Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ! Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Trạng Hiền

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Vào thời nhà Trần, ở một làng nọ bây giờ thuộc về Nam-định có một em bé tên là Hiền. Hiền được cha mẹ cạo đầu làm tiểu, cho ở với một ông sư trên chùa. Hàng ngày, Hiền phải hầu hạ sư, quét dọn chùa và làm các công việc vặt rồi mới được sư dạy cho học. Thế nhưng Hiền học một biết mười, chả mấy chốc đã nổi tiếng thần đồng.

Một hôm, Hiền quét chùa, nhân đề nghịch vào lưng một pho tượng mấy chữ “đày ba ngàn dặm . Đêm ấy hòa thượng trụ trì nằm mộng thấy một vị tôn giả đến từ giã mình, bảo rằng có việc phải đi xa. Tỉnh dậy hòa thượng trong bụng lấy làm phân vân, khi nhìn thấy lưng tượng Phật có mấy chữ Hán, đoán biết là chữ của Hiền, vội quát bắt phải lấy nước rửa ngay. Đêm hôm ấy hòa thượng lại mộng thấy vị tôn giả tới cảm ơn mình. Từ đấy cả chùa đều đoán Hiền sẽ làm nên sự nghiệp hơn người.

Năm 12 tuổi, Hiền đi thi và đậu luôn Trạng nguyên. Khi Hiền vào bái mạng trước sân rồng, vua thấy Trạng bé loắt choắt trong bộ áo mũ quá khổ, bèn phán hỏi:

– Trạng học với ai?

Hiền đáp ngay:

– Tâu bệ hạ, tôi lúc nhỏ ờ chùa không học với ai cả, chỉ khi nào không hiểu mới hỏi nhà sư một vài chữ mà thôi.

Vua thấy Trạng đối đáp cộc lốc, cho là trẻ con chưa biết lễ phép bên cho Trạng về nhà học lễ phép trong ba năm, sẽ lại cho làm quan.

*

Hồi ấy có sứ nhà Nguyên đưa sang ta một câu đố để thử xem nước Nam có nhân tài chăng. Triều đình nhà Trần mở quốc thư ra chỉ thấy có bốn câu thơ chữ Hán:

Lưỡng nhật bình đầu nhật,

Tứ sơn điên đảo sơn,

Lưỡng vương tranh nhất quốc,

Tứ khẩu tung hoành gian[1]

Cả vua lẫn quan đều ngẩn ra, không biết làm sao mà đoán được. Mấy ông cụ già trong Viện Hàn lâm, trong Quốc tử giám vắt óc suy nghĩ nhưng lâu lắm vẫn không tìm được câu trả lời. Mãi về sau có người nhớ đến Trạng Hiền, vua vội sai một viên quan văn đi mời ngay Trạng về triều để may ra có thể giải quyết điều bối rối cho cả triều thần.

Viên quan không quản ngày đêm, phi ngựa nước đại tìm về làng Trạng, thấy một lũ trẻ đang đùa nghịch ở gốc đa đầu làng, quan thử ra một câu đối để dò xem Trạng có mặt trong đám ấy chăng:

– Tự (字) là chữ, cất giằng đầu, chữ tử (子) là con: con ai con ấy?

Hiền tay vẫn chơi đùa, miệng đáp lại ngay:

– Vu (于) là chưng, chặt ngang lưng, chữ đinh (丁) là đứa: đứa nào đứa này.

Đáp đoạn, bỏ chạy về nhà. Khi viên quan tìm được vào nhà thì thấy Hiền đang đun bếp. Hắn lại ra một câu đối:

– Ngô văn quân tử viễn bào trù, hà tu mị táo (Tôi nghe người quân tử xa chỗ bếp núc, sao lại nịnh ông Bếp).

Hiền đối đáp lại:

– Ngã bản hữu quan cư đỉnh nại, khả tạm điều canh (Ta vốn ở ngôi khanh tướng nhưng nay tạm nêm canh).

Biết đích là Trạng, viên quan đưa chiếu chỉ của nhà vua, mời Trạng về triều để hỏi một việc quan trọng. Nhưng Hiền lắc đầu nói: – “Trước đây vua bảo ta không biết lễ phép, nhưng chính vua không biết lễ phép nữa là ai”. Nói rồi nhất định không chịu đi.

Về sau vua phải cho quân gia mang cờ quạt võng lọng đến đón Hiền vào triều. Trước mặt sứ thần của một cường quốc, ông trạng nhỏ tuổi ấy cầm cục than viết ra một chữ “điền” (田) giữa sân rồng. Thấy giải đáp đúng, sứ thần lặng lẽ rút lui. Vua và đình thần thở dài khoan khoái. Về sau, vua ban thưởng cho Trạng rất hậu và tuy Trạng còn ít tuổi cũng phong chức thượng thư[2].

[1] Bốn câu thơ này nghĩa là:

Hai mặt trời bằng đầu nhau ( đồng thời có nghĩa là có hai chữ nhật 日).

Bốn hòn núi nghiêng ngả (tức là có bốn chữ sơn 山).

Hai vua tranh một nước (tức là có hai chữ vương 王).

Bốn miệng ngang dọc trong khoảng đó ( tức là có bốn chữ khẩu 口).

[2] Theo Nam hải dị nhân liệt truyện của Phan Kế Bính. Xem thêm truyện Nợ như chúa Chổm (số 44).

Vào thời nhà Trần, ở một làng nọ bây giờ thuộc về Nam-định có một em bé tên là Hiền. Hiền được cha mẹ cạo đầu làm tiểu, cho ở với một ông sư trên chùa. Hàng ngày, Hiền phải hầu hạ sư, quét dọn chùa và làm các công việc vặt rồi mới được sư dạy cho học. Thế nhưng Hiền học một biết mười, chả mấy chốc đã nổi tiếng thần đồng.

Một hôm, Hiền quét chùa, nhân đề nghịch vào lưng một pho tượng mấy chữ “đày ba ngàn dặm . Đêm ấy hòa thượng trụ trì nằm mộng thấy một vị tôn giả đến từ giã mình, bảo rằng có việc phải đi xa. Tỉnh dậy hòa thượng trong bụng lấy làm phân vân, khi nhìn thấy lưng tượng Phật có mấy chữ Hán, đoán biết là chữ của Hiền, vội quát bắt phải lấy nước rửa ngay. Đêm hôm ấy hòa thượng lại mộng thấy vị tôn giả tới cảm ơn mình. Từ đấy cả chùa đều đoán Hiền sẽ làm nên sự nghiệp hơn người.

Năm 12 tuổi, Hiền đi thi và đậu luôn Trạng nguyên. Khi Hiền vào bái mạng trước sân rồng, vua thấy Trạng bé loắt choắt trong bộ áo mũ quá khổ, bèn phán hỏi:

– Trạng học với ai?

Hiền đáp ngay:

– Tâu bệ hạ, tôi lúc nhỏ ờ chùa không học với ai cả, chỉ khi nào không hiểu mới hỏi nhà sư một vài chữ mà thôi.

Vua thấy Trạng đối đáp cộc lốc, cho là trẻ con chưa biết lễ phép bên cho Trạng về nhà học lễ phép trong ba năm, sẽ lại cho làm quan.

*

Hồi ấy có sứ nhà Nguyên đưa sang ta một câu đố để thử xem nước Nam có nhân tài chăng. Triều đình nhà Trần mở quốc thư ra chỉ thấy có bốn câu thơ chữ Hán:

Lưỡng nhật bình đầu nhật,

Tứ sơn điên đảo sơn,

Lưỡng vương tranh nhất quốc,

Tứ khẩu tung hoành gian[1]

Cả vua lẫn quan đều ngẩn ra, không biết làm sao mà đoán được. Mấy ông cụ già trong Viện Hàn lâm, trong Quốc tử giám vắt óc suy nghĩ nhưng lâu lắm vẫn không tìm được câu trả lời. Mãi về sau có người nhớ đến Trạng Hiền, vua vội sai một viên quan văn đi mời ngay Trạng về triều để may ra có thể giải quyết điều bối rối cho cả triều thần.

Viên quan không quản ngày đêm, phi ngựa nước đại tìm về làng Trạng, thấy một lũ trẻ đang đùa nghịch ở gốc đa đầu làng, quan thử ra một câu đối để dò xem Trạng có mặt trong đám ấy chăng:

– Tự (字) là chữ, cất giằng đầu, chữ tử (子) là con: con ai con ấy?

Hiền tay vẫn chơi đùa, miệng đáp lại ngay:

– Vu (于) là chưng, chặt ngang lưng, chữ đinh (丁) là đứa: đứa nào đứa này.

Đáp đoạn, bỏ chạy về nhà. Khi viên quan tìm được vào nhà thì thấy Hiền đang đun bếp. Hắn lại ra một câu đối:

– Ngô văn quân tử viễn bào trù, hà tu mị táo (Tôi nghe người quân tử xa chỗ bếp núc, sao lại nịnh ông Bếp).

Hiền đối đáp lại:

– Ngã bản hữu quan cư đỉnh nại, khả tạm điều canh (Ta vốn ở ngôi khanh tướng nhưng nay tạm nêm canh).

Biết đích là Trạng, viên quan đưa chiếu chỉ của nhà vua, mời Trạng về triều để hỏi một việc quan trọng. Nhưng Hiền lắc đầu nói: – “Trước đây vua bảo ta không biết lễ phép, nhưng chính vua không biết lễ phép nữa là ai”. Nói rồi nhất định không chịu đi.

Về sau vua phải cho quân gia mang cờ quạt võng lọng đến đón Hiền vào triều. Trước mặt sứ thần của một cường quốc, ông trạng nhỏ tuổi ấy cầm cục than viết ra một chữ “điền” (田) giữa sân rồng. Thấy giải đáp đúng, sứ thần lặng lẽ rút lui. Vua và đình thần thở dài khoan khoái. Về sau, vua ban thưởng cho Trạng rất hậu và tuy Trạng còn ít tuổi cũng phong chức thượng thư[2].

[1] Bốn câu thơ này nghĩa là:

Hai mặt trời bằng đầu nhau ( đồng thời có nghĩa là có hai chữ nhật 日).

Bốn hòn núi nghiêng ngả (tức là có bốn chữ sơn 山).

Hai vua tranh một nước (tức là có hai chữ vương 王).

Bốn miệng ngang dọc trong khoảng đó ( tức là có bốn chữ khẩu 口).

[2] Theo Nam hải dị nhân liệt truyện của Phan Kế Bính. Xem thêm truyện Nợ như chúa Chổm (số 44).

Chọn tập
Bình luận