Ngày xưa có một anh chàng trẻ tuổi tên là Cuội. Từ thuở nhỏ, Cuội mồ côi cả cha lẫn mẹ phải đi ở với chú thím. Hắn ta là tay láu lỉnh, đặc biệt về môn lừa người thì rất thành thạo. Một lão trọc phú ở trong miền nghe tiếng đồn về Cuội tỏ vẻ không tin. Một hôm, hắn cho người gọi Cuội đến và bảo:
– Nghe nói mày lừa người giỏi lắm. Bây giờ tao ngồi ở đây, đố mày lừa tao cho tao ra ngoài cổng thì tao lập tức thưởng cho mày năm quan. Đấy có mọi người làm chứng đấy!
Cuội ta gãi đầu gãi tai đáp:
– Ông ngồi ở đây, lại có đề phòng sẵn thì làm sao mà lừa ông ra ngoài kia được. Nếu ông ra đứng ngoài cổng tôi mới có cách lừa được ông vào nhà.
Nghe nói thế, lão trọc phú chạy ra cổng. Nhưng khi đến nơi, Cuội đã vỗ tay reo:
– Đấy tôi đã lừa được ông ra cổng rồi!
Trọc phú bị tẽn vì thua cuộc đành phải y ước đem tiền cho Cuội.
Nhà chú thím Cuội có nuôi một con lợn béo. Một hôm nhân lúc mọi người đi vắng cả, Cuội gọi người hàng thịt đến nhà bán rẻ con lợn đó lấy tiền tiêu. Cuội chỉ dặn người ấy giấu kín cho mình và xin lại cái đuôi lợn sống. Hắn đã tìm ra được một mưu để nuốt trôi con lợn. Hắn đào một cái lỗ nhỏ ở đám đất gần chuồng lợn, cắm cái đuôi vào đó rồi nện đất rất chặt. Chờ lúc người thím đi làm về, hắn làm vẻ mặt hốt hoảng, nói:
– Thím ơi! Thật là số không may. Ông gì ấy ông bắt mất lợn nhà ta. Nó xuống âm phủ mất rồi.
Rồi Cuội dắt thím ra chuồng lợn, nói tiếp:
– Nó đã xuống cả hai chân sau rồi, chỉ còn cái đuôi, bây giờ thím hãy giữ lấy cái đuôi đừng cho nó xuống mà cũng đừng giật mạnh kẻo đứt mất là hỏng việc. Cháu sẽ lấy thuổng đào đất xung quanh, may chi bắt nó trở về.
Người thím nghe nói tưởng ông gì bắt lợn thật, vừa lo sợ vừa tiếc của, giục Cuội làm nhanh. Cuội lẳng lặng lấy thuổng đào đất. Đất bở ra cái đuôi không kéo tự nhiên rời khỏi mặt đất. Thấy thế hắn la to lên:
– Thôi! Thế là lợn xuống âm phủ mất rồi. Còn làm ăn gì được nữa.
Một hôm, Cuội cùng chú đi chợ. Cuội xách một cái thúng không. Đột nhiên. Cuội chạy lên trước bỏ quá chú một quãng rồi lấy thúng úp một bãi cứt trâu ở dọc đường. Khi người chú vừa đến nơi, Cuội khư khư giữ chịt lấy thúng, bảo:
– May quá! Cháu vừa úp được một con chim ngói to lắm! Nhưng nếu bây giờ thò tay vào bắt thì nó trượt mắt. Vậy chú mau mau về lấy tay lưới giăng chung quanh để bắt cho chắc. Con này mà đánh chén thì tuyệt!
Người chú vốn có máu tham, nghe hắn nói thế tưởng thật, vội vã trở về nhà lấy lưới đến giăng bốn bên thúng rất cẩn thận. Mọi người xúm lại xem rất đông. Nhưng khi Cuội giở thúng ra, ai nấy đều phì cười vì chỉ thấy một bãi cứt trâu, chả có chim đâu cả. Riêng người chú bị Cuội đánh lừa, giận thâm gan tím ruột, bèn không đi chợ nữa, dắt Cuội về đánh cho một trận thừa sống thiếu chết.
Một hôm khác, Cuội cùng chú đang cuốc cỏ ngoài đồng. Trời nắng như thiêu như đốt. Khát quá, người chú bảo hắn về nhà lấy nước mang ra. Vừa đến nhà, Cuội đã làm vẻ hốt hoảng, nước mắt giàn giụa, miệng mếu nói không ra tiếng:
– Khốn khổ lắm thím ơi! Chú bị trâu húc lòi ruột gan ra một đống. Hiện đã tắt thở, còn nằm trên cồn…
Người thím nghe nói chỉ còn biết kêu trời khóc đất rồi bươn bả ra đồng, vừa đi vừa ôm mặt than khóc rất thảm thiết. Cuội ta lại lẻn theo đường tắt, ba chân bốn cẳng chạy ra đồng. Sắp đến nơi, hắn cũng làm bộ đau đớn, bảo chú:
– Chú ơi! Trời hại ta. Thím ở nhà không biết leo trèo thế nào bị ngã từ trên gác xuống, chết tím cả mặt, không một ai biết cả.
Người chú nghe nói, tưởng thật, đấm ngực kêu trời rồi chạy về kêu khóc suốt cả dọc đường. Đến khi hai vợ chồng đâm sầm vào nhau mới biết là thằng cháu ác nghiệt đánh lừa. Hai vợ chồng tức giận điên cuồng bèn đan một cái rọ bỏ Cuội vào rồi một mình chồng vác ra sông định vứt xuống nước.
Đến bờ sông, cuội ta cầu khẩn: – “Cháu có tội với chú thím, chú thím bắt chết cũng đáng. Có điều ở dương gian cháu nói láo kiếm ăn được là nhờ có một quyển sách nói láo bấy lâu nay vẫn gác trên sàn bếp. Nay chú làm ơn nghĩ đến chút tình máu mủ về lấy giùm quyển sách đó đặng cháu mang theo xuống âm phủ kiếm ăn”. Nghe hắn nói có vẻ thảm thiết, người chú tưởng thật, nghĩ bụng, tay hắn mình đã trói, rọ lại buộc chặt không thể trốn đi đằng nào được, bèn tất tả chạy về lấy sách.
Đang ngồi co ro trong rọ bỗng trông thấy một thằng hủi đi qua, Cuội gọi giật lại:
– Này hủi ơi! Tao trước cũng sưng da thối thịt như mày, nhưng trời run rủi cho tao ngồi vào đây, thế rồi tao được người ta đưa xuống nước chạy chữa, rồi lại khiêng lên, bây giờ lành hẳn cả rồi. Mày cứ mở cho tao ra mà xem.
Hủi tưởng thật, mở rọ cho Cuội ra, tấm tắc khen phép chữa mầu nhiệm rồi mừng rỡ nói:
– May cho tôi quá! Thế anh cho tôi ngồi vào đây rồi anh buộc hộ cho tôi với. Có mấy quan tiền xin được nhân thể tôi biếu anh.
Được tự do, Cuội chờ cho hủi vào, buộc rọ lại cẩn thận rồi cầm tiền đi thẳng.
Lại nói chuyện người chú về nhà tìm mãi trên sàn bếp chẳng thấy gì cả, mớt biết là mình lại bị lừa lần nữa, giận quá, hầm hầm trở ra, chẳng nói chẳng rằng đạp rọ lăn xuống sông. Thế là hủi ta mất tích.
Cuội theo dọc sông đến một cái cầu, nhân trời nóng nực mới cởi áo xuống tắm. Mấy quan tiền của hủi cho, hắn sợ để trên bờ có người lấy mất nên mang cả xuống sông. Một ông quan cưỡi ngựa đi qua trên cầu, thoáng thấy có thằng bé lặn ngụp dưới nước, một tay giơ lên cao có cầm cái gì giống như là quan tiền. Quan động lòng tham, dừng ngựa lại hỏi.
– Bé kia, mày làm gì ở dưới đó?
Cuội làm bộ tìm tòi, nói với quan:
– Tôi mang đi cho cha tôi một thỏi vàng, một thỏi bạc và mấy quan tiền, lúc đứng chơi ở cầu không may lỡ lay đánh rơi xuống mất cả. Nay tôi lặn lội tìm chỉ được có mấy quan tiền mà thôi. Giờ tôi mà về, cha tôi thì đánh chết.
Nói đoạn. Cuội hu hu khóc. Ông quan bèn xuống ngựa, cởi quần áo bảo Cuội:
– Mày bước lên mau đi, để tao còn xuống tắm. Cút mau!
Ý của hắn là muốn một mình mò tìm, tìm được thì giấu đi một chỗ để số vàng bạc ấy về tay hắn hưởng. Vừa nói hắn vừa lội xuống nước.
Cuội bước lên bờ vội lấy ngay quần áo của viên quan ra mặc.
Quan hỏi:
– Mày làm gì thế.
Cuội đáp:
– Tôi rét quá, nhờ áo ông mặc đỡ một tý cho ấm.
– Thế tên mày là gì? Quê quán Ở đâu?
– Tôi họ Bái, tên Dưng, ở Bông lông xã, Ba la huyện.
Mặc xong, Cuội chờ lúc quan lặn xuống nước, lên ngựa phi nước đại. Viên quan lặn tìm mấy lần không thấy gì cả, nhìn lên bờ thì đã mất cả ngựa lẫn áo quần. Biết là bị thằng bé đánh lừa, hắn vừa tức giận vừa hoảng hốt. Cuối cùng hắn dùng mấy cái đồ rách của Cuội bỏ lại, che tạm hạ bộ để chạy đi tìm Cuội. Gặp ai hắn cũng hỏi: – “Có thấy tên Bái Dưng vừa chạy qua đây không?” Nghe hỏi thế mọi người chỉ tủm tỉm cười. Mãi đến khi gặp một người đàn bà, người này đồ hắn là một tên vô lại chọc ghẹo mình, mới quay lại mắng cho một trận. Hắn biết là dại, đành phải im mồm, rồi sau đó nuốt giận lần về nhà.
Lại nói chuyện Cuội phi ngựa về nhà chú thím. Cả hai vợ chồng, nhất là người chồng rất lày làm ngạc nhiên không hiểu tại sao mình đã xô nó xuống sông hai năm rõ mười, thế mà bây giờ nó lại trở về được mà lại ăn mặc đàng hoàng như kia. Hỏi thì Cuội tươi cười đáp:
– Cháu xuống dưới ấy gặp được tất cả mọi người: ông, bà, cha, mẹ, nội ngoại đầy đủ. Cha mẹ cháu giàu có lớn lắm. Nhưng cháu nhớ chú thím quá nên chọn lấy một bộ quần áo, một con ngựa và ít quan tiền trở lên trên này.
Rồi Cuội lại nói thêm:
– Ông bà vẫn nhớ chú thím lắm đấy và có dặn cháu mời chú thím xuống chơi!
Hai vợ chồng người chú nghe nói mừng quá, hỏi Cuội:
– Chúng tao xuống có được không? Cuội trả lời:
– Có khó gì đâu, chú thím cứ làm rọ y như lúc cháu xuống. Nhưng cháu thì không vác nổi đâu, phải mang ra bờ sông, chui vào rọ rồi cháu sẽ lăn xuống thôi!
Người chú vội vàng đan hai chiếc rọ đem ra bờ sông. Đoạn người chú chui vào một chiếc bảo nó buộc chặt lại, vứt xuống. Thấy tăm nước sủi lên sùng sục, Cuội vỗ tay reo:
– A ha! Chú đang lấy đấy!
Nghe nói thế người thím giục Cuội rối rít:
– Cháu cho thím xuống ngay đi!
Người thím lại chui vào rọ để cho Cuội vứt luôn xuống sông. Thế là từ đó Cuội thừa hưởng cơ nghiệp của chú thím để lại.
Nhưng Cuội ăn chơi loang toàng chả mấy chốc đã bán hết gia tư điền sản. Hắn muốn đi chơi một phen cho thật xa, bèn sắm sửa lương thực rồi một hôm bỏ nhà ra đi.
Cuội đến một vùng rừng núi trùng điệp. Ở đây có rất nhiều voi, Cuội bèn nghĩ kế bắt cho được một con. Hắn ta đào một cái hố rất rộng và rất sâu ở chỗ voi hay qua lại. Trên miệng hố có bắc tre nứa lát phên và ghép cỏ rất khéo. Quả nhiên sau đó ba hôm có một con voi bị sa hố đầu chúc xuống dưới, đít chổng lên trời, không cựa quậy được. Cuội dùng đất lấp voi lại chỉ chừa có cái lỗ đít. Và khoét đít voi thành một cái lỗ lớn hơn, rồi cứ để yên tại đó, chỉ thỉnh thoảng đến trông chừng. Hắn bụng bảo dạ: – “Rồi ta sẽ có một con voi biết bay, đi chu du thiên hạ!”.
Sau khi voi chết, quạ và diều ngửi thấy mùi thịt liền rủ nhau tới ăn. Chúng nó chui qua lỗ đít tiến sâu vào thân con voi để rỉa lân thịt ở trong đó. Trước còn năm con mười con, sau dần dần có hàng trăm con ngày ngày chui vào chén thịt và lòng rất thỏa thích. Cuội ta chờ đến lúc thịt voi đã gần kiệt, rình khi chim chóc chui vào khá nhiều: mới thình lình đút nút đít voi lại.
Thế rồi Cuội đào đất lên cho cái xác da voi nằm ngay ngắn. Hắn cưỡi lên lưng, dùng gậy đánh nhẹ ở dưới bụng voi. Tự nhiên bầy chim ở trong cái xác da voi bay vụt cả lên, mang cái xác da voi và Cuội lên trời.
Cái xác da voi hay giữa không trung qua những núi dài sông rộng làm cho Cuội nhìn không chán mắt. Cuội cứ để cho bay mãi suốt ngày. Cuối cùng nhìn thấy một kinh thành rộng lớn, trong đó nhà ngói san sát, người qua lại đông không biết bao nhiêu mà kể. Cuội muốn xuống xem thử cho biết. Hắn vỗ mấy cái trên lưng voi, chim chóc thấy động phía trên thì sợ hãi xếp cánh không bay nữa. Cái xác da voi từ từ hạ xuống. Nó rơi xuống trúng giữa sân rồng có các quan đang làm lễ bái mạng.
Nhà vua và tất cả triều thần thấy có một người cưỡi voi từ trên trời xuống thì kinh hãi bội phần, vội vàng sụp xuống lạy Cuội như tế sao. Họ đón Cuội như đón một vị thần vừa giáng hạ. Nhà vua thân đưa Cuội vào nội điện và không dám ngồi ngang hàng.
Cuội sung sướng hưởng những cỗ bàn lễ vật của mọi người đem dâng. Khi nghe Cuội nói đến sự màu nhiệm của con vật, nhà vua cất tiếng run run hỏi: – “Ngài có thể cho quả nhân cưỡi lên voi đi ngắm cảnh gấm vóc trong thiên hạ được chăng?” Cuội đáp: – “Được lắm, nhưng cần phải làm hai việc: một là nhà vua phải thay đổi áo quần cho tôi, vì con vật nó hay lạ hơi người, hai là khi ra giữa biển phải nhớ mở cái nút đằng sau cho nó uống nước”.
Không một ai ngăn cản được lòng ham muốn của nhà vua. Cuối cùng cái xác da voi đưa vua lên không trung. Ra giữa biển, vua nhớ tới lời Cuội dặn, mở nút đằng đít để cho voi giải khát. Lũ quạ và diều mấy lâu bị giam cầm, nay thấy có chỗ hở lục tục bay ra tất cả. Cái xác da voi rơi xuống biển và chả mấy chốc nhà vua đã lọt vào bụng cá. Còn Cuội mặc áo hoàng bào lên làm vua nước ấy[1].
KHẢO DỊ
- Người Quảng-bình kể chuyện Cuội, ngoài những tình tiết giống như trên, còn có thêm một đoạn Cuội đánh lừa hổ (trước khi lừa voi).
Cuội vào rừng chặt mây gặp một con hổ đến. Hổ hỏi: – “Làm công việc gì mà lấy nhiều mây thế?”. Đáp: – “Trời sắp lụt to đến nơi, lấy về để treo họ hàng bà con lên kẻo chết đuối”. Tin là thật, hổ cầu khẩn nhờ Cuội treo giúp mình và bà con mình, Cuội nhận lời, hứa sẽ làm sẵn dây rồi định ngày bảo hổ đến một khu rừng nọ tự thò đầu vào dây để mình kéo lên kẻo mình làm không nổi vì hổ nặng quá. Rồi đó, Cuội lấy mây làm rất nhiều thòng lọng. Đến ngày hẹn, hổ và bà con nhà hổ đến rừng lần lượt chui đầu vào thòng lọng. Cuội đâm chết hết bà con nhà hổ. Còn lại một con hổ cái hết lời cầu khẩn xin tha mạng. Cuội bằng lòng tha nhưng với điều kiện là hàng ngày phải tìm mồi cho mình ăn.
Một hôm hổ cái gặp voi. Hổ bảo voi phải trốn ngay không thì Cuội giết chết. Voi nói mình có ngà không sợ, sẽ tìm đến giết Cuội cho xem. Đoạn hỏi chỗ ở của Cuội để hôm sau đến. Lúc hổ cái về nộp thịt cho Cuội, kể lại câu chuyện như trên. Cuội bèn đào hố trên phủ cây cỏ. Voi đi tới thấy Cuội định xông lại bắt, nhưng bị sa hố. Câu chuyện đến đây giống như trên đã kể.
