bệ hạ đã biết cả[10]”.

Một số hình tượng trong truyện trạng Bói (tức trạng Lợn) của ta có lẽ đều rút ra từ truyện Bụng làm Dạ chịu. Xem thêm truyện Chàng ngốc học khôn, số 189 tập V.

[1] Theo Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn, và Trương Vĩnh Ký: Chuyện đời xưa.

[2] Theo Mai Ván Tấn. Truyện cổ Vân-kiều.

[3] Ống cọn: ống của bánh xe tưới nước, bánh xe này nhờ sức đẩy của dòng nước mà tự động quay.

[4] Theo Truyện cổ dân gian Việt nam, tập II.

[5] Theo truyện cổ Việt-bắc.

[6] Theo truyện dân gian Miến-điện (Minh Trí, Vấn Mĩnh, Hoàng Hải dịch).

[7] Ý nói: đó là một ngày tốt.

[8] Trong Tạp chí Đông-dương số 1-2 (1974).

[9] Theo Cô- xcanh (Cosquin), Truyền thuyết của quan hầu Thánh Ê-li-da-bét ở Bồ-đào-nha.

[10] Đều theo Truyện cổ tích dân gian miền Lo-ren của Cô- xcanh (Cosquin).

Chọn tập
Bình luận