Ngày trước, có một người đàn bà rất mực kiêu căng và chua ngoa. Hễ giận người nào hay gặp việc gì trái ý là bà ta nói cạnh nói khóe chửi bới không tiếc lời, cố gào đến tận tam đại người ta cho được mới nghe.
Khi người đàn bà ấy chết, Diêm vương cho đầu thai làm một con rùa nhỏ. Con rùa ấy từ lâu sống một mình ở ao sen. Một năm kia trời làm đại hạn. Ao sen nước cứ khô dần cho đến lúc chỉ còn một vài vũng bùn, sắp cạn. Một hôm, có hai con cò ở đâu tới sà xuống ao kiếm ăn. Chúng nó mới lội bì bõm một lúc mổ được vài ba con tép riu, thì bỗng rùa bắt gặp. Sợ cò ăn hết thức ăn của mình, rùa bèn ra đứng trước cửa hang chửi ầm lên.
– Đứa nào đấy? Muốn tốt thì xéo ngay đi, không có bà ra bà vặt lông bây giờ.
Hai con cò thấy rùa chửi bới thì không vui nhưng cũng đấu dịu, kiếm chuyện làm quen để rùa khỏi làm lôi thôi. Cho nên chúng làm bộ vui vẻ:
– Ủa, chị rùa, chị cũng ở đây sao? Chúng tôi không đến tranh ăn của chị đâu. Chúng tôi đến đây muốn kết bạn với chị, chúng ta sẽ cùng giúp nhau kiếm ăn trong thời buổi khó khăn này.
Rùa đáp rất xẵng:
– Thì thôi! Bạn với chả bè. Tôi đây từ nhỏ đến lớn một thân một mình cũng sống được.
– Nhưng mà chúng tôi cũng đến báo cho chị và bà con ở đây biết một tin: ao này có thể khô cạn không còn gì mà ăn nữa.
Rùa nghe nói thế lại càng nổi giận, đáp:
– Không có gì ăn thì kệ xác chúng tôi có được không? Ai bảo các người nhúng mũi vào công việc của người khác làm gì.
– Chị rùa, chị đừng vội nóng! Chúng tôi bay từ xa tới đây qua bao nhiêu đường đất, có nhiều vũng nước đầy ăm ắp, không thiếu gì thức ăn ngon lành, chứ chúng tôi có cần gì kiếm ăn ở nơi khô rông rốc như thế này đâu. Sở dĩ chúng tôi đến đây là để làm quen với chị và nhân thể báo tin cho chị biết để kịp lo liệu với nhau. Trời có thể còn nắng lâu dài, và ao này thì nhất định rồi sẽ không còn một tý gì mà ăn nữa.
Rùa bấy giờ chuyển giận thành lo. Rùa vội hỏi cò:
– Thế thì tôi phải làm thế nào mà sống đây?
– Nếu chị muốn, chúng tôi sẽ dẫn chị tới một nơi cách đây không xa, nhưng nước thì thật là ê hề, cây cối xanh tươi, thức ăn không bao giờ cạn.
– Tôi không biết bay thì làm sao mà đi đến đấy được?
– Có khó gì việc ấy. Chị cứ cắn thật chặt vào giữa một cái gậy, còn chúng tôi thì cắn vào hai đầu gậy. Cứ thế mà bay thì có thể đưa chị đi đến cùng trời cuối đất cũng được. Nhưng chị phải nhớ là dọc đường hãy ngậm miệng đừng nói, dù có thấy gì lạ hay có ai kêu gọi, trêu chọc, cũng cứ một mực làm thinh, đừng có mở miệng mà rơi xuống chết oan đó.
Nghe bùi tai, rùa ta cám ơn hai con cò và làm theo. Quả nhiên hai con cò vỗ cánh mang được rùa lên không trung.
Lúc bay qua một cái quán nước, những người ngồi ở quán trông thấy cảnh tượng lạ mắt, vội bảo nhau: – “Ô kìa, có hai con cò tha một cục cứt trâu”. Rùa giận lắm, nhưng nhớ tới lời cò dặn, không dám nói gì hết. Một lát sau, bộ ba bay qua một cái chợ. Những người đi chợ thấy vậy bèn reo lên: – “Kìa có hai con cò tha một con chó chết!”
Lần này rùa nổi giận xung thiên nên không kìm giữ được thói cũ của mình, định chửi lại một câu thật đau, nhưng vừa mở miệng thì đã rơi bịch xuống đất, bị người đi chợ bắt về ăn thịt.
Hai con cò thấy rùa chết bảo nhau:
– Tội nghiệp, chị ấy không chịu nghe lời. Cũng đáng kiếp cho cái tật ngoa mồm. Thôi bây giờ chúng ta có thể trở lại ao sen kiếm ăn mà không sợ ai chửi bới nữa[1].
KHẢO DỊ
Người Lào cũng có truyện Rùa kết bạn với vịt trời:
Xưa trong hồ Póc-kha-ra-ni có một con rùa và hai con vịt trời. Gặp khi hồ cạn, hai con vịt trời muốn đi chỗ khác kiếm ăn. Rùa xin họ đưa mình đi theo. Vịt trời ưng thuận, chỉ dặn là rùa không được mở mồm. Cũng như truyện trên, chúng nó bảo rùa cắn vào giữa một cái gậy rồi hai con cắn hai đầu, cứ thế bay đi. Có hai con chồn trông thấy, nói với nhau, một con nói: – “Kìa có hai con ngỗng tha một con rùa”. Một con trả lời: – “Sao lại nói thế, biết có phải là hai con ngỗng tha một con rùa hay là một con rùa gánh hai con ngỗng”. Rùa giận lộn ruột muốn chửi, nhưng vừa mở miệng đã bị rơi xuống chết[2].
Trong Kinh Tam tạng cũng có truyện Hai con ngỗng và con rùa có phần chắc là nguồn gốc của hai truyện trên.
Xưa, trong một cái hồ có nhiều ngỗng và nhiều rùa ở chung với nhau. Trong đó có một con rùa kết bạn thân với hai con ngỗng. Gặp năm hạn hán kéo dài, nước hồ sắp cạn, hai con ngỗng đến từ biệt rùa để đi chỗ khác kiếm ăn. Rùa lấy tình bạn xin đi theo và bày ra cách cắn vào gậy như trên. Hai con ngỗng nói: – “Chúng tôi không từ chối, nhưng vì anh vốn lắm lời không kìm được mồm miệng, nhỡ có thế nào chúng tôi rất ngại”. Đáp: – “Tôi biết giữ mồm tôi chứ!” Bèn làm theo lời; cả ba bay lên trên không. Đến một thành phố, những người đi chợ gọi nhau: – “Này xem có hai con ngỗng ăn trộm một con rùa!” Rùa tức lắm nhưng chịu đựng, lặng thinh. Lai qua một thành phố khác, những người ở chợ lại kêu như trên. Rùa nghĩ bụng. “Sao có thể chịu mãi được cái khổ cổ thì ưỡn dài mà mồm thì ngậm thinh này. Bèn định nói: – “Đây là tôi muốn như thế chứ không phải ngỗng bắt trộm”. Nhưng chưa nói đã rơi, bị trẻ con đánh chết. Hai con ngỗng ngậm ngùi rồi bay đi[3].
Cũng ở kinh trên, lại có một truyện khác: Con sếu và con rùa. Một con rùa gặp năm đại hạn, hồ cạn không có gì ăn. Rùa cầu cứu sếu. Sếu lấy mỏ cắn rùa tha đi. Qua một thành phố, rùa không ngớt miệng hỏi – “Cái gì đây?” – “Cái gì kia?”. Sếu muốn trả lời nhưng vừa mở miệng thì rùa đã rơi bịch, bị người ta bắt ăn thịt[4].
Trong Ngụ ngôn Ơ-dốp (Fables Ésopiques) có truyện Rùa và le biển, đại thể là: Một con rùa nằm phơi nắng gặp một con le. Rùa ao ước: – “Giá được ai chắp cánh bay cao thì hay quá!” – “Cho ta gì ta sẽ mang cho”, le đáp – “Tôi sẽ tặng báu ngọc dưới đáy biển” – Le bèn cắp rùa lên mây xanh, chẳng may sẩy, rùa rơi chết. Rùa than: – “Ta vốn nòi đi chậm quen ở chốn bùn lầy, sao lại mong ước lên cao. Vả lại trên ấy nào có ai họ hàng quen thuộc, lên mà làm gì chết là đáng lắm!”.
Một truyện ngụ ngôn của ta Cóc và chuột hình tượng có khác nhưng đề tài tương tự:
Một con cóc kết bạn với một con chuột, thường mời chuột về nhà đãi đằng hậu hĩ. Đến lượt chuột mời cóc đến nhà nó. – “Tôi làm thế nào để lên chỗ ở của bác trên cây cao được”, cóc hỏi – “Bác cứ ngậm vào đuôi tôi là khắc xong”. Rồi đó chuột đưa cóc lên cây cao. Chưa đến nơi thấy vợ chuột ra chào, cóc mở miệng định chào lại thì bị rơi xuống chết (có người kể là bị oằn lưng như ngày nay vẫn thấy)[5].
[1] Theo Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn.
[2] Theo Hoàng Lâm, Xu-văn thon. Truyện cổ tích Lào.
[3] Theo Sa-van-nơ (Chavannes), sách đã dẫn.
[4] Theo Sa-van-nơ (Chavannes), sách đã dẫn .
[5] Theo Xi-mác-đơ (Simardes). Cổ tích và truyền thuyết An-nam.
Ngày trước, có một người đàn bà rất mực kiêu căng và chua ngoa. Hễ giận người nào hay gặp việc gì trái ý là bà ta nói cạnh nói khóe chửi bới không tiếc lời, cố gào đến tận tam đại người ta cho được mới nghe.
Khi người đàn bà ấy chết, Diêm vương cho đầu thai làm một con rùa nhỏ. Con rùa ấy từ lâu sống một mình ở ao sen. Một năm kia trời làm đại hạn. Ao sen nước cứ khô dần cho đến lúc chỉ còn một vài vũng bùn, sắp cạn. Một hôm, có hai con cò ở đâu tới sà xuống ao kiếm ăn. Chúng nó mới lội bì bõm một lúc mổ được vài ba con tép riu, thì bỗng rùa bắt gặp. Sợ cò ăn hết thức ăn của mình, rùa bèn ra đứng trước cửa hang chửi ầm lên.
– Đứa nào đấy? Muốn tốt thì xéo ngay đi, không có bà ra bà vặt lông bây giờ.
Hai con cò thấy rùa chửi bới thì không vui nhưng cũng đấu dịu, kiếm chuyện làm quen để rùa khỏi làm lôi thôi. Cho nên chúng làm bộ vui vẻ:
– Ủa, chị rùa, chị cũng ở đây sao? Chúng tôi không đến tranh ăn của chị đâu. Chúng tôi đến đây muốn kết bạn với chị, chúng ta sẽ cùng giúp nhau kiếm ăn trong thời buổi khó khăn này.
Rùa đáp rất xẵng:
– Thì thôi! Bạn với chả bè. Tôi đây từ nhỏ đến lớn một thân một mình cũng sống được.
– Nhưng mà chúng tôi cũng đến báo cho chị và bà con ở đây biết một tin: ao này có thể khô cạn không còn gì mà ăn nữa.
Rùa nghe nói thế lại càng nổi giận, đáp:
– Không có gì ăn thì kệ xác chúng tôi có được không? Ai bảo các người nhúng mũi vào công việc của người khác làm gì.
– Chị rùa, chị đừng vội nóng! Chúng tôi bay từ xa tới đây qua bao nhiêu đường đất, có nhiều vũng nước đầy ăm ắp, không thiếu gì thức ăn ngon lành, chứ chúng tôi có cần gì kiếm ăn ở nơi khô rông rốc như thế này đâu. Sở dĩ chúng tôi đến đây là để làm quen với chị và nhân thể báo tin cho chị biết để kịp lo liệu với nhau. Trời có thể còn nắng lâu dài, và ao này thì nhất định rồi sẽ không còn một tý gì mà ăn nữa.
Rùa bấy giờ chuyển giận thành lo. Rùa vội hỏi cò:
– Thế thì tôi phải làm thế nào mà sống đây?
– Nếu chị muốn, chúng tôi sẽ dẫn chị tới một nơi cách đây không xa, nhưng nước thì thật là ê hề, cây cối xanh tươi, thức ăn không bao giờ cạn.
– Tôi không biết bay thì làm sao mà đi đến đấy được?
– Có khó gì việc ấy. Chị cứ cắn thật chặt vào giữa một cái gậy, còn chúng tôi thì cắn vào hai đầu gậy. Cứ thế mà bay thì có thể đưa chị đi đến cùng trời cuối đất cũng được. Nhưng chị phải nhớ là dọc đường hãy ngậm miệng đừng nói, dù có thấy gì lạ hay có ai kêu gọi, trêu chọc, cũng cứ một mực làm thinh, đừng có mở miệng mà rơi xuống chết oan đó.
Nghe bùi tai, rùa ta cám ơn hai con cò và làm theo. Quả nhiên hai con cò vỗ cánh mang được rùa lên không trung.
Lúc bay qua một cái quán nước, những người ngồi ở quán trông thấy cảnh tượng lạ mắt, vội bảo nhau: – “Ô kìa, có hai con cò tha một cục cứt trâu”. Rùa giận lắm, nhưng nhớ tới lời cò dặn, không dám nói gì hết. Một lát sau, bộ ba bay qua một cái chợ. Những người đi chợ thấy vậy bèn reo lên: – “Kìa có hai con cò tha một con chó chết!”
Lần này rùa nổi giận xung thiên nên không kìm giữ được thói cũ của mình, định chửi lại một câu thật đau, nhưng vừa mở miệng thì đã rơi bịch xuống đất, bị người đi chợ bắt về ăn thịt.
Hai con cò thấy rùa chết bảo nhau:
– Tội nghiệp, chị ấy không chịu nghe lời. Cũng đáng kiếp cho cái tật ngoa mồm. Thôi bây giờ chúng ta có thể trở lại ao sen kiếm ăn mà không sợ ai chửi bới nữa[1].
KHẢO DỊ
Người Lào cũng có truyện Rùa kết bạn với vịt trời:
Xưa trong hồ Póc-kha-ra-ni có một con rùa và hai con vịt trời. Gặp khi hồ cạn, hai con vịt trời muốn đi chỗ khác kiếm ăn. Rùa xin họ đưa mình đi theo. Vịt trời ưng thuận, chỉ dặn là rùa không được mở mồm. Cũng như truyện trên, chúng nó bảo rùa cắn vào giữa một cái gậy rồi hai con cắn hai đầu, cứ thế bay đi. Có hai con chồn trông thấy, nói với nhau, một con nói: – “Kìa có hai con ngỗng tha một con rùa”. Một con trả lời: – “Sao lại nói thế, biết có phải là hai con ngỗng tha một con rùa hay là một con rùa gánh hai con ngỗng”. Rùa giận lộn ruột muốn chửi, nhưng vừa mở miệng đã bị rơi xuống chết[2].
