Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Sự tích đình làng Đa Hòa

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Ngày xưa ở làng Đa-hòa có một ông thầy phù thủy cao tay, tên là Dọng. Không những ông có nhiều phép lạ mà còn có lòng thương người.

Từ lâu, ông được bầu làm hương trưởng, và được dân trong vùng kính phục.

Hồi ấy làng Đa-hòa gặp mấy năm hạn hán, mùa mất liên tiếp, dân tình cơ cực. Nhiều người phải đem vườn ruộng đi cầm đi bán. Nhưng giá gạo ngày một cao, ruộng ngày một hạ. Cuối cùng ruộng đất của dân đều vào tay mấy tên trọc phú. Thấy vậy, ông Dọng nghĩ cách để cứu giúp người nghèo. Ông bảo bọn nhà giàu:

– Thần thánh phù hộ cho các người, bao nhiêu ruộng nhà nghèo đều lấy về ban cho một số người có của. Đó là lộc thánh. Nhưng nếu không biết tạ ơn thì rồi có lúc sẽ bị thánh phạt đấy.

Biết ông là người có thể thông được với thần, bọn nhà giàu lo sợ, hỏi ông:

– Muốn tạ ơn thánh thì phải làm gì?

Ông Dọng đáp:

– Làng ta vốn không có đình. Thánh ngự về không có cái mà ở. Vậy phải mau mau dựng một cái đình.

– Dựng đình tốn kém lắm sao có thể làm nổi.

– Nhà giàu bỏ của, nhà nghèo bỏ công, mỗi người vun đắp một tý thì việc lớn không mấy chốc mà thành. Nếu được như vậy, tôi tuy bất tài cũng xin đứng ra đốc công.

Bọn nhà giàu nghe lời ông. Chúng bèn họp làng quyết định dựng đình: những người có của thì quyên tiền, còn người nghèo thì gánh đất gánh cát. Ông Dọng thân hành thu góp tiền nong và làm người đôn đốc. Ông bảo bọn trọc phú:

– Thần thánh đều có con mắt, “sởi lởi trời gởi của cho, quăn co trời gò của lại”. Hằng tâm hằng sản ai bỏ nhiều thì được phúc nhiều.

Chúng nghe nói đều thi nhau quyên những món tiền lớn và góp lại trao cho ông. Nhưng thu được bao nhiêu ông phân phát cho dân đói bấy nhiêu. Ông bảo họ gánh đất đắp thành nền đình, xung quanh trồng bờ giậu cho kín, ở sân đình trồng các thứ cây cối kể cả các loại cây dây như cây bìm hìm, v.v… Đoạn, ông hẹn với bọn trọc phú ba tháng nữa đình sẽ hoàn thành. Bọn trọc phú thấy ông phân phát hết tiền thì sinh nghi, nhưng thấy ông nói cứng, thì lại nửa tin, nửa ngờ. Vả xưa nay ông chưa từng thất hẹn với ai, nên cũng không dám hỏi.

Thời gian trôi qua, nền đình đã đắp xong, tiền quyên góp đã nhiều, hạn cũng sắp hết mà chưa thấy động tĩnh gì cả. Thấy gỗ lạt không có một que, gạch ngói chẳng có nửa mảnh, bọn nhà giàu đến thúc ông Dọng. Ông chỉ đáp gọn lỏn: -“Đình khắc có đình! Ai sinh sinh sự sẽ sự sự sinh!”.

Một số phú thương ở làng bên cạnh là làng Vạn-phước trước đây cũng bỏ những số tiền lớn quyên vào công việc làm đình ở Đa-hòa để mong được thánh ban lộc, nay đợi mãi không thấy đình, chúng lấy làm nóng ruột, liền đến vặn ông Dọng:

– Chúng tao qua đây buôn bán thấy việc phúc đức, nên cũng vón tay vào để vo tròn quả phúc. Không ngờ mày “nhũng lạm” đi mất cả rồi, chỉ ngồi trơ thổ địa nói phét.

Nói rồi chúng xúm lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đánh ông sưng cả mặt mũi. Ông Dọng đáp:

– Đình khắc có đình! Nhưng đánh người là có tội, đánh bậc “cao niên” tội lại càng nặng. Kẻ nào đánh ta thì phải đền tội. Ta không nói chơi đâu!

Đoạn ông mang gậy nón đi sang làng Vạn-phước để bắt đền. Tới nơi, ông vào đình Vạn-phước, ngả gậy nón ngay ở gian giữa mà ngồi.

Rồi ông cởi áo giở chỗ bị đánh phân vua với những người dân Vạn-phước có mặt:

– Các ông các bà xem. Đánh người không phải là chuyện chơi. Bọn những tên Giáp tên Ất ở làng này vô cớ gây sự đánh ta. Kẻ nào sinh sinh sự thì sự sự sinh! Sẽ phải đền đình!

Nói thế rồi ông cứ ngồi ở giữa gian vót đũa và xe chỉ. Có ai hỏi làm thế để làm gì thì ông trả lời “đính nèo” (tức nói lái là néo đình).

