Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Người thợ mộc Nam Hoa

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Làng Nam-hoa có một người thợ mộc khéo tay tên là Chuẩn.Thưở trẻ ông lưu lạc khắp nơi vừa làm thuê vừa học nghề. Nghe ở đâu có thợ khéo là ông cố nằn nì xin học cho được, dù có phải phục dịch thế nào cũng rất vui lòng. Tuy nhiên, sau khi đi lang thang mấy chục năm trời, ông vẫn chưa gặp được thầy nào vừa ý.

Một hôm, ông được dự vào việc xây dựng một ngôi đình ở làng nọ. Giữa bữa ăn trưa, bỗng có một ông già đến xin ăn. Các thợ khác đều lảng tránh hoặc xua đuổi, chỉ có ông Chuẩn sớt nửa phần cơm của mình cho cụ già.

Đến lúc ông tiếp tục công việc thì cụ già mon men đến gần, mượn rìu và đục, thử tạc mấy nét. Ông Chuẩn bỗng hết sức kinh ngạc vì cụ già kia có một tài nghệ phi thường đến nỗi trông những con giống chạm trên gỗ cứ tưởng là con vật sống. Ông bèn sụp lạy, xin cụ già truyền cho mình cái bí quyết của nghề nghiệp.

Từ đó ông Chuẩn trở nên khéo tay không ai bì kịp. Không những ông chạm trổ rất tài mà ông còn làm rất nhanh chóng. Bất kỳ công việc xây dựng nào khó khăn, ông đều cáng đáng được tất cả.

Sau bao năm cách biệt, ông trở về quê hương. Cũng dịp ấy, làng Hoành Sơn ở gần làng ông có bỏ ra một số tiền lớn thuê thợ mua gỗ dựng một ngôi đình đồ sộ. Một toán thợ chọn trong những người giỏi nhất vùng được mời khởi công. Công việc tấp nập đã kéo dài hơn ba tháng nhưng vẫn chưa xong một góc đình. Ông Chuẩn nghe tin bèn làm ra vẻ đói khổ, tìm đến xin ăn và ngủ đêm tại đó. Sáng hôm sau, toán thợ thấy người ăn mày ấy đốt cháy mất của mình một cái kẻ chạm, liền đưa trình làng để phạt vạ. Trước mặt các chức dịch, ông Chuẩn nói:

– Toi làm hỏng thì tôi sẽ đền. Vậy xin làng cho tôi một miếng gỗ để tôi chạm lại cái kẻ đó. Nếu quả là xấu không dùng được thì tôi xin ở đây làm phu để đền nợ.

Thế rồi, chỉ một thoáng, ông Chuẩn đã hoàn thành những nét chạm trổ cực kỳ tinh xảo trên cái kẻ mới. Mọi người đều tấm tắc khen ngợi. Làng biết ông là thợ khéo, có ý mời ông trông nom việc xây dựng. Nhưng tốp thợ cũ không bằng lòng, họ chưa bao giờ nghĩ rằng có những cây bé con lại vượt lên trên những cây đại thụ được. Họ nói:

– Thà là chúng tôi chỉ làm một nửa đình còn hơn là để cho người khác cầm đầu chúng tôi. Vậy xin chia một nửa số gỗ để làng giao cho người khác.Và chúng tôi mong được đua tài, bên nào xong trước và khéo hơn sẽ có quyền được lĩnh tất cả số tiền công của bên kia.

Mặc dầu tốp thợ kia đã khởi hành trước đây ba tháng, ông Chuẩn cũng nhận lời. Ông chỉ một mình mà làm rất nhanh, khiến cho cả tốp thợ bên kia đuổi không kịp. Ông chạm rất khéo, đến nỗi đối phương ban đầu còn giấu tài, nhưng sau phải đến bắt chước kiểu mẫu của ông. Sau cùng, thấy không thể thắng nổi, tốp thợ vừa thẹn vừa tức, bỏ dở ra về. Nhờ có ông Chuẩn nên chẳng bao lâu làng đã dựng xong ngôi đình có quy mô rất hùng vĩ, điều đặc biệt là mỗi nửa đình có một kiểu chạm trổ khác nhau.

Từ đấy, tiếng đồn về ông thợ Chuẩn ngày một lan rộng. Người ta đua nhau rước ông về dựng nhà cửa đền đài. Tất cả những nét chạm của ông đều làm đẹp lòng bọn quyền quý.

*

Một hôm, ông đang dựng một ngôi chùa lớn ở gần cửa biển. Công việc sắp xong. Bỗng đêm nọ ông đang ngủ, có hai người lạ mặt bước vào đánh thức dậy, bảo ông:

– Đức Long vương nghe tin ông tinh thông nghề mộc nên ra lệnh cho chúng tôi lên mời xuống sửa lại hoàng cung.

