Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Cây thuốc cải tử hoàn sinh hay là sự tích thằng Cuội cung trăng

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Ngày xưa ở một miền nọ có thằng Cuội làm nghề đốn củi. Tất cả tài sản của Cuội chỉ có một chiếc rìu. Một hôm như thường lệ, Cuội vác rìu đi vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi lội qua một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang hổ. Nhìn trước nhìn sau, chỉ thấy có bốn con hổ con đang vờn nhau trước hang, Cuội bèn xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay ra đất. Nhưng vừa lúc đó, con hổ mẹ cũng về tới nơi. Nghe một tiếng gầm kinh khủng ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quăng rìu leo thoăn thoắt lên một ngọn cây cao. Từ trên cây nhìn xuống, Cuội thấy hổ mẹ lồng lộn trước đàn con đã tắt thở.

Nhưng chỉ một lát sau, hổ mẹ bỗng bỏ con nằm đấy, lẳng lặng chạy đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, miệng đớp lấy một ít lá cây rồi trở về nhai mớm cho đàn con. Khoảng giập bã trầu, bọn con hổ tự nhiên cục cựa, vẫy đuôi rồi sau đó lại đi đứng chạy nhảy như thường. Biết đấy là cây thuốc thần, Cuội chờ cho hổ mẹ tha con đi nơi khác, lần xuống tìm đến cây thuốc kia, đào gốc vác về[1].

Dọc đường, Cuội gặp một ông lão nằm vật trên bãi cỏ. Cuội ghé lại xem thì ra ông lão đã chết. Chàng đốn củi liền đặt gánh xuống, không ngần ngại rứt ngay mấy lá cây quý rồi cúi xuống nhai mớm vào miệng ông lão. Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở bừng mắt tỉnh dậy. Ông hết lời cảm ơn chàng trai cứu mạng và hỏi chuyện. Thực tình, Cuội kể lại tất cả. Nghe xong, ông lão kêu lên:

– Trời ơi! Lão từng nghe nói cây này vốn tên là cây đa có phép “cải tử hoàn sinh”. Thật là lão có phúc mới được gặp con. Con hãy chăm vun bón cho nó để cứu thiên hạ. Nhưng nhớ đừng có tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó.

Nói rồi ông lão chống gậy ra đi. Còn Cuội thì gánh cây về trồng ở góc vườn để tiện chăm sóc hàng ngày. Luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào Cuội cũng tưới cây bằng nước giếng trong.

Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai vừa nhắm mắt tắt hơi là Cuội lập tức mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.

Một hôm, Cuội lội qua sông thấy xác một con chó chết trôi. Thương tình, Cuội vớt lên rồi giở lá giắt trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quýt theo Cuội tỏ lòng biết ơn. Từ đấy Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn.

Một lần khác có một lão phú hộ ở làng bên cạnh hớt hơ hớt hải chạy đến tìm Cuội vật nài xin Cuội cứu cho con gái minh vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà và đưa lá ra chữa. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên. Rồi nàng mở bừng mắt ra, vươn vai ngồi dậy. Lão phú ông xiết hao mừng rỡ, bảo Cuội muốn lấy gì cứ việc chọn tùy thích. Cuội ngỏ ý chỉ muốn lấy có gái làm vợ.

Biết Cuội là ân nhân của mình, cô gái thuận làm vợ chàng. Lão phú ông cũng bằng lòng gả con cho Cuội.

Vợ chồng Cuội sống với nhau thật vui vẻ êm ấm. Nhưng trong vùng có bọn con trai hồi trước vẫn ngấp nghé cô gái của lão phú ông, nay thấy bông hoa thơm tự nhiên lại lọt vào tay anh chàng đốn củi thì ngấm nghầm ghen tỵ và cố tìm cách làm hại cho bõ ghét. Một hôm chờ lúc Cuội lên rừng, chúng xông đến định bắt lấy vợ Cuội. Không ngờ vợ Cuội chống cự quyết liệt, chúng bèn giết chết. Giết đoạn, chúng vẫn sợ bị lộ vì biết Cuội có phép chữa cho người ta sống lại, nên chúng lại moi ruột người đàn bà vứt xuống sông rồi mới kéo nhau đi. Khi Cuội gánh củi trở về thì thấy vợ đã chết lạnh từ bao giờ rồi. Cuội vội bứt lá để mớm nhưng mớm bao nhiêu vẫn không công hiệu, vì không có ruột thì làm sao mà sống lại được.

Thấy chủ khóc lóc thảm thiết, con chó lại gần xin hiến bộ ruột của mình để thế vào bộ ruột của cô chủ. Cuội chưa từng làm thế bao giờ nhưng cũng liều nhắm mắt mượn bộ ruột chó thử cứu cho vợ mình xem sao. Quả thực sau khi lắp ruột vào, vợ Cuội lại sống lại như trước.

Thương con chó vì chủ mà chết, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất lắp vào bụng chó rồi nhai lá thuốc dịt vào; không ngờ chó cũng đứng dậy, vẫy đuôi liếm vào tay Cuội. Vợ với chồng, người với vật từ đây lại quấn quýt hơn trước.

Nhưng Cuội không ngờ rằng cũng từ dấy tính nết của vợ mình có phần thay đổi. Người đàn bà ấy dường như lú ruột lú gan, bảo một đàng làm quàng một nẻo. Điều đó làm cho Cuội lắm lúc bực cả mình. Cuội rất lo, vì không biết bao nhiêu lần chồng dặn vợ – “Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Đông, cây giông lên trời”. Thế mà vợ Cuội nào có nhớ cho lời dặn quan trọng ấy.

Một buổi chiều, chồng còn kiếm củi chưa về, vợ Cuội đang hái rau ở vườn phía Đông bỗng thấy mót, bèn chạy vội lại gốc cây quý của chồng, chẳng còn nhớ gì đến lời dặn: cứ thế vén váy đái. Không ngờ vừa đái xong, tự nhiên cả một vùng đất chuyển động, cây cối xung quanh rung lên và gió thổi ào ào. Được một chốc cây đa long gốc bật rễ rồi lừng lững bay lên trời.

Giữa khi ấy Cuội đã bước chân về đến cổng. Thoáng thấy cây quý sắp bay mất, bên cạnh đó có cả người vợ đang kêu om sòm, Cuội đoán ra nông nỗi, lập tức vứt ngay gánh củi, nhảy bổ đến toan níu cây lại.

Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ còn kịp móc rìu vào rễ cây cốt để kéo cây xuống, nhưng cây vẫn một mực bốc lên không sức nào có thể ngăn lại. Về phía Cuội, chàng cũng nhất định không chịu buông rìu, thành thử cây thần kéo cả người Cuội bay lên mãi, lên mãi, cuối cùng đến tận cung trăng.

Từ đấy Cuội ở luôn tại cung trăng với cây đa của mình. Cho nên ngày nay mỗi khi nhìn lên mặt trăng ta luôn luôn thấy bóng của Cuội dưới gốc cây thuốc quý. Người ta kể rằng mỗi năm cây đa chỉ rụng có mỗi một lá mà thôi. Ai nhặt được lá cây ấy thì có thể dùng để cứu chữa người chết sống lại. Những con cá heo cũng biết như vậy, cho nên nếu lá rơi xuống biển, chúng tranh nhau đớp lấy coi như của quý để làm thuốc cứu chữa cho tộc loại.

KHẢO DỊ

Truyện trên có lẽ là bóng dáng xa gần của một thần thoại nào đó (xem Lược khảo về thần thoại Việt-nam)[2].

Có nhiều dân tộc ở xung quanh ta có những truyện cổ tích hoặc những mảnh thần thoại ít nhiều tương tự với truyền của người Việt. Ví dụ truyện của người Mường Ta-kheo Ranh với cây thuốc bất tử:

Có một người thợ săn tên là Ta-kheo Ranh, một hôm lên núi Lô đâm được một con nai. Ngồi nghỉ ở dưới bóng cây, anh bỗng thấy có một con rắn đến nhặt một vỏ cây đem lại áp vào vết thương con nai. Chỉ một lát sau con vật sống lại và lủi thủi đi mất. Anh lại đi săn được một con thú khác và đưa đến chỗ cũ rồi rình xem. Anh lại thấy con rắn đến cứu như lần trước. Anh nhớ lấy cây thuốc quý. Một hôm có một người mắc nạn không may bị chết, Ta-kheo Ranh bèn lên núi Lô lấy vỏ cây về thử cứu chữa. Quả nhiên người chết sống lại. Từ đấy hễ có ai chết là người ta cầu cứu với Ta-kheo Ranh. Chỉ ít lâu sau cả một xứ Mường không một ai chết nữa. Từ đó anh nổi danh với cây thuốc bất tử.

Tin ấy lan truyền đến tận Trời, Trời bên sai sứ giả xuống đón anh và bứng cả cây thuốc lên. Từ đấy Ra-kheo Ranh trở thành thày thuốc của Trời, khắp cõi trời đều trở nên bất tử. Trái lại, ở cõi trần vì mất cây thuốc quý nên ai đã chết là chết luôn. Mỗi lần có người chết lên trời, họ thường tìm đến Ta-kheo Ranh đề cầu cạnh, chẳng hạn nhờ anh giả nhận làm con cháu, để được nhẹ tội, hy vọng khỏi xuống địa ngục.

Truyện của đồng bào Cham-pa giống truyện của ta hơn cả:

Một người đàn bà lên rừng thấy một ổ rắn con, bèn giết chết tất, rồi ngồi ở một nơi gần đó. Rắn mẹ thấy con chết, liền bò đến một cây đa (phun đơ-rai) cắn lấy lá, đem phun vào những cái xác của con. Đàn rắn con tự nhiên sống lại. Biết là cây thuốc cải tử hoàn sinh, người đàn bà ấy lấy một nhánh về trồng sau nhà và hết sức bảo vệ, thường dặn các con không được đái vào cây. Một hôm mẹ đi vắng, mấy đứa con rủ nhau đái vào cây xem thử thế nào. Người mẹ về thấy cây đang lừ lừ bay lên, vội chạy tới níu lấy cây, cây mang cả bà ta lên khỏi mặt đất. Con chó đen thấy thế cũng nhảy lên theo. Cây mang họ lên cung trăng. Người Cham-pa gọi bà là Paja Yan (bà già linh thiêng). Người ta nói khi mặt trời đi ngang trước mặt, bà quỳ xuống, do đó có nguyệt thực[3].

Người Cham-pa còn có một truyện khác Hoàng tử Khỏe cũng có hình ảnh cây thuốc cải tử hoàn sinh bay lên trời nhưng nội dung lại không giống truyện trên. Đại thể là:

Một ông vua không có con. Thầy bói cho biết nếu đem của bố thí thì rồi sẽ có nhưng nó sẽ làm cho nhà vua khánh kiệt. Vua quả có con nhưng thằng bé ăn rất khỏe: mỗi bữa chén một gà, lớn lên mỗi bữa một dê, lớn nữa mỗi bữa một trâu. Thấy không thể cung đốn nổi, vua sai Khỏe, tên của hoàng tử, vào rừng chặt cây lớn mong cây đè chết, nhưng nó lại vác được cả cây về. Sau cùng Khỏe xin một số sắt để rèn một cái rìu. Thợ rèn rèn không xong, nó phải tự rèn lấy. Dọc dường gặp Ta Sa kéo một xe nặng không cần trâu, nhưng lại không nhấc nổi rìu của Khoẻ. Ta Sa bèn tôn là anh, xin đi theo. Lại gặp Ha-vi-ha-va chặt dây mây của năm quả núi nhưng cũng không đỡ nổi rìu của Khỏe, cũng xin kết nghĩa và đi theo. Họ xin người ta được nửa thuyền cá, đi tìm lửa để nấu thì bị một mụ phù thủy đánh lừa giết chết hai em. Đến lượt mình, Khỏe tóm cổ mụ, mụ nói mình có cây thuốc cải tử hoàn sinh. Khỏe bèn dùng thuốc đó cải tử hoàn sinh cho hai em rồi khâu mồm và mắt mụ lại, ném vào một xó. Chồng mụ về, theo dấu bã mía của họ, đuổi theo. Hắn ném hai em Khỏe tụt xuống đất. Khỏe liền cũng ném lão tụt xuống đất chỉ còn hở cái đầu; anh đá một cái, đầu lão văng sang tận Trung quốc. Khoẻ và hai em sang đến Trung quốc thì thấy mọi người đang hò nhau khiêng cái đầu mà không nổi, bèn lại đá một cái nữa, đầu văng sang nước Xiêm. Vua Trung-quốc khen, gả cho công chúa. Khỏe xin cho Ta Sa lấy công chúa, giao cây thuốc bảo trồng ở vườn, dặn không được cho người lạ vào, cây sẽ bay lên trời mà mình thì sẽ chết. Đoạn Khỏe cùng Ha-vi-ha-va sang Xiêm. Đến đây lại thấy mọi người khiêng không nổi cái đầu, bèn đá một cái văng ra biển. Vua Xiêm cũng gả công chúa, nhưng Khỏe đề nghị xin cho Ha-vi-ha-va kết duyên với công chúa.

Sau đó, anh xin một hòn núi đá để lấy đá lát đường về nước Chàm.

Không bao lâu Ta Sa quên mất lời anh dặn, để cho người lạ vào vườn, cây liền bay lên trời. Bên này Khoẻ bỗng dưng lăn ra chết. Nghe tin, Ta Sa đâm ra hối hận, buồn rầu, bèn xin về ở với anh Ha-vi-ha-va ở Xiêm. Sau cùng nhớ nước quá, anh về Chàm được ít lâu rồi cũng chết[4].

Đồng bào Ba-na (Bahnar) có truyện Ống thuốc thần cũng gần với các truyện trên:

Bị trâu rừng ăn mất lúa nương, hai anh em nhà nọ quyết rình để bắn chết. Bắn được trâu, người anh để em ở lại canh, còn mình thì chạy về gọi dân làng ra xẻo thịt. Nhưng trâu đó là của bà tiên. Bà hiện ra xoa ống thuốc thần vào trâu, trâu tự nhiên sống lại, rồi bà cưỡi đi mất. Người em chạy theo đuổi không kịp, chỉ nhặt được ống thuốc thần. Khi người anh và dân làng chạy ra thì không thấy trâu, bèn nổi giận giết chết người em. Nhưng nhờ ống thuốc, người em sống lại. Anh ta nhặt ống thuốc thần đeo vào cổ rồi bỏ nhà di. Dọc đường người em lần lượt cứu được hai con chó, chúng quấn quýt theo anh không rời.

Anh lại cứu được cô gái của Cò-ran. Tin đồn khắp nơi, người ta đào cả mộ lên để nhờ anh giúp cho ông bà tổ liên sống lại. Anh làm việc không biết mệt.

Bấy giờ vua âm phủ (Mơ-tao mơ-tinh) thấy dân số nước mình hao hụt vì người chết xuống thì ít mà người đã chết rồi sống lại quá nhiều, mới lên buộc Trời phải tìm cho ra lẽ để trả lại dân cho hắn. Tra hỏi mãi, Trời mới biết ống thuốc cải tử hoàn sinh đã lọt vào tay người trần, bèn sai con gái út xuống trần tìm cách lấy lại. Xuống đất, cô gái nhà Trời tình nguyện làm vợ anh chàng, nhưng chẳng làm thế nào để trộm được ống thuốc cả, vì người và chó canh giữ nghiêm ngặt. Mãi về sau phải dùng đến cách bỏ thuốc mê mới lấy được. Tỉnh dậy, thấy mất ống thuốc, anh bảo chó đuổi theo vợ, chó đuổi lên đến Trời.

Thấy cửa Trời đóng kín, anh cùng chó canh ở ngoài không cho ai vào cả.

Người nhà Trời không đi đâu được, đành phải thương lượng với anh. Một mặt Trời cho hai vợ chồng anh và hai con chó được sống mãi và được chu cấp đầy đủ. Mặt khác anh phải trả cho vua âm phủ ống thuốc thần. Anh ưng thuận. Từ đấy cũng có lúc Trời không chu cấp đầy đủ, thì anh cho chó đến đòi và cắn lung tung làm cho Trời sợ bỏ trốn, những lúc như vậy là những ngày nhật thực[5].

Người Miến-điện (Myanmar) có hai truyện, trong đó có một truyện gần gũi với các truyện trên:

  1. Vì sao có nguyệt thực: Một người đàn bá goá để lại cho hai đứa cháu một đứa cái cối, một đứa cái chày. Anh chàng được cối cho là không có ích gì, vứt bỏ, còn người em được chày thì đi đâu cũng mang theo. Một hôm có con rắn đến mượn chày để cứu chồng nó sống lại. Từ đó anh mới biết phép màu nhiệm của cái vật mà bà mình để lại.

Ở đây anh cũng chữa cho một con chó sống lại và nó cũng trở thành người bạn trung thành. Sau đó, một lần anh cứu sống công chúa, được vua gả cho làm vợ. Anh đem chày chữa cho thiên hạ làm cho không ai còn biết tang tóc là gì nữa. Hai vợ chồng thường đưa chày lên mũi ngửi, nên trẻ mãi không già. Nữ thần Mặt trăng thấy thế đâm ra ghen ghét, định bụng ăn cắp cắp chày của anh cho bõ ghét. Một hôm chày mốc, anh đem phơi nắng, bắt con chó ngồi canh. Nữ thần tàng hình xuống, chó không biết, nhưng khi mang chày đi rồi thì chó đuổi theo hơi của cái chày. Cuộc đuổi bắt kéo dài vô tận. Cho đến ngày nay, chó vẫn đuổi theo, có khi chó ngoạm được cả mặt trăng nhưng vì cổ họng bé nuốt không nổi nên cuối cùng lại phải nhả ra. Lúc đó là có nguyệt thực.

  1. Ông già trên cung trăng: Một ông già chuyên giã gạo thuê chỉ có một con thỏ làm bạn. Một đêm trăng, lão ước được một người giúp việc sàng cám cho mình. Thương tình, nữ thần Mặt trăng hóa làm một bà già hàng ngày đến sàng giúp ông, tối thì về. Được ít lâu, ông lão hỏi tung tích bà già. Nữ thần nói thật. Ông già xin theo lên cung trăng cùng với con thỏ. Vì thế mà ngày nay ở trong trăng có ông lão giã gạo, bên cạnh có con thỏ chực ăn cám[6].

Truyện của đồng bào Tày Su-đi-ja-khát và Chan-ta-khát, cũng có một số nét tương tự với các truyện trên.

Có hai vợ chồng và hai con trai: anh là Su-đi-ja-khát đã lớn, em là Chan-ta-khát còn bé. Một trận đói lớn diễn ra, bố mẹ hàng ngày lên rừng tìm củi nhưng họa hoằn mới có. Hai anh em tắm ở khe, tình cờ anh lật hòn đá bắt được bốn con cua, dự định chia cho mỗi người trong gia đình một con. Em ăn xong phần của mình, lại đòi nữa. Anh thương em, lấy phần của mình nướng cho ăn. Lại đòi nữa. Anh lại cho con thứ ba và sau đó con cuối cùng. Bố mẹ về thấy vỏ cua hỏi chuyện. Khi nghe anh kể lại, bố mẹ cho là đứa em không biết thương bố mẹ, bèn đuổi đi. Thương em, anh đi theo.

Họ đi ăn xin ở các làng nhưng không được gì, bèn vào rừng. Đến một nơi thấy một con “cà-chiết” cắn nhau với một con rắn. Rắn bị chết. Con kia gặm một vỏ cây gần đó nhả vào cho con rắn. Rắn sống lại. Lần sau con rắn cắn chết con cà-chiết, rồi bỏ di. Hai anh em bèn lấy vỏ cây làm nó sống lại rồi ra đi.

Dọc đường họ lại cứu một con quạ chết. Quạ muốn đền ơn. Hai anh em nói không muốn gì cả, chỉ cần thả quả cây xuống cho ăn, kẻo đói quá. Quạ dẫn họ đi đến một chỗ có Phi Giắc (một loại tinh ăn thịt người) vừa chết vợ, đang giết trâu bò làm ma. Quạ trộm thịt ném cho họ ăn. Phi Giắc bắt gặp, đánh chết quạ và bắt hai anh em định giết thịt, mời họ hàng đến ăn. Trong khi Phi Giắc đi vắng, ở nhà hai anh em cứu sống vợ nó. Khi chồng về, vợ nó xin tha mạng cho ân nhân. Phi Giắc cho hai người một cái quạt và một cái gậy, bảo đi nhanh về phía mặt trời lặn, kẻo họ hàng mình bắt gặp thì không hay.

Hai anh em đi đến một nơi gặp một lũ con gái đang múc nước cho đám ma con gái “tạo” mường. Họ vào nhà xin ăn, bị đuổi, họ lại đến nhà một bà già xin ăn. Bà già giết một con vịt rồi đi múc nước. Ở nhà hai anh em cứu sống con vịt. Bà già đem việc ấy nó lại với tạo. Tạo đến xin họ cứu cho con gái mình. Khi thấy con gái sống lại, tạo bảo họ muốn lấy gì cũng cho. Người anh xin ở lại. Tạo gả con gái cho.

Một mình Chan-ta-khát ra di. Đến một vùng nọ anh cứu sống người con trai của Khi-sa-phau. Gần đó có con gái tạo mường chết vì móng hổ rơi vào bàn chân. Được Khi-sa-phau mách, tạo gọi Chan-ta-khát đến cứu sống con gái, hứa sẽ chia cho anh hai mường. Anh cứu sống, lấy cô gái làm vợ, rồi ở lại đấy.

Một người Sa là Khắt-tha-nêk trước đã đi hỏi cô gái, thấy thế, tức lắm bèn bỏ thuốc độc cho anh ăn. Không chết, anh lại bỏ thuốc độc cho ăn. Khắt-tha-nếk ăn xong phát điên đi lang thang khắp nơi[7].

Dân tộc Hrê (Hré) có truyện Quậy kết hợp giữa truyện Cuội cung trăng với truyện Nói dối như Cuội (số 60, tập II):

Chàng Quậy nghèo và xấu không ai lấy. Một hôm nằm ngửa ngắm trăng, thấy cô gái và cây đa trên trăng. Quậy tỏ lời ao ước. Tự nhiên có một chiếc lá đa rơi xuống. Quậy lấy lá trồng, lá mọc thành cây, lá cũng phát ánh sáng như ánh trăng, đem lá thử chữa cho các con vật chết, chúng cũng sống lại. Quậy đi hỏi vợ. Bị cô gái chế nhạo, Quậy cầm dao đâm chết rồi cứu cho sống lại. Thấy mọi người kính phục, Quậy nẩy ý nghĩ đi chơi mọi nơi, lừa gạt người ta. Quậy bắt đầu gạt ông bác (giết lợn ăn thịt rồi cắm đuôi xuống đất nói dối lợn xuống âm phủ), nhiều lần gạt hổ (một cuộc đi săn bằng bẫy, một cuộc đi ăn trộm gạo, “trứng” lợn, nước biển dâng. v.v…). Sau đó, Quậy lại gạt quan nhiều lần (ăn thịt “mệt”, lấy ống điếu…), gạt lái buôn, v.v…

Cuối cùng, khi về thì cây quý đã chết. Quậy nhờ làm làm cho một cái thang bằng sắt. Trèo lên đến nơi, thì Quậy gặp cô gái trên trăng, hai bên kết hôn. Vợ Quậy đạp cái thang, thang rơi xuống thành mỏ sắt. Quậy xin về, vợ không cho. Quậy chặt cây để làm thang, nhưng cây bị chặt đến sáng lại liền như cũ. Cuối cùng, Quậy đem lương ăn, đến cây đa chặt liên tục không nghỉ, đến ngày thứ tư mệt quá, ngủ lại đấy nhưng lại chú ý gác chân lên chỗ chặt. Không ngờ khi chỗ bị chặt của cây liền lại thì kẹp luôn chân Quậy vào gốc cây[8].

Đồng bào Mèo có truyện Chàng Ư-châu:

Chàng Ư-châu (Ư-châu = út) cùng người anh đi cày nương. Chị dâu làm thịt gà đưa cho chồng ăn, còn em thì chỉ được ăn cám và xác một con rắn mà chị ta đánh chết dọc đường. Ư-châu không ăn. Bỗng có con thằn lằn đến cắn một thứ cây phun vào xác rắn. Rắn sống lại. Biết là cấy thuốc cải tử hoàn sinh, Ư-châu nhổ cây, thử phun vào xương gà (do người anh ăn bỏ lại) thì gà sống lại. Gà dặn dọc đường về nếu thấy có người chết thì đừng cứu vì người ấy độc ác. Nhưng anh cứ cứu, hóa ra người đàn bà ấy là chị dâu anh bị rắn cắn chết. Anh lại tiếp tục đi nữa và cứu được nàng Ư-châu, một cô gái đẹp và kết thành vợ chồng. Từ đây, truyện chuyển sang một kết cấu xa lạ.

Anh cứu cho đứa con một lão nhà giàu để học những phép lạ của hắn. Anh lại dùng phép biến mình thành một con ngựa trắng đẹp cho một người anh của mình cưỡi đi chợ đổi cho đứa con lão nhà giàu đó để lấy một con ngựa khác, còn được bù thêm ba mươi sáu lạng bạc. Ngựa trắng – Ư-châu – do chủ mới dắt về, lúc đưa đi tắm thì nó lặn xuống sông. Thấy thế đứa con lão nhà giàu nhờ một thầy pháp đuổi theo. Ngựa hoá cá, thầy pháp hóa làm rái cá, cá hoá làm cua, cua lại hóa làm bong bóng nước nổi lên, rồi hóa làm chim cắt.

Rắn nước cũng nổi lên hóa làm diều hâu đuổi cắt. Cắt lại hóa làm chuột chui vào hang, còn diều hâu hoá làm mèo rình ở cửa. Chuột hóa làm kiến nhỏ bò ra, rồi hóa thành một lão thầy pháp khác đánh cho mèo một trận nhừ tử, và từ đấy bắt con vật – tức lão thày pháp – kia cứ giữ mãi mãi lốt mèo[9].

Truyện Thằng Cuội cung trăng của ta còn giống với đề tài thần thoại cung trăng của nhiều dân tộc, trong đó cũng có vị thuốc trường sinh bất tử và hình ảnh bay lên mặt trăng. Trước hết là truyện Hậu Nghệ của Trung-quốc: Ngày xưa trên trời có một vị thần tên là Hậu Nghệ. Hậu Nghệ rất thông minh, tự chế ra cung tên bắn trăm phát trăm trúng. Thửa ấy là đời vua Nghiêu, thiên hạ gặp lắm nạn. Thượng đế bèn cho Nghệ một cái cung màu đỏ và mũi tên màu trắng, bảo xuống trần trừ nạn cứu dân. Tai nạn của dân hồi đó là hạn hán. Nguyên do ở phương Đông có biển Thang-cốc, ở đó có cây phù tang rất lớn. Mỗi buổi sáng, mười mặt trời đến đấy tắm mát. Tắm xong, chín mặt trời nô đùa dưới cây phù tang, còn một mặt trời thì ngồi trên xe do quạ kéo qua không trung. Một hôm tắm xong, cả mười mặt trời cùng leo lên xe đi, vì thế mùa màng cháy trụi gây nên nạn đói chưa bao giờ có. Nghệ thấy vậy không chút do dự, bắn liên tiếp chín phát rơi chín mặt trời, chỉ còn một mặt trời còn lại cho đến ngày nay.

Vua Nghiêu lại sai Hậu Nghệ đi trừ ác thú, rồi sai đi cứu nạn lụt. Lần sau này, Hậu Nghệ bắn bị thương Hà Bá là kẻ gây ra nạn lụt.

Hậu Nghệ có vợ là Hằng Nga xui chồng lên núi Côn-lôn xin vị thuốc trường sinh bất tử ở bà Tây Vương mẫu. Trải bao gian khổ, Hậu Nghệ mới lấy được vị thuốc quý đưa về giao cho vợ, đinh cùng uống chung. Không ngờ một hôm Hậu Nghệ đi vắng, ở nhà Hằng Nga uống thuốc một mình. Uống xong, bỗng thấy người nhẹ dần, rồi chân rời khỏi mặt đất, bay lên trời tới mặt trăng. Ở đây, Hằng Nga chỉ có một con thỏ trắng, một con cóc và một cây quế làm bạn, ngoài ra không có gì khác. Khi Hậu Nghệ về, thấy tình hình như vậy buồn rầu vô hạn.

Hậu Nghệ có người học trò là Bàng Mông cũng có tài bắn nhưng thua Hậu Nghệ một bậc. Bàng Mông ghen tỵ với thầy nên tìm kế hại thầy. Từ ngày mất vợ, Hậu Nghệ đâm ra nóng nảy, thường ngược đãi tôi tớ. Bàng Mông xui họ chống lại. Nghe lời xúi bẩy, một hôm nhân đi săn không phòng bị, chúng liền ập đến giết chết[10].

Truyện Sự tích con thỏ cung trăng của Ấn-độ là một phật thoại: Ngày xưa, trong một khu rừng nọ có ba con thỏ: một con nâu, một con vàng và một con trắng. Cả ba dày công tu luyện, suốt đời làm việc thiện. Đức hạnh tốt đẹp đó đã động đến Trời. Trời bèn sai một thiên thần xuống để dò hư thực. Vị thần hóa làm một người bộ hành đói rách lỡ bước lạc đường đến khu rừng ấy.

Thỏ nâu và thỏ vàng sẵn có lương thực bèn đem ra biếu tất cả cho người bộ hành. Còn thỏ trắng ta vì đã bố thí hết cả, không biết lấy gì mà cho, chỉ có một bó củi, bèn nói: – “Tôi không thể biếu người cái gì ngoài chính bản thân tôi ra. Vậy thì củi đây, người hãy quay chín tôi mà ăn thịt”.

Vị thiên thần cảm động liền bay về trời tâu cáo mọi việc. Trời bèn ban thưởng thỏ trắng bằng cách cho sống một đời sống vĩnh cửu ở mặt trăng, là nơi thanh bình, tinh khiết. Từ đó thỏ ở lại cung trăng cho đến ngày nay[11].

Một truyện kể trong Đại tạng kinh: Một người Bà-la-môn sống hàng ngàn năm trên núi, có bốn con vật thân cận là chồn, khỉ, rái cá và thỏ. Hàng ngày chúng đến nghe giảng kinh và thường mang hoa quả đến cho. Một lần người Bà-la-môn hết thức ăn, toan đi chỗ khác. Bốn con vật buồn bã rủ nhau tìm thức ăn nuôi ông. Con khỉ sang một hòn núi khác tìm được nhiều quả ngon. Con chồn biến thành người, kiếm được một túi hạt nướng mang về có thể nuôi được một tháng. Rái cá lặn xuống nước, bắt được một con cá to, cũng có thể ăn được một tháng. Còn con thỏ không biết làm thế nào cả, bèn chuẩn bị củi than rồi nhảy vào lửa định tự quay cho người Bà-la-môn ăn. Nhưng vừa nhảy vào thì tự nhiên lửa tắt. Người Bà-la-môn là tiền thân của Đê-hòa-kiệt, con thỏ là đức Phật, con khỉ là Xa-ri-pu-tra, con chồn là A-nan-đà, con rái cá là Mục Liên[12].

Người In-đô-nê-xi-a (Indonésia) có một truyền thuyết trong đó không nói đến Cuội và cây thuốc cải tử hoàn sinh mà lại nói đến mặt trăng, và đặc biệt có tình tiết đái vào mặt trăng: Ngày xưa có hai mặt trăng thay phiên nhau soi sáng trần gian cho nên không bao giờ có đêm cả. Có mấy tên trộm thấy vậy không hài lòng, vì ánh sáng thường trực làm ngăn trở công việc làm ăn của chúng. Một hôm chúng quết định đái vào một trong hai mặt trăng. Quả nhiên mặt trăng ấy tắt đi, và biến thành một cái trống rơi xuống đảo Ba-li[13].

Xem thêm truyện của Đồng bào Tày Con rùa vàng, mục Khảo dị truyện số 128.

Về hình tượng lấy ruột vật thay vào cho người, người Ca-nác (Canaques) ở Tân Ca-lê-đô-ni (Nouvelle-caledonie) cũng có truyện nói đến một vị thần Gô-ma-uê, một hôm đi chơi gặp hai người lạ, hỏi thì họ chả biết nói năng gì cả. Biết được nguyên nhân, thần bèn bắt hai con chuột lấy tim gan và bộ ruột của chúng lắp vào cho họ. Quả nhiên khi vết thương kín lại cả hai người bắt đầu ăn nói, suy nghĩ và có sức khỏe[14].

[1] Đoạn này theo Nghiêm Toản. Việt-nam văn học sử yếu.

[2] Trong bộ sách này chúng tôi có đưa vào một số truyện như Sự tích thằng Cuội cung trăng (126), Thánh Gióng (134), Mỵ Châu-trọng Thủy (174), Ả Chức chàng Ngưu (182), v.v… mà ở Lược khảo về thần thoại Việt-nam đã có kể đến coi như là những thần thoại. Như chúng tôi đã nói: “ở Việt-nam thần thoại đã bị thất lạc mất nhiều”, “không còn giữ được nguyên tính chất chất phác của nó như thần thoại của các dân tộc thiểu số”, những truyện trên theo chúng tôi vốn xuất phát từ một số hình ảnh của thần thoại xa xưa, còn cấu trúc câu chuyện thì có thể đã chịu ảnh hưởng của nghệ thuật truyền thuyết cổ tích sau này. Cho nên chúng tôi đưa một số truyện vào đây để một mặt cho bạn đọc thấy được nghệ thuật xây dựng loại cổ tích thần kỳ có truyền thống từ nghệ thuật thần thoại, mặt khác để tiện trình bày những dị bản xa gần của chúng cũng khá phổ biến ở nhiều dân tộc anh em ở Việt-nam và trên thế giới. Về vấn đề chuyển hóa Thần thoại – cổ tích chúng tôi mong sẽ có dịp đề cập đến trong một bộ sách khác.

[3] Theo Ca-ba-tông (A.Cabaton): Những tìm tòi mới về người Cham-pa; còn theo Lăng-đờ (Landes) thì truyện này kể có hơi khác. Đại khái có một anh chăn trâu một hôm lên rừng giết chết một con rắn, bỗng thấy bố mẹ con rắn tha một miếng vỏ cây cờ-rếch rồi phun vào xác con, nó sống lại. Anh chăn trâu bèn lấy vỏ cây ấy phun thử vào con cá khô mang theo, thấy nghiệm. Từ đó anh cứu được rất nhiều người chết sống lại, trong số đó có một cô gái đã chết được một tháng.

Cũng giống như truyện của ta, anh cưới cô làm vợ và còn đào cây thuốc quý bí mật về trồng, cấm vợ không được bén mảng vào vườn. Một hôm cây cũng tự nhiên long gốc rồi bay lên trời, vì trận mưa nước tiểu vô tình của người vợ trong khi lẻn vào thăm vườn. Chồng về vừa kịp bíu vào cây và cuối cùng cũng bay theo lên cung trăng (Truyện cổ tích Cham-pa, đã dẫn).

[4] Theo Truyện cổ Tây nguyên.

[5] Theo Truyện cổ Ba-na, tập II.

[6] Theo Miến-điện dân gian cổ sự, sách đã dẫn.

[7] Theo Đờ-jor-jơ (Degeorge). Truyền thuyết của người Tày ở An-nam, tạp chí Nhân loại (Anthropos), 1921-22.

[8] Theo Truyện cổ dân gian Việt-nam, tập I. Nên nhớ người Việt nam cũng có truyện kể kết hợp giữa hai truyện (xem Sơn cư tạp thuật) nhưng nội dung và tình tiết không đầy đủ như truyện trên đây.

[9] Theo Chàng xà trị hổ ác.

[10] Theo Hoài Nan-tử và Truyện dân gian Trung-quốc (bản dịch của Thái Hoàng và Bùi Văn Nguyên).

[11] Theo Văn hóa nguyệt san, số 56 (1960). Một dị bản khác kể rằng: Ngày xưa có một thầy tu đến trước một ngôi nhà xin ăn. Trong khi mọi người dâng cúng thức ăn, thì một con thỏ ngẫu nhiên cũng ở đó. Nó không biết kiếm gì để làm thức ăn, bèn nhảy vào nồi nước đang sôi để làm thức ăn cúng dâng cho Bố tát.

Thầy tu – tức thần In-đờ-ra – rất cảm động, lập tức đưa thỏ lên mặt trăng.

[12] Theo Sa-van-nơ: (Chavannes). Năm trăm truyện cổ và ngụ ngôn trích từ Kinh Đại tạng Trung quốc.

[13] Dẫn trong Nghiên cứu về những lễ nghi nông nghiệp của người Căm-pu-chia của E.P.Mát-xpê-rô (E.P.Maspéro).

[14] Theo Lin-nác-đơ (Linnardes). Đô Ka-mô (Con người và huyền thoại ở xã hội Me-lane-di).

Ngày xưa ở một miền nọ có thằng Cuội làm nghề đốn củi. Tất cả tài sản của Cuội chỉ có một chiếc rìu. Một hôm như thường lệ, Cuội vác rìu đi vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi lội qua một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang hổ. Nhìn trước nhìn sau, chỉ thấy có bốn con hổ con đang vờn nhau trước hang, Cuội bèn xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay ra đất. Nhưng vừa lúc đó, con hổ mẹ cũng về tới nơi. Nghe một tiếng gầm kinh khủng ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quăng rìu leo thoăn thoắt lên một ngọn cây cao. Từ trên cây nhìn xuống, Cuội thấy hổ mẹ lồng lộn trước đàn con đã tắt thở.

Nhưng chỉ một lát sau, hổ mẹ bỗng bỏ con nằm đấy, lẳng lặng chạy đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, miệng đớp lấy một ít lá cây rồi trở về nhai mớm cho đàn con. Khoảng giập bã trầu, bọn con hổ tự nhiên cục cựa, vẫy đuôi rồi sau đó lại đi đứng chạy nhảy như thường. Biết đấy là cây thuốc thần, Cuội chờ cho hổ mẹ tha con đi nơi khác, lần xuống tìm đến cây thuốc kia, đào gốc vác về[1].

Dọc đường, Cuội gặp một ông lão nằm vật trên bãi cỏ. Cuội ghé lại xem thì ra ông lão đã chết. Chàng đốn củi liền đặt gánh xuống, không ngần ngại rứt ngay mấy lá cây quý rồi cúi xuống nhai mớm vào miệng ông lão. Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở bừng mắt tỉnh dậy. Ông hết lời cảm ơn chàng trai cứu mạng và hỏi chuyện. Thực tình, Cuội kể lại tất cả. Nghe xong, ông lão kêu lên:

– Trời ơi! Lão từng nghe nói cây này vốn tên là cây đa có phép “cải tử hoàn sinh”. Thật là lão có phúc mới được gặp con. Con hãy chăm vun bón cho nó để cứu thiên hạ. Nhưng nhớ đừng có tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó.

Nói rồi ông lão chống gậy ra đi. Còn Cuội thì gánh cây về trồng ở góc vườn để tiện chăm sóc hàng ngày. Luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào Cuội cũng tưới cây bằng nước giếng trong.

Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai vừa nhắm mắt tắt hơi là Cuội lập tức mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.

Một hôm, Cuội lội qua sông thấy xác một con chó chết trôi. Thương tình, Cuội vớt lên rồi giở lá giắt trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quýt theo Cuội tỏ lòng biết ơn. Từ đấy Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn.

Một lần khác có một lão phú hộ ở làng bên cạnh hớt hơ hớt hải chạy đến tìm Cuội vật nài xin Cuội cứu cho con gái minh vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà và đưa lá ra chữa. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên. Rồi nàng mở bừng mắt ra, vươn vai ngồi dậy. Lão phú ông xiết hao mừng rỡ, bảo Cuội muốn lấy gì cứ việc chọn tùy thích. Cuội ngỏ ý chỉ muốn lấy có gái làm vợ.

Biết Cuội là ân nhân của mình, cô gái thuận làm vợ chàng. Lão phú ông cũng bằng lòng gả con cho Cuội.

Vợ chồng Cuội sống với nhau thật vui vẻ êm ấm. Nhưng trong vùng có bọn con trai hồi trước vẫn ngấp nghé cô gái của lão phú ông, nay thấy bông hoa thơm tự nhiên lại lọt vào tay anh chàng đốn củi thì ngấm nghầm ghen tỵ và cố tìm cách làm hại cho bõ ghét. Một hôm chờ lúc Cuội lên rừng, chúng xông đến định bắt lấy vợ Cuội. Không ngờ vợ Cuội chống cự quyết liệt, chúng bèn giết chết. Giết đoạn, chúng vẫn sợ bị lộ vì biết Cuội có phép chữa cho người ta sống lại, nên chúng lại moi ruột người đàn bà vứt xuống sông rồi mới kéo nhau đi. Khi Cuội gánh củi trở về thì thấy vợ đã chết lạnh từ bao giờ rồi. Cuội vội bứt lá để mớm nhưng mớm bao nhiêu vẫn không công hiệu, vì không có ruột thì làm sao mà sống lại được.

Thấy chủ khóc lóc thảm thiết, con chó lại gần xin hiến bộ ruột của mình để thế vào bộ ruột của cô chủ. Cuội chưa từng làm thế bao giờ nhưng cũng liều nhắm mắt mượn bộ ruột chó thử cứu cho vợ mình xem sao. Quả thực sau khi lắp ruột vào, vợ Cuội lại sống lại như trước.

Thương con chó vì chủ mà chết, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất lắp vào bụng chó rồi nhai lá thuốc dịt vào; không ngờ chó cũng đứng dậy, vẫy đuôi liếm vào tay Cuội. Vợ với chồng, người với vật từ đây lại quấn quýt hơn trước.

Nhưng Cuội không ngờ rằng cũng từ dấy tính nết của vợ mình có phần thay đổi. Người đàn bà ấy dường như lú ruột lú gan, bảo một đàng làm quàng một nẻo. Điều đó làm cho Cuội lắm lúc bực cả mình. Cuội rất lo, vì không biết bao nhiêu lần chồng dặn vợ – “Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Đông, cây giông lên trời”. Thế mà vợ Cuội nào có nhớ cho lời dặn quan trọng ấy.

Một buổi chiều, chồng còn kiếm củi chưa về, vợ Cuội đang hái rau ở vườn phía Đông bỗng thấy mót, bèn chạy vội lại gốc cây quý của chồng, chẳng còn nhớ gì đến lời dặn: cứ thế vén váy đái. Không ngờ vừa đái xong, tự nhiên cả một vùng đất chuyển động, cây cối xung quanh rung lên và gió thổi ào ào. Được một chốc cây đa long gốc bật rễ rồi lừng lững bay lên trời.

Giữa khi ấy Cuội đã bước chân về đến cổng. Thoáng thấy cây quý sắp bay mất, bên cạnh đó có cả người vợ đang kêu om sòm, Cuội đoán ra nông nỗi, lập tức vứt ngay gánh củi, nhảy bổ đến toan níu cây lại.

Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ còn kịp móc rìu vào rễ cây cốt để kéo cây xuống, nhưng cây vẫn một mực bốc lên không sức nào có thể ngăn lại. Về phía Cuội, chàng cũng nhất định không chịu buông rìu, thành thử cây thần kéo cả người Cuội bay lên mãi, lên mãi, cuối cùng đến tận cung trăng.

Từ đấy Cuội ở luôn tại cung trăng với cây đa của mình. Cho nên ngày nay mỗi khi nhìn lên mặt trăng ta luôn luôn thấy bóng của Cuội dưới gốc cây thuốc quý. Người ta kể rằng mỗi năm cây đa chỉ rụng có mỗi một lá mà thôi. Ai nhặt được lá cây ấy thì có thể dùng để cứu chữa người chết sống lại. Những con cá heo cũng biết như vậy, cho nên nếu lá rơi xuống biển, chúng tranh nhau đớp lấy coi như của quý để làm thuốc cứu chữa cho tộc loại.

KHẢO DỊ

Truyện trên có lẽ là bóng dáng xa gần của một thần thoại nào đó (xem Lược khảo về thần thoại Việt-nam)[2].

Có nhiều dân tộc ở xung quanh ta có những truyện cổ tích hoặc những mảnh thần thoại ít nhiều tương tự với truyền của người Việt. Ví dụ truyện của người Mường Ta-kheo Ranh với cây thuốc bất tử:

Có một người thợ săn tên là Ta-kheo Ranh, một hôm lên núi Lô đâm được một con nai. Ngồi nghỉ ở dưới bóng cây, anh bỗng thấy có một con rắn đến nhặt một vỏ cây đem lại áp vào vết thương con nai. Chỉ một lát sau con vật sống lại và lủi thủi đi mất. Anh lại đi săn được một con thú khác và đưa đến chỗ cũ rồi rình xem. Anh lại thấy con rắn đến cứu như lần trước. Anh nhớ lấy cây thuốc quý. Một hôm có một người mắc nạn không may bị chết, Ta-kheo Ranh bèn lên núi Lô lấy vỏ cây về thử cứu chữa. Quả nhiên người chết sống lại. Từ đấy hễ có ai chết là người ta cầu cứu với Ta-kheo Ranh. Chỉ ít lâu sau cả một xứ Mường không một ai chết nữa. Từ đó anh nổi danh với cây thuốc bất tử.

Tin ấy lan truyền đến tận Trời, Trời bên sai sứ giả xuống đón anh và bứng cả cây thuốc lên. Từ đấy Ra-kheo Ranh trở thành thày thuốc của Trời, khắp cõi trời đều trở nên bất tử. Trái lại, ở cõi trần vì mất cây thuốc quý nên ai đã chết là chết luôn. Mỗi lần có người chết lên trời, họ thường tìm đến Ta-kheo Ranh đề cầu cạnh, chẳng hạn nhờ anh giả nhận làm con cháu, để được nhẹ tội, hy vọng khỏi xuống địa ngục.

Truyện của đồng bào Cham-pa giống truyện của ta hơn cả:

Một người đàn bà lên rừng thấy một ổ rắn con, bèn giết chết tất, rồi ngồi ở một nơi gần đó. Rắn mẹ thấy con chết, liền bò đến một cây đa (phun đơ-rai) cắn lấy lá, đem phun vào những cái xác của con. Đàn rắn con tự nhiên sống lại. Biết là cây thuốc cải tử hoàn sinh, người đàn bà ấy lấy một nhánh về trồng sau nhà và hết sức bảo vệ, thường dặn các con không được đái vào cây. Một hôm mẹ đi vắng, mấy đứa con rủ nhau đái vào cây xem thử thế nào. Người mẹ về thấy cây đang lừ lừ bay lên, vội chạy tới níu lấy cây, cây mang cả bà ta lên khỏi mặt đất. Con chó đen thấy thế cũng nhảy lên theo. Cây mang họ lên cung trăng. Người Cham-pa gọi bà là Paja Yan (bà già linh thiêng). Người ta nói khi mặt trời đi ngang trước mặt, bà quỳ xuống, do đó có nguyệt thực[3].

Người Cham-pa còn có một truyện khác Hoàng tử Khỏe cũng có hình ảnh cây thuốc cải tử hoàn sinh bay lên trời nhưng nội dung lại không giống truyện trên. Đại thể là:

Một ông vua không có con. Thầy bói cho biết nếu đem của bố thí thì rồi sẽ có nhưng nó sẽ làm cho nhà vua khánh kiệt. Vua quả có con nhưng thằng bé ăn rất khỏe: mỗi bữa chén một gà, lớn lên mỗi bữa một dê, lớn nữa mỗi bữa một trâu. Thấy không thể cung đốn nổi, vua sai Khỏe, tên của hoàng tử, vào rừng chặt cây lớn mong cây đè chết, nhưng nó lại vác được cả cây về. Sau cùng Khỏe xin một số sắt để rèn một cái rìu. Thợ rèn rèn không xong, nó phải tự rèn lấy. Dọc dường gặp Ta Sa kéo một xe nặng không cần trâu, nhưng lại không nhấc nổi rìu của Khoẻ. Ta Sa bèn tôn là anh, xin đi theo. Lại gặp Ha-vi-ha-va chặt dây mây của năm quả núi nhưng cũng không đỡ nổi rìu của Khỏe, cũng xin kết nghĩa và đi theo. Họ xin người ta được nửa thuyền cá, đi tìm lửa để nấu thì bị một mụ phù thủy đánh lừa giết chết hai em. Đến lượt mình, Khỏe tóm cổ mụ, mụ nói mình có cây thuốc cải tử hoàn sinh. Khỏe bèn dùng thuốc đó cải tử hoàn sinh cho hai em rồi khâu mồm và mắt mụ lại, ném vào một xó. Chồng mụ về, theo dấu bã mía của họ, đuổi theo. Hắn ném hai em Khỏe tụt xuống đất. Khỏe liền cũng ném lão tụt xuống đất chỉ còn hở cái đầu; anh đá một cái, đầu lão văng sang tận Trung quốc. Khoẻ và hai em sang đến Trung quốc thì thấy mọi người đang hò nhau khiêng cái đầu mà không nổi, bèn lại đá một cái nữa, đầu văng sang nước Xiêm. Vua Trung-quốc khen, gả cho công chúa. Khỏe xin cho Ta Sa lấy công chúa, giao cây thuốc bảo trồng ở vườn, dặn không được cho người lạ vào, cây sẽ bay lên trời mà mình thì sẽ chết. Đoạn Khỏe cùng Ha-vi-ha-va sang Xiêm. Đến đây lại thấy mọi người khiêng không nổi cái đầu, bèn đá một cái văng ra biển. Vua Xiêm cũng gả công chúa, nhưng Khỏe đề nghị xin cho Ha-vi-ha-va kết duyên với công chúa.

Sau đó, anh xin một hòn núi đá để lấy đá lát đường về nước Chàm.

Không bao lâu Ta Sa quên mất lời anh dặn, để cho người lạ vào vườn, cây liền bay lên trời. Bên này Khoẻ bỗng dưng lăn ra chết. Nghe tin, Ta Sa đâm ra hối hận, buồn rầu, bèn xin về ở với anh Ha-vi-ha-va ở Xiêm. Sau cùng nhớ nước quá, anh về Chàm được ít lâu rồi cũng chết[4].

Đồng bào Ba-na (Bahnar) có truyện Ống thuốc thần cũng gần với các truyện trên:

Bị trâu rừng ăn mất lúa nương, hai anh em nhà nọ quyết rình để bắn chết. Bắn được trâu, người anh để em ở lại canh, còn mình thì chạy về gọi dân làng ra xẻo thịt. Nhưng trâu đó là của bà tiên. Bà hiện ra xoa ống thuốc thần vào trâu, trâu tự nhiên sống lại, rồi bà cưỡi đi mất. Người em chạy theo đuổi không kịp, chỉ nhặt được ống thuốc thần. Khi người anh và dân làng chạy ra thì không thấy trâu, bèn nổi giận giết chết người em. Nhưng nhờ ống thuốc, người em sống lại. Anh ta nhặt ống thuốc thần đeo vào cổ rồi bỏ nhà di. Dọc đường người em lần lượt cứu được hai con chó, chúng quấn quýt theo anh không rời.

Anh lại cứu được cô gái của Cò-ran. Tin đồn khắp nơi, người ta đào cả mộ lên để nhờ anh giúp cho ông bà tổ liên sống lại. Anh làm việc không biết mệt.

Bấy giờ vua âm phủ (Mơ-tao mơ-tinh) thấy dân số nước mình hao hụt vì người chết xuống thì ít mà người đã chết rồi sống lại quá nhiều, mới lên buộc Trời phải tìm cho ra lẽ để trả lại dân cho hắn. Tra hỏi mãi, Trời mới biết ống thuốc cải tử hoàn sinh đã lọt vào tay người trần, bèn sai con gái út xuống trần tìm cách lấy lại. Xuống đất, cô gái nhà Trời tình nguyện làm vợ anh chàng, nhưng chẳng làm thế nào để trộm được ống thuốc cả, vì người và chó canh giữ nghiêm ngặt. Mãi về sau phải dùng đến cách bỏ thuốc mê mới lấy được. Tỉnh dậy, thấy mất ống thuốc, anh bảo chó đuổi theo vợ, chó đuổi lên đến Trời.

Thấy cửa Trời đóng kín, anh cùng chó canh ở ngoài không cho ai vào cả.

Người nhà Trời không đi đâu được, đành phải thương lượng với anh. Một mặt Trời cho hai vợ chồng anh và hai con chó được sống mãi và được chu cấp đầy đủ. Mặt khác anh phải trả cho vua âm phủ ống thuốc thần. Anh ưng thuận. Từ đấy cũng có lúc Trời không chu cấp đầy đủ, thì anh cho chó đến đòi và cắn lung tung làm cho Trời sợ bỏ trốn, những lúc như vậy là những ngày nhật thực[5].

Người Miến-điện (Myanmar) có hai truyện, trong đó có một truyện gần gũi với các truyện trên:

Ở đây anh cũng chữa cho một con chó sống lại và nó cũng trở thành người bạn trung thành. Sau đó, một lần anh cứu sống công chúa, được vua gả cho làm vợ. Anh đem chày chữa cho thiên hạ làm cho không ai còn biết tang tóc là gì nữa. Hai vợ chồng thường đưa chày lên mũi ngửi, nên trẻ mãi không già. Nữ thần Mặt trăng thấy thế đâm ra ghen ghét, định bụng ăn cắp cắp chày của anh cho bõ ghét. Một hôm chày mốc, anh đem phơi nắng, bắt con chó ngồi canh. Nữ thần tàng hình xuống, chó không biết, nhưng khi mang chày đi rồi thì chó đuổi theo hơi của cái chày. Cuộc đuổi bắt kéo dài vô tận. Cho đến ngày nay, chó vẫn đuổi theo, có khi chó ngoạm được cả mặt trăng nhưng vì cổ họng bé nuốt không nổi nên cuối cùng lại phải nhả ra. Lúc đó là có nguyệt thực.

Truyện của đồng bào Tày Su-đi-ja-khát và Chan-ta-khát, cũng có một số nét tương tự với các truyện trên.

Có hai vợ chồng và hai con trai: anh là Su-đi-ja-khát đã lớn, em là Chan-ta-khát còn bé. Một trận đói lớn diễn ra, bố mẹ hàng ngày lên rừng tìm củi nhưng họa hoằn mới có. Hai anh em tắm ở khe, tình cờ anh lật hòn đá bắt được bốn con cua, dự định chia cho mỗi người trong gia đình một con. Em ăn xong phần của mình, lại đòi nữa. Anh thương em, lấy phần của mình nướng cho ăn. Lại đòi nữa. Anh lại cho con thứ ba và sau đó con cuối cùng. Bố mẹ về thấy vỏ cua hỏi chuyện. Khi nghe anh kể lại, bố mẹ cho là đứa em không biết thương bố mẹ, bèn đuổi đi. Thương em, anh đi theo.

Họ đi ăn xin ở các làng nhưng không được gì, bèn vào rừng. Đến một nơi thấy một con “cà-chiết” cắn nhau với một con rắn. Rắn bị chết. Con kia gặm một vỏ cây gần đó nhả vào cho con rắn. Rắn sống lại. Lần sau con rắn cắn chết con cà-chiết, rồi bỏ di. Hai anh em bèn lấy vỏ cây làm nó sống lại rồi ra đi.

Dọc đường họ lại cứu một con quạ chết. Quạ muốn đền ơn. Hai anh em nói không muốn gì cả, chỉ cần thả quả cây xuống cho ăn, kẻo đói quá. Quạ dẫn họ đi đến một chỗ có Phi Giắc (một loại tinh ăn thịt người) vừa chết vợ, đang giết trâu bò làm ma. Quạ trộm thịt ném cho họ ăn. Phi Giắc bắt gặp, đánh chết quạ và bắt hai anh em định giết thịt, mời họ hàng đến ăn. Trong khi Phi Giắc đi vắng, ở nhà hai anh em cứu sống vợ nó. Khi chồng về, vợ nó xin tha mạng cho ân nhân. Phi Giắc cho hai người một cái quạt và một cái gậy, bảo đi nhanh về phía mặt trời lặn, kẻo họ hàng mình bắt gặp thì không hay.

Hai anh em đi đến một nơi gặp một lũ con gái đang múc nước cho đám ma con gái “tạo” mường. Họ vào nhà xin ăn, bị đuổi, họ lại đến nhà một bà già xin ăn. Bà già giết một con vịt rồi đi múc nước. Ở nhà hai anh em cứu sống con vịt. Bà già đem việc ấy nó lại với tạo. Tạo đến xin họ cứu cho con gái mình. Khi thấy con gái sống lại, tạo bảo họ muốn lấy gì cũng cho. Người anh xin ở lại. Tạo gả con gái cho.

Một mình Chan-ta-khát ra di. Đến một vùng nọ anh cứu sống người con trai của Khi-sa-phau. Gần đó có con gái tạo mường chết vì móng hổ rơi vào bàn chân. Được Khi-sa-phau mách, tạo gọi Chan-ta-khát đến cứu sống con gái, hứa sẽ chia cho anh hai mường. Anh cứu sống, lấy cô gái làm vợ, rồi ở lại đấy.

Một người Sa là Khắt-tha-nêk trước đã đi hỏi cô gái, thấy thế, tức lắm bèn bỏ thuốc độc cho anh ăn. Không chết, anh lại bỏ thuốc độc cho ăn. Khắt-tha-nếk ăn xong phát điên đi lang thang khắp nơi[7].

Dân tộc Hrê (Hré) có truyện Quậy kết hợp giữa truyện Cuội cung trăng với truyện Nói dối như Cuội (số 60, tập II):

Chàng Quậy nghèo và xấu không ai lấy. Một hôm nằm ngửa ngắm trăng, thấy cô gái và cây đa trên trăng. Quậy tỏ lời ao ước. Tự nhiên có một chiếc lá đa rơi xuống. Quậy lấy lá trồng, lá mọc thành cây, lá cũng phát ánh sáng như ánh trăng, đem lá thử chữa cho các con vật chết, chúng cũng sống lại. Quậy đi hỏi vợ. Bị cô gái chế nhạo, Quậy cầm dao đâm chết rồi cứu cho sống lại. Thấy mọi người kính phục, Quậy nẩy ý nghĩ đi chơi mọi nơi, lừa gạt người ta. Quậy bắt đầu gạt ông bác (giết lợn ăn thịt rồi cắm đuôi xuống đất nói dối lợn xuống âm phủ), nhiều lần gạt hổ (một cuộc đi săn bằng bẫy, một cuộc đi ăn trộm gạo, “trứng” lợn, nước biển dâng. v.v…). Sau đó, Quậy lại gạt quan nhiều lần (ăn thịt “mệt”, lấy ống điếu…), gạt lái buôn, v.v…

Cuối cùng, khi về thì cây quý đã chết. Quậy nhờ làm làm cho một cái thang bằng sắt. Trèo lên đến nơi, thì Quậy gặp cô gái trên trăng, hai bên kết hôn. Vợ Quậy đạp cái thang, thang rơi xuống thành mỏ sắt. Quậy xin về, vợ không cho. Quậy chặt cây để làm thang, nhưng cây bị chặt đến sáng lại liền như cũ. Cuối cùng, Quậy đem lương ăn, đến cây đa chặt liên tục không nghỉ, đến ngày thứ tư mệt quá, ngủ lại đấy nhưng lại chú ý gác chân lên chỗ chặt. Không ngờ khi chỗ bị chặt của cây liền lại thì kẹp luôn chân Quậy vào gốc cây[8].

Đồng bào Mèo có truyện Chàng Ư-châu:

Chàng Ư-châu (Ư-châu = út) cùng người anh đi cày nương. Chị dâu làm thịt gà đưa cho chồng ăn, còn em thì chỉ được ăn cám và xác một con rắn mà chị ta đánh chết dọc đường. Ư-châu không ăn. Bỗng có con thằn lằn đến cắn một thứ cây phun vào xác rắn. Rắn sống lại. Biết là cấy thuốc cải tử hoàn sinh, Ư-châu nhổ cây, thử phun vào xương gà (do người anh ăn bỏ lại) thì gà sống lại. Gà dặn dọc đường về nếu thấy có người chết thì đừng cứu vì người ấy độc ác. Nhưng anh cứ cứu, hóa ra người đàn bà ấy là chị dâu anh bị rắn cắn chết. Anh lại tiếp tục đi nữa và cứu được nàng Ư-châu, một cô gái đẹp và kết thành vợ chồng. Từ đây, truyện chuyển sang một kết cấu xa lạ.

Anh cứu cho đứa con một lão nhà giàu để học những phép lạ của hắn. Anh lại dùng phép biến mình thành một con ngựa trắng đẹp cho một người anh của mình cưỡi đi chợ đổi cho đứa con lão nhà giàu đó để lấy một con ngựa khác, còn được bù thêm ba mươi sáu lạng bạc. Ngựa trắng – Ư-châu – do chủ mới dắt về, lúc đưa đi tắm thì nó lặn xuống sông. Thấy thế đứa con lão nhà giàu nhờ một thầy pháp đuổi theo. Ngựa hoá cá, thầy pháp hóa làm rái cá, cá hoá làm cua, cua lại hóa làm bong bóng nước nổi lên, rồi hóa làm chim cắt.

Rắn nước cũng nổi lên hóa làm diều hâu đuổi cắt. Cắt lại hóa làm chuột chui vào hang, còn diều hâu hoá làm mèo rình ở cửa. Chuột hóa làm kiến nhỏ bò ra, rồi hóa thành một lão thầy pháp khác đánh cho mèo một trận nhừ tử, và từ đấy bắt con vật – tức lão thày pháp – kia cứ giữ mãi mãi lốt mèo[9].

Truyện Thằng Cuội cung trăng của ta còn giống với đề tài thần thoại cung trăng của nhiều dân tộc, trong đó cũng có vị thuốc trường sinh bất tử và hình ảnh bay lên mặt trăng. Trước hết là truyện Hậu Nghệ của Trung-quốc: Ngày xưa trên trời có một vị thần tên là Hậu Nghệ. Hậu Nghệ rất thông minh, tự chế ra cung tên bắn trăm phát trăm trúng. Thửa ấy là đời vua Nghiêu, thiên hạ gặp lắm nạn. Thượng đế bèn cho Nghệ một cái cung màu đỏ và mũi tên màu trắng, bảo xuống trần trừ nạn cứu dân. Tai nạn của dân hồi đó là hạn hán. Nguyên do ở phương Đông có biển Thang-cốc, ở đó có cây phù tang rất lớn. Mỗi buổi sáng, mười mặt trời đến đấy tắm mát. Tắm xong, chín mặt trời nô đùa dưới cây phù tang, còn một mặt trời thì ngồi trên xe do quạ kéo qua không trung. Một hôm tắm xong, cả mười mặt trời cùng leo lên xe đi, vì thế mùa màng cháy trụi gây nên nạn đói chưa bao giờ có. Nghệ thấy vậy không chút do dự, bắn liên tiếp chín phát rơi chín mặt trời, chỉ còn một mặt trời còn lại cho đến ngày nay.

Vua Nghiêu lại sai Hậu Nghệ đi trừ ác thú, rồi sai đi cứu nạn lụt. Lần sau này, Hậu Nghệ bắn bị thương Hà Bá là kẻ gây ra nạn lụt.

Hậu Nghệ có vợ là Hằng Nga xui chồng lên núi Côn-lôn xin vị thuốc trường sinh bất tử ở bà Tây Vương mẫu. Trải bao gian khổ, Hậu Nghệ mới lấy được vị thuốc quý đưa về giao cho vợ, đinh cùng uống chung. Không ngờ một hôm Hậu Nghệ đi vắng, ở nhà Hằng Nga uống thuốc một mình. Uống xong, bỗng thấy người nhẹ dần, rồi chân rời khỏi mặt đất, bay lên trời tới mặt trăng. Ở đây, Hằng Nga chỉ có một con thỏ trắng, một con cóc và một cây quế làm bạn, ngoài ra không có gì khác. Khi Hậu Nghệ về, thấy tình hình như vậy buồn rầu vô hạn.

Hậu Nghệ có người học trò là Bàng Mông cũng có tài bắn nhưng thua Hậu Nghệ một bậc. Bàng Mông ghen tỵ với thầy nên tìm kế hại thầy. Từ ngày mất vợ, Hậu Nghệ đâm ra nóng nảy, thường ngược đãi tôi tớ. Bàng Mông xui họ chống lại. Nghe lời xúi bẩy, một hôm nhân đi săn không phòng bị, chúng liền ập đến giết chết[10].

Truyện Sự tích con thỏ cung trăng của Ấn-độ là một phật thoại: Ngày xưa, trong một khu rừng nọ có ba con thỏ: một con nâu, một con vàng và một con trắng. Cả ba dày công tu luyện, suốt đời làm việc thiện. Đức hạnh tốt đẹp đó đã động đến Trời. Trời bèn sai một thiên thần xuống để dò hư thực. Vị thần hóa làm một người bộ hành đói rách lỡ bước lạc đường đến khu rừng ấy.

Thỏ nâu và thỏ vàng sẵn có lương thực bèn đem ra biếu tất cả cho người bộ hành. Còn thỏ trắng ta vì đã bố thí hết cả, không biết lấy gì mà cho, chỉ có một bó củi, bèn nói: – “Tôi không thể biếu người cái gì ngoài chính bản thân tôi ra. Vậy thì củi đây, người hãy quay chín tôi mà ăn thịt”.

Vị thiên thần cảm động liền bay về trời tâu cáo mọi việc. Trời bèn ban thưởng thỏ trắng bằng cách cho sống một đời sống vĩnh cửu ở mặt trăng, là nơi thanh bình, tinh khiết. Từ đó thỏ ở lại cung trăng cho đến ngày nay[11].

Một truyện kể trong Đại tạng kinh: Một người Bà-la-môn sống hàng ngàn năm trên núi, có bốn con vật thân cận là chồn, khỉ, rái cá và thỏ. Hàng ngày chúng đến nghe giảng kinh và thường mang hoa quả đến cho. Một lần người Bà-la-môn hết thức ăn, toan đi chỗ khác. Bốn con vật buồn bã rủ nhau tìm thức ăn nuôi ông. Con khỉ sang một hòn núi khác tìm được nhiều quả ngon. Con chồn biến thành người, kiếm được một túi hạt nướng mang về có thể nuôi được một tháng. Rái cá lặn xuống nước, bắt được một con cá to, cũng có thể ăn được một tháng. Còn con thỏ không biết làm thế nào cả, bèn chuẩn bị củi than rồi nhảy vào lửa định tự quay cho người Bà-la-môn ăn. Nhưng vừa nhảy vào thì tự nhiên lửa tắt. Người Bà-la-môn là tiền thân của Đê-hòa-kiệt, con thỏ là đức Phật, con khỉ là Xa-ri-pu-tra, con chồn là A-nan-đà, con rái cá là Mục Liên[12].

Người In-đô-nê-xi-a (Indonésia) có một truyền thuyết trong đó không nói đến Cuội và cây thuốc cải tử hoàn sinh mà lại nói đến mặt trăng, và đặc biệt có tình tiết đái vào mặt trăng: Ngày xưa có hai mặt trăng thay phiên nhau soi sáng trần gian cho nên không bao giờ có đêm cả. Có mấy tên trộm thấy vậy không hài lòng, vì ánh sáng thường trực làm ngăn trở công việc làm ăn của chúng. Một hôm chúng quết định đái vào một trong hai mặt trăng. Quả nhiên mặt trăng ấy tắt đi, và biến thành một cái trống rơi xuống đảo Ba-li[13].

Xem thêm truyện của Đồng bào Tày Con rùa vàng, mục Khảo dị truyện số 128.

Về hình tượng lấy ruột vật thay vào cho người, người Ca-nác (Canaques) ở Tân Ca-lê-đô-ni (Nouvelle-caledonie) cũng có truyện nói đến một vị thần Gô-ma-uê, một hôm đi chơi gặp hai người lạ, hỏi thì họ chả biết nói năng gì cả. Biết được nguyên nhân, thần bèn bắt hai con chuột lấy tim gan và bộ ruột của chúng lắp vào cho họ. Quả nhiên khi vết thương kín lại cả hai người bắt đầu ăn nói, suy nghĩ và có sức khỏe[14].

[1] Đoạn này theo Nghiêm Toản. Việt-nam văn học sử yếu.

[2] Trong bộ sách này chúng tôi có đưa vào một số truyện như Sự tích thằng Cuội cung trăng (126), Thánh Gióng (134), Mỵ Châu-trọng Thủy (174), Ả Chức chàng Ngưu (182), v.v… mà ở Lược khảo về thần thoại Việt-nam đã có kể đến coi như là những thần thoại. Như chúng tôi đã nói: “ở Việt-nam thần thoại đã bị thất lạc mất nhiều”, “không còn giữ được nguyên tính chất chất phác của nó như thần thoại của các dân tộc thiểu số”, những truyện trên theo chúng tôi vốn xuất phát từ một số hình ảnh của thần thoại xa xưa, còn cấu trúc câu chuyện thì có thể đã chịu ảnh hưởng của nghệ thuật truyền thuyết cổ tích sau này. Cho nên chúng tôi đưa một số truyện vào đây để một mặt cho bạn đọc thấy được nghệ thuật xây dựng loại cổ tích thần kỳ có truyền thống từ nghệ thuật thần thoại, mặt khác để tiện trình bày những dị bản xa gần của chúng cũng khá phổ biến ở nhiều dân tộc anh em ở Việt-nam và trên thế giới. Về vấn đề chuyển hóa Thần thoại – cổ tích chúng tôi mong sẽ có dịp đề cập đến trong một bộ sách khác.

[3] Theo Ca-ba-tông (A.Cabaton): Những tìm tòi mới về người Cham-pa; còn theo Lăng-đờ (Landes) thì truyện này kể có hơi khác. Đại khái có một anh chăn trâu một hôm lên rừng giết chết một con rắn, bỗng thấy bố mẹ con rắn tha một miếng vỏ cây cờ-rếch rồi phun vào xác con, nó sống lại. Anh chăn trâu bèn lấy vỏ cây ấy phun thử vào con cá khô mang theo, thấy nghiệm. Từ đó anh cứu được rất nhiều người chết sống lại, trong số đó có một cô gái đã chết được một tháng.

Cũng giống như truyện của ta, anh cưới cô làm vợ và còn đào cây thuốc quý bí mật về trồng, cấm vợ không được bén mảng vào vườn. Một hôm cây cũng tự nhiên long gốc rồi bay lên trời, vì trận mưa nước tiểu vô tình của người vợ trong khi lẻn vào thăm vườn. Chồng về vừa kịp bíu vào cây và cuối cùng cũng bay theo lên cung trăng (Truyện cổ tích Cham-pa, đã dẫn).

[4] Theo Truyện cổ Tây nguyên.

[5] Theo Truyện cổ Ba-na, tập II.

[6] Theo Miến-điện dân gian cổ sự, sách đã dẫn.

[7] Theo Đờ-jor-jơ (Degeorge). Truyền thuyết của người Tày ở An-nam, tạp chí Nhân loại (Anthropos), 1921-22.

[8] Theo Truyện cổ dân gian Việt-nam, tập I. Nên nhớ người Việt nam cũng có truyện kể kết hợp giữa hai truyện (xem Sơn cư tạp thuật) nhưng nội dung và tình tiết không đầy đủ như truyện trên đây.

[9] Theo Chàng xà trị hổ ác.

[10] Theo Hoài Nan-tử và Truyện dân gian Trung-quốc (bản dịch của Thái Hoàng và Bùi Văn Nguyên).

[11] Theo Văn hóa nguyệt san, số 56 (1960). Một dị bản khác kể rằng: Ngày xưa có một thầy tu đến trước một ngôi nhà xin ăn. Trong khi mọi người dâng cúng thức ăn, thì một con thỏ ngẫu nhiên cũng ở đó. Nó không biết kiếm gì để làm thức ăn, bèn nhảy vào nồi nước đang sôi để làm thức ăn cúng dâng cho Bố tát.

Thầy tu – tức thần In-đờ-ra – rất cảm động, lập tức đưa thỏ lên mặt trăng.

[12] Theo Sa-van-nơ: (Chavannes). Năm trăm truyện cổ và ngụ ngôn trích từ Kinh Đại tạng Trung quốc.

[13] Dẫn trong Nghiên cứu về những lễ nghi nông nghiệp của người Căm-pu-chia của E.P.Mát-xpê-rô (E.P.Maspéro).

[14] Theo Lin-nác-đơ (Linnardes). Đô Ka-mô (Con người và huyền thoại ở xã hội Me-lane-di).

Chọn tập
Bình luận