Ngày xưa, có một ông vua nước Chăm muốn lấy một nàng công chúa nước Đại Việt làm vợ. Nhà vua nghe nói công chúa Huyền Trân nhan sắc tuyệt trần, những phi tần trong cung vua khó bề sánh kịp. Ao ước người đẹp, nhà vua đêm mơ ngày tưởng. Vua nghĩ đến việc dâng vàng bạc, châu báu, kỳ nam và voi ngựa để làm sính lễ, nhưng những món ấy chưa hẳn đã đưa lại kết quả như ý muốn. Một viên nội thị rỉ vào tai vua:
– Muốn chiếm được người đẹp, trừ phi hiến đất không có kế nào khác.
Trước vua còn ngần ngại, nhưng sau đó quả quyết sai một sứ bộ ra cầu hôn với sính lễ hai châu Ô, Rí ở biên giới. Thấy triều thần có người can ngăn, nhà vua ung dung đáp:
– Tất cả đất đai này đều là của trẫm. Mà trẫm thì chả vui gì nếu không lấy được công chúa Đại Việt. Hơn nữa, giữa hai nước máu chảy đã nhiều rồi. Ngày nay trẫm muốn mượn mối nhân duyên để dẹp yên can qua khốc hại.
Trước món sính lễ đặc biệt, triều đình Đại Việt ai nấy đều tỏ vẻ hài lòng. Vua Trần và công chúa Huyền Trân gật đầu ưng thuận. Được lời như cởi tấm lòng, vua Chăm sai quan thái bộc chọn ngày lành tháng tốt, rồi phái một sứ bộ mang năm trăm quân sĩ đi thuyền ra đón vợ về. Đám rước dâu từ kinh thành ra đi, vượt qua muôn trùng sông nước mới tới kinh đô. Vua Chăm mừng rõ. Công chúa muốn gì đựơc nấy. Bọn nội thị từ đây mới thấy hoàng cung rộn rịp tươi vui hơn trước. Trong khi đó sư bộ Đại Việt bắt đầu vào nhận đất mới.
Nhưng việc đời còn éo le nhiều nỗi. Công chúa cùng vua Chăm hương đượm lửa nồng chưa được một năm thi nhà vua bỗng nhiên mắc bệnh rồi mất. Tin dữ truyền đi khắp hai nước, riêng đối với công chúa thì không khác gì tiếng sét ngang tai. Đầu xanh đã phải chịu cảnh góa bụa. Không những thế, công chúa sẽ chịu tang trong một thời kỳ ngắn để rồi lên hỏa đàn về với vua Chăm bên kia thế giới. Nhập gia tuỳ tục, tuy công chúa là người Việt nhưng nay đã là hoàng hậu Chăm, không thể không theo đúng tục lệ có tự nghìn xưa. Vua Trần nghe tin lo sợ, vội sai sứ bộ vào điều tang và tìm cách cứu công chúa. Nhân lúc mọi người bối rối, sứ bộ Việt giả cách xin phép đưa công chúa ra bờ biển làm lễ cầu hồn rồi lén đưa xuống thuyền nhỏ, một mạch dong buồm ra Bắc.
Việc hoàng hậu bỏ trốn làm cho triều đình nước Chăm nổi giận. Đã thế thì lời hứa cũ không còn có giá trị nữa. Món đồ sính lễ là hai châu Ô, Rí phải được trả lại. Nghĩ thế, ông vua mới nước Chăm bèn sai năm vạn quân mã ra giữ chắc lấy hai châu đó, mặc dầu việc bàn giao đã sắp xong, bên Đại-việt không ngờ có chuyện xảy ra như thế chỉ phái tướng quân Đoàn Nhữ Hài mang mấy ngàn quân vào dò động tĩnh.
Một buổi chiều hè, quân Đại Việt mang theo cát bụi từ Đàng ngoài đã tiến vào tới sát bờ sông Trong[1]. Quân do thám về báo quân Chăm đã kéo ra đông vô kể, do một viên tướng mặt đen râu xồm tên là Lồi hiện đang đóng trên mấy ngọn đồi ở bên kia sông. Thấy tình thế đã trở nên nghiêm trọng, tướng Việt lo lắng vì sức người sức mình cách nhau một trời một vực. Đoàn tướng quân vò đầu suy nghĩ. Rồi đó người ta thấy quân lính Việt được lệnh cắm trại rải rác suốt mấy dặm dài dọc theo bờ sông. Mỗi trại chia ra từng nhóm quân, nhóm nào nhóm ấy cắm cờ la liệt. Để khoa trương thanh thế, ban đêm mọi nơi thắp đèn đuốc sáng choang, lại đánh trống chiêng và hò reo rầm trời. Ban ngày có một toán quân đã cắt đặt sẵn, vác gươm giáo sáng quắc, nai nịt chỉnh tề đi quanh hòn núi nổi lên trên bờ sông[2].
*
Bên Chăm thấy bên Việt án binh bất động lại thấy quân địch kéo qua núi liên miên không ngớt, nghĩ tới oai hùng của những người đã chiến thắng trăm vạn quân hùm beo Mông-cổ nên sinh khiếp sợ. Song vâng mệnh vua đem đại quân ra giữ biên thùy, không lẽ chưa giao chiến đã vội rút lui. Sau mấy ngày làm kế nghi binh, đoàn tướng quân cho quân mang thư mời tướng Chăm ra trước trận để cùng thương lượng. Kết quả, các tướng lĩnh hai bên đi đến mốt đính ước: “Trong một đêm hai bên đều khởi công, mỗi bên đắp một bức thành cho suốt tới sáng, bên nào hơn thi thắng. Bên thua lập tức lui binh nhượng đất, để khỏi giết hại sinh linh”. Trong khi quân Đại-việt còn đủng đỉnh nấu ăn coi bộ chưa nghĩ tới cuộc đấu sức đã bắt đâu, thì quân Chăm đã vội vã kẻ đào người chuyển đất, đắp một bức thành suốt dọc bờ sông vắt qua mấy ngọn đồi. Tướng Lồi đốc thúc ráo riết. Trời vừa tối hẳn thì quân Chăm đã đắp nổi một quãng khá cao. Cho đến mờ sáng, cả tướng lẫn quân lấy làm mừng rỡ vì mặt thành đã cao hơn trượng. Chợt nghe một hồi trống đồng từ bên kia vọng đến, quân Chăm bên này trông sang, thì kia, thăm thẳm mây dặm dài, thành của bên quân Đại-Việt đã xây xong từ bao giờ: Tường cao dễ đến mấy trượng, công thành với cái vọng lâu của nó trông thật là đồ sộ. Chẳng những thế, trong thành lại còn nhà cửa mới xây rất nguy nga: mái lợp ngói đỏ tường quét vôi trắng, trên mặt thành voi ngựa, quân lính dàn ra không biết bao nhiêu mà kể. Thật là bạt ngàn san dã… Hàng ngũ của họ rất tề chỉnh, đứng im phăng phắc dưới bóng cờ như chỉ chờ lệnh là xông ra. Tướng Lồi ở trên chòi cao đưa mắt nhìn với một vẻ ngơ ngẩn hãi hùng. Quân Việt quả là dồn tất cả lực lượng vào đây. Trêu vào họ chỉ là chuốc lây một thất bại thảm hại. Khi nghe tiếng loa bên địch thét lên, tướng Lồi nổi hiệu cho toàn quân rút lui khỏi vùng Ô, Rí.
*
Tuy không phải đánh chác gì, nhưng Đoàn tướng quân cũng báo tin đại thắng về cho vua Trần, không quên nói hết mưu kỳ của mình trong cuộc đọ trí nguy hiểm này. Bởi vì quân Chăm có biết đâu thành của quân địch toàn bằng phên tre dựng lên, nhà cửa đều bằng nan ghép lại, quân sĩ voi ngựa đều bằng cỏ bện hoặc bằng đất, những mái đỏ tường trắng, cỏ xanh đều là màu thuốc tô điểm.
Ngày nay vẫn còn dấu vết bức thành do quân Chăm đắp dở, thuộc địa phận mấy xã Dương xuân, Nguyệt-biểu (Thừa-thiên). Người ta gọi là thành Lồi để phân biệt nó với thành Phật-thệ ở gần đó và cũng để nhắc nhở cái tên viên tướng thua cay trong cuộc đấu trí vừa hiếm có vừa ly kỳ ấy[3].
KHẢO DỊ
Truyện này phần nào tương tự với một số truyện, trong đó cả truyện của đồng bào Chăm-pa.
Thứ nhất là truyện Sự tích tháp Nhạn:
Ngày xưa lúc người Việt đòi vào lập nghiệp ở miền Nam, người địa phương ban đầu vẫn không chịu phục. Ở Tuy-hòa (Phú-yên), từ núi Chóp-chài trở về Bắc là khu vực người Việt, từ núi Nhạn trở vào Nam là đất sống của người Chăm. Thế nhưng giữa hai bên ít khi yên ổn. Một hôm, hai bên đồng ý tổ chức một cuộc thi do người Chăm tự ra đề, bên nào thua thì chịu phận làm đàn em và nhượng bộ bên được cuộc. Ngày bắt đầu thi, bên phía người Chăm đưa đến một bức họa đồ có vẽ hình một cái tháp đồ sộ, và bảo hai bên cùng xây tháp: một bên xây trên đỉnh núi Nhạn, một bên xây trên đỉnh núi Chóp-chài, hạn ba tháng phải xong.
Người Việt rất vụng trong nghề kiến trúc. Vì thế tháp hồ xây lên cao lại đổ xuống. Muốn lẻn sang phía bên kia đang xây để học lỏm, nhưng đối phương canh phòng rất ngặt.
Hai tháng trời trôi qua. Trong khi ở núi Chóp-chài vẫn còn trống trải thì ở núi Nhạn, người Chăm đã xây tháp lên được khá cao. Họ vừa làm vừa hò reo tỏ vẻ đắc thắng.
Bỗng một hôm có một đạo sĩ già tìm đến gặp phía người Việt. Theo lời đạo sĩ thì cái tháp bên này sẽ làm rất dễ dàng nhanh chóng, không đầy một đêm là có thể xong tất cả. Quả nhiên, nhờ đạo sĩ, chỉ trong một đêm, tháp của người Việt mọc sừng sững trên đỉnh Chóp-chài làm cho mọi người dân địa phương đều kinh ngạc. Trong khi đó thì ngôi tháp của người Chăm còn đang xây dở. Kết quả cuộc thi lần ấy người Việt được cuộc. Người Chăm không ngờ người Việt xây tháp nhanh chóng như thế. Tuy vậy họ cũng cố xây cho xong tháp của mình[4].
Truyện này đoạn cuối có người kể như sau:
Khi tháp đã dựng xong, đạo sĩ còn gợi ý cho người Việt thách đối phương hãy cùng nhau trổ tài phá cho nhanh, ai phá chậm thì coi như thất bại. Trong khi một bên dùng phép chỉ một loáng là xong, thì bên kia ra sức đập phá cũng chỉ mới thủng một mảng. Biết là thua cuộc, nhân đêm tối họ rút lui về phương Nam.
Hiện nay vẫn còn di tích cái tháp ở trên núi Nhạn. Thân tháp bị thủng một mảng, đó là dấu vết của sự đập phá dở dang như truyện đã kể.
Thứ hai là sự tích vua Kơ-long Gia-rai xây tháp thi của đồng bào Chăm-pa: Vua Kơ-long Gia-rai (tức vua Lác) lên ngôi nước Chăm-pa. Có một vị vua Tây Nguyên là Pô-tầm không chịu thần phục vì cho vua là kẻ không cha. Vua Kơ-long Gia-rai sai sứ tới bảo Pô-tầm rằng: – “Hai bên hãy cùng nhau thi đua xây tháp, hễ bên nào xong trước thì bên kia phải thần phục”. Sau đó Pô-tầm phải thần phục vì trong khi tháp Pô-tầm mói xây được một nửa, thì tháp của vua đã xây xong nhưng bằng giấy. Hiện nay ngọn tháp xây dở dang của Pô-tầm vẫn còn ở trên đồi gần ga Sông-lòng-sông. Lúc vua trở về Pang-da-rang (Phan-rang) thì thấy người Chân-lạp (Kơ-ru) đang xây dở dang ngọn tháp lớn ở đây, dự định chiếm đất của vua. Vua cho sứ sang giao ước xây tháp, ai xong trước thì quyền lợi đất đai thuộc về bên đó, không đựơc tranh giành. Cách thi này đựơc đối phương đồng ý. Trong khi người Kơ-ru đẽo đá tiếp tục xây tháp, thì chỉ trong một đêm, tháp của vua đã hoàn thành trên đồi On-ha-la. Người Kơ-ru không biết đó là tháp bằng giấy, cho là có trời giúp Vua Kơ-long Gia-rai, nên bỏ đi khỏi vùng này.
Hiện nay ở Phan-rang trên đường số 1 còn có một ngọn đồi gọi là Ba-tháp, tức là nơi tương truyền người Chân-lạp xây tháp dở dang[5].
Chúng tôi ngờ rằng truyện Sự tích thành Lồi và truyện Sự tích tháp Nhạn phần nào bắt nguồn từ truyện này mà ra.
Người Khơ-me (Khmer) cũng có một truyện có kể đến tình tiết xây tháp thi:
Hoàng tử nước Kơ-run. Tê-bo-rây lớn lên tìm cách cứu mc bị vua nước láng giềng bắt cóc hồi mình còn bé. Hoàng tử đến thách tên vua nước ấy xây thi với mình một ngọn tháp mười tầng trong một đêm, hẹn đến lúc sao mai mọc thì phải xong, nếu không xong hắn phải trả lại mẹ cho mình. Vua nhận lời. Khi tháp xây được bẩy tầng, hoàng tử cho treo lên trên đó một ngọn đèn. Vua nước láng giềng thấy vậy, tưởng sao mai đã mọc mà công việc mình thì chưa xong nên thất vọng không xây tiếp nữa. Mãi đến khi sao mai thật mọc, thì đối phương đã xây xong tầng thứ mười, nên đành chịu thua cuộc. Tuy thua hắn vẫn không chịu trả người đàn bà mà hắn đã hai lần dùng mẹo để bắt cóc trước kia. Hoàng tử đi mượn quân đánh nhau với hắn, cuối cùng giết chết được. Nhưng hoàng tử lại khôngg biết mặt mẹ mình. Gặp một phụ nữ xinh đẹp, hoàng tử liền bắt làm vợ, mãi về sau mẹ nhận ra con nhờ vết sẹo trên người hoàng tử có từ lúc bé. Hối hận, mẹ nhảy xuống sông tự tử. Hoàng tử – sau là vua – cho xây thêm một ngàn ngọn tháp mười tầng nữa để cuộc tội[6].
Ở Quảng-bình và Thừa-Thiên còn có một truyền thuyết nói về cuộc thi giữa người Chăm và người Việt ngày xưa nhưng không phải xây thành hay xây tháp:
Hồi đó người Việt bắt đầu vào các châu Bố-chính, Địa-lý và Ma-linh để lập nghiệp. Tuy có lệnh của vua mình, nhưng những người địa phương vẫn không chịu rút khỏi những vùng này. Những vụ tranh chấp luôn luôn xảy ra làm cho cuộc sống ít khi yên ổn. Một hôm hai bên tán thành dự một cuộc thi, giao hẹn bên nào hơn đựợc ở lại, bên thua phải đi. Người Chăm vốn có tài chạm trổ thì tạc một con bò bằng đá nhưng phải đi đựơc. Bên người Việt khéo trồng cây thì trồng một cây tre gốc lên trời nhưng tre phải sống.
Người Chăm về tạc một con bò bằng đá trông giống như bò thật. Cố nhiên khi chạm xong, đánh mấy bò cũng không chịu đi. Còn người Việt có trồng tre trổ gốc lên trời. Nhưng họ lấy đất ướt bọc rễ tre lại rồi dùng bẹ chuối cuốn bên ngoài. Thừa đêm hôm, họ ra trở đầu rễ tre trở xuống, rồi để cho người Chăm khỏi nghi ngờ, họ chặt một rễ tre khác cắm lên đầu cây tre này, ngoài cũng bọc đất và bẹ chuối như cũ. Nhờ thế mà tre mọc thành cây xanh tốt[7]. Vì thế, người Chăm phải nhận người Việt được cuộc.
Ngày nay ở huyện Bố-trạch tỉnh Quảng-bình còn có tượng con bò đá của người Chăm. Ở Thừa-thiên do câu chuyện trên, bây giờ còn có thói quen lúc nào trồng tre, người ta cũng bọc đất và bẹ chuối lên đằng đầu và họ gọi là đằng chông tre[8].
Các dị bản trên, bên cạnh chủ đề chính là ca ngợi sự thông minh tài trí, cũng có để lộ ít nhiều nhược điểm. Chúng tôi đưa vào đây để bạn đọc có thể tìm hiểu về một loại hình cổ tích riêng biệt đã xuất hiện trên quá trình phát triển và thống nhất dân tộc.
Trong Ô-Châu cân lục của Dương Văn An có truyện Tháp Dương-lệ phần nào giống với truyện của người Khơ-me ( Khmer), dịch như sau:
“Tháp Dương-lệ thuộc xã Dương-lệ, huyện Hải-lăng (Quảng-trị), hãy còn nền cũ. Tục truyền hai tháp Dương-lệ và Trung-dan đều do người Chăm xây nên. Lúc bắt đầu xây, hai nhóm giao ước chỉ một đêm là phải xong. Bên nào xong trước thì đốt lửa ra hiệu cho bên kia biết. Chỉ một mình Dương-lệ theo đúng lời ước. Còn nhóm bên Trung-dan thì không ngay thẳng, đến nửa đêm tuy công việc chưa xong nhưng cứ nổi đuốc lên trước. Mãi đến sáng mới xây xong. Nhóm bên Dương-lệ thấy lửa bèn thôi không xây nữa. Về sau Dương-lệ vì ngay thẳng được hưởng thái lao. Trung-dan không dự”.
Người Nghệ-an có kể một truyện Xây thành giấy, như sau:
Xưa có một người được làm vua, trước tiên cho người về quê cha đất tổ xây thành đắp lũy làm nơi đóng quân. Dân phu được ốp tới phục dịch, nhưng công trình thật là đồ sộ, làm đã mấy tháng mà chưa nên cơm cháo gì. Mọi người lấy làm lo vì vua giao hẹn đúng ngày tháng phải xong. Một hôm có một ông lão tới nói rằng: – “Thành xây mãi không xong mà nghe nói nay mai nhà vua đã kéo quân về, không khỏi tội nặng. Hãy cho tôi đảm đương việc xây thành, chắc chắn sẽ xong sớm”. Người ta cho rằng ông lão nói khoác. Nhưng kỳ hạn đã đến rồi, đành phải trông cậy vào ông lão họa có đựơc chăng, bèn hỏi: – “Bao giờ thì xong?”. Đáp: – “Chỉ nội nhật ngày mai là xong”. Ông lão bảo mang thật nhiều giấy đến bắt can lại rồi cắm cọc giăng lên như thể cái thành. Qua ngày mai tự nhiên thành giấy đã hóa ra thành thật, cũng có đá màu xanh như đá thật, nhưng dấu can của giấy vẫn còn nhận đựơc[9].
Đại-việt sử ký toàn thư và Đại-việt thông sử có kể một câu chuyện trong cuộc nội chiến giữa Lê và Mạc năm 1570. Hồi ấy quân Lê thua đậm phải rút về giữa miền thượng du Thanh-hóa, chỉ còn giữ được một thành lũy cuối cùng ở An-tràng. Tình thế rất nguy ngập vì lũy rất yếu mà quân địch thì tấn công ngày đêm không nghỉ. Các quan nhà Lê bàn việc đắp lũy cho cao, đào hào cho sâu để phòng thủ. Theo mưu kế của Lê Cập Đệ thì phải làm một cái thành bao bọc bên ngoài lũy. Trong một đêm, quân Lê trưng thu tất cả phên vách của nhà dân, dựng lên làm một cái thành giả, ngoài trét đất bùn, trên cắm chông tre, bao bọc lấy lũy An-tràng dài hơn 10 dặm. Sáng dậy, quân Mạc tưởng là thành thật, kinh hãi không dám đến gần. Sau đó phải rút.
Về tình tiết quân Đại-việt thắp đuốc để khoa trương thanh thế, người Thái ở Điện-biên-phủ có truyền thuyết Bảy người Kinh. Truyện kể rằng bảy người Kinh này lên Điện-biên giúp người Thái chống ngoại xâm. Họ đã tỏ rõ mưu trí và lòng dũng cảm trong cuộc chiến đấu. Có lần phải đương đầu với một đám giặc quân số khá lớn, bảy người Kinh dùng mẹo đêm đến buộc rất nhiều cà-bong trên sừng của một đàn dê rồi thắp lên làm cho giặc tưởng mình cũng đông quân. Về sau bảy người Kinh cùng bị hy sinh, đồng bào người Thái lập đền thờ cúng vào ngày mồng 5 tháng Hai âm lịch. Hiện nay ở Điện-biên còn có bụi tre tương truyền do bảy người đưa lên trồng.
[1] Tức sông Hương.
[2] Tức núi có chùa Thiên-mụ bây giờ.
[3] Theo Khai trí tiến đức tập san, số 4 ( 1941 ).
[4] Theo Tiểu thuyết thứ bảy và lời kể của người Phú-yên.
[5] Theo Bổ Thuận, Bách khoa ( 1959).
[6] Theo Truyện dân gian Căm-pu-chia.
[7] Theo lời kể cuả đồng bào Huế thì đoạn này người Việt trồng tre trở gốc lên trời nhưng hữu ý bọc nhiều bùn vào gốc tre ngoài bọc bẹ chuối và năng tưới nước. Tre là loại cây dễ sống nên tuy gốc trở lên trời nhưng chẳng bao lâu mầmđã mọc lên xanh tốt. Không có tình tiết thừa lúc nửa đêm tối ra trở đầu rễ tre trở xuống như Ca-đi-e (Cadiere) kể.
[8] Theo ca-đi-e (Cadiere). BEFEO, tập XI (1911).
[9] Theo bản khai của thôn An-trạch, xã Giang-triều.
Ngày xưa, có một ông vua nước Chăm muốn lấy một nàng công chúa nước Đại Việt làm vợ. Nhà vua nghe nói công chúa Huyền Trân nhan sắc tuyệt trần, những phi tần trong cung vua khó bề sánh kịp. Ao ước người đẹp, nhà vua đêm mơ ngày tưởng. Vua nghĩ đến việc dâng vàng bạc, châu báu, kỳ nam và voi ngựa để làm sính lễ, nhưng những món ấy chưa hẳn đã đưa lại kết quả như ý muốn. Một viên nội thị rỉ vào tai vua:
– Muốn chiếm được người đẹp, trừ phi hiến đất không có kế nào khác.
Trước vua còn ngần ngại, nhưng sau đó quả quyết sai một sứ bộ ra cầu hôn với sính lễ hai châu Ô, Rí ở biên giới. Thấy triều thần có người can ngăn, nhà vua ung dung đáp:
– Tất cả đất đai này đều là của trẫm. Mà trẫm thì chả vui gì nếu không lấy được công chúa Đại Việt. Hơn nữa, giữa hai nước máu chảy đã nhiều rồi. Ngày nay trẫm muốn mượn mối nhân duyên để dẹp yên can qua khốc hại.
Trước món sính lễ đặc biệt, triều đình Đại Việt ai nấy đều tỏ vẻ hài lòng. Vua Trần và công chúa Huyền Trân gật đầu ưng thuận. Được lời như cởi tấm lòng, vua Chăm sai quan thái bộc chọn ngày lành tháng tốt, rồi phái một sứ bộ mang năm trăm quân sĩ đi thuyền ra đón vợ về. Đám rước dâu từ kinh thành ra đi, vượt qua muôn trùng sông nước mới tới kinh đô. Vua Chăm mừng rõ. Công chúa muốn gì đựơc nấy. Bọn nội thị từ đây mới thấy hoàng cung rộn rịp tươi vui hơn trước. Trong khi đó sư bộ Đại Việt bắt đầu vào nhận đất mới.
Nhưng việc đời còn éo le nhiều nỗi. Công chúa cùng vua Chăm hương đượm lửa nồng chưa được một năm thi nhà vua bỗng nhiên mắc bệnh rồi mất. Tin dữ truyền đi khắp hai nước, riêng đối với công chúa thì không khác gì tiếng sét ngang tai. Đầu xanh đã phải chịu cảnh góa bụa. Không những thế, công chúa sẽ chịu tang trong một thời kỳ ngắn để rồi lên hỏa đàn về với vua Chăm bên kia thế giới. Nhập gia tuỳ tục, tuy công chúa là người Việt nhưng nay đã là hoàng hậu Chăm, không thể không theo đúng tục lệ có tự nghìn xưa. Vua Trần nghe tin lo sợ, vội sai sứ bộ vào điều tang và tìm cách cứu công chúa. Nhân lúc mọi người bối rối, sứ bộ Việt giả cách xin phép đưa công chúa ra bờ biển làm lễ cầu hồn rồi lén đưa xuống thuyền nhỏ, một mạch dong buồm ra Bắc.
Việc hoàng hậu bỏ trốn làm cho triều đình nước Chăm nổi giận. Đã thế thì lời hứa cũ không còn có giá trị nữa. Món đồ sính lễ là hai châu Ô, Rí phải được trả lại. Nghĩ thế, ông vua mới nước Chăm bèn sai năm vạn quân mã ra giữ chắc lấy hai châu đó, mặc dầu việc bàn giao đã sắp xong, bên Đại-việt không ngờ có chuyện xảy ra như thế chỉ phái tướng quân Đoàn Nhữ Hài mang mấy ngàn quân vào dò động tĩnh.
Một buổi chiều hè, quân Đại Việt mang theo cát bụi từ Đàng ngoài đã tiến vào tới sát bờ sông Trong[1]. Quân do thám về báo quân Chăm đã kéo ra đông vô kể, do một viên tướng mặt đen râu xồm tên là Lồi hiện đang đóng trên mấy ngọn đồi ở bên kia sông. Thấy tình thế đã trở nên nghiêm trọng, tướng Việt lo lắng vì sức người sức mình cách nhau một trời một vực. Đoàn tướng quân vò đầu suy nghĩ. Rồi đó người ta thấy quân lính Việt được lệnh cắm trại rải rác suốt mấy dặm dài dọc theo bờ sông. Mỗi trại chia ra từng nhóm quân, nhóm nào nhóm ấy cắm cờ la liệt. Để khoa trương thanh thế, ban đêm mọi nơi thắp đèn đuốc sáng choang, lại đánh trống chiêng và hò reo rầm trời. Ban ngày có một toán quân đã cắt đặt sẵn, vác gươm giáo sáng quắc, nai nịt chỉnh tề đi quanh hòn núi nổi lên trên bờ sông[2].
*
Bên Chăm thấy bên Việt án binh bất động lại thấy quân địch kéo qua núi liên miên không ngớt, nghĩ tới oai hùng của những người đã chiến thắng trăm vạn quân hùm beo Mông-cổ nên sinh khiếp sợ. Song vâng mệnh vua đem đại quân ra giữ biên thùy, không lẽ chưa giao chiến đã vội rút lui. Sau mấy ngày làm kế nghi binh, đoàn tướng quân cho quân mang thư mời tướng Chăm ra trước trận để cùng thương lượng. Kết quả, các tướng lĩnh hai bên đi đến mốt đính ước: “Trong một đêm hai bên đều khởi công, mỗi bên đắp một bức thành cho suốt tới sáng, bên nào hơn thi thắng. Bên thua lập tức lui binh nhượng đất, để khỏi giết hại sinh linh”. Trong khi quân Đại-việt còn đủng đỉnh nấu ăn coi bộ chưa nghĩ tới cuộc đấu sức đã bắt đâu, thì quân Chăm đã vội vã kẻ đào người chuyển đất, đắp một bức thành suốt dọc bờ sông vắt qua mấy ngọn đồi. Tướng Lồi đốc thúc ráo riết. Trời vừa tối hẳn thì quân Chăm đã đắp nổi một quãng khá cao. Cho đến mờ sáng, cả tướng lẫn quân lấy làm mừng rỡ vì mặt thành đã cao hơn trượng. Chợt nghe một hồi trống đồng từ bên kia vọng đến, quân Chăm bên này trông sang, thì kia, thăm thẳm mây dặm dài, thành của bên quân Đại-Việt đã xây xong từ bao giờ: Tường cao dễ đến mấy trượng, công thành với cái vọng lâu của nó trông thật là đồ sộ. Chẳng những thế, trong thành lại còn nhà cửa mới xây rất nguy nga: mái lợp ngói đỏ tường quét vôi trắng, trên mặt thành voi ngựa, quân lính dàn ra không biết bao nhiêu mà kể. Thật là bạt ngàn san dã… Hàng ngũ của họ rất tề chỉnh, đứng im phăng phắc dưới bóng cờ như chỉ chờ lệnh là xông ra. Tướng Lồi ở trên chòi cao đưa mắt nhìn với một vẻ ngơ ngẩn hãi hùng. Quân Việt quả là dồn tất cả lực lượng vào đây. Trêu vào họ chỉ là chuốc lây một thất bại thảm hại. Khi nghe tiếng loa bên địch thét lên, tướng Lồi nổi hiệu cho toàn quân rút lui khỏi vùng Ô, Rí.
*
Tuy không phải đánh chác gì, nhưng Đoàn tướng quân cũng báo tin đại thắng về cho vua Trần, không quên nói hết mưu kỳ của mình trong cuộc đọ trí nguy hiểm này. Bởi vì quân Chăm có biết đâu thành của quân địch toàn bằng phên tre dựng lên, nhà cửa đều bằng nan ghép lại, quân sĩ voi ngựa đều bằng cỏ bện hoặc bằng đất, những mái đỏ tường trắng, cỏ xanh đều là màu thuốc tô điểm.
Ngày nay vẫn còn dấu vết bức thành do quân Chăm đắp dở, thuộc địa phận mấy xã Dương xuân, Nguyệt-biểu (Thừa-thiên). Người ta gọi là thành Lồi để phân biệt nó với thành Phật-thệ ở gần đó và cũng để nhắc nhở cái tên viên tướng thua cay trong cuộc đấu trí vừa hiếm có vừa ly kỳ ấy[3].
KHẢO DỊ
Truyện này phần nào tương tự với một số truyện, trong đó cả truyện của đồng bào Chăm-pa.
Thứ nhất là truyện Sự tích tháp Nhạn:
Ngày xưa lúc người Việt đòi vào lập nghiệp ở miền Nam, người địa phương ban đầu vẫn không chịu phục. Ở Tuy-hòa (Phú-yên), từ núi Chóp-chài trở về Bắc là khu vực người Việt, từ núi Nhạn trở vào Nam là đất sống của người Chăm. Thế nhưng giữa hai bên ít khi yên ổn. Một hôm, hai bên đồng ý tổ chức một cuộc thi do người Chăm tự ra đề, bên nào thua thì chịu phận làm đàn em và nhượng bộ bên được cuộc. Ngày bắt đầu thi, bên phía người Chăm đưa đến một bức họa đồ có vẽ hình một cái tháp đồ sộ, và bảo hai bên cùng xây tháp: một bên xây trên đỉnh núi Nhạn, một bên xây trên đỉnh núi Chóp-chài, hạn ba tháng phải xong.
Người Việt rất vụng trong nghề kiến trúc. Vì thế tháp hồ xây lên cao lại đổ xuống. Muốn lẻn sang phía bên kia đang xây để học lỏm, nhưng đối phương canh phòng rất ngặt.
Hai tháng trời trôi qua. Trong khi ở núi Chóp-chài vẫn còn trống trải thì ở núi Nhạn, người Chăm đã xây tháp lên được khá cao. Họ vừa làm vừa hò reo tỏ vẻ đắc thắng.
Bỗng một hôm có một đạo sĩ già tìm đến gặp phía người Việt. Theo lời đạo sĩ thì cái tháp bên này sẽ làm rất dễ dàng nhanh chóng, không đầy một đêm là có thể xong tất cả. Quả nhiên, nhờ đạo sĩ, chỉ trong một đêm, tháp của người Việt mọc sừng sững trên đỉnh Chóp-chài làm cho mọi người dân địa phương đều kinh ngạc. Trong khi đó thì ngôi tháp của người Chăm còn đang xây dở. Kết quả cuộc thi lần ấy người Việt được cuộc. Người Chăm không ngờ người Việt xây tháp nhanh chóng như thế. Tuy vậy họ cũng cố xây cho xong tháp của mình[4].
Truyện này đoạn cuối có người kể như sau:
Khi tháp đã dựng xong, đạo sĩ còn gợi ý cho người Việt thách đối phương hãy cùng nhau trổ tài phá cho nhanh, ai phá chậm thì coi như thất bại. Trong khi một bên dùng phép chỉ một loáng là xong, thì bên kia ra sức đập phá cũng chỉ mới thủng một mảng. Biết là thua cuộc, nhân đêm tối họ rút lui về phương Nam.
Hiện nay vẫn còn di tích cái tháp ở trên núi Nhạn. Thân tháp bị thủng một mảng, đó là dấu vết của sự đập phá dở dang như truyện đã kể.
Thứ hai là sự tích vua Kơ-long Gia-rai xây tháp thi của đồng bào Chăm-pa: Vua Kơ-long Gia-rai (tức vua Lác) lên ngôi nước Chăm-pa. Có một vị vua Tây Nguyên là Pô-tầm không chịu thần phục vì cho vua là kẻ không cha. Vua Kơ-long Gia-rai sai sứ tới bảo Pô-tầm rằng: – “Hai bên hãy cùng nhau thi đua xây tháp, hễ bên nào xong trước thì bên kia phải thần phục”. Sau đó Pô-tầm phải thần phục vì trong khi tháp Pô-tầm mói xây được một nửa, thì tháp của vua đã xây xong nhưng bằng giấy. Hiện nay ngọn tháp xây dở dang của Pô-tầm vẫn còn ở trên đồi gần ga Sông-lòng-sông. Lúc vua trở về Pang-da-rang (Phan-rang) thì thấy người Chân-lạp (Kơ-ru) đang xây dở dang ngọn tháp lớn ở đây, dự định chiếm đất của vua. Vua cho sứ sang giao ước xây tháp, ai xong trước thì quyền lợi đất đai thuộc về bên đó, không đựơc tranh giành. Cách thi này đựơc đối phương đồng ý. Trong khi người Kơ-ru đẽo đá tiếp tục xây tháp, thì chỉ trong một đêm, tháp của vua đã hoàn thành trên đồi On-ha-la. Người Kơ-ru không biết đó là tháp bằng giấy, cho là có trời giúp Vua Kơ-long Gia-rai, nên bỏ đi khỏi vùng này.
Hiện nay ở Phan-rang trên đường số 1 còn có một ngọn đồi gọi là Ba-tháp, tức là nơi tương truyền người Chân-lạp xây tháp dở dang[5].
Chúng tôi ngờ rằng truyện Sự tích thành Lồi và truyện Sự tích tháp Nhạn phần nào bắt nguồn từ truyện này mà ra.
Người Khơ-me (Khmer) cũng có một truyện có kể đến tình tiết xây tháp thi:
Hoàng tử nước Kơ-run. Tê-bo-rây lớn lên tìm cách cứu mc bị vua nước láng giềng bắt cóc hồi mình còn bé. Hoàng tử đến thách tên vua nước ấy xây thi với mình một ngọn tháp mười tầng trong một đêm, hẹn đến lúc sao mai mọc thì phải xong, nếu không xong hắn phải trả lại mẹ cho mình. Vua nhận lời. Khi tháp xây được bẩy tầng, hoàng tử cho treo lên trên đó một ngọn đèn. Vua nước láng giềng thấy vậy, tưởng sao mai đã mọc mà công việc mình thì chưa xong nên thất vọng không xây tiếp nữa. Mãi đến khi sao mai thật mọc, thì đối phương đã xây xong tầng thứ mười, nên đành chịu thua cuộc. Tuy thua hắn vẫn không chịu trả người đàn bà mà hắn đã hai lần dùng mẹo để bắt cóc trước kia. Hoàng tử đi mượn quân đánh nhau với hắn, cuối cùng giết chết được. Nhưng hoàng tử lại khôngg biết mặt mẹ mình. Gặp một phụ nữ xinh đẹp, hoàng tử liền bắt làm vợ, mãi về sau mẹ nhận ra con nhờ vết sẹo trên người hoàng tử có từ lúc bé. Hối hận, mẹ nhảy xuống sông tự tử. Hoàng tử – sau là vua – cho xây thêm một ngàn ngọn tháp mười tầng nữa để cuộc tội[6].
Ở Quảng-bình và Thừa-Thiên còn có một truyền thuyết nói về cuộc thi giữa người Chăm và người Việt ngày xưa nhưng không phải xây thành hay xây tháp:
Hồi đó người Việt bắt đầu vào các châu Bố-chính, Địa-lý và Ma-linh để lập nghiệp. Tuy có lệnh của vua mình, nhưng những người địa phương vẫn không chịu rút khỏi những vùng này. Những vụ tranh chấp luôn luôn xảy ra làm cho cuộc sống ít khi yên ổn. Một hôm hai bên tán thành dự một cuộc thi, giao hẹn bên nào hơn đựợc ở lại, bên thua phải đi. Người Chăm vốn có tài chạm trổ thì tạc một con bò bằng đá nhưng phải đi đựơc. Bên người Việt khéo trồng cây thì trồng một cây tre gốc lên trời nhưng tre phải sống.
Người Chăm về tạc một con bò bằng đá trông giống như bò thật. Cố nhiên khi chạm xong, đánh mấy bò cũng không chịu đi. Còn người Việt có trồng tre trổ gốc lên trời. Nhưng họ lấy đất ướt bọc rễ tre lại rồi dùng bẹ chuối cuốn bên ngoài. Thừa đêm hôm, họ ra trở đầu rễ tre trở xuống, rồi để cho người Chăm khỏi nghi ngờ, họ chặt một rễ tre khác cắm lên đầu cây tre này, ngoài cũng bọc đất và bẹ chuối như cũ. Nhờ thế mà tre mọc thành cây xanh tốt[7]. Vì thế, người Chăm phải nhận người Việt được cuộc.
Ngày nay ở huyện Bố-trạch tỉnh Quảng-bình còn có tượng con bò đá của người Chăm. Ở Thừa-thiên do câu chuyện trên, bây giờ còn có thói quen lúc nào trồng tre, người ta cũng bọc đất và bẹ chuối lên đằng đầu và họ gọi là đằng chông tre[8].
Các dị bản trên, bên cạnh chủ đề chính là ca ngợi sự thông minh tài trí, cũng có để lộ ít nhiều nhược điểm. Chúng tôi đưa vào đây để bạn đọc có thể tìm hiểu về một loại hình cổ tích riêng biệt đã xuất hiện trên quá trình phát triển và thống nhất dân tộc.
Trong Ô-Châu cân lục của Dương Văn An có truyện Tháp Dương-lệ phần nào giống với truyện của người Khơ-me ( Khmer), dịch như sau:
“Tháp Dương-lệ thuộc xã Dương-lệ, huyện Hải-lăng (Quảng-trị), hãy còn nền cũ. Tục truyền hai tháp Dương-lệ và Trung-dan đều do người Chăm xây nên. Lúc bắt đầu xây, hai nhóm giao ước chỉ một đêm là phải xong. Bên nào xong trước thì đốt lửa ra hiệu cho bên kia biết. Chỉ một mình Dương-lệ theo đúng lời ước. Còn nhóm bên Trung-dan thì không ngay thẳng, đến nửa đêm tuy công việc chưa xong nhưng cứ nổi đuốc lên trước. Mãi đến sáng mới xây xong. Nhóm bên Dương-lệ thấy lửa bèn thôi không xây nữa. Về sau Dương-lệ vì ngay thẳng được hưởng thái lao. Trung-dan không dự”.
Người Nghệ-an có kể một truyện Xây thành giấy, như sau:
Xưa có một người được làm vua, trước tiên cho người về quê cha đất tổ xây thành đắp lũy làm nơi đóng quân. Dân phu được ốp tới phục dịch, nhưng công trình thật là đồ sộ, làm đã mấy tháng mà chưa nên cơm cháo gì. Mọi người lấy làm lo vì vua giao hẹn đúng ngày tháng phải xong. Một hôm có một ông lão tới nói rằng: – “Thành xây mãi không xong mà nghe nói nay mai nhà vua đã kéo quân về, không khỏi tội nặng. Hãy cho tôi đảm đương việc xây thành, chắc chắn sẽ xong sớm”. Người ta cho rằng ông lão nói khoác. Nhưng kỳ hạn đã đến rồi, đành phải trông cậy vào ông lão họa có đựơc chăng, bèn hỏi: – “Bao giờ thì xong?”. Đáp: – “Chỉ nội nhật ngày mai là xong”. Ông lão bảo mang thật nhiều giấy đến bắt can lại rồi cắm cọc giăng lên như thể cái thành. Qua ngày mai tự nhiên thành giấy đã hóa ra thành thật, cũng có đá màu xanh như đá thật, nhưng dấu can của giấy vẫn còn nhận đựơc[9].
Đại-việt sử ký toàn thư và Đại-việt thông sử có kể một câu chuyện trong cuộc nội chiến giữa Lê và Mạc năm 1570. Hồi ấy quân Lê thua đậm phải rút về giữa miền thượng du Thanh-hóa, chỉ còn giữ được một thành lũy cuối cùng ở An-tràng. Tình thế rất nguy ngập vì lũy rất yếu mà quân địch thì tấn công ngày đêm không nghỉ. Các quan nhà Lê bàn việc đắp lũy cho cao, đào hào cho sâu để phòng thủ. Theo mưu kế của Lê Cập Đệ thì phải làm một cái thành bao bọc bên ngoài lũy. Trong một đêm, quân Lê trưng thu tất cả phên vách của nhà dân, dựng lên làm một cái thành giả, ngoài trét đất bùn, trên cắm chông tre, bao bọc lấy lũy An-tràng dài hơn 10 dặm. Sáng dậy, quân Mạc tưởng là thành thật, kinh hãi không dám đến gần. Sau đó phải rút.
Về tình tiết quân Đại-việt thắp đuốc để khoa trương thanh thế, người Thái ở Điện-biên-phủ có truyền thuyết Bảy người Kinh. Truyện kể rằng bảy người Kinh này lên Điện-biên giúp người Thái chống ngoại xâm. Họ đã tỏ rõ mưu trí và lòng dũng cảm trong cuộc chiến đấu. Có lần phải đương đầu với một đám giặc quân số khá lớn, bảy người Kinh dùng mẹo đêm đến buộc rất nhiều cà-bong trên sừng của một đàn dê rồi thắp lên làm cho giặc tưởng mình cũng đông quân. Về sau bảy người Kinh cùng bị hy sinh, đồng bào người Thái lập đền thờ cúng vào ngày mồng 5 tháng Hai âm lịch. Hiện nay ở Điện-biên còn có bụi tre tương truyền do bảy người đưa lên trồng.
[1] Tức sông Hương.
[2] Tức núi có chùa Thiên-mụ bây giờ.
[3] Theo Khai trí tiến đức tập san, số 4 ( 1941 ).
[4] Theo Tiểu thuyết thứ bảy và lời kể của người Phú-yên.
[5] Theo Bổ Thuận, Bách khoa ( 1959).
[6] Theo Truyện dân gian Căm-pu-chia.
[7] Theo lời kể cuả đồng bào Huế thì đoạn này người Việt trồng tre trở gốc lên trời nhưng hữu ý bọc nhiều bùn vào gốc tre ngoài bọc bẹ chuối và năng tưới nước. Tre là loại cây dễ sống nên tuy gốc trở lên trời nhưng chẳng bao lâu mầmđã mọc lên xanh tốt. Không có tình tiết thừa lúc nửa đêm tối ra trở đầu rễ tre trở xuống như Ca-đi-e (Cadiere) kể.
[8] Theo ca-đi-e (Cadiere). BEFEO, tập XI (1911).
[9] Theo bản khai của thôn An-trạch, xã Giang-triều.