- Truyện Nói dối như Cuội còn được một vài quyển sách khác (như Sử Nam chí dị và Truyện cổ tích Việt-nam[2]) chép nhưng không đầy đủ và có chỗ hơi khác về chi tiết. Theo sách sau thì thay vào thằng hủi là bác xẩm mù. Cuội thấy xẩm qua đó, gọi lại bảo: – “Xẩm ơi! xưa kia tao cũng như mày, chui vào rọ này được sáng mắt ra”. Cũng như hủi, xẩm tưởng thật, mở rọ cho Cuội ra rồi chui vào cho hắn buộc lại. Khi người chú không tìm được sách nói láo của Cuội hầm hầm nổi giận chạy ra, tưởng Cuội nằm trong rọ, mắng rằng: – “Sắp chết đến nơi mà còn nói láo!”. Xẩm ta nghe nói thế sợ hãi kêu lên: – “Lạy ông, tôi là xẩm đây”. Người chú tưởng Cuội lại còn lừa nữa, gắt: – “Xẩm, ông cũng không tha!”. Miệng nói chân đạp rọ lăn xuống sông.
Chỗ Cuội lừa ông quan thì sách này chép là lừa bà lão gánh hàng tấm. Cuội bảo bà lão: – “Bà thì già, gánh thì nặng. Bà đưa tôi gánh đỡ, đến chợ bà cho tôi bữa ăn là đủ”. Bà lão hỏi tên họ quê quán, Cuội cũng khai là Bông lông xã, Ba la huyện, còn tên mình thì nói là Cha Căng Chú Kiết. Được gánh hàng Cuội chạy vùn vụt làm bà lão đuổi không kịp, gặp ai cũng hỏi: – “Có thấy thằng Cha Căng Chú Kiết đâu không?”- Khi bà lão biết là mình bị lừa thì Cuội ta đã xấp ướt gánh hàng đem về nhà chú, nói dối là hàng lấy được từ dưới sông lên. v.v…
Xem thêm truyện Mưu trí đàn bà (số 109, tập III).
Có người kể lẫn lộn truyện Nói dối như Cuội này với truyện Sự tích thằng Cuội cung trăng (số 127 tập III). Ví dụ tác giả sách Sơn cư tạp thuật ở truyện Mạn tử, v.v…
Đoạn Cuội bán lợn rồi cắm đuôi xuống đất lừa thím, tương tự với sự tích vua Đinh Tiên Hoàng: lúc nhỏ vua ở chăn trâu cho người chú. Một hôm giết trâu đãi các bạn ăn, cắm đuôi xuống đất rồi về báo chú là trâu chui xuống đất. Chú lên núi thấy đuôi, nắm kéo bị ngã ngửa. Giận quá, chú đuổi cháu. Cháu chạy đến bến đò, ở đó có người chèo đò tên là Rồng, bèn gọi: – “Rồng mau mau đưa tao sang sông”. Bỗng nhiên có con rồng hiện lên đưa ông qua… Truyền thuyết Nguyễn Chích (sưu tầm ở Thanh-hóa) cũng giống như trên, chỉ có khác là không phải con rồng mà là một con rùa đưa ông qua sông. Sự tích vua Minh Thái Tổ (Trung-quốc) cũng có một đoạn tương tự.
Truyện Nói dối như Cuội của ta tương tự ít hay nhiều với một số cổ tích Đông Tây. Gần gũi nhất là truyện của đồng bào Ja-rai (Djarai) ở Tây-nguyên và truyện của người Khơ-me (Khmer). Chúng tôi chỉ kể ra đây một ít truyện tiêu biểu: Trước hết là truyện của người Ja-rai, nhan đề là Cơn và Nắc. Đó là hai người bạn. Bị Nắc chơi ác cho mượn rùa làm gối để nó cắn mình, Cơn quyết trả thù. Hắn lừa chồng nói là vợ chết, lại lừa vợ nói là chồng chết làm cho hai vợ chồng Nắc vì thương nhớ quá lưu ly thất lạc, thân tàn ma dại một thời gian. Khi hai vợ chồng gặp nhau biết mình bị lừa, bèn bắt Cơn bỏ rọ trôi sông, nhưng Cơn đã lừa được một người hủi chết thay cho mình. v.v… Thứ hai là truyện của đồng bào Xơ-đăng và Hrê tương đối phong phú về tình tiết hơn cả. Trong đó Cuội lừa cọp, lừa quan và cũng như truyện của ta, Cuội cưỡi xác voi biết bay bay lên trời[3].
Truyện của người Khơ-me (Khmer): Một anh chàng tìm cách ăn thịt con lợn của người mẹ. Một hôm, hắn cầm thúng dắt mẹ đi, nói là để kiếm vàng. Đến một nơi nọ, thình lình hắn úp thúng xuống đất, bảo mẹ giữ cho chặt rồi ngồi chờ cho hắn về kiếm thuổng để đào. Hắn về giết lợn đãi bạn bè hàng xóm. Mẹ chờ lâu, đói quá mở thúng ra chả thấy gì cả, về nhà thì thấy mọi người đang ăn thịt lợn. Mẹ giận quá bảo em mình bỏ hắn vào bị định quăng sông. Câu chuyện cũng xẩy ra như truyện của ta. Hắn nhờ ông cậu về kiếm cho quyển sách nói láo và cũng gặp một người hủi. Nhưng chỗ khác là khi trốn ra khỏi bị, hắn gặp một người khác hỏi làm sao có lắm tiền. Đáp: xuống dưới ấy mọi người đều giàu có và số tiền này là do đánh bạc mà được… Nghe vậy người kia cũng nhảy xuống nước, nhưng chỉ một lúc hắn đã nổi lên với cái mũi bị thương, nói: “Tao cũng có đánh được bạc nhưng hỏi thì họ bảo lên trên mày mà đòi. Tao nói mãi họ cho một đấm chảy máu mũi như thế này”.
Anh chàng nghe nói, biết là gặp tay lừa dối cũng vào hạng khá, nhưng cũng vui lòng chia tiền cho và kết làm bạn.
Người Khơ-me còn có truyện Thơ-mênh Chây có nhiều tình tiết giống với truyện Trạng Quỳnh, trong đó cũng có một số tình tiết gần giống truyện Cuội.
Ví dụ tình tiết sau đây:
Thơ-mênh Chây hay lừa người. Vua nghe tiếng gọi đến bảo hãy lừa mình xem. Đáp: – “Việc lừa của tôi là nhờ vào một quyển sách nói dối. Tiếc rằng quyển sách lại để ở nhà mẹ tôi”. – “Cho phép ngươi về lấy”. – “Vì hôm qua chữa cháy nên bị bỏng chân, đi lại khó khăn. Xin phái một viên quan về lấy”. Khi viên quan trở lại nói rằng mẹ Thơ-mênh Chây bảo xưa nay trong nhà không hề có quyển sách đó, vua nổi giận hỏi Thơ-mênh Chây, hắn ung dung đáp: – “Vậy là tôi đã lừa được nhà vua rồi đó”[4].
Đồng bào Mường cũng có truyện Cuội, có truyện rất dài, có truyện ngắn, nội dung có truyện gần giống với truyện Cuội của ta, cũng có truyện kết hợp thêm một số tình tiết giống truyện Trạng Quỳnh (hay Thơ-mênh Chây của người Khơ-me). Chúng tôi kể ra dây vài truyện (xem thêm truyện Eng Cuội trong Truyện cổ dân văn Việt-nam, tập I):
Cuội chơi cho lang một vố rất đau (giả nói là đi bắt rùa rồi tìm cách nằm với hai con gái lang. Khi bị lang hỏi tội thì tìm cách chối bằng cách nhúng b… vào bột nhà lang) nhưng lang chưa có lý do để buộc tội.
Sau đó, Cuội lại chơi cho lang một vố thứ hai, thường ngày mang đến biếu lang những chiếc bánh ngon. Lang hỏi ở đâu ra thì đáp là do con chó quý của mình ỉa ra. Lâu không thấy Cuội đến, lang tìm đến nhà Cuội hỏi bánh. Cuội lôi chó vào buồng đánh ba roi rồi đưa ba vắt bánh ra biếu lang. Thấy thế lang hỏi mua con chó. Cuội đòi đổi một con trâu mộng. Giao chó, Cuội dặn đừng đánh vội, phải để cho chó nghỉ ngơi một thời gian để quen hơi đã. Chưa được hai ngày lang đã bắt chó ra đánh. Khi ăn thấy không phải là bánh, lang mang chó đến nhà Cuội trả để đòi lại trâu. Cuội hỏi được mấy ngày? – “Hai ngày”. “Thế là tại lang vội vàng nên hỏng mất phép mầu của con chó”. Cuội nói thế, nhất định không trả trâu lại.
Lập mưu giết Cuội, lang bảo dân chuẩn bị nứa vát nhọn. Có một hố sâu từ lâu không ai dám xuống. Lang bảo chỉ có Cuội là xuống được. Trước khi xuống, Cuội quẳng xuống hố một gốc chuối. Rồi khi xuống đến đáy hố, Cuội chui vào một ngách, cởi áo của mình ra trùm vào gốc chuối. Ở trên lang bắt mọi người phóng nứa xuống. Tưởng Cuối đã chết, ai nấy bỏ về, nhưng đến chiều lang lại gặp Cuội.
Lang định đan rọ để dìm Cuội xuống sông cho chết. Cuội biết ý nói với người ta rằng: – “Ngâm tôi xuống nước, tôi sống ba năm, còn đặt trên cạn tôi chỉ sống được ba ngày”. Lang nghe lời, bèn đặt rọ nhốt Cuội ở chuồng trâu chờ trâu về chuồng sẽ giẫm chết. Ngồi một lúc, Cuội gặp một bà già nhà lang đau mắt đi tìm thuốc qua đó. Cuội bảo cứ vào đây ngồi khắc khỏi. Chiều lại, trâu về chuồng đạp chết bà già.
Thấy Cuội vẫn chưa chết, lang định bỏ rọ Cuội ném sông. Cuội cười vang lên cố làm cho lang tin rằng “bè bưởi thì chìm, bè đá thì nổi”. Vì thế lang cho trẩy nhiều bưởi buộc cùng với rọ Cuội ném xuống sông. Rọ Cuội trôi một quãng xa xuống bến dưới nhờ bưởi lại nổi lên. Cuội bèn đóng một gánh xuống mường dưới tìm đến nhà một lang khác nói bưởi của lang mình đưa đến biếu và xin muốn một con trâu đực về làm giống. Được trâu, Cuội trở về mường mình nói dối là xuống nước biếu bưởi cho vua Thủy được vua Thủy tặng lại một trâu đưa về. Cuội lại nói thêm. Giá có một bè đá cho vua Thủy thì vua sẽ tặng voi. Lang động lòng tham chui vào rọ có buộc đá để Cuội ném xuống sông.
Trong sách Truyện cổ tích miền núi có truyện Nhà lang với anh Tới của đồng bào Mường cũng là một dị bản của truyện Cuội, có phần giống với truyện của các dân tộc khác hơn là truyện của ta.
Một người dân tên là Tới làm cho một tên lang nọ tức điên ruột vì những hành động chống đối của mình. Lang muốn bỏ Tới vào túi ném xuống sông. Tới bảo: – Túi bằng vải sẽ không ngăn được hồn ma trở về, chỉ có túi giấy là ngăn được”. Lang bèn làm túi giấy, Tới nhờ vậy không chết. Tới bắt trâu lang dắt đến nhà lang, nhận là trâu mình do vua Thủy cho. Lang không chịu, Tới hỏi: – “Trâu của lang có mấy hàm răng?” – “Hai hàm” – “Vậy trâu này đích là của tôi vì khi cho, vua Thùy đã sai vặn răng mất một hàm”. Lang chịu mất trâu.
Thấy Tới nhiều trâu, lang và Ậu cũng muốn xuống xin trâu vua Thủy, Tới bảo: – “Chỉ có dân mới vào túi giấy, còn lang thì phải vào túi gấm, Ậu thì túi vải”. Vợ lang không thấy chồng về, Tới hảo: – “Có lẽ lang và Ậu vui quên về vì dưới ấy lắm con gái đẹp”. Vợ lang nổi cơn ghen đòi chui vào túi. Cuối cùng Tới cũng cho mụ đi theo chồng và chiếm cả tài sản.
Người Tày có truyện Hột Nhồi:
Hột Nhồi ở với chúa đất (quàng). Thấy chúa nói ăn không biết ngon, bèn đưa chúa vào rừng tìm thuốc chữa. Anh dắt hắn qua năm suối mười khe cho đến khi chúa kêu đói, anh cho hắn ăn bát cơm nguội, hắn khen ngon. Lần khác, chúa bắt dâng buồng chuối chín, anh dâng một buồng, quả chỉ có vỏ không ruột. Hỏi thì anh đáp: – “Không thấy chúa dặn có lõi hay không”. Lần khác, chúa lại đòi cá chép to lấy cả trong lẫn ngoài, anh đưa lên một con to nhưng đã ươn ình. Hỏi thì đáp: – “Không thấy chúa dặn phải lấy cá tươi”. Cả ba lần chúa đất giận lắm, nhưng không có lý do để bắt tội.
Một hôm chúa ngồi lên bắt anh lạy. Vì dưới giường lúc ấy có con chó nên lạy xong anh nói: – “Tôi lạy ông cũng như lạy chó”. Nói rồi chỉ con chó dưới giường. Chúa giận quá bắt trói ở cửa. Nửa đêm, chúa đau bụng đi ngoài, anh ôm lấy chân, nói: – “Tôi yêu ông lắm, ông đi đâu tôi cũng đi”. Nói rồi không chịu thả. Chúa mót quá phải cởi trói cho anh.
Một hôm nhà chúa có người chết, sai anh lên rừng chặt gỗ làm áo quan. Anh chặt cây mọc ở vách đá rồi buộc dây bảo con cháu chúa kéo. Cây đổ đè lên chết cả. Về thấy chúa khóc, anh nói: – “Chết một đống không khóc, đi khóc một người”. Gặp kỵ giỗ anh đốt than thả trên nguồn nước, về bảo nhà chúa rằng: – “Ai muốn xem bọ hung đi buôn thì ra mà xem”. Mọi người đua nhau đi xem, nhân dịp ấy anh xếp xôi thịt làm một gánh vào rừng chén đẫy. Lần này chúa nhất định bắt anh phải chết. Từ đây truyện giống với Cuội của ta, chúa bắt Hột Nhồi bỏ bị đặt ở miệng vực, đợi ăn xong sẽ xô xuống. Một chúa đất khác cưỡi ngựa đi qua, hỏi thì đáp: – “Tôi bị ghẻ kinh niên nằm vào đây để có người mang đi chữa”. Chúa xin nằm thay vì hắn cũng có ghẻ. Hột Nhồi đợi hắn bị người ta xô xuống sông, mới cưỡi ngựa về, kể với chúa cảnh sống sung túc ở dưới nước, làm cho chúa thèm rỏ dãi. Chúa hỏi: – “Ta và người nhà ta có xuống được không?” – “Càng nhiều càng tốt. Hãy làm cho chúa lồng song, người nhà lồng tre”. Mấy ngày sau khi làm cho cả họ nhà chúa chết sạch, Hột Nhồi lại đến kể với vợ chúa hành trình xuống thủy phủ. Ngày thứ nhất qua bản Chăng (chìm), ngày thứ hai qua bản Phù (nổi), ngày thứ ba qua bản Phong (trôi) ngày thứ tư qua Háng ngày cá (chợ quạ) rồi mới đến Xứ sở tổ tiên nhà chúa. Tổ tiên nhà chúa không cho về nữa. Vợ chúa nghe nói thế đi lấy chồng khác[5].
Người Miến-điện (Myanmar) có truyện Cậu bé nói dối:
Một thằng bé hay đi lừa, người ta gọi là Thánh Cuội. Một hôm cùng đi với bố có mang theo một túi cơm thịt để đi đường mà ăn, hắn lụt lại sau, chén hết sạch, vứt túi. Khi bố bảo đưa túi thì hắn đáp: – “Con tưởng mang đi đường ăn, nên con vứt cho đường ăn lúc nãy rồi!”. Bị bố đuổi, Cuội về lu loa với mẹ rằng bố đã bị rắn cắn chết, may có mà người lang khiêng xác về hộ. Thấy mẹ bận than khóc, hắn nói: – “Nên quay con lợn nhà để đãi những người mang xác bố về”. Mẹ bằng lòng, hắn làm ngay và ngồi chén hết một nửa. Đến chiều bố về thấy vậy, đánh cho một trận, bảo: – “Cho mày nốt chỗ lợn kia rồi cút đi khuất mắt không được về nữa!”. Gặp một lão hà tiện đang cuốc vườn, hắn vác lợn đến, nói: – “Bác ơi, cháu biếu bác một nồi đầy thịt quay đây, nhưng phải cho cháu xin chiếc nồi đất, được không?” – “Được”. Hắn lại nói: – “Không phải phiền bác trở về nhà làm gì để cháu gặp bác gái, nhờ bác ấy lấy nồi cho”. Khi gặp vợ lão hà tiện hắn lại nói khác đi: – “Đây là thịt quay, bác trai đồng ý đổi một túi vàng đấy!”. Thấy bà này tỏ vẻ không tin, hắn gọi to cho lão chồng nghe: – “Bác ơi, bác gái không chịu đưa đây này”. – “Cứ đưa ngay cho nó đi!”. Lão hà tiện quát. Thế là Cuội chuồn với túi vàng. Đi thật xa, Cuội móc túi lấy bốn năm đồng vàng, chôn làm bốn năm chỗ trên đường đi, rồi bê một cành cây cầm tay. Một người cưỡi ngựa đi quá, hắn vụt roi xuống: “Đưa đây đồng vàng “. Rồi làm cho người kia thấy mỗi một cái vụt roi lại được một đồng tiền vàng. Người kia đòi đổi ngựa lấy roi, hắn để cho người kia nằn nì chán mới chịu đổi, rồi phóng ngựa đi mất. Đến một nhà giàu, Cuội xin gửi con ngựa vào chuồng. Đêm lại lấy một ít tiền vàng rắc vào cứt ngựa, sáng dậy mượn chủ cái rổ. Lão nhà giàu cho người rình, thấy hắn sàng phân ngựa ra vàng thì đòi mua ngay con ngựa, ngã giá một ngàn đồng vàng. Hắn lấy tiền đi thật xa. Gặp hai ông bà già, hắn khoe mình có phép “cải lão hoàn đồng”. Để cho họ tin, hắn dùng nhiều tiền thuê hai mẹ con nhà nọ: trong khi cho cô gái núp sau màn, ở ngoài này hắn làm bộ gõ chày vào người bà mẹ đoạn bảo người ấy bước vào sau màn, chốc sau cô gái bước ra nói những lời cảm ơn thày đã làm phép cho mình trở nên trẻ và đẹp. Thấy vậy, hai ông bà già kỳ kèo xin hắn làm phép cho. Hắn đòi một ngàn đồng vàng. Sau khi gõ xong, hắn bắt họ phải ngồi im trong hai tiếng đồng hồ thì phép mới nghiệm, nhân dịp đó hắn ba chân bốn cẳng chạy trốn.
Hành động của Cuội đến tai nhà vua, vua ra lệnh bắt hắn bỏ vào túi ném sông. Trong khi chờ mặt trời lặn (là lúc thực hiện cuộc hành hình), bọn lính treo túi lên cây rồi đi uống rượu. Nghe tiếng chân voi đi tới hắn kêu; – “Ta không làm thái tử đâu!”. Người cưỡi voi hỏi: – “Gì thế?”. Đáp: – “Vua không có con nối, bắt tôi về nuôi làm thái tử, mà tôi thì không muốn tí nào” – “Tôi thay vào có được không?” – “Được, nhưng phải chịu treo lên cây như thế này người ta mới đưa về cung” – “Được”. Thế là Cuội đánh voi đi thật xa, đâm cho voi chết, rồi khoét rộng bụng voi cho kền kền chui vào rỉa thịt. Như truyện của ta, khi chim vào đông thì lấy giẻ nút lại. Cuội cũng được chim đưa lên không trung và sau đó dặt xuống giữa sân rồng. Vua nhận ra Cuội: – “Hôm trước ta đã sai dìm ngươi rồi kia mà!”. Đáp – “Quả có thế, nhưng vua Thủy (na-ga) đã cứu tôi lên và tặng con voi bay”. – “Ta có thế cưỡi đi đây đi đó được chăng?” – “Nếu cho tôi làm thái tử thì được”. Vua thích thú khi xác voi đưa lên không, nhưng khi tò mò rút cái nút giẻ thì chim lục tục bay ra làm cho hắn rơi xuống chết. Cuội lên ngôi, từ đó bỏ thói đi lừa, người ta gọi là vua anh minh[6].
Người Ấn-độ có hai truyện:
a) Một anh chàng có nuôi một con chim rất khôn. Khi đi làm đồng, vợ chồng anh buộc một cái điếu vào chim, thế là chim mang thức hút đến cho chủ. Có sáu người đi qua thấy vậy, bèn mua con chim 300 ru-pi. Một hôm, họ buộc 300 ru-pi vào chim, bảo chim mang đến một nơi nọ. Chim không mang đến đó mà lại mang tiền về cho chủ cũ. Anh chàng lấy ra trong số đó 100 ru-pi cho con bò của mình nuốt. Sáu người kia đến đòi chim và tiền, nhưng thấy bò ỉa ra tiền vàng thì lại bỏ ra 5.000 ru-pi để chiếm lấy con bò quý. Lại đến lượt họ mang bò đến trả và đòi lại tiền vì thấy bò không còn mầu nhiệm nhu trước. Anh chàng mời họ ngồi ăn. Đang ăn anh bỗng cầm gậy đánh vợ và bảo: – “Biến thành con gái đi lấy đĩa khác lại đây!”. Một cô gái (kỳ thực là con anh ta) đi vào với đĩa thức ăn. Sáu người kia lại bỏ ra 600 ru-pi mua lấy cái gậy thần. Về đánh vợ, không thấy trẻ lại, bọn họ bèn chạy đến đòi lại mọi thứ. Anh chàng không có đủ để trả bị họ đốt mất nhà. Anh chàng bèn nhặt tro bỏ vào nhiều bao chở lên lưng trâu đưa đến Răng-pua. Dọc dường, anh ta gặp một toán người chở những bao bạc cho một ông chủ kho bạc. Thừa dịp họ ngủ, hắn đánh tráo hai bao của mình lấy bao của họ rồi trốn về, dùng tiền của đó ăn tiêu rất sung sướng. Sáu người kia hỏi làm sao có bạc thì hắn đáp là tiền bán tro nhà của mình. Nghe hắn nói đưa loại tro đó ra tỉnh bán mấy cũng hết, sáu người thi nhau đốt nhà lấy tro, đóng bao cho ra tỉnh, nhưng chả được gì hơn là roi quất vào đít. Tức quá, bọn họ trở về, trói tay chân hắn lại bỏ vào bao quẳng xuống sông ở gần đấy, nhưng bao trôi vướng phải cọc. Thoáng thấy có người cưỡi ngựa đi qua đó, hắn kêu cứu, hứa xin cắt cỏ ngựa cho anh ta không lấy tiền. Nhưng khi được cứu thoát, nhè lúc người kia vô ý, hắn thình lình nhảy lên ngựa phi mất. Về nhà, hắn cho sáu người kia biết là dưới nước có rất nhiều ngựa, cuối cùng sáu người tình nguyện xuống nước như các truyện trên.
b) Một anh chàng đi theo kiếm ăn với một bọn trộm. Một hôm cãi nhau, bị chúng đánh trói và đem đi buông sông. Dọc dường bọn chúng đói bụng bèn bỏ anh dưới gốc cây, đi kiếm cái ăn. Một người chăn bò qua đấy hỏi duyên cớ hắn đáp: – “Ta là con vua, người ta ép lấy công chúa con vua một nước khác, nhưng ta không chịu, bị họ trói đi, bắt lấy cho được”. Cũng như truyện trên, người chăn bò xin thay đổi địa vị. Anh chàng dắt bò về nhà và bọn trộm lại nhờ hắn quẳng hộ xuống sông, v.v…
Người Áp-ga-ni-xtăng (Afghanistan) cũng có hai truyện:
a) Một đứa bé để bò phá vườn bị chủ vườn cắt mất lưỡi bò. Bò chết. Hắn lột da đem về. Chưa đến nhà, trời đã tối, hắn trèo lên một cây cổ thụ nghỉ đêm. Đêm ấy có một bọn trộm ở đâu đến dưới gốc cây chia của, chúng chia không đều, đánh nhau loạn xạ. Anh chàng sợ quá, để rơi tấm da bò xuống. Bọn trộm hoảng hồn bỏ của lại chạy mất. Hắn xuống, vơ lấy rồi về nói dối với mọi người là mình bán da bò được rất nhiều tiền. Mọi người đua nhau giết bò của mình lột da đi bán, bán không được họ trói hắn ném xuống sông và rồi việc cũng xảy ra như trên.
b) Hai anh em nhà nọ, anh là Tay-ga Khan một hôm bảo em dắt dê ra chợ. Dọc đường, em lần lượt gặp sáu tay đi lừa; đứa nào gặp em cũng bảo đấy là con chó chứ không phải dê, đến nỗi cuối cùng người em phải bỏ lại con vật, chạy về không. Tay-ga Khan nghe kể quyết bắt chúng phải bồi gấp trăm. Mai sáng, anh chàng cưỡi một con lừa trên lưng trải chăn rất đẹp đi chơi chợ. Bọn kia gặp, hỏi: – “Tại sao lại tô điểm con lừa đẹp thế.” – “Không phải lừa đâu, đó là con bu-sa-ki” – “Là con gì?” – “Là con vật sống trên 100 tuổi, có phép ỉa ra vàng”. Hôm ấy người anh nấn ná ở lại và được bọn kia mời về nhà nghỉ. Tay-ga Khan giấu một ít tiền vàng ở đống phân. Sáng dậy cho lừa ra đống phân ỉa và làm bộ nhặt thấy tiền vàng. Sáu người kia mua ngay con lừa 500 ru-pi. Người anh trở về dặn vợ cứ làm như thế như thế, nếu bọn kia đến. Bọn kia quả tìm đến và kêu ca về con lừa. Người vợ nói: – “Chồng tôi còn đi vắng, để tôi sai con thỏ đi gọi về ngay cho các ông”. Bèn thả một con thỏ xám và bảo: – “Đi gọi ông chủ về ngay”- Được một chốc, Tay-ga Khan quả về, trong tay cầm con thỏ xám và nói: – “Đang giở bận, vì nó giục quá phải về”. Bọn kia tấm tắc về con thỏ quý, mua ngay 600 ru-pi. Hôm sau, chúng lại đến kêu ca. Tay-ga làm bộ đang cơn giận dữ, cầm dao giết vợ, rồi lại làm bộ hối hận, vào buồng lấy cái gậy chỉ vào người vợ làm cho vợ sống lại. Bọn kia choáng mắt, bỏ ra 500 ru-pi để mua cái gậy. Lúc về bọn chúng nhân cơn giận mẹ, bèn cầm dao giết mẹ, nhưng lúc nguôi giận thì dĩ nhiên gậy không làm sống được. Lại chạy đến đòi, Tay-ga đã trốn biệt.
Truyện của người Xây-lan (Sri Lanka):
Lô-ku Áp-pu vay tiền của một bọn đánh trống mà không chịu trả. Biết họ lại đến đòi, cũng như truyện Ấn-độ trên, hắn dặn trước một bà già và một cô con gái, rồi một mình ngồi gọt một cái gậy. Bọn chủ nợ tới, hắn mời ngồi rồi bỗng đánh vào bà già một gậy bảo bà biến thành con gái và mang trầu ra đây. Một chốc từ trong buồng một cô gái bước ra. Bọn chủ nợ nài để lại cho họ cái gậy màu nhiệm không được, bèn cướp lấy mang đi. Về nhà họ đánh chết bà già mà không thấy trẻ lại. Bọn họ lại đến hỏi, hắn bảo là vì đánh sai đầu gậy. Lại về đánh, không được, họ bèn đến nhà bắt Lô-ku Áp-pu bỏ vào một cái túi định quẳng xuống sông. Vừa đến bờ, nghe tiếng trống, họ bỏ túi xuống đất chạy đến chỗ có tiếng trống để xem việc gì. Vừa khi có một người Hồi-hồi buôn vải qua đó. Thấy hắn kêu: – “Ta không biết đọc biết viết sao cứ bắt ta đi cai trị nước”, người lái buôn gạ hắn cho thay đổi địa vị và sau đó cũng như các truyện trên, anh Hồi-hồi bị quẳng xuống sông.
Bọn kia lại gặp Lô-ku Áp-pu đang giặt vải, hỏi thì đáp lấy ở dưới sông lên, vì lấm bùn nên phải ngồi giặt. Bọn họ lại nhờ hắn bỏ mình vào túi ném hộ xuống sông.
Người Tác-ta (Tartare) Ở miền Nam Xi-bê-ri (Sibérie) cũng có ba truyện:
a) Một người cưỡi con lạc đà đi chơi và được một người nọ ở dọc dường mời vào nhà chơi: – “Không, anh ta nói, tôi sợ bốn con lạc đà của ông ăn mất con lạc đà của tôi?” – Nếu nó ăn thì chúng tôi sẽ đền cho cả bốn con”. Việc quả xẩy ra, và anh ta được đền bốn con vật. Lúc về nhà anh ta nói dối với hai anh là mình giết con lạc đà của mình đem bán, sau đó đến một nơi khác dùng tiền đó mua được bốn con. Hai anh tin lời, bèn giết lạc đà đem đi bán nhưng chỉ được gậy vào lưng. Người em lại giết mẹ, buộc mẹ lên ngựa cho đi. Thấy một người lái buôn sắp đi qua, hắn bảo dừng lại kẻo mẹ mình lòa có thể ngã ngựa. Người lái buôn không nghe cứ đi, cái xác ngã xuống, phải bồi 1.000 rúp. Lúc về, em bảo anh giết vợ sẽ bán được nhiều tiền. Không được gì, anh trói em lại toan đốt sống. Trong khi anh vào rừng lấy củi thì em gặp một nhà giàu đi qua. Nhà giàu hỏi, hắn đáp: – “Ai chịu trói vào đây sẽ trở thành đại phú”. Người kia chịu để trói và phải trả mất 1.000 rúp. Hai người anh đốt xong không ngờ lại thấy em ở đâu về có nhiều tiền. Hai anh bên nhờ em đốt hộ mình. Hai người anh chết, em chiếm cả gia tài.
b) Một người bị trộm lấy hết cả chỉ còn lại 2 đồng rúp và một con ngựa. Hắn tìm cách lừa ba người anh bằng cách giả làm cho ngựa ỉa ra tiền. Khi hai người anh đến kêu ca thì hắn lại bán cho họ một cái vò có thể tự động làm sôi nước ở trong, không phải đun. Sau hai lần bị lừa, ba người anh trói hắn đặt ở bờ sông rồi đi tìm sào để đẩy. Cũng như các truyện trên. Sắp chết thì hắn gặp một người ăn mặc sang, cưỡi ngựa đi qua, hắn trả lời người kia: – “Người ta muốn tôi làm hoàng tử ở một nước nọ mà tôi thì không muốn”. Hai bên cũng đổi cho nhau. Khi ba người anh thấy hắn nói lấy được ngựa ở dưới nước lên, cũng nhảy xuống sông, chết đuối.
c) Một tay lừa gạt một hôm đến xin cày giúp cho một nông dân. Trong khi người này đi lấy thức ăn, hắn bắt bò giao cho một đồng lõa dắt đi, chỉ cắt cái đuôi cắm sâu giữa ruộng. Người nông dân về hỏi bò, hắn nói: tự nhiên đang cày thì bò rúc xuống đất, cố lôi mãi không được, chỉ còn nắm được cái đuôi. Thế rồi, cả hai cùng kéo và ngã lăn với cái đuôi. Sau đó, hắn ở nhờ và ăn cơm tại nhà một người khác. Hắn từ giã ra đi vào lúc chủ nhân đang cày ở một đám ruộng tương đối gần nhà. Trước đó, hắn đã đưa mũ của mình cho đồng lõa và ra đi đầu trần. Đi qua đám ruộng, người chủ nhà hỏi: – “Sao mũ ở đâu? Ông quên ư?”. Đáp: – “Không phải quên. Vợ ông giữ lấy vì tôi không có tiền trả bữa ăn”. – “Ai lại làm thế. Anh cứ về nói với vợ tôi trả lại mũ. Nếu nó không trả thì gọi tôi, tôi bảo cho”. Hắn trở lại nói với vợ người kia rằng: – “Ông chủ gả cô gái cho tôi đấy!”. Nói rồi bắt cô gái đi. Vợ chủ nhà ngăn lại, hắn chạy ra cửa nói to lên: – “Bà ấy không cho tôi lấy!”. Ở ngoài đồng, người chủ nhà giơ cái xẻng quát: – “Cho đi, cho đi, nếu không thì tao giết chết”. Thế là hắn đưa cô gái đi luôn.
Trong sách Nghìn lẻ một đêm, người Ả-rập (Arabes) cũng có truyện một người hắc nô lừa chủ y như đoạn Cuội về nhà lừa thím rằng chú chết và ra đồng lừa chú rằng thím chết.
Trung-quốc có truyện Long vương mời tiệc cũng có tình tiết trên:
Trường Công đi làm cho địa chủ, một hôm ở đồng về tháo cánh cửa, nói dối bà chủ là để khiêng ông chủ về vì đã chết; lại vội vã chạy ra đồng lừa ông chủ nói nhà bị cháy nên cứu được cánh cửa chạy ra đây. Hai vợ chồng địa chủ bị tẽn, kiện lên quan. Quan toan bắt tội thì Trường Công nói nhà mình có một cái giá rất quý, ai trèo lên sẽ nghĩ ra cách “xỏ” được người khác. Quan sai người đi lấy giá về, rồi lại sai đập cửa công đường, vì Trường Công bảo hắn giá ấy rất to, không đưa vào lọt. Mắc lừa, quan sai lính đem Trường Công đi dìm ở biển. Dọc đường, Trường Công nhổ gốc một cây rồi lắp lại như cũ. Đến nơi nói: – “Tiếc quá, tôi có một kho châu báu ở chỗ gốc cây nhổ lúc nãy, chưa đào lấy được”. – “Mày chỉ lừa dối”, lính bảo thế. – “Cứ trói tôi lại, rồi về lật gốc cây lên xem tôi có nói dối hay không”. Chúng trói lại cặp vào ván thuyền rồi bỏ về tìm của. Lúc ấy, có một lão địa chủ, dẫn dê đi qua đấy, Trường Công bảo lão sẽ khỏi tật gù lưng nếu bị trói vào ván thuyền. Lão xin thế chân, Trường Công trói lão vào ván thuyền rồi dẫn dê đi. Trong khi lính nhà quan không tìm thấy châu báu chạy ra ném tên địa chủ xuống biển, thì Trường Công đã đem dê về lừa quan rằng: Long vương đang đặt tiệc và chuẩn bị một xe ngọc báu chờ quan xuống! Quan tin thật và hám của, cuối cùng nhảy xuống biển để tìm Long vương[7].
