Ngày xưa có hai anh chàng cùng yêu một cô gái và cùng một lúc đến dạm nàng làm vợ. Trong khi cô gái đang phân vân chưa biết nên lấy người nào thì hai người đàn ông đã rủ nhau ra một quán rượu làm quen và tỏ ý thương lượng với nhau về việc dạm vợ.
Người thứ nhất vui vẻ cho biết tên mình là Trần Lực, làm đầy tớ cày cho một ông bá hộ ở một làng nọ. Thấy hắn có vẻ cởi mở, anh chàng thứ hai tên là Lê Đô cũng không giấu giếm nghề nghiệp đào tường khoét vách của mình. Nhưng khi nói đến chuyện dạm vợ, cả hai người không ai chịu nhường ai. Cuối cùng, Lê Đo bàn với Trần Lực hãy cùng mình thi tài, nếu người này nhận rằng người kia giỏi hơn, thì sẽ tự nguyện rút lui, nhường cô gái cho người kia lấy làm vợ. Trần Lực nghĩ ngợi một lát rồi cũng gật đầu nhận lời.
Lê Đô đưa Trần Lực về nhà mình, tiếp đãi rất tử tế. Tối hôm ấy, hắn bảo anh chàng đi theo mình. Sau khi dắt bạn đi quanh quẩn bao nhiêu xóm làng, ruộng đồng, đến một nơi kia, hắn bảo:
– Nhà này cũng không giàu lắm, nhưng hắn mới đưa dâu về. Đêm nay tôi muốn mượn tạm chiếc áo cô dâu đang mặc. Và tôi sẽ lấy được cho bác xem.
Nói đoạn, hắn cắt rào chui vào, rồi mở cổng cho Trần Lực vào theo. Hai người trèo lên nóc nhà. Trần Lực rất lo ngại, nhưng Lê Đô ngắm nhìn bốn phía nhà hồi lâu rồi bảo nhỏ bạn:
– Nhà này chỉ có hai cửa. Cửa phía Đông thì có một con chó đang nằm canh giữ. Còn phía Nam có một người đang ngồi vót mây. Thế là khó vào rồi đấy. Nhưng tôi đã có cách.
Hắn bèn tụt xuống đi đến cửa phía Nam rình trong xó tối. Nhìn thấy mây của người kia đang vót là một sợi rất dài, vắt từ trong thềm nhà ra đến cuối sân, hắn bèn lén nắm lấy đầu sợi dây mây giật nhẹ một cái. Người vót mây bị hụt tay, dao cứa sâu vào ngón. Nhưng hắn vẫn tưởng mình lỡ tay chứ không biết có người gây nên. Đau quá, hắn nắm lấy ngón tay bị thương, bật lên mấy tiếng “chắt, chắt…” ở đầu lưỡi. Con chó tưởng chủ gọi cho ăn bèn từ cửa phía Đông ngoắt đuôi chạy đến. Thừa dịp tốt đó, Lê Đô đưa bạn vào nhà. Họ tìm đến buồng cô dâu chú rể. Hai người lúc ấy đang ngủ say. Lê Đô tìm một quả trứng đập giập, nhân lúc cô dâu nằm ngoảnh mặt vào vách, bèn cho vương vãi lòng trắng trứng xuống chiếu, rồi trở lại nấp vào một xó ngồi chờ. Được một chốc, cô dâu quay mặt trở ra nằm lên vũng nước trứng, nước trứng thấm vào áo, từ áo thấm vào da, làm cho nàng sực tỉnh. Khi thấy áo ướt, nàng lồm cồm dậy thay, đoạn trở lại nằm xuống như cũ. Lê Đô lập tức trộm lấy chiếc áo rồi nói với Trần Lực:
– Chỉ lấy có chiếc áo thôi, chưa hẳn cô dâu đã dám kêu, mất trộm. Vậy chúng ta phải lấy thêm một cái gì cho chúng nó biết là đêm nay có kẻ vào thăm nhà.
Nói đoạn, hắn lần đến hòm, mở ra, lấy món nữ trang đưa cho Trần Lực xem, rồi hai người tháo lui.
Trần Lực tấm tắc khen hắn tài giỏi. Nhưng anh cũng cố nèo mời Lê Đô về nhà mình chơi. Lê Đô hỏi:
– Anh đang kỳ hạn ở cày với chủ. Vậy đến nhà anh có bất tiện không?
Trần Lực cười và trả lời:
– Không. Đến nhà tôi tức là đến nhà lão chủ của tôi đấy. Lão chủ của tôi kể ra cũng khó tính. Nhưng không việc gì đâu, tôi đã có cách làm cho hắn tiếp đãi bác tử tế. Bác cứ đi với tôi, đừng lo gì cả.
Hai người ra đi. Lúc sắp tới nhà, Trần Lực bảo bạn:
– Lão chủ nhà tôi nóng nảy lắm. Về đây tôi sẽ bảo nó leo lên leo xuống trên mái nhà ít nhất là hai lần để cho nó dịu cái tính nóng đi trước khi tiếp bạn. Và tất nhiên, hôm nay tôi bảo nó để tôi ở nhà ít nhất là một ngày để tôi tiếp bạn tôi. Trước tiên bác hãy khoan vào vội, chỉ đứng ngoài cửa chỗ kho lúa này mà nhìn vào, để thấy chút tài mọn của tôi. Bao giờ tôi ra đón bác hãy vào.
Trần Lực bước vào nhà, Lê Đô đứng ngoài nhìn theo thấy hắn đến kho lúa, bắc thang lên tường, lại dùng chân in những vết chân đất lên tường, lên nóc và lên thang,v.v… rồi mới vào nhà. Một lúc, thấy cả chủ nhà lẫn đầy tớ chạy ra kho lúa nhìn lên những cái dấu chân. Lão chủ bộ dạng hớt hơ hớt hải, bảo Trần Lực:
– Thôi, mày hãy nghỉ cày một bữa rồi trèo lên xem xét tất cả cho tao một lượt!
Trần Lực vâng lời, làm như chủ dặn. Nhưng lão chủ không tin ở đầy tớ. Hắn tự mình cởi áo, chật vật lắm mới đưa được tấm thân phục phịch lên chạn lúa, rồi leo lên nóc nhà quan sát rất kỹ lưỡng. Thế mà lúc bước chân xuống đất, tính đa nghi bắt hắn ta lại hì hục trèo lên một lần nữa.
Một lúc sau, giữa khi Lê Đô đang ngồi đợi ở một gốc cây, đã thấy Trần Lực bước ra tươi cười:
– Bác có thể vào được rồi. Hôm nay tôi được nghỉ để chẻ lạt tu bổ hàng rào. Tôi đã báo cho chủ biết bác là bạn thân của tôi. Bác chả phải lo gì sất. Chỉ khi chủ nó hỏi, bác cứ nói là mình làm lính lệ ở phủ về chơi. Thế là đủ.
Lê Đô bước vào nhà. Thấy lão bá hộ chủ của Trần Lực, hắn ta có vẻ sợ sệt , chỉ sợ vỡ chuyện nó đi trình làng thì lôi thôi. Ban đầu lão bá hộ khinh Lê Đô ra mặt, chỉ ậm ừ chứ không thèm chào. Nhưng khi nghe Trần Lực nói người quen của mình làm lính lệ ở một phủ gần phủ nhà thì hắn tỏ vẻ cung kính ngay. Mặc dầu là người quen của đầy tớ, hắn cũng hối hả bảo người nhà làm cơm dọn rượu tiếp đãi rất tử tế.
Xong cuộc đó, Lê Đô vẫn tự cho là mình giỏi hơn Trần Lực. Nhưng Trần Lực nhất định không chịu. Cuối cùng, hai người dắt nhau đến nhà một ông đồ để nhờ ông ta phân xử.
Gặp ông đồ, hai người kể tất cả câu chuyện cho ông nghe. Đoạn cùng nói:
– Cụ vì lẽ công bằng phân xử hộ cho ai là người đáng được làm chồng cô gái đó.
Cụ đồ trả lời:
– Hai người hãy nghe câu chuyện này: có hai con mèo, một con chuyên ăn vụng của nhà, còn một con chuyên ăn vụng của xóm giềng. Cả hai đều ăn vụng được luôn và lần nào cũng trót lọt. Vậy hai người thử nghĩ cho kỹ xem con nào tài hơn?
Hai người ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đồng thanh cho con mèo ăn vụng của nhà là hơn.
Cụ đồ tiếp luôn:
– Vậy thì trong hai người đây, có tài hơn phải là người đã dùng mưu thường xuyên bắt chủ theo ý mình. Chứ còn thỉnh thoảng đi ăn trộm được một vài nhà sơ ý thì đâu phải là chuyện khó. Vả lại cũng chả hay hớm gì khi đem tài trí ra để chiếm đoạt của cải của người khác. Cho nên tôi cho rằng anh Đô nên nhường bước trước cho anh Lục mới phải.
Ở nhà cụ đồ ra Lê Đô vui lòng nhường cô gái cho Trần Lực. Hai người sau đó kết bạn với nhau thân thiết.[1]
KHẢO DỊ
Một truyện của Ba-tư (Iran) có những nét giống với truyện trên:
Một người đàn bà đồng thời lấy hai người chồng. Hai người đàn ông ở chung một nhà, có chung một vợ mà không biết nhau vì một người làm nghề ăn cắp, chỉ ở nhà vào ban đêm, và một người làm nghề ăn trộm chỉ ở nhà vào ban ngày. Nhờ một cuộc du lịch mà hai người cùng đi với nhau và làm quen nhau. Họ giở cơm gói ra mời nhau ăn và khi so hai miếng thịt cừu ăn khớp, mới biết là cùng bị người đàn bà đánh lừa. Sau một cuộc bàn bạc, họ quyết định mỗi người trổ tài xem ai hơn thì người ấy ở lại với vợ, còn người kia đi chỗ khác.
Người ăn cắp đưa người ăn trộm đến chợ. Thấy một lão lái buôn đi trước mặt, hắn lấy được túi bạc trong người lão mà lão chả biết gì. Hắn bảo bạn: – “Tôi sẽ làm cho mọi người đều chứng nhận cái túi này là của tôi”. Hắn đem tiền ra đếm, bớt đi một số, lại lấy giấy tờ của lão lái ra, bỏ giấy tờ của mình vào rồi lén đến bỏ túi bạc vào người lão mà lão vẫn không biết. Thế rồi hắn đi trình quan, kiện lão lấy túi của mình. Và cuối cùng túi bạc chính thức về hắn.
Đến lượt người ăn trộm đưa bạn đi chứng kiến “tài nghệ”. Họ vào hoàng cung, trèo lên bao nhiêu nóc điện, đến chỗ vua ngủ. Thấy một người hầu ngủ gật hắn trói lại, nhét giẻ vào miệng và trèo lên xà nhà. Rồi hắn ngồi vào chỗ người hầu nhưng đáng lý quạt thì lại cấu mạnh vào chân vua làm vua tỉnh dậy hỏi. Hắn đáp vì mộng thấy sự lạ nên lỡ tay. Rồi hắn kể cho vua nghe chuyện một cuộc đọ tài giữa hai người ăn cắp và người ăn trộm y như những chuyện xảy ra giữa hắn với bạn, rồi cuối cùng hỏi vua ai tài hơn. Vua nghĩ một lát cho người ăn trộm tài hơn. Sau đó hắn lại quạt cho vua nối lại giấc ngủ.
Hai người trốn ra khỏi hoàng cung. Người ăn cắp nhường cho đối phương được cuộc.[2]
[1] Theo lời kể của người Hà Tĩnh, Quảng Bình.
[2] Theo bản dịch của Vũ Ngọc Phan, trong Pháp-Việt tạp chí.
Ngày xưa có hai anh chàng cùng yêu một cô gái và cùng một lúc đến dạm nàng làm vợ. Trong khi cô gái đang phân vân chưa biết nên lấy người nào thì hai người đàn ông đã rủ nhau ra một quán rượu làm quen và tỏ ý thương lượng với nhau về việc dạm vợ.
Người thứ nhất vui vẻ cho biết tên mình là Trần Lực, làm đầy tớ cày cho một ông bá hộ ở một làng nọ. Thấy hắn có vẻ cởi mở, anh chàng thứ hai tên là Lê Đô cũng không giấu giếm nghề nghiệp đào tường khoét vách của mình. Nhưng khi nói đến chuyện dạm vợ, cả hai người không ai chịu nhường ai. Cuối cùng, Lê Đo bàn với Trần Lực hãy cùng mình thi tài, nếu người này nhận rằng người kia giỏi hơn, thì sẽ tự nguyện rút lui, nhường cô gái cho người kia lấy làm vợ. Trần Lực nghĩ ngợi một lát rồi cũng gật đầu nhận lời.
Lê Đô đưa Trần Lực về nhà mình, tiếp đãi rất tử tế. Tối hôm ấy, hắn bảo anh chàng đi theo mình. Sau khi dắt bạn đi quanh quẩn bao nhiêu xóm làng, ruộng đồng, đến một nơi kia, hắn bảo:
– Nhà này cũng không giàu lắm, nhưng hắn mới đưa dâu về. Đêm nay tôi muốn mượn tạm chiếc áo cô dâu đang mặc. Và tôi sẽ lấy được cho bác xem.
Nói đoạn, hắn cắt rào chui vào, rồi mở cổng cho Trần Lực vào theo. Hai người trèo lên nóc nhà. Trần Lực rất lo ngại, nhưng Lê Đô ngắm nhìn bốn phía nhà hồi lâu rồi bảo nhỏ bạn:
– Nhà này chỉ có hai cửa. Cửa phía Đông thì có một con chó đang nằm canh giữ. Còn phía Nam có một người đang ngồi vót mây. Thế là khó vào rồi đấy. Nhưng tôi đã có cách.
Hắn bèn tụt xuống đi đến cửa phía Nam rình trong xó tối. Nhìn thấy mây của người kia đang vót là một sợi rất dài, vắt từ trong thềm nhà ra đến cuối sân, hắn bèn lén nắm lấy đầu sợi dây mây giật nhẹ một cái. Người vót mây bị hụt tay, dao cứa sâu vào ngón. Nhưng hắn vẫn tưởng mình lỡ tay chứ không biết có người gây nên. Đau quá, hắn nắm lấy ngón tay bị thương, bật lên mấy tiếng “chắt, chắt…” ở đầu lưỡi. Con chó tưởng chủ gọi cho ăn bèn từ cửa phía Đông ngoắt đuôi chạy đến. Thừa dịp tốt đó, Lê Đô đưa bạn vào nhà. Họ tìm đến buồng cô dâu chú rể. Hai người lúc ấy đang ngủ say. Lê Đô tìm một quả trứng đập giập, nhân lúc cô dâu nằm ngoảnh mặt vào vách, bèn cho vương vãi lòng trắng trứng xuống chiếu, rồi trở lại nấp vào một xó ngồi chờ. Được một chốc, cô dâu quay mặt trở ra nằm lên vũng nước trứng, nước trứng thấm vào áo, từ áo thấm vào da, làm cho nàng sực tỉnh. Khi thấy áo ướt, nàng lồm cồm dậy thay, đoạn trở lại nằm xuống như cũ. Lê Đô lập tức trộm lấy chiếc áo rồi nói với Trần Lực:
– Chỉ lấy có chiếc áo thôi, chưa hẳn cô dâu đã dám kêu, mất trộm. Vậy chúng ta phải lấy thêm một cái gì cho chúng nó biết là đêm nay có kẻ vào thăm nhà.
Nói đoạn, hắn lần đến hòm, mở ra, lấy món nữ trang đưa cho Trần Lực xem, rồi hai người tháo lui.
Trần Lực tấm tắc khen hắn tài giỏi. Nhưng anh cũng cố nèo mời Lê Đô về nhà mình chơi. Lê Đô hỏi:
– Anh đang kỳ hạn ở cày với chủ. Vậy đến nhà anh có bất tiện không?
Trần Lực cười và trả lời:
– Không. Đến nhà tôi tức là đến nhà lão chủ của tôi đấy. Lão chủ của tôi kể ra cũng khó tính. Nhưng không việc gì đâu, tôi đã có cách làm cho hắn tiếp đãi bác tử tế. Bác cứ đi với tôi, đừng lo gì cả.
Hai người ra đi. Lúc sắp tới nhà, Trần Lực bảo bạn:
– Lão chủ nhà tôi nóng nảy lắm. Về đây tôi sẽ bảo nó leo lên leo xuống trên mái nhà ít nhất là hai lần để cho nó dịu cái tính nóng đi trước khi tiếp bạn. Và tất nhiên, hôm nay tôi bảo nó để tôi ở nhà ít nhất là một ngày để tôi tiếp bạn tôi. Trước tiên bác hãy khoan vào vội, chỉ đứng ngoài cửa chỗ kho lúa này mà nhìn vào, để thấy chút tài mọn của tôi. Bao giờ tôi ra đón bác hãy vào.
Trần Lực bước vào nhà, Lê Đô đứng ngoài nhìn theo thấy hắn đến kho lúa, bắc thang lên tường, lại dùng chân in những vết chân đất lên tường, lên nóc và lên thang,v.v… rồi mới vào nhà. Một lúc, thấy cả chủ nhà lẫn đầy tớ chạy ra kho lúa nhìn lên những cái dấu chân. Lão chủ bộ dạng hớt hơ hớt hải, bảo Trần Lực:
– Thôi, mày hãy nghỉ cày một bữa rồi trèo lên xem xét tất cả cho tao một lượt!
Trần Lực vâng lời, làm như chủ dặn. Nhưng lão chủ không tin ở đầy tớ. Hắn tự mình cởi áo, chật vật lắm mới đưa được tấm thân phục phịch lên chạn lúa, rồi leo lên nóc nhà quan sát rất kỹ lưỡng. Thế mà lúc bước chân xuống đất, tính đa nghi bắt hắn ta lại hì hục trèo lên một lần nữa.
Một lúc sau, giữa khi Lê Đô đang ngồi đợi ở một gốc cây, đã thấy Trần Lực bước ra tươi cười:
– Bác có thể vào được rồi. Hôm nay tôi được nghỉ để chẻ lạt tu bổ hàng rào. Tôi đã báo cho chủ biết bác là bạn thân của tôi. Bác chả phải lo gì sất. Chỉ khi chủ nó hỏi, bác cứ nói là mình làm lính lệ ở phủ về chơi. Thế là đủ.
Lê Đô bước vào nhà. Thấy lão bá hộ chủ của Trần Lực, hắn ta có vẻ sợ sệt , chỉ sợ vỡ chuyện nó đi trình làng thì lôi thôi. Ban đầu lão bá hộ khinh Lê Đô ra mặt, chỉ ậm ừ chứ không thèm chào. Nhưng khi nghe Trần Lực nói người quen của mình làm lính lệ ở một phủ gần phủ nhà thì hắn tỏ vẻ cung kính ngay. Mặc dầu là người quen của đầy tớ, hắn cũng hối hả bảo người nhà làm cơm dọn rượu tiếp đãi rất tử tế.
Xong cuộc đó, Lê Đô vẫn tự cho là mình giỏi hơn Trần Lực. Nhưng Trần Lực nhất định không chịu. Cuối cùng, hai người dắt nhau đến nhà một ông đồ để nhờ ông ta phân xử.
