Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Tam và Tứ

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Ngày xưa có một người làm nghề bưng trống tên là Tam. Mỗi lần làm xong một số hàng có đủ trống con trống lớn, ông thường mang đi các vùng lân cận để bán. Bán hết, ông lại trở về làm chuyến khác. Một hôm ông gánh hàng đi bán ở một vùng khá xa. Vừa trèo lên một ngọn đèo, ông bỗng thấy một người ngồi ẩn dưới bóng một cây đa. Thấy mệt và nóng bức nên ông cũng dừng lại ở đây nghỉ chân. Trong khi trò chuyện, hai người hỏi tên tuổi và nghề nghiệp của nhau. Người hàng trống biết khách thên là Tứ làm nghề buôn vặt nhưng hết vốn, đang định tìm chỗ làm thuê để nuôi miệng.

Tam thương cảnh ngộ của Tứ, bèn giở gói cơm ra mời ngồi lại cùng ăn, đoạn bảo Tứ:

– Bây giờ anh hãy gánh giúp cho tôi một đoạn đường từ đây tới khi anh rẽ lối khác. Tôi sẽ trả anh một số tiền.

Hai người bắt đầu xuống núi. Đi một thôi đường, họ thấy khát nước, và sau đó, cả hai đều dừng lại bên một cái giếng thơi ở vệ đường. Nhìn thấy giếng sâu, thành đứng lại đầy rêu, không biết làm sao mà múc, Tứ bảo Tam:

– Bây giờ ta làm cách này thì uống được. Tôi buộc sợi dây lưng vào người, ông nắm chặt lấy một đầu dây, để tôi bám vào thành giếng trèo xuống. Uống xong ông kéo lên cho. Sau đó đến lượt ông lại làm như tôi để xuống.

Họ làm như lời đã bàn. Nhưng đến lượt Tam xuống thì Tứ để mặc Tam dưới đáy giếng rồi quảy gánh trống đi luôn một mạch. Tam gọi mãi không thấy Tứ, biết là bị lừa, bèn đứng dưới giếng kêu cứu ầm ĩ. Không may cho Tam là đoạn đường ấy rất vắng nên kêu khản cả cổ mà chả có một tiếng trả lời. Mãi đến chiều tối mới gặp được mấy người khách bộ hành đi qua, nhờ đó được họ kéo lên khỏi giếng.

Tam vừa xót của vừa giận phường bội nghĩa, đi thất thểu mãi đến chiều rồi lạc vào một ngôi chùa. Ông gọi người thủ hộ, nài nỉ xin cho mình được vào nghỉ nhờ một đêm. Thủ hộ bảo:

– Ở đây có bốn con quỷ “quàn tài” dữ lắm. Thường đến canh ba thì chúng hiện ra. Người quen thì chớ, còn người lạ thì chúng nó bóp cổ. Thôi, ông đi chỗ khác mà trú, đừng lân la nơi đây mà thác uổng mạng!

Tam bấy giờ đầu gối đã mỏi, mắt đã ríu, nên đáp liều:

– Bạch thầy, thầy cứ làm ơn cho tôi ẩn nấp một chỗ nào đó kín đáo, để tôi ngủ nhờ một tối, kẻo tôi bây giờ không thể lê bước đi đâu được nữa.

Thủ hộ chỉ vào một cửa hang và bảo:

– Đó là cái hang mà bốn con quỷ hay ra vào, bên cạnh cửa hang có một chỗ kín có thể nấp được, ông vào đó mà ngủ may ra thì thoát. Ngoài đó ra chả có nơi nào kín kết!

Tam đành chui liều vào chỗ thủ hộ chỉ, rồi đặt mình xuống một giấc. Đến canh ba, tỉnh dậy, thấy bốn con quỷ vừa đi đâu mới về. Chúng nó đứng lại ở cửa hang trò chuyện với nhau. Con quỷ thứ nhất nói:

– Phía sau ngôi chùa này, cách mười bước về phía bên trái có chôn sáu chĩnh bạc.

Con quỷ thứ hai nói:

– Phía sau ngôi chùa này, cách mười bước về bên phải cũng có chôn sáu chĩnh vàng.

Con quỷ thứ ba nói:

– Còn tôi, tôi có biết một chỗ giấu một viên ngọc quý, ai mà bắt được thì có thể làm chúng ta chết ngay lập tức!

Con quỷ thứ tư nói:

– Ngọc ở đâu?

– Ở bên cạnh cửa hang này.

Nghe nói thế, Tam nhớ lại lúc đi ngủ quả có thấy một viên gì tròn tròn và sáng ở ngay cạnh chỗ nằm; lập tức chàng với tay chộp lấy ngọc. Giữa lúc mấy con quỷ chưa kịp bỏ đi, Tam đã vung tay ném hòn ngọc vào giữa chúng, làm cho cả bốn đều chết thẳng cẳng.

Sáng dậy, Tam bước ra khỏi chỗ nằm đi tìm thủ hộ để cảm ơn. Sau đó ông trở về gọi người nhà tìm đến chùa, đào lấy mấy chĩnh vàng và bạc. Từ đó, Tam trở nên giàu có sung sướng.

Còn Tứ sau khi cướp được gánh trống của Tam, bèn tìm đi một nơi xa để bán. Chiều tối hắn ghé lại một cái quán xin nghỉ trọ. Chủ quán bảo:

– Ở đây khuya lại có quỷ hiện ra làm hai khách lạ. Vậy ông hãy gắng đi thật xa mới khỏi làm mồi cho chúng.

Nghe nói Tứ hoảng sợ, nhưng bấy giờ tìm đến làng xóm thì đã quá muộn, hắn đành phải xin chủ quán chỉ cho một chỗ kín đáo để nấp tránh lũ quỷ. Chủ quán chỉ cho Tứ một cái hang kín. Tứ đặt gánh trống ở ngoài cửa hang, chui vào nằm ngủ.

Khuya lại, quả có một lũ quỷ kéo đến cửa hang. Chúng vô tình giẫm lên mặt trống, trống phát tiếng “thùng thùng”. Giật mình kinh sợ, mỗi con quỷ chạy trốn vào một xó. Một con quỷ chui nhào vào hang Tứ nằm giữa lúc hắn đang ngủ mê. Thế là tiện tay quỷ bóp cổ, hắn chết[1].

KHẢO DỊ

Truyện của ta giống với khá nhiều truyện của các dân tộc Đông và Tây:

Trước hết là truyện của Băng-la-dex (Banglades):

Một hoàng tử và một người con viên cảnh sát (kôt-oal), một thiện, một ác, cùng kết bạn với nhau để đi ra nước ngoài. Một hôm qua một cái giếng, nhân khát khô cổ, hoàng tử bảo người bạn dòng mình xuống để uống. Người kia bỏ hoàng tử xuống giếng rồi đi thẳng. Đêm lại, hoàng tử nghe dưới giếng có hai vị thần (bơ-hut) nói chuyện với nhau. Một vị nói mình bắt được một nàng công chúa và phải làm phép như thế, công chúa mới được giải cứu. Vị thần kia cho biết dưới một gốc cây gần giếng có năm lọ vàng mà mình là kẻ canh gác. Phải làm phép như thế mới có thể đưa vàng lên khỏi mặt đất.

Sáng dậy hoàng tử được một người qua đường giúp đỡ đưa lên khỏi giếng. Người qua đường này lại chính là người được vua sai đi rao khắp thiên hạ rằng ai cứu được công chúa khỏi tay hung thần sẽ chia cho nửa nước. Hoàng tử lập tức theo đúng cách đã nghe lỏm được, cứu thoát cho công chúa rồi đến giếng chiếm lấy năm lọ vàng. Biết có người nghe lỏm, hai vị thần tức giận từ đấy hết sức đề phòng.

