Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Nợ tình chưa trả cho ai, Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Ngày xưa ở huyện Thanh-trì có một anh chàng học trò nghèo họ Nguyễn. Anh ta mồ côi cha, nhà cửa sa sút. Người mẹ làm nghề chống đò ngang cố nuôi cho con ăn học. Nhưng nghề đó không đủ nuôi cả mẹ liền con. Nhiều lúc anh ta phải nghỉ học trở về chống đò thay mẹ tuổi già sức yếu. Nhà anh ta là một túp lều dựng bên sông. Anh có giọng hát rất hay lại rất đẹp trai làm cho những cô gái vùng đó phải say mê ngây ngất.

Ở bên kia sông có nhà phú ông họ Trần. Phú ông có một cô gái chưa chồng. Thỉnh thoảng cô gái vẫn gặp anh chàng học trò chống đò qua lại cho khách bộ hành. Thấy người hàn sĩ trẻ tuổi, nàng đâm ra quyến luyến. Nhất là những buổi chiều hè, nghe tiếng hát của anh văng vẳng bên sông, nàng không thể cầm lòng được. Một hôm nàng đánh bạo nhờ một con nhài thân tín mang một cái trâm và một chiếc quạt đến tặng người mà mình thầm mơ trộm tưởng. Nàng còn dặn chàng cứ nhờ người đến dạm hỏi, đã có mình tay trong, việc hôn nhân chắc thế nào rồi cũng sẽ thành.

Anh chàng nhận được tặng vật vừa mừng vừa lo. Anh ta thưa lại với mẹ để nhờ mẹ tìm cách lo liệu. Bà mẹ bảo con:

– Con đừng có chơi trèo, mang lấy một tiếng cười vô ích.

Nhưng anh ta thì rất tin tưởng:

– Mẹ cứ cố liệu cho con đi. Cô ấy đã thương con thì dù có một trăm chỗ lệch cũng kê được bằng mẹ ạ.

Bà mẹ chiều con, nhờ một người khéo ăn khéo nói mang trầu cau sang thưa chuyện.

Khi phú ông vừa nghe người mối ngỏ lời cầu thân, vẻ khinh thị đã hiện ra trên nét mặt. Hắn không đợi hỏi ý con gái, trả ngay lễ vật lại. Người mối nói: – “Thưa cụ, anh chàng họ Nguyễn bẩm tính thông minh và khôi ngô”. Hắn đáp một cách mỉa mai: – “Con gái tôi ngu đần, xấu xí, đâu dám sánh duyên với người tài mạo tót vời”. Người mối vẫn bền chí ngồi lại, nhắc đến tương lai tốt đẹp của đôi vợ chồng một khi chàng trai hiển đạt. Nhưng phú ông vẫn gạt đi:

– Con gái của tôi không có số làm bà đâu, đừng nhiều lời vô ích.

Rồi hắn đuổi khéo người mối về với câu thách:

– Muốn lấy con gái ta hãy mang ba trăm lạng vàng đến làm sính lễ.

Nghe người mối kể lại anh chàng vừa buồn vừa thẹn. Qua ngày hôm sau, anh ta thưa với mẹ:

– Mẹ cứ tin ở con, con sẽ đi lập nghiệp để kiếm tiền về cưới vợ cho mẹ xem.

Nói rồi bỏ nhà đi biệt.

Lại nói chuyện cô gái phú ông thấy cha không thuận lấy làm buồn rầu, chưa biết tính thế nào. Đang cơn phiền muộn lại nghe tin người yêu đi mất, nàng vô cùng chua xót. Nàng đâm ra tưởng nhớ anh chàng chống đò không có cách gì nguôi được. Dần dần vì thế sinh bệnh. Phú ông cố tìm thầy chạy thuốc nhưng người nàng ngày một gầy mòn. Nụ hoa mới nẩy cành không ngờ đã sớm héo tàn và rơi rụng. Phú ông thương tiếc sai người hỏa táng theo như lời trối của con. Khi gạt đống tro của người bạc mệnh, người ta tìm được một khối bằng cái đấu, đỏ như son và trong suốt như thủy tinh. Phú ông đưa về rồi sau đó thuê thợ tiện tiện thành chén trà dùng làm đồ thờ con gái. Mỗi lần pha nước vào chén trà, người ta thấy có bóng anh con trai chống đò ngang ở trong đó. Biết là con gái chết vì tương tư anh học trò khó đến hỏi ngày nọ, phú ông rất lấy làm hối hận.

*

Anh chàng họ Nguyễn cất chân ra đi với hai bàn tay trắng. Trải qua khá nhiều ngày gian truân, cuối cùng anh làm môn khách cho một ông quan trấn tướng của triều đình đóng ở Cao-bằng. Anh là người có nhiều tài nên dần dần lấy được lòng tin cậy của chủ. Anh đã giúp chủ nhiều việc quan trọng ở biên thuỳ rất đắc lực, và cũng do đó kiếm được rất nhiều tiền. Sau ba năm anh đã để dành được 300 lạng vàng. Thấy trong tay đã có đủ tiền để cưới người yêu, một hôm anh xin phép trấn tướng trở về quê hương.

Trên đường về, anh chàng họ Nguyễn lòng mừng khấp khởi. Không ngờ khi về đến nhà thì nghe tin người yêu đã không còn nữa. Anh sang nhà phú ông, nước mắt đầm đìa cả tay áo gấm. Phú ông hết lời từ tạ rồi đưa chén trà cho anh xem. Nghe kể chuyện, anh chàng lại càng thổn thức. Nhưng khi những giọt nước mắt rơi vào chén, chén tự nhiên tan ra huyết ướt đẫm cả tay.

Từ đó xuất hiện câu ca dao:

Nợ tình chưa trả cho ai,

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan[1].

KHẢO DỊ

Truyện trên rất giống với truyện Trương Chi.

Ngày xưa có một cô gái tên là Mỵ Nương nhan sắc xinh đẹp con một ông thừa tướng. Nàng ở trong một ngôi lầu gần bờ sông. Bấy giờ có một chàng trai con nhà thuyền chài, tên là Trương Chi, cứ ngày ngày đến thả lưới ở khúc sông đó. Chàng mặt mũi xấu xí nhưng có tiếng hát rất quyến rũ. Mỗi khi chèo thuyền, tiếng hát của chàng cất lên văng vẳng làm cho Mỵ Nương nghe mà mê mệt. Có một dạo Trương Chi không đến đánh cá ở khúc sông đó, Mỵ Nương trở nên sầu tư. Ít lâu sau, chàng lại đến. Mỵ Nương lại vui vẻ mở cửa sổ trông xuống và lắng nghe tiếng hát. Dần dần nàng đâm ra say mê anh chàng thành bệnh tương tư, thuốc thang chữa mãi không khỏi. Cả nhà lấy làm lo lắng vì bệnh ngày một nặng. Thừa tướng tra gạn, biết chuyện, bèn cho người đi gọi Trương Chi vào dinh. Chàng ngồi sắc thuốc và hát cho nàng nghe. Mỵ Nương nhìn thấy mặt chàng xấu xí bèn sượng sùng lảng tránh. Từ đấy nàng tự nhiên khỏi bệnh và cũng không tương tư nữa.

Nhưng lại đến lượt Trương Chi phải lòng Mỵ Nương. Giận cho duyên phận hẩm hiu, chàng nhảy xuống sông tự tử. Hồn Trương Chi nhập vào cây bạch đàn được thừa tướng vô tình mua về, sai tiện làm một bộ đồ trà. Mỗi lần rót nước vào chén, người ta thấy trong đó có bóng dáng anh chàng đánh cá ngày xưa. Mỵ Nương cầm chén, nhớ đến chuyện cũ rưng rưng giọt lệ. Khi bị những giọt nước mắt của Mỵ Nương rơi vào[2], tự nhiên cái chén tan ra nước.