Nghe nói, ông rụng rời cả người, định tìm cách thoái thác, nhưng chúng đã nghiêm nét mặt lại:

– Không thể từ chối được lệnh vua đâu. Hãy thu xếp đi ngay, không được chậm trễ!

Ông Chuẩn đành mang cưa đục lên vai, đi theo hai người lính của Long vương. Họ bảo ông nhắm mắt lại rồi rẽ nước cho ông đi xuống. Long vương trông thấy ông thì mừng rỡ vô cùng. Vua bảo:

– Trẫm nghe tiếng đồn về nhà ngươi đã lâu, nay mới có dịp triệu đến. Từ lâu, trẫm đã không thích quy mô nhỏ hẹo của cái cung điện tiên đế dựng lên ngày trước. Bây giờ trẫm đã chọn được một chỗ đất tốt. Nhà ngươi hãy xây cho trẫm một cái điện thị triều sao cho thật tráng lệ. Còn trên gò Bích Lăng ngươi hãy xây một cái Cửu trùng đài thật nguy nga để bốn biển có thể chiêm ngưỡng. Xung quanh đó thì ngươi dựng lên ba cung sáu viện cho thật huy hoàng rực rỡ. Phải làm thế nào cho mỗi một nét chạm ở bất cứ chỗ nào cũng khiến cho mọi người trầm trồ khen ngợi mới được! Ngươi hãy hết sức vì trẫm, trẫm sẽ hậu tạ. Cần bao nhiêu gỗ, bao nhiêu phu, bao nhiêu vật hạng đều có đầy đủ.

Nghe nói, ông thợ Chuẩn vừa mừng vừa sợ. Cho đây là một dịp để trổ tài nghệ của mình nên ông dốc tâm sức ra làm việc. Ông đã xẻ biết bao nhiêu là gỗ “chò” trên dương thế chở xuống. Ông vẽ kiểu, ông đẽo gọt, ông đục chạm liên miên không nghỉ. Cứ như thế sau ba năm hì hục quên ăn, quên ngủ, quên cả vợ con trên trần, ông thợ Chuẩn đã hoàn thành đại công trình cho Long vương. Tự tay ông đã dựng lên không biết bao nhiêu cung điện, lầu gác, hành lang, cầu, cửa, thủy tạ, v.v… làm cho một chốn hoang vu trở thành mái san sát, cột giăng hàng, rực rỡ cả một vùng biển cả.

Sau khi đi xem khắp mọi nơi, Long vương và các triều thần vô cùng ưng ý, khen ngợi người thợ mộc hết lời. Ngày lễ lạc thành, vua sai mang ra một cái hòm rồi bảo ông thợ Chuẩn:

– Trẫm rất cảm ơn nhà ngươi đã giúp trẫm trong việc xây dựng lớn này. Trẫm cho nhà ngươi hòn ngọc này để thưởng công. Thế nhưng, tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở dưới này, ngươi không được nói cho bất kỳ một ai biết.

Ông Chuẩn một hai xin thề, nhưng Long vương nói:

– Có thêm cái này thì nhà ngươi mới giữ kín miệng.

Đoạn vua bảo ông thợ Chuẩn há miệng ra, bỏ một cái lá rêu vào, bắt nuốt lấy, rồi vua nói tiếp:

– Nếu nhà ngươi tiết lộ những chuyện bí mật trong giang sơn của trẫm thì lưỡi dao vừa nuốt đó sẽ không tha thứ cái cổ của ngươi đâu!

Ông thợ Chuẩn chỉ còn biết vâng vâng dạ dạ. Hai tên lính ngày nọ lại được Long vương gọi đến, bảo đưa ông lên cõi trần. Nước lại rẽ ra cho người thợ mộc đi thẳng về bến sông Nam Hoa với hòm tặng vật. Khi trông thấy làng mạc quê hương, ông thợ Chuẩn tưởng như mình được sống lại. Thấy vợ con còn chít khăn tang cho mình, ông mừng mừng tủi tủi. Nhớ lại lời dặn của Long vương, ông không dám rỉ răng kể lại sự thật, đành phải bịa chuyện cho mọi người yên tâm. Lúc mở hòm, quả có ba mươi viên ngọc lấp lánh. Hai vợ chồng lần lượt bán ngọc để ăn đói. Người ta trả giá không được bao lăm. Mãi về sau gặp một thuyền buôn nước ngoài; người phú thương chủ thuyền khi cầm lấy viên ngọc thứ hai mươi của ông Chuẩn mang ra bán thì không giấu được vẻ kinh ngạc. Hắn nói:

– Đây là ngọc “minh châu” quý giá không thể nói hết!

