Ngày xưa, có một người tên là Trương Ba, còn trẻ tuổi nhưng đánh cờ tướng rất cao. Nước cờ của anh chàng không mấy ai trong thiên hạ địch nổi. Bao nhiêu giải cờ trong những hội hè mùa xuân đều về tay anh. Tiếng đồn vang khắp nước, sang đến tận Trung-quốc. Buổi ấy ở Trung-quốc có ông Kỵ Như cũng nổi tiếng cao cờ. Khi nghe tiếng Trương Ba, Kỵ Như liền xách khăn gói sang Nam tìm đến tận nhà tỉ thí. Hai người đọ tài nhau mấy ván liền không phân thua được. Nhưng đến ván thứ ba, Trương Ba dồn Kỵ Như vào thế bí. Thấy đối phương vò đầu suy nghĩ, Trương Ba kiêu hãnh bảo:
– Nước cờ này dù có Đế Thích xuống đây cũng đừng có hòng gỡ nổi.
Bấy giờ Đế Thích là thần cờ đang ngồi trên thiên đình, bỗng nghe câu nói hỗn xược của Trương Ba xúc phạm đến mình, liền cưỡi mây xuống trần định cho y biết tay. Trương Ba và Kỵ Như đang đánh, chợt có một ông cụ già đến ngồi cạnh bàn cờ. Ông cụ thủng thỉnh mách cho Kỵ Như mấy nước. Phút chốc bên Kỵ Như chuyển bại thành thắng. Trương Ba cau có, trong bụng tức giận ông già ở đâu đến làm cho mình lâm vào thế bí. Nhưng nhìn thấy ông cụ râu tóc trắng xóa, mặt mũi không có vẻ là người trần, chàng chợt hiểu, liền sụp xuống lạy mà rằng: – “Ngài hẳn là thần Đế Thích đây rồi, tôi người trần mắt thịt không biết, xin thứ lỗi”. Đế Thích cười bảo: – “Ta nghe nhà ngươi tự phụ là cao cờ nên xuống xem cho biết”. Trương Ba liền giữ Đế Thích lại mua rượu, giết gà khoản đãi rất chu tất. Đế Thích tuy mới gặp cũng rất yêu mến Trương Ba. Thấy anh chàng khẩn khoản muốn học nước cờ của mình, Đế Thích bảo: – “Ta thấy nhà ngươi có bụng chân thành. Vậy ta cho một nén hương này, mỗi lần cần đến ta thì thắp lên một cây, ta sẽ xuống”. Nói đoạn, cưỡi mây bay về trời.
Từ đó, Trương Ba thỉnh thoảng lại dọn cỗ mời thần Đế Thích xuống chơi. Hai bên rất tương đắc. Nhưng một hôm Trương Ba bị cái chết mang đi một cách đột ngột. Sau khi chôn cất chồng, người vợ dọn dẹp nhà cửa. Thấy có nén nhang dắt ở mái nhà, chị ta vô tình lấy xuống đốt lên cắm trước bàn thờ chồng. Ở thiên đình, thần Đế Thích nhận được tin bằng mùi hương bèn xuống ngay. Thấy vắng mặt Trương Ba, Đế Thích ngạc nhiên:
– Trương Ba đâu?
Vợ Trương Ba sụt sùi:
– Nhà tôi chết đã gần một tháng nay rồi!
– Chết nỗi, sao lúc mới tắt nghỉ không gọi ta xuống liền, để đến bây giờ còn làm thế nào được nữa.
Suy nghĩ một chốc, Đế Thích lại hỏi thêm:
– Trong xóm hiện nay có ai mới chết không?
Vợ Trương Ba đáp:
– Có một người hàng thịt mới chết tối hôm qua. Thần Đế Thích bảo chị ta dẫn mình đến nhà người hàng thịt rồi bảo nhỏ với chị: – “Ta sẽ kiếm cách làm cho chồng nhà ngươi sống lại”. Nói xong thần hóa phép rồi trở về trời.
Nói chuyện trong nhà người hàng thịt lúc đó, mọi người đang xúm quanh linh sàng khóc lóc kể lể thì tự nhiên thấy người chết ngồi nhỏm dậy. Hắn ta vất tất cả mọi đồ khâm liệm rồi chẳng nói chẳng rằng đi thẳng một mạch về nhà Trương Ba. Vợ Trương Ba thấy người hàng thịt biết là thần Đế Thích đã làm cho chồng mình sống lại, mừng rỡ đón vào. Giữa lúc đó thì vợ con người hàng thịt cũng chạy theo níu lấy chồng. Nhưng không những họ bị vợ Trương Ba giằng lại, mà ngay chính chồng họ cũng nhất định không chịu về. Đôi bên cãi cọ nhau cuối cùng biến thành một cuộc đấu khẩu rất kịch liệt. Xóm làng không biết phân xử ra sao, đành đem việc đó lên quan.
Quan cho đòi các nhà hàng xóm tới hỏi cung thì ai cũng bảo người sống lại đó là anh hàng thịt. Nhưng chỉ có vợ Trương Ba thì nhất định nhận là chồng mình. Quan hỏi: – “Chồng chị ngày thường làm nghề gì?”. Đáp: – “Chồng tôi chỉ thạo đánh cờ mà thôi”. Quan lại hỏi vợ người hàng thịt: – “Chồng chị ngày thường làm nghề gì?”. Đáp: – “Chồng tôi chỉ thạo nghề mổ lợn”.
Nghe đoạn, quan sai đem một con lợn vào công đường cho anh hàng thịt mổ, nhưng anh ta lúng túng không biết làm thế nào cả. Quan lại sai mấy người giỏi cờ vào tỷ thí với người hàng thịt thì không ngờ con người đó đi những nước cờ rất cao không ai địch nổi. Quan bèn phán cho về nhà Trương Ba.
Vì thế mới có câu Hồn Trương Ba, da hàng thịt[1].
KHẢO DỊ
Một dị bản vốn gốc từ thần tích kể rằng: Trương Ba là nho sĩ người đời nhà Lý, ở làng Liên Hạ (Hải-dương). Trương Ba ở đây không đánh cờ với Kỵ Như mà thường đánh với Trang Ứng Long vốn là bạn cờ. Trong truyện cũng có việc quan thử thách để tìm ra chân lý. Người chết sống lại cũng không mổ được lợn, nhưng lại làm được thơ phú thao thao bất tuyệt, và khi người bạn cờ Trang Ứng Long cùng đánh một ván, thì ông này nhận ra ngay đó chỉ có thể là Trương Ba.
Đoạn kết truyện còn kể: vì thấy vợ người hàng thịt khóc lóc thảm thiết nên Trương Ba tái sinh đã bàn với vợ và khi được vợ ưng thuận, anh ta lấy luôn người đàn bà kia làm vợ lẽ[2].
Trung-quốc cũng có truyện Xác công tử, hồn ông sư:
Một ông sư ở chùa Vạn-phúc tu hành đắc đạo, tuổi hơn 80 mới chết. Hồn sư đi vơ vẩn gặp một công tử con nhà quan đi săn cùng 10 người hầu, bất thình lình ngã ngựa chết. Hồn sư nhập vào xác mới làm cho xác sống lại. Bọn người hầu tưởng chủ tỉnh lại, chạy tới chăm sóc, nhưng sư ta trừng mắt hỏi: – “Làm sao ta lại ở đây?”. Người ta đưa về nhà công tử. Ai đến thăm cũng niệm: – “Nam mô a di đà phật, làm sao ta lại đến đây?”. Người ta đưa cơm cho thì ăn, còn thịt thì không đụng đến. Đêm ngủ một mình, hễ thấy bóng đàn bà đến gần là chạy. Cả nhà ngạc nhiên tưởng công tử hóa điên.
Được ba ngày sau, sư ta đi bách bộ ra ngoài hỏi thăm chùa Vạn-phúc, tìm đến, nói mình vốn là hòa thượng ở chùa này. Các sư tiểu trong chùa cho là nói đùa, nhưng sư ta kể lại mọi việc đều phù hợp. Cuối cùng ở lại chùa tu hành như cũ[3].
[1] Theo Vũ Nguyên Hanh, sách đã dẫn. Ở Sử Nam chí dị thì chép: Hồn phách Trương Ba, xương da hàng thịt.
[2] Theo Sê-ông (Chéon). Sưu tập những bài mới.
[3] Theo Bồ Tùng Linh, Liêu trai chí dị.
Ngày xưa, có một người tên là Trương Ba, còn trẻ tuổi nhưng đánh cờ tướng rất cao. Nước cờ của anh chàng không mấy ai trong thiên hạ địch nổi. Bao nhiêu giải cờ trong những hội hè mùa xuân đều về tay anh. Tiếng đồn vang khắp nước, sang đến tận Trung-quốc. Buổi ấy ở Trung-quốc có ông Kỵ Như cũng nổi tiếng cao cờ. Khi nghe tiếng Trương Ba, Kỵ Như liền xách khăn gói sang Nam tìm đến tận nhà tỉ thí. Hai người đọ tài nhau mấy ván liền không phân thua được. Nhưng đến ván thứ ba, Trương Ba dồn Kỵ Như vào thế bí. Thấy đối phương vò đầu suy nghĩ, Trương Ba kiêu hãnh bảo:
– Nước cờ này dù có Đế Thích xuống đây cũng đừng có hòng gỡ nổi.
Bấy giờ Đế Thích là thần cờ đang ngồi trên thiên đình, bỗng nghe câu nói hỗn xược của Trương Ba xúc phạm đến mình, liền cưỡi mây xuống trần định cho y biết tay. Trương Ba và Kỵ Như đang đánh, chợt có một ông cụ già đến ngồi cạnh bàn cờ. Ông cụ thủng thỉnh mách cho Kỵ Như mấy nước. Phút chốc bên Kỵ Như chuyển bại thành thắng. Trương Ba cau có, trong bụng tức giận ông già ở đâu đến làm cho mình lâm vào thế bí. Nhưng nhìn thấy ông cụ râu tóc trắng xóa, mặt mũi không có vẻ là người trần, chàng chợt hiểu, liền sụp xuống lạy mà rằng: – “Ngài hẳn là thần Đế Thích đây rồi, tôi người trần mắt thịt không biết, xin thứ lỗi”. Đế Thích cười bảo: – “Ta nghe nhà ngươi tự phụ là cao cờ nên xuống xem cho biết”. Trương Ba liền giữ Đế Thích lại mua rượu, giết gà khoản đãi rất chu tất. Đế Thích tuy mới gặp cũng rất yêu mến Trương Ba. Thấy anh chàng khẩn khoản muốn học nước cờ của mình, Đế Thích bảo: – “Ta thấy nhà ngươi có bụng chân thành. Vậy ta cho một nén hương này, mỗi lần cần đến ta thì thắp lên một cây, ta sẽ xuống”. Nói đoạn, cưỡi mây bay về trời.
Từ đó, Trương Ba thỉnh thoảng lại dọn cỗ mời thần Đế Thích xuống chơi. Hai bên rất tương đắc. Nhưng một hôm Trương Ba bị cái chết mang đi một cách đột ngột. Sau khi chôn cất chồng, người vợ dọn dẹp nhà cửa. Thấy có nén nhang dắt ở mái nhà, chị ta vô tình lấy xuống đốt lên cắm trước bàn thờ chồng. Ở thiên đình, thần Đế Thích nhận được tin bằng mùi hương bèn xuống ngay. Thấy vắng mặt Trương Ba, Đế Thích ngạc nhiên:
– Trương Ba đâu?
Vợ Trương Ba sụt sùi:
– Nhà tôi chết đã gần một tháng nay rồi!
– Chết nỗi, sao lúc mới tắt nghỉ không gọi ta xuống liền, để đến bây giờ còn làm thế nào được nữa.
Suy nghĩ một chốc, Đế Thích lại hỏi thêm:
– Trong xóm hiện nay có ai mới chết không?
Vợ Trương Ba đáp:
– Có một người hàng thịt mới chết tối hôm qua. Thần Đế Thích bảo chị ta dẫn mình đến nhà người hàng thịt rồi bảo nhỏ với chị: – “Ta sẽ kiếm cách làm cho chồng nhà ngươi sống lại”. Nói xong thần hóa phép rồi trở về trời.
Nói chuyện trong nhà người hàng thịt lúc đó, mọi người đang xúm quanh linh sàng khóc lóc kể lể thì tự nhiên thấy người chết ngồi nhỏm dậy. Hắn ta vất tất cả mọi đồ khâm liệm rồi chẳng nói chẳng rằng đi thẳng một mạch về nhà Trương Ba. Vợ Trương Ba thấy người hàng thịt biết là thần Đế Thích đã làm cho chồng mình sống lại, mừng rỡ đón vào. Giữa lúc đó thì vợ con người hàng thịt cũng chạy theo níu lấy chồng. Nhưng không những họ bị vợ Trương Ba giằng lại, mà ngay chính chồng họ cũng nhất định không chịu về. Đôi bên cãi cọ nhau cuối cùng biến thành một cuộc đấu khẩu rất kịch liệt. Xóm làng không biết phân xử ra sao, đành đem việc đó lên quan.
Quan cho đòi các nhà hàng xóm tới hỏi cung thì ai cũng bảo người sống lại đó là anh hàng thịt. Nhưng chỉ có vợ Trương Ba thì nhất định nhận là chồng mình. Quan hỏi: – “Chồng chị ngày thường làm nghề gì?”. Đáp: – “Chồng tôi chỉ thạo đánh cờ mà thôi”. Quan lại hỏi vợ người hàng thịt: – “Chồng chị ngày thường làm nghề gì?”. Đáp: – “Chồng tôi chỉ thạo nghề mổ lợn”.
Nghe đoạn, quan sai đem một con lợn vào công đường cho anh hàng thịt mổ, nhưng anh ta lúng túng không biết làm thế nào cả. Quan lại sai mấy người giỏi cờ vào tỷ thí với người hàng thịt thì không ngờ con người đó đi những nước cờ rất cao không ai địch nổi. Quan bèn phán cho về nhà Trương Ba.
Vì thế mới có câu Hồn Trương Ba, da hàng thịt[1].
KHẢO DỊ
Một dị bản vốn gốc từ thần tích kể rằng: Trương Ba là nho sĩ người đời nhà Lý, ở làng Liên Hạ (Hải-dương). Trương Ba ở đây không đánh cờ với Kỵ Như mà thường đánh với Trang Ứng Long vốn là bạn cờ. Trong truyện cũng có việc quan thử thách để tìm ra chân lý. Người chết sống lại cũng không mổ được lợn, nhưng lại làm được thơ phú thao thao bất tuyệt, và khi người bạn cờ Trang Ứng Long cùng đánh một ván, thì ông này nhận ra ngay đó chỉ có thể là Trương Ba.
Đoạn kết truyện còn kể: vì thấy vợ người hàng thịt khóc lóc thảm thiết nên Trương Ba tái sinh đã bàn với vợ và khi được vợ ưng thuận, anh ta lấy luôn người đàn bà kia làm vợ lẽ[2].
Trung-quốc cũng có truyện Xác công tử, hồn ông sư:
Một ông sư ở chùa Vạn-phúc tu hành đắc đạo, tuổi hơn 80 mới chết. Hồn sư đi vơ vẩn gặp một công tử con nhà quan đi săn cùng 10 người hầu, bất thình lình ngã ngựa chết. Hồn sư nhập vào xác mới làm cho xác sống lại. Bọn người hầu tưởng chủ tỉnh lại, chạy tới chăm sóc, nhưng sư ta trừng mắt hỏi: – “Làm sao ta lại ở đây?”. Người ta đưa về nhà công tử. Ai đến thăm cũng niệm: – “Nam mô a di đà phật, làm sao ta lại đến đây?”. Người ta đưa cơm cho thì ăn, còn thịt thì không đụng đến. Đêm ngủ một mình, hễ thấy bóng đàn bà đến gần là chạy. Cả nhà ngạc nhiên tưởng công tử hóa điên.
Được ba ngày sau, sư ta đi bách bộ ra ngoài hỏi thăm chùa Vạn-phúc, tìm đến, nói mình vốn là hòa thượng ở chùa này. Các sư tiểu trong chùa cho là nói đùa, nhưng sư ta kể lại mọi việc đều phù hợp. Cuối cùng ở lại chùa tu hành như cũ[3].
[1] Theo Vũ Nguyên Hanh, sách đã dẫn. Ở Sử Nam chí dị thì chép: Hồn phách Trương Ba, xương da hàng thịt.
[2] Theo Sê-ông (Chéon). Sưu tập những bài mới.
[3] Theo Bồ Tùng Linh, Liêu trai chí dị.