Người Cham-pa cũng có truyện Anh chàng mê công chúa:

Xưa có một người đàn bà nghèo có một người con trai. Nhà của họ ở gần cung vua. Anh chàng thường ngày trông thấy những nàng công chúa đi dạo trong vườn ngự và đâm mê nàng công chúa thứ ba trẻ nhất và đẹp nhất. Một hôm hắn xin mẹ kiếm cho một con trâu trắng để hắn kiếm cách gần gũi nàng. Được trâu, hắn cưỡi lên lưng đi vào vườn ngự cho ăn cỏ. Công chúa thấy con trâu lạ thích mắt, ra nhìn và làm quen với anh chàng, tặng anh một cái nhẫn.

Nhưng cuối cùng biết không thể lấy được nhau, người con trai sinh ra ốm tương tư. Bệnh ngày càng nặng. Thấy mẹ đi tìm thầy pháp, hắn trối: – “Không có thần nào làm đau cả đâu mẹ ạ! Chỉ vì con mê nàng công chúa nên mới như thế này. Khi con chết mẹ nhớ móc lấy buồng gan phơi khô rồi bỏ vào trong một cái hộp cất đi một chỗ”. Nói xong hắn chết.

Không bao lâu nhà vua bỗng bị bệnh đau mắt rất nặng không có thuốc gì chữa khỏi. Thầy bói cho biết rằng mắt của vua sẽ lành nếu có gan người phơi khô lâu năm ngâm nước rồi dùng nước ấy rửa mắt. Nhà vua lập tức sai quân hầu đi tìm khắp mọi nơi, xem ai có thứ của lạ ấy thì sẽ trọng thưởng. Bà mẹ chàng trai kia nghe tin liền mang hộp đến dâng vua. Vua làm y lời thầy bói và quả nhiên lành bệnh. Nhưng vua trông thấy trong chậu có bóng dáng một chàng trai rất xinh ở ngón tay có đeo chiếc nhẫn. Thấy sự lạ, vua gọi các con gái đến xem. Nàng công chúa thứ nhất đến xem thì không thấy gì cả. Nàng công chúa thứ hai cũng thế. Đến lượt công chúa thứ ba thì nhận ra ngay anh chàng cưỡi trâu trắng ngày xưa. Anh chàng giơ tay cho công chúa bắt, rồi hắn lôi nàng vào chậu và cả hai biến mất. Thấy mất con gái, vua sai thầy bói đoán xem số phận của con thế nào.Thầy bói cho biết đó là lá gan của một anh chàng ngày xưa chết vì tương tư công chúa. Bây giờ nhân việc vua chữa mắt, nó lại hiện ra và đưa công chúa đi. Thầy bói còn cho biết rồi đây nó sẽ đầu thai làm con vua, còn công chúa sẽ đầu thai làm con người đàn bà mẹ chàng trai kia. Sau đó, hoàng hậu đẻ ra một hoàng tử ở tay có đeo chiếc nhẫn. Còn người đàn bà kia thì đẻ ra một cô gái cổ có đeo hai chuỗi hạt vàng. Lớn lên họ lấy nhau và trị vì đất nước[3].

[1] Theo Lan trì kiến văn lục của Vũ Nguyên Hanh và Thực nghiệp dân báo (1924).

[2] Theo Truyện Trương Chi. Nhà in Phúc Chi xuất bản. Theo Sử Nam chí dị và Truyện cổ tích Việt-nam (của Nguyễn Bính) thì Trương Chi không nhảy xuống sông. Chàng thất tình thành bệnh mà chết. Được 3 năm người ta bốc mả thấy một khối bằng quả cam trong như thuỷ tinh. Sau đó thừa tướng trông thấy mua về sai tiện làm chén uống nước.

[3] Theo lời kể của đồng bào Cham-pa, và Lăng – đờ (Landes). Truyện cổ tích Cham-pa.

Ngày xưa ở huyện Thanh-trì có một anh chàng học trò nghèo họ Nguyễn. Anh ta mồ côi cha, nhà cửa sa sút. Người mẹ làm nghề chống đò ngang cố nuôi cho con ăn học. Nhưng nghề đó không đủ nuôi cả mẹ liền con. Nhiều lúc anh ta phải nghỉ học trở về chống đò thay mẹ tuổi già sức yếu. Nhà anh ta là một túp lều dựng bên sông. Anh có giọng hát rất hay lại rất đẹp trai làm cho những cô gái vùng đó phải say mê ngây ngất.

Ở bên kia sông có nhà phú ông họ Trần. Phú ông có một cô gái chưa chồng. Thỉnh thoảng cô gái vẫn gặp anh chàng học trò chống đò qua lại cho khách bộ hành. Thấy người hàn sĩ trẻ tuổi, nàng đâm ra quyến luyến. Nhất là những buổi chiều hè, nghe tiếng hát của anh văng vẳng bên sông, nàng không thể cầm lòng được. Một hôm nàng đánh bạo nhờ một con nhài thân tín mang một cái trâm và một chiếc quạt đến tặng người mà mình thầm mơ trộm tưởng. Nàng còn dặn chàng cứ nhờ người đến dạm hỏi, đã có mình tay trong, việc hôn nhân chắc thế nào rồi cũng sẽ thành.

Anh chàng nhận được tặng vật vừa mừng vừa lo. Anh ta thưa lại với mẹ để nhờ mẹ tìm cách lo liệu. Bà mẹ bảo con:

– Con đừng có chơi trèo, mang lấy một tiếng cười vô ích.

Nhưng anh ta thì rất tin tưởng:

– Mẹ cứ cố liệu cho con đi. Cô ấy đã thương con thì dù có một trăm chỗ lệch cũng kê được bằng mẹ ạ.

Bà mẹ chiều con, nhờ một người khéo ăn khéo nói mang trầu cau sang thưa chuyện.

Khi phú ông vừa nghe người mối ngỏ lời cầu thân, vẻ khinh thị đã hiện ra trên nét mặt. Hắn không đợi hỏi ý con gái, trả ngay lễ vật lại. Người mối nói: – “Thưa cụ, anh chàng họ Nguyễn bẩm tính thông minh và khôi ngô”. Hắn đáp một cách mỉa mai: – “Con gái tôi ngu đần, xấu xí, đâu dám sánh duyên với người tài mạo tót vời”. Người mối vẫn bền chí ngồi lại, nhắc đến tương lai tốt đẹp của đôi vợ chồng một khi chàng trai hiển đạt. Nhưng phú ông vẫn gạt đi:

– Con gái của tôi không có số làm bà đâu, đừng nhiều lời vô ích.

Rồi hắn đuổi khéo người mối về với câu thách:

– Muốn lấy con gái ta hãy mang ba trăm lạng vàng đến làm sính lễ.

Nghe người mối kể lại anh chàng vừa buồn vừa thẹn. Qua ngày hôm sau, anh ta thưa với mẹ:

– Mẹ cứ tin ở con, con sẽ đi lập nghiệp để kiếm tiền về cưới vợ cho mẹ xem.

Nói rồi bỏ nhà đi biệt.

Lại nói chuyện cô gái phú ông thấy cha không thuận lấy làm buồn rầu, chưa biết tính thế nào. Đang cơn phiền muộn lại nghe tin người yêu đi mất, nàng vô cùng chua xót. Nàng đâm ra tưởng nhớ anh chàng chống đò không có cách gì nguôi được. Dần dần vì thế sinh bệnh. Phú ông cố tìm thầy chạy thuốc nhưng người nàng ngày một gầy mòn. Nụ hoa mới nẩy cành không ngờ đã sớm héo tàn và rơi rụng. Phú ông thương tiếc sai người hỏa táng theo như lời trối của con. Khi gạt đống tro của người bạc mệnh, người ta tìm được một khối bằng cái đấu, đỏ như son và trong suốt như thủy tinh. Phú ông đưa về rồi sau đó thuê thợ tiện tiện thành chén trà dùng làm đồ thờ con gái. Mỗi lần pha nước vào chén trà, người ta thấy có bóng anh con trai chống đò ngang ở trong đó. Biết là con gái chết vì tương tư anh học trò khó đến hỏi ngày nọ, phú ông rất lấy làm hối hận.

*

Anh chàng họ Nguyễn cất chân ra đi với hai bàn tay trắng. Trải qua khá nhiều ngày gian truân, cuối cùng anh làm môn khách cho một ông quan trấn tướng của triều đình đóng ở Cao-bằng. Anh là người có nhiều tài nên dần dần lấy được lòng tin cậy của chủ. Anh đã giúp chủ nhiều việc quan trọng ở biên thuỳ rất đắc lực, và cũng do đó kiếm được rất nhiều tiền. Sau ba năm anh đã để dành được 300 lạng vàng. Thấy trong tay đã có đủ tiền để cưới người yêu, một hôm anh xin phép trấn tướng trở về quê hương.

Trên đường về, anh chàng họ Nguyễn lòng mừng khấp khởi. Không ngờ khi về đến nhà thì nghe tin người yêu đã không còn nữa. Anh sang nhà phú ông, nước mắt đầm đìa cả tay áo gấm. Phú ông hết lời từ tạ rồi đưa chén trà cho anh xem. Nghe kể chuyện, anh chàng lại càng thổn thức. Nhưng khi những giọt nước mắt rơi vào chén, chén tự nhiên tan ra huyết ướt đẫm cả tay.

Từ đó xuất hiện câu ca dao:

Nợ tình chưa trả cho ai,

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan[1].

KHẢO DỊ

Truyện trên rất giống với truyện Trương Chi.

Ngày xưa có một cô gái tên là Mỵ Nương nhan sắc xinh đẹp con một ông thừa tướng. Nàng ở trong một ngôi lầu gần bờ sông. Bấy giờ có một chàng trai con nhà thuyền chài, tên là Trương Chi, cứ ngày ngày đến thả lưới ở khúc sông đó. Chàng mặt mũi xấu xí nhưng có tiếng hát rất quyến rũ. Mỗi khi chèo thuyền, tiếng hát của chàng cất lên văng vẳng làm cho Mỵ Nương nghe mà mê mệt. Có một dạo Trương Chi không đến đánh cá ở khúc sông đó, Mỵ Nương trở nên sầu tư. Ít lâu sau, chàng lại đến. Mỵ Nương lại vui vẻ mở cửa sổ trông xuống và lắng nghe tiếng hát. Dần dần nàng đâm ra say mê anh chàng thành bệnh tương tư, thuốc thang chữa mãi không khỏi. Cả nhà lấy làm lo lắng vì bệnh ngày một nặng. Thừa tướng tra gạn, biết chuyện, bèn cho người đi gọi Trương Chi vào dinh. Chàng ngồi sắc thuốc và hát cho nàng nghe. Mỵ Nương nhìn thấy mặt chàng xấu xí bèn sượng sùng lảng tránh. Từ đấy nàng tự nhiên khỏi bệnh và cũng không tương tư nữa.

Nhưng lại đến lượt Trương Chi phải lòng Mỵ Nương. Giận cho duyên phận hẩm hiu, chàng nhảy xuống sông tự tử. Hồn Trương Chi nhập vào cây bạch đàn được thừa tướng vô tình mua về, sai tiện làm một bộ đồ trà. Mỗi lần rót nước vào chén, người ta thấy trong đó có bóng dáng anh chàng đánh cá ngày xưa. Mỵ Nương cầm chén, nhớ đến chuyện cũ rưng rưng giọt lệ. Khi bị những giọt nước mắt của Mỵ Nương rơi vào[2], tự nhiên cái chén tan ra nước.

Người Cham-pa cũng có truyện Anh chàng mê công chúa:

Xưa có một người đàn bà nghèo có một người con trai. Nhà của họ ở gần cung vua. Anh chàng thường ngày trông thấy những nàng công chúa đi dạo trong vườn ngự và đâm mê nàng công chúa thứ ba trẻ nhất và đẹp nhất. Một hôm hắn xin mẹ kiếm cho một con trâu trắng để hắn kiếm cách gần gũi nàng. Được trâu, hắn cưỡi lên lưng đi vào vườn ngự cho ăn cỏ. Công chúa thấy con trâu lạ thích mắt, ra nhìn và làm quen với anh chàng, tặng anh một cái nhẫn.

Nhưng cuối cùng biết không thể lấy được nhau, người con trai sinh ra ốm tương tư. Bệnh ngày càng nặng. Thấy mẹ đi tìm thầy pháp, hắn trối: – “Không có thần nào làm đau cả đâu mẹ ạ! Chỉ vì con mê nàng công chúa nên mới như thế này. Khi con chết mẹ nhớ móc lấy buồng gan phơi khô rồi bỏ vào trong một cái hộp cất đi một chỗ”. Nói xong hắn chết.

Không bao lâu nhà vua bỗng bị bệnh đau mắt rất nặng không có thuốc gì chữa khỏi. Thầy bói cho biết rằng mắt của vua sẽ lành nếu có gan người phơi khô lâu năm ngâm nước rồi dùng nước ấy rửa mắt. Nhà vua lập tức sai quân hầu đi tìm khắp mọi nơi, xem ai có thứ của lạ ấy thì sẽ trọng thưởng. Bà mẹ chàng trai kia nghe tin liền mang hộp đến dâng vua. Vua làm y lời thầy bói và quả nhiên lành bệnh. Nhưng vua trông thấy trong chậu có bóng dáng một chàng trai rất xinh ở ngón tay có đeo chiếc nhẫn. Thấy sự lạ, vua gọi các con gái đến xem. Nàng công chúa thứ nhất đến xem thì không thấy gì cả. Nàng công chúa thứ hai cũng thế. Đến lượt công chúa thứ ba thì nhận ra ngay anh chàng cưỡi trâu trắng ngày xưa. Anh chàng giơ tay cho công chúa bắt, rồi hắn lôi nàng vào chậu và cả hai biến mất. Thấy mất con gái, vua sai thầy bói đoán xem số phận của con thế nào.Thầy bói cho biết đó là lá gan của một anh chàng ngày xưa chết vì tương tư công chúa. Bây giờ nhân việc vua chữa mắt, nó lại hiện ra và đưa công chúa đi. Thầy bói còn cho biết rồi đây nó sẽ đầu thai làm con vua, còn công chúa sẽ đầu thai làm con người đàn bà mẹ chàng trai kia. Sau đó, hoàng hậu đẻ ra một hoàng tử ở tay có đeo chiếc nhẫn. Còn người đàn bà kia thì đẻ ra một cô gái cổ có đeo hai chuỗi hạt vàng. Lớn lên họ lấy nhau và trị vì đất nước[3].

[1] Theo Lan trì kiến văn lục của Vũ Nguyên Hanh và Thực nghiệp dân báo (1924).

[2] Theo Truyện Trương Chi. Nhà in Phúc Chi xuất bản. Theo Sử Nam chí dị và Truyện cổ tích Việt-nam (của Nguyễn Bính) thì Trương Chi không nhảy xuống sông. Chàng thất tình thành bệnh mà chết. Được 3 năm người ta bốc mả thấy một khối bằng quả cam trong như thuỷ tinh. Sau đó thừa tướng trông thấy mua về sai tiện làm chén uống nước.

[3] Theo lời kể của đồng bào Cham-pa, và Lăng – đờ (Landes). Truyện cổ tích Cham-pa.

Chọn tập
Bình luận