Truyện của người Mông-cổ: Một người ăn mày tìm cách giúp một bác dân nghèo bị sói ăn mất ngựa chỉ còn có cái đuôi. Hắn cắm chặt cái đuôi ở cửa hang cáo rồi ngồi ngoài, nắm chặt bằng hai tay. Lão quan đi qua, hỏi. – “Làm gì đó?”. Đáp: – “Không ngờ ngựa của tôi chui tuột vào hang, cũng may nắm được cái đuôi”. “Ngựa thế nào?” – “Một ngày có thể vòng quanh quả đất 7 vòng” – “Ai cho phép mày chăn ngựa cạnh lều ta. Cút đi!” – “Thưa ông, chân tôi bị đau không đi nổi” – “Con khỉ, cưỡi ngựa ta mà đi, đưa đuôi đây?”. Thế là hắn phi một mạch tìm bác dân nghèo giao ngựa. Gặp một lão nhà giàu đầu đội nồi thịt, hắn lại làm quen: – “Đố anh lừa được ta”. – “Tôi lừa thế nào được. Kìa trông trời cháy rừng rực”. Hắn làm bộ hốt hoảng đến nỗi lão kia phải ngửa mặt trông, do đó đổ mất nồi thịt. Hắn chạy đi gặp vua (Kha Hãn). Vua hỏi: – “Mi biết làm gì? Lều vải đâu?” – “Không có lều nhưng muốn gì là làm được ngay”. “Nói láo, tao còn chưa được nữa mày. Có giỏi thì làm tao xuống ngựa thử xem”. Cũng như truyện của ta, hắn vờ gãi tai nói: – “Tôi làm sao lại bắt được vua xuống ngựa, nếu vua xuống tôi làm cho lên thì được”. – “Được”. Khi thấy vua xuống ngựa, hắn vỗ tay: – “Đấy, tôi đã lừa được rồi đấy”. Vua lại nhảy tót lên ngựa, hắn tiếp: – “Đấy, đã làm cho ngài lên ngựa rồi đấy”[8].
Ở châu Phi có truyện của người An-jê-ri (Algérie): Một đứa bé mồ côi có một con bê. Bê bị giết, hắn bán da chỉ được một đồng tiền sứt. Ở chợ, gặp hai người ngồi trước một đống bạc, hắn quẳng đồng tiền sứt của mình vào đó rồi hô hoán lên rằng hai người ấy đã lấy mất tiền mình. Người ta xúm lại, hắn nói của mình có những 100 đồng với một đồng sứt. Hai người kia thề: – “Chúng tôi cam đoan là tiền của chúng tôi không có đồng nào sứt cả”. Cuối cùng người ta tìm được đồng sứt và xử cho hắn được kiện. Cũng như truyện Ap-ga-ni-xtăng, hắn về lừa chú là tiền bán da bê, chú cũng giết bò của mình để đi bán da. Và sau cũng bắt cháu định ném xuống biển. Cuối cùng lại nhờ cháu đẩy xuống biển để mong có được bầy cừu như cháu, v.v…
Truyện của người Man-gát-sơ (Malgaches) (Madagascar) thì lại là một người ăn trộm bị bắt quả tang và bị người ta bó chiếu định ném xuống sông. Hắn thuyết khéo một người đàn bà đi qua để để người kia thay hắn chui vào chiếu, sau đó hắn lại trở về mang theo một món nữ trang mà hắn trộm được, nói dối là lấy từ dưới nước lên. Nghe nói thế người ta tự cuốn chiếu lại để nhờ hắn quẳng xuống nước…
Ở châu Mỹ, truyện của thổ dân thuở trước sống trên quần đảo Ăng-ti (Antilles): Một người bị rơi vào tay địch thủ và sắp bị quăng xuống biển. Hắn hát đi hát lại câu: – “Ta còn trẻ quá chưa lấy con vua được?”. Trời nóng mà người hắn lại nặng, bọn chúng đặt hắn ở một nơi, rồi tìm quán nghỉ chân. Một người chăn dê đi qua nghe hát thế đòi cho mình thế chân. Người chăn dê bị chết còn hắn đánh lừa được kẻ địch: cuối cùng làm cho bọn chúng chết đuối.
Ở phương Tây tiêu biểu nhất là truyện của người Pháp nhan đề Ren-nê với ông chúa: Một người tên là Ren-nê vừa có con bò chết. Hắn lột da để cả đầu bò đội lên vai đem đi bán. Một bọn cướp đang chia tiền ở một khu rừng thấy hắn tưởng là ma, sợ quá bỏ tiền chạy mất. Hắn lấy tiền rồi mua một con lừa, cho lừa ăn cám trong có một ít tiền vàng. Ông chúa nghe đồn lừa ỉa ra vàng đến hỏi mua, hắn đòi hai ngàn đồng vàng. Mua về ngày đầu lừa có ỉa cho một ít vàng nhưng sau chẳng có gì cả. Ông chúa đến trách, giữa lúc Ren-nê đang đun sôi một nồi xúp. Thấy bóng chúa hắn đem nồi đi chỗ khác rồi nói với chúa: – “Tôi có một phép khi nào cần, cho một roi vào nồi là sôi ngay”. Thấy hắn làm đúng như lời nói, ông chúa lại mua roi với giá hai ngàn đồng vàng. Mua về chúa đánh mấy cũng không sôi, giận lắm đến trách hỏi. Ren-nê biết trước, làm sẵn một bọng máu bảo vợ đem giấu vào bụng. Khi chúa đến, hắn làm cách đánh đập vợ rồi vờ đâm chảy máu. Đoạn thổi một tiếng còi, người vợ đã được dặn trước, tự nhiên ngồi dậy, Ren-nê lại bán còi cho chúa lấy hai ngàn đồng. Một hôm chúa ngồi buồn đâm chết vợ, nhưng thổi còi mãi vợ không sống lại. Tức mình, chúa đi xe đến bắt Ren-nê, sai người trói tay chân mang quăng xuống hố nước. Đến đây, truyện giống như truyện trên: bọn kia dừng lại vào quán nghỉ, Ren-nê gặp một người chăn bò bèn bảo: – “Người kia bắt tao làm mục sư mà tao không biết đọc biết viết gì cả”. – “Còn tao – người kia nói – thì lại biết đọc biết viết”. Hai bên cùng thay đổi địa vị cho nhau và cuối cùng Ren-nê lừa ông chúa nhảy xuống hố với hai người hầu để mình trở thành ông chúa.
Một truyện khác của Pháp, Ri-sơ-đô, đoạn đầu có hơi khác:
Ri-sơ-đô đông con, nhà nghèo quá phải nghĩ cách gạt ông chúa. Mới sai một đứa nhỏ đến mượn ông chúa một cái đấu. Chúa hỏi: – “Mượn để làm gì?” – “Để đong bạc”. Lúc trả ông chúa thấy có ba lu-i vàng dính ở đáy đấu thì sửng sốt hỏi: – “Tại sao mày có nhiều tiền thế?” – “Tôi lột da con bò cái, một cái lông người ta mua một lu-i” – “Đúng không?” – “Đúng”. Ông chúa sai lột da 50 con bò của mình nhưng mang ra chợ chẳng được gì cả. Thấy chúa đến hỏi tội. Ri-sơ-đô bảo vợ nằm xuống giường giả chết. Chúa đến thấy vậy bỏ về, ít bữa sau thấy vợ Ri-sơ-đô còn sống, chúa hỏi thì vợ Ri-sơ-đô đáp: – “Tôi chết nhưng chồng tôi thổi vào tai nên lại sống”. Chúa về giết vợ, thổi vào tai nhưng không thấy nghiệm.
Nổi giận, chúa cho một cỗ xe tới bắt Ri-sơ-đô bỏ vào túi chở đi. Đến đây truyện lại giống với truyện trên nhưng Ri-sơ-đô không gặp người chăn bò mà gặp người chăn cừu. Hắn lừa người chăn cừu để khỏi bị vứt xuống hố. Trở về, hắn lại lừa ông chúa để cho ông chúa tham lam ngu ngốc nhảy xuống hố mất mạng, còn Ri-sơ-đô lên làm chúa.
Một truyện khác cũng của Pháp Cor-na-chiu:
Cor-na-chiu nhà nghèo chỉ có một trai một gái và một con bò cái. Con gái anh chăn bò để bò chạy vào vườn vua. Vua sai giết con bò. Anh lột da đi chợ, gọi con trai đi theo. Người con nghe không rõ tưởng bố bảo mang cánh cửa nên mang cả theo. Dọc dường gặp một bọn cướp. Bố con trèo lên cây để ẩn. Không ngờ bọn cướp lại nghỉ ở dưới gốc. Vì cánh cửa quá nặng đứa con làm rơi, gãy cả cành cây, làm bọn cướp hoảng hồn: – “Trời sập rồi!”. Đoạn bỏ chạy tán loạn. Bố con nhặt được vàng về. Cũng như truyện trên anh sai con gái đi mượn cái đấu của vua để đong vàng, nghe tin vua sai đầy tớ giết đàn bò lột da đi bán. Không được gì, vua sai bỏ Cor-na-chiu vào túi để đi ném sông, nhân bọn đầy tớ đi giải khát anh cũng lừa được một lão buôn lợn chui vào túi thay mình để dẫn đàn lợn về. Anh sai con gái múa nhảy trước cửa nhà vua, vua đến ngạc nhiên thấy đàn lợn: – “Lấy ở đâu ra mà nhiều thế?” – “Lấy ở dưới nước” – “Đưa tao đi xem”. Anh dẫn vua và cả đàn lợn ra bờ sông. Thấy bóng lợn dưới nước, lão vua ngốc nhảy xuống, chết. Cor-na-chiu trở thành chúa lâu đài[9].
Một truyện khác nữa của Pháp ở một địa phương Lo-ren (Lorraine):
Một cô gái bỏ nhà ra đi, nách cắp một con quạ tình cờ bắt được. Vào một nhà nọ vắng chủ, cô nhìn trộm vào khe cửa. Khi người chủ về, chủ hỏi con vật gì? – “Đây là một thầy bói biết hết mọi việc.” – “Có bán không?” – “Bán, nhưng để tôi thử cho ông xem”. Bèn đánh vào đầu quạ mấy cái cho nó kêu. – “Nó bảo có một người nào trốn ở buồng bên”. Chủ nhà quả tìm thấy người trốn. – “Nó lại nói có thức ăn và rượu cất trong tủ ăn”. – “Đúng là một thầy bói có tài, dù đắt mấy ta cũng mua”. Chủ nhà trả cho nhiều tiền vàng và một con lừa. Cô gái lại đem lừa bán cho một người chủ cối xay bột và nói rằng: – “Có con lừa này khi mắc nợ chỉ cần đưa đến gán là đủ”. Cô còn làm cho khách tin rằng lừa ỉa ra vàng. Sau đó cô đi mượn đấu của người mẹ đỡ đầu. Khi trả đấu người ta thấy có ba đồng vàng. Để cắt nghĩa tại sao có vàng, cô gái nói là mình bán một con bò cái, mỗi cái lông một xu. Mọi người đua nhau giết bò để bán lông. Cuối cùng vỡ lẽ, người ta trói cô gái định quẳng xuống sông nhưng kết cục cũng xảy ra như truyện trên.
Truyện của người Ê-cốt-xơ (Écosse):
Hai người láng giềng của Đôm-hơ-nun báo thù, vứt mẹ anh ta xuống giếng. Anh vớt lên mặc cho cái xác một bộ đồ rất đẹp rồi chở đến một thành phố, đặt mẹ ở sau hoàng cung cạnh bờ giếng ra vẻ đang ngồi chơi. Một người hầu gái của nhà vua đi qua va phải, cái xác rơi xuống giếng. Anh ta kêu khóc rầm rĩ và bắt vạ. Vua phải bồi thường 500 đồng bảng.
Đôm-hơ-nun về kể chuyện là ở thành phố người ta mua xác chết các bà già giá rất hời. Hai người láng giềng vội giết mẹ họ nhưng khi đưa ra thành phố không được gì cả. Bèn trở về định ném anh xuống nước. Việc cũng xảy ra như truyện của Pháp[10].
Một truyện khác mà chúng tôi quên mất xuất xứ, có lẽ cũng là một loại dị bản của truyện trên:
Có hai anh bạn, Cu lớn, Cu bé, người cùng làng, vì Cu bé hay trêu chọc, nên bị Cu lớn giết mất con ngựa. Cu bé không nói gì cả, làm thịt con ngựa rồi lột da đem ra chợ bán. Đến trước một cái quán, nhân ngồi bán da ngựa vô tình Cu bé nhìn thấy vợ lão chủ quán lừa chồng, nhốt nhân tình của mình ở dưới hầm, chờ chồng đi vắng, thị đưa hắn lên quán ăn, rồi trước khi chồng về lại đưa hắn xuống nấp ở hầm. Chờ cho lão chủ quán về, Cu bé dạm bán da ngựa, bảo nó biết bói tất cả mọi việc. Chủ quán bảo bói thử. Cu bé giả cách ấp tai vào da ngựa rồi nói: – “Da ngựa mách nhà bác có một người nhân tình nấp ở dưới hầm”. Khám phá ra việc “tầy trời” ấy xong, chủ quán mua tấm da ngựa một đấu bạc.
Lúc về Cu bé đem bạc ra khoe với Cu lớn, bảo ở chợ người ta đang cần mua da ngựa giá đắt, có mấy cũng bán hết. Cu lớn giết ngay hai con ngựa của mình, đưa đi bán, dĩ nhiên là không ai mua. Về nhà Cu lớn giận, đập chết người bà của Cu bé, Cu bé bọc kỹ xác bà bỏ vào xe, đẩy ra chợ vào một quán khác, gọi các món rồi bảo chủ quán ra gọi bà của mình nằm ngoài xe vào ăn. Chủ quán ra gọi mãi không được, sẵn gậy liền đập vào bà cụ để lay dậy. Cu bé lập tức hô hoán lên, bảo chủ quán đã đánh chết người bà của mình. Việc lên quan, cuối cùng chủ quán phải chịu mọi phí tổn tống táng và đền cho Cu bé một đấu bạc. Về nhà Cu bé bảo Cu lớn rằng ở ngoài chợ người ta mua xác bà già rất đắt tiền. Cu lớn lại đập chết bà của mình, chở lên xe đưa ra chợ, nhưng chả ai mua.
Nổi xung, Cu lớn về đan một cái rọ bỏ Cu bé vào, mang đi, định ném xuống sông. Đến bờ, hắn mót quá, bèn đặt xuống đấy rẽ vào bụi. Trong khi đó có một lão chăn bò đi qua hỏi Cu bé ngồi làm gì trong ấy – “Người ta đưa đi cưới con gái cụ Bá mà tao thì không muốn lấy”. Lão chăn bò vốn chưa có vợ, khẩn khoản xin đổi chỗ, Cu bé nhận lời dắt bò đi biệt. Cu lớn ra đạp rọ xuống sông nhưng lúc trở về đã thấy Cu bé vô sự với bầy bò ở nhà rồi.
Cũng như truyện trên, Cu bé đã miêu tả cho ông bạn của mình thấy cuộc sống giàu sang sung sướng ở dưới nước và nói “bố mẹ Cu lớn đang mong con xuống để cho rất nhiều trâu bò và của cải”. Cuối cùng Cu lớn cũng chui đầu vào rọ để cho Cu bé đạp xuống sông mất tích.
Đại thể, truyện Ren-nê với ông chúa và các dị bản của nó rất phổ biến ở các dân tộc phương Tây như Anh, Đức, Đan-mạch (Danemark), Thụy-điển (Suède), Na-uy (Norvège), v.v… Ở châu Âu từ thế kỷ XII, truyện đã được ghi lại qua một bài thơ La-tinh trong có nhân vật là U-ni-bốt, chàng nông dân ranh ma, láu lỉnh, đã tìm cách trả thù được tên chúa đất từng giết chết con bò của mình. Loại mô-típ này riêng ở Pháp đã có 130 dị bản[11].
Trương Vĩnh Ký kể truyện Cuội có đưa thêm vào một tình tiết:
Cuội tới nhà chú mượn vạc đồng để nấu bánh cúng. Chú tưởng thật, lấy cho mượn. Cuội xách vạc bán lấy tiền tiêu. Chú đòi không được, kiện lên quan. Cuội sai vợ mua một con chim vạc đưa lên quan, nhận lỗi là có mượn vạc đồng, nay xin trả trước mặt quan. Chú Cuội không biết làm sao để cãi cho mình thắng, đành nhận con vạc về, trong bụng căm tức vô hạn. Bèn nghĩ cách bắt Cuội bỏ rọ dìm xuống sông…[12].
Tóm lại, truyện Nói dối như Cuội gần như một loại hình cổ tích phổ biến của số đông các dân tộc trên thế giới.
[1] Theo lời kể của người Hà-tĩnh, Quảng-bình.
[2] Nhà xuất bản Nguyễn Du, Hà-nội, 1957.
[3] Xem truyện Quậy của dân tộc Hrê ở Truyện cổ dân gian Việt-nam, tập I, đã dẫn. Trong truyện này người kể đã gần như lẫn lộn Cuội trong Nói dối như Cuội với Cuội trong Sự tích thằng Cuội cung trăng.
[4] Theo Truyện dân gian Căm- pu-chia.
[5] Theo Đức Hùng, Phù Ninh. Nàng Ái Kao (truyện cổ tích).
[6] Theo Truyện dân gian Miến-điện. Sách đã dẫn.
[7] Theo Bức gấm thêu.
[8] Theo Nắng Mai Hồng. Sách đã dẫn.
[9] Theo Mê-ra-vi-ơ (Méraville). Truyện dân gian miền Ô-véc-nhơ.
[10] Phần nhiều các truyện trên đều theo Cô-xcanh (Cosquin). Sách đã dẫn.
[11] Theo Mê-ra-vi-ơ (Méraville). Sách đã dẫn.
[12] Truyện Cháu nói láo hại chú trả thù, trong sách đã dẫn. Chúng tôi nghi ngờ rằng truyện Vạc đồng trên là lẫn lộn với các tình tiết của tiếu lâm.
Ngày xưa có một anh chàng trẻ tuổi tên là Cuội. Từ thuở nhỏ, Cuội mồ côi cả cha lẫn mẹ phải đi ở với chú thím. Hắn ta là tay láu lỉnh, đặc biệt về môn lừa người thì rất thành thạo. Một lão trọc phú ở trong miền nghe tiếng đồn về Cuội tỏ vẻ không tin. Một hôm, hắn cho người gọi Cuội đến và bảo:
– Nghe nói mày lừa người giỏi lắm. Bây giờ tao ngồi ở đây, đố mày lừa tao cho tao ra ngoài cổng thì tao lập tức thưởng cho mày năm quan. Đấy có mọi người làm chứng đấy!
Cuội ta gãi đầu gãi tai đáp:
– Ông ngồi ở đây, lại có đề phòng sẵn thì làm sao mà lừa ông ra ngoài kia được. Nếu ông ra đứng ngoài cổng tôi mới có cách lừa được ông vào nhà.
Nghe nói thế, lão trọc phú chạy ra cổng. Nhưng khi đến nơi, Cuội đã vỗ tay reo:
– Đấy tôi đã lừa được ông ra cổng rồi!
Trọc phú bị tẽn vì thua cuộc đành phải y ước đem tiền cho Cuội.
Nhà chú thím Cuội có nuôi một con lợn béo. Một hôm nhân lúc mọi người đi vắng cả, Cuội gọi người hàng thịt đến nhà bán rẻ con lợn đó lấy tiền tiêu. Cuội chỉ dặn người ấy giấu kín cho mình và xin lại cái đuôi lợn sống. Hắn đã tìm ra được một mưu để nuốt trôi con lợn. Hắn đào một cái lỗ nhỏ ở đám đất gần chuồng lợn, cắm cái đuôi vào đó rồi nện đất rất chặt. Chờ lúc người thím đi làm về, hắn làm vẻ mặt hốt hoảng, nói:
– Thím ơi! Thật là số không may. Ông gì ấy ông bắt mất lợn nhà ta. Nó xuống âm phủ mất rồi.
Rồi Cuội dắt thím ra chuồng lợn, nói tiếp:
– Nó đã xuống cả hai chân sau rồi, chỉ còn cái đuôi, bây giờ thím hãy giữ lấy cái đuôi đừng cho nó xuống mà cũng đừng giật mạnh kẻo đứt mất là hỏng việc. Cháu sẽ lấy thuổng đào đất xung quanh, may chi bắt nó trở về.
Người thím nghe nói tưởng ông gì bắt lợn thật, vừa lo sợ vừa tiếc của, giục Cuội làm nhanh. Cuội lẳng lặng lấy thuổng đào đất. Đất bở ra cái đuôi không kéo tự nhiên rời khỏi mặt đất. Thấy thế hắn la to lên:
– Thôi! Thế là lợn xuống âm phủ mất rồi. Còn làm ăn gì được nữa.
Một hôm, Cuội cùng chú đi chợ. Cuội xách một cái thúng không. Đột nhiên. Cuội chạy lên trước bỏ quá chú một quãng rồi lấy thúng úp một bãi cứt trâu ở dọc đường. Khi người chú vừa đến nơi, Cuội khư khư giữ chịt lấy thúng, bảo:
– May quá! Cháu vừa úp được một con chim ngói to lắm! Nhưng nếu bây giờ thò tay vào bắt thì nó trượt mắt. Vậy chú mau mau về lấy tay lưới giăng chung quanh để bắt cho chắc. Con này mà đánh chén thì tuyệt!
Người chú vốn có máu tham, nghe hắn nói thế tưởng thật, vội vã trở về nhà lấy lưới đến giăng bốn bên thúng rất cẩn thận. Mọi người xúm lại xem rất đông. Nhưng khi Cuội giở thúng ra, ai nấy đều phì cười vì chỉ thấy một bãi cứt trâu, chả có chim đâu cả. Riêng người chú bị Cuội đánh lừa, giận thâm gan tím ruột, bèn không đi chợ nữa, dắt Cuội về đánh cho một trận thừa sống thiếu chết.
Một hôm khác, Cuội cùng chú đang cuốc cỏ ngoài đồng. Trời nắng như thiêu như đốt. Khát quá, người chú bảo hắn về nhà lấy nước mang ra. Vừa đến nhà, Cuội đã làm vẻ hốt hoảng, nước mắt giàn giụa, miệng mếu nói không ra tiếng:
– Khốn khổ lắm thím ơi! Chú bị trâu húc lòi ruột gan ra một đống. Hiện đã tắt thở, còn nằm trên cồn…
Người thím nghe nói chỉ còn biết kêu trời khóc đất rồi bươn bả ra đồng, vừa đi vừa ôm mặt than khóc rất thảm thiết. Cuội ta lại lẻn theo đường tắt, ba chân bốn cẳng chạy ra đồng. Sắp đến nơi, hắn cũng làm bộ đau đớn, bảo chú:
– Chú ơi! Trời hại ta. Thím ở nhà không biết leo trèo thế nào bị ngã từ trên gác xuống, chết tím cả mặt, không một ai biết cả.
Người chú nghe nói, tưởng thật, đấm ngực kêu trời rồi chạy về kêu khóc suốt cả dọc đường. Đến khi hai vợ chồng đâm sầm vào nhau mới biết là thằng cháu ác nghiệt đánh lừa. Hai vợ chồng tức giận điên cuồng bèn đan một cái rọ bỏ Cuội vào rồi một mình chồng vác ra sông định vứt xuống nước.
Đến bờ sông, cuội ta cầu khẩn: – “Cháu có tội với chú thím, chú thím bắt chết cũng đáng. Có điều ở dương gian cháu nói láo kiếm ăn được là nhờ có một quyển sách nói láo bấy lâu nay vẫn gác trên sàn bếp. Nay chú làm ơn nghĩ đến chút tình máu mủ về lấy giùm quyển sách đó đặng cháu mang theo xuống âm phủ kiếm ăn”. Nghe hắn nói có vẻ thảm thiết, người chú tưởng thật, nghĩ bụng, tay hắn mình đã trói, rọ lại buộc chặt không thể trốn đi đằng nào được, bèn tất tả chạy về lấy sách.
Đang ngồi co ro trong rọ bỗng trông thấy một thằng hủi đi qua, Cuội gọi giật lại:
– Này hủi ơi! Tao trước cũng sưng da thối thịt như mày, nhưng trời run rủi cho tao ngồi vào đây, thế rồi tao được người ta đưa xuống nước chạy chữa, rồi lại khiêng lên, bây giờ lành hẳn cả rồi. Mày cứ mở cho tao ra mà xem.
Hủi tưởng thật, mở rọ cho Cuội ra, tấm tắc khen phép chữa mầu nhiệm rồi mừng rỡ nói:
– May cho tôi quá! Thế anh cho tôi ngồi vào đây rồi anh buộc hộ cho tôi với. Có mấy quan tiền xin được nhân thể tôi biếu anh.
Được tự do, Cuội chờ cho hủi vào, buộc rọ lại cẩn thận rồi cầm tiền đi thẳng.
Lại nói chuyện người chú về nhà tìm mãi trên sàn bếp chẳng thấy gì cả, mớt biết là mình lại bị lừa lần nữa, giận quá, hầm hầm trở ra, chẳng nói chẳng rằng đạp rọ lăn xuống sông. Thế là hủi ta mất tích.
Cuội theo dọc sông đến một cái cầu, nhân trời nóng nực mới cởi áo xuống tắm. Mấy quan tiền của hủi cho, hắn sợ để trên bờ có người lấy mất nên mang cả xuống sông. Một ông quan cưỡi ngựa đi qua trên cầu, thoáng thấy có thằng bé lặn ngụp dưới nước, một tay giơ lên cao có cầm cái gì giống như là quan tiền. Quan động lòng tham, dừng ngựa lại hỏi.
– Bé kia, mày làm gì ở dưới đó?
Cuội làm bộ tìm tòi, nói với quan:
– Tôi mang đi cho cha tôi một thỏi vàng, một thỏi bạc và mấy quan tiền, lúc đứng chơi ở cầu không may lỡ lay đánh rơi xuống mất cả. Nay tôi lặn lội tìm chỉ được có mấy quan tiền mà thôi. Giờ tôi mà về, cha tôi thì đánh chết.
Nói đoạn. Cuội hu hu khóc. Ông quan bèn xuống ngựa, cởi quần áo bảo Cuội:
– Mày bước lên mau đi, để tao còn xuống tắm. Cút mau!
Ý của hắn là muốn một mình mò tìm, tìm được thì giấu đi một chỗ để số vàng bạc ấy về tay hắn hưởng. Vừa nói hắn vừa lội xuống nước.
Cuội bước lên bờ vội lấy ngay quần áo của viên quan ra mặc.
Quan hỏi:
– Mày làm gì thế.
Cuội đáp:
– Tôi rét quá, nhờ áo ông mặc đỡ một tý cho ấm.
– Thế tên mày là gì? Quê quán Ở đâu?
– Tôi họ Bái, tên Dưng, ở Bông lông xã, Ba la huyện.
Mặc xong, Cuội chờ lúc quan lặn xuống nước, lên ngựa phi nước đại. Viên quan lặn tìm mấy lần không thấy gì cả, nhìn lên bờ thì đã mất cả ngựa lẫn áo quần. Biết là bị thằng bé đánh lừa, hắn vừa tức giận vừa hoảng hốt. Cuối cùng hắn dùng mấy cái đồ rách của Cuội bỏ lại, che tạm hạ bộ để chạy đi tìm Cuội. Gặp ai hắn cũng hỏi: – “Có thấy tên Bái Dưng vừa chạy qua đây không?” Nghe hỏi thế mọi người chỉ tủm tỉm cười. Mãi đến khi gặp một người đàn bà, người này đồ hắn là một tên vô lại chọc ghẹo mình, mới quay lại mắng cho một trận. Hắn biết là dại, đành phải im mồm, rồi sau đó nuốt giận lần về nhà.
Lại nói chuyện Cuội phi ngựa về nhà chú thím. Cả hai vợ chồng, nhất là người chồng rất lày làm ngạc nhiên không hiểu tại sao mình đã xô nó xuống sông hai năm rõ mười, thế mà bây giờ nó lại trở về được mà lại ăn mặc đàng hoàng như kia. Hỏi thì Cuội tươi cười đáp:
– Cháu xuống dưới ấy gặp được tất cả mọi người: ông, bà, cha, mẹ, nội ngoại đầy đủ. Cha mẹ cháu giàu có lớn lắm. Nhưng cháu nhớ chú thím quá nên chọn lấy một bộ quần áo, một con ngựa và ít quan tiền trở lên trên này.
Rồi Cuội lại nói thêm:
– Ông bà vẫn nhớ chú thím lắm đấy và có dặn cháu mời chú thím xuống chơi!
Hai vợ chồng người chú nghe nói mừng quá, hỏi Cuội:
– Chúng tao xuống có được không? Cuội trả lời:
– Có khó gì đâu, chú thím cứ làm rọ y như lúc cháu xuống. Nhưng cháu thì không vác nổi đâu, phải mang ra bờ sông, chui vào rọ rồi cháu sẽ lăn xuống thôi!
Người chú vội vàng đan hai chiếc rọ đem ra bờ sông. Đoạn người chú chui vào một chiếc bảo nó buộc chặt lại, vứt xuống. Thấy tăm nước sủi lên sùng sục, Cuội vỗ tay reo:
– A ha! Chú đang lấy đấy!
Nghe nói thế người thím giục Cuội rối rít:
– Cháu cho thím xuống ngay đi!
Người thím lại chui vào rọ để cho Cuội vứt luôn xuống sông. Thế là từ đó Cuội thừa hưởng cơ nghiệp của chú thím để lại.
Nhưng Cuội ăn chơi loang toàng chả mấy chốc đã bán hết gia tư điền sản. Hắn muốn đi chơi một phen cho thật xa, bèn sắm sửa lương thực rồi một hôm bỏ nhà ra đi.
Cuội đến một vùng rừng núi trùng điệp. Ở đây có rất nhiều voi, Cuội bèn nghĩ kế bắt cho được một con. Hắn ta đào một cái hố rất rộng và rất sâu ở chỗ voi hay qua lại. Trên miệng hố có bắc tre nứa lát phên và ghép cỏ rất khéo. Quả nhiên sau đó ba hôm có một con voi bị sa hố đầu chúc xuống dưới, đít chổng lên trời, không cựa quậy được. Cuội dùng đất lấp voi lại chỉ chừa có cái lỗ đít. Và khoét đít voi thành một cái lỗ lớn hơn, rồi cứ để yên tại đó, chỉ thỉnh thoảng đến trông chừng. Hắn bụng bảo dạ: – “Rồi ta sẽ có một con voi biết bay, đi chu du thiên hạ!”.
Sau khi voi chết, quạ và diều ngửi thấy mùi thịt liền rủ nhau tới ăn. Chúng nó chui qua lỗ đít tiến sâu vào thân con voi để rỉa lân thịt ở trong đó. Trước còn năm con mười con, sau dần dần có hàng trăm con ngày ngày chui vào chén thịt và lòng rất thỏa thích. Cuội ta chờ đến lúc thịt voi đã gần kiệt, rình khi chim chóc chui vào khá nhiều: mới thình lình đút nút đít voi lại.
Thế rồi Cuội đào đất lên cho cái xác da voi nằm ngay ngắn. Hắn cưỡi lên lưng, dùng gậy đánh nhẹ ở dưới bụng voi. Tự nhiên bầy chim ở trong cái xác da voi bay vụt cả lên, mang cái xác da voi và Cuội lên trời.
Cái xác da voi hay giữa không trung qua những núi dài sông rộng làm cho Cuội nhìn không chán mắt. Cuội cứ để cho bay mãi suốt ngày. Cuối cùng nhìn thấy một kinh thành rộng lớn, trong đó nhà ngói san sát, người qua lại đông không biết bao nhiêu mà kể. Cuội muốn xuống xem thử cho biết. Hắn vỗ mấy cái trên lưng voi, chim chóc thấy động phía trên thì sợ hãi xếp cánh không bay nữa. Cái xác da voi từ từ hạ xuống. Nó rơi xuống trúng giữa sân rồng có các quan đang làm lễ bái mạng.
Nhà vua và tất cả triều thần thấy có một người cưỡi voi từ trên trời xuống thì kinh hãi bội phần, vội vàng sụp xuống lạy Cuội như tế sao. Họ đón Cuội như đón một vị thần vừa giáng hạ. Nhà vua thân đưa Cuội vào nội điện và không dám ngồi ngang hàng.
Cuội sung sướng hưởng những cỗ bàn lễ vật của mọi người đem dâng. Khi nghe Cuội nói đến sự màu nhiệm của con vật, nhà vua cất tiếng run run hỏi: – “Ngài có thể cho quả nhân cưỡi lên voi đi ngắm cảnh gấm vóc trong thiên hạ được chăng?” Cuội đáp: – “Được lắm, nhưng cần phải làm hai việc: một là nhà vua phải thay đổi áo quần cho tôi, vì con vật nó hay lạ hơi người, hai là khi ra giữa biển phải nhớ mở cái nút đằng sau cho nó uống nước”.
Không một ai ngăn cản được lòng ham muốn của nhà vua. Cuối cùng cái xác da voi đưa vua lên không trung. Ra giữa biển, vua nhớ tới lời Cuội dặn, mở nút đằng đít để cho voi giải khát. Lũ quạ và diều mấy lâu bị giam cầm, nay thấy có chỗ hở lục tục bay ra tất cả. Cái xác da voi rơi xuống biển và chả mấy chốc nhà vua đã lọt vào bụng cá. Còn Cuội mặc áo hoàng bào lên làm vua nước ấy[1].
KHẢO DỊ
Cuội vào rừng chặt mây gặp một con hổ đến. Hổ hỏi: – “Làm công việc gì mà lấy nhiều mây thế?”. Đáp: – “Trời sắp lụt to đến nơi, lấy về để treo họ hàng bà con lên kẻo chết đuối”. Tin là thật, hổ cầu khẩn nhờ Cuội treo giúp mình và bà con mình, Cuội nhận lời, hứa sẽ làm sẵn dây rồi định ngày bảo hổ đến một khu rừng nọ tự thò đầu vào dây để mình kéo lên kẻo mình làm không nổi vì hổ nặng quá. Rồi đó, Cuội lấy mây làm rất nhiều thòng lọng. Đến ngày hẹn, hổ và bà con nhà hổ đến rừng lần lượt chui đầu vào thòng lọng. Cuội đâm chết hết bà con nhà hổ. Còn lại một con hổ cái hết lời cầu khẩn xin tha mạng. Cuội bằng lòng tha nhưng với điều kiện là hàng ngày phải tìm mồi cho mình ăn.