Đoạn hắn vét tất cả tiền của mình còn lại gần một ngàn quan trao cho ông để được làm chủ viên ngọc. Từ đó, ông thợ Chuẩn trở nên giàu có. Ông bán tất cả, chỉ chừa lại hai viên làm kỷ vật. Rồi ông tậu ruộng, làm nhà cửa, cuộc đời trở nên sung túc hơn trước.

Khi ông thợ Chuẩn làm lễ mừng thọ tám mươi tuổi, biết mình đã đến ngày gần đất xa trời, mới cho gọi tất cả con cháu họ hàng làng mạc lại. Ông bắt đầu kể cho mọi người nghe cái ngày bị Long vương bắt đi xây cung điện như thế nào. Ông kể rất nhanh và rất tỷ mỷ những điều tai nghe mắt thấy ở dưới đó. Kể xong, bỗng nhiên ông lịm đi trên giường. Người ta thấy có một lưỡi dao nhỏ bằng lá rêu đã xuyên qua cổ ông, lòi ra ngoài. Sau khi làm đám ma ông, hai viên ngọc trong hòm cũng không cánh mà tự biến mất.[1]

KHẢO DỊ

Về đoạn đầu truyện này, người Bắc Giang có một truyện kể tương tự. Khi xây dựng đình Nội (thuộc huyện Tân Yên, Bắc Giang), thợ mộc phải làm đến mười lăm năm mới xong. Lúc đầu làng thuê phải một tốp thợ tầm thường. Một người thợ giỏi đi qua ghé chơi thấy thế, bèn giả làm ăn mày, rồi nhóm lửa hút thuốc để lửa bén cháy mất một cái kẻ chạm. Cả tốp thợ đổ ra bắt đem trình làng. Làng toan trói lại để bắt vạ. Người ấy xin chạm cái khác để thay vào. Tốp thợ không nghe, cho rằng làm thế sẽ hỏng mất giá trị của toàn bộ công trình. Sau làng cho làm thử, nếu không xong sẽ phạt vạ sau. Nhưng khi người ấy chạm xong, mọi người đều kinh ngạc vì những đường nét chạm trổi chứng tỏ là bậc thợ có tài. Cuối cùng, làng thuê người ấy thi công thay cho tốp thợ trước.[2]

Về đoạn kết thì tương tự với truyện Người đi câu nơi ao Trời. Sơ lược là:

Ở Quảng Bình có cái ao Trời rất rộng, đi một ngày không hết. Xung quanh ao vắng vẻ ít ai dám đến. Một hôm, có một người làng đến đây câu cá. Đang câu, tự nhiên thấy từ dưới nước hiện lên một đoàn quân và thuyền đi thám thính khắp nơi rồi lại biến mất. Sau đó một chốc, thấy xuất hiện nào thuyền bè, nào tướng sĩ không biết bao nhiêu mà kể, lên thao diễn trên mặt hồ làm rực rỡ ồn ào cả một vùng vắng vẻ. Người đi câu sợ quá nấp trong bụi, nhưng sau có hai viên tướng trông thấy. Họ bắt ông ra hỏi chuyện, tặng ông một cái niêu, hễ bắc lên bếp là tự khắc có cơm. Cũng như tình tiết Long vương bắt ông thợ Chuẩn nuốt lá rêu ở truyện trên, hai viên tướng ở đây cũng bắt người đi câu nuốt một cái lá, và dọa ông hễ tiết lộ là chết. Vì thế, ông chài cũng chờ đến khi bị bệnh nặng mới kể cho con cháu mình nghe câu chuyện xảy ra ở ao Trời, kể xong, lưỡi dao cũng nhảy ra cắt đứt cổ.[3]

Người Hà Tĩnh có truyện Đóng giường nằm cho vua Thủy tề cũng là một dị bản của truyện Người thợ mộc Nam Hoa. Ở đây cũng có một bác phó mộc lành nghề. Vua Thủy tề lúc ấy đang cần một chiếc long sàng, nghe tiếng đồn về bác phó, bèn sai sứ lên triệu xuống đóng. Bác phó cố rình xem thân hình nhà vua như thế nào để đóng cho vừa. Dịp may được lọt vào ngự tẩm, bác thấy dáng nằm trên giường là một con rắn rất lớn khoanh tròn đầu ngóc cao. Bác bèn ước lượng kích tấc đóng ngay: giường vuông vức, giữa có trụ cao cho vua kê đầu. Giường đóng xong, được vua ca ngợi hết lời.

