Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Tinh con chuột

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Ngày xưa có một anh học trò, con một nhà phú hộ, được nuông chiều và chăm chút rất mực. Năm hai mươi tuổi, cha mẹ lấy vợ cho. Vợ chàng là một người có nhan sắc lại đoan chính. Hai người rất yêu nhau. Lấy vợ được nửa năm, chàng được lệnh cha mẹ bảo lên học với cụ nghè trên tỉnh. Chàng đưa theo một người lão bộc để lo cơm nước và hầu hạ. Vì đường sá cách trở, lại vì bài vở học tập ngày một nhiều, nên đã nửa năm, chàng chẳng có dịp nào về thăm vợ cả.

Một hôm, vào khoảng nửa đêm, người vợ đang ngủ bỗng tỉnh dậy, thấy chồng thình lình bước vào buồng. Nàng vừa mừng vừa ngạc nhiên, hỏi: – “Anh về lúc nào?”. Đáp: – “Vừa về xong”. – “Sao anh không thức thầy mẹ dậy chào hỏi trò chuyện rồi có ăn cơm để em đi thổi?”

Chồng khoát tay ngăn lại mà rằng:

– Chớ! Chớ! Ta nhớ nàng quá lắm. Từ lâu, muốn về, chỉ sợ thầy mẹ mắng chết. Hôm nay lén về đây một chút rồi đến gà gáy lại đi. Nàng chớ thức giấc thầy mẹ dậy làm gì. Còn cơm thì ta đã ăn no ở chợ rồi.

Nói rồi tắt đèn lên giường. Vợ tin là thực, không căn vặn gì cả.

Đêm hôm sau, thấy chồng lại mò về, vợ không ngăn được mối nghi ngờ bèn gặng hỏi:

– Nơi anh học cách nhà đến hai ngày đường, sao anh lại về luôn được như thế?

Đáp:

– Ta vì nhớ nàng nên đã giấu thầy mẹ xin về học với cụ huấn Lê cách đây chừng mười dặm để tiện vài ngày về với nàng một lần. Nàng cứ giả cách coi như không biết gì, nhất thiết chớ hở cho ai hay.

Từ đó, chồng cứ vài ba ngày lại về một lần. Vợ vì yêu chồng nên kín tiếng. Vì thế trong nhà ngoài ngõ chả một ai biết cả. Cứ như thế được nửa năm. Bố mẹ chồng thấy con dâu ngày một xanh xao vàng vọt, cho là vì nhớ chồng mà như thế nên một hôm viết thư bảo con trai xin phép về thăm nhà.

Thấy chồng về, vợ coi là chuyện rất thường. Trái lại chồng thì rất vồn vã, nhất là khi vào phòng riêng, chồng nói chuyện rất nhiều, kể lể nỗi niềm nhớ nhung mong mỏi ra làm sao; khi được phép thầy về thì vui sướng hồi hộp như thế nào, v.v… Không thấy vợ nói năng gì chồng tưởng là vợ giận nên lại cố dùng lời dịu ngọt mơn trớn vợ. Vợ vẫn cúi đầu im lặng. Chồng quay ra làm mặt giận, nằm day vào vách. Bấy giờ vợ mới lên tiếng:

– Anh làm như anh cả đời mới về một lần. Đóng trò với thầy mẹ chứ có phải đóng trò với em đâu?

Đến lượt chồng ngạc nhiên, ngồi nhỏm dậy, hỏi dồn một hồi:

– Thế nào? Thế nào? Nói mau! Nói mau!

Vợ bắt đầu cho chồng biết mọi việc từ nửa năm lại đây và nói:

– Con người ở cổ có một nốt ruồi đỏ, hai tai xâu lỗ, và một cái sẹo giữa trán nếu không phải anh thì còn ai nữa.

Nghe nói, chồng biết là có sự lộn sòng, liền ôm đầu kêu khóc rất thảm thiết. Bố mẹ và người nhà chạy vào hỏi chuyện. Sau khi nghe chồng kể rõ sự tình, vợ mới biết là trong nửa năm nay đã ăn nằm với một người lạ đội lốt chồng mình. Lại đến lượt vợ ôm đầu kêu khóc và toan sự đập đầu vào cột. Tất cả mọi người phải xúm lại, hết lời khuyên can dỗ dành mới làm dịu được cơn sóng gió.

Sau đó mấy ngày, chồng lại cùng lão bộc lên trường, vợ đã thôi ý định tự tử, còn bố chồng thì xin mấy đạo bùa về dán ở nhà. Ông dặn con dâu hễ thấy có người vào, bất kể ai, cứ nắm lấy kêu lên; cả bọn con hầu đầy tớ đã chực sẵn hễ nghe tiếng kêu sẽ từ bốn phía xông vào, kẻ gian dù có chạy đường trời cũng không thoát.

Mấy ngày yên lặng chả thấy có gì. Bỗng một đêm nọ nghe trong buồng, có tiếng hô hoán, cả nhà nhanh chân chạy ùa vào thì thấy người vợ đang nắm lấy tóc một người, miệng kêu la không ngớt. Họ xông lại trói thủ phạm vào cột nhà và toan nện cho một trận nhưng khi ông bố nhìn kỹ vào mặt thì lạ thay, rõ ràng không phải là ai xa lạ mà từ đỉnh đầu đến gót chân chính là đứa con yêu quý của ông. Đến nỗi bà mẹ khi thấy kẻ gian thì khóc òa lên và một hai bắt phải cởi trói ngay cho con mình.

Bấy giờ cả xóm đó tới xem rất đông, không một ai làm sao mà phân biệt nổi. Nhiều người nói:

– Thôi rồi, ông lại bắt lầm lấy con ông rồi!

Mấy cụ già bảo:

– Chi bằng cho người cấp tốc đi gọi con trai trên tỉnh về đây, lúc ấy muốn đoán định ra sao hãy hay.

Đến ngày thứ hai, người con ở nhà trọ tiếp được tin, đi suốt đêm về đến nhà. Tất cả mọi người nhìn lại thì lạ lùng thay, “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Họ giống nhau đến nỗi cuối cùng tất cả mọi người không biết ai là thực, ai là giả nữa.

Vì thế, họ đành phải trói cả hai lại, đưa lên trình huyện. Quan huyện chả biết làm sao mà phân xử, liền sai giải luôn lên tỉnh. Quan tỉnh sau mấy ngày tra khảo cũng không tìm ra được manh mối gì, mới đệ vụ án về cho vua.

Bấy giờ nhà vua đang trị vì là một tay xử kiện giỏi. Hoàng đế đã từng tìm ra được manh mối nhiều vụ án rất oái oăm. Khi thấy giải hai người đến trước sân rồng, trước hết, vua sai vệ sĩ lột hết áo quần của họ ra. Sau khi khám nghiệm, vua quan đều lấy làm kinh dị lạ không những nét mặt, hình dạng, ngay đến nốt đen, nốt đỏ, những chỗ hiểm trong người cũng đều giống như như rập khuôn vậy. Vua ngoảnh bảo các quan đại thần:

– Đích là trong này có một con ma. Nếu là người thì đâu thể giống nhau thần dị như thế.

Một viên quan tâu lên:

– Tôi nghe loài ma quỷ là vật vô hình, ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua không để lại bóng. Xin bệ hạ cho đưa chúng nó ra giữa nắng xem đứa nào không có bóng là chính thị.