Một hôm hổ cái gặp voi. Hổ bảo voi phải trốn ngay không thì Cuội giết chết. Voi nói mình có ngà không sợ, sẽ tìm đến giết Cuội cho xem. Đoạn hỏi chỗ ở của Cuội để hôm sau đến. Lúc hổ cái về nộp thịt cho Cuội, kể lại câu chuyện như trên. Cuội bèn đào hố trên phủ cây cỏ. Voi đi tới thấy Cuội định xông lại bắt, nhưng bị sa hố. Câu chuyện đến đây giống như trên đã kể.
Chỗ Cuội lừa ông quan thì sách này chép là lừa bà lão gánh hàng tấm. Cuội bảo bà lão: – “Bà thì già, gánh thì nặng. Bà đưa tôi gánh đỡ, đến chợ bà cho tôi bữa ăn là đủ”. Bà lão hỏi tên họ quê quán, Cuội cũng khai là Bông lông xã, Ba la huyện, còn tên mình thì nói là Cha Căng Chú Kiết. Được gánh hàng Cuội chạy vùn vụt làm bà lão đuổi không kịp, gặp ai cũng hỏi: – “Có thấy thằng Cha Căng Chú Kiết đâu không?”- Khi bà lão biết là mình bị lừa thì Cuội ta đã xấp ướt gánh hàng đem về nhà chú, nói dối là hàng lấy được từ dưới sông lên. v.v…
Xem thêm truyện Mưu trí đàn bà (số 109, tập III).
Có người kể lẫn lộn truyện Nói dối như Cuội này với truyện Sự tích thằng Cuội cung trăng (số 127 tập III). Ví dụ tác giả sách Sơn cư tạp thuật ở truyện Mạn tử, v.v…
Đoạn Cuội bán lợn rồi cắm đuôi xuống đất lừa thím, tương tự với sự tích vua Đinh Tiên Hoàng: lúc nhỏ vua ở chăn trâu cho người chú. Một hôm giết trâu đãi các bạn ăn, cắm đuôi xuống đất rồi về báo chú là trâu chui xuống đất. Chú lên núi thấy đuôi, nắm kéo bị ngã ngửa. Giận quá, chú đuổi cháu. Cháu chạy đến bến đò, ở đó có người chèo đò tên là Rồng, bèn gọi: – “Rồng mau mau đưa tao sang sông”. Bỗng nhiên có con rồng hiện lên đưa ông qua… Truyền thuyết Nguyễn Chích (sưu tầm ở Thanh-hóa) cũng giống như trên, chỉ có khác là không phải con rồng mà là một con rùa đưa ông qua sông. Sự tích vua Minh Thái Tổ (Trung-quốc) cũng có một đoạn tương tự.
Truyện Nói dối như Cuội của ta tương tự ít hay nhiều với một số cổ tích Đông Tây. Gần gũi nhất là truyện của đồng bào Ja-rai (Djarai) ở Tây-nguyên và truyện của người Khơ-me (Khmer). Chúng tôi chỉ kể ra đây một ít truyện tiêu biểu: Trước hết là truyện của người Ja-rai, nhan đề là Cơn và Nắc. Đó là hai người bạn. Bị Nắc chơi ác cho mượn rùa làm gối để nó cắn mình, Cơn quyết trả thù. Hắn lừa chồng nói là vợ chết, lại lừa vợ nói là chồng chết làm cho hai vợ chồng Nắc vì thương nhớ quá lưu ly thất lạc, thân tàn ma dại một thời gian. Khi hai vợ chồng gặp nhau biết mình bị lừa, bèn bắt Cơn bỏ rọ trôi sông, nhưng Cơn đã lừa được một người hủi chết thay cho mình. v.v… Thứ hai là truyện của đồng bào Xơ-đăng và Hrê tương đối phong phú về tình tiết hơn cả. Trong đó Cuội lừa cọp, lừa quan và cũng như truyện của ta, Cuội cưỡi xác voi biết bay bay lên trời[3].
Truyện của người Khơ-me (Khmer): Một anh chàng tìm cách ăn thịt con lợn của người mẹ. Một hôm, hắn cầm thúng dắt mẹ đi, nói là để kiếm vàng. Đến một nơi nọ, thình lình hắn úp thúng xuống đất, bảo mẹ giữ cho chặt rồi ngồi chờ cho hắn về kiếm thuổng để đào. Hắn về giết lợn đãi bạn bè hàng xóm. Mẹ chờ lâu, đói quá mở thúng ra chả thấy gì cả, về nhà thì thấy mọi người đang ăn thịt lợn. Mẹ giận quá bảo em mình bỏ hắn vào bị định quăng sông. Câu chuyện cũng xẩy ra như truyện của ta. Hắn nhờ ông cậu về kiếm cho quyển sách nói láo và cũng gặp một người hủi. Nhưng chỗ khác là khi trốn ra khỏi bị, hắn gặp một người khác hỏi làm sao có lắm tiền. Đáp: xuống dưới ấy mọi người đều giàu có và số tiền này là do đánh bạc mà được… Nghe vậy người kia cũng nhảy xuống nước, nhưng chỉ một lúc hắn đã nổi lên với cái mũi bị thương, nói: “Tao cũng có đánh được bạc nhưng hỏi thì họ bảo lên trên mày mà đòi. Tao nói mãi họ cho một đấm chảy máu mũi như thế này”.
Anh chàng nghe nói, biết là gặp tay lừa dối cũng vào hạng khá, nhưng cũng vui lòng chia tiền cho và kết làm bạn.
Người Khơ-me còn có truyện Thơ-mênh Chây có nhiều tình tiết giống với truyện Trạng Quỳnh, trong đó cũng có một số tình tiết gần giống truyện Cuội.
Ví dụ tình tiết sau đây:
Thơ-mênh Chây hay lừa người. Vua nghe tiếng gọi đến bảo hãy lừa mình xem. Đáp: – “Việc lừa của tôi là nhờ vào một quyển sách nói dối. Tiếc rằng quyển sách lại để ở nhà mẹ tôi”. – “Cho phép ngươi về lấy”. – “Vì hôm qua chữa cháy nên bị bỏng chân, đi lại khó khăn. Xin phái một viên quan về lấy”. Khi viên quan trở lại nói rằng mẹ Thơ-mênh Chây bảo xưa nay trong nhà không hề có quyển sách đó, vua nổi giận hỏi Thơ-mênh Chây, hắn ung dung đáp: – “Vậy là tôi đã lừa được nhà vua rồi đó”[4].
Đồng bào Mường cũng có truyện Cuội, có truyện rất dài, có truyện ngắn, nội dung có truyện gần giống với truyện Cuội của ta, cũng có truyện kết hợp thêm một số tình tiết giống truyện Trạng Quỳnh (hay Thơ-mênh Chây của người Khơ-me). Chúng tôi kể ra dây vài truyện (xem thêm truyện Eng Cuội trong Truyện cổ dân văn Việt-nam, tập I):
Cuội chơi cho lang một vố rất đau (giả nói là đi bắt rùa rồi tìm cách nằm với hai con gái lang. Khi bị lang hỏi tội thì tìm cách chối bằng cách nhúng b… vào bột nhà lang) nhưng lang chưa có lý do để buộc tội.
Sau đó, Cuội lại chơi cho lang một vố thứ hai, thường ngày mang đến biếu lang những chiếc bánh ngon. Lang hỏi ở đâu ra thì đáp là do con chó quý của mình ỉa ra. Lâu không thấy Cuội đến, lang tìm đến nhà Cuội hỏi bánh. Cuội lôi chó vào buồng đánh ba roi rồi đưa ba vắt bánh ra biếu lang. Thấy thế lang hỏi mua con chó. Cuội đòi đổi một con trâu mộng. Giao chó, Cuội dặn đừng đánh vội, phải để cho chó nghỉ ngơi một thời gian để quen hơi đã. Chưa được hai ngày lang đã bắt chó ra đánh. Khi ăn thấy không phải là bánh, lang mang chó đến nhà Cuội trả để đòi lại trâu. Cuội hỏi được mấy ngày? – “Hai ngày”. “Thế là tại lang vội vàng nên hỏng mất phép mầu của con chó”. Cuội nói thế, nhất định không trả trâu lại.
Lập mưu giết Cuội, lang bảo dân chuẩn bị nứa vát nhọn. Có một hố sâu từ lâu không ai dám xuống. Lang bảo chỉ có Cuội là xuống được. Trước khi xuống, Cuội quẳng xuống hố một gốc chuối. Rồi khi xuống đến đáy hố, Cuội chui vào một ngách, cởi áo của mình ra trùm vào gốc chuối. Ở trên lang bắt mọi người phóng nứa xuống. Tưởng Cuối đã chết, ai nấy bỏ về, nhưng đến chiều lang lại gặp Cuội.
Lang định đan rọ để dìm Cuội xuống sông cho chết. Cuội biết ý nói với người ta rằng: – “Ngâm tôi xuống nước, tôi sống ba năm, còn đặt trên cạn tôi chỉ sống được ba ngày”. Lang nghe lời, bèn đặt rọ nhốt Cuội ở chuồng trâu chờ trâu về chuồng sẽ giẫm chết. Ngồi một lúc, Cuội gặp một bà già nhà lang đau mắt đi tìm thuốc qua đó. Cuội bảo cứ vào đây ngồi khắc khỏi. Chiều lại, trâu về chuồng đạp chết bà già.
Thấy Cuội vẫn chưa chết, lang định bỏ rọ Cuội ném sông. Cuội cười vang lên cố làm cho lang tin rằng “bè bưởi thì chìm, bè đá thì nổi”. Vì thế lang cho trẩy nhiều bưởi buộc cùng với rọ Cuội ném xuống sông. Rọ Cuội trôi một quãng xa xuống bến dưới nhờ bưởi lại nổi lên. Cuội bèn đóng một gánh xuống mường dưới tìm đến nhà một lang khác nói bưởi của lang mình đưa đến biếu và xin muốn một con trâu đực về làm giống. Được trâu, Cuội trở về mường mình nói dối là xuống nước biếu bưởi cho vua Thủy được vua Thủy tặng lại một trâu đưa về. Cuội lại nói thêm. Giá có một bè đá cho vua Thủy thì vua sẽ tặng voi. Lang động lòng tham chui vào rọ có buộc đá để Cuội ném xuống sông.
Trong sách Truyện cổ tích miền núi có truyện Nhà lang với anh Tới của đồng bào Mường cũng là một dị bản của truyện Cuội, có phần giống với truyện của các dân tộc khác hơn là truyện của ta.
Một người dân tên là Tới làm cho một tên lang nọ tức điên ruột vì những hành động chống đối của mình. Lang muốn bỏ Tới vào túi ném xuống sông. Tới bảo: – Túi bằng vải sẽ không ngăn được hồn ma trở về, chỉ có túi giấy là ngăn được”. Lang bèn làm túi giấy, Tới nhờ vậy không chết. Tới bắt trâu lang dắt đến nhà lang, nhận là trâu mình do vua Thủy cho. Lang không chịu, Tới hỏi: – “Trâu của lang có mấy hàm răng?” – “Hai hàm” – “Vậy trâu này đích là của tôi vì khi cho, vua Thùy đã sai vặn răng mất một hàm”. Lang chịu mất trâu.
Thấy Tới nhiều trâu, lang và Ậu cũng muốn xuống xin trâu vua Thủy, Tới bảo: – “Chỉ có dân mới vào túi giấy, còn lang thì phải vào túi gấm, Ậu thì túi vải”. Vợ lang không thấy chồng về, Tới hảo: – “Có lẽ lang và Ậu vui quên về vì dưới ấy lắm con gái đẹp”. Vợ lang nổi cơn ghen đòi chui vào túi. Cuối cùng Tới cũng cho mụ đi theo chồng và chiếm cả tài sản.
Người Tày có truyện Hột Nhồi:
Hột Nhồi ở với chúa đất (quàng). Thấy chúa nói ăn không biết ngon, bèn đưa chúa vào rừng tìm thuốc chữa. Anh dắt hắn qua năm suối mười khe cho đến khi chúa kêu đói, anh cho hắn ăn bát cơm nguội, hắn khen ngon. Lần khác, chúa bắt dâng buồng chuối chín, anh dâng một buồng, quả chỉ có vỏ không ruột. Hỏi thì anh đáp: – “Không thấy chúa dặn có lõi hay không”. Lần khác, chúa lại đòi cá chép to lấy cả trong lẫn ngoài, anh đưa lên một con to nhưng đã ươn ình. Hỏi thì đáp: – “Không thấy chúa dặn phải lấy cá tươi”. Cả ba lần chúa đất giận lắm, nhưng không có lý do để bắt tội.
Một hôm chúa ngồi lên bắt anh lạy. Vì dưới giường lúc ấy có con chó nên lạy xong anh nói: – “Tôi lạy ông cũng như lạy chó”. Nói rồi chỉ con chó dưới giường. Chúa giận quá bắt trói ở cửa. Nửa đêm, chúa đau bụng đi ngoài, anh ôm lấy chân, nói: – “Tôi yêu ông lắm, ông đi đâu tôi cũng đi”. Nói rồi không chịu thả. Chúa mót quá phải cởi trói cho anh.
Một hôm nhà chúa có người chết, sai anh lên rừng chặt gỗ làm áo quan. Anh chặt cây mọc ở vách đá rồi buộc dây bảo con cháu chúa kéo. Cây đổ đè lên chết cả. Về thấy chúa khóc, anh nói: – “Chết một đống không khóc, đi khóc một người”. Gặp kỵ giỗ anh đốt than thả trên nguồn nước, về bảo nhà chúa rằng: – “Ai muốn xem bọ hung đi buôn thì ra mà xem”. Mọi người đua nhau đi xem, nhân dịp ấy anh xếp xôi thịt làm một gánh vào rừng chén đẫy. Lần này chúa nhất định bắt anh phải chết. Từ đây truyện giống với Cuội của ta, chúa bắt Hột Nhồi bỏ bị đặt ở miệng vực, đợi ăn xong sẽ xô xuống. Một chúa đất khác cưỡi ngựa đi qua, hỏi thì đáp: – “Tôi bị ghẻ kinh niên nằm vào đây để có người mang đi chữa”. Chúa xin nằm thay vì hắn cũng có ghẻ. Hột Nhồi đợi hắn bị người ta xô xuống sông, mới cưỡi ngựa về, kể với chúa cảnh sống sung túc ở dưới nước, làm cho chúa thèm rỏ dãi. Chúa hỏi: – “Ta và người nhà ta có xuống được không?” – “Càng nhiều càng tốt. Hãy làm cho chúa lồng song, người nhà lồng tre”. Mấy ngày sau khi làm cho cả họ nhà chúa chết sạch, Hột Nhồi lại đến kể với vợ chúa hành trình xuống thủy phủ. Ngày thứ nhất qua bản Chăng (chìm), ngày thứ hai qua bản Phù (nổi), ngày thứ ba qua bản Phong (trôi) ngày thứ tư qua Háng ngày cá (chợ quạ) rồi mới đến Xứ sở tổ tiên nhà chúa. Tổ tiên nhà chúa không cho về nữa. Vợ chúa nghe nói thế đi lấy chồng khác[5].
Người Miến-điện (Myanmar) có truyện Cậu bé nói dối:
Một thằng bé hay đi lừa, người ta gọi là Thánh Cuội. Một hôm cùng đi với bố có mang theo một túi cơm thịt để đi đường mà ăn, hắn lụt lại sau, chén hết sạch, vứt túi. Khi bố bảo đưa túi thì hắn đáp: – “Con tưởng mang đi đường ăn, nên con vứt cho đường ăn lúc nãy rồi!”. Bị bố đuổi, Cuội về lu loa với mẹ rằng bố đã bị rắn cắn chết, may có mà người lang khiêng xác về hộ. Thấy mẹ bận than khóc, hắn nói: – “Nên quay con lợn nhà để đãi những người mang xác bố về”. Mẹ bằng lòng, hắn làm ngay và ngồi chén hết một nửa. Đến chiều bố về thấy vậy, đánh cho một trận, bảo: – “Cho mày nốt chỗ lợn kia rồi cút đi khuất mắt không được về nữa!”. Gặp một lão hà tiện đang cuốc vườn, hắn vác lợn đến, nói: – “Bác ơi, cháu biếu bác một nồi đầy thịt quay đây, nhưng phải cho cháu xin chiếc nồi đất, được không?” – “Được”. Hắn lại nói: – “Không phải phiền bác trở về nhà làm gì để cháu gặp bác gái, nhờ bác ấy lấy nồi cho”. Khi gặp vợ lão hà tiện hắn lại nói khác đi: – “Đây là thịt quay, bác trai đồng ý đổi một túi vàng đấy!”. Thấy bà này tỏ vẻ không tin, hắn gọi to cho lão chồng nghe: – “Bác ơi, bác gái không chịu đưa đây này”. – “Cứ đưa ngay cho nó đi!”. Lão hà tiện quát. Thế là Cuội chuồn với túi vàng. Đi thật xa, Cuội móc túi lấy bốn năm đồng vàng, chôn làm bốn năm chỗ trên đường đi, rồi bê một cành cây cầm tay. Một người cưỡi ngựa đi quá, hắn vụt roi xuống: “Đưa đây đồng vàng “. Rồi làm cho người kia thấy mỗi một cái vụt roi lại được một đồng tiền vàng. Người kia đòi đổi ngựa lấy roi, hắn để cho người kia nằn nì chán mới chịu đổi, rồi phóng ngựa đi mất. Đến một nhà giàu, Cuội xin gửi con ngựa vào chuồng. Đêm lại lấy một ít tiền vàng rắc vào cứt ngựa, sáng dậy mượn chủ cái rổ. Lão nhà giàu cho người rình, thấy hắn sàng phân ngựa ra vàng thì đòi mua ngay con ngựa, ngã giá một ngàn đồng vàng. Hắn lấy tiền đi thật xa. Gặp hai ông bà già, hắn khoe mình có phép “cải lão hoàn đồng”. Để cho họ tin, hắn dùng nhiều tiền thuê hai mẹ con nhà nọ: trong khi cho cô gái núp sau màn, ở ngoài này hắn làm bộ gõ chày vào người bà mẹ đoạn bảo người ấy bước vào sau màn, chốc sau cô gái bước ra nói những lời cảm ơn thày đã làm phép cho mình trở nên trẻ và đẹp. Thấy vậy, hai ông bà già kỳ kèo xin hắn làm phép cho. Hắn đòi một ngàn đồng vàng. Sau khi gõ xong, hắn bắt họ phải ngồi im trong hai tiếng đồng hồ thì phép mới nghiệm, nhân dịp đó hắn ba chân bốn cẳng chạy trốn.