Bọn lý hào làng Vạn-phước được bọn phú thương xúi giục, ra đình đuổi ông Dọng đi. Ông không đi, nói:

– Các ông phải trả lời cho tôi cái chuyện người làng này, những tên Giáp tên Ất, tự dưng vô cớ đánh tôi. Tôi được rửa nhục rồi thì sẽ đi ngay!

Chúng hỏi:

– Ông muốn rửa nhục thế nào?

– Kẻ nào đánh tôi thì phải làm đình để đền.

– Không làm đình thì sao?

– Không làm đình thì vay tạm đình này rồi sẽ đền sau.

Cho đòi hỏi của ông là vô lý nên chúng không chịu xử. Cuối cùng chúng lấy thế đông đến đuổi ông đi. Ông đợi cho họ tập hợp đông đủ, rồi mới thủng thỉnh nói:

– Bây giờ tôi sẽ cắm cái gậy này xuống trước sân đình. Nếu làng ta nhổ được gậy lên thì tôi xin đi ngay.

– Nếu không nhổ được thì sao?

– Thì mất đình.

Họ bảo “được”. Hai bên làm giấy ký kết.

Rồi đó, ông Dọng ung dung bước ra sân cầm cây gậy trúc của mình cắm phập xuống sân đình, và nói: – “Nhổ đi! Cho các người nhổ đi!”.

Vừa thấy thế, một tên hào cường trẻ tuổi xắp tay áo lên hùng hổ:

– Cần gì phải nhiều người mất công. Xin mời các quan viên hãy ngồi nghỉ, chỉ một mình tôi nhổ cũng đủ. Này này, lão già hãy trông đây, rồi có đường có nẻo cút ngay!

Và hắn chạy tới, dùng một bàn tay nắm lấy cây gậy để nhổ, nhưng không được. Sau đó, hắn lôi bằng cả hai tay, nhưng cũng không nổi. Sau, hắn ôm cả người vào rán sức lắc mà cũng không chuyển. Mồ hôi nhể nhại, hắn gọi những người xung quanh vào giúp sức. Ông Dọng nói:

– Ta thách tất cả bọn bất nhân chúng mày!

Mọi người liền xúm xít lại quanh tên hào cường, một người, hai người tới hàng chục người; nhưng lạ thay dù có đến hàng chục bàn tay, chiếc gậy vẫn không nhúc nhích. Bọn lý hào mệt nhoài. Chúng đánh mõ cho trai làng đổ ra buộc thừng mà kéo, song cũng chẳng ăn thua. Cuối cùng, chúng bàn buộc thừng vào cổ trâu, ra roi cho trâu kéo, tuy vậy chúng chỉ làm một công việc vô ích: mọi dây thừng đều đứt, còn gậy của ông vẫn vững như trời trồng.

Ông Dọng phá lên cười:

– Thế là thua cuộc rồi nhé!

Rồi ngoảnh mặt về phía dân, ông nói:

– Xin đồng dân nhớ cho, nếu làng ta có mất đình, chẳng phải tại tôi. Đó là do bọn tên Giáp tên Ất nó sinh sự sự sinh. Bắt chúng nó làm lại đình khác để đền!

Nửa đêm hôm ấy, trời bồng nổi phong ba, sẩm chớp đùng đùng, gió rít từng cơn rất dữ. Giữa lúc ấy người ta nghe xen vào những tiếng như tiếng kèn trống cùng những tiếng truyền lệnh của ông Dọng: – “Nâng lên!… Hạ xuống…Xích về bên trái…”. Đình làng Vạn-phước thốt nhiên bay bổng lên không trung cùng với cả những hòn đá tảng kê chân cột; đình vượt qua các lũy tre rồi tiến đến bờ sông lối sang làng Đa-hòa.

Ông Dọng đã đợi ở đấy từ lâu. Ông ngồi lên chiếc nón tu lờ bơi sang sông theo đình để điều khiển. Đình vượt qua sông là là mặt nước. Sau đó đình bay bổng về Đa-hòa rồi hạ xuống một cách êm thấm trên cái nền mới đắp. Lại có những tiếng hô của ông Dọng và tiếng ồn ào dội lên ở đây, được một chốc thì vắng lặng như tờ. Soát lại mọi chỗ, ông Dọng chỉ thấy có một viên đá tảng bị rơi lúc vượt sông, còn mọi thứ đều không hề suy suyển. Cuộc chuyển đình hoàn thành một cách chu đáo.

Sáng hôm sau, dân làng Vạn-phước nhìn đến đình thì thấy chỉ còn một cái nền trơ trọi. Họ đến nhà của mấy tên phú thương đòi đình.

Mấy tên này lo lắng, bèn họp bọn hào lý bắt đệ đơn lên quan tố cáo ông Dọng ăn trộm đình. Quan huyện đòi ông Dọng lên hỏi:

– Sao mày dùng phép ma thuật quỷ ăn trộm đình của người?

Ông Dọng làm bộ ngơ ngác. Quan lại nói:

– Làng Vạn-phước tố cáo mày ăn trộm đình về cho làng Đa-hòa. Có thế nào cứ thực tường khai để khỏi phải tra khảo.

– Bẩm quan, ông Dọng nói, chuyện bên nguyên đưa ra “thậm ư vô lý”. Vậy xin phép hỏi, đình mất từ bao lâu?

