Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Miêu thần hay là sự tích chuột và mèo

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Ngày ấy các kho của nhà trời thường hay bị nạn trộm cắp, vì vậy Ngọc Hoàng thượng đế cần tìm một kẻ chuyên trông nom kho tàng. Nhiều người tiến cử Thử thần vì cho rằng ông ta là người tốt, chăm chỉ, lại nhanh nhẹn, được việc. Thấy thế, Ngọc Hoàng bèn trao cho Thử thần chùm chìa khóa, phong cho chức Thiên khố giám và dặn:

– Trẫm giao phó cho ngươi trông nom tất cả các kho lẫm của trẫm. Mặc dầu của Trời là vô tận, nhưng cũng không thể bỏ vạ vật khắp nơi mà không coi sóc. Gần đây đã thấy xảy ra những vụ trộm cắp nhỏ to. Vậy người hãy đặt lính túc trực ngày đêm ở các nơi để canh gác. Còn thực phẩm thì ngươi hãy cho sắp xếp vào kho kẻo phí của trời. Cứ mỗi năm hai lần, ngươi tâu báo tình hình cho trẫm biết.

– Hạ thân xin tuân lệnh!

Thử thần đáp như vậy và vui vẻ nhận chức. Trong những năm đầu, Thử thần làm tròn phận sự. Mọi thứ được sắp đặt đâu ra đấy không hề suy suyển. Ngọc Hoàng thượng đế thấy vậy rất hài lòng. Nhưng ở trên trời cũng như bất cứ ở đâu, “sao dời vật đổi” vẫn là điều thường thấy. Ngày một ngày hai, Thử thần tỏ ra phụ lòng tin cậy của Ngọc Hoàng. Thấy của nhà Trời thật là nhiều không đếm xiết, xuất ra bao nhiêu, chẳng mấy chốc lại đầy ắp bấy nhiêu, ông ta bèn nghĩ đến chuyện bớt xén. Bụng bảo dạ: – “Ta chỉ lấy mỗi kho một nắm thôi, cũng đủ cho vợ con no đủ sung sướng trọn đời mà chẳng ai biết cả”. Bèn nghĩ sao làm vậy. Từ đó trong nhà Thử thần cuộc sống trở nên dư dật, vợ con béo tốt và diêm dúa hơn xưa. Thứ dùng vào ăn tiêu, thứ cho người thân và bạn bè, Thử thần ngày càng xâm phạm của Trời không tiếc tay.

Chẳng bao lâu, Ngọc Hoàng thượng đế cũng biết được việc kho lẫm nhà Trời bị thiếu hụt mà thủ phạm chẳng ai khác hơn là Thử thần. Bắt được tang chứng rành rành, Ngọc Hoàng nổi cơn thịnh nộ. Lập tức Thử thần bị đày xuống cõi trần và bị hóa kiếp làm con vật tý hon nhọn mồm, dài đuôi mà người dưới trần vẫn quen gọi là con chuột.

*

Tuy bị bãi chức và bị đày ải, Thử thần vẫn chứng nào tật ấy. Quen thói vụng trộm, giờ đây lại được cái thân thể bé nhỏ, vào đâu cũng lọt, nên chuột ta mặc sức lục lọi ăn vụng những thức ăn của con người, bất kể ngày đêm. Không những thế, nó còn cắn phá mọi đồ dùng của người bày ra trước mõm, thôi thì áo quần, sách vở, thúng mủng, rương hòm, v.v… không kiêng nể gì cả. Vì thế loài người hết sức căm giận. Họ cũng để tâm bắt giết, nhưng cuối cùng không làm sao trị xuể, vì từ khi giống má nhà chuột xuất hiện ở cõi trần thì chúng sinh đẻ rất nhanh, lan tràn khắp nơi, do đó chúng đã làm cho họ thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể.

Cực chẳng đã, con người phải tha thiết kêu nài với Thổ công, nhờ vị thần này lên Trời tâu bày với Ngọc Hoàng thượng đế về nỗi khổ tâm do sự phá phách quá trớn của loài chuột. Nhận thấy lời kêu nài của con người là đúng: Thổ công vội lên Thiên đình tâu báo số thiệt hại to lớn do Thử thần gây ra mà loài người là kẻ chịu đựng; lại không quên nói đến sự sinh nở quá nhanh chóng của dòng giống Thử thần trên cõi đất. Đoạn nói tiếp:

– Tâu bệ hạ, cớ sao bệ hạ lại không hay biết gì cả. Con người được sống ở cõi Trần la nhờ ơn tác thành của bệ hạ. Nhưng kho lẫm của con người chỉ có hạn, không như kho lẫm của nhà Trời, vì con người vốn nghèo đói làm không ra ăn. Nếu bệ hạ để cho Thử thần hoành hành thế ấy, thì tôi e rằng chẳng bao lâu loài người sẽ không còn sống nổi trên mặt đất nữa.

Nghe Thổ công tâu bày, Ngọc Hoàng thượng đế rất kinh ngạc, không ngờ cái hại của con vật bé xíu do mình tạo nên lại to lớn đến thế. Suy nghĩ hồi lâu, Ngọc Hoàng ra lệnh đòi Miêu thần đến phán rằng:

– Trẫm không ngờ Thử thần là kẻ bị trẫm trừng phạt lại gây hại cho loài người dường ấy. Nhưng bây giờ đòi hắn trở về thì đã quá muộn. Nay trẫm phái ngươi xuống dưới ấy giúp loài người ngăn cản bàn tay phá hoại của Thử thần. Ngươi hãy nói rõ cho Thử thần biết rằng con người vốn nghèo túng, đừng có xâm phạm thực phẩm và đồ dùng do họ làm ra. Nếu hắn không nghe thì bấy giờ hãy thẳng tay trừng trị.

Miêu thần tỏ vẻ lo lắng, tâu:

– Tâu bệ hạ, cứ như lời Thổ công nói thì họ hàng dòng dõi Thử thần bây giờ đông vô kể, lan tràn khắp nơi, đó lá một điều khó đối với hạ thần. Lại nghe nói vóc người của hắn nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, leo trèo, chui luồn, lẩn tránh lắm cách tài tình, đó là hai điều khó muốn trừ được cũng không phải dễ.

– Được. Trẫm sẽ cho ngươi thu nhỏ vóc lại chỉ bằng hai bằng ba Thử thần mà thôi, nhưng lại mềm mại, có bắp thịt cứng để chạy nhảy mau lẹ, và cho móng nhọn, mắt sáng, để có thể tóm bắt tội nhân ngay cả trong đêm tối. Ngươi đã bằng lòng chưa?

Vốn có mối thù với Thử thần trước đây. Miêu thần không ao ước gì hơn thế, vội cúi đầu vâng lệnh đi ngay. Thế là để giải quyết nạn chuột do mình vô ý gây ra, Ngọc Hoàng đã sáng tạo ra một con vật khác được mệnh danh là chú mèo.

*

Từ khi xuống trần, Miêu thần làm việc rất mẫn cán. Một mặt ông ta luôn luôn cảnh cáo chuột không được gây thiệt hại cho con người vì họ rất nghèo, (vì vậy mà con người quen gọi ông ta là “mèo” nói chệch tiếng “nghèo”, “nghèo” mà ông ta thường gào vào tai Thử thần). Mặt khác Miêu thần làm những cuộc săn bắt dữ dội, tiêu diệt dòng giống nhà chuột một cách không thương xót.

Từ đó, chuột có phần nào giảm nhẹ việc cắn phá những thức ăn, đồ dùng của con người. Con người cảm ơn Miêu thần vô hạn. Khác hẳn cách đối đãi với những con vật khác, con người thường cho ông ta ăn uống tử tế, lại thường xới vào bát đĩa hẳn hoi cho ông ta ăn.

Nhưng cũng từ đó, bực mình vì phải xa cách các bạn tiên ở cõi Trời, Miêu thần đâm ra tức giận Thổ công là kẻ gây cho mình cảnh sống chia ly ấy. Cho nên nhiều lần Miêu thần đã đến phóng uế bừa bãi ở chỗ ở của Thổ công cho bõ ghét.

Câu ca dao:

Chuột kia xưa ở nơi nao,

Bây giờ làm hại chúng (hay nhà) tao thế này.

là do truyện trên mà ra[1].

KHẢO DỊ

Trung-quốc có truyện Năm con chuột vốn là một dị bản của truyện Tinh con chuột (số 114, tập III) có nói đến vì sao chuột bị đày ải xuống cõi trần:

Xưa ở thiên cung có một nhà sư tinh thần đạo đức đã thoái hóa. Y phân thân biến thành năm con chuột đều có phép biến hóa mầu nhiệm. Chúng đuổi một con rùa để chiếm lấy hang làm chỗ trú ẩn. Mỗi con thỉnh thoảng xuống trần biến thành người hay vật quấy phá để thoả mãn dục vọng. Con chuột thứ năm một hôm biến thành một người nam, mở một cái quán dọc đường để quấy nhiễu khách bộ hành. Hồi ấy có thầy tớ Thi Tuấn tiến kinh thi hội qua đấy. Trong khi trò chuyện, biết Thi Tuấn có vợ đẹp vắng chồng, nên chủ quán ta – chuột thứ năm – đầu độc cả thầy lẫn tớ, rồi hóa thành Thi Tuấn giả đến nhà, nói mình thi hỏng trở về. Vợ Thi Tuấn không ngờ gì cả. Cho đến khi thầy trò Thi Tuấn lành (nhờ được một đạo sĩ cứu chữa) thì thi cử đã xong từ lâu. Buồn đau, thầy trò trở về đến nhà thì lại bị Thi Tuấn giả xông ra đánh đuổi. Thi Tuấn thật đến cầu cứu bố vợ. Bố vợ không biết làm sao mà phân biệt, bèn đưa đến nhờ thầy học phân xử. Thầy ra bài cho hai người làm để thử, nhưng Thi Tuấn giả cũng làm được văn. Việc đưa lên Vương thừa tướng. Thừa tướng dò hỏi mới biết Thi Tuấn thật vốn có một nốt ruồi ở vai bên phải. Nhưng khi bắt ra tra hỏi, thì Thi Tuấn giả cũng hóa phép làm cho mọc lên một nốt ruồi như vậy. Sau đó thấy Vương thừa tướng sắp tra ra mưu gian, chuột thứ năm – Thi Tuấn giả – bằng phép thần thông, báo cho con chuột thứ tư phi thân tới tòa án hóa thành một Vương thừa tướng giả làm cho vụ án thêm rắc rối. Việc đưa lên vua Nhân Tông. Sắp sửa vạch ra thật giả, thì đến lượt một vua Nhân Tông khác lại xuất hiện do con chuột thứ ba được tin báo, phi thân tới, hóa ra. Vụ án lại chồng thêm một rắc rối mới. Người ta mời mẹ vua ra cứu xét; nhờ thử ngọc tỉ của vua, hoàng thái hậu phân biệt được vua giả. Trong khi ra lệnh bắt giam, thì con chuột thứ hai được tin báo tới hóa thân thành một hoàng thái hậu thứ hai. Triều đình sau đó phải cho mời Bao Công. Bao Công đưa theo hai mươi bốn người hầu và ba mươi sáu hình cụ tới. Bắt đầu ông cho thần Thành hoàng tra hỏi, nhưng con chuột thứ năm đã kịp thời báo tin cho chuột thứ nhất phi thân tới hóa thành một Bao Công giả. Trong khi mọi người thất vọng vì vụ án phức tạp khó hiểu, thì Bao Công thật quyết định xuống âm phủ để tìm cách tra cho ra lẽ. Ngọc Hoàng sai mười vị khâm sai đi giúp Bao Công. Cuối cùng Bao Công mượn được con mèo Ngọc diện kim miêu (đã được Phật làm cho bé lại để Bao Công bỏ vào tay áo). Lên trần, Bao Công sai đắp nền đất rồi đứng lên trên, bắt những người thật và giả sắp hàng đứng phía dưới. Được thả ra, mèo thần liền lần lượt chụp những con chuột mang lốt người, trừ con chuột thứ năm mau chân chạy thoát. Những con chuột chết, xác to lớn, không có máu, vua sai làm thịt cho quân đội ăn.

Riêng con chuột thứ năm sau đó bị Ngọc Hoàng bắt nộp cho Phật. Phật bắt hắn hóa thành kiếp chuột ngày nay, vĩnh viễn ở cõi trần sống bằng những thứ lén lút ăn trộm được của con người[2].

[1] Theo Lê Doãn Vỹ, đã dẫn, số 17 (1940), và theo lời kể của người miền Bắc.

[2] Theo Ngũ thử náo Đông-kinh, Bao Công thu yêu truyện, dẫn trong. Nghiên cứu về truyện và tiểu thuyết Trung-quốc của Lê-vi (Lévi).

Ngày ấy các kho của nhà trời thường hay bị nạn trộm cắp, vì vậy Ngọc Hoàng thượng đế cần tìm một kẻ chuyên trông nom kho tàng. Nhiều người tiến cử Thử thần vì cho rằng ông ta là người tốt, chăm chỉ, lại nhanh nhẹn, được việc. Thấy thế, Ngọc Hoàng bèn trao cho Thử thần chùm chìa khóa, phong cho chức Thiên khố giám và dặn:

– Trẫm giao phó cho ngươi trông nom tất cả các kho lẫm của trẫm. Mặc dầu của Trời là vô tận, nhưng cũng không thể bỏ vạ vật khắp nơi mà không coi sóc. Gần đây đã thấy xảy ra những vụ trộm cắp nhỏ to. Vậy người hãy đặt lính túc trực ngày đêm ở các nơi để canh gác. Còn thực phẩm thì ngươi hãy cho sắp xếp vào kho kẻo phí của trời. Cứ mỗi năm hai lần, ngươi tâu báo tình hình cho trẫm biết.

– Hạ thân xin tuân lệnh!

Thử thần đáp như vậy và vui vẻ nhận chức. Trong những năm đầu, Thử thần làm tròn phận sự. Mọi thứ được sắp đặt đâu ra đấy không hề suy suyển. Ngọc Hoàng thượng đế thấy vậy rất hài lòng. Nhưng ở trên trời cũng như bất cứ ở đâu, “sao dời vật đổi” vẫn là điều thường thấy. Ngày một ngày hai, Thử thần tỏ ra phụ lòng tin cậy của Ngọc Hoàng. Thấy của nhà Trời thật là nhiều không đếm xiết, xuất ra bao nhiêu, chẳng mấy chốc lại đầy ắp bấy nhiêu, ông ta bèn nghĩ đến chuyện bớt xén. Bụng bảo dạ: – “Ta chỉ lấy mỗi kho một nắm thôi, cũng đủ cho vợ con no đủ sung sướng trọn đời mà chẳng ai biết cả”. Bèn nghĩ sao làm vậy. Từ đó trong nhà Thử thần cuộc sống trở nên dư dật, vợ con béo tốt và diêm dúa hơn xưa. Thứ dùng vào ăn tiêu, thứ cho người thân và bạn bè, Thử thần ngày càng xâm phạm của Trời không tiếc tay.

Chẳng bao lâu, Ngọc Hoàng thượng đế cũng biết được việc kho lẫm nhà Trời bị thiếu hụt mà thủ phạm chẳng ai khác hơn là Thử thần. Bắt được tang chứng rành rành, Ngọc Hoàng nổi cơn thịnh nộ. Lập tức Thử thần bị đày xuống cõi trần và bị hóa kiếp làm con vật tý hon nhọn mồm, dài đuôi mà người dưới trần vẫn quen gọi là con chuột.

*

Tuy bị bãi chức và bị đày ải, Thử thần vẫn chứng nào tật ấy. Quen thói vụng trộm, giờ đây lại được cái thân thể bé nhỏ, vào đâu cũng lọt, nên chuột ta mặc sức lục lọi ăn vụng những thức ăn của con người, bất kể ngày đêm. Không những thế, nó còn cắn phá mọi đồ dùng của người bày ra trước mõm, thôi thì áo quần, sách vở, thúng mủng, rương hòm, v.v… không kiêng nể gì cả. Vì thế loài người hết sức căm giận. Họ cũng để tâm bắt giết, nhưng cuối cùng không làm sao trị xuể, vì từ khi giống má nhà chuột xuất hiện ở cõi trần thì chúng sinh đẻ rất nhanh, lan tràn khắp nơi, do đó chúng đã làm cho họ thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể.

Cực chẳng đã, con người phải tha thiết kêu nài với Thổ công, nhờ vị thần này lên Trời tâu bày với Ngọc Hoàng thượng đế về nỗi khổ tâm do sự phá phách quá trớn của loài chuột. Nhận thấy lời kêu nài của con người là đúng: Thổ công vội lên Thiên đình tâu báo số thiệt hại to lớn do Thử thần gây ra mà loài người là kẻ chịu đựng; lại không quên nói đến sự sinh nở quá nhanh chóng của dòng giống Thử thần trên cõi đất. Đoạn nói tiếp:

– Tâu bệ hạ, cớ sao bệ hạ lại không hay biết gì cả. Con người được sống ở cõi Trần la nhờ ơn tác thành của bệ hạ. Nhưng kho lẫm của con người chỉ có hạn, không như kho lẫm của nhà Trời, vì con người vốn nghèo đói làm không ra ăn. Nếu bệ hạ để cho Thử thần hoành hành thế ấy, thì tôi e rằng chẳng bao lâu loài người sẽ không còn sống nổi trên mặt đất nữa.

Nghe Thổ công tâu bày, Ngọc Hoàng thượng đế rất kinh ngạc, không ngờ cái hại của con vật bé xíu do mình tạo nên lại to lớn đến thế. Suy nghĩ hồi lâu, Ngọc Hoàng ra lệnh đòi Miêu thần đến phán rằng:

– Trẫm không ngờ Thử thần là kẻ bị trẫm trừng phạt lại gây hại cho loài người dường ấy. Nhưng bây giờ đòi hắn trở về thì đã quá muộn. Nay trẫm phái ngươi xuống dưới ấy giúp loài người ngăn cản bàn tay phá hoại của Thử thần. Ngươi hãy nói rõ cho Thử thần biết rằng con người vốn nghèo túng, đừng có xâm phạm thực phẩm và đồ dùng do họ làm ra. Nếu hắn không nghe thì bấy giờ hãy thẳng tay trừng trị.

Miêu thần tỏ vẻ lo lắng, tâu:

– Tâu bệ hạ, cứ như lời Thổ công nói thì họ hàng dòng dõi Thử thần bây giờ đông vô kể, lan tràn khắp nơi, đó lá một điều khó đối với hạ thần. Lại nghe nói vóc người của hắn nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, leo trèo, chui luồn, lẩn tránh lắm cách tài tình, đó là hai điều khó muốn trừ được cũng không phải dễ.

– Được. Trẫm sẽ cho ngươi thu nhỏ vóc lại chỉ bằng hai bằng ba Thử thần mà thôi, nhưng lại mềm mại, có bắp thịt cứng để chạy nhảy mau lẹ, và cho móng nhọn, mắt sáng, để có thể tóm bắt tội nhân ngay cả trong đêm tối. Ngươi đã bằng lòng chưa?

Vốn có mối thù với Thử thần trước đây. Miêu thần không ao ước gì hơn thế, vội cúi đầu vâng lệnh đi ngay. Thế là để giải quyết nạn chuột do mình vô ý gây ra, Ngọc Hoàng đã sáng tạo ra một con vật khác được mệnh danh là chú mèo.

*

Từ khi xuống trần, Miêu thần làm việc rất mẫn cán. Một mặt ông ta luôn luôn cảnh cáo chuột không được gây thiệt hại cho con người vì họ rất nghèo, (vì vậy mà con người quen gọi ông ta là “mèo” nói chệch tiếng “nghèo”, “nghèo” mà ông ta thường gào vào tai Thử thần). Mặt khác Miêu thần làm những cuộc săn bắt dữ dội, tiêu diệt dòng giống nhà chuột một cách không thương xót.

Từ đó, chuột có phần nào giảm nhẹ việc cắn phá những thức ăn, đồ dùng của con người. Con người cảm ơn Miêu thần vô hạn. Khác hẳn cách đối đãi với những con vật khác, con người thường cho ông ta ăn uống tử tế, lại thường xới vào bát đĩa hẳn hoi cho ông ta ăn.

Nhưng cũng từ đó, bực mình vì phải xa cách các bạn tiên ở cõi Trời, Miêu thần đâm ra tức giận Thổ công là kẻ gây cho mình cảnh sống chia ly ấy. Cho nên nhiều lần Miêu thần đã đến phóng uế bừa bãi ở chỗ ở của Thổ công cho bõ ghét.

Câu ca dao:

Chuột kia xưa ở nơi nao,

Bây giờ làm hại chúng (hay nhà) tao thế này.

là do truyện trên mà ra[1].

KHẢO DỊ

Trung-quốc có truyện Năm con chuột vốn là một dị bản của truyện Tinh con chuột (số 114, tập III) có nói đến vì sao chuột bị đày ải xuống cõi trần:

Xưa ở thiên cung có một nhà sư tinh thần đạo đức đã thoái hóa. Y phân thân biến thành năm con chuột đều có phép biến hóa mầu nhiệm. Chúng đuổi một con rùa để chiếm lấy hang làm chỗ trú ẩn. Mỗi con thỉnh thoảng xuống trần biến thành người hay vật quấy phá để thoả mãn dục vọng. Con chuột thứ năm một hôm biến thành một người nam, mở một cái quán dọc đường để quấy nhiễu khách bộ hành. Hồi ấy có thầy tớ Thi Tuấn tiến kinh thi hội qua đấy. Trong khi trò chuyện, biết Thi Tuấn có vợ đẹp vắng chồng, nên chủ quán ta – chuột thứ năm – đầu độc cả thầy lẫn tớ, rồi hóa thành Thi Tuấn giả đến nhà, nói mình thi hỏng trở về. Vợ Thi Tuấn không ngờ gì cả. Cho đến khi thầy trò Thi Tuấn lành (nhờ được một đạo sĩ cứu chữa) thì thi cử đã xong từ lâu. Buồn đau, thầy trò trở về đến nhà thì lại bị Thi Tuấn giả xông ra đánh đuổi. Thi Tuấn thật đến cầu cứu bố vợ. Bố vợ không biết làm sao mà phân biệt, bèn đưa đến nhờ thầy học phân xử. Thầy ra bài cho hai người làm để thử, nhưng Thi Tuấn giả cũng làm được văn. Việc đưa lên Vương thừa tướng. Thừa tướng dò hỏi mới biết Thi Tuấn thật vốn có một nốt ruồi ở vai bên phải. Nhưng khi bắt ra tra hỏi, thì Thi Tuấn giả cũng hóa phép làm cho mọc lên một nốt ruồi như vậy. Sau đó thấy Vương thừa tướng sắp tra ra mưu gian, chuột thứ năm – Thi Tuấn giả – bằng phép thần thông, báo cho con chuột thứ tư phi thân tới tòa án hóa thành một Vương thừa tướng giả làm cho vụ án thêm rắc rối. Việc đưa lên vua Nhân Tông. Sắp sửa vạch ra thật giả, thì đến lượt một vua Nhân Tông khác lại xuất hiện do con chuột thứ ba được tin báo, phi thân tới, hóa ra. Vụ án lại chồng thêm một rắc rối mới. Người ta mời mẹ vua ra cứu xét; nhờ thử ngọc tỉ của vua, hoàng thái hậu phân biệt được vua giả. Trong khi ra lệnh bắt giam, thì con chuột thứ hai được tin báo tới hóa thân thành một hoàng thái hậu thứ hai. Triều đình sau đó phải cho mời Bao Công. Bao Công đưa theo hai mươi bốn người hầu và ba mươi sáu hình cụ tới. Bắt đầu ông cho thần Thành hoàng tra hỏi, nhưng con chuột thứ năm đã kịp thời báo tin cho chuột thứ nhất phi thân tới hóa thành một Bao Công giả. Trong khi mọi người thất vọng vì vụ án phức tạp khó hiểu, thì Bao Công thật quyết định xuống âm phủ để tìm cách tra cho ra lẽ. Ngọc Hoàng sai mười vị khâm sai đi giúp Bao Công. Cuối cùng Bao Công mượn được con mèo Ngọc diện kim miêu (đã được Phật làm cho bé lại để Bao Công bỏ vào tay áo). Lên trần, Bao Công sai đắp nền đất rồi đứng lên trên, bắt những người thật và giả sắp hàng đứng phía dưới. Được thả ra, mèo thần liền lần lượt chụp những con chuột mang lốt người, trừ con chuột thứ năm mau chân chạy thoát. Những con chuột chết, xác to lớn, không có máu, vua sai làm thịt cho quân đội ăn.

Riêng con chuột thứ năm sau đó bị Ngọc Hoàng bắt nộp cho Phật. Phật bắt hắn hóa thành kiếp chuột ngày nay, vĩnh viễn ở cõi trần sống bằng những thứ lén lút ăn trộm được của con người[2].

[1] Theo Lê Doãn Vỹ, đã dẫn, số 17 (1940), và theo lời kể của người miền Bắc.

[2] Theo Ngũ thử náo Đông-kinh, Bao Công thu yêu truyện, dẫn trong. Nghiên cứu về truyện và tiểu thuyết Trung-quốc của Lê-vi (Lévi).

Chọn tập
Bình luận