Hành động của Cuội đến tai nhà vua, vua ra lệnh bắt hắn bỏ vào túi ném sông. Trong khi chờ mặt trời lặn (là lúc thực hiện cuộc hành hình), bọn lính treo túi lên cây rồi đi uống rượu. Nghe tiếng chân voi đi tới hắn kêu; – “Ta không làm thái tử đâu!”. Người cưỡi voi hỏi: – “Gì thế?”. Đáp: – “Vua không có con nối, bắt tôi về nuôi làm thái tử, mà tôi thì không muốn tí nào” – “Tôi thay vào có được không?” – “Được, nhưng phải chịu treo lên cây như thế này người ta mới đưa về cung” – “Được”. Thế là Cuội đánh voi đi thật xa, đâm cho voi chết, rồi khoét rộng bụng voi cho kền kền chui vào rỉa thịt. Như truyện của ta, khi chim vào đông thì lấy giẻ nút lại. Cuội cũng được chim đưa lên không trung và sau đó dặt xuống giữa sân rồng. Vua nhận ra Cuội: – “Hôm trước ta đã sai dìm ngươi rồi kia mà!”. Đáp – “Quả có thế, nhưng vua Thủy (na-ga) đã cứu tôi lên và tặng con voi bay”. – “Ta có thế cưỡi đi đây đi đó được chăng?” – “Nếu cho tôi làm thái tử thì được”. Vua thích thú khi xác voi đưa lên không, nhưng khi tò mò rút cái nút giẻ thì chim lục tục bay ra làm cho hắn rơi xuống chết. Cuội lên ngôi, từ đó bỏ thói đi lừa, người ta gọi là vua anh minh[6].
Người Ấn-độ có hai truyện:
a) Một anh chàng có nuôi một con chim rất khôn. Khi đi làm đồng, vợ chồng anh buộc một cái điếu vào chim, thế là chim mang thức hút đến cho chủ. Có sáu người đi qua thấy vậy, bèn mua con chim 300 ru-pi. Một hôm, họ buộc 300 ru-pi vào chim, bảo chim mang đến một nơi nọ. Chim không mang đến đó mà lại mang tiền về cho chủ cũ. Anh chàng lấy ra trong số đó 100 ru-pi cho con bò của mình nuốt. Sáu người kia đến đòi chim và tiền, nhưng thấy bò ỉa ra tiền vàng thì lại bỏ ra 5.000 ru-pi để chiếm lấy con bò quý. Lại đến lượt họ mang bò đến trả và đòi lại tiền vì thấy bò không còn mầu nhiệm nhu trước. Anh chàng mời họ ngồi ăn. Đang ăn anh bỗng cầm gậy đánh vợ và bảo: – “Biến thành con gái đi lấy đĩa khác lại đây!”. Một cô gái (kỳ thực là con anh ta) đi vào với đĩa thức ăn. Sáu người kia lại bỏ ra 600 ru-pi mua lấy cái gậy thần. Về đánh vợ, không thấy trẻ lại, bọn họ bèn chạy đến đòi lại mọi thứ. Anh chàng không có đủ để trả bị họ đốt mất nhà. Anh chàng bèn nhặt tro bỏ vào nhiều bao chở lên lưng trâu đưa đến Răng-pua. Dọc dường, anh ta gặp một toán người chở những bao bạc cho một ông chủ kho bạc. Thừa dịp họ ngủ, hắn đánh tráo hai bao của mình lấy bao của họ rồi trốn về, dùng tiền của đó ăn tiêu rất sung sướng. Sáu người kia hỏi làm sao có bạc thì hắn đáp là tiền bán tro nhà của mình. Nghe hắn nói đưa loại tro đó ra tỉnh bán mấy cũng hết, sáu người thi nhau đốt nhà lấy tro, đóng bao cho ra tỉnh, nhưng chả được gì hơn là roi quất vào đít. Tức quá, bọn họ trở về, trói tay chân hắn lại bỏ vào bao quẳng xuống sông ở gần đấy, nhưng bao trôi vướng phải cọc. Thoáng thấy có người cưỡi ngựa đi qua đó, hắn kêu cứu, hứa xin cắt cỏ ngựa cho anh ta không lấy tiền. Nhưng khi được cứu thoát, nhè lúc người kia vô ý, hắn thình lình nhảy lên ngựa phi mất. Về nhà, hắn cho sáu người kia biết là dưới nước có rất nhiều ngựa, cuối cùng sáu người tình nguyện xuống nước như các truyện trên.
b) Một anh chàng đi theo kiếm ăn với một bọn trộm. Một hôm cãi nhau, bị chúng đánh trói và đem đi buông sông. Dọc dường bọn chúng đói bụng bèn bỏ anh dưới gốc cây, đi kiếm cái ăn. Một người chăn bò qua đấy hỏi duyên cớ hắn đáp: – “Ta là con vua, người ta ép lấy công chúa con vua một nước khác, nhưng ta không chịu, bị họ trói đi, bắt lấy cho được”. Cũng như truyện trên, người chăn bò xin thay đổi địa vị. Anh chàng dắt bò về nhà và bọn trộm lại nhờ hắn quẳng hộ xuống sông, v.v…
Người Áp-ga-ni-xtăng (Afghanistan) cũng có hai truyện:
a) Một đứa bé để bò phá vườn bị chủ vườn cắt mất lưỡi bò. Bò chết. Hắn lột da đem về. Chưa đến nhà, trời đã tối, hắn trèo lên một cây cổ thụ nghỉ đêm. Đêm ấy có một bọn trộm ở đâu đến dưới gốc cây chia của, chúng chia không đều, đánh nhau loạn xạ. Anh chàng sợ quá, để rơi tấm da bò xuống. Bọn trộm hoảng hồn bỏ của lại chạy mất. Hắn xuống, vơ lấy rồi về nói dối với mọi người là mình bán da bò được rất nhiều tiền. Mọi người đua nhau giết bò của mình lột da đi bán, bán không được họ trói hắn ném xuống sông và rồi việc cũng xảy ra như trên.
b) Hai anh em nhà nọ, anh là Tay-ga Khan một hôm bảo em dắt dê ra chợ. Dọc đường, em lần lượt gặp sáu tay đi lừa; đứa nào gặp em cũng bảo đấy là con chó chứ không phải dê, đến nỗi cuối cùng người em phải bỏ lại con vật, chạy về không. Tay-ga Khan nghe kể quyết bắt chúng phải bồi gấp trăm. Mai sáng, anh chàng cưỡi một con lừa trên lưng trải chăn rất đẹp đi chơi chợ. Bọn kia gặp, hỏi: – “Tại sao lại tô điểm con lừa đẹp thế.” – “Không phải lừa đâu, đó là con bu-sa-ki” – “Là con gì?” – “Là con vật sống trên 100 tuổi, có phép ỉa ra vàng”. Hôm ấy người anh nấn ná ở lại và được bọn kia mời về nhà nghỉ. Tay-ga Khan giấu một ít tiền vàng ở đống phân. Sáng dậy cho lừa ra đống phân ỉa và làm bộ nhặt thấy tiền vàng. Sáu người kia mua ngay con lừa 500 ru-pi. Người anh trở về dặn vợ cứ làm như thế như thế, nếu bọn kia đến. Bọn kia quả tìm đến và kêu ca về con lừa. Người vợ nói: – “Chồng tôi còn đi vắng, để tôi sai con thỏ đi gọi về ngay cho các ông”. Bèn thả một con thỏ xám và bảo: – “Đi gọi ông chủ về ngay”- Được một chốc, Tay-ga Khan quả về, trong tay cầm con thỏ xám và nói: – “Đang giở bận, vì nó giục quá phải về”. Bọn kia tấm tắc về con thỏ quý, mua ngay 600 ru-pi. Hôm sau, chúng lại đến kêu ca. Tay-ga làm bộ đang cơn giận dữ, cầm dao giết vợ, rồi lại làm bộ hối hận, vào buồng lấy cái gậy chỉ vào người vợ làm cho vợ sống lại. Bọn kia choáng mắt, bỏ ra 500 ru-pi để mua cái gậy. Lúc về bọn chúng nhân cơn giận mẹ, bèn cầm dao giết mẹ, nhưng lúc nguôi giận thì dĩ nhiên gậy không làm sống được. Lại chạy đến đòi, Tay-ga đã trốn biệt.
Truyện của người Xây-lan (Sri Lanka):
Lô-ku Áp-pu vay tiền của một bọn đánh trống mà không chịu trả. Biết họ lại đến đòi, cũng như truyện Ấn-độ trên, hắn dặn trước một bà già và một cô con gái, rồi một mình ngồi gọt một cái gậy. Bọn chủ nợ tới, hắn mời ngồi rồi bỗng đánh vào bà già một gậy bảo bà biến thành con gái và mang trầu ra đây. Một chốc từ trong buồng một cô gái bước ra. Bọn chủ nợ nài để lại cho họ cái gậy màu nhiệm không được, bèn cướp lấy mang đi. Về nhà họ đánh chết bà già mà không thấy trẻ lại. Bọn họ lại đến hỏi, hắn bảo là vì đánh sai đầu gậy. Lại về đánh, không được, họ bèn đến nhà bắt Lô-ku Áp-pu bỏ vào một cái túi định quẳng xuống sông. Vừa đến bờ, nghe tiếng trống, họ bỏ túi xuống đất chạy đến chỗ có tiếng trống để xem việc gì. Vừa khi có một người Hồi-hồi buôn vải qua đó. Thấy hắn kêu: – “Ta không biết đọc biết viết sao cứ bắt ta đi cai trị nước”, người lái buôn gạ hắn cho thay đổi địa vị và sau đó cũng như các truyện trên, anh Hồi-hồi bị quẳng xuống sông.
Bọn kia lại gặp Lô-ku Áp-pu đang giặt vải, hỏi thì đáp lấy ở dưới sông lên, vì lấm bùn nên phải ngồi giặt. Bọn họ lại nhờ hắn bỏ mình vào túi ném hộ xuống sông.
Người Tác-ta (Tartare) Ở miền Nam Xi-bê-ri (Sibérie) cũng có ba truyện:
a) Một người cưỡi con lạc đà đi chơi và được một người nọ ở dọc dường mời vào nhà chơi: – “Không, anh ta nói, tôi sợ bốn con lạc đà của ông ăn mất con lạc đà của tôi?” – Nếu nó ăn thì chúng tôi sẽ đền cho cả bốn con”. Việc quả xẩy ra, và anh ta được đền bốn con vật. Lúc về nhà anh ta nói dối với hai anh là mình giết con lạc đà của mình đem bán, sau đó đến một nơi khác dùng tiền đó mua được bốn con. Hai anh tin lời, bèn giết lạc đà đem đi bán nhưng chỉ được gậy vào lưng. Người em lại giết mẹ, buộc mẹ lên ngựa cho đi. Thấy một người lái buôn sắp đi qua, hắn bảo dừng lại kẻo mẹ mình lòa có thể ngã ngựa. Người lái buôn không nghe cứ đi, cái xác ngã xuống, phải bồi 1.000 rúp. Lúc về, em bảo anh giết vợ sẽ bán được nhiều tiền. Không được gì, anh trói em lại toan đốt sống. Trong khi anh vào rừng lấy củi thì em gặp một nhà giàu đi qua. Nhà giàu hỏi, hắn đáp: – “Ai chịu trói vào đây sẽ trở thành đại phú”. Người kia chịu để trói và phải trả mất 1.000 rúp. Hai người anh đốt xong không ngờ lại thấy em ở đâu về có nhiều tiền. Hai anh bên nhờ em đốt hộ mình. Hai người anh chết, em chiếm cả gia tài.
b) Một người bị trộm lấy hết cả chỉ còn lại 2 đồng rúp và một con ngựa. Hắn tìm cách lừa ba người anh bằng cách giả làm cho ngựa ỉa ra tiền. Khi hai người anh đến kêu ca thì hắn lại bán cho họ một cái vò có thể tự động làm sôi nước ở trong, không phải đun. Sau hai lần bị lừa, ba người anh trói hắn đặt ở bờ sông rồi đi tìm sào để đẩy. Cũng như các truyện trên. Sắp chết thì hắn gặp một người ăn mặc sang, cưỡi ngựa đi qua, hắn trả lời người kia: – “Người ta muốn tôi làm hoàng tử ở một nước nọ mà tôi thì không muốn”. Hai bên cũng đổi cho nhau. Khi ba người anh thấy hắn nói lấy được ngựa ở dưới nước lên, cũng nhảy xuống sông, chết đuối.
c) Một tay lừa gạt một hôm đến xin cày giúp cho một nông dân. Trong khi người này đi lấy thức ăn, hắn bắt bò giao cho một đồng lõa dắt đi, chỉ cắt cái đuôi cắm sâu giữa ruộng. Người nông dân về hỏi bò, hắn nói: tự nhiên đang cày thì bò rúc xuống đất, cố lôi mãi không được, chỉ còn nắm được cái đuôi. Thế rồi, cả hai cùng kéo và ngã lăn với cái đuôi. Sau đó, hắn ở nhờ và ăn cơm tại nhà một người khác. Hắn từ giã ra đi vào lúc chủ nhân đang cày ở một đám ruộng tương đối gần nhà. Trước đó, hắn đã đưa mũ của mình cho đồng lõa và ra đi đầu trần. Đi qua đám ruộng, người chủ nhà hỏi: – “Sao mũ ở đâu? Ông quên ư?”. Đáp: – “Không phải quên. Vợ ông giữ lấy vì tôi không có tiền trả bữa ăn”. – “Ai lại làm thế. Anh cứ về nói với vợ tôi trả lại mũ. Nếu nó không trả thì gọi tôi, tôi bảo cho”. Hắn trở lại nói với vợ người kia rằng: – “Ông chủ gả cô gái cho tôi đấy!”. Nói rồi bắt cô gái đi. Vợ chủ nhà ngăn lại, hắn chạy ra cửa nói to lên: – “Bà ấy không cho tôi lấy!”. Ở ngoài đồng, người chủ nhà giơ cái xẻng quát: – “Cho đi, cho đi, nếu không thì tao giết chết”. Thế là hắn đưa cô gái đi luôn.
Trong sách Nghìn lẻ một đêm, người Ả-rập (Arabes) cũng có truyện một người hắc nô lừa chủ y như đoạn Cuội về nhà lừa thím rằng chú chết và ra đồng lừa chú rằng thím chết.
Trung-quốc có truyện Long vương mời tiệc cũng có tình tiết trên:
Trường Công đi làm cho địa chủ, một hôm ở đồng về tháo cánh cửa, nói dối bà chủ là để khiêng ông chủ về vì đã chết; lại vội vã chạy ra đồng lừa ông chủ nói nhà bị cháy nên cứu được cánh cửa chạy ra đây. Hai vợ chồng địa chủ bị tẽn, kiện lên quan. Quan toan bắt tội thì Trường Công nói nhà mình có một cái giá rất quý, ai trèo lên sẽ nghĩ ra cách “xỏ” được người khác. Quan sai người đi lấy giá về, rồi lại sai đập cửa công đường, vì Trường Công bảo hắn giá ấy rất to, không đưa vào lọt. Mắc lừa, quan sai lính đem Trường Công đi dìm ở biển. Dọc đường, Trường Công nhổ gốc một cây rồi lắp lại như cũ. Đến nơi nói: – “Tiếc quá, tôi có một kho châu báu ở chỗ gốc cây nhổ lúc nãy, chưa đào lấy được”. – “Mày chỉ lừa dối”, lính bảo thế. – “Cứ trói tôi lại, rồi về lật gốc cây lên xem tôi có nói dối hay không”. Chúng trói lại cặp vào ván thuyền rồi bỏ về tìm của. Lúc ấy, có một lão địa chủ, dẫn dê đi qua đấy, Trường Công bảo lão sẽ khỏi tật gù lưng nếu bị trói vào ván thuyền. Lão xin thế chân, Trường Công trói lão vào ván thuyền rồi dẫn dê đi. Trong khi lính nhà quan không tìm thấy châu báu chạy ra ném tên địa chủ xuống biển, thì Trường Công đã đem dê về lừa quan rằng: Long vương đang đặt tiệc và chuẩn bị một xe ngọc báu chờ quan xuống! Quan tin thật và hám của, cuối cùng nhảy xuống biển để tìm Long vương[7].