– Mới hôm kia chứ đâu?

Ông Dọng cười ha hả:

– Quan lớn nhân danh “dân chi phụ mẫu” phụ họa với bọn không đặt làm có, mà cũng nghe được.

Quan huyện đập bàn quát lên:

– Lính đâu, hãy đóng gông tên này lại cho ta.

Ông Dọng thong thả đáp:

– Xin quan lớn bớt cơn thịnh nộ cho kẻ hạ dân hỏi bên nguyên: Nền đình làng Vạn-phước có dấu tích gì để biết đình mất đã bao lâu?

Bọn lý hào Vạn-phước nói:

– Cải đã lên lá.

Ông Dọng cười:

– Bẩm quan, một bên mất đình chỉ nói cải vừa trổ lá, còn đình làng tôi thì bìm bìm đã mọc lên tận nóc. Xin mời quan về khám hư thực.

Quan về khám đình làng Đa-hòa thì quả thấy xung quanh đình, bờ giậu đã mọc xanh kín, ở sân đình cây cối um tùm: đặc biệt là dây bìm bìm đã leo lên tới nóc. Thấy vậy, quan đành xử cho ông thắng cuộc.

Bọn hào lý làng Vạn-phước chịu thua kiện, cắm cổ ra về. Sau đó, do dân làng buộc tội, mấy tên phú thương đã đánh ông Dọng ngày xưa tức là bọn tên Giáp tên Ất phải ngửa cổ đền cho làng Vạn-phước một cái đình khác.

Người ta nói đình làng Đa-hòa cho đến nay vẫn còn, một cột cái của nó vẫn để lơ lửng vì thiếu mất một hòn đá tảng lúc vượt sông.

KHẢO DỊ

Ở một số làng Bắc-bộ còn có nhiều truyện nói về trộm đình hoặc mượn đình bằng phép thuật. Chúng tôi kể ra dưới dây hai truyện:

  1. Mượn đình

Làng Yên-mỹ thuộc huyện Thanh-trì có một thầy phù thủy cao tay. Một hôm nghe dân làng phàn nàn sắp mở đám hội mùa xuân mà tiếc rằng làng nghèo không có đình để vào đám cho trọng thể, ông bảo họ: – “Tôi sẽ vì làng đi mượn một cái đình, rước xách xong lại trả cho người ta”. Dân làng hỏi: – “Mượn ở đâu?”. “Làng Trung-quan ở bên kia sông có ngôi đình đẹp, mượn cũng tiện”. -“Phí tổn thế nào?” – “Không tốn kém gì mấy. Chỉ xin chọn đất đắp cho một cái nền đình, và khi nào chuyển vận thì mỗi nhà nấu cho một nồi cháo đưa ra bày ở nền để khao âm binh”. Mọi người ưng thuận. Khi nền nắp xong, ông dặn: – “Hễ đêm nay nghe tiếng chó cắn xin mọi người ai nấy cứ ngủ kỹ, chớ có tò mò ra nhìn ngó gì mà hỏng việc”. Nửa đêm hôm ấy, người làng nghe tiếng chó cắn râm ran khắp nơi, qua đó nghe như có hàng ngàn quân đang tập hợp ở sân đình. Sau đó lại tản đi đâu mất cả. Được một chốc lại nghe rào rào như gió bão, rồi tiếp đến thấy im lặng như tờ.

Sáng dậy, dân làng ra xem quả thấy có một ngôi đình đồ sộ đặt trên nền cùng với cả hoành phi, câu đối và đá tảng. Dân làng Trung-quan thấy mất đình chia nhau đi tìm. Cuối cùng họ biết đình của mình đã sang bên làng Yên-mỹ, nhưng không biết lấy cớ gì để đòi. Dân Yên-mỹ mở hội bảy đêm ngày, mời các làng lân cận, trong đó có Trung-quan về dự rất vui vẻ, nhưng không một ai hé răng nói đến ngôi đình mới của mình. Sau khi đám hội kết thúc, thầy phù thủy lại dùng phép trả đình lại cho làng Trung-quan. Người của làng Yên-mỹ mang một con lợn và mấy cỗ xôi sang tạ lỗi: – “Làng chúng tôi không có đình, nếu nói thật là mượn đình, thì quý thôn chắc cũng chả cho mượn. Vậy đành phải mượn trộm trong mươi hôm. Nay xin trả lại đầy đủ chỉ giữ lại mười hòn đá tảng để làm kỷ vật, hết bao nhiêu tiền chúng tôi xin bồi thường”.

Về sau, khi làng Yên-mỹ có tiền dựng đình, vì đình quy mô nhỏ nên họ phải xén bớt những hòn đá tảng giữ lại nói trên cho vừa cỡ của cột[1].

  1. Giấu đình dưới giếng

Làng Mễ-trì, huyện Hoài-đức, một làng hai thôn chung nhau một cái đình. Một hôm dân hai thôn cãi nhau về việc cúng thần. Sáng ra, họ thấy đình đã mất, chỉ còn trơ lại cái nền. Thần ngự đồng lên bảo cho biết, vì hai thôn ganh tỵ nhau, nên đêm qua thần bốc đình bỏ xuống giấu ở một giếng gần đấy. Nay việc đã định rồi không cho đưa về nữa. Người ta ra giếng nhìn quả thấy lờ mờ có nóc đình ở dưới nước. Không thấy một ai bàn chuyện di chuyển. Nhưng sau đó mỗi lần cầu việc gì không được (như trời hạn cầu mưa chẳng hạn) dân làng lại ra sức tát giếng làm như cách đưa đình lên để dọa thần. Thần sợ nên hễ nước cạn hơi lộ cột ra, thần phải lật đật làm mưa cho họ thôi tát. Có lần tát lộ cả bốn cột rồi mà vẫn chưa thấy mưa, một người họ Ngô lội xuống giếng vào cung đánh chuông vang rền, nhưng hắn bị thần phạt. Vì thế từ đấy mỗi khi tát để cầu đảo, làng không cho những người họ Ngô xuống giếng.

Về sau hai thôn phải làm đình riêng, chỗ cũ gọi là bãi nền đình[2].

Người Quảng-nam có truyện Thầy Thím, là một dị bản của truyện Sự tích đình làng Đa-hòa kết hợp với một vài hình tượng trong truyện Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non (số 39, tập I).

Ở làng Trà-luông, huyện Thăng-bình, có hai vợ chồng một đạo sĩ tên là Lánh. Họ dần dần nổi tiếng về những phù phép màu nhiệm, nên dân gọi chung là Thày, vợ là Thím gọi chung là Thày Thím. Thấy đình làng hư nát, một hôm Thày Thím tới gặp các ông hương chức tự nguyện cất cho một đình khác đẹp hơn. Làng tưởng họ nói chơi, cũng vui miệng trả lời ưng thuận. Thầy Thím bảo người dỡ cái đình cũ và đắp đất đổ lại nền sẵn sàng.

Một đêm nọ tự nhiên giông bão nổi lên ầm ầm. Dân làng nghe xa xa có tiếng Thầy Thím hò hét thúc giục, rồi tiếng đục đẽo, tiếng búa gõ ình ình.

Sáng ra đã thấy một cái đình rất đẹp. Làng bên cạnh mất đình, cho người đi dò la thấy đình làng Trà-luông giống với đình mình, bèn đi kiện. Thầy Thím lấy trộm không gọn. Chứng cớ không thể chối cãi được là trên vách tường ngôi đình này còn có vết dây trầu leo mà lại không có gốc. Bọn hương chức Trà-luông đổ vạ cho Thầy Thím. Hai vợ chồng liền bị hắt và cuối cùng bị kết án tử hình.

Trước khi bị chém, Thày Thím xin phép quan cho mình truyền lại một vật báu. Bèn sai người mang đến một tấm lụa và bút mực. Họ vẽ lên lụa một con rồng. Khi vẽ xong, họ thắp hương, điểm nhãn, rồng vụt bay lên trời mang theo cả hai vợ chồng trước con mắt ngơ ngác của quan và lính.

Đến Nha-trang, họ xuống ở nhờ một bà già lên là Xổi. Một hôm Thầy Thím gửi cho bà một bọc vải đựng hạt đậu, treo lên xà nhà, và dặn bà đừng cho ai biết. Không ngờ sau đó đứa cháu bà Xổi nghe trong bọc có tiếng xì xào thì tò mò mở ra xem. Tự nhiên trong bọc có nhiều binh lính hiện ra cầm khí giới bao vây lấy nó, làm nó hoảng hốt kêu cứu om sòm (giống với tình tiết rấm lúa thành binh ở truyện số 39, tập I). May Thầy Thím kịp thời chạy đến hô thần chú cho binh lính rút vào bọc nên không việc gì.

Về sau Thầy Thím chết, quan trên không trị được họ lúc sống, nên báo thù lúc chết bằng cách dùng xiềng sắt xiềng mồ lại. Nhưng đêm đến có voi rừng về phá tan xiềng. Về sau vua phải phong cho chồng là Chí Đức Đại vương, vợ là Chí Đức nương nương[3].

[1] Theo lời kể của người Hà- đông.

[2] Theo lời kể của người làng Mễ-trì.

[3] Theo Sơn Nam. Chuyện xưa tích cũ, tập I, và theo Xa-lê (Sallet) trong tạp chí Viễn Á số 5 (1925). Lê Thanh Thái kể đoạn cưỡi rồng có hơi khác, như sau:

Thầy Thím từ miền ngoài vào ở làng Tam-tân (Phan-thiết) làm nghề thợ rừng kiêm thầy thuốc. Do chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo nên tiếng đồn khắp nơi, đến tai một lão Tây coi đèn ở đây. Linh cảm là không yên, Thầy sai Thím mua một tấm vải điều về vẽ một con rồng nhưng chưa điểm nhãn đã cuốn lại cất đi.

Ít lâu sau, lão Tây đèn và lính tới bắt. Thầy xin phép vẽ nốt mắt rồng để treo bàn thờ tổ đã. Đoạn Thầy trải vải ra sân điểm mắt bên tả xong, bảo vợ bước vào mài thêm mực. Điểm vừa xong mắt bên hữu, thì rồng tự dưng quẫy đuôi bay lên trời, mang theo cả hai vợ chồng, làm cho lão Tây đèn và lính đứng ngây (Bách khoa, số 385).

Ngày xưa ở làng Đa-hòa có một ông thầy phù thủy cao tay, tên là Dọng. Không những ông có nhiều phép lạ mà còn có lòng thương người.

Từ lâu, ông được bầu làm hương trưởng, và được dân trong vùng kính phục.

Hồi ấy làng Đa-hòa gặp mấy năm hạn hán, mùa mất liên tiếp, dân tình cơ cực. Nhiều người phải đem vườn ruộng đi cầm đi bán. Nhưng giá gạo ngày một cao, ruộng ngày một hạ. Cuối cùng ruộng đất của dân đều vào tay mấy tên trọc phú. Thấy vậy, ông Dọng nghĩ cách để cứu giúp người nghèo. Ông bảo bọn nhà giàu:

– Thần thánh phù hộ cho các người, bao nhiêu ruộng nhà nghèo đều lấy về ban cho một số người có của. Đó là lộc thánh. Nhưng nếu không biết tạ ơn thì rồi có lúc sẽ bị thánh phạt đấy.

Biết ông là người có thể thông được với thần, bọn nhà giàu lo sợ, hỏi ông:

– Muốn tạ ơn thánh thì phải làm gì?

Ông Dọng đáp:

– Làng ta vốn không có đình. Thánh ngự về không có cái mà ở. Vậy phải mau mau dựng một cái đình.

– Dựng đình tốn kém lắm sao có thể làm nổi.

– Nhà giàu bỏ của, nhà nghèo bỏ công, mỗi người vun đắp một tý thì việc lớn không mấy chốc mà thành. Nếu được như vậy, tôi tuy bất tài cũng xin đứng ra đốc công.

Bọn nhà giàu nghe lời ông. Chúng bèn họp làng quyết định dựng đình: những người có của thì quyên tiền, còn người nghèo thì gánh đất gánh cát. Ông Dọng thân hành thu góp tiền nong và làm người đôn đốc. Ông bảo bọn trọc phú:

– Thần thánh đều có con mắt, “sởi lởi trời gởi của cho, quăn co trời gò của lại”. Hằng tâm hằng sản ai bỏ nhiều thì được phúc nhiều.

Chúng nghe nói đều thi nhau quyên những món tiền lớn và góp lại trao cho ông. Nhưng thu được bao nhiêu ông phân phát cho dân đói bấy nhiêu. Ông bảo họ gánh đất đắp thành nền đình, xung quanh trồng bờ giậu cho kín, ở sân đình trồng các thứ cây cối kể cả các loại cây dây như cây bìm hìm, v.v… Đoạn, ông hẹn với bọn trọc phú ba tháng nữa đình sẽ hoàn thành. Bọn trọc phú thấy ông phân phát hết tiền thì sinh nghi, nhưng thấy ông nói cứng, thì lại nửa tin, nửa ngờ. Vả xưa nay ông chưa từng thất hẹn với ai, nên cũng không dám hỏi.

Thời gian trôi qua, nền đình đã đắp xong, tiền quyên góp đã nhiều, hạn cũng sắp hết mà chưa thấy động tĩnh gì cả. Thấy gỗ lạt không có một que, gạch ngói chẳng có nửa mảnh, bọn nhà giàu đến thúc ông Dọng. Ông chỉ đáp gọn lỏn: -“Đình khắc có đình! Ai sinh sinh sự sẽ sự sự sinh!”.

Một số phú thương ở làng bên cạnh là làng Vạn-phước trước đây cũng bỏ những số tiền lớn quyên vào công việc làm đình ở Đa-hòa để mong được thánh ban lộc, nay đợi mãi không thấy đình, chúng lấy làm nóng ruột, liền đến vặn ông Dọng:

– Chúng tao qua đây buôn bán thấy việc phúc đức, nên cũng vón tay vào để vo tròn quả phúc. Không ngờ mày “nhũng lạm” đi mất cả rồi, chỉ ngồi trơ thổ địa nói phét.

Nói rồi chúng xúm lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đánh ông sưng cả mặt mũi. Ông Dọng đáp:

– Đình khắc có đình! Nhưng đánh người là có tội, đánh bậc “cao niên” tội lại càng nặng. Kẻ nào đánh ta thì phải đền tội. Ta không nói chơi đâu!

Đoạn ông mang gậy nón đi sang làng Vạn-phước để bắt đền. Tới nơi, ông vào đình Vạn-phước, ngả gậy nón ngay ở gian giữa mà ngồi.

Rồi ông cởi áo giở chỗ bị đánh phân vua với những người dân Vạn-phước có mặt:

– Các ông các bà xem. Đánh người không phải là chuyện chơi. Bọn những tên Giáp tên Ất ở làng này vô cớ gây sự đánh ta. Kẻ nào sinh sinh sự thì sự sự sinh! Sẽ phải đền đình!

Nói thế rồi ông cứ ngồi ở giữa gian vót đũa và xe chỉ. Có ai hỏi làm thế để làm gì thì ông trả lời “đính nèo” (tức nói lái là néo đình).

Bọn lý hào làng Vạn-phước được bọn phú thương xúi giục, ra đình đuổi ông Dọng đi. Ông không đi, nói:

– Các ông phải trả lời cho tôi cái chuyện người làng này, những tên Giáp tên Ất, tự dưng vô cớ đánh tôi. Tôi được rửa nhục rồi thì sẽ đi ngay!

Chúng hỏi:

– Ông muốn rửa nhục thế nào?

– Kẻ nào đánh tôi thì phải làm đình để đền.

– Không làm đình thì sao?

– Không làm đình thì vay tạm đình này rồi sẽ đền sau.

Cho đòi hỏi của ông là vô lý nên chúng không chịu xử. Cuối cùng chúng lấy thế đông đến đuổi ông đi. Ông đợi cho họ tập hợp đông đủ, rồi mới thủng thỉnh nói:

– Bây giờ tôi sẽ cắm cái gậy này xuống trước sân đình. Nếu làng ta nhổ được gậy lên thì tôi xin đi ngay.

– Nếu không nhổ được thì sao?

– Thì mất đình.

Họ bảo “được”. Hai bên làm giấy ký kết.

Rồi đó, ông Dọng ung dung bước ra sân cầm cây gậy trúc của mình cắm phập xuống sân đình, và nói: – “Nhổ đi! Cho các người nhổ đi!”.

Vừa thấy thế, một tên hào cường trẻ tuổi xắp tay áo lên hùng hổ:

– Cần gì phải nhiều người mất công. Xin mời các quan viên hãy ngồi nghỉ, chỉ một mình tôi nhổ cũng đủ. Này này, lão già hãy trông đây, rồi có đường có nẻo cút ngay!

Và hắn chạy tới, dùng một bàn tay nắm lấy cây gậy để nhổ, nhưng không được. Sau đó, hắn lôi bằng cả hai tay, nhưng cũng không nổi. Sau, hắn ôm cả người vào rán sức lắc mà cũng không chuyển. Mồ hôi nhể nhại, hắn gọi những người xung quanh vào giúp sức. Ông Dọng nói:

– Ta thách tất cả bọn bất nhân chúng mày!

Mọi người liền xúm xít lại quanh tên hào cường, một người, hai người tới hàng chục người; nhưng lạ thay dù có đến hàng chục bàn tay, chiếc gậy vẫn không nhúc nhích. Bọn lý hào mệt nhoài. Chúng đánh mõ cho trai làng đổ ra buộc thừng mà kéo, song cũng chẳng ăn thua. Cuối cùng, chúng bàn buộc thừng vào cổ trâu, ra roi cho trâu kéo, tuy vậy chúng chỉ làm một công việc vô ích: mọi dây thừng đều đứt, còn gậy của ông vẫn vững như trời trồng.

Ông Dọng phá lên cười:

– Thế là thua cuộc rồi nhé!

Rồi ngoảnh mặt về phía dân, ông nói:

– Xin đồng dân nhớ cho, nếu làng ta có mất đình, chẳng phải tại tôi. Đó là do bọn tên Giáp tên Ất nó sinh sự sự sinh. Bắt chúng nó làm lại đình khác để đền!

Nửa đêm hôm ấy, trời bồng nổi phong ba, sẩm chớp đùng đùng, gió rít từng cơn rất dữ. Giữa lúc ấy người ta nghe xen vào những tiếng như tiếng kèn trống cùng những tiếng truyền lệnh của ông Dọng: – “Nâng lên!… Hạ xuống…Xích về bên trái…”. Đình làng Vạn-phước thốt nhiên bay bổng lên không trung cùng với cả những hòn đá tảng kê chân cột; đình vượt qua các lũy tre rồi tiến đến bờ sông lối sang làng Đa-hòa.

Ông Dọng đã đợi ở đấy từ lâu. Ông ngồi lên chiếc nón tu lờ bơi sang sông theo đình để điều khiển. Đình vượt qua sông là là mặt nước. Sau đó đình bay bổng về Đa-hòa rồi hạ xuống một cách êm thấm trên cái nền mới đắp. Lại có những tiếng hô của ông Dọng và tiếng ồn ào dội lên ở đây, được một chốc thì vắng lặng như tờ. Soát lại mọi chỗ, ông Dọng chỉ thấy có một viên đá tảng bị rơi lúc vượt sông, còn mọi thứ đều không hề suy suyển. Cuộc chuyển đình hoàn thành một cách chu đáo.

Sáng hôm sau, dân làng Vạn-phước nhìn đến đình thì thấy chỉ còn một cái nền trơ trọi. Họ đến nhà của mấy tên phú thương đòi đình.

Mấy tên này lo lắng, bèn họp bọn hào lý bắt đệ đơn lên quan tố cáo ông Dọng ăn trộm đình. Quan huyện đòi ông Dọng lên hỏi:

– Sao mày dùng phép ma thuật quỷ ăn trộm đình của người?

Ông Dọng làm bộ ngơ ngác. Quan lại nói:

– Làng Vạn-phước tố cáo mày ăn trộm đình về cho làng Đa-hòa. Có thế nào cứ thực tường khai để khỏi phải tra khảo.

– Bẩm quan, ông Dọng nói, chuyện bên nguyên đưa ra “thậm ư vô lý”. Vậy xin phép hỏi, đình mất từ bao lâu?

– Mới hôm kia chứ đâu?

Ông Dọng cười ha hả:

– Quan lớn nhân danh “dân chi phụ mẫu” phụ họa với bọn không đặt làm có, mà cũng nghe được.

Quan huyện đập bàn quát lên:

– Lính đâu, hãy đóng gông tên này lại cho ta.

Ông Dọng thong thả đáp:

– Xin quan lớn bớt cơn thịnh nộ cho kẻ hạ dân hỏi bên nguyên: Nền đình làng Vạn-phước có dấu tích gì để biết đình mất đã bao lâu?

Bọn lý hào Vạn-phước nói:

– Cải đã lên lá.

Ông Dọng cười:

– Bẩm quan, một bên mất đình chỉ nói cải vừa trổ lá, còn đình làng tôi thì bìm bìm đã mọc lên tận nóc. Xin mời quan về khám hư thực.

Quan về khám đình làng Đa-hòa thì quả thấy xung quanh đình, bờ giậu đã mọc xanh kín, ở sân đình cây cối um tùm: đặc biệt là dây bìm bìm đã leo lên tới nóc. Thấy vậy, quan đành xử cho ông thắng cuộc.

Bọn hào lý làng Vạn-phước chịu thua kiện, cắm cổ ra về. Sau đó, do dân làng buộc tội, mấy tên phú thương đã đánh ông Dọng ngày xưa tức là bọn tên Giáp tên Ất phải ngửa cổ đền cho làng Vạn-phước một cái đình khác.

Người ta nói đình làng Đa-hòa cho đến nay vẫn còn, một cột cái của nó vẫn để lơ lửng vì thiếu mất một hòn đá tảng lúc vượt sông.

KHẢO DỊ

Ở một số làng Bắc-bộ còn có nhiều truyện nói về trộm đình hoặc mượn đình bằng phép thuật. Chúng tôi kể ra dưới dây hai truyện:

Làng Yên-mỹ thuộc huyện Thanh-trì có một thầy phù thủy cao tay. Một hôm nghe dân làng phàn nàn sắp mở đám hội mùa xuân mà tiếc rằng làng nghèo không có đình để vào đám cho trọng thể, ông bảo họ: – “Tôi sẽ vì làng đi mượn một cái đình, rước xách xong lại trả cho người ta”. Dân làng hỏi: – “Mượn ở đâu?”. “Làng Trung-quan ở bên kia sông có ngôi đình đẹp, mượn cũng tiện”. -“Phí tổn thế nào?” – “Không tốn kém gì mấy. Chỉ xin chọn đất đắp cho một cái nền đình, và khi nào chuyển vận thì mỗi nhà nấu cho một nồi cháo đưa ra bày ở nền để khao âm binh”. Mọi người ưng thuận. Khi nền nắp xong, ông dặn: – “Hễ đêm nay nghe tiếng chó cắn xin mọi người ai nấy cứ ngủ kỹ, chớ có tò mò ra nhìn ngó gì mà hỏng việc”. Nửa đêm hôm ấy, người làng nghe tiếng chó cắn râm ran khắp nơi, qua đó nghe như có hàng ngàn quân đang tập hợp ở sân đình. Sau đó lại tản đi đâu mất cả. Được một chốc lại nghe rào rào như gió bão, rồi tiếp đến thấy im lặng như tờ.

Sáng dậy, dân làng ra xem quả thấy có một ngôi đình đồ sộ đặt trên nền cùng với cả hoành phi, câu đối và đá tảng. Dân làng Trung-quan thấy mất đình chia nhau đi tìm. Cuối cùng họ biết đình của mình đã sang bên làng Yên-mỹ, nhưng không biết lấy cớ gì để đòi. Dân Yên-mỹ mở hội bảy đêm ngày, mời các làng lân cận, trong đó có Trung-quan về dự rất vui vẻ, nhưng không một ai hé răng nói đến ngôi đình mới của mình. Sau khi đám hội kết thúc, thầy phù thủy lại dùng phép trả đình lại cho làng Trung-quan. Người của làng Yên-mỹ mang một con lợn và mấy cỗ xôi sang tạ lỗi: – “Làng chúng tôi không có đình, nếu nói thật là mượn đình, thì quý thôn chắc cũng chả cho mượn. Vậy đành phải mượn trộm trong mươi hôm. Nay xin trả lại đầy đủ chỉ giữ lại mười hòn đá tảng để làm kỷ vật, hết bao nhiêu tiền chúng tôi xin bồi thường”.

Về sau, khi làng Yên-mỹ có tiền dựng đình, vì đình quy mô nhỏ nên họ phải xén bớt những hòn đá tảng giữ lại nói trên cho vừa cỡ của cột[1].

Làng Mễ-trì, huyện Hoài-đức, một làng hai thôn chung nhau một cái đình. Một hôm dân hai thôn cãi nhau về việc cúng thần. Sáng ra, họ thấy đình đã mất, chỉ còn trơ lại cái nền. Thần ngự đồng lên bảo cho biết, vì hai thôn ganh tỵ nhau, nên đêm qua thần bốc đình bỏ xuống giấu ở một giếng gần đấy. Nay việc đã định rồi không cho đưa về nữa. Người ta ra giếng nhìn quả thấy lờ mờ có nóc đình ở dưới nước. Không thấy một ai bàn chuyện di chuyển. Nhưng sau đó mỗi lần cầu việc gì không được (như trời hạn cầu mưa chẳng hạn) dân làng lại ra sức tát giếng làm như cách đưa đình lên để dọa thần. Thần sợ nên hễ nước cạn hơi lộ cột ra, thần phải lật đật làm mưa cho họ thôi tát. Có lần tát lộ cả bốn cột rồi mà vẫn chưa thấy mưa, một người họ Ngô lội xuống giếng vào cung đánh chuông vang rền, nhưng hắn bị thần phạt. Vì thế từ đấy mỗi khi tát để cầu đảo, làng không cho những người họ Ngô xuống giếng.

Về sau hai thôn phải làm đình riêng, chỗ cũ gọi là bãi nền đình[2].

Người Quảng-nam có truyện Thầy Thím, là một dị bản của truyện Sự tích đình làng Đa-hòa kết hợp với một vài hình tượng trong truyện Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non (số 39, tập I).

Ở làng Trà-luông, huyện Thăng-bình, có hai vợ chồng một đạo sĩ tên là Lánh. Họ dần dần nổi tiếng về những phù phép màu nhiệm, nên dân gọi chung là Thày, vợ là Thím gọi chung là Thày Thím. Thấy đình làng hư nát, một hôm Thày Thím tới gặp các ông hương chức tự nguyện cất cho một đình khác đẹp hơn. Làng tưởng họ nói chơi, cũng vui miệng trả lời ưng thuận. Thầy Thím bảo người dỡ cái đình cũ và đắp đất đổ lại nền sẵn sàng.

Một đêm nọ tự nhiên giông bão nổi lên ầm ầm. Dân làng nghe xa xa có tiếng Thầy Thím hò hét thúc giục, rồi tiếng đục đẽo, tiếng búa gõ ình ình.

Sáng ra đã thấy một cái đình rất đẹp. Làng bên cạnh mất đình, cho người đi dò la thấy đình làng Trà-luông giống với đình mình, bèn đi kiện. Thầy Thím lấy trộm không gọn. Chứng cớ không thể chối cãi được là trên vách tường ngôi đình này còn có vết dây trầu leo mà lại không có gốc. Bọn hương chức Trà-luông đổ vạ cho Thầy Thím. Hai vợ chồng liền bị hắt và cuối cùng bị kết án tử hình.

Trước khi bị chém, Thày Thím xin phép quan cho mình truyền lại một vật báu. Bèn sai người mang đến một tấm lụa và bút mực. Họ vẽ lên lụa một con rồng. Khi vẽ xong, họ thắp hương, điểm nhãn, rồng vụt bay lên trời mang theo cả hai vợ chồng trước con mắt ngơ ngác của quan và lính.

Đến Nha-trang, họ xuống ở nhờ một bà già lên là Xổi. Một hôm Thầy Thím gửi cho bà một bọc vải đựng hạt đậu, treo lên xà nhà, và dặn bà đừng cho ai biết. Không ngờ sau đó đứa cháu bà Xổi nghe trong bọc có tiếng xì xào thì tò mò mở ra xem. Tự nhiên trong bọc có nhiều binh lính hiện ra cầm khí giới bao vây lấy nó, làm nó hoảng hốt kêu cứu om sòm (giống với tình tiết rấm lúa thành binh ở truyện số 39, tập I). May Thầy Thím kịp thời chạy đến hô thần chú cho binh lính rút vào bọc nên không việc gì.

Về sau Thầy Thím chết, quan trên không trị được họ lúc sống, nên báo thù lúc chết bằng cách dùng xiềng sắt xiềng mồ lại. Nhưng đêm đến có voi rừng về phá tan xiềng. Về sau vua phải phong cho chồng là Chí Đức Đại vương, vợ là Chí Đức nương nương[3].

[1] Theo lời kể của người Hà- đông.

[2] Theo lời kể của người làng Mễ-trì.

[3] Theo Sơn Nam. Chuyện xưa tích cũ, tập I, và theo Xa-lê (Sallet) trong tạp chí Viễn Á số 5 (1925). Lê Thanh Thái kể đoạn cưỡi rồng có hơi khác, như sau:

Thầy Thím từ miền ngoài vào ở làng Tam-tân (Phan-thiết) làm nghề thợ rừng kiêm thầy thuốc. Do chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo nên tiếng đồn khắp nơi, đến tai một lão Tây coi đèn ở đây. Linh cảm là không yên, Thầy sai Thím mua một tấm vải điều về vẽ một con rồng nhưng chưa điểm nhãn đã cuốn lại cất đi.

Ít lâu sau, lão Tây đèn và lính tới bắt. Thầy xin phép vẽ nốt mắt rồng để treo bàn thờ tổ đã. Đoạn Thầy trải vải ra sân điểm mắt bên tả xong, bảo vợ bước vào mài thêm mực. Điểm vừa xong mắt bên hữu, thì rồng tự dưng quẫy đuôi bay lên trời, mang theo cả hai vợ chồng, làm cho lão Tây đèn và lính đứng ngây (Bách khoa, số 385).

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky