Ngày xưa ở vùng Cao-bằng có một chàng trẻ tuổi, nay đây mai đó làm nghề chài lưới, tên là Triều. Gia sản của anh không có gì ngoài một bộ đồ nghề làm ăn. Nhưng tính anh vốn hay thương người. Mỗi lần đánh được nhiều cá, anh thường đổi lấy gạo đem chu cấp cho những người túng thiếu mà anh gặp. Vì vậy người nghèo khổ trong vùng ai cũng mến anh.
Ở Cao-bằng một thời gian, Triều lại dời sang đánh cá ở vùng Thái-nguyên. Ở đây, anh lại cứu giúp mọi người không tiếc sức. Một hôm anh không đánh được mẻ cá nào cả. Nhưng lúc về dọc đường, anh bỗng thấy một ông lão ăn mày trần truồng đang nằm run rẩy dưới gốc cây. Động lòng thương, anh cởi ngay chiếc áo đang mặc đắp vào người ông cụ.
Bẵng đi một dạo, một hôm anh đang buông chài giữa sông, bỗng nghe trên núi cao có tiếng đàn văng vẳng. Anh dừng lại nghe một cách say sưa. Qua ngày hôm sau, anh lại được nghe tiếng đàn trên núi như hôm qua. Hôm sau nữa, cũng từ trên ngọn núi cũ, tiếng đàn quen thuộc lại bay đến tai anh. Lấy làm lạ, anh vội thu xếp đồ nghề của mình, rồi tìm đường trèo núi, quyết tìm cho ra người gảy đàn. Lần theo tiếng đàn, anh vạch cỏ rẽ lau tiến bước. Cuối cùng, đến một bãi đất rộng, anh thấy một cụ già đang ngồi trên một phiến đá. Ông cụ mê mải gảy đàn không biết có người tới gần. Triều nhận ra khuôn mặt cụ già này rất giống với ông cụ nằm ở gốc cây hôm nọ. Chờ cho bản đàn dứt hẳn, anh đến trước mặt hỏi:
– Thưa cụ, cụ là ai mà ngồi đánh đàn ở đây?
Ông cụ ngước mắt nhìn anh một cách âu yếm, rồi chỉ vào một phiến đá trước mặt, bảo:
– Ta ngồi đợi con đây! Con trèo núi có mệt lắm không? Con hãy ngồi xuống đây nghỉ một tý.
Triều vừa đỡ chén nước ở tay ông cụ, đã nghe ông cụ hỏi:
– Con có nhớ ta không?
– Có, Triều đáp ngay. Cụ có phải là người nằm ở gốc cây đa đầu làng hôm nọ không?
– Đúng, ông cụ trả lời. Hôm nọ con đành chịu mình trần để nhường áo cho ta. Tấm lòng ấy thật là ít có. Nay ta muốn đền cho con một chiếc áo khác.
Nói xong, ông cụ cởi chiếc áo đang mặc quàng vào mình Triều rồi biến mất.
*
Từ ngày được áo của Tiên cho, Triều mới biết đấy không phải là chiếc áo thường mà là một bảo vật, có phép làm cho người ta tàng hình. Mỗi lần mặc áo, không một ai nhận ra có anh ở trước mặt. Triều mừng quá, từ đây anh đi chu du khắp nơi. Anh thường mặc áo rồi tìm đến nhà bọn giàu có, đường hoàng đi vào tận buồng của chúng lấy tiền gạo ra chia cho những người nghèo. Anh kín đáo giúp dân lành, cũng kín đáo trị tội những kẻ bất lương, bạc ác. Có những người vì quá cơ cực đang nằm là bên vệ đường mà thở than thì bỗng thấy những quan tiền ở đâu bay đến trước mặt. Có những tên quan đang nọc người ra giữa công đường mà đánh, thì chính hắn bỗng bị quất vào lưng đau quằn lên, nhưng ngoảnh lại vẫn không hề tìm thấy một ai. Nhiều sự việc giống nhau xảy ra, làm cho lời đồn đại lan ra khắp cả một vùng. Người lo, kẻ mừng, nhưng ai cũng tin rằng Trời Phật đã có con mắt.