Gặp ông đồ, hai người kể tất cả câu chuyện cho ông nghe. Đoạn cùng nói:
– Cụ vì lẽ công bằng phân xử hộ cho ai là người đáng được làm chồng cô gái đó.
Cụ đồ trả lời:
– Hai người hãy nghe câu chuyện này: có hai con mèo, một con chuyên ăn vụng của nhà, còn một con chuyên ăn vụng của xóm giềng. Cả hai đều ăn vụng được luôn và lần nào cũng trót lọt. Vậy hai người thử nghĩ cho kỹ xem con nào tài hơn?
Hai người ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đồng thanh cho con mèo ăn vụng của nhà là hơn.
Cụ đồ tiếp luôn:
– Vậy thì trong hai người đây, có tài hơn phải là người đã dùng mưu thường xuyên bắt chủ theo ý mình. Chứ còn thỉnh thoảng đi ăn trộm được một vài nhà sơ ý thì đâu phải là chuyện khó. Vả lại cũng chả hay hớm gì khi đem tài trí ra để chiếm đoạt của cải của người khác. Cho nên tôi cho rằng anh Đô nên nhường bước trước cho anh Lục mới phải.
Ở nhà cụ đồ ra Lê Đô vui lòng nhường cô gái cho Trần Lực. Hai người sau đó kết bạn với nhau thân thiết.[1]
KHẢO DỊ
Một truyện của Ba-tư (Iran) có những nét giống với truyện trên:
Một người đàn bà đồng thời lấy hai người chồng. Hai người đàn ông ở chung một nhà, có chung một vợ mà không biết nhau vì một người làm nghề ăn cắp, chỉ ở nhà vào ban đêm, và một người làm nghề ăn trộm chỉ ở nhà vào ban ngày. Nhờ một cuộc du lịch mà hai người cùng đi với nhau và làm quen nhau. Họ giở cơm gói ra mời nhau ăn và khi so hai miếng thịt cừu ăn khớp, mới biết là cùng bị người đàn bà đánh lừa. Sau một cuộc bàn bạc, họ quyết định mỗi người trổ tài xem ai hơn thì người ấy ở lại với vợ, còn người kia đi chỗ khác.
Người ăn cắp đưa người ăn trộm đến chợ. Thấy một lão lái buôn đi trước mặt, hắn lấy được túi bạc trong người lão mà lão chả biết gì. Hắn bảo bạn: – “Tôi sẽ làm cho mọi người đều chứng nhận cái túi này là của tôi”. Hắn đem tiền ra đếm, bớt đi một số, lại lấy giấy tờ của lão lái ra, bỏ giấy tờ của mình vào rồi lén đến bỏ túi bạc vào người lão mà lão vẫn không biết. Thế rồi hắn đi trình quan, kiện lão lấy túi của mình. Và cuối cùng túi bạc chính thức về hắn.
Đến lượt người ăn trộm đưa bạn đi chứng kiến “tài nghệ”. Họ vào hoàng cung, trèo lên bao nhiêu nóc điện, đến chỗ vua ngủ. Thấy một người hầu ngủ gật hắn trói lại, nhét giẻ vào miệng và trèo lên xà nhà. Rồi hắn ngồi vào chỗ người hầu nhưng đáng lý quạt thì lại cấu mạnh vào chân vua làm vua tỉnh dậy hỏi. Hắn đáp vì mộng thấy sự lạ nên lỡ tay. Rồi hắn kể cho vua nghe chuyện một cuộc đọ tài giữa hai người ăn cắp và người ăn trộm y như những chuyện xảy ra giữa hắn với bạn, rồi cuối cùng hỏi vua ai tài hơn. Vua nghĩ một lát cho người ăn trộm tài hơn. Sau đó hắn lại quạt cho vua nối lại giấc ngủ.
Hai người trốn ra khỏi hoàng cung. Người ăn cắp nhường cho đối phương được cuộc.[2]
[1] Theo lời kể của người Hà Tĩnh, Quảng Bình.
[2] Theo bản dịch của Vũ Ngọc Phan, trong Pháp-Việt tạp chí.