Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Sự tích đá Vọng phu

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Ngày xưa, có đôi vợ chồng nghèo sinh được hai mụn con: đứa lớn là trai mười một tuổi, đứa bé là gái lên sáu tuổi. Mỗi lần hai vợ chồng đi làm đồng hay đi đâu vắng, thường để hai con ở lại nhà, dặn anh trông nom em gái. Một hôm trước khi đi làm, người mẹ trao cho hai con một cây mía, bảo con lớn ở nhà chặt cho em ăn và đưa em đi chơi. Thường ngày mẹ vẫn nhắc:

– Con đừng làm em khóc, kẻo cha về đánh chết nghe không!

Thằng anh đưa em ra sân cùng em trồng đá bẻ cây làm nhà làm cửa chơi với bạn bè quanh xóm. Chơi chán, anh đưa em vào nhà rồi tìm dao chặt mía. Không ngờ khi nó vừa giơ dao lên chặt, thì lưỡi dao sút cán văng vào đầu em. Cô bé ngã quay ra bất tỉnh nhân sự, máu đỏ lênh láng cả một vạt đất. Thấy thế thằng anh rất sợ, nghĩ bụng: – “Tội ta to lắm. Cha về đánh chết mất!”. Thế rồi, anh bỏ em nằm sóng sượt ở giữa nhà mà trốn đi.

Cậu bé đi, đi mãi. Trên bước đường lưu lạc, hắn ở nhà này ít lâu rồi bỏ đi đánh bạn với nhà khác. Trong hơn mười lăm năm, hắn không biết mình đã đi những xứ nào, ăn cơm của bao nhiêu nhà. Cho đến lần cuối cùng, làm con nuôi một người đánh cá ở miền biển vùng Bình định. Nghề chài lưới giữ chân hắn lại ở đây.

Ngày lại ngày nối nhau trôi qua. Rồi hắn kết duyên cùng một người đàn bà. Vợ hắn cũng thạo nghề đan lưới. Mỗi lúc thuyền của chồng về bãi, vợ nhận lấy phần cá của chồng, quảy ra chợ bán. Sau hai năm có được mụn con, hai vợ chồng cảm thấy sung sướng vô hạn.

Hôm ấy biển động, chồng nghỉ ở nhà vá lưới. Cơm trưa xong, vợ xõa tóc nhờ chồng bắt chấy. Đứa con đi chập chững trước sân nhà, bốc cát chơi một mình. Thấy vợ có một cái sẹo bằng đồng tiền ở trên tai bên phải, chồng lấy làm ngạc nhiên vì mấy lâu mái tóc đen của vợ đã hữu ý che kín cái sẹo không cho một người nào biết, trong số đó có cả chồng. Anh liền hỏi về lai lịch chiếc sẹo. Vợ vui miệng kể:

– Ngày đó cách đây hơn hai mươi năm, tôi mới bằng một tý đã biết gì đâu. Anh ruột của tôi chặt mía. Chao ôi! Cái mũi mác tai hại. Tôi ngất đi. Sau này, tôi mới biết, lúc đó hàng xóm đã đổ tới cứu chữa rất lâu cho đến khi cha mẹ tôi về thì mới chạy tìm thầy tìm thuốc. May làm sao tôi vẫn sống để nhìn lại cha mẹ tôi. Nhưng tôi lại mất người anh ruột vì anh tôi sợ quá bỏ trốn. Cha mẹ tôi cố ý tìm tòi nhưng tuyệt không có tin gì. Rồi đó, cha mẹ tôi thương con buồn rầu quá: thành ra mang bệnh, kế tiếp nhau qua đời. Về phần tôi không có người nương tựa lại bị người ta lập mưu cướp hết của cải và đem tôi đi bán cho thuyền buôn. Tôi không ở yên một nơi nào; nay đây mai đó, cuối cùng đến đây gặp anh…

Sau lưng người vợ, nét mặt của chồng từng lúc mỗi biến sắc khi biết là lấy nhầm phải em ruột. Lòng người chồng càng bị vò xé vì tin cha mẹ, tin quê quán do vợ nói ra. Nhưng chồng vẫn cố ngăn cảm xúc của mình, gói kín sự bí mật đau lòng đó lại, không cho vợ biết.

Qua mấy ngày sau, sóng gió yên lặng. Nhưng lòng người đàn ông thì không thể nào yên lặng được nữa. Như thường lệ, hắn lại chở lưới ra biển để đánh cá. Nhưng lần này một đi không bao giờ trở lại.

Người vợ ở nhà trông đợi chồng ngày một mỏi mòn. Tại sao sau khi đánh cá xong, giữa lúc đêm tối, mọi người đều cho thuyền trở về đất liền, thì chồng mình lại dong buồm đi biệt. Mà chồng mình là người chí thú làm ăn và rất thương con mến vợ. Thật là khó hiểu. Mỗi chiều, nàng lại bồng con trèo lên hòn núi ở cửa biển, con mắt đăm đăm nhìn về phía chân trời mù mịt.

Ba tuần trăng qua. Rồi sáu… rồi chín tuần trăng. Tuy nước mắt bây giờ đã khô kiệt, nhưng người đàn bà vẫn không quên trèo núi trông chồng. Cái hình bóng ấy đối với dân làng thành ra quen thuộc. Về sau cả hai mẹ con đều hóa ra đá, trở thành hình bóng quen thuộc vĩnh viễn. Hòn đá ấy ngày nay vẫn còn trên đỉnh núi ở bên cửa biển Đề-di, thuộc huyện Phù-cát, tỉnh Bình-định. Người ta vẫn gọi là đá Trông-chồng hay là đá Vọng-phu[1].

KHẢO DỊ

Loại truyện “đá Vọng-phu”, hay nói một cách khác những truyện có đề tài anh em ruột lấy nhầm phải nhau thành vợ chồng, trong dân gian có khá nhiều, truyện này khác với truyện kia một ít chi tiết. Điều cần để ý là ở Việt-nam những núi đá có hình người dắt con hay bồng con mang tên là đá Vọng-phu, thì ngoài Bình-định ra còn có Lạng-sơn và Thanh-hóa[2]. Mỗi vùng đất có truyện lưu truyền: truyện ở vùng này có khác với vùng kia ít nhiều. Tuy nhiên chúng đều cùng một cốt truyện.

Ở Trung-quốc cũng có đá Vọng-phu trên một hòn núi phía Bắc Vũ-xương và núi Vọng-phu ở các tỉnh An-huy, Giang-tây và Sơn-tây. Sự tích đá Vọng-phu của Trung-quốc cũng tương tự với truyện Việt. Theo sách U minh lục thì có một người đàn bà chồng bị bắt lính và bị chết trận ở biên giới. Bà ta hàng ngày trèo lên đỉnh núi trông đợi chồng về. Bà đợi mãi mỏi mòn con mắt và sau cùng chết hóa thành đá. Dưới đây là một số dị bản của truyện Sự tích đá vọng phu ở các địa phương Việt-nam.

  1. Truyện Tô Thị vọng phu ở Lạng-sơn:

Ngày xưa, nhà họ Tô có hai người con: anh là trai lên mười, em là gái lên tám. Một hôm, nhân lúc cha mẹ vắng nhà, anh nhặt đá ném chim, không may trúng phải đầu em, máu chảy lênh láng. Thấy em ngất đi, anh chắc em chết, sợ quá trốn sang Trung-quốc. Qua một thời gian dài trôi nổi, hắn quên hết bà con làng xóm, chỉ còn nhớ mình là người Việt. Thế rồi, năm ba mươi tuổi hắn mới lần mò về nước. Với một ít vốn liếng nhỏ, hắn ở ngay lại Lạng-sơn lập nghiệp. Ở đây hắn yêu cô con gái một nhà buôn. Hai người sau đó được phép lấy nhau và kết quả là một đứa bé ra chào đời. Chồng rất yêu vợ thương con và chí thú làm ăn.

Một hôm chồng giội nước cho vợ gội đầu, bỗng thấy đầu vợ có một cái sẹo lớn. Câu chuyện vợ kể chính là chuyện ném đá của chồng ngày xưa. Sau khi cha mẹ chết, vợ bơ vơ lưu lạc đi hết nơi này sang nơi khác để nuôi thân. Sau cùng tới đây làm con nuôi nhà này rồi vừa gặp nhau.

Biết đích là em gái mình, chồng rất đau lòng nhưng vẫn không lộ cho vợ biết Sau đó gặp khi nhà vua bắt lính, chồng ra ứng mộ. Trước khi trẩy, chồng dặn vợ:

– Nếu ba năm mà tôi không về, ấy là tôi đã chết, nàng cứ việc đi lấy chồng khác.

Rồi đó chồng nhất định không về nữa. Ở nhà vợ cũng nhất định không đi lấy chồng khác. Sau ba năm, rồi năm năm, vợ trông chồng mỏi mòn con mắt. Hàng ngày, nàng bồng con lên núi, con mắt luôn luôn hướng về phía chồng trẩy. Một hôm giữa cơn mưa to bão lớn, nàng đứng đợi mãi không về. Đến lúc mọi người lên núi thì đã hóa thành đá. Người ta gọi hòn đá ấy là Tô thị vọng phu[3].

  1. Theo Đại Nam nhất thống chí thì truyện đá Vọng-phu ở Bình-định như sau:

Xưa ở làng Chính-uy có một người đàn bà sinh một trai một gái đều còn nhỏ tuổi cả. Một hôm nhà phơi thóc, mẹ bảo con đuổi gà. Người con trai nhặt đá ném gà, không ngờ trúng phải đầu em, máu ra lênh láng. Mẹ giận mắng nhiếc rồi đuổi con đi. Người con trai sợ qua, trốn biệt đến hơn hai mươi năm mới trở về thì mẹ đã chết, còn em thì lưu lạc không biết đi đâu. Trơ trọi một mình hắn bèn ngụ ở làng. ấy. Sau đó, hắn lấy vợ người làng Chính-minh, sinh được một trai một gái. Một hôm vợ chồng nhân thong thả ngồi bắt chấy cho nhau: vết sẹo trên đầu vợ làm cho chồng rõ sự thật. Sau đó, chồng đáp thuyền đi biệt nói dối là đi buôn. Vợ ở nhà trông đợi mỏi mắt, thường dắt hai con lên núi trông ngóng buồn thương rồi đều hóa thành đá.

  1. Truyện của Lăng-đờ (Landes) (sách đã dẫn) kể cũng giống như truyện ở vùng Bình-định vừa kể. Duy có khác ở chỗ lý do người anh bỏ trốn là vì cờ bạc, còn kết cục thì chồng chết hóa làm sao mai, vợ làm sao hôm, con thì làm sao đòn gánh thường ở giữa trời đợi sao hôm và sao mai[4].

  2. Ri-sa (Richard) có sưu tầm một truyện, lưu truyền ở một vùng dường như là khoảng biên giới giữa Bình-định với Tây-nguyên, có nội dung hơi khác:

Có hai anh em Chánh và Quýt ở làng Nam-lang. Chánh đã lớn, còn em gái thì còn bé. Lúc còn nhỏ, hai anh em được bố mẹ xăm vào đầu một dấu hiệu của gia đình. Sau đó dân làng này xung đột với làng Ma-cát, và bị làng Ma-cát bắt làm tù binh. Chánh bị đưa đi bán cho lái buôn. Thời gian trôi đi, Chánh cũng qua tay nhiều chủ. Sau Chánh trốn được về làng thì nhà cửa không còn gì nữa, bèn đến cư trú ở làng Nong-hát làm ăn, rồi lấy vợ tại đấy. Vợ là con nuôi một người dân thường. Vài tháng sau làng động. Thầy pháp của làng được thần cho biết có một hiện lượng loạn luân. Khi tìm đến Chánh và vợ, thấy dấu xăm của họ, mới rõ sự thật. Sau đó hai anh em hóa làm chim: một con trống một con mái, chui rúc trong rừng sâu, vì hổ thẹn không muốn cho ai biết[5].

  1. Về loại truyện có nội dung đề cập đến vấn đề quan hệ luyến ái giữa anh và em ruột, ở miền Trung còn có truyện Sự tích chim bóp-thì-bóp:

Xưa có gia đình nọ can tội với triều đình, bị kết án chém cả nhà. Hai chị em ruột nhà ấy trốn được vào rừng sâu. Họ đào củ hái trái kiếm ăn qua ngày. Dần dần người em trai lớn lên, đêm ngủ kề nhau, một hôm em bỗng bỏ tay lên vú chị. Chị đưa chuyện: “Trời phạt” ra để ngăn em. Em sợ rồi bỏ đi mất. Chị thương em đi tìm, luôn miệng gọi em: “Bóp thì bóp”. Sau không tìm được, chị em đều hóa làm chim bóp-thì-bóp[6].

Loài chim này bắt đầu đi kiếm ăn từ hoàng hôn, mái trống gọi nhau, đuổi nhau vòng quanh núi, sắp sửa gặp nhau thì rạng, phải trở về tổ[7].

  1. Một truyện khác Sự tích sao hôm, sao mai và sao rua nói đến hai anh em trai, có chỗ giống và khác với truyện của Lăng-đờ (Langdes) nói trên.

Xưa có hai anh em ở với nhau: anh đã có vợ, em còn bé dại. Vừa khi anh bị bắt đi phu, có dặn em ở nhà phải nhớ canh giữ chị. Ở nhà, em nằm buồng riêng nhưng hữu ý khoét một lỗ ở vách, đêm đêm bỏ tay lên bụng chị để canh giữ. Về sau chị bỗng có mang. Anh về, em sợ tội bỏ trốn. Nhưng chị không đẻ ra người mà đẻ ra một cái bàn tay. Anh hối hận, bỏ đi tìm em. Không thấy chồng về, vợ lại bỏ đi tìm chồng.

Kết cục, gần giống với truyện mà Lăng-đờ (Landes) đã kể, là anh hóa làm sao mai, em hóa làm sao hôm, còn chị thì hóa làm sao rua (sao rua trông như cái bàn tay)[8].

Người miền Bắc cũng kể như trên, nhưng nói là chị hóa làm sao vượt, còn cái bàn tay đẻ ra thì hóa làm sao rua. Ở Phú-thọ có câu tục ngữ: “Em hôm, anh mai, chị chả thấy đâu, chị vượt”.

Cũng có người kể cái bàn tay ấy sau chôn xuống đất mọc lên một cây, cây sinh quả, quả nào quả ấy như cái bàn lay tức là cây phật thủ[9].

Cô-xcanh (Cosquin) khi nhắc đến truyện Sự tích đá Vọng-phu của ta đã truy cứu nguồn gốc đến tận một loạt truyện có chủ đề hôn nhân tiền định với mô-típ vết sẹo mà ông cho là rất gần nhau. Ví dụ một số truyện sau đây:

Truyện của Trung-quốc Sự tích Nguyệt lão và dây tơ hồng: Vi Cố làm quan đời Đường được phái đi bình định một thành phố. Ban đêm, anh gặp một ông cụ già đang bận viết lách dưới ánh trăng. Hỏi thì đáp là ghi chép những cuộc hôn nhân của người trần. Ông lão lại nói: – Những dây đỏ trong đãy dùng để buộc chân nam và nữ đã xe duyên. Buộc rồi là không gỡ nổi”. Vi Cố bèn hỏi về đường hôn nhân của mình, ông lão bảo: – “Vợ anh là con một mụ bán rau ở chợ”. Thấy người vợ tương lai (mà ông lão chỉ cho anh vào một ngày sau đó) chỉ là một đứa bé đang ẵm, nghèo khổ, xấu xí. Vi Cố sai người giết nó đi, nhưng người đó chỉ làm bị thương ở lông mày đứa bé.

Mười bốn năm sau. Vi Cố lấy được một cô vợ đẹp, con nuôi một quan lớn. Thấy giữa lông mày vợ luôn luôn có một trang sức che kín. Vi Cố hỏi, mới hay đó là vết sẹo hồi nhỏ do mình sai người giết nhưng đâm hụt thành sẹo.

Truyện của người Ấn ở Băng-la-dex (Bangladesh):

Một ông vua nhờ các nhà thông thái bói toán về đường vợ con của hoàng tử. Họ không dám nói sự thật nhưng vì vua giục, họ phải tâu: – “Hoàng tử sẽ lấy một người đàn bà dòng dõi hèn hạ, một người “Pă-li” ở tại một đường phố thuộc thành phố Đuốc-ba-san”. Để phá tiền định xấu, hoàng tử cưỡi ngựa đến nhà kia mổ bụng cô gái. Cô này nhờ điều kiện may mắn không chết, vết thương dần dần lành, và sau đó ít lâu được con voi ngự đặt lên lưng mang đến cung vua. Hoàng tử thấy cô đẹp tuyệt trần không biết đó là người mà mình trước đây muốn xa lánh, bên lấy nàng làm vợ. Ít lâu sau, hoàng tử phát hiện ra vết sẹo ở bụng của vợ mình, hỏi, mới biết kết quả của mối duyên tiền định.

Truyện của Hy-lạp (Grèce):

Một trong ba bà tiên tri cho biết một cô gái mới đẻ sẽ lấy một thương nhân nước ngoài, khách quý của nhà ấy. Giận quá, người khách nọ bồng đứa bé ném qua cửa sổ, đứa bé rơi trên một cái cọc thủng bụng.

Về sau nguời thương nhân lấy vợ, nhờ vết sẹo mới nhận ra đó là cô bé mà mình ném ngày xưa nhưng không chết.

Hai truyện khác của người Ác-mê-ni (Arménie) và của nguời Nga rất giống với truyện Trung-quốc đã dẫn. Ở truyện Ác-mê-ni, có một hoàng tử gặp một cụ già ngồi ghi chép những tội lỗi và số phận con người. Hỏi về mình, ông cụ nói: anh sẽ lấy con một người chăn bò làm vợ. Thấy cô gái nằm trên giường, mụn nhọt khắp mình, hoàng tử bèn sai người giết đi. Nhưng luỡi dao đã không làm cô chết mà làm cô trở nên đẹp như tiên.

Ở truyện Nga, hoàng tử không phải gặp ông cụ già mà là gặp một người thợ rèn – rèn hôn nhân cho con người – đang đập trên đe hai sợi tóc mảnh dùng để kết duyên (như sợi dây đỏ ở truyện Trung-quốc). Thấy người vợ tương lai mà ông thợ rèn chỉ cho mình là một cô gái từ lâu da thịt bấy nát, hoàng tử tìm đến và đâm một mũi gươm. Không ngờ cô gái nhờ đó trở nên đẹp đẽ.

Cô-xcanh (Cosquin) còn nhắc tới một loạt truyện khác có nội dung hôn nhân tiền định như con vô tình giết cha lấy mẹ, trong đó có truyện Ơ-đíp (Oedipe) của thần thoại Hy-lạp, cũng coi như gần gũi với các truyện trên[10]. Người Khơ-me (Khmer) cũng có truyện một hoàng tử cứu mẹ, bị vua nước láng giềng bắt cóc, nhưng vì không biết mặt mẹ nên lấy nhầm làm vợ, về sau cũng nhờ có vết sẹo ở trên mình hoàng tử, nên mẹ mới nhận ra[11].

[1] Theo lời kể của người Bình-định.

[2] Ngày nay nơi đá Vọng-phu (Nai Krao Chao Phò) ở bờ biển Cà-ná (Nam Ninh-thuận) dân địa phương cũng có lưu truyền một truyện của đồng bào Cham-pa. Truyện Cô Krao Chao Phò của Cham-pa giống hệt với truyện Việt-nam vừa kể ở trên, chỉ có khác ở đây người anh không phải vô tình làm văng dao vào đầu em gái trong khi chặt mía mà là hữu ý đánh vào đầu em về việc giành nhau miếng bánh; và hai vợ chồng là dân buôn không phải dân chài (Theo Vũ Lang, đã dẫn, số 15, 1959).

Riêng núi Vọng phu (?) (La mère et l enfant) ở Khánh-hòa thì đồng bào Ê-đê có một truyện cổ tích đặc biệt khác truyện của ta. Đại khái là:

Giang-mia sau một cuộc đi buôn xa về, nghe nói vợ ngoại anh với Y-siêng và đã có chửa với y sắp đẻ, bèn đánh nhau với y nhiều trận dữ dội. Y-siêng chạy đến Ban Óng-gan. Giang-mia đuổi kịp, chém chết kẻ tình địch. Y-siêng hóa ra đá ở đây. Lúc trở về thì thấy vợ mình đang sinh, có các bạn bè và bà đỡ xúm xít giúp đỡ, Giang-mia cơn giận còn bừng bừng, bèn bắt mọi người hóa đá. Người ta gọi cụm núi này là núi Mẹ và con.

Xong việc, Giang-mia trở về Póc-ai hóa thành lợn lòi móc khoai ăn, bị dân làng bắn chết, cũng hóa đá nốt. (Theo Mét-tơ-rơ (Maitre). Các vùng người Mọi ở phía Nam Đông-dương).

[3] Theo lời kể của người dân vùng Lạng-sơn. Riêng truyện này có nhiều người kể khác nhau:

a) Nhà nho ngày xưa đã từng cải biên thành một truyện có chủ đề khác hẳn: Tô thị là người Lạng-sơn có sắc đẹp, yêu một chàng họ Đậu là học trò. Giữa lúc đó có người đình trưởng cũng cậy mối dạm nàng làm vợ lẽ. Nhưng Tô thị không bằng lòng. Cuối cùng nàng kết duyên với người học trò, nuôi chồng ăn học. Đình trưởng giận để bụng, nhân dịp vua bắt lính, bèn bắt người chồng phải đi. Đằng đẵng bao nhiêu năm trời không thấy chồng về, mặt khác bị đình trưởng ép lấy mình, Tô thị hóa điên. Một hôm lên núi Tam-thanh trông chồng như mọi ngày, rồi không về nữa. Khi mọi người biết thì đã hóa thành đá.

Nguyễn Thúc Khiêm đã dựa vào cốt truyện này để viết thành một vở chèo nhan đề là Tô thị chết đắng anh Kỳ lừa (Nam phong, 1929).

b) Phạm Duy Khiêm thì kể có khác ở đoạn đầu, dùng số mệnh làm chủ đề:

Xưa, trong một làng thượng du có hai anh em mồ côi ở với nhau. Người anh hai mươi tuổi, còn em gái lên bảy tuổi. Một hôm có ông thầy số đi qua đoán cho người anh rằng: Số anh phải lấy em ruột làm vợ, không thế nào cưỡng được.

Hắn cầm lấy lá số ngày đêm khổ tâm vì số mệnh ác nghiệt. Cuối cùng, một hôm hắn đưa em lên núi, rồi nhân lúc bất ngờ, giáng cho em một nhát búa ngã lăn ra. Đoạn, hắn thay tên đổi họ rồi trốn đi rất xa trong bao nhiêu năm trời. Cho đến khi yên lặng mới trở về Lạng-sơn lập nghiệp. Còn cô em sau khi bị anh chém thì nằm chết ngất. Nhờ có một bọn cướp cứu cho sống lại rồi cô được họ nuôi ở trong rừng. Cho đến lúc bọn cướp bị đuổi khỏi sào huyệt cô mới được trở về. Bơ vơ không biết nương tựa ai, cô được một người lái buôn nhận làm con nuôi. Rồi về sau hai người lấy nhau mà không biết là anh em.

Mãi đến một hôm vợ phơi thóc, chồng thấy vết sẹo, hỏi rõ mới hay. Chồng lẳng lặng tìm cớ bỏ đi biệt. Vợ ở nhà trông đợi mỏi mắt, rồi hoa đá trên núi, v.v… (Truyền thuyết của đất nước thanh bình).

[4] Về sự tích sao hôm và sao mai, người Trung-quốc kể: gia đình Cao Tân có hai đứa con thường coi nhau như kẻ thù. Nhưng cuộc xung đột của họ đến tai hoàng đế. Hoàng đế bèn chia rẽ họ ra bằng cách giao cho hai người hai phần việc ở hai xứ khác nhau. Sau khi chết, họ hóa làm hai ngôi sao lúc đầu ở gần nhau, nhưng Ngọc hoàng tỏ ý làm cho họ ngày càng xa dần, cho đến không thể gặp được nhau. Đó là sao hôm và sao mai. (Theo Duy-mu-chiê (Dumoutier), sách đã dẫn).

[5] Tạp chí Đông-dương (1904).

[6] Bản khai của làng Quang-lãng.

[7] Truyện này, mỗi địa phương kể có khác một ít về chi tiết, chẳng hạn ở Quảng-bình có người kể: chị em đưa nhau ra giếng, chị tắm cho em: em cọ lưng cho chị (hoặc chị em đi xem hội về khuya) rồi bắt đầu sinh ý nghĩ bậy bạ, chị đánh em, em sợ tội bỏ trốn, chi đuổi theo gọi em, v.v… (Theo Ca-đi-e (Cadière), sách đã dẫn). Ở Quảng-nam và một số địa phương ở miền Bắc có người kể: Bố mẹ đi vắng, hai chị em ở nhà, em bắt đầu có ý nghĩ bậy bạ, chị chống cự, em sợ bố mẹ trừng phạt nên bỏ trốn, chị đuổi theo gọi em, v. v… Ở Hà-tĩnh, Quảng-bình cũng gọi chim này là chim tử quy. Có câu ca dao:

Đôi ta như chim tử quy.

Đêm nghe thấy tiếng, ngày đi phương nào.

[8] Bản khai của làng Cát-ngạn.

[9] Theo Truyện cổ dân gian Việt nam, tập I. Bộ sách này gồm 4 tập; hai tập đầu có tên như vừa dẫn, nhưng hai tập cuối lại có chút ít thay đổi: Truyện cổ dân gian của các dân tộc Việt-nam. Vì thế, chú dẫn tên gọi ở đây cũng không thống nhất.

[10] Cô-xcanh (Cosquin) . Cổ tích con mèo và cây đèn cầy ở châu Âu thời trung cổ và ở phương Đông.

[11] Xem ở mục Khảo dị truyện Sự tích thành Lồi (số 34).

Ngày xưa, có đôi vợ chồng nghèo sinh được hai mụn con: đứa lớn là trai mười một tuổi, đứa bé là gái lên sáu tuổi. Mỗi lần hai vợ chồng đi làm đồng hay đi đâu vắng, thường để hai con ở lại nhà, dặn anh trông nom em gái. Một hôm trước khi đi làm, người mẹ trao cho hai con một cây mía, bảo con lớn ở nhà chặt cho em ăn và đưa em đi chơi. Thường ngày mẹ vẫn nhắc:

– Con đừng làm em khóc, kẻo cha về đánh chết nghe không!

Thằng anh đưa em ra sân cùng em trồng đá bẻ cây làm nhà làm cửa chơi với bạn bè quanh xóm. Chơi chán, anh đưa em vào nhà rồi tìm dao chặt mía. Không ngờ khi nó vừa giơ dao lên chặt, thì lưỡi dao sút cán văng vào đầu em. Cô bé ngã quay ra bất tỉnh nhân sự, máu đỏ lênh láng cả một vạt đất. Thấy thế thằng anh rất sợ, nghĩ bụng: – “Tội ta to lắm. Cha về đánh chết mất!”. Thế rồi, anh bỏ em nằm sóng sượt ở giữa nhà mà trốn đi.

Cậu bé đi, đi mãi. Trên bước đường lưu lạc, hắn ở nhà này ít lâu rồi bỏ đi đánh bạn với nhà khác. Trong hơn mười lăm năm, hắn không biết mình đã đi những xứ nào, ăn cơm của bao nhiêu nhà. Cho đến lần cuối cùng, làm con nuôi một người đánh cá ở miền biển vùng Bình định. Nghề chài lưới giữ chân hắn lại ở đây.

Ngày lại ngày nối nhau trôi qua. Rồi hắn kết duyên cùng một người đàn bà. Vợ hắn cũng thạo nghề đan lưới. Mỗi lúc thuyền của chồng về bãi, vợ nhận lấy phần cá của chồng, quảy ra chợ bán. Sau hai năm có được mụn con, hai vợ chồng cảm thấy sung sướng vô hạn.

Hôm ấy biển động, chồng nghỉ ở nhà vá lưới. Cơm trưa xong, vợ xõa tóc nhờ chồng bắt chấy. Đứa con đi chập chững trước sân nhà, bốc cát chơi một mình. Thấy vợ có một cái sẹo bằng đồng tiền ở trên tai bên phải, chồng lấy làm ngạc nhiên vì mấy lâu mái tóc đen của vợ đã hữu ý che kín cái sẹo không cho một người nào biết, trong số đó có cả chồng. Anh liền hỏi về lai lịch chiếc sẹo. Vợ vui miệng kể:

– Ngày đó cách đây hơn hai mươi năm, tôi mới bằng một tý đã biết gì đâu. Anh ruột của tôi chặt mía. Chao ôi! Cái mũi mác tai hại. Tôi ngất đi. Sau này, tôi mới biết, lúc đó hàng xóm đã đổ tới cứu chữa rất lâu cho đến khi cha mẹ tôi về thì mới chạy tìm thầy tìm thuốc. May làm sao tôi vẫn sống để nhìn lại cha mẹ tôi. Nhưng tôi lại mất người anh ruột vì anh tôi sợ quá bỏ trốn. Cha mẹ tôi cố ý tìm tòi nhưng tuyệt không có tin gì. Rồi đó, cha mẹ tôi thương con buồn rầu quá: thành ra mang bệnh, kế tiếp nhau qua đời. Về phần tôi không có người nương tựa lại bị người ta lập mưu cướp hết của cải và đem tôi đi bán cho thuyền buôn. Tôi không ở yên một nơi nào; nay đây mai đó, cuối cùng đến đây gặp anh…

Sau lưng người vợ, nét mặt của chồng từng lúc mỗi biến sắc khi biết là lấy nhầm phải em ruột. Lòng người chồng càng bị vò xé vì tin cha mẹ, tin quê quán do vợ nói ra. Nhưng chồng vẫn cố ngăn cảm xúc của mình, gói kín sự bí mật đau lòng đó lại, không cho vợ biết.

Qua mấy ngày sau, sóng gió yên lặng. Nhưng lòng người đàn ông thì không thể nào yên lặng được nữa. Như thường lệ, hắn lại chở lưới ra biển để đánh cá. Nhưng lần này một đi không bao giờ trở lại.

Người vợ ở nhà trông đợi chồng ngày một mỏi mòn. Tại sao sau khi đánh cá xong, giữa lúc đêm tối, mọi người đều cho thuyền trở về đất liền, thì chồng mình lại dong buồm đi biệt. Mà chồng mình là người chí thú làm ăn và rất thương con mến vợ. Thật là khó hiểu. Mỗi chiều, nàng lại bồng con trèo lên hòn núi ở cửa biển, con mắt đăm đăm nhìn về phía chân trời mù mịt.

Ba tuần trăng qua. Rồi sáu… rồi chín tuần trăng. Tuy nước mắt bây giờ đã khô kiệt, nhưng người đàn bà vẫn không quên trèo núi trông chồng. Cái hình bóng ấy đối với dân làng thành ra quen thuộc. Về sau cả hai mẹ con đều hóa ra đá, trở thành hình bóng quen thuộc vĩnh viễn. Hòn đá ấy ngày nay vẫn còn trên đỉnh núi ở bên cửa biển Đề-di, thuộc huyện Phù-cát, tỉnh Bình-định. Người ta vẫn gọi là đá Trông-chồng hay là đá Vọng-phu[1].

KHẢO DỊ

Loại truyện “đá Vọng-phu”, hay nói một cách khác những truyện có đề tài anh em ruột lấy nhầm phải nhau thành vợ chồng, trong dân gian có khá nhiều, truyện này khác với truyện kia một ít chi tiết. Điều cần để ý là ở Việt-nam những núi đá có hình người dắt con hay bồng con mang tên là đá Vọng-phu, thì ngoài Bình-định ra còn có Lạng-sơn và Thanh-hóa[2]. Mỗi vùng đất có truyện lưu truyền: truyện ở vùng này có khác với vùng kia ít nhiều. Tuy nhiên chúng đều cùng một cốt truyện.

Ở Trung-quốc cũng có đá Vọng-phu trên một hòn núi phía Bắc Vũ-xương và núi Vọng-phu ở các tỉnh An-huy, Giang-tây và Sơn-tây. Sự tích đá Vọng-phu của Trung-quốc cũng tương tự với truyện Việt. Theo sách U minh lục thì có một người đàn bà chồng bị bắt lính và bị chết trận ở biên giới. Bà ta hàng ngày trèo lên đỉnh núi trông đợi chồng về. Bà đợi mãi mỏi mòn con mắt và sau cùng chết hóa thành đá. Dưới đây là một số dị bản của truyện Sự tích đá vọng phu ở các địa phương Việt-nam.

Ngày xưa, nhà họ Tô có hai người con: anh là trai lên mười, em là gái lên tám. Một hôm, nhân lúc cha mẹ vắng nhà, anh nhặt đá ném chim, không may trúng phải đầu em, máu chảy lênh láng. Thấy em ngất đi, anh chắc em chết, sợ quá trốn sang Trung-quốc. Qua một thời gian dài trôi nổi, hắn quên hết bà con làng xóm, chỉ còn nhớ mình là người Việt. Thế rồi, năm ba mươi tuổi hắn mới lần mò về nước. Với một ít vốn liếng nhỏ, hắn ở ngay lại Lạng-sơn lập nghiệp. Ở đây hắn yêu cô con gái một nhà buôn. Hai người sau đó được phép lấy nhau và kết quả là một đứa bé ra chào đời. Chồng rất yêu vợ thương con và chí thú làm ăn.

Một hôm chồng giội nước cho vợ gội đầu, bỗng thấy đầu vợ có một cái sẹo lớn. Câu chuyện vợ kể chính là chuyện ném đá của chồng ngày xưa. Sau khi cha mẹ chết, vợ bơ vơ lưu lạc đi hết nơi này sang nơi khác để nuôi thân. Sau cùng tới đây làm con nuôi nhà này rồi vừa gặp nhau.

Biết đích là em gái mình, chồng rất đau lòng nhưng vẫn không lộ cho vợ biết Sau đó gặp khi nhà vua bắt lính, chồng ra ứng mộ. Trước khi trẩy, chồng dặn vợ:

– Nếu ba năm mà tôi không về, ấy là tôi đã chết, nàng cứ việc đi lấy chồng khác.

Rồi đó chồng nhất định không về nữa. Ở nhà vợ cũng nhất định không đi lấy chồng khác. Sau ba năm, rồi năm năm, vợ trông chồng mỏi mòn con mắt. Hàng ngày, nàng bồng con lên núi, con mắt luôn luôn hướng về phía chồng trẩy. Một hôm giữa cơn mưa to bão lớn, nàng đứng đợi mãi không về. Đến lúc mọi người lên núi thì đã hóa thành đá. Người ta gọi hòn đá ấy là Tô thị vọng phu[3].

Xưa ở làng Chính-uy có một người đàn bà sinh một trai một gái đều còn nhỏ tuổi cả. Một hôm nhà phơi thóc, mẹ bảo con đuổi gà. Người con trai nhặt đá ném gà, không ngờ trúng phải đầu em, máu ra lênh láng. Mẹ giận mắng nhiếc rồi đuổi con đi. Người con trai sợ qua, trốn biệt đến hơn hai mươi năm mới trở về thì mẹ đã chết, còn em thì lưu lạc không biết đi đâu. Trơ trọi một mình hắn bèn ngụ ở làng. ấy. Sau đó, hắn lấy vợ người làng Chính-minh, sinh được một trai một gái. Một hôm vợ chồng nhân thong thả ngồi bắt chấy cho nhau: vết sẹo trên đầu vợ làm cho chồng rõ sự thật. Sau đó, chồng đáp thuyền đi biệt nói dối là đi buôn. Vợ ở nhà trông đợi mỏi mắt, thường dắt hai con lên núi trông ngóng buồn thương rồi đều hóa thành đá.

Truyện của Lăng-đờ (Landes) (sách đã dẫn) kể cũng giống như truyện ở vùng Bình-định vừa kể. Duy có khác ở chỗ lý do người anh bỏ trốn là vì cờ bạc, còn kết cục thì chồng chết hóa làm sao mai, vợ làm sao hôm, con thì làm sao đòn gánh thường ở giữa trời đợi sao hôm và sao mai[4].

Ri-sa (Richard) có sưu tầm một truyện, lưu truyền ở một vùng dường như là khoảng biên giới giữa Bình-định với Tây-nguyên, có nội dung hơi khác:

Có hai anh em Chánh và Quýt ở làng Nam-lang. Chánh đã lớn, còn em gái thì còn bé. Lúc còn nhỏ, hai anh em được bố mẹ xăm vào đầu một dấu hiệu của gia đình. Sau đó dân làng này xung đột với làng Ma-cát, và bị làng Ma-cát bắt làm tù binh. Chánh bị đưa đi bán cho lái buôn. Thời gian trôi đi, Chánh cũng qua tay nhiều chủ. Sau Chánh trốn được về làng thì nhà cửa không còn gì nữa, bèn đến cư trú ở làng Nong-hát làm ăn, rồi lấy vợ tại đấy. Vợ là con nuôi một người dân thường. Vài tháng sau làng động. Thầy pháp của làng được thần cho biết có một hiện lượng loạn luân. Khi tìm đến Chánh và vợ, thấy dấu xăm của họ, mới rõ sự thật. Sau đó hai anh em hóa làm chim: một con trống một con mái, chui rúc trong rừng sâu, vì hổ thẹn không muốn cho ai biết[5].

Xưa có gia đình nọ can tội với triều đình, bị kết án chém cả nhà. Hai chị em ruột nhà ấy trốn được vào rừng sâu. Họ đào củ hái trái kiếm ăn qua ngày. Dần dần người em trai lớn lên, đêm ngủ kề nhau, một hôm em bỗng bỏ tay lên vú chị. Chị đưa chuyện: “Trời phạt” ra để ngăn em. Em sợ rồi bỏ đi mất. Chị thương em đi tìm, luôn miệng gọi em: “Bóp thì bóp”. Sau không tìm được, chị em đều hóa làm chim bóp-thì-bóp[6].

Loài chim này bắt đầu đi kiếm ăn từ hoàng hôn, mái trống gọi nhau, đuổi nhau vòng quanh núi, sắp sửa gặp nhau thì rạng, phải trở về tổ[7].

Xưa có hai anh em ở với nhau: anh đã có vợ, em còn bé dại. Vừa khi anh bị bắt đi phu, có dặn em ở nhà phải nhớ canh giữ chị. Ở nhà, em nằm buồng riêng nhưng hữu ý khoét một lỗ ở vách, đêm đêm bỏ tay lên bụng chị để canh giữ. Về sau chị bỗng có mang. Anh về, em sợ tội bỏ trốn. Nhưng chị không đẻ ra người mà đẻ ra một cái bàn tay. Anh hối hận, bỏ đi tìm em. Không thấy chồng về, vợ lại bỏ đi tìm chồng.

Kết cục, gần giống với truyện mà Lăng-đờ (Landes) đã kể, là anh hóa làm sao mai, em hóa làm sao hôm, còn chị thì hóa làm sao rua (sao rua trông như cái bàn tay)[8].

Người miền Bắc cũng kể như trên, nhưng nói là chị hóa làm sao vượt, còn cái bàn tay đẻ ra thì hóa làm sao rua. Ở Phú-thọ có câu tục ngữ: “Em hôm, anh mai, chị chả thấy đâu, chị vượt”.

Cũng có người kể cái bàn tay ấy sau chôn xuống đất mọc lên một cây, cây sinh quả, quả nào quả ấy như cái bàn lay tức là cây phật thủ[9].

Cô-xcanh (Cosquin) khi nhắc đến truyện Sự tích đá Vọng-phu của ta đã truy cứu nguồn gốc đến tận một loạt truyện có chủ đề hôn nhân tiền định với mô-típ vết sẹo mà ông cho là rất gần nhau. Ví dụ một số truyện sau đây:

Truyện của Trung-quốc Sự tích Nguyệt lão và dây tơ hồng: Vi Cố làm quan đời Đường được phái đi bình định một thành phố. Ban đêm, anh gặp một ông cụ già đang bận viết lách dưới ánh trăng. Hỏi thì đáp là ghi chép những cuộc hôn nhân của người trần. Ông lão lại nói: – Những dây đỏ trong đãy dùng để buộc chân nam và nữ đã xe duyên. Buộc rồi là không gỡ nổi”. Vi Cố bèn hỏi về đường hôn nhân của mình, ông lão bảo: – “Vợ anh là con một mụ bán rau ở chợ”. Thấy người vợ tương lai (mà ông lão chỉ cho anh vào một ngày sau đó) chỉ là một đứa bé đang ẵm, nghèo khổ, xấu xí. Vi Cố sai người giết nó đi, nhưng người đó chỉ làm bị thương ở lông mày đứa bé.

Mười bốn năm sau. Vi Cố lấy được một cô vợ đẹp, con nuôi một quan lớn. Thấy giữa lông mày vợ luôn luôn có một trang sức che kín. Vi Cố hỏi, mới hay đó là vết sẹo hồi nhỏ do mình sai người giết nhưng đâm hụt thành sẹo.

Truyện của người Ấn ở Băng-la-dex (Bangladesh):

Một ông vua nhờ các nhà thông thái bói toán về đường vợ con của hoàng tử. Họ không dám nói sự thật nhưng vì vua giục, họ phải tâu: – “Hoàng tử sẽ lấy một người đàn bà dòng dõi hèn hạ, một người “Pă-li” ở tại một đường phố thuộc thành phố Đuốc-ba-san”. Để phá tiền định xấu, hoàng tử cưỡi ngựa đến nhà kia mổ bụng cô gái. Cô này nhờ điều kiện may mắn không chết, vết thương dần dần lành, và sau đó ít lâu được con voi ngự đặt lên lưng mang đến cung vua. Hoàng tử thấy cô đẹp tuyệt trần không biết đó là người mà mình trước đây muốn xa lánh, bên lấy nàng làm vợ. Ít lâu sau, hoàng tử phát hiện ra vết sẹo ở bụng của vợ mình, hỏi, mới biết kết quả của mối duyên tiền định.

Truyện của Hy-lạp (Grèce):

Một trong ba bà tiên tri cho biết một cô gái mới đẻ sẽ lấy một thương nhân nước ngoài, khách quý của nhà ấy. Giận quá, người khách nọ bồng đứa bé ném qua cửa sổ, đứa bé rơi trên một cái cọc thủng bụng.

Về sau nguời thương nhân lấy vợ, nhờ vết sẹo mới nhận ra đó là cô bé mà mình ném ngày xưa nhưng không chết.

Hai truyện khác của người Ác-mê-ni (Arménie) và của nguời Nga rất giống với truyện Trung-quốc đã dẫn. Ở truyện Ác-mê-ni, có một hoàng tử gặp một cụ già ngồi ghi chép những tội lỗi và số phận con người. Hỏi về mình, ông cụ nói: anh sẽ lấy con một người chăn bò làm vợ. Thấy cô gái nằm trên giường, mụn nhọt khắp mình, hoàng tử bèn sai người giết đi. Nhưng luỡi dao đã không làm cô chết mà làm cô trở nên đẹp như tiên.

Ở truyện Nga, hoàng tử không phải gặp ông cụ già mà là gặp một người thợ rèn – rèn hôn nhân cho con người – đang đập trên đe hai sợi tóc mảnh dùng để kết duyên (như sợi dây đỏ ở truyện Trung-quốc). Thấy người vợ tương lai mà ông thợ rèn chỉ cho mình là một cô gái từ lâu da thịt bấy nát, hoàng tử tìm đến và đâm một mũi gươm. Không ngờ cô gái nhờ đó trở nên đẹp đẽ.

Cô-xcanh (Cosquin) còn nhắc tới một loạt truyện khác có nội dung hôn nhân tiền định như con vô tình giết cha lấy mẹ, trong đó có truyện Ơ-đíp (Oedipe) của thần thoại Hy-lạp, cũng coi như gần gũi với các truyện trên[10]. Người Khơ-me (Khmer) cũng có truyện một hoàng tử cứu mẹ, bị vua nước láng giềng bắt cóc, nhưng vì không biết mặt mẹ nên lấy nhầm làm vợ, về sau cũng nhờ có vết sẹo ở trên mình hoàng tử, nên mẹ mới nhận ra[11].

[1] Theo lời kể của người Bình-định.

[2] Ngày nay nơi đá Vọng-phu (Nai Krao Chao Phò) ở bờ biển Cà-ná (Nam Ninh-thuận) dân địa phương cũng có lưu truyền một truyện của đồng bào Cham-pa. Truyện Cô Krao Chao Phò của Cham-pa giống hệt với truyện Việt-nam vừa kể ở trên, chỉ có khác ở đây người anh không phải vô tình làm văng dao vào đầu em gái trong khi chặt mía mà là hữu ý đánh vào đầu em về việc giành nhau miếng bánh; và hai vợ chồng là dân buôn không phải dân chài (Theo Vũ Lang, đã dẫn, số 15, 1959).

Riêng núi Vọng phu (?) (La mère et l enfant) ở Khánh-hòa thì đồng bào Ê-đê có một truyện cổ tích đặc biệt khác truyện của ta. Đại khái là:

Giang-mia sau một cuộc đi buôn xa về, nghe nói vợ ngoại anh với Y-siêng và đã có chửa với y sắp đẻ, bèn đánh nhau với y nhiều trận dữ dội. Y-siêng chạy đến Ban Óng-gan. Giang-mia đuổi kịp, chém chết kẻ tình địch. Y-siêng hóa ra đá ở đây. Lúc trở về thì thấy vợ mình đang sinh, có các bạn bè và bà đỡ xúm xít giúp đỡ, Giang-mia cơn giận còn bừng bừng, bèn bắt mọi người hóa đá. Người ta gọi cụm núi này là núi Mẹ và con.

Xong việc, Giang-mia trở về Póc-ai hóa thành lợn lòi móc khoai ăn, bị dân làng bắn chết, cũng hóa đá nốt. (Theo Mét-tơ-rơ (Maitre). Các vùng người Mọi ở phía Nam Đông-dương).

[3] Theo lời kể của người dân vùng Lạng-sơn. Riêng truyện này có nhiều người kể khác nhau:

a) Nhà nho ngày xưa đã từng cải biên thành một truyện có chủ đề khác hẳn: Tô thị là người Lạng-sơn có sắc đẹp, yêu một chàng họ Đậu là học trò. Giữa lúc đó có người đình trưởng cũng cậy mối dạm nàng làm vợ lẽ. Nhưng Tô thị không bằng lòng. Cuối cùng nàng kết duyên với người học trò, nuôi chồng ăn học. Đình trưởng giận để bụng, nhân dịp vua bắt lính, bèn bắt người chồng phải đi. Đằng đẵng bao nhiêu năm trời không thấy chồng về, mặt khác bị đình trưởng ép lấy mình, Tô thị hóa điên. Một hôm lên núi Tam-thanh trông chồng như mọi ngày, rồi không về nữa. Khi mọi người biết thì đã hóa thành đá.

Nguyễn Thúc Khiêm đã dựa vào cốt truyện này để viết thành một vở chèo nhan đề là Tô thị chết đắng anh Kỳ lừa (Nam phong, 1929).

b) Phạm Duy Khiêm thì kể có khác ở đoạn đầu, dùng số mệnh làm chủ đề:

Xưa, trong một làng thượng du có hai anh em mồ côi ở với nhau. Người anh hai mươi tuổi, còn em gái lên bảy tuổi. Một hôm có ông thầy số đi qua đoán cho người anh rằng: Số anh phải lấy em ruột làm vợ, không thế nào cưỡng được.

Hắn cầm lấy lá số ngày đêm khổ tâm vì số mệnh ác nghiệt. Cuối cùng, một hôm hắn đưa em lên núi, rồi nhân lúc bất ngờ, giáng cho em một nhát búa ngã lăn ra. Đoạn, hắn thay tên đổi họ rồi trốn đi rất xa trong bao nhiêu năm trời. Cho đến khi yên lặng mới trở về Lạng-sơn lập nghiệp. Còn cô em sau khi bị anh chém thì nằm chết ngất. Nhờ có một bọn cướp cứu cho sống lại rồi cô được họ nuôi ở trong rừng. Cho đến lúc bọn cướp bị đuổi khỏi sào huyệt cô mới được trở về. Bơ vơ không biết nương tựa ai, cô được một người lái buôn nhận làm con nuôi. Rồi về sau hai người lấy nhau mà không biết là anh em.

Mãi đến một hôm vợ phơi thóc, chồng thấy vết sẹo, hỏi rõ mới hay. Chồng lẳng lặng tìm cớ bỏ đi biệt. Vợ ở nhà trông đợi mỏi mắt, rồi hoa đá trên núi, v.v… (Truyền thuyết của đất nước thanh bình).

[4] Về sự tích sao hôm và sao mai, người Trung-quốc kể: gia đình Cao Tân có hai đứa con thường coi nhau như kẻ thù. Nhưng cuộc xung đột của họ đến tai hoàng đế. Hoàng đế bèn chia rẽ họ ra bằng cách giao cho hai người hai phần việc ở hai xứ khác nhau. Sau khi chết, họ hóa làm hai ngôi sao lúc đầu ở gần nhau, nhưng Ngọc hoàng tỏ ý làm cho họ ngày càng xa dần, cho đến không thể gặp được nhau. Đó là sao hôm và sao mai. (Theo Duy-mu-chiê (Dumoutier), sách đã dẫn).

[5] Tạp chí Đông-dương (1904).

[6] Bản khai của làng Quang-lãng.

[7] Truyện này, mỗi địa phương kể có khác một ít về chi tiết, chẳng hạn ở Quảng-bình có người kể: chị em đưa nhau ra giếng, chị tắm cho em: em cọ lưng cho chị (hoặc chị em đi xem hội về khuya) rồi bắt đầu sinh ý nghĩ bậy bạ, chị đánh em, em sợ tội bỏ trốn, chi đuổi theo gọi em, v.v… (Theo Ca-đi-e (Cadière), sách đã dẫn). Ở Quảng-nam và một số địa phương ở miền Bắc có người kể: Bố mẹ đi vắng, hai chị em ở nhà, em bắt đầu có ý nghĩ bậy bạ, chị chống cự, em sợ bố mẹ trừng phạt nên bỏ trốn, chị đuổi theo gọi em, v. v… Ở Hà-tĩnh, Quảng-bình cũng gọi chim này là chim tử quy. Có câu ca dao:

Đôi ta như chim tử quy.

Đêm nghe thấy tiếng, ngày đi phương nào.

[8] Bản khai của làng Cát-ngạn.

[9] Theo Truyện cổ dân gian Việt nam, tập I. Bộ sách này gồm 4 tập; hai tập đầu có tên như vừa dẫn, nhưng hai tập cuối lại có chút ít thay đổi: Truyện cổ dân gian của các dân tộc Việt-nam. Vì thế, chú dẫn tên gọi ở đây cũng không thống nhất.

[10] Cô-xcanh (Cosquin) . Cổ tích con mèo và cây đèn cầy ở châu Âu thời trung cổ và ở phương Đông.

[11] Xem ở mục Khảo dị truyện Sự tích thành Lồi (số 34).

Chọn tập
Bình luận