Trong Kinh Tam tạng cũng có truyện Hai con ngỗng và con rùa có phần chắc là nguồn gốc của hai truyện trên.
Xưa, trong một cái hồ có nhiều ngỗng và nhiều rùa ở chung với nhau. Trong đó có một con rùa kết bạn thân với hai con ngỗng. Gặp năm hạn hán kéo dài, nước hồ sắp cạn, hai con ngỗng đến từ biệt rùa để đi chỗ khác kiếm ăn. Rùa lấy tình bạn xin đi theo và bày ra cách cắn vào gậy như trên. Hai con ngỗng nói: – “Chúng tôi không từ chối, nhưng vì anh vốn lắm lời không kìm được mồm miệng, nhỡ có thế nào chúng tôi rất ngại”. Đáp: – “Tôi biết giữ mồm tôi chứ!” Bèn làm theo lời; cả ba bay lên trên không. Đến một thành phố, những người đi chợ gọi nhau: – “Này xem có hai con ngỗng ăn trộm một con rùa!” Rùa tức lắm nhưng chịu đựng, lặng thinh. Lai qua một thành phố khác, những người ở chợ lại kêu như trên. Rùa nghĩ bụng. “Sao có thể chịu mãi được cái khổ cổ thì ưỡn dài mà mồm thì ngậm thinh này. Bèn định nói: – “Đây là tôi muốn như thế chứ không phải ngỗng bắt trộm”. Nhưng chưa nói đã rơi, bị trẻ con đánh chết. Hai con ngỗng ngậm ngùi rồi bay đi[3].
Cũng ở kinh trên, lại có một truyện khác: Con sếu và con rùa. Một con rùa gặp năm đại hạn, hồ cạn không có gì ăn. Rùa cầu cứu sếu. Sếu lấy mỏ cắn rùa tha đi. Qua một thành phố, rùa không ngớt miệng hỏi – “Cái gì đây?” – “Cái gì kia?”. Sếu muốn trả lời nhưng vừa mở miệng thì rùa đã rơi bịch, bị người ta bắt ăn thịt[4].
Trong Ngụ ngôn Ơ-dốp (Fables Ésopiques) có truyện Rùa và le biển, đại thể là: Một con rùa nằm phơi nắng gặp một con le. Rùa ao ước: – “Giá được ai chắp cánh bay cao thì hay quá!” – “Cho ta gì ta sẽ mang cho”, le đáp – “Tôi sẽ tặng báu ngọc dưới đáy biển” – Le bèn cắp rùa lên mây xanh, chẳng may sẩy, rùa rơi chết. Rùa than: – “Ta vốn nòi đi chậm quen ở chốn bùn lầy, sao lại mong ước lên cao. Vả lại trên ấy nào có ai họ hàng quen thuộc, lên mà làm gì chết là đáng lắm!”.
Một truyện ngụ ngôn của ta Cóc và chuột hình tượng có khác nhưng đề tài tương tự:
Một con cóc kết bạn với một con chuột, thường mời chuột về nhà đãi đằng hậu hĩ. Đến lượt chuột mời cóc đến nhà nó. – “Tôi làm thế nào để lên chỗ ở của bác trên cây cao được”, cóc hỏi – “Bác cứ ngậm vào đuôi tôi là khắc xong”. Rồi đó chuột đưa cóc lên cây cao. Chưa đến nơi thấy vợ chuột ra chào, cóc mở miệng định chào lại thì bị rơi xuống chết (có người kể là bị oằn lưng như ngày nay vẫn thấy)[5].
[1] Theo Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn.
[2] Theo Hoàng Lâm, Xu-văn thon. Truyện cổ tích Lào.
[3] Theo Sa-van-nơ (Chavannes), sách đã dẫn.
[4] Theo Sa-van-nơ (Chavannes), sách đã dẫn .
[5] Theo Xi-mác-đơ (Simardes). Cổ tích và truyền thuyết An-nam.