Truyện của người Mông-cổ: Một người ăn mày tìm cách giúp một bác dân nghèo bị sói ăn mất ngựa chỉ còn có cái đuôi. Hắn cắm chặt cái đuôi ở cửa hang cáo rồi ngồi ngoài, nắm chặt bằng hai tay. Lão quan đi qua, hỏi. – “Làm gì đó?”. Đáp: – “Không ngờ ngựa của tôi chui tuột vào hang, cũng may nắm được cái đuôi”. “Ngựa thế nào?” – “Một ngày có thể vòng quanh quả đất 7 vòng” – “Ai cho phép mày chăn ngựa cạnh lều ta. Cút đi!” – “Thưa ông, chân tôi bị đau không đi nổi” – “Con khỉ, cưỡi ngựa ta mà đi, đưa đuôi đây?”. Thế là hắn phi một mạch tìm bác dân nghèo giao ngựa. Gặp một lão nhà giàu đầu đội nồi thịt, hắn lại làm quen: – “Đố anh lừa được ta”. – “Tôi lừa thế nào được. Kìa trông trời cháy rừng rực”. Hắn làm bộ hốt hoảng đến nỗi lão kia phải ngửa mặt trông, do đó đổ mất nồi thịt. Hắn chạy đi gặp vua (Kha Hãn). Vua hỏi: – “Mi biết làm gì? Lều vải đâu?” – “Không có lều nhưng muốn gì là làm được ngay”. “Nói láo, tao còn chưa được nữa mày. Có giỏi thì làm tao xuống ngựa thử xem”. Cũng như truyện của ta, hắn vờ gãi tai nói: – “Tôi làm sao lại bắt được vua xuống ngựa, nếu vua xuống tôi làm cho lên thì được”. – “Được”. Khi thấy vua xuống ngựa, hắn vỗ tay: – “Đấy, tôi đã lừa được rồi đấy”. Vua lại nhảy tót lên ngựa, hắn tiếp: – “Đấy, đã làm cho ngài lên ngựa rồi đấy”[8].
Ở châu Phi có truyện của người An-jê-ri (Algérie): Một đứa bé mồ côi có một con bê. Bê bị giết, hắn bán da chỉ được một đồng tiền sứt. Ở chợ, gặp hai người ngồi trước một đống bạc, hắn quẳng đồng tiền sứt của mình vào đó rồi hô hoán lên rằng hai người ấy đã lấy mất tiền mình. Người ta xúm lại, hắn nói của mình có những 100 đồng với một đồng sứt. Hai người kia thề: – “Chúng tôi cam đoan là tiền của chúng tôi không có đồng nào sứt cả”. Cuối cùng người ta tìm được đồng sứt và xử cho hắn được kiện. Cũng như truyện Ap-ga-ni-xtăng, hắn về lừa chú là tiền bán da bê, chú cũng giết bò của mình để đi bán da. Và sau cũng bắt cháu định ném xuống biển. Cuối cùng lại nhờ cháu đẩy xuống biển để mong có được bầy cừu như cháu, v.v…
Truyện của người Man-gát-sơ (Malgaches) (Madagascar) thì lại là một người ăn trộm bị bắt quả tang và bị người ta bó chiếu định ném xuống sông. Hắn thuyết khéo một người đàn bà đi qua để để người kia thay hắn chui vào chiếu, sau đó hắn lại trở về mang theo một món nữ trang mà hắn trộm được, nói dối là lấy từ dưới nước lên. Nghe nói thế người ta tự cuốn chiếu lại để nhờ hắn quẳng xuống nước…
Ở châu Mỹ, truyện của thổ dân thuở trước sống trên quần đảo Ăng-ti (Antilles): Một người bị rơi vào tay địch thủ và sắp bị quăng xuống biển. Hắn hát đi hát lại câu: – “Ta còn trẻ quá chưa lấy con vua được?”. Trời nóng mà người hắn lại nặng, bọn chúng đặt hắn ở một nơi, rồi tìm quán nghỉ chân. Một người chăn dê đi qua nghe hát thế đòi cho mình thế chân. Người chăn dê bị chết còn hắn đánh lừa được kẻ địch: cuối cùng làm cho bọn chúng chết đuối.
Ở phương Tây tiêu biểu nhất là truyện của người Pháp nhan đề Ren-nê với ông chúa: Một người tên là Ren-nê vừa có con bò chết. Hắn lột da để cả đầu bò đội lên vai đem đi bán. Một bọn cướp đang chia tiền ở một khu rừng thấy hắn tưởng là ma, sợ quá bỏ tiền chạy mất. Hắn lấy tiền rồi mua một con lừa, cho lừa ăn cám trong có một ít tiền vàng. Ông chúa nghe đồn lừa ỉa ra vàng đến hỏi mua, hắn đòi hai ngàn đồng vàng. Mua về ngày đầu lừa có ỉa cho một ít vàng nhưng sau chẳng có gì cả. Ông chúa đến trách, giữa lúc Ren-nê đang đun sôi một nồi xúp. Thấy bóng chúa hắn đem nồi đi chỗ khác rồi nói với chúa: – “Tôi có một phép khi nào cần, cho một roi vào nồi là sôi ngay”. Thấy hắn làm đúng như lời nói, ông chúa lại mua roi với giá hai ngàn đồng vàng. Mua về chúa đánh mấy cũng không sôi, giận lắm đến trách hỏi. Ren-nê biết trước, làm sẵn một bọng máu bảo vợ đem giấu vào bụng. Khi chúa đến, hắn làm cách đánh đập vợ rồi vờ đâm chảy máu. Đoạn thổi một tiếng còi, người vợ đã được dặn trước, tự nhiên ngồi dậy, Ren-nê lại bán còi cho chúa lấy hai ngàn đồng. Một hôm chúa ngồi buồn đâm chết vợ, nhưng thổi còi mãi vợ không sống lại. Tức mình, chúa đi xe đến bắt Ren-nê, sai người trói tay chân mang quăng xuống hố nước. Đến đây, truyện giống như truyện trên: bọn kia dừng lại vào quán nghỉ, Ren-nê gặp một người chăn bò bèn bảo: – “Người kia bắt tao làm mục sư mà tao không biết đọc biết viết gì cả”. – “Còn tao – người kia nói – thì lại biết đọc biết viết”. Hai bên cùng thay đổi địa vị cho nhau và cuối cùng Ren-nê lừa ông chúa nhảy xuống hố với hai người hầu để mình trở thành ông chúa.
Một truyện khác của Pháp, Ri-sơ-đô, đoạn đầu có hơi khác:
Ri-sơ-đô đông con, nhà nghèo quá phải nghĩ cách gạt ông chúa. Mới sai một đứa nhỏ đến mượn ông chúa một cái đấu. Chúa hỏi: – “Mượn để làm gì?” – “Để đong bạc”. Lúc trả ông chúa thấy có ba lu-i vàng dính ở đáy đấu thì sửng sốt hỏi: – “Tại sao mày có nhiều tiền thế?” – “Tôi lột da con bò cái, một cái lông người ta mua một lu-i” – “Đúng không?” – “Đúng”. Ông chúa sai lột da 50 con bò của mình nhưng mang ra chợ chẳng được gì cả. Thấy chúa đến hỏi tội. Ri-sơ-đô bảo vợ nằm xuống giường giả chết. Chúa đến thấy vậy bỏ về, ít bữa sau thấy vợ Ri-sơ-đô còn sống, chúa hỏi thì vợ Ri-sơ-đô đáp: – “Tôi chết nhưng chồng tôi thổi vào tai nên lại sống”. Chúa về giết vợ, thổi vào tai nhưng không thấy nghiệm.
Nổi giận, chúa cho một cỗ xe tới bắt Ri-sơ-đô bỏ vào túi chở đi. Đến đây truyện lại giống với truyện trên nhưng Ri-sơ-đô không gặp người chăn bò mà gặp người chăn cừu. Hắn lừa người chăn cừu để khỏi bị vứt xuống hố. Trở về, hắn lại lừa ông chúa để cho ông chúa tham lam ngu ngốc nhảy xuống hố mất mạng, còn Ri-sơ-đô lên làm chúa.
Một truyện khác cũng của Pháp Cor-na-chiu:
Cor-na-chiu nhà nghèo chỉ có một trai một gái và một con bò cái. Con gái anh chăn bò để bò chạy vào vườn vua. Vua sai giết con bò. Anh lột da đi chợ, gọi con trai đi theo. Người con nghe không rõ tưởng bố bảo mang cánh cửa nên mang cả theo. Dọc dường gặp một bọn cướp. Bố con trèo lên cây để ẩn. Không ngờ bọn cướp lại nghỉ ở dưới gốc. Vì cánh cửa quá nặng đứa con làm rơi, gãy cả cành cây, làm bọn cướp hoảng hồn: – “Trời sập rồi!”. Đoạn bỏ chạy tán loạn. Bố con nhặt được vàng về. Cũng như truyện trên anh sai con gái đi mượn cái đấu của vua để đong vàng, nghe tin vua sai đầy tớ giết đàn bò lột da đi bán. Không được gì, vua sai bỏ Cor-na-chiu vào túi để đi ném sông, nhân bọn đầy tớ đi giải khát anh cũng lừa được một lão buôn lợn chui vào túi thay mình để dẫn đàn lợn về. Anh sai con gái múa nhảy trước cửa nhà vua, vua đến ngạc nhiên thấy đàn lợn: – “Lấy ở đâu ra mà nhiều thế?” – “Lấy ở dưới nước” – “Đưa tao đi xem”. Anh dẫn vua và cả đàn lợn ra bờ sông. Thấy bóng lợn dưới nước, lão vua ngốc nhảy xuống, chết. Cor-na-chiu trở thành chúa lâu đài[9].
Một truyện khác nữa của Pháp ở một địa phương Lo-ren (Lorraine):
Một cô gái bỏ nhà ra đi, nách cắp một con quạ tình cờ bắt được. Vào một nhà nọ vắng chủ, cô nhìn trộm vào khe cửa. Khi người chủ về, chủ hỏi con vật gì? – “Đây là một thầy bói biết hết mọi việc.” – “Có bán không?” – “Bán, nhưng để tôi thử cho ông xem”. Bèn đánh vào đầu quạ mấy cái cho nó kêu. – “Nó bảo có một người nào trốn ở buồng bên”. Chủ nhà quả tìm thấy người trốn. – “Nó lại nói có thức ăn và rượu cất trong tủ ăn”. – “Đúng là một thầy bói có tài, dù đắt mấy ta cũng mua”. Chủ nhà trả cho nhiều tiền vàng và một con lừa. Cô gái lại đem lừa bán cho một người chủ cối xay bột và nói rằng: – “Có con lừa này khi mắc nợ chỉ cần đưa đến gán là đủ”. Cô còn làm cho khách tin rằng lừa ỉa ra vàng. Sau đó cô đi mượn đấu của người mẹ đỡ đầu. Khi trả đấu người ta thấy có ba đồng vàng. Để cắt nghĩa tại sao có vàng, cô gái nói là mình bán một con bò cái, mỗi cái lông một xu. Mọi người đua nhau giết bò để bán lông. Cuối cùng vỡ lẽ, người ta trói cô gái định quẳng xuống sông nhưng kết cục cũng xảy ra như truyện trên.
Truyện của người Ê-cốt-xơ (Écosse):
Hai người láng giềng của Đôm-hơ-nun báo thù, vứt mẹ anh ta xuống giếng. Anh vớt lên mặc cho cái xác một bộ đồ rất đẹp rồi chở đến một thành phố, đặt mẹ ở sau hoàng cung cạnh bờ giếng ra vẻ đang ngồi chơi. Một người hầu gái của nhà vua đi qua va phải, cái xác rơi xuống giếng. Anh ta kêu khóc rầm rĩ và bắt vạ. Vua phải bồi thường 500 đồng bảng.
Đôm-hơ-nun về kể chuyện là ở thành phố người ta mua xác chết các bà già giá rất hời. Hai người láng giềng vội giết mẹ họ nhưng khi đưa ra thành phố không được gì cả. Bèn trở về định ném anh xuống nước. Việc cũng xảy ra như truyện của Pháp[10].
Một truyện khác mà chúng tôi quên mất xuất xứ, có lẽ cũng là một loại dị bản của truyện trên:
Có hai anh bạn, Cu lớn, Cu bé, người cùng làng, vì Cu bé hay trêu chọc, nên bị Cu lớn giết mất con ngựa. Cu bé không nói gì cả, làm thịt con ngựa rồi lột da đem ra chợ bán. Đến trước một cái quán, nhân ngồi bán da ngựa vô tình Cu bé nhìn thấy vợ lão chủ quán lừa chồng, nhốt nhân tình của mình ở dưới hầm, chờ chồng đi vắng, thị đưa hắn lên quán ăn, rồi trước khi chồng về lại đưa hắn xuống nấp ở hầm. Chờ cho lão chủ quán về, Cu bé dạm bán da ngựa, bảo nó biết bói tất cả mọi việc. Chủ quán bảo bói thử. Cu bé giả cách ấp tai vào da ngựa rồi nói: – “Da ngựa mách nhà bác có một người nhân tình nấp ở dưới hầm”. Khám phá ra việc “tầy trời” ấy xong, chủ quán mua tấm da ngựa một đấu bạc.
Lúc về Cu bé đem bạc ra khoe với Cu lớn, bảo ở chợ người ta đang cần mua da ngựa giá đắt, có mấy cũng bán hết. Cu lớn giết ngay hai con ngựa của mình, đưa đi bán, dĩ nhiên là không ai mua. Về nhà Cu lớn giận, đập chết người bà của Cu bé, Cu bé bọc kỹ xác bà bỏ vào xe, đẩy ra chợ vào một quán khác, gọi các món rồi bảo chủ quán ra gọi bà của mình nằm ngoài xe vào ăn. Chủ quán ra gọi mãi không được, sẵn gậy liền đập vào bà cụ để lay dậy. Cu bé lập tức hô hoán lên, bảo chủ quán đã đánh chết người bà của mình. Việc lên quan, cuối cùng chủ quán phải chịu mọi phí tổn tống táng và đền cho Cu bé một đấu bạc. Về nhà Cu bé bảo Cu lớn rằng ở ngoài chợ người ta mua xác bà già rất đắt tiền. Cu lớn lại đập chết bà của mình, chở lên xe đưa ra chợ, nhưng chả ai mua.
Nổi xung, Cu lớn về đan một cái rọ bỏ Cu bé vào, mang đi, định ném xuống sông. Đến bờ, hắn mót quá, bèn đặt xuống đấy rẽ vào bụi. Trong khi đó có một lão chăn bò đi qua hỏi Cu bé ngồi làm gì trong ấy – “Người ta đưa đi cưới con gái cụ Bá mà tao thì không muốn lấy”. Lão chăn bò vốn chưa có vợ, khẩn khoản xin đổi chỗ, Cu bé nhận lời dắt bò đi biệt. Cu lớn ra đạp rọ xuống sông nhưng lúc trở về đã thấy Cu bé vô sự với bầy bò ở nhà rồi.
Cũng như truyện trên, Cu bé đã miêu tả cho ông bạn của mình thấy cuộc sống giàu sang sung sướng ở dưới nước và nói “bố mẹ Cu lớn đang mong con xuống để cho rất nhiều trâu bò và của cải”. Cuối cùng Cu lớn cũng chui đầu vào rọ để cho Cu bé đạp xuống sông mất tích.
Đại thể, truyện Ren-nê với ông chúa và các dị bản của nó rất phổ biến ở các dân tộc phương Tây như Anh, Đức, Đan-mạch (Danemark), Thụy-điển (Suède), Na-uy (Norvège), v.v… Ở châu Âu từ thế kỷ XII, truyện đã được ghi lại qua một bài thơ La-tinh trong có nhân vật là U-ni-bốt, chàng nông dân ranh ma, láu lỉnh, đã tìm cách trả thù được tên chúa đất từng giết chết con bò của mình. Loại mô-típ này riêng ở Pháp đã có 130 dị bản[11].
Trương Vĩnh Ký kể truyện Cuội có đưa thêm vào một tình tiết:
Cuội tới nhà chú mượn vạc đồng để nấu bánh cúng. Chú tưởng thật, lấy cho mượn. Cuội xách vạc bán lấy tiền tiêu. Chú đòi không được, kiện lên quan. Cuội sai vợ mua một con chim vạc đưa lên quan, nhận lỗi là có mượn vạc đồng, nay xin trả trước mặt quan. Chú Cuội không biết làm sao để cãi cho mình thắng, đành nhận con vạc về, trong bụng căm tức vô hạn. Bèn nghĩ cách bắt Cuội bỏ rọ dìm xuống sông…[12].
Tóm lại, truyện Nói dối như Cuội gần như một loại hình cổ tích phổ biến của số đông các dân tộc trên thế giới.
[1] Theo lời kể của người Hà-tĩnh, Quảng-bình.
[2] Nhà xuất bản Nguyễn Du, Hà-nội, 1957.
[3] Xem truyện Quậy của dân tộc Hrê ở Truyện cổ dân gian Việt-nam, tập I, đã dẫn. Trong truyện này người kể đã gần như lẫn lộn Cuội trong Nói dối như Cuội với Cuội trong Sự tích thằng Cuội cung trăng.
[4] Theo Truyện dân gian Căm- pu-chia.
[5] Theo Đức Hùng, Phù Ninh. Nàng Ái Kao (truyện cổ tích).
[6] Theo Truyện dân gian Miến-điện. Sách đã dẫn.
[7] Theo Bức gấm thêu.
[8] Theo Nắng Mai Hồng. Sách đã dẫn.
[9] Theo Mê-ra-vi-ơ (Méraville). Truyện dân gian miền Ô-véc-nhơ.
[10] Phần nhiều các truyện trên đều theo Cô-xcanh (Cosquin). Sách đã dẫn.
[11] Theo Mê-ra-vi-ơ (Méraville). Sách đã dẫn.
[12] Truyện Cháu nói láo hại chú trả thù, trong sách đã dẫn. Chúng tôi nghi ngờ rằng truyện Vạc đồng trên là lẫn lộn với các tình tiết của tiếu lâm.