Đứa con viên quan cảnh sát một hôm nghe câu chuyện hoàng tử gặp may, nổi lòng tham bèn tìm đến giếng trèo xuống. Nhưng hai vị thần đã rình sẵn tóm lấy y giết chết.

Gần như là một với truyện trên là truyện trong Nghìn lẻ một đêm:

A-bu Ni-ut (Thiện) nhân khát nước, nhờ một người bạn đường là A-bu Ni-út-tin (Ác) buộc dây dòng mình xuống một cái giếng. Nhưng đang giải khát thì người bạn đã cắt dây, bỏ anh lại. Đến khuya, A-bu Ni-ut nghe dưới đáy giếng có hai hung thần nói chuyện với nhau về cách chữa bệnh cho một công chúa và cách tìm kho vàng. Sáng mai, nhờ một người bộ hành đi qua, anh được kéo lên khỏi giếng. Anh bèn đến cung vua xin chữa bệnh cho công chúa và sau đó, lấy được nàng làm vợ, lại đào lấy được kho vàng. Ít lâu sau gặp lại người bạn đường cũ, anh kể hết cho hắn nghe. A-bu Ni-út-tin cũng muốn được may mắn nên tự mình trèo xuống giếng nhưng hai hung thần lúc này đã gặp lại nhau, tin cho nhau biết việc bí mật của họ bị bại lộ. Nổi giận, họ lấy đá lấp giếng lại. A-bu Ni-út-tin bị chết dưới giếng.

Truyện của người Xa-ri-kô-li (ở Trung Á, phía Tây cao nguyên Pa-mia (Pamir)) không nói đến giếng mà nói đến cái hang:

Có hai anh bạn Thiện và Ác cùng đi với nhau. Mấy ngày đầu họ ăn lương thực của Thiện. Ăn hết rồi, Ác đòi Thiện phải chọc một con mắt thì mới cho anh ăn vào lương thực của mình. Bữa thứ hai hắn bắt anh chọc nốt con mắt kia. Cuối cùng, hắn bỏ người bạn lại dọc đường. Thiện ẩn vào một cái hang. Đêm lại, anh nghe có ba con vật: chó sói, gấu và chồn nói chuyện với nhau về một nàng công chúa bị mù và cách chữa mù bằng một thứ cây và một thứ nước giếng ở gần hang. Thiện đi tìm thuốc chữa lành mắt mình lại đến kinh đô chữa lành mắt cho công chúa, được vua kén làm phò mã. Khi gặp Ác, Thiện cũng kể chuyện mình cho Ác nghe. Ác bèn cũng mò đến cái hang kia, nhưng ban đêm, các con vật nghe tiếng động của Ác bèn xúm lại vồ chết.

Một loạt truyện ở Á và Âu tuy không nói đến giếng hay hang nhưng đều có tình tiết tương tự. Dưới đây là một vài truyện tiêu biểu:

Truyện của người Kiếc-ghi-dơ (Kirghizs) giống truyện vừa kể ở chỗ cũng có hai nhân vật Thiện và Ác (nhưng khi ăn đến chỗ lương thực của Ác, thì ở đây, Ác đòi phải cắt hai tai và chọc hai mắt Thiện). Khi bị bỏ ở rừng, Thiện nghe câu chuyện của ba con vật: hổ, chồn và chó sói. Chồn nói đến một thứ cây chữa lành tai và lành mắt. Hổ nói đến một con chó nọ, xương nó có thể làm cho người chết sống lại. Còn con chó sói mách một chỗ có một khối vàng to bằng đầu người. Sáng dậy, Thiện đi tìm cây quý, tự chữa lành tai và mắt, rồi đi nhặt khối vàng, đoạn lấy một số vàng mua lại con chó quý. Tới một nước nọ, Thiện lấy xương chó chữa cho vua sống lại. Để tạ ơn, vua gả công chúa cho anh. Khi Ác nghe kể câu chuyện, liền giục Thiện cắt tai, chọc mắt cho mình và đưa mình đến rừng để mong cũng được phú quý, nhưng hắn đã bị ba con vật kia vồ chết.

Người Kiếc-ghi-dơ còn có một truyện khác: có ba vị hoàng tử cùng nhau lên đường để tìm một con chim họa mi biết nói mà vua cha nằm mộng thấy, hứa thưởng cái ngai vàng cho người nào tìm ra. Hoàng đế trẻ là Hem-ra sau đó trở thành chồng một nàng tiên, và nhờ vợ, cuối cùng anh làm chủ được con chim màu nhiệm. Về đến một quán hàng, anh gặp lại hai người anh lúc này đã trở thành nô lệ cho người hầu làm bếp. Hem-ra lấy tiền ra chuộc và đưa hai anh về. Dọc đường, hai người móc mắt Hem-ra quẳng xuống giếng, đoạn lấy chim mang về. Khi gặp vua, chim mách vua biết tình hình của Hem-ra. Trong khi đó, nhờ có nùi tóc của vợ mang theo, Hem-ra gọi nàng tiên đến cứu anh lên khỏi giếng.

Truyện của người U-dơ-bếch (Ouzbeks):

Tu-gơ-lây (thành thực) cưỡi ngựa đi tìm cách sống, gặp U-gơ-lây (giả dối) bèn kết bạn. Anh không bị bạn chọc thủng mắt nhưng lại bị lấy trộm mất ngựa. Dọc đường trời tối, anh ngủ trong một cái lò bánh mì bỏ hoang mà đêm đêm các thú rừng thường tụ họp. Anh nghe một con cáo nói có một hang đá gần đấy có nhiều đồ ăn thức đựng quý giá. Một con gấu nói có một loại cây quý ở gần đấy có thể chữa bệnh cho một công chúa. Một con chó sói nói có một đàn dê bốn vạn con, mỗi ngày nó chén hai con, nếu người chăn dê mua được một con chó to ở một chỗ nọ thì chính nó sẽ bị chó diệt. Một con hổ nói có một đàn ngựa đông, mỗi ngày nó ăn thịt một con, nếu có người nào cưỡi được con ngựa khoang trong đàn thì nó sẽ bị tóm cổ. Sáng dậy, Tu-gơ-lây tìm cây thuốc hái lá cất đi. Anh mua con chó to đưa biếu bác chăn dê. Lại đến tìm người chăn ngựa báo lấy yên cương lắp vào con ngựa khoang cho mình bắt hổ. Anh ném thòng lọng bắt được hổ giết chết. Người chăn ngựa biếu anh con ngựa khoang. Anh cưỡi đến cung vua xin chữa bệnh cho công chúa. Công chúa lành bệnh, anh từ chối chức quan chỉ xin một túp nhà bên núi có hang đá như con cáo nói, và nhờ đó được sống sung sướng.

U-gơ-lây nghe chuyện cũng tìm đến lò bánh mì nằm ngủ. Nghe các con vật kể cho nhau về nỗi thất bại của mình, vì có kẻ nào đó nghe lỏm nên giấu mất luôn cây thuốc, hổ thì bị giết chết, chó sói bị đuổi, và hang của cáo có người đến chiếm, sư tử liền ra lệnh tìm cho ra kẻ gian. Một con gà rừng chỉ cho chúng biết trong lò có người nghe trộm. Lập tức chúng chui vào xé xác U-gơ-lây.

Truyện của người Pháp:

Một người lính giải ngũ tự chọc mù mắt mình để cho một người thứ hai dắt đi ăn xin, nhưng sau đó anh thấy mình thiệt thòi vì được miếng ngon nào, người kia đều hưởng mất cả. Thấy anh kêu ca, hắn bỏ anh lại trong rừng. Đêm lại, ngồi trên cây, anh nghe câu chuyện của bốn con vật (chồn, lợn lòi, chó sói, và hoẵng) nói về một con sông có nước chữa được mù mắt, về một công chúa bị bệnh và chỉ chữa khỏi bệnh bằng nước con sông nọ, về dòng suối của một thành phố kia bị tắc vì một cây cổ thụ, v.v… Sáng dậy, anh lại đi tìm dòng sông để chữa mắt cho mình. Xong đến thành phố mách cho quan quân biết cách tìm ra dòng nước, nhờ đó được thưởng một vạn năm nghìn quan. Cuối cùng đến gặp vua, anh bày cách chữa bệnh cho công chúa, được vua cho làm phò mã. Về sau anh gặp lại bạn cũ và sự việc diễn biến y như các truyện trên: các con vật thấy câu chuyện của mình bị lộ, tức giận, nhìn thấy có người ngồi trên cây, bèn làm cây đổ, vồ chết.

Truyện vừa kể khá phổ biến ở các dân tộc châu Âu, tình tiết có khác đôi chút theo địa phương. Có nơi còn đèo thêm một đôi điều thuyết lý về đạo đức. Ví dụ truyện của người Đức:

Một người chủ nói với tớ rằng: không phải sự thật và công bằng mà chỉ có giả dối và phản phúc ngự trị. Tớ nói trái lại. Hai bên hẹn nhau đi tìm bằng chứng, ai nói đúng sẽ được chọc mắt đối phương. Họ gặp ba nhân vật đều chứng cho lời nói của chủ là đúng. Thế là tớ bị chọc mù mắt, bơ vơ giữa rừng. Đêm lại, tớ nghe theo những con quỷ nói chuyện với nhau về một loại cây nào đó ở gần đấy chữa lành mắt. Tớ đi tìm cây tự chữa lành, rồi còn chữa lành mắt cho một công chúa và được lấy nàng làm vợ. Sau đó chủ nghe tớ kể cũng tìm đến rừng ấy, nhưng bị quỷ chọc cho mù mắt.

Truyện của người Ấn ở miền Nam:

Một hoàng tử tên là Xu-bu-đi nói với con một viên đại thần tên là Đuốc-bu-đi rằng lòng thiện sẽ thắng, còn người kia thì nói ngược lại. Một hôm hai người cùng nhau đi săn. Tức giận vì thấy hoàng tử hay chế giễu mình nên người kia bất ngờ nhảy tới móc mắt và bỏ chàng lại giữa rừng. Hoàng tử bò lê đến một cái đền, vào ẩn trong đó, rồi đóng cửa lại. Thần đền này là Kâ-li, khi trở về thấy cửa đóng, toan rủa chết người nào đóng cửa, bỗng thấy tiếng hoàng tử nói vọng ra: – “Tôi bị mù sắp chết, thần bắt tôi chết cũng được, nhưng nếu thần cứu tôi, tôi sẽ mở cửa”. Thương tình, thần hứa, và sau đó chữa lành mắt cho Xu-bu-đi. Thần lại kết bạn thân với hoàng tử và mách cho biết ở một nước nọ có một công chúa bị bệnh hóa mù, ai chữa khỏi sẽ được làm vua: – “Chỉ cần lấy một ít tro của đền ta bỏ vào mắt nàng trong ba ngày, ngày thứ tư sẽ khỏi”. Hoàng tử mang tro đi chữa và được lấy công chúa. Về sau, gặp Đuốc-bu-đi đi ăn xin, hoàng tử nhiều lần giúp đỡ cho hắn, nhưng lần nào hắn cũng lấy oán trả ân, cuối cùng hắn bị hại.

Truyện của người Mèo Người anh tham lam:

Có hai anh em bố mẹ chết để lại một đàn lợn béo. Chôn cất xong, hai anh em đưa lợn ra chợ bán. Qua một miếu thần, người anh vào quỳ hỏi: – “Lòng ngay thẳng hơn hay lòng gian ác hơn?”. Thần bảo cái sau hơn. Anh bèn chọc mù hai mắt của em rồi chiếm lấy đàn lợn. Em lạc vào rừng sâu rồi trèo lên một cây cao nằm ngủ, không ngờ dưới gốc cây vốn là chỗ thú vật hội họp. Em lắng tai nghe câu chuyện của chúng. Hổ nói: – “Tao thấy dưới sàn nhà nọ có ba hố bạc”. Lợn nói: -“Tao đào củ ở một chỗ nọ thấy ba hòm tiền”. Gấu cũng chỉ một kho của ở bìa rừng. Khỉ chỉ một quả cây vắt nước vào mắt người mù thành sáng. Chúng hỏi : – “Cây nào?” khỉ chỉ vào cây mà người em đang ngồi. Sau khi các loài thú vật bỏ đi, người em hái quả, nhỏ nước vào mắt, quả nhiên mắt sáng lại. Rồi anh lần lượt đi tìm các vật quý như các con vật đã kể. Khi người anh bán xong lợn về đã thấy em mình ở nhà, mắt sáng và giàu có. Nghe em kể chuyện, người anh lại đi hỏi thần miếu. Thần miếu trả lời như cũ. Anh về bảo em chọc mù mắt mình. Em không chịu. Anh tự chọc mắt rồi tìm cây nọ trèo lên. Nhưng khỉ đã trông thấy hắn liền báo cho các con vật khác biết. Chúng rung cây, người anh rơi xuống bị xé xác. Thần miếu bỏ chạy[2].

Một truyện khác của người Ấn sưu tầm ở chân núi Hi-mã-lạp (Himalaya):

Một người Bà-la-môn nghèo đi ăn xin. Một hôm đi qua bốn cái làng mà không được miếng gì. Đến làng cuối cùng hắn gõ cửa nhà một vị lão làng. Người vợ lão làng mở cửa cho ăn. Nhưng khi lão làng về, thấy vậy liền cầm giày đánh đuổi. Người Bà-la-môn chạy qua nghĩa địa thấy có lửa, ghé lại sưởi, nhân đó gặp một con ma. Con ma trước cười sau khóc. Người Bà-la-môn cũng làm như vậy. Ma hỏi lí do. Người Bà-la-môn cũng hỏi như thế. Ma đáp: – “Cười là ngồi một mình có bạn, khóc là vì chốc nữa có bốn mụ chằng từ bốn phương lại, sẽ ăn thịt tao hoặc mày” – “Có cách gì thoát không?” – “Trèo lên cây kia”.

Anh vừa trèo lên cây thì bốn mụ chằng tới ăn thịt con ma và kể cho nhau nghe về bốn cái cốc bạc dưới một gốc cây nọ, về cách dùng mật một con chim để làm người già trẻ lại, về cách chiếm lấy chuỗi hạt của một con chuột, và về một hòn núi đá ở một nơi kia có rất nhiều vàng, v.v… Sau đó, người Bà-la-môn lần lượt đi lấy cốc bạc, lấy mật chim và chuỗi hạt của con chuột. Nghe tin có ông vua hủi, anh tìm đến xin chữa. Bị đuổi ra, nhưng rồi cũng được vào cung, sau sáu ngày quả lành bệnh. Vua hứa sẽ cho bất kỳ cái gì anh muốn. Anh chỉ xin quyền sở hữu một hòn núi đá nọ mà thôi. Vua cho là điên, nhưng thấy trước sau người ấy chỉ xin có chừng ấy, bèn cho anh làm chủ quả núi cùng với vài đồng vàng. Nhưng vua không ngờ nhờ hòn núi, người Bà-la-môn trở thành đại phú.

Về sau, vị lão làng gõ cửa ăn xin nhà người Bà-la-môn. Người này bảo vợ xúc một đĩa ngọc ra cho. Lão làng lắc đầu. Người Bà-la-môn bèn kể lại chuyện cũ cho y nghe. Lão làng bùi tai đến nghĩa địa để gặp được ma. Ma cũng bày cho trèo lên cây. Bốn mụ chằng lại đến ăn thịt ma và than thở với nhau về những điều bí mật kể cho nhau nghe lần trước bị lộ. Nhác thấy lão làng, bốn mụ xông tới ăn thịt[3].

Một truyện của đồng bòa Cham-pa Run và Rai cũng là một dị bản của các truyện trên nhưng các phần sau lại gần giống với Tấm Cám (số 154) và Sự tích con khỉ (số 12, tập I).

Người Khơ-me (Khmer) có truyện Sóc-lành Sóc-ác hay là Sự tích cây cỏ may cũng là một dị bản, nhưng đoạn cuối phát triển theo hướng khôi hài. Sóc-lành mồ côi ở với bà, nhà nghèo, người làng ai cũng thương. Sóc-ác người cùng làng nhà giàu nhưng độc ác, nên ai cũng ghét. Một hôm Sóc-ác rủ Sóc-lành đi chặt tre về sửa nhà cho bà Sóc-lành, Sóc-lành nói: -“Tôi không có dao rựa và lương ăn”. Đáp: – “Ta sẽ cho mượn đồ dùng và cho ăn”. Lên rừng, Sóc-lành làm được nhiều, còn Sóc-ác chỉ chơi. Khi ăn, Sóc-ác chọc hai mắt Sóc-lành rồi đạp xuống suối, về nhà nói dối là đã bị hổ ăn thịt. Sóc-lành rơi xuống suối miệng luôn mồm cầu nguyện: -“Lạy đức Phật!”. Một con cá sấu thấy thế thương hại đưa về cho chúa. Nghe Sóc-lành kể, chúa gắn ngọc vào hai mắt, mắt lại lành như cũ, đoạn cho một nắm cát đưa về rải lên chùa, cát hóa thành vàng bạc châu báu. Từ đấy bà cháu Sóc-lành trở nên giàu có.

Nghe kể chuyện, Sóc-ác nhờ Sóc-lành chọc mù mắt mình và đạp hộ xuống suối. Nhưng dầu hắn cầu nguyện “Lạy đức Phật!” rầm rĩ cũng chẳng một ai đến cứu. Cái đầu lâu Sóc-ác tuy bị rữa hết thịt, vẫn kêu “Lạy đức Phật!” luôn mồm. Mấy cô gái con một người lái buôn nhặt được đem về cho bố. Thấy thế bố liền đặt lên mâm đưa vào triều. Y đánh cược với các quan một trăm lạng vàng, nếu y sai khiến được đầu lâu nói: -“Lạy đức Phật!”. Nhưng y mất số tiền cược vì đầu lâu lại không chịu nói. Tức giận, y ném đầu lâu xuống suối. Một nhà sư nhặt được đem về làm lễ cầu siêu độ rồi thiêu hóa, đem tro ấy trộn sơn quét lên chiếc xe của mình. Nhưng từ đấy chiếc xe lại thỉnh thoảng văng tục vào người đi đường và đã hai làn làm cho nhà sư vất vả chạy trốn để khỏi bị họ trừng phạt. Cuối cùng chiếc xe bị đốt cháy, nhưng tro của nó biến thành cỏ may; hạt cỏ may cứ luôn luôn bám vào quần áo của người đi đường làm cho người ta khó chịu[4].

Cuối cùng là một phật thoại Ông Thiện ông Ác của Ấn-độ:

Một ông vua nước Ba-la-nại (Bénares) tên là Ma-la-ha-xa có hai người con: một, do chính phi sinh ra tên là Thiện, một, do thứ phi sinh ra, tên là Ác. Hai người tính nết trái ngược nhau từ thuở nhỏ. Thiện vốn thương người, một hôm đi chơi ngoài thành thấy nỗi khổ của dân chúng thì về xin vua cha mở kho để bố thí. Vua vì yêu con nên để cho Thiện tự do. Nhưng khi thấy vợi hết hai ba phần ba kho vàng, các quan khuyên vua hãm lại. Nghe nói Long vương ở biển Đông có viên ngọc ma-ni có thể cứu vớt chúng sinh. Thiện không ngại nguy hiểm, cương quyết ra đi mặc dù bố mẹ can ngăn. Vua không giữ được, đành chiêu mộ năm trăm người lính tình nguyện trong đó có Ác đi theo. Nhưng đến bờ biển, Thiện bảo họ trở về mà đi một mình. Được Long vương tặng ngọc, trên đường về Thiện lại gặp Ác. Để chiếm viên ngọc, Ác nhân khi Thiện ngủ, chọc thủng hai mắt anh rồi về một mình, nói dối với vua cha rằng anh mình đã chết.

Bị mù, Thiện lưu lạc ở nước Lợi-tu-bạt (vốn có công chúa trước hứa gả cho Thiện) làm nghề gảy đàn rong. Cuối cùng được một người gác vườn ngự cho làm nghề đuổi chim. Hàng ngày Thiện phải giật dây khi nghe có tiếng chim, nhưng anh chỉ giật khi chim đã ăn xong. Một hôm công chúa dạo vườn thấy Thiện, không biết là người hứa hôn, đâm ra mê mẩn và xin vua lấy làm chồng. Vua không ngăn được, đành phải cho hai người lấy nhau. Một hôm, công chúa đi chơi vắng, lúc về bị chồng trách. Công chúa nói mình đến thăm chị em. Chồng vẫn không tin: – “Nếu lòng tôi trung chính xin cho một mắt của anh sáng lại”. Công chúa thề như thế. Một mắt của Thiện tự nhiên sáng ra. Đến lượt vợ trách chồng. Thiện nói: – “Tôi không phải ai khác mà là con vua Ba-la-nại”. Vợ không tin. Chồng thề: – “Nếu tôi nói đúng thì xin một mắt kia sáng nốt”. Con mắt thứ hai của Thiện trở lại sáng như xưa. Thấy rể lành mắt, vua nhường ngôi cho.

Bấy giờ bố mẹ của Thiện thương khóc con đến mù lòa. Một hôm hoàng hậu viết thư bảo con bạch nhạn – con vật nuôi của Thiện ngày trước – đi tìm. Bạch nhạn quả tìm được chủ. Đọc thư, Thiện mừng quá, liền viết thư kể hết mọi việc, sai nhạn đưa về. Vua cha được thư liền bắt Ác bỏ ngục và sai người đi đón vợ chồng Thiện về nước. Thiện về đến nơi xin tha tội cho Ác. Anh được vua cha nhường ngôi. Với hòn ngọc do Ác trả, anh giúp cho cha mẹ khỏi lòa và làm cho dân chúng được ấm no hạnh phúc[5].

[1] Theo Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn.

[2] Theo Truyện cổ dân tộc Mèo.

[3] Đều theo Cô-xcanh (Cosquin), sách đã dẫn, tập I

[4] Theo Mác-ti-ni (Martini) và Béc-na (Bernard). Truyện dân gian Cam-pu-chia chưa hề in

[5] Theo Đuốc tuệ (1936).

Ngày xưa có một người làm nghề bưng trống tên là Tam. Mỗi lần làm xong một số hàng có đủ trống con trống lớn, ông thường mang đi các vùng lân cận để bán. Bán hết, ông lại trở về làm chuyến khác. Một hôm ông gánh hàng đi bán ở một vùng khá xa. Vừa trèo lên một ngọn đèo, ông bỗng thấy một người ngồi ẩn dưới bóng một cây đa. Thấy mệt và nóng bức nên ông cũng dừng lại ở đây nghỉ chân. Trong khi trò chuyện, hai người hỏi tên tuổi và nghề nghiệp của nhau. Người hàng trống biết khách thên là Tứ làm nghề buôn vặt nhưng hết vốn, đang định tìm chỗ làm thuê để nuôi miệng.

Tam thương cảnh ngộ của Tứ, bèn giở gói cơm ra mời ngồi lại cùng ăn, đoạn bảo Tứ:

– Bây giờ anh hãy gánh giúp cho tôi một đoạn đường từ đây tới khi anh rẽ lối khác. Tôi sẽ trả anh một số tiền.

Hai người bắt đầu xuống núi. Đi một thôi đường, họ thấy khát nước, và sau đó, cả hai đều dừng lại bên một cái giếng thơi ở vệ đường. Nhìn thấy giếng sâu, thành đứng lại đầy rêu, không biết làm sao mà múc, Tứ bảo Tam:

– Bây giờ ta làm cách này thì uống được. Tôi buộc sợi dây lưng vào người, ông nắm chặt lấy một đầu dây, để tôi bám vào thành giếng trèo xuống. Uống xong ông kéo lên cho. Sau đó đến lượt ông lại làm như tôi để xuống.

Họ làm như lời đã bàn. Nhưng đến lượt Tam xuống thì Tứ để mặc Tam dưới đáy giếng rồi quảy gánh trống đi luôn một mạch. Tam gọi mãi không thấy Tứ, biết là bị lừa, bèn đứng dưới giếng kêu cứu ầm ĩ. Không may cho Tam là đoạn đường ấy rất vắng nên kêu khản cả cổ mà chả có một tiếng trả lời. Mãi đến chiều tối mới gặp được mấy người khách bộ hành đi qua, nhờ đó được họ kéo lên khỏi giếng.

Tam vừa xót của vừa giận phường bội nghĩa, đi thất thểu mãi đến chiều rồi lạc vào một ngôi chùa. Ông gọi người thủ hộ, nài nỉ xin cho mình được vào nghỉ nhờ một đêm. Thủ hộ bảo:

– Ở đây có bốn con quỷ “quàn tài” dữ lắm. Thường đến canh ba thì chúng hiện ra. Người quen thì chớ, còn người lạ thì chúng nó bóp cổ. Thôi, ông đi chỗ khác mà trú, đừng lân la nơi đây mà thác uổng mạng!

Tam bấy giờ đầu gối đã mỏi, mắt đã ríu, nên đáp liều:

– Bạch thầy, thầy cứ làm ơn cho tôi ẩn nấp một chỗ nào đó kín đáo, để tôi ngủ nhờ một tối, kẻo tôi bây giờ không thể lê bước đi đâu được nữa.

Thủ hộ chỉ vào một cửa hang và bảo:

– Đó là cái hang mà bốn con quỷ hay ra vào, bên cạnh cửa hang có một chỗ kín có thể nấp được, ông vào đó mà ngủ may ra thì thoát. Ngoài đó ra chả có nơi nào kín kết!

Tam đành chui liều vào chỗ thủ hộ chỉ, rồi đặt mình xuống một giấc. Đến canh ba, tỉnh dậy, thấy bốn con quỷ vừa đi đâu mới về. Chúng nó đứng lại ở cửa hang trò chuyện với nhau. Con quỷ thứ nhất nói:

– Phía sau ngôi chùa này, cách mười bước về phía bên trái có chôn sáu chĩnh bạc.

Con quỷ thứ hai nói:

– Phía sau ngôi chùa này, cách mười bước về bên phải cũng có chôn sáu chĩnh vàng.

Con quỷ thứ ba nói:

– Còn tôi, tôi có biết một chỗ giấu một viên ngọc quý, ai mà bắt được thì có thể làm chúng ta chết ngay lập tức!

Con quỷ thứ tư nói:

– Ngọc ở đâu?

– Ở bên cạnh cửa hang này.

Nghe nói thế, Tam nhớ lại lúc đi ngủ quả có thấy một viên gì tròn tròn và sáng ở ngay cạnh chỗ nằm; lập tức chàng với tay chộp lấy ngọc. Giữa lúc mấy con quỷ chưa kịp bỏ đi, Tam đã vung tay ném hòn ngọc vào giữa chúng, làm cho cả bốn đều chết thẳng cẳng.

Sáng dậy, Tam bước ra khỏi chỗ nằm đi tìm thủ hộ để cảm ơn. Sau đó ông trở về gọi người nhà tìm đến chùa, đào lấy mấy chĩnh vàng và bạc. Từ đó, Tam trở nên giàu có sung sướng.

Còn Tứ sau khi cướp được gánh trống của Tam, bèn tìm đi một nơi xa để bán. Chiều tối hắn ghé lại một cái quán xin nghỉ trọ. Chủ quán bảo:

– Ở đây khuya lại có quỷ hiện ra làm hai khách lạ. Vậy ông hãy gắng đi thật xa mới khỏi làm mồi cho chúng.

Nghe nói Tứ hoảng sợ, nhưng bấy giờ tìm đến làng xóm thì đã quá muộn, hắn đành phải xin chủ quán chỉ cho một chỗ kín đáo để nấp tránh lũ quỷ. Chủ quán chỉ cho Tứ một cái hang kín. Tứ đặt gánh trống ở ngoài cửa hang, chui vào nằm ngủ.

Khuya lại, quả có một lũ quỷ kéo đến cửa hang. Chúng vô tình giẫm lên mặt trống, trống phát tiếng “thùng thùng”. Giật mình kinh sợ, mỗi con quỷ chạy trốn vào một xó. Một con quỷ chui nhào vào hang Tứ nằm giữa lúc hắn đang ngủ mê. Thế là tiện tay quỷ bóp cổ, hắn chết[1].

KHẢO DỊ

Truyện của ta giống với khá nhiều truyện của các dân tộc Đông và Tây:

Trước hết là truyện của Băng-la-dex (Banglades):

Một hoàng tử và một người con viên cảnh sát (kôt-oal), một thiện, một ác, cùng kết bạn với nhau để đi ra nước ngoài. Một hôm qua một cái giếng, nhân khát khô cổ, hoàng tử bảo người bạn dòng mình xuống để uống. Người kia bỏ hoàng tử xuống giếng rồi đi thẳng. Đêm lại, hoàng tử nghe dưới giếng có hai vị thần (bơ-hut) nói chuyện với nhau. Một vị nói mình bắt được một nàng công chúa và phải làm phép như thế, công chúa mới được giải cứu. Vị thần kia cho biết dưới một gốc cây gần giếng có năm lọ vàng mà mình là kẻ canh gác. Phải làm phép như thế mới có thể đưa vàng lên khỏi mặt đất.

Sáng dậy hoàng tử được một người qua đường giúp đỡ đưa lên khỏi giếng. Người qua đường này lại chính là người được vua sai đi rao khắp thiên hạ rằng ai cứu được công chúa khỏi tay hung thần sẽ chia cho nửa nước. Hoàng tử lập tức theo đúng cách đã nghe lỏm được, cứu thoát cho công chúa rồi đến giếng chiếm lấy năm lọ vàng. Biết có người nghe lỏm, hai vị thần tức giận từ đấy hết sức đề phòng.

Đứa con viên quan cảnh sát một hôm nghe câu chuyện hoàng tử gặp may, nổi lòng tham bèn tìm đến giếng trèo xuống. Nhưng hai vị thần đã rình sẵn tóm lấy y giết chết.

Gần như là một với truyện trên là truyện trong Nghìn lẻ một đêm:

A-bu Ni-ut (Thiện) nhân khát nước, nhờ một người bạn đường là A-bu Ni-út-tin (Ác) buộc dây dòng mình xuống một cái giếng. Nhưng đang giải khát thì người bạn đã cắt dây, bỏ anh lại. Đến khuya, A-bu Ni-ut nghe dưới đáy giếng có hai hung thần nói chuyện với nhau về cách chữa bệnh cho một công chúa và cách tìm kho vàng. Sáng mai, nhờ một người bộ hành đi qua, anh được kéo lên khỏi giếng. Anh bèn đến cung vua xin chữa bệnh cho công chúa và sau đó, lấy được nàng làm vợ, lại đào lấy được kho vàng. Ít lâu sau gặp lại người bạn đường cũ, anh kể hết cho hắn nghe. A-bu Ni-út-tin cũng muốn được may mắn nên tự mình trèo xuống giếng nhưng hai hung thần lúc này đã gặp lại nhau, tin cho nhau biết việc bí mật của họ bị bại lộ. Nổi giận, họ lấy đá lấp giếng lại. A-bu Ni-út-tin bị chết dưới giếng.

Truyện của người Xa-ri-kô-li (ở Trung Á, phía Tây cao nguyên Pa-mia (Pamir)) không nói đến giếng mà nói đến cái hang:

Có hai anh bạn Thiện và Ác cùng đi với nhau. Mấy ngày đầu họ ăn lương thực của Thiện. Ăn hết rồi, Ác đòi Thiện phải chọc một con mắt thì mới cho anh ăn vào lương thực của mình. Bữa thứ hai hắn bắt anh chọc nốt con mắt kia. Cuối cùng, hắn bỏ người bạn lại dọc đường. Thiện ẩn vào một cái hang. Đêm lại, anh nghe có ba con vật: chó sói, gấu và chồn nói chuyện với nhau về một nàng công chúa bị mù và cách chữa mù bằng một thứ cây và một thứ nước giếng ở gần hang. Thiện đi tìm thuốc chữa lành mắt mình lại đến kinh đô chữa lành mắt cho công chúa, được vua kén làm phò mã. Khi gặp Ác, Thiện cũng kể chuyện mình cho Ác nghe. Ác bèn cũng mò đến cái hang kia, nhưng ban đêm, các con vật nghe tiếng động của Ác bèn xúm lại vồ chết.

Một loạt truyện ở Á và Âu tuy không nói đến giếng hay hang nhưng đều có tình tiết tương tự. Dưới đây là một vài truyện tiêu biểu:

Truyện của người Kiếc-ghi-dơ (Kirghizs) giống truyện vừa kể ở chỗ cũng có hai nhân vật Thiện và Ác (nhưng khi ăn đến chỗ lương thực của Ác, thì ở đây, Ác đòi phải cắt hai tai và chọc hai mắt Thiện). Khi bị bỏ ở rừng, Thiện nghe câu chuyện của ba con vật: hổ, chồn và chó sói. Chồn nói đến một thứ cây chữa lành tai và lành mắt. Hổ nói đến một con chó nọ, xương nó có thể làm cho người chết sống lại. Còn con chó sói mách một chỗ có một khối vàng to bằng đầu người. Sáng dậy, Thiện đi tìm cây quý, tự chữa lành tai và mắt, rồi đi nhặt khối vàng, đoạn lấy một số vàng mua lại con chó quý. Tới một nước nọ, Thiện lấy xương chó chữa cho vua sống lại. Để tạ ơn, vua gả công chúa cho anh. Khi Ác nghe kể câu chuyện, liền giục Thiện cắt tai, chọc mắt cho mình và đưa mình đến rừng để mong cũng được phú quý, nhưng hắn đã bị ba con vật kia vồ chết.

Người Kiếc-ghi-dơ còn có một truyện khác: có ba vị hoàng tử cùng nhau lên đường để tìm một con chim họa mi biết nói mà vua cha nằm mộng thấy, hứa thưởng cái ngai vàng cho người nào tìm ra. Hoàng đế trẻ là Hem-ra sau đó trở thành chồng một nàng tiên, và nhờ vợ, cuối cùng anh làm chủ được con chim màu nhiệm. Về đến một quán hàng, anh gặp lại hai người anh lúc này đã trở thành nô lệ cho người hầu làm bếp. Hem-ra lấy tiền ra chuộc và đưa hai anh về. Dọc đường, hai người móc mắt Hem-ra quẳng xuống giếng, đoạn lấy chim mang về. Khi gặp vua, chim mách vua biết tình hình của Hem-ra. Trong khi đó, nhờ có nùi tóc của vợ mang theo, Hem-ra gọi nàng tiên đến cứu anh lên khỏi giếng.

Truyện của người U-dơ-bếch (Ouzbeks):

Tu-gơ-lây (thành thực) cưỡi ngựa đi tìm cách sống, gặp U-gơ-lây (giả dối) bèn kết bạn. Anh không bị bạn chọc thủng mắt nhưng lại bị lấy trộm mất ngựa. Dọc đường trời tối, anh ngủ trong một cái lò bánh mì bỏ hoang mà đêm đêm các thú rừng thường tụ họp. Anh nghe một con cáo nói có một hang đá gần đấy có nhiều đồ ăn thức đựng quý giá. Một con gấu nói có một loại cây quý ở gần đấy có thể chữa bệnh cho một công chúa. Một con chó sói nói có một đàn dê bốn vạn con, mỗi ngày nó chén hai con, nếu người chăn dê mua được một con chó to ở một chỗ nọ thì chính nó sẽ bị chó diệt. Một con hổ nói có một đàn ngựa đông, mỗi ngày nó ăn thịt một con, nếu có người nào cưỡi được con ngựa khoang trong đàn thì nó sẽ bị tóm cổ. Sáng dậy, Tu-gơ-lây tìm cây thuốc hái lá cất đi. Anh mua con chó to đưa biếu bác chăn dê. Lại đến tìm người chăn ngựa báo lấy yên cương lắp vào con ngựa khoang cho mình bắt hổ. Anh ném thòng lọng bắt được hổ giết chết. Người chăn ngựa biếu anh con ngựa khoang. Anh cưỡi đến cung vua xin chữa bệnh cho công chúa. Công chúa lành bệnh, anh từ chối chức quan chỉ xin một túp nhà bên núi có hang đá như con cáo nói, và nhờ đó được sống sung sướng.

U-gơ-lây nghe chuyện cũng tìm đến lò bánh mì nằm ngủ. Nghe các con vật kể cho nhau về nỗi thất bại của mình, vì có kẻ nào đó nghe lỏm nên giấu mất luôn cây thuốc, hổ thì bị giết chết, chó sói bị đuổi, và hang của cáo có người đến chiếm, sư tử liền ra lệnh tìm cho ra kẻ gian. Một con gà rừng chỉ cho chúng biết trong lò có người nghe trộm. Lập tức chúng chui vào xé xác U-gơ-lây.

Truyện của người Pháp:

Một người lính giải ngũ tự chọc mù mắt mình để cho một người thứ hai dắt đi ăn xin, nhưng sau đó anh thấy mình thiệt thòi vì được miếng ngon nào, người kia đều hưởng mất cả. Thấy anh kêu ca, hắn bỏ anh lại trong rừng. Đêm lại, ngồi trên cây, anh nghe câu chuyện của bốn con vật (chồn, lợn lòi, chó sói, và hoẵng) nói về một con sông có nước chữa được mù mắt, về một công chúa bị bệnh và chỉ chữa khỏi bệnh bằng nước con sông nọ, về dòng suối của một thành phố kia bị tắc vì một cây cổ thụ, v.v… Sáng dậy, anh lại đi tìm dòng sông để chữa mắt cho mình. Xong đến thành phố mách cho quan quân biết cách tìm ra dòng nước, nhờ đó được thưởng một vạn năm nghìn quan. Cuối cùng đến gặp vua, anh bày cách chữa bệnh cho công chúa, được vua cho làm phò mã. Về sau anh gặp lại bạn cũ và sự việc diễn biến y như các truyện trên: các con vật thấy câu chuyện của mình bị lộ, tức giận, nhìn thấy có người ngồi trên cây, bèn làm cây đổ, vồ chết.

Truyện vừa kể khá phổ biến ở các dân tộc châu Âu, tình tiết có khác đôi chút theo địa phương. Có nơi còn đèo thêm một đôi điều thuyết lý về đạo đức. Ví dụ truyện của người Đức:

Một người chủ nói với tớ rằng: không phải sự thật và công bằng mà chỉ có giả dối và phản phúc ngự trị. Tớ nói trái lại. Hai bên hẹn nhau đi tìm bằng chứng, ai nói đúng sẽ được chọc mắt đối phương. Họ gặp ba nhân vật đều chứng cho lời nói của chủ là đúng. Thế là tớ bị chọc mù mắt, bơ vơ giữa rừng. Đêm lại, tớ nghe theo những con quỷ nói chuyện với nhau về một loại cây nào đó ở gần đấy chữa lành mắt. Tớ đi tìm cây tự chữa lành, rồi còn chữa lành mắt cho một công chúa và được lấy nàng làm vợ. Sau đó chủ nghe tớ kể cũng tìm đến rừng ấy, nhưng bị quỷ chọc cho mù mắt.

Truyện của người Ấn ở miền Nam:

Một hoàng tử tên là Xu-bu-đi nói với con một viên đại thần tên là Đuốc-bu-đi rằng lòng thiện sẽ thắng, còn người kia thì nói ngược lại. Một hôm hai người cùng nhau đi săn. Tức giận vì thấy hoàng tử hay chế giễu mình nên người kia bất ngờ nhảy tới móc mắt và bỏ chàng lại giữa rừng. Hoàng tử bò lê đến một cái đền, vào ẩn trong đó, rồi đóng cửa lại. Thần đền này là Kâ-li, khi trở về thấy cửa đóng, toan rủa chết người nào đóng cửa, bỗng thấy tiếng hoàng tử nói vọng ra: – “Tôi bị mù sắp chết, thần bắt tôi chết cũng được, nhưng nếu thần cứu tôi, tôi sẽ mở cửa”. Thương tình, thần hứa, và sau đó chữa lành mắt cho Xu-bu-đi. Thần lại kết bạn thân với hoàng tử và mách cho biết ở một nước nọ có một công chúa bị bệnh hóa mù, ai chữa khỏi sẽ được làm vua: – “Chỉ cần lấy một ít tro của đền ta bỏ vào mắt nàng trong ba ngày, ngày thứ tư sẽ khỏi”. Hoàng tử mang tro đi chữa và được lấy công chúa. Về sau, gặp Đuốc-bu-đi đi ăn xin, hoàng tử nhiều lần giúp đỡ cho hắn, nhưng lần nào hắn cũng lấy oán trả ân, cuối cùng hắn bị hại.

Truyện của người Mèo Người anh tham lam:

Có hai anh em bố mẹ chết để lại một đàn lợn béo. Chôn cất xong, hai anh em đưa lợn ra chợ bán. Qua một miếu thần, người anh vào quỳ hỏi: – “Lòng ngay thẳng hơn hay lòng gian ác hơn?”. Thần bảo cái sau hơn. Anh bèn chọc mù hai mắt của em rồi chiếm lấy đàn lợn. Em lạc vào rừng sâu rồi trèo lên một cây cao nằm ngủ, không ngờ dưới gốc cây vốn là chỗ thú vật hội họp. Em lắng tai nghe câu chuyện của chúng. Hổ nói: – “Tao thấy dưới sàn nhà nọ có ba hố bạc”. Lợn nói: -“Tao đào củ ở một chỗ nọ thấy ba hòm tiền”. Gấu cũng chỉ một kho của ở bìa rừng. Khỉ chỉ một quả cây vắt nước vào mắt người mù thành sáng. Chúng hỏi : – “Cây nào?” khỉ chỉ vào cây mà người em đang ngồi. Sau khi các loài thú vật bỏ đi, người em hái quả, nhỏ nước vào mắt, quả nhiên mắt sáng lại. Rồi anh lần lượt đi tìm các vật quý như các con vật đã kể. Khi người anh bán xong lợn về đã thấy em mình ở nhà, mắt sáng và giàu có. Nghe em kể chuyện, người anh lại đi hỏi thần miếu. Thần miếu trả lời như cũ. Anh về bảo em chọc mù mắt mình. Em không chịu. Anh tự chọc mắt rồi tìm cây nọ trèo lên. Nhưng khỉ đã trông thấy hắn liền báo cho các con vật khác biết. Chúng rung cây, người anh rơi xuống bị xé xác. Thần miếu bỏ chạy[2].

Một truyện khác của người Ấn sưu tầm ở chân núi Hi-mã-lạp (Himalaya):

Một người Bà-la-môn nghèo đi ăn xin. Một hôm đi qua bốn cái làng mà không được miếng gì. Đến làng cuối cùng hắn gõ cửa nhà một vị lão làng. Người vợ lão làng mở cửa cho ăn. Nhưng khi lão làng về, thấy vậy liền cầm giày đánh đuổi. Người Bà-la-môn chạy qua nghĩa địa thấy có lửa, ghé lại sưởi, nhân đó gặp một con ma. Con ma trước cười sau khóc. Người Bà-la-môn cũng làm như vậy. Ma hỏi lí do. Người Bà-la-môn cũng hỏi như thế. Ma đáp: – “Cười là ngồi một mình có bạn, khóc là vì chốc nữa có bốn mụ chằng từ bốn phương lại, sẽ ăn thịt tao hoặc mày” – “Có cách gì thoát không?” – “Trèo lên cây kia”.

Anh vừa trèo lên cây thì bốn mụ chằng tới ăn thịt con ma và kể cho nhau nghe về bốn cái cốc bạc dưới một gốc cây nọ, về cách dùng mật một con chim để làm người già trẻ lại, về cách chiếm lấy chuỗi hạt của một con chuột, và về một hòn núi đá ở một nơi kia có rất nhiều vàng, v.v… Sau đó, người Bà-la-môn lần lượt đi lấy cốc bạc, lấy mật chim và chuỗi hạt của con chuột. Nghe tin có ông vua hủi, anh tìm đến xin chữa. Bị đuổi ra, nhưng rồi cũng được vào cung, sau sáu ngày quả lành bệnh. Vua hứa sẽ cho bất kỳ cái gì anh muốn. Anh chỉ xin quyền sở hữu một hòn núi đá nọ mà thôi. Vua cho là điên, nhưng thấy trước sau người ấy chỉ xin có chừng ấy, bèn cho anh làm chủ quả núi cùng với vài đồng vàng. Nhưng vua không ngờ nhờ hòn núi, người Bà-la-môn trở thành đại phú.

Về sau, vị lão làng gõ cửa ăn xin nhà người Bà-la-môn. Người này bảo vợ xúc một đĩa ngọc ra cho. Lão làng lắc đầu. Người Bà-la-môn bèn kể lại chuyện cũ cho y nghe. Lão làng bùi tai đến nghĩa địa để gặp được ma. Ma cũng bày cho trèo lên cây. Bốn mụ chằng lại đến ăn thịt ma và than thở với nhau về những điều bí mật kể cho nhau nghe lần trước bị lộ. Nhác thấy lão làng, bốn mụ xông tới ăn thịt[3].

Một truyện của đồng bòa Cham-pa Run và Rai cũng là một dị bản của các truyện trên nhưng các phần sau lại gần giống với Tấm Cám (số 154) và Sự tích con khỉ (số 12, tập I).

Người Khơ-me (Khmer) có truyện Sóc-lành Sóc-ác hay là Sự tích cây cỏ may cũng là một dị bản, nhưng đoạn cuối phát triển theo hướng khôi hài. Sóc-lành mồ côi ở với bà, nhà nghèo, người làng ai cũng thương. Sóc-ác người cùng làng nhà giàu nhưng độc ác, nên ai cũng ghét. Một hôm Sóc-ác rủ Sóc-lành đi chặt tre về sửa nhà cho bà Sóc-lành, Sóc-lành nói: -“Tôi không có dao rựa và lương ăn”. Đáp: – “Ta sẽ cho mượn đồ dùng và cho ăn”. Lên rừng, Sóc-lành làm được nhiều, còn Sóc-ác chỉ chơi. Khi ăn, Sóc-ác chọc hai mắt Sóc-lành rồi đạp xuống suối, về nhà nói dối là đã bị hổ ăn thịt. Sóc-lành rơi xuống suối miệng luôn mồm cầu nguyện: -“Lạy đức Phật!”. Một con cá sấu thấy thế thương hại đưa về cho chúa. Nghe Sóc-lành kể, chúa gắn ngọc vào hai mắt, mắt lại lành như cũ, đoạn cho một nắm cát đưa về rải lên chùa, cát hóa thành vàng bạc châu báu. Từ đấy bà cháu Sóc-lành trở nên giàu có.

Nghe kể chuyện, Sóc-ác nhờ Sóc-lành chọc mù mắt mình và đạp hộ xuống suối. Nhưng dầu hắn cầu nguyện “Lạy đức Phật!” rầm rĩ cũng chẳng một ai đến cứu. Cái đầu lâu Sóc-ác tuy bị rữa hết thịt, vẫn kêu “Lạy đức Phật!” luôn mồm. Mấy cô gái con một người lái buôn nhặt được đem về cho bố. Thấy thế bố liền đặt lên mâm đưa vào triều. Y đánh cược với các quan một trăm lạng vàng, nếu y sai khiến được đầu lâu nói: -“Lạy đức Phật!”. Nhưng y mất số tiền cược vì đầu lâu lại không chịu nói. Tức giận, y ném đầu lâu xuống suối. Một nhà sư nhặt được đem về làm lễ cầu siêu độ rồi thiêu hóa, đem tro ấy trộn sơn quét lên chiếc xe của mình. Nhưng từ đấy chiếc xe lại thỉnh thoảng văng tục vào người đi đường và đã hai làn làm cho nhà sư vất vả chạy trốn để khỏi bị họ trừng phạt. Cuối cùng chiếc xe bị đốt cháy, nhưng tro của nó biến thành cỏ may; hạt cỏ may cứ luôn luôn bám vào quần áo của người đi đường làm cho người ta khó chịu[4].

Cuối cùng là một phật thoại Ông Thiện ông Ác của Ấn-độ:

Một ông vua nước Ba-la-nại (Bénares) tên là Ma-la-ha-xa có hai người con: một, do chính phi sinh ra tên là Thiện, một, do thứ phi sinh ra, tên là Ác. Hai người tính nết trái ngược nhau từ thuở nhỏ. Thiện vốn thương người, một hôm đi chơi ngoài thành thấy nỗi khổ của dân chúng thì về xin vua cha mở kho để bố thí. Vua vì yêu con nên để cho Thiện tự do. Nhưng khi thấy vợi hết hai ba phần ba kho vàng, các quan khuyên vua hãm lại. Nghe nói Long vương ở biển Đông có viên ngọc ma-ni có thể cứu vớt chúng sinh. Thiện không ngại nguy hiểm, cương quyết ra đi mặc dù bố mẹ can ngăn. Vua không giữ được, đành chiêu mộ năm trăm người lính tình nguyện trong đó có Ác đi theo. Nhưng đến bờ biển, Thiện bảo họ trở về mà đi một mình. Được Long vương tặng ngọc, trên đường về Thiện lại gặp Ác. Để chiếm viên ngọc, Ác nhân khi Thiện ngủ, chọc thủng hai mắt anh rồi về một mình, nói dối với vua cha rằng anh mình đã chết.

Bị mù, Thiện lưu lạc ở nước Lợi-tu-bạt (vốn có công chúa trước hứa gả cho Thiện) làm nghề gảy đàn rong. Cuối cùng được một người gác vườn ngự cho làm nghề đuổi chim. Hàng ngày Thiện phải giật dây khi nghe có tiếng chim, nhưng anh chỉ giật khi chim đã ăn xong. Một hôm công chúa dạo vườn thấy Thiện, không biết là người hứa hôn, đâm ra mê mẩn và xin vua lấy làm chồng. Vua không ngăn được, đành phải cho hai người lấy nhau. Một hôm, công chúa đi chơi vắng, lúc về bị chồng trách. Công chúa nói mình đến thăm chị em. Chồng vẫn không tin: – “Nếu lòng tôi trung chính xin cho một mắt của anh sáng lại”. Công chúa thề như thế. Một mắt của Thiện tự nhiên sáng ra. Đến lượt vợ trách chồng. Thiện nói: – “Tôi không phải ai khác mà là con vua Ba-la-nại”. Vợ không tin. Chồng thề: – “Nếu tôi nói đúng thì xin một mắt kia sáng nốt”. Con mắt thứ hai của Thiện trở lại sáng như xưa. Thấy rể lành mắt, vua nhường ngôi cho.

Bấy giờ bố mẹ của Thiện thương khóc con đến mù lòa. Một hôm hoàng hậu viết thư bảo con bạch nhạn – con vật nuôi của Thiện ngày trước – đi tìm. Bạch nhạn quả tìm được chủ. Đọc thư, Thiện mừng quá, liền viết thư kể hết mọi việc, sai nhạn đưa về. Vua cha được thư liền bắt Ác bỏ ngục và sai người đi đón vợ chồng Thiện về nước. Thiện về đến nơi xin tha tội cho Ác. Anh được vua cha nhường ngôi. Với hòn ngọc do Ác trả, anh giúp cho cha mẹ khỏi lòa và làm cho dân chúng được ấm no hạnh phúc[5].

[1] Theo Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn.

[2] Theo Truyện cổ dân tộc Mèo.

[3] Đều theo Cô-xcanh (Cosquin), sách đã dẫn, tập I

[4] Theo Mác-ti-ni (Martini) và Béc-na (Bernard). Truyện dân gian Cam-pu-chia chưa hề in

[5] Theo Đuốc tuệ (1936).

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky