Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Hai nàng công chúa nhà Trần

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Vào thời nhà Trần có một ông vua sinh được năm nàng công chúa, trong đó có hai nàng xinh đẹp: một người tên là Bảo Nương, một người tên là Ngọc Nương. Năm hai nàng đến tuổi lấy chồng, vua cha toan hạ chiếu kén rể nhưng cả hai đều từ chối. Họ chỉ thích đi xem núi sông cảnh vật trong nước. Họ tâu với vua cha trong một buổi vấn an: – “Thưa phụ hoàng! Phong cảnh nước nhà thật muôn phần cẩm tú. Chúng con chưa muốn lấy chồng. Chúng con chỉ xin phép phụ hoàng đi chơi một chuyến để xem cho thỏa thích”.

Vua Trần không biết làm sao can ngăn được, đành phải chiều ý hai con. Họ cải trang thành hai gã con trai, mang theo một số người hầu hạ, và từ đấy, đoàn du hành không quản gió sương, đi khắp mọi nơi trong nước, đặt dấu chân ở nhiều danh lam thắng cảnh.

Vào hồi đó, có giặc Nguyên sang cướp nước ta. Quân của chúng rất hung ác, đi đến đâu thì cướp bóc tàn phá đến đấy. Dưới tay chúng, những đình đài miếu mạo cũng như nhà cửa dân cư đều lâm kiếp tro bụi. Nhà vua phái bao nhiêu quân đội đến biên thùy nhưng không sao ngăn được bước tiến của chúng. Chẳng bao lâu, chúng đã chia nhau chiếm khắp đầu gò cuối bãi một vùng hữu ngạn sông Thương, đóng đồn la liệt, để rồi hãm hiếp, chém giết, đốt phá không còn kiêng nể gì.

Bấy giờ, hai nàng công chúa đang ở bên tả ngạn sông Thương. Vì vùng Đa-mỗi có nhiều phong cảnh đẹp, nên hai chị em sai làm nhà trên bờ sông để tiện trú chân ngắm cảnh. Thấy đất nước và dân cư bị tàn phá vì lũ giặc hung hãn, hai nàng xiết bao căm tức. Họ bèn bàn với nhau cho người về xin phép vua cha một phen liều mình diệt giặc.

Cầm đầu lũ giặc lúc đó ở vùng Bắc Giang có hai tên tướng tiên phong. Chúng lăm le vượt sông tiến nhanh về phía Kẻ Chợ. Hai nàng bí mật bàn với các phụ lão làng Đa-mỗi giúp cho mình thực hiện được mưu kế.

Thấy họ quả quyết, các phụ lão đành vâng lời. Hai nàng bèn trang điểm rất đẹp, giả làm hai cô gái bán hàng ở chợ ben sông, cố làm cho giặc ở bên kia trông thấy. Quả nhiên, hai tên tướng giặc vừa nhác thấy bóng hồng thì tâm thần mê mẩn, chúng liền rút lệnh tiễn cho quân hầu sang sông, truyền lệnh cho lang Đa-mỗi phải đưa sang dâng nạp hai người con gái đó, nếu kháng cự thì dân làng sẽ không thoát được cái vạ “làm cỏ” một khi quân “thiên triều” sang sông. Hai nàng bảo chúng:

– Chị em chúng tôi vẫn có lòng chờ hai tướng quân. Nhưng chúng tôi vốn là con vua cháu chúa cũng biết chút lễ nghĩa. Nếu hai tướng quân có lòng thương thì cho sang đây hai chiếc thuyền hoa, chọn ngày lành tháng tốt, đón về tử tế. Nếu tính chuyện “cẩu hợp” thì chị em chúng tôi thà nhảy xuống sông phó cho dòng nước, chứ không chịu để nhơ nhuốc tấm thân.

Quân hầu trở về tin lại. Hai tên tướng giặc bèn sai lấy hai chiếc thuyền, trang sức đẹp đẽ, cho mười quân hầu và thị nữ mang vàng bạc chèo sang đón về. Thấy chúng đến, hai nàng đón tiếp rất tử tế, sai dọn cỗ bàn mời chúng ăn. Trong khi đó, có mấy người thợ mộc đã cắt đặt sẵn, kín đáo lôi thuyền lên bãi dùng khoan đục mỗi thuyền chừng vài chục lỗ nhưng chú ý đút nút kín lại, rồi đưa xuống nước như cũ. Sau khi phái mấy người thân tín phi ngựa về Kẻ Chợ báo tin cho quân triều, hẹn ngày tiến quân, đồng thời gửi lời vĩnh biệt của mình tới hoàng hậu, vua cha và anh chị em hoàng thân quốc thích, hai nàng quay ra bảo mấy tên quân hầu của giặc:

– Các người về bẩm với hai tướng rằng chị em chúng tôi đã chọn được ngày lành tháng tốt, đúng giờ thân sẽ xin xuống thuyền sang sông. Nhưng hai chị em chúng tôi phải lên chỗ muôn tên nghìn giáo thì rất sợ hãi, chỉ mong hai tướng quân cùng đi thuyền đến làm lễ hợp cẩn ngay trên thuyền hoa này.

Đúng ngày hẹn, hai nàng công chúa xuống thuyền. Sắp sang bên kia sông, hai nàng nhất định bắt quân hầu cắm lại để đợi. Quả nhiên, hai tướng giặc chờ không được phải thân hành đi thuyền đến. Trông thấy hai nàng xinh đẹp, bọn chúng hết sức thèm muốn. Cho nên sau chén rượu hợp cẩn, chúng đã ra lệnh cho bao nhiêu thuyền khác lui ra xa.

Giữa lúc hai tên tướng giặc đang say sưa vì rượu nồng gái đẹp thì những chàng trai làng Đa-mỗi đã ước hẹn sẵn, lặn ra giữa sông, lần đến dưới đáy hai chiếc thuyền hoa, tháo tất cả những cái nút to nhỏ ra. Nước chảy mạnh vào thuyền và không mấy chốc đưa tất cả xuống thủy phủ.

Bấy giờ quân triều đình đã bí mật kéo tới rất đông. Khi được người Đa-mỗi kể lại tin đó, họ vượt sông ba mặt tiến đến đánh úp. Bọn giặc không tướng như rắn mất đầu nên tan vỡ rất chóng. Cuối cùng, quân ta đã tiêu diệt được cả một cánh tiên phong địch, chặn được bước tiến của chúng, nhờ đó đủ thì giờ cho vua quan và tướng sĩ rút lui khỏi kinh thành.

Về sau, đến ngày đại quân của nhà vua đuổi giặc ra ngoài bờ cõi, người ra nhớ đến công lao hai nàng công chúa Bảo Nương và Ngọc Nương nên dựng đền tại nhà của họ ở Đa-mỗi để thờ.[1]

[1] Theo Thần tích làng Đa-mỗi, và Trịnh Như Tấu. Bắc giang địa chí.

Vào thời nhà Trần có một ông vua sinh được năm nàng công chúa, trong đó có hai nàng xinh đẹp: một người tên là Bảo Nương, một người tên là Ngọc Nương. Năm hai nàng đến tuổi lấy chồng, vua cha toan hạ chiếu kén rể nhưng cả hai đều từ chối. Họ chỉ thích đi xem núi sông cảnh vật trong nước. Họ tâu với vua cha trong một buổi vấn an: – “Thưa phụ hoàng! Phong cảnh nước nhà thật muôn phần cẩm tú. Chúng con chưa muốn lấy chồng. Chúng con chỉ xin phép phụ hoàng đi chơi một chuyến để xem cho thỏa thích”.

Vua Trần không biết làm sao can ngăn được, đành phải chiều ý hai con. Họ cải trang thành hai gã con trai, mang theo một số người hầu hạ, và từ đấy, đoàn du hành không quản gió sương, đi khắp mọi nơi trong nước, đặt dấu chân ở nhiều danh lam thắng cảnh.

Vào hồi đó, có giặc Nguyên sang cướp nước ta. Quân của chúng rất hung ác, đi đến đâu thì cướp bóc tàn phá đến đấy. Dưới tay chúng, những đình đài miếu mạo cũng như nhà cửa dân cư đều lâm kiếp tro bụi. Nhà vua phái bao nhiêu quân đội đến biên thùy nhưng không sao ngăn được bước tiến của chúng. Chẳng bao lâu, chúng đã chia nhau chiếm khắp đầu gò cuối bãi một vùng hữu ngạn sông Thương, đóng đồn la liệt, để rồi hãm hiếp, chém giết, đốt phá không còn kiêng nể gì.

Bấy giờ, hai nàng công chúa đang ở bên tả ngạn sông Thương. Vì vùng Đa-mỗi có nhiều phong cảnh đẹp, nên hai chị em sai làm nhà trên bờ sông để tiện trú chân ngắm cảnh. Thấy đất nước và dân cư bị tàn phá vì lũ giặc hung hãn, hai nàng xiết bao căm tức. Họ bèn bàn với nhau cho người về xin phép vua cha một phen liều mình diệt giặc.

Cầm đầu lũ giặc lúc đó ở vùng Bắc Giang có hai tên tướng tiên phong. Chúng lăm le vượt sông tiến nhanh về phía Kẻ Chợ. Hai nàng bí mật bàn với các phụ lão làng Đa-mỗi giúp cho mình thực hiện được mưu kế.

Thấy họ quả quyết, các phụ lão đành vâng lời. Hai nàng bèn trang điểm rất đẹp, giả làm hai cô gái bán hàng ở chợ ben sông, cố làm cho giặc ở bên kia trông thấy. Quả nhiên, hai tên tướng giặc vừa nhác thấy bóng hồng thì tâm thần mê mẩn, chúng liền rút lệnh tiễn cho quân hầu sang sông, truyền lệnh cho lang Đa-mỗi phải đưa sang dâng nạp hai người con gái đó, nếu kháng cự thì dân làng sẽ không thoát được cái vạ “làm cỏ” một khi quân “thiên triều” sang sông. Hai nàng bảo chúng:

– Chị em chúng tôi vẫn có lòng chờ hai tướng quân. Nhưng chúng tôi vốn là con vua cháu chúa cũng biết chút lễ nghĩa. Nếu hai tướng quân có lòng thương thì cho sang đây hai chiếc thuyền hoa, chọn ngày lành tháng tốt, đón về tử tế. Nếu tính chuyện “cẩu hợp” thì chị em chúng tôi thà nhảy xuống sông phó cho dòng nước, chứ không chịu để nhơ nhuốc tấm thân.

Quân hầu trở về tin lại. Hai tên tướng giặc bèn sai lấy hai chiếc thuyền, trang sức đẹp đẽ, cho mười quân hầu và thị nữ mang vàng bạc chèo sang đón về. Thấy chúng đến, hai nàng đón tiếp rất tử tế, sai dọn cỗ bàn mời chúng ăn. Trong khi đó, có mấy người thợ mộc đã cắt đặt sẵn, kín đáo lôi thuyền lên bãi dùng khoan đục mỗi thuyền chừng vài chục lỗ nhưng chú ý đút nút kín lại, rồi đưa xuống nước như cũ. Sau khi phái mấy người thân tín phi ngựa về Kẻ Chợ báo tin cho quân triều, hẹn ngày tiến quân, đồng thời gửi lời vĩnh biệt của mình tới hoàng hậu, vua cha và anh chị em hoàng thân quốc thích, hai nàng quay ra bảo mấy tên quân hầu của giặc:

– Các người về bẩm với hai tướng rằng chị em chúng tôi đã chọn được ngày lành tháng tốt, đúng giờ thân sẽ xin xuống thuyền sang sông. Nhưng hai chị em chúng tôi phải lên chỗ muôn tên nghìn giáo thì rất sợ hãi, chỉ mong hai tướng quân cùng đi thuyền đến làm lễ hợp cẩn ngay trên thuyền hoa này.

Đúng ngày hẹn, hai nàng công chúa xuống thuyền. Sắp sang bên kia sông, hai nàng nhất định bắt quân hầu cắm lại để đợi. Quả nhiên, hai tướng giặc chờ không được phải thân hành đi thuyền đến. Trông thấy hai nàng xinh đẹp, bọn chúng hết sức thèm muốn. Cho nên sau chén rượu hợp cẩn, chúng đã ra lệnh cho bao nhiêu thuyền khác lui ra xa.

Giữa lúc hai tên tướng giặc đang say sưa vì rượu nồng gái đẹp thì những chàng trai làng Đa-mỗi đã ước hẹn sẵn, lặn ra giữa sông, lần đến dưới đáy hai chiếc thuyền hoa, tháo tất cả những cái nút to nhỏ ra. Nước chảy mạnh vào thuyền và không mấy chốc đưa tất cả xuống thủy phủ.

Bấy giờ quân triều đình đã bí mật kéo tới rất đông. Khi được người Đa-mỗi kể lại tin đó, họ vượt sông ba mặt tiến đến đánh úp. Bọn giặc không tướng như rắn mất đầu nên tan vỡ rất chóng. Cuối cùng, quân ta đã tiêu diệt được cả một cánh tiên phong địch, chặn được bước tiến của chúng, nhờ đó đủ thì giờ cho vua quan và tướng sĩ rút lui khỏi kinh thành.

Về sau, đến ngày đại quân của nhà vua đuổi giặc ra ngoài bờ cõi, người ra nhớ đến công lao hai nàng công chúa Bảo Nương và Ngọc Nương nên dựng đền tại nhà của họ ở Đa-mỗi để thờ.[1]

[1] Theo Thần tích làng Đa-mỗi, và Trịnh Như Tấu. Bắc giang địa chí.

Chọn tập
Bình luận