Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Giết chó khuyên chồng

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Ngày xưa có hai anh em nhà kia, anh có lắm tiền nhiều bạc, còn em thì cam phận túng bấn. Nhưng người anh vẫn không mấy khi đoái hoài tới em mình, trái lại chỉ thân thiết với bọn vô lại, nay rượu chè, mai cờ bạc làm vui. Hắn riết róng với em bao nhiêu thì lại hào phóng với bọn chúng bấy nhiêu. Mặc dầu thế, người em vẫn không oán anh nửa lời. Chỉ có vợ người anh vẫn thường khuyên chồng nên tránh bạn xấu, vì họ chẳng qua “Khi vui thì vỗ tay vào; Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”. Chồng ra sức cãi:

– Các bạn tôi đều là những người tốt bụng tử tế cả. Đừng nhầm!

Vợ thấy can không được, bèn tìm dịp cho chồng một bài học.

Một hôm chồng đi vắng, vợ ở nhà đánh chết một con chó to đem chiếu cuốn lại, cột dây thật chặt rồi để ở xó vườn. Tối đến, khi chồng về, vợ giả làm bộ sợ hãi, nói:

– Ban trưa, lúc mình đi vắng, có một thằng bé đến xin ăn. Tôi chưa kịp cho nó đã chửi rủa ầm ĩ. Tức mình, tôi phang cho một đòn gánh, không ngờ nhằm chỗ phạm, nó lăn ra chết. Tôi đành lấy chiếu bó xác để ở góc vườn. Bây giờ phải nhờ một người nào thân tín đến chôn giúp cho và giữ kín miệng, đừng để cho đầy tớ và xóm làng biết.

Chồng nghe nói đến xác chết, sợ hết hồn. Song hắn cũng yên tâm vì nghĩ đến mấy ông bạn thiết. Hắn vội chạy đi tìm họ và kể hết tình thực và nhờ họ chôn cất. Nhưng khi nghe thủng câu chuyện của hắn, ông bạn nào cũng tái mặt đi. Sợ liên lụy tới mình nên ông nào cũng tìm cớ thoái thác. Cuối cùng năn nỉ khắp lượt mà không được gì cả, hắn tiu nghỉu trở về nói cho vợ biết. Vợ bảo:

– Thế thì sang nhờ chú nó xem sao.

Hắn chạy đi gọi em, em đến ngay. Khi biết rõ chuyện, người em giục làm gấp. Đoạn em xắn áo giúp anh một tay, không nề hà gì cả.

Xong việc, chị vợ bảo chồng:

– Đó, đã thấy chưa! Nào mình còn mong chờ bạn hữu nữa thôi. Nếu không có chú nó thì làm sao lo liệu được cho ổn thỏa.

Chồng nghe vợ nói có ý hối hận. Từ đó đối với bạn hữu có vẻ lạnh nhạt. Không ngờ mấy người bạn thấy thế đến nhà giở mặt dọa nạt, đòi phải cho chúng tiền chúng mới chịu ỉm việc này đi cho. Nghe thế, chồng hoảng sợ, toan đưa tiền bạc ra khấn khứa chúng, nhưng người vợ nhất định không chịu, bảo họ muốn làm gì thì làm. Quả nhiên bọ vô lại thấy không xơ múi gì cả, liền đem việc tố cáo với quan trên. Quan tin là một vụ án mạng thực, bèn xuống trát bắt hai vợ chồng. Trước công đường, người vợ khai rõ đầu đuôi câu chuyện giết chó để thử bạn chồng và em chồng, cuối cùng là kết quả như đã thấy. Quan sai người đến chỗ bãi hoang quật xác lên thì quả nhiên chỉ là một cái xác chó.

Quan bèn tha cho hai vợ chồng về và sai lính đánh đòn mấy tên nguyên đơn xấu bụng. Từ đó người chồng mới cạch mấy người bạn xấu và giúp đỡ em ân cần tử tế[1].

KHẢO DỊ

Có một truyện của đồng bào Thái giống với truyện trên:

Thấy chồng thân với bạn mà ghét em, một hôm nhân chồng săn được nai, vợ bảo thử xem lòng bạn tốt, xấu thế nào, bằng cách nói dối với bạn là mình bắn nhầm phải người. Kết quả các bạn của chồng sợ bị liên lụy đều từ chối cả. Chỉ có người em nghe nói thế vui lòng giúp đỡ anh. Thế là hai anh em đi khiêng nai về chén thịt. Chồng từ đó yêu em hơn trước.

Truyện Giết chó khuyên chồng bênh vực thứ tình thân gia tộc trong môt xã hội phương Đông còn nhiều dây mơ rễ má với chế độ tông pháp là thứ chế độ coi trọng pháp luật gia tộc và quan hệ tập truyền hơn pháp luật của xã hội nên tư tưởng rất lạc hậu, ít bắt gặp trong cổ tích các nước phương Tây. Mặc dù thế, mô-típ giết súc vật giả người để thử thách quan hệ tình cảm, tâm lý lại khá gần với một số truyện của nước ngoài. Truyện của người Xi-xin (Sicile):

Một anh chàng thường khoe với bạn rằng mình có một người vợ tính hạnh có một không hai trên trần thế: biết thương chồng, chiều chồng. Bạn bảo hắn thử xem. Một hôm, anh chàng mua ở chợ về một cái đầu dê bọc trong những tầng khăn đẫm máu và bảo vợ: “Tôi có giết một người. Bây giờ cần phải làm cho mất tích. Nàng giấu kín cho nhé!”. Không bao lâu, vợ tố cáo chồng lên quan, quan cho bắt chồng về tra tấn. Hỏi chỗ chôn xác, hắn đáp là quẳng xuống giếng. Một tên lính được lệnh lặn xuống. Khi sờ phải đầu dê, nó kêu lên rằng đã tìm thấy. Quan có ý mừng. Nhưng rồi tên lính đưa đầu lên, nói thêm: – “Mà có sừng”. Quan lặng ngắt.

Truyện Sự bí mật của người Pháp:

Nhà nọ có một người vợ có tật mách lẻo, việc gì trong nhà chưa tỏ thì ngoài ngõ đã tường. Chồng kiếm dịp cho vợ một bài học. Một hôm, chồng mua một con lợn giết chết và chôn trong rừng. Về nhà, bảo vợ: – “Tôi nhỡ tay giết chết một người bạn và chôn ở mé rừng kia. Mình đừng có mách với ai cả nhé!”. Chỉ một khắc sau đó, vợ không giữ được mồm miệng, đã tỉ tê việc ấy cho láng giềng biết và có dặn thêm: – “Này, bà giữ kín hộ nhé!”. Từ miệng người láng giềng, câu chuyện “bí mật” truyền đi khắp mọi nơi, ai cũng dặn: – “Đừng kể cho ai cả nhé!”. Và cuối cùng tin đó đến tai sở cảnh sát. Quan sai lính bắt người chồng dẫn đến chỗ chôn xác người, nhưng họ tiu nghỉu khi thấy đó chỉ là xác một con lợn.

Người Đức, người Anh và người Nga cũng có truyện tương tự như của người Pháp.

Truyện của dân tộc Can-múc (Kalmouk) ở Mông-cổ và Liên-xô [cũ]: Ma-hăng-sa-da trở thành quan đầu triều và được lấy con gái vua làm vợ. Một hôm, vua hỏi các quan: -“Nếu ta có việc bí mật thì nên thổ lộ với ai?”. Ý kiến của Ma-hăng-sa-da là không nên thổ lộ với ai cả, nhất là vợ lại càng không nên. Thấy mọi người bác đi, ông nói: – “Rồi tôi sẽ chứng minh cho mà xem”.

Ít lâu sau, một con công của nhà vua bay ra. Ông ta bắt lấy, giấu đi một chỗ, và kiếm một con khác đưa về cho vợ, bảo: – “Đây là con công của nhà vua sổ lồng. Ta làm thịt nấu ăn đi và mình hãy giữ bí mật, đừng nói với ai cả nhé!”.

Sau đó ông chọc tức vợ, quả nhiên vợ đem việc giết công về kể cho vua cha biết. Nghe kể, vua sai bắt ông ta giam lại. Và mặc dù biết ông ta cốt chứng minh với mình câu chuyện ngày trước, vua cũng sai đao phủ xử trảm. Trước khi chịu cực hình, Ma-hăng-sa-da đã làm mấy câu thơ, ý nói: – “Vua không bao giờ là một người bạn; người đao phủ thì không biết ai với ai cả; và không nên nói điều bí mật với vợ mình”[2].

Truyện của người Ấn-độ và Áp-ga-ni-xtăng (Afghanistan): một người cha trước khi tắt thở có dặn con ba điều: chớ nói việc bí mật với vợ, chớ kết bạn với lính, chớ trồng cây có gai ở trong vườn. Người con không cho là đúng, hắn cố ý làm trái lời cha để thử xem thế nào. Hắn kết bạn với một người lính, và trồng một cây có gai ở giữa vườn. Và sau cùng một hôm để thử vợ, hắn giết một con cừu quẳng xuống cái giếng cạn, rồi nói với vợ là có nhỡ giết một người, nhớ giữ kín hộ. Chẳng mấy lúc, tật mách lẻo của người vợ đã làm cho câu chuyện đến tai láng giềng. Từ láng giềng, chuyện được truyền đến tai vua. Bấy giờ người lính bạn anh chàng nọ đã thăng đến chức tuần cảnh. Hắn đến nhà bạn túm cổ bạn lôi đi. Lúc ấy bạn hắn đang ngồi dưới bụi gai trong vườn. Bị lôi kéo, cái khăn mắc vào những cành gai nhọn khiến hắn phải đến yết kiến vua bằng cái đầu trần. Nhưng rồi chẳng ai thấy xác người đâu cả ngoài xác con cừu, nên chàng ta cũng được tha bổng[3].

Câu “Giết chó khuyên chồng” thường tiếp liền với câu “Mài dao dạy vợ”. “Mài dao dạy vợ” cũng có sự tích:

Xưa có một gia đình, mẹ chồng ở với nàng dâu thường hay xô xát, lục đục. Người con trai ở giữa khổ tâm vô hạn. Một hôm hắn mua một con dao bầu về mài. Vợ hỏi làm gì, hắn đáp rằng bởi mẹ chồng nàng dâu, không ở được với nhau, mà mẹ thì đã gần đất xa trời, chi bằng giết quách đi cho rảnh, khỏi phải nghe tiếng mắng chửi suốt ngày. Vợ nghe nói cảm động, từ đó có bớt nóng nảy. Một bữa khác, thấy chồng lại mài dao làm bộ giết mẹ thật, vợ hoảng hốt can chồng và xin ăn ở tốt với mẹ chồng. Ngược lại, mẹ chồng thấy con dâu đổi tính nết, cũng bỏ hẳn thói cũ[4].

[1] Theo Nguyễn Văn Ngọc, sách đã dẫn.

[2] Nguyễn Văn Ngọc có kể một truyện của ta, có phần nào giống truyện này (Nem công chả phượng râu rồng; Có hai vợ chồng chẳng hết lòng nhau). Xem sách đã dẫn.

[3] Theo Truyện cổ tích dân gian miền Lo-ren của Cô-xanh (Cosquin).

[4] Theo Nguyễn Văn Ngọc, sách đã dẫn.

Ngày xưa có hai anh em nhà kia, anh có lắm tiền nhiều bạc, còn em thì cam phận túng bấn. Nhưng người anh vẫn không mấy khi đoái hoài tới em mình, trái lại chỉ thân thiết với bọn vô lại, nay rượu chè, mai cờ bạc làm vui. Hắn riết róng với em bao nhiêu thì lại hào phóng với bọn chúng bấy nhiêu. Mặc dầu thế, người em vẫn không oán anh nửa lời. Chỉ có vợ người anh vẫn thường khuyên chồng nên tránh bạn xấu, vì họ chẳng qua “Khi vui thì vỗ tay vào; Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”. Chồng ra sức cãi:

– Các bạn tôi đều là những người tốt bụng tử tế cả. Đừng nhầm!

Vợ thấy can không được, bèn tìm dịp cho chồng một bài học.

Một hôm chồng đi vắng, vợ ở nhà đánh chết một con chó to đem chiếu cuốn lại, cột dây thật chặt rồi để ở xó vườn. Tối đến, khi chồng về, vợ giả làm bộ sợ hãi, nói:

– Ban trưa, lúc mình đi vắng, có một thằng bé đến xin ăn. Tôi chưa kịp cho nó đã chửi rủa ầm ĩ. Tức mình, tôi phang cho một đòn gánh, không ngờ nhằm chỗ phạm, nó lăn ra chết. Tôi đành lấy chiếu bó xác để ở góc vườn. Bây giờ phải nhờ một người nào thân tín đến chôn giúp cho và giữ kín miệng, đừng để cho đầy tớ và xóm làng biết.

Chồng nghe nói đến xác chết, sợ hết hồn. Song hắn cũng yên tâm vì nghĩ đến mấy ông bạn thiết. Hắn vội chạy đi tìm họ và kể hết tình thực và nhờ họ chôn cất. Nhưng khi nghe thủng câu chuyện của hắn, ông bạn nào cũng tái mặt đi. Sợ liên lụy tới mình nên ông nào cũng tìm cớ thoái thác. Cuối cùng năn nỉ khắp lượt mà không được gì cả, hắn tiu nghỉu trở về nói cho vợ biết. Vợ bảo:

– Thế thì sang nhờ chú nó xem sao.

Hắn chạy đi gọi em, em đến ngay. Khi biết rõ chuyện, người em giục làm gấp. Đoạn em xắn áo giúp anh một tay, không nề hà gì cả.

Xong việc, chị vợ bảo chồng:

– Đó, đã thấy chưa! Nào mình còn mong chờ bạn hữu nữa thôi. Nếu không có chú nó thì làm sao lo liệu được cho ổn thỏa.

Chồng nghe vợ nói có ý hối hận. Từ đó đối với bạn hữu có vẻ lạnh nhạt. Không ngờ mấy người bạn thấy thế đến nhà giở mặt dọa nạt, đòi phải cho chúng tiền chúng mới chịu ỉm việc này đi cho. Nghe thế, chồng hoảng sợ, toan đưa tiền bạc ra khấn khứa chúng, nhưng người vợ nhất định không chịu, bảo họ muốn làm gì thì làm. Quả nhiên bọ vô lại thấy không xơ múi gì cả, liền đem việc tố cáo với quan trên. Quan tin là một vụ án mạng thực, bèn xuống trát bắt hai vợ chồng. Trước công đường, người vợ khai rõ đầu đuôi câu chuyện giết chó để thử bạn chồng và em chồng, cuối cùng là kết quả như đã thấy. Quan sai người đến chỗ bãi hoang quật xác lên thì quả nhiên chỉ là một cái xác chó.

Quan bèn tha cho hai vợ chồng về và sai lính đánh đòn mấy tên nguyên đơn xấu bụng. Từ đó người chồng mới cạch mấy người bạn xấu và giúp đỡ em ân cần tử tế[1].

KHẢO DỊ

Có một truyện của đồng bào Thái giống với truyện trên:

Thấy chồng thân với bạn mà ghét em, một hôm nhân chồng săn được nai, vợ bảo thử xem lòng bạn tốt, xấu thế nào, bằng cách nói dối với bạn là mình bắn nhầm phải người. Kết quả các bạn của chồng sợ bị liên lụy đều từ chối cả. Chỉ có người em nghe nói thế vui lòng giúp đỡ anh. Thế là hai anh em đi khiêng nai về chén thịt. Chồng từ đó yêu em hơn trước.

Truyện Giết chó khuyên chồng bênh vực thứ tình thân gia tộc trong môt xã hội phương Đông còn nhiều dây mơ rễ má với chế độ tông pháp là thứ chế độ coi trọng pháp luật gia tộc và quan hệ tập truyền hơn pháp luật của xã hội nên tư tưởng rất lạc hậu, ít bắt gặp trong cổ tích các nước phương Tây. Mặc dù thế, mô-típ giết súc vật giả người để thử thách quan hệ tình cảm, tâm lý lại khá gần với một số truyện của nước ngoài. Truyện của người Xi-xin (Sicile):

Một anh chàng thường khoe với bạn rằng mình có một người vợ tính hạnh có một không hai trên trần thế: biết thương chồng, chiều chồng. Bạn bảo hắn thử xem. Một hôm, anh chàng mua ở chợ về một cái đầu dê bọc trong những tầng khăn đẫm máu và bảo vợ: “Tôi có giết một người. Bây giờ cần phải làm cho mất tích. Nàng giấu kín cho nhé!”. Không bao lâu, vợ tố cáo chồng lên quan, quan cho bắt chồng về tra tấn. Hỏi chỗ chôn xác, hắn đáp là quẳng xuống giếng. Một tên lính được lệnh lặn xuống. Khi sờ phải đầu dê, nó kêu lên rằng đã tìm thấy. Quan có ý mừng. Nhưng rồi tên lính đưa đầu lên, nói thêm: – “Mà có sừng”. Quan lặng ngắt.

Truyện Sự bí mật của người Pháp:

Nhà nọ có một người vợ có tật mách lẻo, việc gì trong nhà chưa tỏ thì ngoài ngõ đã tường. Chồng kiếm dịp cho vợ một bài học. Một hôm, chồng mua một con lợn giết chết và chôn trong rừng. Về nhà, bảo vợ: – “Tôi nhỡ tay giết chết một người bạn và chôn ở mé rừng kia. Mình đừng có mách với ai cả nhé!”. Chỉ một khắc sau đó, vợ không giữ được mồm miệng, đã tỉ tê việc ấy cho láng giềng biết và có dặn thêm: – “Này, bà giữ kín hộ nhé!”. Từ miệng người láng giềng, câu chuyện “bí mật” truyền đi khắp mọi nơi, ai cũng dặn: – “Đừng kể cho ai cả nhé!”. Và cuối cùng tin đó đến tai sở cảnh sát. Quan sai lính bắt người chồng dẫn đến chỗ chôn xác người, nhưng họ tiu nghỉu khi thấy đó chỉ là xác một con lợn.

Người Đức, người Anh và người Nga cũng có truyện tương tự như của người Pháp.

Truyện của dân tộc Can-múc (Kalmouk) ở Mông-cổ và Liên-xô [cũ]: Ma-hăng-sa-da trở thành quan đầu triều và được lấy con gái vua làm vợ. Một hôm, vua hỏi các quan: -“Nếu ta có việc bí mật thì nên thổ lộ với ai?”. Ý kiến của Ma-hăng-sa-da là không nên thổ lộ với ai cả, nhất là vợ lại càng không nên. Thấy mọi người bác đi, ông nói: – “Rồi tôi sẽ chứng minh cho mà xem”.

Ít lâu sau, một con công của nhà vua bay ra. Ông ta bắt lấy, giấu đi một chỗ, và kiếm một con khác đưa về cho vợ, bảo: – “Đây là con công của nhà vua sổ lồng. Ta làm thịt nấu ăn đi và mình hãy giữ bí mật, đừng nói với ai cả nhé!”.

Sau đó ông chọc tức vợ, quả nhiên vợ đem việc giết công về kể cho vua cha biết. Nghe kể, vua sai bắt ông ta giam lại. Và mặc dù biết ông ta cốt chứng minh với mình câu chuyện ngày trước, vua cũng sai đao phủ xử trảm. Trước khi chịu cực hình, Ma-hăng-sa-da đã làm mấy câu thơ, ý nói: – “Vua không bao giờ là một người bạn; người đao phủ thì không biết ai với ai cả; và không nên nói điều bí mật với vợ mình”[2].

Truyện của người Ấn-độ và Áp-ga-ni-xtăng (Afghanistan): một người cha trước khi tắt thở có dặn con ba điều: chớ nói việc bí mật với vợ, chớ kết bạn với lính, chớ trồng cây có gai ở trong vườn. Người con không cho là đúng, hắn cố ý làm trái lời cha để thử xem thế nào. Hắn kết bạn với một người lính, và trồng một cây có gai ở giữa vườn. Và sau cùng một hôm để thử vợ, hắn giết một con cừu quẳng xuống cái giếng cạn, rồi nói với vợ là có nhỡ giết một người, nhớ giữ kín hộ. Chẳng mấy lúc, tật mách lẻo của người vợ đã làm cho câu chuyện đến tai láng giềng. Từ láng giềng, chuyện được truyền đến tai vua. Bấy giờ người lính bạn anh chàng nọ đã thăng đến chức tuần cảnh. Hắn đến nhà bạn túm cổ bạn lôi đi. Lúc ấy bạn hắn đang ngồi dưới bụi gai trong vườn. Bị lôi kéo, cái khăn mắc vào những cành gai nhọn khiến hắn phải đến yết kiến vua bằng cái đầu trần. Nhưng rồi chẳng ai thấy xác người đâu cả ngoài xác con cừu, nên chàng ta cũng được tha bổng[3].

Câu “Giết chó khuyên chồng” thường tiếp liền với câu “Mài dao dạy vợ”. “Mài dao dạy vợ” cũng có sự tích:

Xưa có một gia đình, mẹ chồng ở với nàng dâu thường hay xô xát, lục đục. Người con trai ở giữa khổ tâm vô hạn. Một hôm hắn mua một con dao bầu về mài. Vợ hỏi làm gì, hắn đáp rằng bởi mẹ chồng nàng dâu, không ở được với nhau, mà mẹ thì đã gần đất xa trời, chi bằng giết quách đi cho rảnh, khỏi phải nghe tiếng mắng chửi suốt ngày. Vợ nghe nói cảm động, từ đó có bớt nóng nảy. Một bữa khác, thấy chồng lại mài dao làm bộ giết mẹ thật, vợ hoảng hốt can chồng và xin ăn ở tốt với mẹ chồng. Ngược lại, mẹ chồng thấy con dâu đổi tính nết, cũng bỏ hẳn thói cũ[4].

[1] Theo Nguyễn Văn Ngọc, sách đã dẫn.

[2] Nguyễn Văn Ngọc có kể một truyện của ta, có phần nào giống truyện này (Nem công chả phượng râu rồng; Có hai vợ chồng chẳng hết lòng nhau). Xem sách đã dẫn.

[3] Theo Truyện cổ tích dân gian miền Lo-ren của Cô-xanh (Cosquin).

[4] Theo Nguyễn Văn Ngọc, sách đã dẫn.

Chọn tập
Bình luận