Ngày xưa, có hai cô cháu ở chung với nhau một nhà. Người cô già, chồng chết từ lâu. Đứa cháu còn bé chừng mười hai tuổi mồ côi cha mẹ. Nhà họ nghèo, chỉ có vài sào ruộng, không đủ sống. Cho nên cô cháu ngày ngày phải đi mò cua bắt ốc hoặc mót hái kiếm ăn. Mấy năm trời được mùa, hai cô cháu tuy không lấy gì làm đầy đủ nhưng cũng sống vui. Ngày ngày cháu theo cô xách giỏ ra đồng, miệng hát có vẻ thích chí.
Nhưng không may vụ hạ năm ấy mất mùa. Rồi tiếp đến vụ mùa nắng hạn nên cũng chẳng ăn thua gì. Trời không nắng lắm nhưng nhất định không mưa làm cho các ao hồ đều khô rông rốc. Ruộng nứt nẻ hết. Hai cô cháu cũng như những người nghèo khác đi mò cua bắt ốc ở các vùng cạn nước. Nhưng cua ốc bắt mãi cũng phải hết. Mà trong nhà thì gạo đã kiệt từ lâu. Biết tìm cái gì mà nuôi nhau đây. Người ta có sức khỏe lên rừng chặt củi về đổi lấy những cái ăn được mà sống qua ngày. Riêng hai cô cháu sức yếu đành chịu nằm nhà nhịn đói. Cái chết đang dọa nạt họ.
May sao, buổi sáng hôm ấy có người hàng xóm sang báo tin cho cô cháu biết là có mấy đám lúa ở làng bên cạnh đã bắt đầu gặt. Bà cô thấy mình yếu lắm rồi, đứng lên không vững nữa. Chỉ có cháu là hơi tỉnh. Anh chàng gắng ngồi lên. Một người láng giềng đem cho một bát canh rau. Cháu húp vào thấy khỏe cả người, vội đứng lên đi theo họ.
Họ đến vừa kịp buổi gặt. Nhưng người gặt thì ít mà người mót thì đông vô kể. Tất cả đều đói nhưng mót rất khỏe. Họ đánh liều sấn vào bứt lúa mặc kệ chủ ruộng cầm roi đánh không tiếc tay.
Mãi đến chiều, người cháu mới đem lúa về. Lèo tèo chỉ có một nắm bằng cái chổi xể. Nhưng anh chàng không ngại. Hắn đập, sảy, rang rồi bỏ vào cối giã. Chỉ một lúc sau hắn đã đổ vào nồi bắc lên bếp.
Khi nồi cháo bắt đầu sôi thì người cô bỗng trở mình và rên khừ khừ. Cháu lật đật vào lật chiếu thăm cô. Cô rên rỉ kêu đau bụng, bảo cháu đi xin cho mình một tí gừng. Cháu ngần ngại không muốn đi nhưng thấy cô có vẻ nguy kịch, vội đánh đường vào xóm. Sau khi cháu đi, người cô gắng dậy ngồi vào bếp đun lửa cho nồi cháo. Lúc cháo chín, cô bỏ muối vào nếm thử một hớp. Chất ngũ cốc vào bụng trôi đến đâu, thịt da như sống lại đến đấy. Thấy cháu vẫn chưa về, cô múc ra một bát để dành phần cho cháu rồi lại ngồi ăn. Loáng một cái, cô đã ăn hết phần của mình. Cô lại chõng nằm nhưng trong bụng vẫn thấy thèm. Thấy cháu vẫn chưa về, cô nghĩ: – “Thằng bé có lẽ được người ta cho ăn rồi nên mới lâu thế. Nếu hắn đói thì dù gừng được hay không cũng phải về sớm”. Nghĩ vậy, người cô lại lồm cồm dậy ăn xén vào cháo của cháu một tý. Cô đi ra ngoài cửa nhìn. Vẫn không thấy tăm dạng của cháu. -“Chắc nó được ăn rồi còn ngồi lại sưởi. Ta có thể ăn nốt đi cho nó”. Nghĩ thế, cô yên tâm lại húp thêm một hớp nữa vào phần của cháu.
Cho đến khi người cháu mang gừng về thì bát cháo chỉ còn một tý nước ở dưới đáy. Cháu hỏi cô. Cô không trả lời. Nhưng cháu cũng đoán được hết. Cháu ôm mặt khóc nức nở. Cháu giận cô, oán cô rồi rủa cô. Được một chốc, cháu bưng bát cháo lại chõng cô nằm, dí sát vào miệng và nói bằng một giọng cay chua:
– Đó còn ít nữa, hít nốt đi! Hít đi cô, hít cô…
Sáng hôm sau, mãi đến trưa vẫn chưa thấy cháu dậy, cô lại gần đưa tay sờ vào người cháu, thì ôi thôi người cháu đã lạnh toát từ bao giờ.
Từ đó trở đi vào khoảng trời khuya, người ta nghe có tiếng chim kêu não nùng trong không gian: “Hít cô! Hít cô!”. Tiếng chim kêu một điệu đều đều như nhắc nhở những ngày sống gian khổ của hai cô cháu[1].
KHẢO DỊ
Truyện này theo người Hà-tĩnh, Quảng-bình kể cũng tương tự, nhưng có một tình tiết hơi khác:
Ngày xưa có hai cô cháu nhà nghèo, sống chung với nhau. Một năm nọ đói kém lớn, người chết như rạ. Hai cô cháu hết gạo, sức yếu, đành ngồi nhà đợi chết. Giữa khi đó người cháu bỗng trông thấy một con chuột nhắt. Hắn bảo chuột: – “Thôi từ giã chuột nhé! Chúng tao chết đói đây!”. Chuột bảo: – “Gạo đang còn trong bồ sao đã chết vội thế!”. Người cháu chạy vào buồng vét mãi trong bồ gạo chỉ thấy còn có mỗi một hạt cuối cùng. Thấy hắn ném xuống đất, chuột bảo: – “Ngọc của trời đấy. Cứ giữ lấy rồi mỗi ngày đưa ra hít ba lần là đủ sống rồi!”.
Cháu bèn nhặt lấy, trân trọng đưa cho cô, kể chuyện vừa rồi và nói: – “May quá chúng ta sẽ sống, o[2] ạ”. Người cô cho là cháu mê hoảng nói càn không đề ý đến. Nhưng mấy ngày sau, trong khi cô cất bước không nổi thì cháu vẫn vui vẻ ca hát. Cô ngạc nhiên về sự mầu nhiệm của “hạt ngọc”. Từ đó hai cô cháu cứ đến bữa ăn là đem “hạt ngọc” mỗi người hít một tý, nhờ vậy họ kéo dài sự sống được vài mươi ngày.
Nhưng sau đó một hôm, trong khi hít, người cô buột tay để cho “hạt ngọc” chui tuột vào cổ họng của mình. Cô khạc mãi nhưng “hạt ngọc” vẫn không ra.
Cháu giục cô ho, giục cô nôn ọe rối rít. Nhưng tuy cô đã làm đủ mọi cách mà “hạt ngọc” vẫn không chịu vọt ra.
Và sau đó cháu chết hóa thành chim hít cô, luôn mồm nhắc mãi sự bất cẩn của người cô vô ý. Có người lại bảo cháu chết hóa thành chim o ho. Ngày nay con chim đó vẫn còn kêu những tiếng “O ho! O ho!” là tiếng cháu giục cô ho khạc cho ra hạt gạo.
Người Nghệ-an cũng có một truyện kể như trên nhưng thay cho hạt gạo là hạt đỗ. Và ở đây đáng lý người cô hít “hạt ngọc” tuột vào cổ họng, thì lại là cháu. Dĩ nhiên cháu sống mà cô thì chết. Sau đó, cháu thương cô, hễ đến mùa đậu có quả thì van lên rằng: “Cô hỡi, cô hời, về ăn cơm với đậu ương”[3].
Có người kể: cháu sau đó cũng chết hóa làm chim tu hú. Cho nên về sau đến mùa đỗ, loài chim tu hú có cái ăn thì nhớ đến cô, kêu lên:
Cô hố cô hố.
Lúa đã trổ,
Đỗ đã chín,
Bay về mà ăn![4]
Có lẽ đây cũng là một dị bản, nhưng người kể đã nhớ lẫn lộn và không được trọn vẹn.
Người Nùng cũng có một truyện ít nhiều giống với truyện của ta:
Có hai cô cháu ở với nhau. Cháu tên là Pít-tu. Gặp nạn đói, trong nhà hết gạo, cô và cháu theo người ta vào rừng đào củ mài. Mãi đến gần trưa mới tìm được một dây. Cô bảo cháu ngồi chờ cho mình đào. Cô đào mãi vẫn chưa thấy củ mà bụng thì đã mấy ngày chưa có miếng gì. Khi đào gần đến củ, cô cúi người xuống móc lên, không ngờ tuột tay đâm đầu xuống hố. Cháu chạy đến kéo cô lên, nhưng vì người bé, sức yếu, lại đói, kéo mãi không lên. Cô chết, Pít-tu sau đó được tiên làm cho hóa thành chim tu hú, luôn mồm kêu “a ơ!” (a: tiếng Nùng nghĩa là cô).
Truyện còn thêm tình tiết: chim tu hú bay vào tận cung điện, mổ vào mắt nhà vua là kẻ đã gây ra nạn đói[5]. Có lẽ tình tiết này là do các nhà sưu tập gần đây mới thêm vào.
[1] Theo báo Tràng-an.
[2] O: cô (tiếng Nghệ – Tĩnh).
[3] Theo Bản khai của thôn Hướng-dương.
[4] Theo Nguyễn Văn Ngọc. Truyện cổ nước Nam (B. Muông chim), quyển I.
[5] Theo Truyện cổ Việt-bắc.
Ngày xưa, có hai cô cháu ở chung với nhau một nhà. Người cô già, chồng chết từ lâu. Đứa cháu còn bé chừng mười hai tuổi mồ côi cha mẹ. Nhà họ nghèo, chỉ có vài sào ruộng, không đủ sống. Cho nên cô cháu ngày ngày phải đi mò cua bắt ốc hoặc mót hái kiếm ăn. Mấy năm trời được mùa, hai cô cháu tuy không lấy gì làm đầy đủ nhưng cũng sống vui. Ngày ngày cháu theo cô xách giỏ ra đồng, miệng hát có vẻ thích chí.
Nhưng không may vụ hạ năm ấy mất mùa. Rồi tiếp đến vụ mùa nắng hạn nên cũng chẳng ăn thua gì. Trời không nắng lắm nhưng nhất định không mưa làm cho các ao hồ đều khô rông rốc. Ruộng nứt nẻ hết. Hai cô cháu cũng như những người nghèo khác đi mò cua bắt ốc ở các vùng cạn nước. Nhưng cua ốc bắt mãi cũng phải hết. Mà trong nhà thì gạo đã kiệt từ lâu. Biết tìm cái gì mà nuôi nhau đây. Người ta có sức khỏe lên rừng chặt củi về đổi lấy những cái ăn được mà sống qua ngày. Riêng hai cô cháu sức yếu đành chịu nằm nhà nhịn đói. Cái chết đang dọa nạt họ.
May sao, buổi sáng hôm ấy có người hàng xóm sang báo tin cho cô cháu biết là có mấy đám lúa ở làng bên cạnh đã bắt đầu gặt. Bà cô thấy mình yếu lắm rồi, đứng lên không vững nữa. Chỉ có cháu là hơi tỉnh. Anh chàng gắng ngồi lên. Một người láng giềng đem cho một bát canh rau. Cháu húp vào thấy khỏe cả người, vội đứng lên đi theo họ.