Cứ như thế, Triều đi khắp mọi nơi và giúp đỡ những người cùng khổ. Một hôm anh tìm đến đất kinh kỳ. Mặc áo vào, anh tha hồ đi đó đi đây xem cho thỏa mắt. Hết vào nhà bọn quyền quý, anh lại vào cung cấm là nơi từ xưa không một người nào như anh dám bước chân đến. Thấy người nghèo khó nhan nhản khắp phố phường, anh lẻn vào kho tàng nhà vua lấy của ra phân phát cho họ. Vì thế kho công luôn luôn bị hao hụt, nhưng không một ai tìm ra thủ phạm cả. Trong khi đó thì khắp kinh đô đồn ầm lên rằng có một vị Tiên thường cứu giúp những người đói khổ và trừng trị những tên gian tà. Ở đâu Tiên cũng có mặt, nhưng lại không “xuất đầu lộ diện” bao giờ. Về phía Triều, anh vẫn ngày ngày làm công việc cứu giúp dân nghèo, coi đấy là phận sự của mình, mà không hề băn khoăn đến chuyện báo đáp. Anh đã làm cho bọn giàu sang xiết bao sợ hãi lo lắng khi thấy bạc tiền của chúng tự nhiên không cánh mà bay, mặc dầu trong nhà ngoài ngõ đều có người canh gác cẩn mật.
Nhưng một hôm, sau khi trừng trị một tên quyền quý đang ỷ thế đánh người, anh vội lẻn ra khỏi nhà hắn ngay vì thấy kẻ hầu người hạ của hắn nghe tiếng động đổ xô tới rất đông. Giữa lúc vội vàng, anh vướng vào một chiếc gai tre ở bờ giậu làm cho chiếc áo toạc mất một miếng. Sợ rằng để vậy có thể bị lộ, nên anh đã dùng một mụn giẻ vá lại. Sau đó hàng ngày anh lại vào kho nhà vua tiếp tục phận sự của mình.
Từ ngày thấy của kho luôn luôn bị hao hụt, nhà vua hết sức lo lắng. Vua hạ lệnh cho bọn quan coi kho phải tìm cách bắt kỳ được tên trộm bí mật, nếu không sẽ trị tội không tha. Bọn này nhiều phen cố sức rình mò nhưng chỉ hoài công vô ích. Tiền bạc trong kho cứ vơi dần mà chúng vẫn không tìm ra một dấu vết gì đáng kể. Sau cùng, chúng sai thửa một kiểu bẫy lưới rất nhạy để chụp vào những nơi mà chúng ngờ. Hôm ấy, bọn quan coi kho bỗng thấy có một con bướm trắng từ ngoài cổng bay vào kho. Bướm bay đi dạo lại trên những đĩnh bạc trắng xóa, rồi bướm lại thủng thỉnh bay ra. Chúng nhìn lại thì thấy thiếu đi mấy đĩnh. Lập tức chúng chụp ngay lưới xuống chỗ có bướm. Và thế là Triều bị bắt. Chỉ vì miếng vải vá vào chiếc áo tàng hình khiến anh bị lộ. Bắt được Triều, bọn quan coi kho mừng lắm, liền giải anh lên vua. Vua sai bỏ ngục để chờ ngày xét xử.
*
Hồi ấy, có ông vua một nước láng giềng từ lâu vẫn ngầm mưu mô đánh chiếm nước ta. Giữa lúc Triều bị hạ ngục thì hàng chục vạn binh mã của nước láng giềng cũng đang ùn ùn kéo sang. Nhà vua đã cho quân đội ra chống giữ nhưng đánh trận nào thua trận ấy, không sao ngăn cản được kẻ địch tiến như vũ bão. Tình hình bỗng trở nên nguy ngập. Tin cấp báo từ biên giới một ngày đưa về không biết bao nhiêu chuyến ngựa trạm, làm cho kinh đô nháo nhác. Nghe được tin này, Triều liền bảo quan coi ngục tâu vua cho mình được đi dẹp giặc cứu nước. Nhà vua mừng quá, vội sai tháo xiềng cho anh, và gọi anh đến hỏi:
– Nhà ngươi cần bao nhiêu binh mã?
– Tâu bệ hạ, anh đáp, chỉ một mình tôi cũng có thể đuổi được giặc dữ. Chỉ xin bệ hạ cho tôi một thanh gươm.
Vua liền cởi gươm của mình trao cho Triều và phong anh làm Hộ quốc tướng quân. Vua còn ra lệnh cho quân đội phải tuân theo lệnh anh. Trước ngày lên đường, những người nghèo khổ từ lâu được Triều cứu giúp, nay nghe tin anh được tha và được phong tướng đi đánh giặc, đều tìm đến cảm ơn và tình nguyện đi theo. Triều cho sắp xếp thành đội ngũ và cùng kéo nhau lên đường.
Lúc đến vùng quân giặc đang chiếm đóng. Triều mặc ngay chiếc áo tàng hình vào người rồi cầm gươm đi thẳng vào trại giặc. Chỉ một lát sau, anh đã chém chết tên chỉ huy toán quân tiên phong. Bọn giặc mất tướng như rắn không đầu bỏ chạy tán loạn. Những người đi theo Triều chỉ có việc chia nhau đón khắp các nẻo tóm cổ đưa về. Đến những trại khác của giặc, Triều cũng làm như vậy. Không bao lâu cả đội tiên phong tinh nhuệ của giặc bị tiêu diệt và bị bắt sống không sót một tên. Các đội quân khác còn lại kinh hoàng cho là bên phía Đại-việt có vị thần thiêng trợ chiến nên bao nhiêu tướng tài của mình đều bị chém đầu. Thấy quân sĩ ngã lòng, tên vua láng giềng đành hạ lệnh rút lui. Từ đấy biên giới lại vô sự. Khắp nơi ai nấy ca tụng công lao của Triều.
Lúc Triều kéo quân khải hoàn, vua khen ngợi anh hết lời. Vua phong cho anh làm quan đại thần, cắt đất hai huyện cho anh ăn lộc, lại gả con gái cho anh làm vợ. Từ đấy người ta quen gọi anh là Quan Triều.
Ngày nay ở Cao-bằng và ở Thái-nguyên còn có đền thờ Quan Triều[1].
KHẢO DỊ
Người Bắc-giang kể chuyện Quan Triều như sau:
Ở xã Quan-triều (Thái-nguyên) có một người đánh cá nghèo tên là Dương Tự Minh. Một hôm câu cá xong anh nghỉ ở cầu, gặp một nàng tiên cho một cái áo có phép tàng hình. Cũng như truyện trên, được áo, anh vào kho vua lấy vàng bạc về tiêu. Thấy mất của kho, người ta tăng cường canh phòng, nhưng nhờ chiếc áo, anh vẫn lọt lưới. Anh thường vào kho giờ “thân tý” ra giờ “ngọ mùi”. Một hôm áo thần của anh bị chuột cắn, anh lấy miếng lụa vá vào. Một người lính gác thấy có một con bướm hàng ngày bay lượn tới kho bèn tâu lên.
Bấy giờ vào đời vua Lý Anh Tông. Quan coi kho tâu báo mọi việc lên vua. Vua sai tìm cách bắt cho được con bướm sẽ có thưởng. Khi bướm bay vào một hồi trống nổi lên, các cơ đội giăng lưới bủa vây quanh kho và họ tóm được anh. Vua sai giam lại để chờ xét xử. Một hôm có tên giặc nhà Tống là Đàm Hữu Lượng đem 33 vạn quân kỵ cướp bóc vùng Tuyên – Thái. Quân đội triều đình thất bại. Vua hứa ai trừ được giặc sẽ chia cho nửa nước và cho làm quan to. Nghe tin, Dương Tự Minh xin vua rèn cho mình một cây gươm đồng và cấp cho mười hai người lính. Anh lại xin cho một ông quan đi theo để chứng kiến. Vua sai đại thần là Anh Vũ đi theo. Từ xa, Anh Vũ thấy tự nhiên thành lũy giặc bị phá tan quân giặc chạy trốn, đầu rụng khắp nơi. Đàm Hữu Lượng cuối cùng bị bắt sống. Vua gả công chúa Thiều Dung cho anh, phong làm phò mã, cai quản huyện Phú-lương.
Đoạn sau, truyện còn kể Dương Tự Minh bắt giam Anh Vũ vì tội tư thông với mẹ vua, lại đem quân đi đánh giặc Biên-hòa Thủy-xá, được vua gả thêm cho công chúa Diêm Bình và được phong đất từ Cao-bằng đến Lục-đầu. Về sau khi Anh Vũ được ân xá, hắn rất giận, tâu vua rằng Tự Minh có ngôi đất quý xin cho người đi đào và chôn vào đó một cột đồng để yểm. Biết là vua đã ghét mình, Tự Minh đi đến núi Thạch-long, xã Đông-đạt rồi hóa[2].
Đồng bào Tày cũng có truyện Quan Triều giống hệt truyện của ta. Đại khái, cũng có một anh chàng câu cá nghèo được thần cho chiếc áo tàng hình, nhưng ở đây thần cởi áo đắp cho trong lúc anh đang ngủ trần truồng. Đoạn này có người kể: do việc thu nhặt thi hài của một quan tướng chết trận bỏ vào chum chôn cất tử tế nên anh được linh hồn quan tướng đó trả ơn bằng cách tặngmột cái “áo giáp thần kỳ” (có phép tàng hình). Anh mặc áo về, vợ anh chỉ nghe tiếng mà không thấy người, sau đó họ mới biết sự mầu nhiệm của cái áo.
Rồi anh cũng vào kho lấy tiền bạc của nhà vua phân phát cho dân nghèo, nhưng khi áo rách, không phải anh lấy mụn giẻ vá mà dùng giấy dán lại. Bọn lính gác kho cũng tưởng có con bướm nào đó bay vào bay ra, và cũng dùng lưới chụp được. Cuối cùng anh cũng được thả ra để tìm kế chống giặc. Anh bèn xin vua rèn cho “một mã tấu ngàn cân” và xin vài chục lính theo mình.
Thắng trận trở về, anh không nhận vàng bạc chức tước, nói: – “Vàng bạc phát cho dân nghèo, chức tước nhường cho người coi kho”. Rồi tiếp tục nghề câu cá[3].
Theo chúng tôi, truyện của ta ở trên có lẽ bắt nguồn từ truyện của đồng bào Tày.
Người Sơn-tây cũng có một truyện Chiếc áo tàng hình nhưng nội dung khác với truyện trên và có dáng dấp một truyện khôi hài:
Một người đốn củi một hôm chặt một cây duối. Thần cây duối hiện ra xin đừng chặt, rồi tặng một chiếc áo tàng hình. Mừng quá, người ấy mặc vào đi khắp nơi và tự cho mình có quyền lục lọi phá phách và tước đoạt. Một nhà nọ có giỗ, người ấy trèo lên bàn thờ ăn vụng. Chủ nhà cho là ông bà hiện về hưởng cỗ của con cháu nên không khai trình gì cả. Các nhà khác khi cúng giỗ đều bị người ấy đến ăn như vậy, nhưng họ vẫn vui mừng tin rằng ông bà linh thiêng.
Vợ thấy chồng từ ngày có áo trở nên bê tha, say sưa suốt ngày nên rất bực mình, bèn đốt quách cái áo. Mất áo, người ấy lại vác rìu đến chặt cây duối. Thần hiện ra bảo hãy lấy tro của cái áo nhào nước cho đều rồi bôi khắp người, cũng sẽ màu nhiệm như mặc áo. Người ấy làm y như lời, và từ đấy những cuộc ăn vụng cỗ bàn các nhà lại tiếp tục. Chẳng may một hôm bị chủ nhà nọ hắt phải chén nước vào lưng do đó tro bị trôi mất, lộ ra hai mông đít. Cho là ma quỷ hiện hình, chủ nhân cầm gậy nện vào mông làm cho anh chàng chết ngất[4].
Người Ma-rốc (Maroc) có truyện Đứa con người thợ vá giày cũng có nhân vật tàng hình, nhưng nội dung lại khác nữa:
Một anh chàng con của một người thợ vá giày tương tư một nàng công chúa đến phát ốm. Người bố vốn có phép làm cho người ta trở nên vô hình, bèn vẽ lên trán con một đạo bùa. Anh chàng đường hoàng đi vào chốn cấm cung của công chúa mà không một ai biết cả. Khi công chúa ăn, anh cũng ăn cùng một đĩa. Đĩa thức ăn thừa đưa ra khỏi buồng có hai chỗ khuyết tố cáo không phải một người ăn. Thấy thế, vua giận lắm, chạy vào buồng công chúa nhưng ngoài con ra không thấy một ai. Bèn cho gọi một pháp sư Do-thái đến tìm cách trừ hộ. Ông này không làm phù phép gì cả, chỉ sai đốt một đống lửa to trong buồng công chúa. Nóng quá, anh chàng mô hôi nhễ nhại, trong một lúc anh đưa tay lên trán quệt mồ hôi, làm cho đạo bùa biến mất. Việc gian của anh vì thế bị bại lộ. Tuy vậy về sau anh cũng được vua đem công chúa gả cho[5].
Trong Nghìn lẻ một đêm có truyện Người điên thứ ba cũng tương tự với truyện vừa kể:
Một nhà thông thái dùng một thứ bột thần bôi lên mi mắt một chàng trẻ tuổi giúp anh ta tàng hình để đi vào buồng công chúa. Những hành động của hắn làm cho người ta tưởng là ma quỷ. Một bà già hầu hạ trong cung bèn đốt cứt lạc đà trong buồng để đuổi tà ma. Không chịu được khói, hắn lấy tay dụi mắt, vô tình chùi mất thứ bột mầu nhiệm nên lộ nguyên hình.
[1] Theo lời kể của người Thái-nguyên.
[2] Theo Thần tích xã Thế-lộc và BEFEO, X, q . 4 (1910).
[3] Theo lời kể của đồng bào Tày ở Cao-bằng và theo Hoàng Quyết, sách đã dẫn.
[4] Theo lời kể của người Sơn-tây.
[5] Theo Mô-ha-mét En Pha-si (Mohamed El Fasi) và Đéc-men-ghem (Dermenghem). Truyện cổ tích Pha-dit (Ma-rốc).
Ngày xưa ở vùng Cao-bằng có một chàng trẻ tuổi, nay đây mai đó làm nghề chài lưới, tên là Triều. Gia sản của anh không có gì ngoài một bộ đồ nghề làm ăn. Nhưng tính anh vốn hay thương người. Mỗi lần đánh được nhiều cá, anh thường đổi lấy gạo đem chu cấp cho những người túng thiếu mà anh gặp. Vì vậy người nghèo khổ trong vùng ai cũng mến anh.
Ở Cao-bằng một thời gian, Triều lại dời sang đánh cá ở vùng Thái-nguyên. Ở đây, anh lại cứu giúp mọi người không tiếc sức. Một hôm anh không đánh được mẻ cá nào cả. Nhưng lúc về dọc đường, anh bỗng thấy một ông lão ăn mày trần truồng đang nằm run rẩy dưới gốc cây. Động lòng thương, anh cởi ngay chiếc áo đang mặc đắp vào người ông cụ.
Bẵng đi một dạo, một hôm anh đang buông chài giữa sông, bỗng nghe trên núi cao có tiếng đàn văng vẳng. Anh dừng lại nghe một cách say sưa. Qua ngày hôm sau, anh lại được nghe tiếng đàn trên núi như hôm qua. Hôm sau nữa, cũng từ trên ngọn núi cũ, tiếng đàn quen thuộc lại bay đến tai anh. Lấy làm lạ, anh vội thu xếp đồ nghề của mình, rồi tìm đường trèo núi, quyết tìm cho ra người gảy đàn. Lần theo tiếng đàn, anh vạch cỏ rẽ lau tiến bước. Cuối cùng, đến một bãi đất rộng, anh thấy một cụ già đang ngồi trên một phiến đá. Ông cụ mê mải gảy đàn không biết có người tới gần. Triều nhận ra khuôn mặt cụ già này rất giống với ông cụ nằm ở gốc cây hôm nọ. Chờ cho bản đàn dứt hẳn, anh đến trước mặt hỏi:
– Thưa cụ, cụ là ai mà ngồi đánh đàn ở đây?
Ông cụ ngước mắt nhìn anh một cách âu yếm, rồi chỉ vào một phiến đá trước mặt, bảo:
– Ta ngồi đợi con đây! Con trèo núi có mệt lắm không? Con hãy ngồi xuống đây nghỉ một tý.
Triều vừa đỡ chén nước ở tay ông cụ, đã nghe ông cụ hỏi:
– Con có nhớ ta không?
– Có, Triều đáp ngay. Cụ có phải là người nằm ở gốc cây đa đầu làng hôm nọ không?
– Đúng, ông cụ trả lời. Hôm nọ con đành chịu mình trần để nhường áo cho ta. Tấm lòng ấy thật là ít có. Nay ta muốn đền cho con một chiếc áo khác.
Nói xong, ông cụ cởi chiếc áo đang mặc quàng vào mình Triều rồi biến mất.
*
Từ ngày được áo của Tiên cho, Triều mới biết đấy không phải là chiếc áo thường mà là một bảo vật, có phép làm cho người ta tàng hình. Mỗi lần mặc áo, không một ai nhận ra có anh ở trước mặt. Triều mừng quá, từ đây anh đi chu du khắp nơi. Anh thường mặc áo rồi tìm đến nhà bọn giàu có, đường hoàng đi vào tận buồng của chúng lấy tiền gạo ra chia cho những người nghèo. Anh kín đáo giúp dân lành, cũng kín đáo trị tội những kẻ bất lương, bạc ác. Có những người vì quá cơ cực đang nằm là bên vệ đường mà thở than thì bỗng thấy những quan tiền ở đâu bay đến trước mặt. Có những tên quan đang nọc người ra giữa công đường mà đánh, thì chính hắn bỗng bị quất vào lưng đau quằn lên, nhưng ngoảnh lại vẫn không hề tìm thấy một ai. Nhiều sự việc giống nhau xảy ra, làm cho lời đồn đại lan ra khắp cả một vùng. Người lo, kẻ mừng, nhưng ai cũng tin rằng Trời Phật đã có con mắt.
Cứ như thế, Triều đi khắp mọi nơi và giúp đỡ những người cùng khổ. Một hôm anh tìm đến đất kinh kỳ. Mặc áo vào, anh tha hồ đi đó đi đây xem cho thỏa mắt. Hết vào nhà bọn quyền quý, anh lại vào cung cấm là nơi từ xưa không một người nào như anh dám bước chân đến. Thấy người nghèo khó nhan nhản khắp phố phường, anh lẻn vào kho tàng nhà vua lấy của ra phân phát cho họ. Vì thế kho công luôn luôn bị hao hụt, nhưng không một ai tìm ra thủ phạm cả. Trong khi đó thì khắp kinh đô đồn ầm lên rằng có một vị Tiên thường cứu giúp những người đói khổ và trừng trị những tên gian tà. Ở đâu Tiên cũng có mặt, nhưng lại không “xuất đầu lộ diện” bao giờ. Về phía Triều, anh vẫn ngày ngày làm công việc cứu giúp dân nghèo, coi đấy là phận sự của mình, mà không hề băn khoăn đến chuyện báo đáp. Anh đã làm cho bọn giàu sang xiết bao sợ hãi lo lắng khi thấy bạc tiền của chúng tự nhiên không cánh mà bay, mặc dầu trong nhà ngoài ngõ đều có người canh gác cẩn mật.
Nhưng một hôm, sau khi trừng trị một tên quyền quý đang ỷ thế đánh người, anh vội lẻn ra khỏi nhà hắn ngay vì thấy kẻ hầu người hạ của hắn nghe tiếng động đổ xô tới rất đông. Giữa lúc vội vàng, anh vướng vào một chiếc gai tre ở bờ giậu làm cho chiếc áo toạc mất một miếng. Sợ rằng để vậy có thể bị lộ, nên anh đã dùng một mụn giẻ vá lại. Sau đó hàng ngày anh lại vào kho nhà vua tiếp tục phận sự của mình.
Từ ngày thấy của kho luôn luôn bị hao hụt, nhà vua hết sức lo lắng. Vua hạ lệnh cho bọn quan coi kho phải tìm cách bắt kỳ được tên trộm bí mật, nếu không sẽ trị tội không tha. Bọn này nhiều phen cố sức rình mò nhưng chỉ hoài công vô ích. Tiền bạc trong kho cứ vơi dần mà chúng vẫn không tìm ra một dấu vết gì đáng kể. Sau cùng, chúng sai thửa một kiểu bẫy lưới rất nhạy để chụp vào những nơi mà chúng ngờ. Hôm ấy, bọn quan coi kho bỗng thấy có một con bướm trắng từ ngoài cổng bay vào kho. Bướm bay đi dạo lại trên những đĩnh bạc trắng xóa, rồi bướm lại thủng thỉnh bay ra. Chúng nhìn lại thì thấy thiếu đi mấy đĩnh. Lập tức chúng chụp ngay lưới xuống chỗ có bướm. Và thế là Triều bị bắt. Chỉ vì miếng vải vá vào chiếc áo tàng hình khiến anh bị lộ. Bắt được Triều, bọn quan coi kho mừng lắm, liền giải anh lên vua. Vua sai bỏ ngục để chờ ngày xét xử.
*
Hồi ấy, có ông vua một nước láng giềng từ lâu vẫn ngầm mưu mô đánh chiếm nước ta. Giữa lúc Triều bị hạ ngục thì hàng chục vạn binh mã của nước láng giềng cũng đang ùn ùn kéo sang. Nhà vua đã cho quân đội ra chống giữ nhưng đánh trận nào thua trận ấy, không sao ngăn cản được kẻ địch tiến như vũ bão. Tình hình bỗng trở nên nguy ngập. Tin cấp báo từ biên giới một ngày đưa về không biết bao nhiêu chuyến ngựa trạm, làm cho kinh đô nháo nhác. Nghe được tin này, Triều liền bảo quan coi ngục tâu vua cho mình được đi dẹp giặc cứu nước. Nhà vua mừng quá, vội sai tháo xiềng cho anh, và gọi anh đến hỏi:
– Nhà ngươi cần bao nhiêu binh mã?
– Tâu bệ hạ, anh đáp, chỉ một mình tôi cũng có thể đuổi được giặc dữ. Chỉ xin bệ hạ cho tôi một thanh gươm.
Vua liền cởi gươm của mình trao cho Triều và phong anh làm Hộ quốc tướng quân. Vua còn ra lệnh cho quân đội phải tuân theo lệnh anh. Trước ngày lên đường, những người nghèo khổ từ lâu được Triều cứu giúp, nay nghe tin anh được tha và được phong tướng đi đánh giặc, đều tìm đến cảm ơn và tình nguyện đi theo. Triều cho sắp xếp thành đội ngũ và cùng kéo nhau lên đường.
Lúc đến vùng quân giặc đang chiếm đóng. Triều mặc ngay chiếc áo tàng hình vào người rồi cầm gươm đi thẳng vào trại giặc. Chỉ một lát sau, anh đã chém chết tên chỉ huy toán quân tiên phong. Bọn giặc mất tướng như rắn không đầu bỏ chạy tán loạn. Những người đi theo Triều chỉ có việc chia nhau đón khắp các nẻo tóm cổ đưa về. Đến những trại khác của giặc, Triều cũng làm như vậy. Không bao lâu cả đội tiên phong tinh nhuệ của giặc bị tiêu diệt và bị bắt sống không sót một tên. Các đội quân khác còn lại kinh hoàng cho là bên phía Đại-việt có vị thần thiêng trợ chiến nên bao nhiêu tướng tài của mình đều bị chém đầu. Thấy quân sĩ ngã lòng, tên vua láng giềng đành hạ lệnh rút lui. Từ đấy biên giới lại vô sự. Khắp nơi ai nấy ca tụng công lao của Triều.
Lúc Triều kéo quân khải hoàn, vua khen ngợi anh hết lời. Vua phong cho anh làm quan đại thần, cắt đất hai huyện cho anh ăn lộc, lại gả con gái cho anh làm vợ. Từ đấy người ta quen gọi anh là Quan Triều.
Ngày nay ở Cao-bằng và ở Thái-nguyên còn có đền thờ Quan Triều[1].
KHẢO DỊ
Người Bắc-giang kể chuyện Quan Triều như sau:
Ở xã Quan-triều (Thái-nguyên) có một người đánh cá nghèo tên là Dương Tự Minh. Một hôm câu cá xong anh nghỉ ở cầu, gặp một nàng tiên cho một cái áo có phép tàng hình. Cũng như truyện trên, được áo, anh vào kho vua lấy vàng bạc về tiêu. Thấy mất của kho, người ta tăng cường canh phòng, nhưng nhờ chiếc áo, anh vẫn lọt lưới. Anh thường vào kho giờ “thân tý” ra giờ “ngọ mùi”. Một hôm áo thần của anh bị chuột cắn, anh lấy miếng lụa vá vào. Một người lính gác thấy có một con bướm hàng ngày bay lượn tới kho bèn tâu lên.
Bấy giờ vào đời vua Lý Anh Tông. Quan coi kho tâu báo mọi việc lên vua. Vua sai tìm cách bắt cho được con bướm sẽ có thưởng. Khi bướm bay vào một hồi trống nổi lên, các cơ đội giăng lưới bủa vây quanh kho và họ tóm được anh. Vua sai giam lại để chờ xét xử. Một hôm có tên giặc nhà Tống là Đàm Hữu Lượng đem 33 vạn quân kỵ cướp bóc vùng Tuyên – Thái. Quân đội triều đình thất bại. Vua hứa ai trừ được giặc sẽ chia cho nửa nước và cho làm quan to. Nghe tin, Dương Tự Minh xin vua rèn cho mình một cây gươm đồng và cấp cho mười hai người lính. Anh lại xin cho một ông quan đi theo để chứng kiến. Vua sai đại thần là Anh Vũ đi theo. Từ xa, Anh Vũ thấy tự nhiên thành lũy giặc bị phá tan quân giặc chạy trốn, đầu rụng khắp nơi. Đàm Hữu Lượng cuối cùng bị bắt sống. Vua gả công chúa Thiều Dung cho anh, phong làm phò mã, cai quản huyện Phú-lương.
Đoạn sau, truyện còn kể Dương Tự Minh bắt giam Anh Vũ vì tội tư thông với mẹ vua, lại đem quân đi đánh giặc Biên-hòa Thủy-xá, được vua gả thêm cho công chúa Diêm Bình và được phong đất từ Cao-bằng đến Lục-đầu. Về sau khi Anh Vũ được ân xá, hắn rất giận, tâu vua rằng Tự Minh có ngôi đất quý xin cho người đi đào và chôn vào đó một cột đồng để yểm. Biết là vua đã ghét mình, Tự Minh đi đến núi Thạch-long, xã Đông-đạt rồi hóa[2].
Đồng bào Tày cũng có truyện Quan Triều giống hệt truyện của ta. Đại khái, cũng có một anh chàng câu cá nghèo được thần cho chiếc áo tàng hình, nhưng ở đây thần cởi áo đắp cho trong lúc anh đang ngủ trần truồng. Đoạn này có người kể: do việc thu nhặt thi hài của một quan tướng chết trận bỏ vào chum chôn cất tử tế nên anh được linh hồn quan tướng đó trả ơn bằng cách tặngmột cái “áo giáp thần kỳ” (có phép tàng hình). Anh mặc áo về, vợ anh chỉ nghe tiếng mà không thấy người, sau đó họ mới biết sự mầu nhiệm của cái áo.
Rồi anh cũng vào kho lấy tiền bạc của nhà vua phân phát cho dân nghèo, nhưng khi áo rách, không phải anh lấy mụn giẻ vá mà dùng giấy dán lại. Bọn lính gác kho cũng tưởng có con bướm nào đó bay vào bay ra, và cũng dùng lưới chụp được. Cuối cùng anh cũng được thả ra để tìm kế chống giặc. Anh bèn xin vua rèn cho “một mã tấu ngàn cân” và xin vài chục lính theo mình.
Thắng trận trở về, anh không nhận vàng bạc chức tước, nói: – “Vàng bạc phát cho dân nghèo, chức tước nhường cho người coi kho”. Rồi tiếp tục nghề câu cá[3].
Theo chúng tôi, truyện của ta ở trên có lẽ bắt nguồn từ truyện của đồng bào Tày.
Người Sơn-tây cũng có một truyện Chiếc áo tàng hình nhưng nội dung khác với truyện trên và có dáng dấp một truyện khôi hài:
Một người đốn củi một hôm chặt một cây duối. Thần cây duối hiện ra xin đừng chặt, rồi tặng một chiếc áo tàng hình. Mừng quá, người ấy mặc vào đi khắp nơi và tự cho mình có quyền lục lọi phá phách và tước đoạt. Một nhà nọ có giỗ, người ấy trèo lên bàn thờ ăn vụng. Chủ nhà cho là ông bà hiện về hưởng cỗ của con cháu nên không khai trình gì cả. Các nhà khác khi cúng giỗ đều bị người ấy đến ăn như vậy, nhưng họ vẫn vui mừng tin rằng ông bà linh thiêng.
Vợ thấy chồng từ ngày có áo trở nên bê tha, say sưa suốt ngày nên rất bực mình, bèn đốt quách cái áo. Mất áo, người ấy lại vác rìu đến chặt cây duối. Thần hiện ra bảo hãy lấy tro của cái áo nhào nước cho đều rồi bôi khắp người, cũng sẽ màu nhiệm như mặc áo. Người ấy làm y như lời, và từ đấy những cuộc ăn vụng cỗ bàn các nhà lại tiếp tục. Chẳng may một hôm bị chủ nhà nọ hắt phải chén nước vào lưng do đó tro bị trôi mất, lộ ra hai mông đít. Cho là ma quỷ hiện hình, chủ nhân cầm gậy nện vào mông làm cho anh chàng chết ngất[4].
Người Ma-rốc (Maroc) có truyện Đứa con người thợ vá giày cũng có nhân vật tàng hình, nhưng nội dung lại khác nữa:
Một anh chàng con của một người thợ vá giày tương tư một nàng công chúa đến phát ốm. Người bố vốn có phép làm cho người ta trở nên vô hình, bèn vẽ lên trán con một đạo bùa. Anh chàng đường hoàng đi vào chốn cấm cung của công chúa mà không một ai biết cả. Khi công chúa ăn, anh cũng ăn cùng một đĩa. Đĩa thức ăn thừa đưa ra khỏi buồng có hai chỗ khuyết tố cáo không phải một người ăn. Thấy thế, vua giận lắm, chạy vào buồng công chúa nhưng ngoài con ra không thấy một ai. Bèn cho gọi một pháp sư Do-thái đến tìm cách trừ hộ. Ông này không làm phù phép gì cả, chỉ sai đốt một đống lửa to trong buồng công chúa. Nóng quá, anh chàng mô hôi nhễ nhại, trong một lúc anh đưa tay lên trán quệt mồ hôi, làm cho đạo bùa biến mất. Việc gian của anh vì thế bị bại lộ. Tuy vậy về sau anh cũng được vua đem công chúa gả cho[5].
Trong Nghìn lẻ một đêm có truyện Người điên thứ ba cũng tương tự với truyện vừa kể:
Một nhà thông thái dùng một thứ bột thần bôi lên mi mắt một chàng trẻ tuổi giúp anh ta tàng hình để đi vào buồng công chúa. Những hành động của hắn làm cho người ta tưởng là ma quỷ. Một bà già hầu hạ trong cung bèn đốt cứt lạc đà trong buồng để đuổi tà ma. Không chịu được khói, hắn lấy tay dụi mắt, vô tình chùi mất thứ bột mầu nhiệm nên lộ nguyên hình.
[1] Theo lời kể của người Thái-nguyên.
[2] Theo Thần tích xã Thế-lộc và BEFEO, X, q . 4 (1910).
[3] Theo lời kể của đồng bào Tày ở Cao-bằng và theo Hoàng Quyết, sách đã dẫn.
[4] Theo lời kể của người Sơn-tây.
[5] Theo Mô-ha-mét En Pha-si (Mohamed El Fasi) và Đéc-men-ghem (Dermenghem). Truyện cổ tích Pha-dit (Ma-rốc).