Cũng như các truyện trên, để bắt bác phó giữ tuyệt mật câu chuyện, Thủy tề cũng buộc bác nuốt không phải lá rêu mà là một lưỡi gươm thu nhỏ bằng cái kim. Kết quả, bác cũng đợi đến ngày sắp xuống lỗ mới kể cho con cháu nghe mọi việc ở thủy phủ, để cuối cùng lưỡi gươm trong bụng hiện nguyên hình, đâm ra ngoài cắt đứt cổ.[4]

Truyện Thánh Tản Viên của ta cũng nói đến tình tiết nuốt lá thành dao như sau:

Sau mỗi trận kịch chiến với Thủy Tinh, ngôi nhà của Thánh Tản Viên (tức Sơn Tinh) trên đỉnh Ba Vì thường bị hư hại, buộc Thánh phải gọi thợ mộc thợ hồ quanh vùng lên sửa chữa. Những người này được đệ tử của Thánh đón ở chân núi rồi đưa lên đỉnh bằng phép thần. Khi việc sửa chữa đã xong, Thánh cho mỗi người nuốt một lá trúc đào hình giống con dao hai lưỡi dặn họ khi về nhà không được tiết lộ những điều tai nghe mắt thấy, nếu ai không tuân lời sẽ bị phạt chết ngay tức khắc. Đã từng có một người thợ mộc vì rượu say phun ra mọi chuyện, bị lá trúc đào hóa thành dao cắt đứt cổ xuyên ra ngoài.[5]

Ở truyện Thánh Đản (Tản Viên) của đồng bào Mường cũng có tình tiết nuốt dao tương tự nhưng đây là con dao ước mà bố Thánh Đản lấy của vua Thủy không chịu trả lại. Nhờ vậy mà nó lọt đến tay Thánh Đản:

Ngày xưa, bố đẻ ra Thánh Đản là bố Trượng làm nghề thầy mo. Một hôm bố Trượng đang cày ruộng và chăn vịt bỗng có người ở Thủy phủ (Mường Khú) mời xuống làm vía cho con vua Thủy bị bệnh nặng. Đến nơi ông thấy một con rắn bị lưới quấn chặt cổ bèn giả phù phép rồi lần mò gỡ lưới ra. Khi lành, con rắn mách nước cho ông xin vua Thủy một con dao ước. Vua cho nhưng buộc hết đời phải trả. Bèn lấy dao ước cắm phập vào quả chuối bảo ông nuốt. Khi trở về ông thấy trâu cày và vịt còn ở đồng ruộng đủ số và béo tốt. Từ đấy ông trở nên giàu có. Truyện đến đây kết cục khác với của ta. Cho đến ngày chết, bố Trượng vẫn không trối gì với con cả, nên hôm đưa đám, những người của Thủy phủ theo hẹn lên đòi dao ước. Thánh Đản không biết thế nào mà trả. Thấy thế vua Thủy dâng nước lên cao để lấy dao. Để tránh nước ngập, Thánh vác xác bố nhằm núi Ba Vì chạy mãi, chạy mãi cho đến đỉnh. Chỉ còn một khoảng đất bằng cái nong, nước của vua Thủy không thể dâng được nữa. Từ đó Thánh có con dao ước và trở thành Thánh Đản.[6]

[1] Theo Nam Hoa mộc tượng ký và lời kể của người Nghệ An.

[2] Theo lời kể của người Bắc Giang.

[3] Theo Jê-ni-bren (Génibrel), sách đã dẫn. Người Nghệ An có kể một truyện gần giống truyện trên: Một người đi câu ở một cái hồ thanh vắng. Bên hồ có một cây dừa. Bấy giờ là giữa trưa, đang câu tự nhiên thấy có một con ễnh ương ba đầu chín đuôi nổi lên mặt nước dạo ba vòng thuận, ba vòng nghịch rồi lặn xuống. Một hồi lâu,lại thấy một chiếc thuyền rồng nổi lên, trên mui kết lá dừa, cờ cũng bằng lá dừa, trống bằng quả dừa; quan quân ngồi trên những chiếc thuyền khác cũng lần lượt nổi lên rất rộn rịp. Người đi câu ngồi xem không chán mắt và không dám lên tiếng. Đến khi ngồi lâu mỏi mệt lại khát nước, mới ho lên một tiếng thì thuyền bè, quan quân, v.v… đều biến mất cả. Một chốc, thấy con ễnh ương bị chặt làm ba khúc nổi lên mặt nước.Những lá dừa, quả dừa đều nổi lên cả. Nhìn lại cây dừa thì lá và quả đều trụi hết. Sợ quá, người ấy chạy về nhà và bị bệnh nặng (Bản khai của các sách Hữu Lập, sách Vĩnh Lại, sách Nhiêu Hợp).

[4] Do Thanh Minh sưu tầm.

[5] Theo Lê Hương. Truyện tích Việt Nam.

[6] Theo lời kể của người Mường Hòa Bình, và Trấn Tử Bạch Đình. Cõi sống và cõi chết trong quan niệm cổ truyền của người Mường, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 141 (1971).

Làng Nam-hoa có một người thợ mộc khéo tay tên là Chuẩn.Thưở trẻ ông lưu lạc khắp nơi vừa làm thuê vừa học nghề. Nghe ở đâu có thợ khéo là ông cố nằn nì xin học cho được, dù có phải phục dịch thế nào cũng rất vui lòng. Tuy nhiên, sau khi đi lang thang mấy chục năm trời, ông vẫn chưa gặp được thầy nào vừa ý.

Một hôm, ông được dự vào việc xây dựng một ngôi đình ở làng nọ. Giữa bữa ăn trưa, bỗng có một ông già đến xin ăn. Các thợ khác đều lảng tránh hoặc xua đuổi, chỉ có ông Chuẩn sớt nửa phần cơm của mình cho cụ già.

Đến lúc ông tiếp tục công việc thì cụ già mon men đến gần, mượn rìu và đục, thử tạc mấy nét. Ông Chuẩn bỗng hết sức kinh ngạc vì cụ già kia có một tài nghệ phi thường đến nỗi trông những con giống chạm trên gỗ cứ tưởng là con vật sống. Ông bèn sụp lạy, xin cụ già truyền cho mình cái bí quyết của nghề nghiệp.

Từ đó ông Chuẩn trở nên khéo tay không ai bì kịp. Không những ông chạm trổ rất tài mà ông còn làm rất nhanh chóng. Bất kỳ công việc xây dựng nào khó khăn, ông đều cáng đáng được tất cả.

Sau bao năm cách biệt, ông trở về quê hương. Cũng dịp ấy, làng Hoành Sơn ở gần làng ông có bỏ ra một số tiền lớn thuê thợ mua gỗ dựng một ngôi đình đồ sộ. Một toán thợ chọn trong những người giỏi nhất vùng được mời khởi công. Công việc tấp nập đã kéo dài hơn ba tháng nhưng vẫn chưa xong một góc đình. Ông Chuẩn nghe tin bèn làm ra vẻ đói khổ, tìm đến xin ăn và ngủ đêm tại đó. Sáng hôm sau, toán thợ thấy người ăn mày ấy đốt cháy mất của mình một cái kẻ chạm, liền đưa trình làng để phạt vạ. Trước mặt các chức dịch, ông Chuẩn nói:

– Toi làm hỏng thì tôi sẽ đền. Vậy xin làng cho tôi một miếng gỗ để tôi chạm lại cái kẻ đó. Nếu quả là xấu không dùng được thì tôi xin ở đây làm phu để đền nợ.

Thế rồi, chỉ một thoáng, ông Chuẩn đã hoàn thành những nét chạm trổ cực kỳ tinh xảo trên cái kẻ mới. Mọi người đều tấm tắc khen ngợi. Làng biết ông là thợ khéo, có ý mời ông trông nom việc xây dựng. Nhưng tốp thợ cũ không bằng lòng, họ chưa bao giờ nghĩ rằng có những cây bé con lại vượt lên trên những cây đại thụ được. Họ nói:

– Thà là chúng tôi chỉ làm một nửa đình còn hơn là để cho người khác cầm đầu chúng tôi. Vậy xin chia một nửa số gỗ để làng giao cho người khác.Và chúng tôi mong được đua tài, bên nào xong trước và khéo hơn sẽ có quyền được lĩnh tất cả số tiền công của bên kia.

Mặc dầu tốp thợ kia đã khởi hành trước đây ba tháng, ông Chuẩn cũng nhận lời. Ông chỉ một mình mà làm rất nhanh, khiến cho cả tốp thợ bên kia đuổi không kịp. Ông chạm rất khéo, đến nỗi đối phương ban đầu còn giấu tài, nhưng sau phải đến bắt chước kiểu mẫu của ông. Sau cùng, thấy không thể thắng nổi, tốp thợ vừa thẹn vừa tức, bỏ dở ra về. Nhờ có ông Chuẩn nên chẳng bao lâu làng đã dựng xong ngôi đình có quy mô rất hùng vĩ, điều đặc biệt là mỗi nửa đình có một kiểu chạm trổ khác nhau.

Từ đấy, tiếng đồn về ông thợ Chuẩn ngày một lan rộng. Người ta đua nhau rước ông về dựng nhà cửa đền đài. Tất cả những nét chạm của ông đều làm đẹp lòng bọn quyền quý.

*

Một hôm, ông đang dựng một ngôi chùa lớn ở gần cửa biển. Công việc sắp xong. Bỗng đêm nọ ông đang ngủ, có hai người lạ mặt bước vào đánh thức dậy, bảo ông:

– Đức Long vương nghe tin ông tinh thông nghề mộc nên ra lệnh cho chúng tôi lên mời xuống sửa lại hoàng cung.

Nghe nói, ông rụng rời cả người, định tìm cách thoái thác, nhưng chúng đã nghiêm nét mặt lại:

– Không thể từ chối được lệnh vua đâu. Hãy thu xếp đi ngay, không được chậm trễ!

Ông Chuẩn đành mang cưa đục lên vai, đi theo hai người lính của Long vương. Họ bảo ông nhắm mắt lại rồi rẽ nước cho ông đi xuống. Long vương trông thấy ông thì mừng rỡ vô cùng. Vua bảo:

– Trẫm nghe tiếng đồn về nhà ngươi đã lâu, nay mới có dịp triệu đến. Từ lâu, trẫm đã không thích quy mô nhỏ hẹo của cái cung điện tiên đế dựng lên ngày trước. Bây giờ trẫm đã chọn được một chỗ đất tốt. Nhà ngươi hãy xây cho trẫm một cái điện thị triều sao cho thật tráng lệ. Còn trên gò Bích Lăng ngươi hãy xây một cái Cửu trùng đài thật nguy nga để bốn biển có thể chiêm ngưỡng. Xung quanh đó thì ngươi dựng lên ba cung sáu viện cho thật huy hoàng rực rỡ. Phải làm thế nào cho mỗi một nét chạm ở bất cứ chỗ nào cũng khiến cho mọi người trầm trồ khen ngợi mới được! Ngươi hãy hết sức vì trẫm, trẫm sẽ hậu tạ. Cần bao nhiêu gỗ, bao nhiêu phu, bao nhiêu vật hạng đều có đầy đủ.

Nghe nói, ông thợ Chuẩn vừa mừng vừa sợ. Cho đây là một dịp để trổ tài nghệ của mình nên ông dốc tâm sức ra làm việc. Ông đã xẻ biết bao nhiêu là gỗ “chò” trên dương thế chở xuống. Ông vẽ kiểu, ông đẽo gọt, ông đục chạm liên miên không nghỉ. Cứ như thế sau ba năm hì hục quên ăn, quên ngủ, quên cả vợ con trên trần, ông thợ Chuẩn đã hoàn thành đại công trình cho Long vương. Tự tay ông đã dựng lên không biết bao nhiêu cung điện, lầu gác, hành lang, cầu, cửa, thủy tạ, v.v… làm cho một chốn hoang vu trở thành mái san sát, cột giăng hàng, rực rỡ cả một vùng biển cả.

Sau khi đi xem khắp mọi nơi, Long vương và các triều thần vô cùng ưng ý, khen ngợi người thợ mộc hết lời. Ngày lễ lạc thành, vua sai mang ra một cái hòm rồi bảo ông thợ Chuẩn:

– Trẫm rất cảm ơn nhà ngươi đã giúp trẫm trong việc xây dựng lớn này. Trẫm cho nhà ngươi hòn ngọc này để thưởng công. Thế nhưng, tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở dưới này, ngươi không được nói cho bất kỳ một ai biết.

Ông Chuẩn một hai xin thề, nhưng Long vương nói:

– Có thêm cái này thì nhà ngươi mới giữ kín miệng.

Đoạn vua bảo ông thợ Chuẩn há miệng ra, bỏ một cái lá rêu vào, bắt nuốt lấy, rồi vua nói tiếp:

– Nếu nhà ngươi tiết lộ những chuyện bí mật trong giang sơn của trẫm thì lưỡi dao vừa nuốt đó sẽ không tha thứ cái cổ của ngươi đâu!

Ông thợ Chuẩn chỉ còn biết vâng vâng dạ dạ. Hai tên lính ngày nọ lại được Long vương gọi đến, bảo đưa ông lên cõi trần. Nước lại rẽ ra cho người thợ mộc đi thẳng về bến sông Nam Hoa với hòm tặng vật. Khi trông thấy làng mạc quê hương, ông thợ Chuẩn tưởng như mình được sống lại. Thấy vợ con còn chít khăn tang cho mình, ông mừng mừng tủi tủi. Nhớ lại lời dặn của Long vương, ông không dám rỉ răng kể lại sự thật, đành phải bịa chuyện cho mọi người yên tâm. Lúc mở hòm, quả có ba mươi viên ngọc lấp lánh. Hai vợ chồng lần lượt bán ngọc để ăn đói. Người ta trả giá không được bao lăm. Mãi về sau gặp một thuyền buôn nước ngoài; người phú thương chủ thuyền khi cầm lấy viên ngọc thứ hai mươi của ông Chuẩn mang ra bán thì không giấu được vẻ kinh ngạc. Hắn nói:

– Đây là ngọc “minh châu” quý giá không thể nói hết!

Đoạn hắn vét tất cả tiền của mình còn lại gần một ngàn quan trao cho ông để được làm chủ viên ngọc. Từ đó, ông thợ Chuẩn trở nên giàu có. Ông bán tất cả, chỉ chừa lại hai viên làm kỷ vật. Rồi ông tậu ruộng, làm nhà cửa, cuộc đời trở nên sung túc hơn trước.

Khi ông thợ Chuẩn làm lễ mừng thọ tám mươi tuổi, biết mình đã đến ngày gần đất xa trời, mới cho gọi tất cả con cháu họ hàng làng mạc lại. Ông bắt đầu kể cho mọi người nghe cái ngày bị Long vương bắt đi xây cung điện như thế nào. Ông kể rất nhanh và rất tỷ mỷ những điều tai nghe mắt thấy ở dưới đó. Kể xong, bỗng nhiên ông lịm đi trên giường. Người ta thấy có một lưỡi dao nhỏ bằng lá rêu đã xuyên qua cổ ông, lòi ra ngoài. Sau khi làm đám ma ông, hai viên ngọc trong hòm cũng không cánh mà tự biến mất.[1]

KHẢO DỊ

Về đoạn đầu truyện này, người Bắc Giang có một truyện kể tương tự. Khi xây dựng đình Nội (thuộc huyện Tân Yên, Bắc Giang), thợ mộc phải làm đến mười lăm năm mới xong. Lúc đầu làng thuê phải một tốp thợ tầm thường. Một người thợ giỏi đi qua ghé chơi thấy thế, bèn giả làm ăn mày, rồi nhóm lửa hút thuốc để lửa bén cháy mất một cái kẻ chạm. Cả tốp thợ đổ ra bắt đem trình làng. Làng toan trói lại để bắt vạ. Người ấy xin chạm cái khác để thay vào. Tốp thợ không nghe, cho rằng làm thế sẽ hỏng mất giá trị của toàn bộ công trình. Sau làng cho làm thử, nếu không xong sẽ phạt vạ sau. Nhưng khi người ấy chạm xong, mọi người đều kinh ngạc vì những đường nét chạm trổi chứng tỏ là bậc thợ có tài. Cuối cùng, làng thuê người ấy thi công thay cho tốp thợ trước.[2]

Về đoạn kết thì tương tự với truyện Người đi câu nơi ao Trời. Sơ lược là:

Ở Quảng Bình có cái ao Trời rất rộng, đi một ngày không hết. Xung quanh ao vắng vẻ ít ai dám đến. Một hôm, có một người làng đến đây câu cá. Đang câu, tự nhiên thấy từ dưới nước hiện lên một đoàn quân và thuyền đi thám thính khắp nơi rồi lại biến mất. Sau đó một chốc, thấy xuất hiện nào thuyền bè, nào tướng sĩ không biết bao nhiêu mà kể, lên thao diễn trên mặt hồ làm rực rỡ ồn ào cả một vùng vắng vẻ. Người đi câu sợ quá nấp trong bụi, nhưng sau có hai viên tướng trông thấy. Họ bắt ông ra hỏi chuyện, tặng ông một cái niêu, hễ bắc lên bếp là tự khắc có cơm. Cũng như tình tiết Long vương bắt ông thợ Chuẩn nuốt lá rêu ở truyện trên, hai viên tướng ở đây cũng bắt người đi câu nuốt một cái lá, và dọa ông hễ tiết lộ là chết. Vì thế, ông chài cũng chờ đến khi bị bệnh nặng mới kể cho con cháu mình nghe câu chuyện xảy ra ở ao Trời, kể xong, lưỡi dao cũng nhảy ra cắt đứt cổ.[3]

Người Hà Tĩnh có truyện Đóng giường nằm cho vua Thủy tề cũng là một dị bản của truyện Người thợ mộc Nam Hoa. Ở đây cũng có một bác phó mộc lành nghề. Vua Thủy tề lúc ấy đang cần một chiếc long sàng, nghe tiếng đồn về bác phó, bèn sai sứ lên triệu xuống đóng. Bác phó cố rình xem thân hình nhà vua như thế nào để đóng cho vừa. Dịp may được lọt vào ngự tẩm, bác thấy dáng nằm trên giường là một con rắn rất lớn khoanh tròn đầu ngóc cao. Bác bèn ước lượng kích tấc đóng ngay: giường vuông vức, giữa có trụ cao cho vua kê đầu. Giường đóng xong, được vua ca ngợi hết lời.

Cũng như các truyện trên, để bắt bác phó giữ tuyệt mật câu chuyện, Thủy tề cũng buộc bác nuốt không phải lá rêu mà là một lưỡi gươm thu nhỏ bằng cái kim. Kết quả, bác cũng đợi đến ngày sắp xuống lỗ mới kể cho con cháu nghe mọi việc ở thủy phủ, để cuối cùng lưỡi gươm trong bụng hiện nguyên hình, đâm ra ngoài cắt đứt cổ.[4]

Truyện Thánh Tản Viên của ta cũng nói đến tình tiết nuốt lá thành dao như sau:

Sau mỗi trận kịch chiến với Thủy Tinh, ngôi nhà của Thánh Tản Viên (tức Sơn Tinh) trên đỉnh Ba Vì thường bị hư hại, buộc Thánh phải gọi thợ mộc thợ hồ quanh vùng lên sửa chữa. Những người này được đệ tử của Thánh đón ở chân núi rồi đưa lên đỉnh bằng phép thần. Khi việc sửa chữa đã xong, Thánh cho mỗi người nuốt một lá trúc đào hình giống con dao hai lưỡi dặn họ khi về nhà không được tiết lộ những điều tai nghe mắt thấy, nếu ai không tuân lời sẽ bị phạt chết ngay tức khắc. Đã từng có một người thợ mộc vì rượu say phun ra mọi chuyện, bị lá trúc đào hóa thành dao cắt đứt cổ xuyên ra ngoài.[5]

Ở truyện Thánh Đản (Tản Viên) của đồng bào Mường cũng có tình tiết nuốt dao tương tự nhưng đây là con dao ước mà bố Thánh Đản lấy của vua Thủy không chịu trả lại. Nhờ vậy mà nó lọt đến tay Thánh Đản:

Ngày xưa, bố đẻ ra Thánh Đản là bố Trượng làm nghề thầy mo. Một hôm bố Trượng đang cày ruộng và chăn vịt bỗng có người ở Thủy phủ (Mường Khú) mời xuống làm vía cho con vua Thủy bị bệnh nặng. Đến nơi ông thấy một con rắn bị lưới quấn chặt cổ bèn giả phù phép rồi lần mò gỡ lưới ra. Khi lành, con rắn mách nước cho ông xin vua Thủy một con dao ước. Vua cho nhưng buộc hết đời phải trả. Bèn lấy dao ước cắm phập vào quả chuối bảo ông nuốt. Khi trở về ông thấy trâu cày và vịt còn ở đồng ruộng đủ số và béo tốt. Từ đấy ông trở nên giàu có. Truyện đến đây kết cục khác với của ta. Cho đến ngày chết, bố Trượng vẫn không trối gì với con cả, nên hôm đưa đám, những người của Thủy phủ theo hẹn lên đòi dao ước. Thánh Đản không biết thế nào mà trả. Thấy thế vua Thủy dâng nước lên cao để lấy dao. Để tránh nước ngập, Thánh vác xác bố nhằm núi Ba Vì chạy mãi, chạy mãi cho đến đỉnh. Chỉ còn một khoảng đất bằng cái nong, nước của vua Thủy không thể dâng được nữa. Từ đó Thánh có con dao ước và trở thành Thánh Đản.[6]

[1] Theo Nam Hoa mộc tượng ký và lời kể của người Nghệ An.

[2] Theo lời kể của người Bắc Giang.

[3] Theo Jê-ni-bren (Génibrel), sách đã dẫn. Người Nghệ An có kể một truyện gần giống truyện trên: Một người đi câu ở một cái hồ thanh vắng. Bên hồ có một cây dừa. Bấy giờ là giữa trưa, đang câu tự nhiên thấy có một con ễnh ương ba đầu chín đuôi nổi lên mặt nước dạo ba vòng thuận, ba vòng nghịch rồi lặn xuống. Một hồi lâu,lại thấy một chiếc thuyền rồng nổi lên, trên mui kết lá dừa, cờ cũng bằng lá dừa, trống bằng quả dừa; quan quân ngồi trên những chiếc thuyền khác cũng lần lượt nổi lên rất rộn rịp. Người đi câu ngồi xem không chán mắt và không dám lên tiếng. Đến khi ngồi lâu mỏi mệt lại khát nước, mới ho lên một tiếng thì thuyền bè, quan quân, v.v… đều biến mất cả. Một chốc, thấy con ễnh ương bị chặt làm ba khúc nổi lên mặt nước.Những lá dừa, quả dừa đều nổi lên cả. Nhìn lại cây dừa thì lá và quả đều trụi hết. Sợ quá, người ấy chạy về nhà và bị bệnh nặng (Bản khai của các sách Hữu Lập, sách Vĩnh Lại, sách Nhiêu Hợp).

[4] Do Thanh Minh sưu tầm.

[5] Theo Lê Hương. Truyện tích Việt Nam.

[6] Theo lời kể của người Mường Hòa Bình, và Trấn Tử Bạch Đình. Cõi sống và cõi chết trong quan niệm cổ truyền của người Mường, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 141 (1971).

Chọn tập
Bình luận