Lời tâu ấy được đem thi hành ngay nhưng không có kết quả, vì khi có hai vừa bước ra ngoài trời, bóng của họ đã in rõ trên nền gạch.

Cuộc hỏi cung bắt đầu. Hai người được đưa ra hai nơi tra hỏi cặn kẽ từ cái tên cúng cơm đến những chuyện rất vụn vặt. Nhưng đọc lại hồ sơ thì vua lại càng ngạc nhiên thấy rằng cả hai bên khai đúng như nhau, không sai một ý. Nhà vua vò đầu suy nghĩ. Cả triều đình bó tay không tìm ra được một phương kế nào nữa. Cuối cùng, vua xa giá đến đền Phù Đổng đốt hương cầu thần giúp đỡ. Thần ứng đồng lên nói:

– Nó là một con chuột già sống lâu năm thành tinh, bây giờ lửa nước đồng sắt không làm hại được, bùa chú đối với nó cũng mất linh nghiệm. Chỉ có cách là lên thiên đình mượn Ngọc Hoàng thượng đế viên ngọc mắt mèo, đưa ra, nó sẽ hiện nguyên hình. Nhưng nay trên thiên đình bận nhiều việc nên khó lòng mượn được. Tôi sẽ vì bệ hạ tử ra tay một phen. Trước hết đem hai đạo bùa dán vào lưng để nó không thể trốn được.

Tự nhiên giữa không trung bay xuống hai đạo bùa rơi vào tay vua. Khi xa giá về cung, vua sai thị vệ dán ngay vào lưng hai người và bắt họ ngoảnh lưng vào nhau trước sân rồng. Tự nhiên thấy có một người cố sức dãy dụa nhưng dường như bị trói chặt không sao cựa nổi. Bỗng chốc mây kéo mù mịt rồi tiếp theo là tiếng sét nổ vang trời. Khi trời đã quang đãng lại, người ta thấy giữa sân chỉ còn có một người, bên cạnh đấy là một con chuột khổng lồ, lông lá xù xì có năm sắc, râu trắng như tuyết, nằm chết ngay đơ không động cựa.

Vụ án nhờ thế được tỏ. Vua sai đốt xác con tinh thành than đem vứt xuống sông. Còn con dâu nhà phú hộ mãi đến hơn một năm mới trừ được hết độc[1].

KHẢO DỊ

Người Nghệ An có truyện Tại sao gọi chuột là ông cống? là một dị bản của truyện trên:

Ngày xưa có một nhà nọ nuôi con chuột đực. Con chuột này sống ngoài một trăm năm, trở thành yêu, có nhiều phép biến hóa, có thể biến thành người được, nó lại thông thạo mọi việc trong nhà.

Sau đó, chủ nhà đỗ hương cống, đi làm quan xa lâu ngày không về. Cũng như truyện ở trên, ở đây chuột hóa thành người giống ông cống như tạc, hắn nói dối với người nhà rằng mình mới được phép vua về nhà nghỉ ít lâu. Vợ thấy chồng về thì vui mừng, hai bên ăn ở với nhau hơn một năm, sinh được một đứa con gái.

Một hôm, ông chồng thật về, cả nhà đều ngạc nhiên, nhìn lại cả hai thì giống nhau như hai giọt nước, hỏi đến mọi việc từ kế tự cho đến của chìm của nổi, cả hai đều nói rành mạch, giống nhau không sai một tý gì.

Việc lên quan. Quan hỏi dân làng xem có ai biết được việc riêng của nhà ấy như thế nào thì cho khai ra. Có một người khai rằng: nhà ấy ba đời không nuôi mèo, chỉ nuôi một con chuột đực giữ nhà, những con chuột khác đều không dám đến cắn phá. Hỏi người nhà thì biết rằng gần đây không thấy con chuột ấy nữa, không biết nó đi đâu.

Quan bên đoán rằng: trong hai ông cống này tất có một người do chuột hóa ra. Mới mời một thầy phù thủy nổi tiếng đến. Thầy bắt một tay quyết “linh miêu”, lại dọc một đường chú “bổ thử”. Lập tức ông cống giả cùng đứa con gái tự nhiên biến thành chuột, vỡ mặt ra mà chết. Vụ rắc rối của nhà ấy nhờ thế được tỏ rõ. Ngày nay, người ta gọi chuột là “ông cống”chính là vì thế[2].

Người Nghệ-an còn có một truyện khác kể rằng:

Có một con chuột ở trên núi, sống lâu năm thành yêu, thường hiện hình làm người, đi hiếp đàn bà. Trong làng có người học trò đi thi chưa về. Chuột bèn hóa thành anh học trò, mặt mũi, quần áo, lời ăn tiếng nói y hệt. Được năm ngày anh học trò thật trở về, ban đêm gọi cổng. Vợ anh ở trong nói vọng ra: “Chồng ta đi thi không đỗ đã về đây rồi, không biết ai gọi gì ngoài ấy?”. Anh học trò phá cổng vào. Anh học học trò giả cũng mắng. – “Tao đã về đây rồi không biết đứa nào dám mạo nhận”. Hai bên đánh nhau. Việc đưa lên quan. Nhờ có một pháp sư cao tay lập đàn cáo với Trời. Trời cho một con “kim miêu” xuống, bắt yêu chuột hiện nguyên hình[3].

Cả mấy truyện đều cùng một chủ đề, cùng một con vật dưới dạng thần kỳ hóa làm hình tượng, và khá gần gũi với một truyện cổ tích của Trung-quốc Năm con chuột làm náo loạn Đông Kinh, Bao Công bắt yêu (Ngũ thử náo Đông Kinh, Bao Công thu yêu truyện). Xem Khảo dị truyện số 140, tập IV.

Về những truyện có đề tài xử án trong đó có con ma biến thành hình dạng người (chồng hoặc vợ) để ăn nằm với người, các dân tộc gần ta cũng có. Truyện của người Khơ-me (Khmer) Thỏ làm quan tòa lừa ma:

Một anh chàng vừa mới lấy vợ thì bị quan bắt đi lính theo vua đánh giặc. Anh buồn quá ra đi đến một cây đa ngồi khóc, khóc đoạn bỏ về, rồi sợ lệnh quan lại phải ra đi, cứ dùng dằng như thế đến mấy lần. Cuối cùng anh đành phải đi. Trên cây đa có con ma thấy vợ anh đẹp bèn hóa thành anh chàng đêm lại mò vào. Người đàn bà hỏi: – “Sao lại về?”. – “Quan bảo ta không phải ra trận”. Hai bên ăn ở với nhau ít lâu thì cuộc chiến tranh kết thúc, người chồng thật trở về. Vợ kinh ngạc không biết trong hai người ai là chồng thật của mình. Hai người đàn ông tranh cãi. Việc đưa lên quan. Quan tòa bối rối tra hỏi người vợ, người vợ cũng không biết sao mà khai. Án đành xếp lại. Người chồng thật buồn quá bỏ đi lang thang gặp một con thỏ kể chuyện cho thỏ nghe. “Đừng lo, thỏ bảo, để tôi sẽ giúp”. Bèn đến bảo quan tòa. “Vụ án này chưa xong. Hãy lấy một cái lọ bảo ai chui vào được thì người ấy là chồng”. Nghe quan phán thế, người chồng giả rất vui mừng. “Ta sẽ thắng”. Bèn thu mình chui vào lọ. Thỏ bảo nút chặt lọ lại vứt xuống sông và nói: “Đó là ma, còn người thật thì không thể chui vào được”. Rồi anh chàng dắt vợ về, còn thỏ thì lại lên rừng[4].

Người Lào cũng có một truyện như truyện vừa kể:

Một người kêu kiện với quan về một con ma (phi) hóa thành hình dạng giống người ấy, tranh mất vợ. Quan tòa phán rằng vợ sẽ về với người nào chui được vào một cái lỗ nhỏ (có người kể là cái ống tre). Trong khi chồng thật khóc lóc thì con ma vội vã hóa phép thu nhỏ lại chui vào. Quan có đủ bằng cớ để trả người vợ cho người chồng thật[5].

Cả hai truyện có lẽ xuất phát từ nguồn gốc một truyện của Ấn-độ:

Một người Bà-la-môn rất nghèo, phải bán xới kiếm ăn để mẹ và vợ ở nhà. Trong khi đó, một hung thần hóa thành hình dạng người chồng, làm bộ trở về nhà báo hai người đàn bà rằng mình đã tìm được cách mưu sinh.

Mấy năm sau, người Bà-la-môn thật về. Việc rắc rối cũng xảy ra như các truyện trên và cuối cùng cũng đưa lên vua phân xử. Vua xử cho hung thần được kiện. Người Bà-la-môn thật thất vọng trở về. Qua một cánh đồng, thấy có bầy trẻ chăn bò đang đóng trò vua quan, người Bà-la-môn khóc lóc xin xét nỗi oan khổ. Đứa trẻ làm vua giả, sau khi được vua thật đồng ý cho xử vụ này, bèn đưa ra một cái hũ lớn bảo ai là chồng thật thì chui vào hũ. Trong khi người Bà-la-môn khóc rống lên vì không thể nào chui vào được thì hung thần thu hình chui vào. Lập tức đứa bé bảo nút hũ lại, ném vào lửa[6].

Việt Nam còn có một truyện xử án, có những tình tiết tương tự với các truyện trên:

Làng Hoàng Đồng, châu Thoát-lãng (Lạng-sơn) có người đàn ông họ Quách cưới vợ ở một làng khác cách nửa ngày đường. Ngày cưới, cô dâu ngồi kiệu về. Đến nơi, mở kiệu, người ta thấy không phải là một mà là hai cô dâu giống nhau như tạc. Việc đưa lên quan. Quan sai chăng thừng cao quá đầu người, bảo ai nhảy qua được là vợ họ Quách. Một người nhảy được ngay. Quan sai bắt chém nhưng nó biến mất. Còn người kia không nhảy được đúng là cô dâu, quan cho về đoàn tụ với chồng[7].

Một truyện xử án của Trung Quốc thuộc Bao Công kỳ án, hình tượng dẫu khác nhưng chủ đề thì tương tự:

Ngày xưa ở Dương Châu có người học trò nghèo học giỏi là Lưu Chân. Một lần Lưu đi thi nhưng đến trường thì đã quá muộn. Chàng trọ lại ở chùa Khai Nguyên, hết sạch cả tiền, đành làm nghề viết thuê chữ thảo kiếm ăn. Vừa gặp thừa tướng họ Kim trọng tài Lưu, gọi vào phủ dạy cho con cháu. Nhân đó, Lưu được trông thấy con gái thừa tướng, trong lòng mê mẩn. Hồi ấy, ở đầm Bích Du có con cá chép sống được ngàn năm thành tinh, có phép biến hóa. Một hôm, cá biến thành người con gái, đi chơi xa, đến sáng không về kịp vội hiện nguyên hình, nấp vào ao phủ thừa tướng. Cả đêm đêm phun hơi vào khóm mẫu đơn làm cho hoa mẫu đơn đẹp ra khác thường, khiến con gái con thừa tướng mê mẩn về hoa, ngày nào cũng ra đó ngắm nghía. Cá thấy Lưu Chân đẹp trai lại đang mê con gái thừa tướng, liền hóa làm con gái thừa tướng, tìm đến buồng Lưu ân ái.

Được ít lâu, cá rủ Lưu trốn về quê quán, sống như vợ chồng. Tuy thấy mất Lưu, cả nhà thừa tướng vẫn không để ý. Nhưng khóm mẫu đơn từ đó chết khô, tiểu thư sinh bệnh. Thừa tướng sai người nhà đến Dương Châu tìm mua một cây mẫu đơn đẹp đem về trồng. Người ấy tình cờ vào nhà Lưu. Thấy vợ Lưu, hắn ngạc nhiên ngỡ là tiểu thư, vội về báo cho thừa tướng biết. Thừa tướng sai thuộc hạ đòi hai vợ chồng Lưu về kinh. Trông thấy cá, Thừa tướng rất kinh ngạc vì giống con mình như đúc. Hỏi Lưu thì chàng thú thực là đã cùng tiểu thư dắt nhau đi trốn, nay xin chịu tội.

Thừa tướng nhờ Bao Công phân xử. Bao Công sai đưa hai người (cá và tiểu thư) vào dinh, lấy kính chiếu ma soi vào. Một lát sau cá nhả ra một đám khí đen. Khí đen tan thì cả cá và tiểu thư đều biến mất. Bao Công nhờ Thành hoàng giúp. Thành hoàng lại nhờ Long quân đóng các cửa biển để tróc nã yêu quái. Cá bị đuổi dữ quá chạy vào Nam Hải. Bao Công sai yết bảng rao hễ ai biết yêu tinh cá vàng ở đâu sẽ thưởng năm nghìn quan.

Bấy giờ có ông lão họ Trịnh bình sinh hay giúp đỡ người, lại có thờ Quan Âm. Một đêm, mộng thấy Quan Âm nhờ mình sáng ra bờ sông đưa ra mắt Bao Công. Sáng dậy ra bến, chỉ thấy có một bà cụ già tay cầm giỏ tre. Vào đến phủ Bao Công, bà ta bắt cá trong giỏ ra tra hỏi. Cá kể sự thật và thú là giấu tiểu thư ở đầm Bích Du. Bao Công muốn đem cá mổ thịt nhưng bà ta nhận đưa đi “phát lạc”, còn số tiền thưởng xin giao cho ông lão họ Trịnh[8].

Tìm được tiểu thư thì nàng đã gần chết. Khi chữa lành, Bao Công xin Thừa tướng gả cho Lưu Chân làm vợ.

Trung-quốc còn có hai truyện tuy không phải thuộc truyện xử án, và tuy cấu trúc và hình tượng có khác nhau nhưng đều cùng một chủ đề với truyện trên:

  1. Dương Hùng mồ côi bố được cậu là phó tướng họ Chu trấn ở Hà-châu nuôi. Chu rất yêu chàng vì thông minh. Chu có con gái cùng trạc tuổi với Dương, tuy cho ăn ở chung, nhưng gia pháp rất nghiêm nên không xảy ra việc gì. Bỗng một hôm, Dương đang dạo mát tự nhiên thấy cô gái họ Chu đi theo mình. Hai người từ đấy yêu nhau, hẹn hò tình tự luôn. Mụ quản gia rình biết, bèn báo với chủ. Họ Chu hỏi vợ, vợ nói: “Con gái đêm nào mà chả đi ngủ với tôi”. Họ Chu lấy làm khó hiểu, nhưng cũng kiếm cớ đuổi Dương ra khỏi cửa.

Lang thang khắp nơi, cuối cùng chàng phải ở nhờ một ngôi chùa ở Lan Châu. Một hôm, thấy có kiệu dừng ở cửa, nhìn ra mới biết là người yêu đến cùng với nhiều đồ đạc quý giá. Cô gái họ Chu nói mình đi với chú ruột mới được thăng chức thủ bị ở Lan Châu. Dương đến chào người chú yêu, người này đến đáp lễ. Khi thấy cháu ăn ở với Dương như vợ chồng thì ông chú kinh ngạc vì mình chưa nghe nói tới cưới hỏi bao giờ. Mấy ngày sau nhân có việc, ông chú về Hà Châu kể lại với người anh. Vợ chồng họ Chu nói: “Con gái chúng tôi chưa bao giờ ra khỏi nhà”. Cuối cùng họ cũng bàn nhau: nay đã có việc như thế thì con gái không khỏi mang tiếng, chi bằng gả quách cho Dương. Bèn làm theo lời bàn. Khi đưa dâu về thì một người hóa hai. Dương đang hoang mang thì một trong hai cô bước ra nói: “Tôi là hồ ly, vì việc báo ân mà làm như thế, chàng đừng kinh sợ. Xưa người ông chàng đi săn, tôi bị một mũi tên tưởng chết, nhờ ông chàng bó cho rồi thả ra. Tôi muốn trả ơn mà chưa có dịp. Gần đây biết chàng yêu cô Chu mà không có cách gì. Tôi làm thế này để thay cho việc mai mối. Nay việc đã xong tôi đến chào chàng”[9].

  1. Đời Tấn ở Ngô-hưng có một người có hai con. Một hôm, hai người con đi làm đồng, tự nhiên thấy người bố ở đâu đến đánh đập mình không có lý do, rồi đi. Họ nói với mẹ. Mẹ trách bố, bố lấy làm lạ nói: “Ta chưa hề ra đồng. Chắc đó là quỷ lấy hình dạng ta. Nếu nó đến nữa thì cho các con cứ giết đi vô tội vạ”. Sáng mai, hai con lại ra đồng, gậy gộc cầm tay. Hôm ấy họ về chậm. Không thấy con về, người bố đi đón, con tưởng quỷ bèn giết chết, rồi chôn ngay tại chỗ. Quỷ thấy vậy bèn hóa thành bố về nói với mẹ. “Thế là ổn, bọn chúng đã giết chết con quỷ”. Tối lại, hai đứa con về, cả nhà chuyện trò vui mừng như đạt một thắng lợi.

Vài năm sau, có một pháp sư đi qua ghé vào nói với hai người con: – “Gia đình các anh đang có tai họa”. Con về kể lại với bố. Bố thét lên: – “Giết chết nó đi!”.

Hai người bảo pháp sư đi ngay kẻo có sự chẳng lành xảy ra. Nhưng pháp sư không đi mà tốc thẳng vào nhà đọc bài chú. Tự nhiên người bố biến thành một con chồn già nấp dưới giường. Hai người con biết lần trước mình đã giết mất bố. Bèn cải táng bắt đầu làm ma[10].

Người Huế cũng có truyện Tinh con chuột nhưng có nội dung khác hẳn truyện Tinh con chuột trên kia. Đại khái cái một người đàn bà góa chồng nghèo khổ. Một hôm, chị gặp một người đàn ông, ăn ở với nhau như vợ chồng.

Nhờ có người chồng hàng ngày mang thức ăn về nên cuộc sống có phần dễ chịu hơn trước. Nhưng dần dần, xóm giềng nhận thấy thức ăn của mình hay bị mất trộm. Họ rình đánh kẻ gian. Và khi ông lão, chồng người đàn bà, ngã xuống, thì hiện nguyên hình là một con chuột lớn.

Xem thêm truyện Hà Ô Lôi (số 116) sau đây, và truyện Người học trò với ba con quỷ (số 131).

Một phật thoại, Lô Chí trưởng giả, có mục đích giáo dục tín đồ, cũng có hình tượng một vị thần hóa thành người, giống với một vị trưởng giả như đúc, gây rắc rối từ gia đình cho đến vua quan:

Ngày xưa ở nước Xá-vệ, có một trưởng giả tên là Lô Chí nổi tiếng giàu có, nhưng cũng nổi tiếng keo kiệt. Một hôm nhà vua mở hội, mọi người đua nhau ăn uống, đãi khách, vui chơi theo tục lệ, Lô Chí cũng bỏ ra một số tiền mua thức ăn ngon nhưng sợ phải đãi khách, nên mang đi một nơi thật xa ăn uống một mình; ăn rồi rượu say hát múa một mình, tự cho là sướng hơn Đế Thích. Thần Đế Thích hôm ấy đi qua thấy vậy, mới định tâm cho y một bài học. Bèn nhân khi Lô Chí thật còn vui say ở xa nhà, hóa thân thành một Lô Chí khác, rồi đi về nhà Lô Chí, gọi vợ con xóm giềng Lô Chí lại phán rằng trước đây mình bị một con ma “keo kiệt” ám ảnh nên sinh xấu nết, bòn sẻn với mọi người. Nay mình đã học được phép đuổi quỷ, nên đã đuổi được nó đi rồi. Đoạn sai người nhà dọn tiệc mời họ hàng thân thích ăn uống linh đình, và mở kho lấy tiền của ra phát cho mọi người. Trong khi thiên hạ vây quanh đông đúc để nhận phân phát, thì Lô Chí thật tỉnh rượu trở về. Thấy có một người giống mình ngồi giữa mẹ và vợ con, Lô Chí hầm hầm nổi giận, nhưng Đế Thích (Lôi Chí giả) vội chỉ cho người nhà biết đó là con ma “keo kiệt” bảo đóng cửa không cho vào. Cuối cùng, hai bên tranh cãi kịch liệt, mọi người không hiểu thế nào cả. Họ đưa nhau lên vua. Vua không xử. Sau đưa đến Phật, Đế Thích bấy giờ mới hiện nguyên hình và trả lại của cho Lô Chí[11].

[1]. Theo Thánh Tông di thảo.

[2]. Theo Bản khai những truyện dân gian. Còn theo Nguyễn Văn Ngọc thì sở dĩ người ta gọi chuột là “ông cống” vì những năm có khoa thi, chuột thường hay vào lục lọi các quyển thi, gặm nát hết cả, quan trường sợ bị tội nên phải kiêng cái tên “chuột” để nó khỏi vào quấy phá. Không biết gọi bằng tên gì họ bèn tặng cho nó học vị cử nhân, gọi tên là “ông Cống” (Truyện cổ nước Nam, tập II, đã dẫn). Theo truyện Tống Trân – Cúc Hoa thì khi Cúc Hoa bị bố là đình trưởng ép duyên, nàng có hai con hầu mang cỗ dâng mẹ chồng và trao cho bà tám nén vàng để lo ma chay khi chết. Hai đứa bất lương không đưa, chia nhau số vàng nhưng sau đó bị đàn chuột lấy trộm vàng tha về cho Trạng. Trạng bèn phong chuột học vị hương cống:

…Trạng Nguyên cầm lấy liền tay,

Vàng kia đích thực của rày vợ tao.

Chuột kia mày ở nơi nao?

Vàng kia tám nén đưa tao chớ chầy.

Ơn vua tao sống về đây

Phong chức cho mày hương cống chuột kia…

[3]. Theo Bản khai của làng Vĩnh An.

[4]. Theo Mi-đăng (Midan). Những truyện về quan tòa Thỏ, BSEI (1933).

[5]. Theo Phi-nô (Finot). Tìm hiểu về văn học Lào, BEFEO (1917).

[6]. Theo Cô-xcanh (Cosquin). Nghiên cứu về cổ tích truyền thuyết.

[7]. Theo Sê-ông (Chéon). Sưu tập những bài mới.

[8]. Do truyện này về sau, để hình dung Phật Quan Âm, người ta thường nói về một bà già cầm giỏ cá.

[9]. Theo Tân tê hai, quyển 6.

[10]. Theo Sưu thần ký.

[11]. Theo Đuốc tuệ (1936) và Sa-van-nơ (Chavane). Năm trăm truyện cổ và ngụ ngôn trích từ Kinh Đại tạng Trung-quốc.

Ngày xưa có một anh học trò, con một nhà phú hộ, được nuông chiều và chăm chút rất mực. Năm hai mươi tuổi, cha mẹ lấy vợ cho. Vợ chàng là một người có nhan sắc lại đoan chính. Hai người rất yêu nhau. Lấy vợ được nửa năm, chàng được lệnh cha mẹ bảo lên học với cụ nghè trên tỉnh. Chàng đưa theo một người lão bộc để lo cơm nước và hầu hạ. Vì đường sá cách trở, lại vì bài vở học tập ngày một nhiều, nên đã nửa năm, chàng chẳng có dịp nào về thăm vợ cả.

Một hôm, vào khoảng nửa đêm, người vợ đang ngủ bỗng tỉnh dậy, thấy chồng thình lình bước vào buồng. Nàng vừa mừng vừa ngạc nhiên, hỏi: – “Anh về lúc nào?”. Đáp: – “Vừa về xong”. – “Sao anh không thức thầy mẹ dậy chào hỏi trò chuyện rồi có ăn cơm để em đi thổi?”

Chồng khoát tay ngăn lại mà rằng:

– Chớ! Chớ! Ta nhớ nàng quá lắm. Từ lâu, muốn về, chỉ sợ thầy mẹ mắng chết. Hôm nay lén về đây một chút rồi đến gà gáy lại đi. Nàng chớ thức giấc thầy mẹ dậy làm gì. Còn cơm thì ta đã ăn no ở chợ rồi.

Nói rồi tắt đèn lên giường. Vợ tin là thực, không căn vặn gì cả.

Đêm hôm sau, thấy chồng lại mò về, vợ không ngăn được mối nghi ngờ bèn gặng hỏi:

– Nơi anh học cách nhà đến hai ngày đường, sao anh lại về luôn được như thế?

Đáp:

– Ta vì nhớ nàng nên đã giấu thầy mẹ xin về học với cụ huấn Lê cách đây chừng mười dặm để tiện vài ngày về với nàng một lần. Nàng cứ giả cách coi như không biết gì, nhất thiết chớ hở cho ai hay.

Từ đó, chồng cứ vài ba ngày lại về một lần. Vợ vì yêu chồng nên kín tiếng. Vì thế trong nhà ngoài ngõ chả một ai biết cả. Cứ như thế được nửa năm. Bố mẹ chồng thấy con dâu ngày một xanh xao vàng vọt, cho là vì nhớ chồng mà như thế nên một hôm viết thư bảo con trai xin phép về thăm nhà.

Thấy chồng về, vợ coi là chuyện rất thường. Trái lại chồng thì rất vồn vã, nhất là khi vào phòng riêng, chồng nói chuyện rất nhiều, kể lể nỗi niềm nhớ nhung mong mỏi ra làm sao; khi được phép thầy về thì vui sướng hồi hộp như thế nào, v.v… Không thấy vợ nói năng gì chồng tưởng là vợ giận nên lại cố dùng lời dịu ngọt mơn trớn vợ. Vợ vẫn cúi đầu im lặng. Chồng quay ra làm mặt giận, nằm day vào vách. Bấy giờ vợ mới lên tiếng:

– Anh làm như anh cả đời mới về một lần. Đóng trò với thầy mẹ chứ có phải đóng trò với em đâu?

Đến lượt chồng ngạc nhiên, ngồi nhỏm dậy, hỏi dồn một hồi:

– Thế nào? Thế nào? Nói mau! Nói mau!

Vợ bắt đầu cho chồng biết mọi việc từ nửa năm lại đây và nói:

– Con người ở cổ có một nốt ruồi đỏ, hai tai xâu lỗ, và một cái sẹo giữa trán nếu không phải anh thì còn ai nữa.

Nghe nói, chồng biết là có sự lộn sòng, liền ôm đầu kêu khóc rất thảm thiết. Bố mẹ và người nhà chạy vào hỏi chuyện. Sau khi nghe chồng kể rõ sự tình, vợ mới biết là trong nửa năm nay đã ăn nằm với một người lạ đội lốt chồng mình. Lại đến lượt vợ ôm đầu kêu khóc và toan sự đập đầu vào cột. Tất cả mọi người phải xúm lại, hết lời khuyên can dỗ dành mới làm dịu được cơn sóng gió.

Sau đó mấy ngày, chồng lại cùng lão bộc lên trường, vợ đã thôi ý định tự tử, còn bố chồng thì xin mấy đạo bùa về dán ở nhà. Ông dặn con dâu hễ thấy có người vào, bất kể ai, cứ nắm lấy kêu lên; cả bọn con hầu đầy tớ đã chực sẵn hễ nghe tiếng kêu sẽ từ bốn phía xông vào, kẻ gian dù có chạy đường trời cũng không thoát.

Mấy ngày yên lặng chả thấy có gì. Bỗng một đêm nọ nghe trong buồng, có tiếng hô hoán, cả nhà nhanh chân chạy ùa vào thì thấy người vợ đang nắm lấy tóc một người, miệng kêu la không ngớt. Họ xông lại trói thủ phạm vào cột nhà và toan nện cho một trận nhưng khi ông bố nhìn kỹ vào mặt thì lạ thay, rõ ràng không phải là ai xa lạ mà từ đỉnh đầu đến gót chân chính là đứa con yêu quý của ông. Đến nỗi bà mẹ khi thấy kẻ gian thì khóc òa lên và một hai bắt phải cởi trói ngay cho con mình.

Bấy giờ cả xóm đó tới xem rất đông, không một ai làm sao mà phân biệt nổi. Nhiều người nói:

– Thôi rồi, ông lại bắt lầm lấy con ông rồi!

Mấy cụ già bảo:

– Chi bằng cho người cấp tốc đi gọi con trai trên tỉnh về đây, lúc ấy muốn đoán định ra sao hãy hay.

Đến ngày thứ hai, người con ở nhà trọ tiếp được tin, đi suốt đêm về đến nhà. Tất cả mọi người nhìn lại thì lạ lùng thay, “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Họ giống nhau đến nỗi cuối cùng tất cả mọi người không biết ai là thực, ai là giả nữa.

Vì thế, họ đành phải trói cả hai lại, đưa lên trình huyện. Quan huyện chả biết làm sao mà phân xử, liền sai giải luôn lên tỉnh. Quan tỉnh sau mấy ngày tra khảo cũng không tìm ra được manh mối gì, mới đệ vụ án về cho vua.

Bấy giờ nhà vua đang trị vì là một tay xử kiện giỏi. Hoàng đế đã từng tìm ra được manh mối nhiều vụ án rất oái oăm. Khi thấy giải hai người đến trước sân rồng, trước hết, vua sai vệ sĩ lột hết áo quần của họ ra. Sau khi khám nghiệm, vua quan đều lấy làm kinh dị lạ không những nét mặt, hình dạng, ngay đến nốt đen, nốt đỏ, những chỗ hiểm trong người cũng đều giống như như rập khuôn vậy. Vua ngoảnh bảo các quan đại thần:

– Đích là trong này có một con ma. Nếu là người thì đâu thể giống nhau thần dị như thế.

Một viên quan tâu lên:

– Tôi nghe loài ma quỷ là vật vô hình, ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua không để lại bóng. Xin bệ hạ cho đưa chúng nó ra giữa nắng xem đứa nào không có bóng là chính thị.

Lời tâu ấy được đem thi hành ngay nhưng không có kết quả, vì khi có hai vừa bước ra ngoài trời, bóng của họ đã in rõ trên nền gạch.

Cuộc hỏi cung bắt đầu. Hai người được đưa ra hai nơi tra hỏi cặn kẽ từ cái tên cúng cơm đến những chuyện rất vụn vặt. Nhưng đọc lại hồ sơ thì vua lại càng ngạc nhiên thấy rằng cả hai bên khai đúng như nhau, không sai một ý. Nhà vua vò đầu suy nghĩ. Cả triều đình bó tay không tìm ra được một phương kế nào nữa. Cuối cùng, vua xa giá đến đền Phù Đổng đốt hương cầu thần giúp đỡ. Thần ứng đồng lên nói:

– Nó là một con chuột già sống lâu năm thành tinh, bây giờ lửa nước đồng sắt không làm hại được, bùa chú đối với nó cũng mất linh nghiệm. Chỉ có cách là lên thiên đình mượn Ngọc Hoàng thượng đế viên ngọc mắt mèo, đưa ra, nó sẽ hiện nguyên hình. Nhưng nay trên thiên đình bận nhiều việc nên khó lòng mượn được. Tôi sẽ vì bệ hạ tử ra tay một phen. Trước hết đem hai đạo bùa dán vào lưng để nó không thể trốn được.

Tự nhiên giữa không trung bay xuống hai đạo bùa rơi vào tay vua. Khi xa giá về cung, vua sai thị vệ dán ngay vào lưng hai người và bắt họ ngoảnh lưng vào nhau trước sân rồng. Tự nhiên thấy có một người cố sức dãy dụa nhưng dường như bị trói chặt không sao cựa nổi. Bỗng chốc mây kéo mù mịt rồi tiếp theo là tiếng sét nổ vang trời. Khi trời đã quang đãng lại, người ta thấy giữa sân chỉ còn có một người, bên cạnh đấy là một con chuột khổng lồ, lông lá xù xì có năm sắc, râu trắng như tuyết, nằm chết ngay đơ không động cựa.

Vụ án nhờ thế được tỏ. Vua sai đốt xác con tinh thành than đem vứt xuống sông. Còn con dâu nhà phú hộ mãi đến hơn một năm mới trừ được hết độc[1].

KHẢO DỊ

Người Nghệ An có truyện Tại sao gọi chuột là ông cống? là một dị bản của truyện trên:

Ngày xưa có một nhà nọ nuôi con chuột đực. Con chuột này sống ngoài một trăm năm, trở thành yêu, có nhiều phép biến hóa, có thể biến thành người được, nó lại thông thạo mọi việc trong nhà.

Sau đó, chủ nhà đỗ hương cống, đi làm quan xa lâu ngày không về. Cũng như truyện ở trên, ở đây chuột hóa thành người giống ông cống như tạc, hắn nói dối với người nhà rằng mình mới được phép vua về nhà nghỉ ít lâu. Vợ thấy chồng về thì vui mừng, hai bên ăn ở với nhau hơn một năm, sinh được một đứa con gái.

Một hôm, ông chồng thật về, cả nhà đều ngạc nhiên, nhìn lại cả hai thì giống nhau như hai giọt nước, hỏi đến mọi việc từ kế tự cho đến của chìm của nổi, cả hai đều nói rành mạch, giống nhau không sai một tý gì.

Việc lên quan. Quan hỏi dân làng xem có ai biết được việc riêng của nhà ấy như thế nào thì cho khai ra. Có một người khai rằng: nhà ấy ba đời không nuôi mèo, chỉ nuôi một con chuột đực giữ nhà, những con chuột khác đều không dám đến cắn phá. Hỏi người nhà thì biết rằng gần đây không thấy con chuột ấy nữa, không biết nó đi đâu.

Quan bên đoán rằng: trong hai ông cống này tất có một người do chuột hóa ra. Mới mời một thầy phù thủy nổi tiếng đến. Thầy bắt một tay quyết “linh miêu”, lại dọc một đường chú “bổ thử”. Lập tức ông cống giả cùng đứa con gái tự nhiên biến thành chuột, vỡ mặt ra mà chết. Vụ rắc rối của nhà ấy nhờ thế được tỏ rõ. Ngày nay, người ta gọi chuột là “ông cống”chính là vì thế[2].

Người Nghệ-an còn có một truyện khác kể rằng:

Có một con chuột ở trên núi, sống lâu năm thành yêu, thường hiện hình làm người, đi hiếp đàn bà. Trong làng có người học trò đi thi chưa về. Chuột bèn hóa thành anh học trò, mặt mũi, quần áo, lời ăn tiếng nói y hệt. Được năm ngày anh học trò thật trở về, ban đêm gọi cổng. Vợ anh ở trong nói vọng ra: “Chồng ta đi thi không đỗ đã về đây rồi, không biết ai gọi gì ngoài ấy?”. Anh học trò phá cổng vào. Anh học học trò giả cũng mắng. – “Tao đã về đây rồi không biết đứa nào dám mạo nhận”. Hai bên đánh nhau. Việc đưa lên quan. Nhờ có một pháp sư cao tay lập đàn cáo với Trời. Trời cho một con “kim miêu” xuống, bắt yêu chuột hiện nguyên hình[3].

Cả mấy truyện đều cùng một chủ đề, cùng một con vật dưới dạng thần kỳ hóa làm hình tượng, và khá gần gũi với một truyện cổ tích của Trung-quốc Năm con chuột làm náo loạn Đông Kinh, Bao Công bắt yêu (Ngũ thử náo Đông Kinh, Bao Công thu yêu truyện). Xem Khảo dị truyện số 140, tập IV.

Về những truyện có đề tài xử án trong đó có con ma biến thành hình dạng người (chồng hoặc vợ) để ăn nằm với người, các dân tộc gần ta cũng có. Truyện của người Khơ-me (Khmer) Thỏ làm quan tòa lừa ma:

Một anh chàng vừa mới lấy vợ thì bị quan bắt đi lính theo vua đánh giặc. Anh buồn quá ra đi đến một cây đa ngồi khóc, khóc đoạn bỏ về, rồi sợ lệnh quan lại phải ra đi, cứ dùng dằng như thế đến mấy lần. Cuối cùng anh đành phải đi. Trên cây đa có con ma thấy vợ anh đẹp bèn hóa thành anh chàng đêm lại mò vào. Người đàn bà hỏi: – “Sao lại về?”. – “Quan bảo ta không phải ra trận”. Hai bên ăn ở với nhau ít lâu thì cuộc chiến tranh kết thúc, người chồng thật trở về. Vợ kinh ngạc không biết trong hai người ai là chồng thật của mình. Hai người đàn ông tranh cãi. Việc đưa lên quan. Quan tòa bối rối tra hỏi người vợ, người vợ cũng không biết sao mà khai. Án đành xếp lại. Người chồng thật buồn quá bỏ đi lang thang gặp một con thỏ kể chuyện cho thỏ nghe. “Đừng lo, thỏ bảo, để tôi sẽ giúp”. Bèn đến bảo quan tòa. “Vụ án này chưa xong. Hãy lấy một cái lọ bảo ai chui vào được thì người ấy là chồng”. Nghe quan phán thế, người chồng giả rất vui mừng. “Ta sẽ thắng”. Bèn thu mình chui vào lọ. Thỏ bảo nút chặt lọ lại vứt xuống sông và nói: “Đó là ma, còn người thật thì không thể chui vào được”. Rồi anh chàng dắt vợ về, còn thỏ thì lại lên rừng[4].

Người Lào cũng có một truyện như truyện vừa kể:

Một người kêu kiện với quan về một con ma (phi) hóa thành hình dạng giống người ấy, tranh mất vợ. Quan tòa phán rằng vợ sẽ về với người nào chui được vào một cái lỗ nhỏ (có người kể là cái ống tre). Trong khi chồng thật khóc lóc thì con ma vội vã hóa phép thu nhỏ lại chui vào. Quan có đủ bằng cớ để trả người vợ cho người chồng thật[5].

Cả hai truyện có lẽ xuất phát từ nguồn gốc một truyện của Ấn-độ:

Một người Bà-la-môn rất nghèo, phải bán xới kiếm ăn để mẹ và vợ ở nhà. Trong khi đó, một hung thần hóa thành hình dạng người chồng, làm bộ trở về nhà báo hai người đàn bà rằng mình đã tìm được cách mưu sinh.

Mấy năm sau, người Bà-la-môn thật về. Việc rắc rối cũng xảy ra như các truyện trên và cuối cùng cũng đưa lên vua phân xử. Vua xử cho hung thần được kiện. Người Bà-la-môn thật thất vọng trở về. Qua một cánh đồng, thấy có bầy trẻ chăn bò đang đóng trò vua quan, người Bà-la-môn khóc lóc xin xét nỗi oan khổ. Đứa trẻ làm vua giả, sau khi được vua thật đồng ý cho xử vụ này, bèn đưa ra một cái hũ lớn bảo ai là chồng thật thì chui vào hũ. Trong khi người Bà-la-môn khóc rống lên vì không thể nào chui vào được thì hung thần thu hình chui vào. Lập tức đứa bé bảo nút hũ lại, ném vào lửa[6].

Việt Nam còn có một truyện xử án, có những tình tiết tương tự với các truyện trên:

Làng Hoàng Đồng, châu Thoát-lãng (Lạng-sơn) có người đàn ông họ Quách cưới vợ ở một làng khác cách nửa ngày đường. Ngày cưới, cô dâu ngồi kiệu về. Đến nơi, mở kiệu, người ta thấy không phải là một mà là hai cô dâu giống nhau như tạc. Việc đưa lên quan. Quan sai chăng thừng cao quá đầu người, bảo ai nhảy qua được là vợ họ Quách. Một người nhảy được ngay. Quan sai bắt chém nhưng nó biến mất. Còn người kia không nhảy được đúng là cô dâu, quan cho về đoàn tụ với chồng[7].

Một truyện xử án của Trung Quốc thuộc Bao Công kỳ án, hình tượng dẫu khác nhưng chủ đề thì tương tự:

Ngày xưa ở Dương Châu có người học trò nghèo học giỏi là Lưu Chân. Một lần Lưu đi thi nhưng đến trường thì đã quá muộn. Chàng trọ lại ở chùa Khai Nguyên, hết sạch cả tiền, đành làm nghề viết thuê chữ thảo kiếm ăn. Vừa gặp thừa tướng họ Kim trọng tài Lưu, gọi vào phủ dạy cho con cháu. Nhân đó, Lưu được trông thấy con gái thừa tướng, trong lòng mê mẩn. Hồi ấy, ở đầm Bích Du có con cá chép sống được ngàn năm thành tinh, có phép biến hóa. Một hôm, cá biến thành người con gái, đi chơi xa, đến sáng không về kịp vội hiện nguyên hình, nấp vào ao phủ thừa tướng. Cả đêm đêm phun hơi vào khóm mẫu đơn làm cho hoa mẫu đơn đẹp ra khác thường, khiến con gái con thừa tướng mê mẩn về hoa, ngày nào cũng ra đó ngắm nghía. Cá thấy Lưu Chân đẹp trai lại đang mê con gái thừa tướng, liền hóa làm con gái thừa tướng, tìm đến buồng Lưu ân ái.

Được ít lâu, cá rủ Lưu trốn về quê quán, sống như vợ chồng. Tuy thấy mất Lưu, cả nhà thừa tướng vẫn không để ý. Nhưng khóm mẫu đơn từ đó chết khô, tiểu thư sinh bệnh. Thừa tướng sai người nhà đến Dương Châu tìm mua một cây mẫu đơn đẹp đem về trồng. Người ấy tình cờ vào nhà Lưu. Thấy vợ Lưu, hắn ngạc nhiên ngỡ là tiểu thư, vội về báo cho thừa tướng biết. Thừa tướng sai thuộc hạ đòi hai vợ chồng Lưu về kinh. Trông thấy cá, Thừa tướng rất kinh ngạc vì giống con mình như đúc. Hỏi Lưu thì chàng thú thực là đã cùng tiểu thư dắt nhau đi trốn, nay xin chịu tội.

Thừa tướng nhờ Bao Công phân xử. Bao Công sai đưa hai người (cá và tiểu thư) vào dinh, lấy kính chiếu ma soi vào. Một lát sau cá nhả ra một đám khí đen. Khí đen tan thì cả cá và tiểu thư đều biến mất. Bao Công nhờ Thành hoàng giúp. Thành hoàng lại nhờ Long quân đóng các cửa biển để tróc nã yêu quái. Cá bị đuổi dữ quá chạy vào Nam Hải. Bao Công sai yết bảng rao hễ ai biết yêu tinh cá vàng ở đâu sẽ thưởng năm nghìn quan.

Bấy giờ có ông lão họ Trịnh bình sinh hay giúp đỡ người, lại có thờ Quan Âm. Một đêm, mộng thấy Quan Âm nhờ mình sáng ra bờ sông đưa ra mắt Bao Công. Sáng dậy ra bến, chỉ thấy có một bà cụ già tay cầm giỏ tre. Vào đến phủ Bao Công, bà ta bắt cá trong giỏ ra tra hỏi. Cá kể sự thật và thú là giấu tiểu thư ở đầm Bích Du. Bao Công muốn đem cá mổ thịt nhưng bà ta nhận đưa đi “phát lạc”, còn số tiền thưởng xin giao cho ông lão họ Trịnh[8].

Tìm được tiểu thư thì nàng đã gần chết. Khi chữa lành, Bao Công xin Thừa tướng gả cho Lưu Chân làm vợ.

Trung-quốc còn có hai truyện tuy không phải thuộc truyện xử án, và tuy cấu trúc và hình tượng có khác nhau nhưng đều cùng một chủ đề với truyện trên:

Lang thang khắp nơi, cuối cùng chàng phải ở nhờ một ngôi chùa ở Lan Châu. Một hôm, thấy có kiệu dừng ở cửa, nhìn ra mới biết là người yêu đến cùng với nhiều đồ đạc quý giá. Cô gái họ Chu nói mình đi với chú ruột mới được thăng chức thủ bị ở Lan Châu. Dương đến chào người chú yêu, người này đến đáp lễ. Khi thấy cháu ăn ở với Dương như vợ chồng thì ông chú kinh ngạc vì mình chưa nghe nói tới cưới hỏi bao giờ. Mấy ngày sau nhân có việc, ông chú về Hà Châu kể lại với người anh. Vợ chồng họ Chu nói: “Con gái chúng tôi chưa bao giờ ra khỏi nhà”. Cuối cùng họ cũng bàn nhau: nay đã có việc như thế thì con gái không khỏi mang tiếng, chi bằng gả quách cho Dương. Bèn làm theo lời bàn. Khi đưa dâu về thì một người hóa hai. Dương đang hoang mang thì một trong hai cô bước ra nói: “Tôi là hồ ly, vì việc báo ân mà làm như thế, chàng đừng kinh sợ. Xưa người ông chàng đi săn, tôi bị một mũi tên tưởng chết, nhờ ông chàng bó cho rồi thả ra. Tôi muốn trả ơn mà chưa có dịp. Gần đây biết chàng yêu cô Chu mà không có cách gì. Tôi làm thế này để thay cho việc mai mối. Nay việc đã xong tôi đến chào chàng”[9].

Vài năm sau, có một pháp sư đi qua ghé vào nói với hai người con: – “Gia đình các anh đang có tai họa”. Con về kể lại với bố. Bố thét lên: – “Giết chết nó đi!”.

Hai người bảo pháp sư đi ngay kẻo có sự chẳng lành xảy ra. Nhưng pháp sư không đi mà tốc thẳng vào nhà đọc bài chú. Tự nhiên người bố biến thành một con chồn già nấp dưới giường. Hai người con biết lần trước mình đã giết mất bố. Bèn cải táng bắt đầu làm ma[10].

Người Huế cũng có truyện Tinh con chuột nhưng có nội dung khác hẳn truyện Tinh con chuột trên kia. Đại khái cái một người đàn bà góa chồng nghèo khổ. Một hôm, chị gặp một người đàn ông, ăn ở với nhau như vợ chồng.

Nhờ có người chồng hàng ngày mang thức ăn về nên cuộc sống có phần dễ chịu hơn trước. Nhưng dần dần, xóm giềng nhận thấy thức ăn của mình hay bị mất trộm. Họ rình đánh kẻ gian. Và khi ông lão, chồng người đàn bà, ngã xuống, thì hiện nguyên hình là một con chuột lớn.

Xem thêm truyện Hà Ô Lôi (số 116) sau đây, và truyện Người học trò với ba con quỷ (số 131).

Một phật thoại, Lô Chí trưởng giả, có mục đích giáo dục tín đồ, cũng có hình tượng một vị thần hóa thành người, giống với một vị trưởng giả như đúc, gây rắc rối từ gia đình cho đến vua quan:

Ngày xưa ở nước Xá-vệ, có một trưởng giả tên là Lô Chí nổi tiếng giàu có, nhưng cũng nổi tiếng keo kiệt. Một hôm nhà vua mở hội, mọi người đua nhau ăn uống, đãi khách, vui chơi theo tục lệ, Lô Chí cũng bỏ ra một số tiền mua thức ăn ngon nhưng sợ phải đãi khách, nên mang đi một nơi thật xa ăn uống một mình; ăn rồi rượu say hát múa một mình, tự cho là sướng hơn Đế Thích. Thần Đế Thích hôm ấy đi qua thấy vậy, mới định tâm cho y một bài học. Bèn nhân khi Lô Chí thật còn vui say ở xa nhà, hóa thân thành một Lô Chí khác, rồi đi về nhà Lô Chí, gọi vợ con xóm giềng Lô Chí lại phán rằng trước đây mình bị một con ma “keo kiệt” ám ảnh nên sinh xấu nết, bòn sẻn với mọi người. Nay mình đã học được phép đuổi quỷ, nên đã đuổi được nó đi rồi. Đoạn sai người nhà dọn tiệc mời họ hàng thân thích ăn uống linh đình, và mở kho lấy tiền của ra phát cho mọi người. Trong khi thiên hạ vây quanh đông đúc để nhận phân phát, thì Lô Chí thật tỉnh rượu trở về. Thấy có một người giống mình ngồi giữa mẹ và vợ con, Lô Chí hầm hầm nổi giận, nhưng Đế Thích (Lôi Chí giả) vội chỉ cho người nhà biết đó là con ma “keo kiệt” bảo đóng cửa không cho vào. Cuối cùng, hai bên tranh cãi kịch liệt, mọi người không hiểu thế nào cả. Họ đưa nhau lên vua. Vua không xử. Sau đưa đến Phật, Đế Thích bấy giờ mới hiện nguyên hình và trả lại của cho Lô Chí[11].

[1]. Theo Thánh Tông di thảo.

[2]. Theo Bản khai những truyện dân gian. Còn theo Nguyễn Văn Ngọc thì sở dĩ người ta gọi chuột là “ông cống” vì những năm có khoa thi, chuột thường hay vào lục lọi các quyển thi, gặm nát hết cả, quan trường sợ bị tội nên phải kiêng cái tên “chuột” để nó khỏi vào quấy phá. Không biết gọi bằng tên gì họ bèn tặng cho nó học vị cử nhân, gọi tên là “ông Cống” (Truyện cổ nước Nam, tập II, đã dẫn). Theo truyện Tống Trân – Cúc Hoa thì khi Cúc Hoa bị bố là đình trưởng ép duyên, nàng có hai con hầu mang cỗ dâng mẹ chồng và trao cho bà tám nén vàng để lo ma chay khi chết. Hai đứa bất lương không đưa, chia nhau số vàng nhưng sau đó bị đàn chuột lấy trộm vàng tha về cho Trạng. Trạng bèn phong chuột học vị hương cống:

…Trạng Nguyên cầm lấy liền tay,

Vàng kia đích thực của rày vợ tao.

Chuột kia mày ở nơi nao?

Vàng kia tám nén đưa tao chớ chầy.

Ơn vua tao sống về đây

Phong chức cho mày hương cống chuột kia…

[3]. Theo Bản khai của làng Vĩnh An.

[4]. Theo Mi-đăng (Midan). Những truyện về quan tòa Thỏ, BSEI (1933).

[5]. Theo Phi-nô (Finot). Tìm hiểu về văn học Lào, BEFEO (1917).

[6]. Theo Cô-xcanh (Cosquin). Nghiên cứu về cổ tích truyền thuyết.

[7]. Theo Sê-ông (Chéon). Sưu tập những bài mới.

[8]. Do truyện này về sau, để hình dung Phật Quan Âm, người ta thường nói về một bà già cầm giỏ cá.

[9]. Theo Tân tê hai, quyển 6.

[10]. Theo Sưu thần ký.

[11]. Theo Đuốc tuệ (1936) và Sa-van-nơ (Chavane). Năm trăm truyện cổ và ngụ ngôn trích từ Kinh Đại tạng Trung-quốc.

Chọn tập
Bình luận