Họ đến vừa kịp buổi gặt. Nhưng người gặt thì ít mà người mót thì đông vô kể. Tất cả đều đói nhưng mót rất khỏe. Họ đánh liều sấn vào bứt lúa mặc kệ chủ ruộng cầm roi đánh không tiếc tay.
Mãi đến chiều, người cháu mới đem lúa về. Lèo tèo chỉ có một nắm bằng cái chổi xể. Nhưng anh chàng không ngại. Hắn đập, sảy, rang rồi bỏ vào cối giã. Chỉ một lúc sau hắn đã đổ vào nồi bắc lên bếp.
Khi nồi cháo bắt đầu sôi thì người cô bỗng trở mình và rên khừ khừ. Cháu lật đật vào lật chiếu thăm cô. Cô rên rỉ kêu đau bụng, bảo cháu đi xin cho mình một tí gừng. Cháu ngần ngại không muốn đi nhưng thấy cô có vẻ nguy kịch, vội đánh đường vào xóm. Sau khi cháu đi, người cô gắng dậy ngồi vào bếp đun lửa cho nồi cháo. Lúc cháo chín, cô bỏ muối vào nếm thử một hớp. Chất ngũ cốc vào bụng trôi đến đâu, thịt da như sống lại đến đấy. Thấy cháu vẫn chưa về, cô múc ra một bát để dành phần cho cháu rồi lại ngồi ăn. Loáng một cái, cô đã ăn hết phần của mình. Cô lại chõng nằm nhưng trong bụng vẫn thấy thèm. Thấy cháu vẫn chưa về, cô nghĩ: – “Thằng bé có lẽ được người ta cho ăn rồi nên mới lâu thế. Nếu hắn đói thì dù gừng được hay không cũng phải về sớm”. Nghĩ vậy, người cô lại lồm cồm dậy ăn xén vào cháo của cháu một tý. Cô đi ra ngoài cửa nhìn. Vẫn không thấy tăm dạng của cháu. -“Chắc nó được ăn rồi còn ngồi lại sưởi. Ta có thể ăn nốt đi cho nó”. Nghĩ thế, cô yên tâm lại húp thêm một hớp nữa vào phần của cháu.
Cho đến khi người cháu mang gừng về thì bát cháo chỉ còn một tý nước ở dưới đáy. Cháu hỏi cô. Cô không trả lời. Nhưng cháu cũng đoán được hết. Cháu ôm mặt khóc nức nở. Cháu giận cô, oán cô rồi rủa cô. Được một chốc, cháu bưng bát cháo lại chõng cô nằm, dí sát vào miệng và nói bằng một giọng cay chua:
– Đó còn ít nữa, hít nốt đi! Hít đi cô, hít cô…
Sáng hôm sau, mãi đến trưa vẫn chưa thấy cháu dậy, cô lại gần đưa tay sờ vào người cháu, thì ôi thôi người cháu đã lạnh toát từ bao giờ.
Từ đó trở đi vào khoảng trời khuya, người ta nghe có tiếng chim kêu não nùng trong không gian: “Hít cô! Hít cô!”. Tiếng chim kêu một điệu đều đều như nhắc nhở những ngày sống gian khổ của hai cô cháu[1].
KHẢO DỊ
Truyện này theo người Hà-tĩnh, Quảng-bình kể cũng tương tự, nhưng có một tình tiết hơi khác:
Ngày xưa có hai cô cháu nhà nghèo, sống chung với nhau. Một năm nọ đói kém lớn, người chết như rạ. Hai cô cháu hết gạo, sức yếu, đành ngồi nhà đợi chết. Giữa khi đó người cháu bỗng trông thấy một con chuột nhắt. Hắn bảo chuột: – “Thôi từ giã chuột nhé! Chúng tao chết đói đây!”. Chuột bảo: – “Gạo đang còn trong bồ sao đã chết vội thế!”. Người cháu chạy vào buồng vét mãi trong bồ gạo chỉ thấy còn có mỗi một hạt cuối cùng. Thấy hắn ném xuống đất, chuột bảo: – “Ngọc của trời đấy. Cứ giữ lấy rồi mỗi ngày đưa ra hít ba lần là đủ sống rồi!”.
Cháu bèn nhặt lấy, trân trọng đưa cho cô, kể chuyện vừa rồi và nói: – “May quá chúng ta sẽ sống, o[2] ạ”. Người cô cho là cháu mê hoảng nói càn không đề ý đến. Nhưng mấy ngày sau, trong khi cô cất bước không nổi thì cháu vẫn vui vẻ ca hát. Cô ngạc nhiên về sự mầu nhiệm của “hạt ngọc”. Từ đó hai cô cháu cứ đến bữa ăn là đem “hạt ngọc” mỗi người hít một tý, nhờ vậy họ kéo dài sự sống được vài mươi ngày.
Nhưng sau đó một hôm, trong khi hít, người cô buột tay để cho “hạt ngọc” chui tuột vào cổ họng của mình. Cô khạc mãi nhưng “hạt ngọc” vẫn không ra.
Cháu giục cô ho, giục cô nôn ọe rối rít. Nhưng tuy cô đã làm đủ mọi cách mà “hạt ngọc” vẫn không chịu vọt ra.
Và sau đó cháu chết hóa thành chim hít cô, luôn mồm nhắc mãi sự bất cẩn của người cô vô ý. Có người lại bảo cháu chết hóa thành chim o ho. Ngày nay con chim đó vẫn còn kêu những tiếng “O ho! O ho!” là tiếng cháu giục cô ho khạc cho ra hạt gạo.
Người Nghệ-an cũng có một truyện kể như trên nhưng thay cho hạt gạo là hạt đỗ. Và ở đây đáng lý người cô hít “hạt ngọc” tuột vào cổ họng, thì lại là cháu. Dĩ nhiên cháu sống mà cô thì chết. Sau đó, cháu thương cô, hễ đến mùa đậu có quả thì van lên rằng: “Cô hỡi, cô hời, về ăn cơm với đậu ương”[3].
Có người kể: cháu sau đó cũng chết hóa làm chim tu hú. Cho nên về sau đến mùa đỗ, loài chim tu hú có cái ăn thì nhớ đến cô, kêu lên:
Cô hố cô hố.
Lúa đã trổ,
Đỗ đã chín,
Bay về mà ăn![4]
Có lẽ đây cũng là một dị bản, nhưng người kể đã nhớ lẫn lộn và không được trọn vẹn.
Người Nùng cũng có một truyện ít nhiều giống với truyện của ta:
Có hai cô cháu ở với nhau. Cháu tên là Pít-tu. Gặp nạn đói, trong nhà hết gạo, cô và cháu theo người ta vào rừng đào củ mài. Mãi đến gần trưa mới tìm được một dây. Cô bảo cháu ngồi chờ cho mình đào. Cô đào mãi vẫn chưa thấy củ mà bụng thì đã mấy ngày chưa có miếng gì. Khi đào gần đến củ, cô cúi người xuống móc lên, không ngờ tuột tay đâm đầu xuống hố. Cháu chạy đến kéo cô lên, nhưng vì người bé, sức yếu, lại đói, kéo mãi không lên. Cô chết, Pít-tu sau đó được tiên làm cho hóa thành chim tu hú, luôn mồm kêu “a ơ!” (a: tiếng Nùng nghĩa là cô).
Truyện còn thêm tình tiết: chim tu hú bay vào tận cung điện, mổ vào mắt nhà vua là kẻ đã gây ra nạn đói[5]. Có lẽ tình tiết này là do các nhà sưu tập gần đây mới thêm vào.
[1] Theo báo Tràng-an.
[2] O: cô (tiếng Nghệ – Tĩnh).
[3] Theo Bản khai của thôn Hướng-dương.
[4] Theo Nguyễn Văn Ngọc. Truyện cổ nước Nam (B. Muông chim), quyển I.
[5] Theo Truyện cổ Việt-bắc.