Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa lài cấm bãi cứt trâu

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Xưa, có một người đàn bà làm nghề dệt vải. Nàng bản tính thông minh tháo vát, nhưng lấy phải người chồng đần độn không làm được nghề gì nên thân. Một hôm, vợ đưa cho chồng mấy tấm vải bảo mang ra chợ bán. Vợ dặn: – “Nếu không được bốn quan mỗi tấm thì đừng có bán, nghe!”

Chồng mang vải ra chợ đi khắp nơi, rao khản cả cổ mà chả có ai mua cả. Mãi về sau có một ông cụ già mua cho hai tấm. Nhưng ông ta lại không mang tiền theo. Ông cụ bảo hắn:

– Chốc nữa anh đến nhà tôi lấy tiền nhé! Nhà tôi cũng ở trong xã này thôi.

Hắn hỏi:

– Nhà ông ở đâu?

– Tôi ở chỗ: “chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi tò le, chỗ cây tre một mắt”. Đến đó tôi sẽ trả tiền ngay.

Đến chiều hắn đi tìm người mua hang chịu của hắn. Gặp ai hắn cũng hỏi thăm “chỗ chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi tò le, chỗ cây tre một mắt” là ở đâu, nhưng chẳng một ai biết thế nào mà trả lời. Người ta chỉ nói với hắn:

– Thôi rồi, anh mắc phải tay bịp bợm nào đấy thôi!

Hắn đi loanh quanh mãi đến tối mịt không tìm được nhà, đành phải trở về ôm mặt hu hu khóc.

Vợ hắn hỏi tại sao thì hắn kể cho vợ nghe tất cả câu chuyện. Người vợ bảo:

– Cũng dễ tìm thôi! “Chỗ chợ đông không ai bán” là cái nhà trường, “chỗ kèn thổi tò le” là bụi lau vì khi gió thổi nghe như tiếng kèn sáo, “chỗ cây tre một mắt” là bụi hành hay tỏi gì đó. Vậy anh phải kiếm người đó ở một cái trường học, gần đó có bụi lau, trước cửa có vườn trồng hành tỏi.

Qua ngày sau, anh chồng lại cất bước đi tìm. Quả đúng như lời người vợ nói, hắn gặp ông lão hôm qua. Đó là một thầy đồ dạy học trò. Thấy hắn đến, ông đồ liền hỏi xem nhờ ai mách cho mà biết được chỗ ở của mình. Hắn đáp: – “Tôi tìm ông suốt cả một buổi chiều hôm qua. May nhờ có vợ tôi mách cho đấy”. Ông thầy nghĩ: -“Người đàn bà này hẳn là một cô gái thông minh tài trí, ít người sánh kịp”. Hôm đó nhân nhà có giỗ, ông đồ mời hắn ngồi lại ăn cỗ. Hắn ta cắm đầu chén một bữa no nê lại được ông đồ gửi phần về biếu vợ. Nhưng khi trả tiền, ông đồ còn gửi hắn một gói khác bảo đưa cho vợ. Trong đó chỉ có một cục phân trâu ở giữa có cắm một cánh hoa nhài. Hắn ta chẳng hiểu gì cả cứ việc cầm lấy về nhà.

Người vợ trông thấy, hiểu ý ông thầy muốn mỉa mai mình:

Con vợ khôn lấy thằng chồng dại

Như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu

Càng ngẫm nghĩ về “gói quà”, nàng càng buồn bực, trách chồng dốt nát để mang về cho mình một lời trêu chọc chua cay, rồi nghĩ tới duyên phận hẩm hiu, nước mắt nàng lã chã. Nàng vứt cái thoi, bụng bảo dạ: – “Thân thế ta thật chả ra gì. Trên đời có bao nhiêu người khôn ngoan tài giỏi, còn ta thì lấy nhầm phải một thằng chồng u mê đần độn!”. Trong một cơn phiền muộn, nàng chạy ra bờ sông, toan nhảy xuống dòng nước trẫm mình cho rồi một đời.

Lại nói chuyện ông thầy dạy học, sau khi tiễn chân anh chàng bán vải ra khỏi cửa, nghĩ đi nghĩ lại thấy sự trêu chọc ác nghiệt của mình thật là không phải. Ông đâm ra lo câu chuyện đưa tới một kết quả không hay: – “Không biết chừng người đàn bà ấy phẫn chí liều thân hoại thể thì ta sẽ có tội rất lớn với danh giáo”. Nghĩ thế, ông đồ bèn đi mượn một cái giỏ đựng cá thủng trôn, rồi mang ra bờ sông cùng với chiếc cần câu làm bộ câu cá. Ông cứ men theo dọc bờ sông gần làng, đi lại trông chừng. Khi thấy một người đàn bà ngồi trên bờ vắng đang ôm mặt khóc thút thít, ông biết ý vội tiến đến gần, có ý chìa giỏ cho nàng thấy và nói:

– Chị này ngồi tránh đi chỗ khác cho tôi câu cá nào.

Người đàn bà đó đúng là vợ anh chàng bán vải. Nàng ngước mắt trông lên thấy có một người đàn ông đầu đã hai thứ tóc mà lại mang chiếc giỏ rách đi câu. Nàng tự nghĩ: – “Người nào đây ngu quá là ngu. Chồng mình tuy khờ dại nhưng cũng chưa đến nỗi này”. Rồi nàng kết luận: – “Vậy ra chồng mình vẫn còn có những chỗ hơn người”. Nghĩ vậy, nàng bỏ ý định tự tử mà trở về nhà[1].

KHẢO DỊ

Truyện này cùng một cốt truyện với truyện Anh chồng ngốc ở miền Bắc, tuy mỗi bên có một số hình tượng khác nhau:

Ở Bắc-ninh có cô gái thông minh lấy phải anh chồng đần độn con một phú ông.

Một hôm vợ bảo chồng đi chợ bán con chó nhà. Vợ dặn: – “Quan tám tiền ngay, quan tư tiền chịu”. Khi nghe hắn đòi như vậy, ai cũng cho là ngốc: mua tiền mặt lại đắt hơn mua chịu. Một cụ đồ nghe hắn đòi, nghĩ bụng: – “Ý muốn của người bán chó là bán chịu để có dịp đi đòi tiền mà thăm con chó của mình, như vậy là người có nghĩa”. Bèn mua chịu. Nhưng địa chỉ của cụ đồ là: “Tìm đến một làng đầu làng có “hữu thủy vô ngư, hữu ngư vô thủy”, vào một nhà có “hữu kim vô chỉ, hữu chỉ vô kim”. Cũng như truyện trên, khi đi đòi tiền người mua chịu, hắn không biết đàng nào mà tìm, đành về khóc với vợ. Vợ giúp hắn đi tìm, bảo đến làng nào đầu làng có giếng (hữu thủy vô ngư), lại có điếm canh có mõ cá (hữu ngư vô thủy); rồi tìm đến nhà nào có rào găng (hữu kim vô chỉ), có dây tơ hồng (hữu chỉ vô kim).

Ở đây cũng có câu chuyện cụ đồ mời ăn cơm và gửi quà về biếu vợ nhưng quà tặng là một gói cơm nắm gạo tám xoan, giữa có nhét mấy quả cà ủng. Vợ hắn nhận gói cơm biết ý nghĩa kín đáo: – “Tiếc thay hạt gạo tám xoan; Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà”. Khác với truyện trước, người đàn bà này không có ý định trẫm mình mà chỉ định bỏ nhà ra đi. Khi đến sông thì đã có ai cất mất ván cầu, gần đó thấy có một cụ đồ đang lội bì bõm, hỏi thì cụ trả lời là đi tìm một cái kim: “Cái kim là vật bao nhiêu mà cụ mất công như vậy?”. – “Nhưng nó là vật kỷ niệm của vợ tôi; cần phải có thủy có chung chứ”. Cô gái thông minh suy nghĩ lại, bỏ ý định trên[2].

Người Nùng có truyện Chàng ngốc đi học kết hợp một phần truyện Cuộc phiêu lưu của chàng Ngốc (số 190, tập V) với một số tình tiết của hai truyện trên:

Ngốc mồ côi bố, xách túi bạc đi tìm thầy để học. Theo hai ông thầy thuốc rong chuyên làm cái việc đánh cồng “phèng phèng”; sau ba năm chỉ nhớ có môn thuốc chữa mắt. Trở về chữa lành cho con gái phú ông đau mắt đã ba năm, được phú ông gả cho làm vợ. Từ đó cứ nằm dài ở nhà. Vợ giục đi buôn, trước hãy “buôn đầu chợ, ăn cuối chợ”. Hắn ta mua bánh ở đầu chợ ra khỏi chợ thì ăn hết, rồi về. Lần sau, vợ bảo đi bán vải. Hắn hỏi: – “Bán ở đâu?”. – “Chỗ nào đông người thì bán”. Thấy nhà trường đông người hắn đặt gánh chào nhưng chả ai hỏi cả. Sau ba tiếng trống học trò vào học, hắn thấy vắng lại quảy hàng về. Vợ nghe kể bực mình, một hôm trao cho chồng thoi vàng bảo đổi bạc bảo chuẩn bị đi buôn chuyến khác. Thấy ngỗng phủ nhau giữa sông, hắn thương con vật bị chìm bèn thuận tay cầm thoi vàng ném. Mất vàng nhưng về lại khoe với vợ là đã cứu được con ngỗng. Vợ thân thân trách phận lấy phải chồng ngu đần bèn bỏ đi. Thấy hai chàng trai cắm một bông hoa “coi” trắng trên một bãi phân trâu, nàng biết là họ mỉa mình. Vì có câu hát “Bióoc noong đây lại chắp khỉ vài, Mi cần sau chỉnh vải pây đai” (Hoa em đẹp cắm bãi phân trâu, không người săn sóc héo đi không). Càng thêm tủi phận, nàng toan tự vẫn, đến bến gặp một người đang múc nước sông lên để sàng – “Sàng nước để làm gì vậy?”. Nàng hỏi. – “Để tìm cái kim khâu”. Nàng nghĩ bụng – “Vậy ra trong thiên hạ còn có kẻ ngu hơn chồng ta”.

Bèn trở về cố công dạy chồng học. Cuối cùng chồng đỗ trạng[3].

Đồng bào Cham-pa có truyện Trạng, trong đó có một đoạn nói Trạng đi tìm một người vợ lý tưởng mà mãi chưa gặp được người nào vừa ý. Một hôm đến bờ một con sông, muốn sang mà không thấy có đò, cũng không thấy bến. Trong khi chưa biết hỏi ai, bỗng gặp một cô gái ở bên kia bờ. Trạng cất tiếng hỏi thì cô gái đáp: -“Hỏi người đi cùng thì rõ”. Trạng thấy người cùng đi với mình không có ai khác hơn ngoài một cái rựa cán dài mà mình cầm tay, mới hiểu ra là dùng rựa dò đường sẽ lội được. Biết cô gái khôn ngoan, qua sông, Trạng hỏi nhà để ghé chơi. Cô gái chỉ nói mấy câu: – “Cổng làng có một giếng thơi. Một người có chửa đứng chơi trước làng. Nhà thì giữa đám mây xanh. Trên từng mây trắng, xung quanh sao vàng”. Trạng không hiểu ra sao, bèn đi theo cô gái. Cô gái nói: – “Tôi đang đi”. Trạng hiểu ra là muốn đến nhà cô gái thì phải đi ngược đường. Trạng tìm đến một làng trước cổng có giếng nước, hai bên bờ giếng có cây chuối sắp trổ hoa. Trạng lại tìm vào một ngôi nhà xung quanh có giàn mướp hoa vàng, trên mái nhà là dây bầu hoa trắng, biết là nhà cô gái[4]. (Xem thêm Khảo dị, truyện Em bé thông minh, số 80).

Người In-đô-nê-xi-a (Indonesia) có truyện Người chồng tội phạm, đoạn đầu có cùng mô-típ với các truyện trên:

Ở Xu-ma-tơ-ra (Sumatra) có 4 cô gái xinh xắn thông minh hẹn nhau nếu không gặp được người thông minh thì không lấy làm chồng. Gặp một chàng trai, họ mời đến chơi nhà. – “Nhà các cô ở đâu?”. Chàng trai hỏi. Cô thứ nhất trỏ vào tóc, cô thứ hai trỏ vào lông mày, cô thứ ba trỏ vào hai vú, cô thứ tư lấy tay đập nhẹ vào váy. Nói đoạn mỗi cô đi một ngả. Anh chàng không làm sao hiểu được. Đang suy nghĩ bỗng gặp một người có tội bị trói phơi nắng, lưng còm, máu me đầm đìa. Sau khi xin nước giải khát, người bị trói hỏi: – “Trông anh có việc gì bận tâm thì phải?” Anh kia kể lại mấy câu đố của bốn cô gái. Người ấy nói: – “Khó gì. Nhà cô thứ nhất kéo sợi, nhà cô thứ hai có hàng rào trúc, nhà cô thứ ba trước cửa có cây thanh yên có hai quả, nhà cô thứ tư có khung dệt vải”. Anh kia tìm đến quả đúng. Bốn cô hỏi ai bày cho, anh nói thật. – “Thế thì, anh không phải người chúng tôi mong đợi”. Anh kia thẹn bỏ đi.

Đoạn sau truyện phát triển gần giống với truyện Người ăn trộm và bốn cô gái của người Khơ-me (Khmer). (Xem Khảo dị, truyện số 107, tập III). Ở đây bốn cô góp tiền lên quan chuộc tội cho anh bị trói về. Sau đó cô thứ nhất vào rừng tìm thuốc, cô thứ hai tìm kiến thức ăn ngon, cô thứ ba trổ tài nấu nướng, cô thứ tư lau rửa vết thương. Lành mạnh rồi, các cô hỏi anh vì sao bị tội. Anh đáp: – “Bạn tôi có bố mẹ già, con dại, trót đi ăn trộm để lấy tiền về nuôi. Tôi phải nhận tội thay để cứu anh ấy và gia đình”. – “Sao lại chơi bời với người xấu?”. – “Không phải xấu đâu. Ít hôm nữa việc xong, anh ấy sẽ đến chịu tội thay”.

Bốn cô thấy anh vừa có tài lại có đức, bèn ngỏ lời xin anh chọn một người làm vợ. – “Biết chọn ai bây giờ?”, anh đáp. Trong khi bốn cô tranh công nhau thì người bạn quý đến chịu tội thay. Bốn cô nhờ người này phân xử hộ. Hắn đáp: – “Cô tìm thuốc có tình cảm của một người bố, cô tìm thức ăn có tình cảm của một người chị, cô nấu nướng là mẹ, cô chăm nom săn sóc thì mới đúng là tình cảm của người vợ đối với chồng”. Bốn cô chịu là phải[5].

Còn nhiều truyện khác nói về những nhân vật thông minh, có thể giải mã những dấu hiệu hoặc những câu nói mang ý nghĩa như là một câu đố, gần giống với nội dung của những truyện trên. Ví dụ truyện của Ả-rập (Arabie):

Một người trẻ tuổi thông minh, có ý định đi tìm một người đàn bà thông minh để lấy làm vợ. Dọc đường gặp một ông lão làm bạn đường. Đang đi anh hỏi: – “Ông mang tôi hay tôi mang ông?”. Đáp: – “Hỏi gì lạ vậy? Tôi cưỡi ngựa còn anh cũng vậy, còn mang cái gì”. Người kia không nói gì. Đến một đồng lúa tốt, anh hỏi: -“Mùa này có thể được ăn hay không?”. Đáp: -“Ngốc thật. Sắp gặt mà còn hỏi”. Lại đi nữa, thấy một đám ma anh hỏi: -“Người nằm trên đó chết hay không chết?”. -“Chẳng ai dớ dẩn như chú.” Tuy vậy đến chỗ chia tay, lão cũng mời anh về nhà nghỉ. Con gái lão hỏi bố về người khách, lão đáp: – “Ồ, đó là một thứ dở hơi, hỏi những câu ngây ngô, chả ra làm sao cả”. Rồi kể lại cho con nghe. Nghe xong, cô gái nói: – “Chả phải dở hơi đâu bố ạ! Về câu hỏi thứ nhất có nghĩa là: ông kể cho tôi hay tôi kể cho ông nghe một câu chuyện để đường bớt dài. Về câu thứ hai nghĩa là chủ ruộng đã “bán non” lúa và đã ăn mất số tiền ấy chưa? Về câu thứ ba nghĩa là người chết ấy có được kẻ hậu sinh nhắc đến trong ký ức hay không. Lão bèn chạy ra giảng cho khách biết. Chàng trẻ tuổi hỏi: -“Đây không phải ông nghĩ ra, vậy thì ai bày cho ông?”. -“Một cô gái”. Cuối cùng anh chàng kết duyên với con gái lão[6].

[1] Theo Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn.

[2] Truyện cổ dân gian Việt-nam, tập II

[3] Theo Hoàng Quyết. Truyện cổ Tày Nùng.

[4] Truyện cổ dân gian Việt-nam, tập I. Theo chúng tôi có lẽ không nên dịch mấy câu đối đáp thành thơ lục bát làm mất đi sắc thái riêng của ngôn ngữ Cham-pa.

[5] Theo Đinh Tú. Truyện cổ tích Nam -dương.

[6] Theo Bát-xê (Basset). Nghìn lẻ một truyện cổ tích, truyện kể và truyền thuyết – rập, quyển II.

Xưa, có một người đàn bà làm nghề dệt vải. Nàng bản tính thông minh tháo vát, nhưng lấy phải người chồng đần độn không làm được nghề gì nên thân. Một hôm, vợ đưa cho chồng mấy tấm vải bảo mang ra chợ bán. Vợ dặn: – “Nếu không được bốn quan mỗi tấm thì đừng có bán, nghe!”

Chồng mang vải ra chợ đi khắp nơi, rao khản cả cổ mà chả có ai mua cả. Mãi về sau có một ông cụ già mua cho hai tấm. Nhưng ông ta lại không mang tiền theo. Ông cụ bảo hắn:

– Chốc nữa anh đến nhà tôi lấy tiền nhé! Nhà tôi cũng ở trong xã này thôi.

Hắn hỏi:

– Nhà ông ở đâu?

– Tôi ở chỗ: “chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi tò le, chỗ cây tre một mắt”. Đến đó tôi sẽ trả tiền ngay.

Đến chiều hắn đi tìm người mua hang chịu của hắn. Gặp ai hắn cũng hỏi thăm “chỗ chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi tò le, chỗ cây tre một mắt” là ở đâu, nhưng chẳng một ai biết thế nào mà trả lời. Người ta chỉ nói với hắn:

– Thôi rồi, anh mắc phải tay bịp bợm nào đấy thôi!

Hắn đi loanh quanh mãi đến tối mịt không tìm được nhà, đành phải trở về ôm mặt hu hu khóc.

Vợ hắn hỏi tại sao thì hắn kể cho vợ nghe tất cả câu chuyện. Người vợ bảo:

– Cũng dễ tìm thôi! “Chỗ chợ đông không ai bán” là cái nhà trường, “chỗ kèn thổi tò le” là bụi lau vì khi gió thổi nghe như tiếng kèn sáo, “chỗ cây tre một mắt” là bụi hành hay tỏi gì đó. Vậy anh phải kiếm người đó ở một cái trường học, gần đó có bụi lau, trước cửa có vườn trồng hành tỏi.

Qua ngày sau, anh chồng lại cất bước đi tìm. Quả đúng như lời người vợ nói, hắn gặp ông lão hôm qua. Đó là một thầy đồ dạy học trò. Thấy hắn đến, ông đồ liền hỏi xem nhờ ai mách cho mà biết được chỗ ở của mình. Hắn đáp: – “Tôi tìm ông suốt cả một buổi chiều hôm qua. May nhờ có vợ tôi mách cho đấy”. Ông thầy nghĩ: -“Người đàn bà này hẳn là một cô gái thông minh tài trí, ít người sánh kịp”. Hôm đó nhân nhà có giỗ, ông đồ mời hắn ngồi lại ăn cỗ. Hắn ta cắm đầu chén một bữa no nê lại được ông đồ gửi phần về biếu vợ. Nhưng khi trả tiền, ông đồ còn gửi hắn một gói khác bảo đưa cho vợ. Trong đó chỉ có một cục phân trâu ở giữa có cắm một cánh hoa nhài. Hắn ta chẳng hiểu gì cả cứ việc cầm lấy về nhà.

Người vợ trông thấy, hiểu ý ông thầy muốn mỉa mai mình:

Con vợ khôn lấy thằng chồng dại

Như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu

Càng ngẫm nghĩ về “gói quà”, nàng càng buồn bực, trách chồng dốt nát để mang về cho mình một lời trêu chọc chua cay, rồi nghĩ tới duyên phận hẩm hiu, nước mắt nàng lã chã. Nàng vứt cái thoi, bụng bảo dạ: – “Thân thế ta thật chả ra gì. Trên đời có bao nhiêu người khôn ngoan tài giỏi, còn ta thì lấy nhầm phải một thằng chồng u mê đần độn!”. Trong một cơn phiền muộn, nàng chạy ra bờ sông, toan nhảy xuống dòng nước trẫm mình cho rồi một đời.

Lại nói chuyện ông thầy dạy học, sau khi tiễn chân anh chàng bán vải ra khỏi cửa, nghĩ đi nghĩ lại thấy sự trêu chọc ác nghiệt của mình thật là không phải. Ông đâm ra lo câu chuyện đưa tới một kết quả không hay: – “Không biết chừng người đàn bà ấy phẫn chí liều thân hoại thể thì ta sẽ có tội rất lớn với danh giáo”. Nghĩ thế, ông đồ bèn đi mượn một cái giỏ đựng cá thủng trôn, rồi mang ra bờ sông cùng với chiếc cần câu làm bộ câu cá. Ông cứ men theo dọc bờ sông gần làng, đi lại trông chừng. Khi thấy một người đàn bà ngồi trên bờ vắng đang ôm mặt khóc thút thít, ông biết ý vội tiến đến gần, có ý chìa giỏ cho nàng thấy và nói:

– Chị này ngồi tránh đi chỗ khác cho tôi câu cá nào.

Người đàn bà đó đúng là vợ anh chàng bán vải. Nàng ngước mắt trông lên thấy có một người đàn ông đầu đã hai thứ tóc mà lại mang chiếc giỏ rách đi câu. Nàng tự nghĩ: – “Người nào đây ngu quá là ngu. Chồng mình tuy khờ dại nhưng cũng chưa đến nỗi này”. Rồi nàng kết luận: – “Vậy ra chồng mình vẫn còn có những chỗ hơn người”. Nghĩ vậy, nàng bỏ ý định tự tử mà trở về nhà[1].

KHẢO DỊ

Truyện này cùng một cốt truyện với truyện Anh chồng ngốc ở miền Bắc, tuy mỗi bên có một số hình tượng khác nhau:

Ở Bắc-ninh có cô gái thông minh lấy phải anh chồng đần độn con một phú ông.

Một hôm vợ bảo chồng đi chợ bán con chó nhà. Vợ dặn: – “Quan tám tiền ngay, quan tư tiền chịu”. Khi nghe hắn đòi như vậy, ai cũng cho là ngốc: mua tiền mặt lại đắt hơn mua chịu. Một cụ đồ nghe hắn đòi, nghĩ bụng: – “Ý muốn của người bán chó là bán chịu để có dịp đi đòi tiền mà thăm con chó của mình, như vậy là người có nghĩa”. Bèn mua chịu. Nhưng địa chỉ của cụ đồ là: “Tìm đến một làng đầu làng có “hữu thủy vô ngư, hữu ngư vô thủy”, vào một nhà có “hữu kim vô chỉ, hữu chỉ vô kim”. Cũng như truyện trên, khi đi đòi tiền người mua chịu, hắn không biết đàng nào mà tìm, đành về khóc với vợ. Vợ giúp hắn đi tìm, bảo đến làng nào đầu làng có giếng (hữu thủy vô ngư), lại có điếm canh có mõ cá (hữu ngư vô thủy); rồi tìm đến nhà nào có rào găng (hữu kim vô chỉ), có dây tơ hồng (hữu chỉ vô kim).

Ở đây cũng có câu chuyện cụ đồ mời ăn cơm và gửi quà về biếu vợ nhưng quà tặng là một gói cơm nắm gạo tám xoan, giữa có nhét mấy quả cà ủng. Vợ hắn nhận gói cơm biết ý nghĩa kín đáo: – “Tiếc thay hạt gạo tám xoan; Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà”. Khác với truyện trước, người đàn bà này không có ý định trẫm mình mà chỉ định bỏ nhà ra đi. Khi đến sông thì đã có ai cất mất ván cầu, gần đó thấy có một cụ đồ đang lội bì bõm, hỏi thì cụ trả lời là đi tìm một cái kim: “Cái kim là vật bao nhiêu mà cụ mất công như vậy?”. – “Nhưng nó là vật kỷ niệm của vợ tôi; cần phải có thủy có chung chứ”. Cô gái thông minh suy nghĩ lại, bỏ ý định trên[2].

Người Nùng có truyện Chàng ngốc đi học kết hợp một phần truyện Cuộc phiêu lưu của chàng Ngốc (số 190, tập V) với một số tình tiết của hai truyện trên:

Ngốc mồ côi bố, xách túi bạc đi tìm thầy để học. Theo hai ông thầy thuốc rong chuyên làm cái việc đánh cồng “phèng phèng”; sau ba năm chỉ nhớ có môn thuốc chữa mắt. Trở về chữa lành cho con gái phú ông đau mắt đã ba năm, được phú ông gả cho làm vợ. Từ đó cứ nằm dài ở nhà. Vợ giục đi buôn, trước hãy “buôn đầu chợ, ăn cuối chợ”. Hắn ta mua bánh ở đầu chợ ra khỏi chợ thì ăn hết, rồi về. Lần sau, vợ bảo đi bán vải. Hắn hỏi: – “Bán ở đâu?”. – “Chỗ nào đông người thì bán”. Thấy nhà trường đông người hắn đặt gánh chào nhưng chả ai hỏi cả. Sau ba tiếng trống học trò vào học, hắn thấy vắng lại quảy hàng về. Vợ nghe kể bực mình, một hôm trao cho chồng thoi vàng bảo đổi bạc bảo chuẩn bị đi buôn chuyến khác. Thấy ngỗng phủ nhau giữa sông, hắn thương con vật bị chìm bèn thuận tay cầm thoi vàng ném. Mất vàng nhưng về lại khoe với vợ là đã cứu được con ngỗng. Vợ thân thân trách phận lấy phải chồng ngu đần bèn bỏ đi. Thấy hai chàng trai cắm một bông hoa “coi” trắng trên một bãi phân trâu, nàng biết là họ mỉa mình. Vì có câu hát “Bióoc noong đây lại chắp khỉ vài, Mi cần sau chỉnh vải pây đai” (Hoa em đẹp cắm bãi phân trâu, không người săn sóc héo đi không). Càng thêm tủi phận, nàng toan tự vẫn, đến bến gặp một người đang múc nước sông lên để sàng – “Sàng nước để làm gì vậy?”. Nàng hỏi. – “Để tìm cái kim khâu”. Nàng nghĩ bụng – “Vậy ra trong thiên hạ còn có kẻ ngu hơn chồng ta”.

Bèn trở về cố công dạy chồng học. Cuối cùng chồng đỗ trạng[3].

Đồng bào Cham-pa có truyện Trạng, trong đó có một đoạn nói Trạng đi tìm một người vợ lý tưởng mà mãi chưa gặp được người nào vừa ý. Một hôm đến bờ một con sông, muốn sang mà không thấy có đò, cũng không thấy bến. Trong khi chưa biết hỏi ai, bỗng gặp một cô gái ở bên kia bờ. Trạng cất tiếng hỏi thì cô gái đáp: -“Hỏi người đi cùng thì rõ”. Trạng thấy người cùng đi với mình không có ai khác hơn ngoài một cái rựa cán dài mà mình cầm tay, mới hiểu ra là dùng rựa dò đường sẽ lội được. Biết cô gái khôn ngoan, qua sông, Trạng hỏi nhà để ghé chơi. Cô gái chỉ nói mấy câu: – “Cổng làng có một giếng thơi. Một người có chửa đứng chơi trước làng. Nhà thì giữa đám mây xanh. Trên từng mây trắng, xung quanh sao vàng”. Trạng không hiểu ra sao, bèn đi theo cô gái. Cô gái nói: – “Tôi đang đi”. Trạng hiểu ra là muốn đến nhà cô gái thì phải đi ngược đường. Trạng tìm đến một làng trước cổng có giếng nước, hai bên bờ giếng có cây chuối sắp trổ hoa. Trạng lại tìm vào một ngôi nhà xung quanh có giàn mướp hoa vàng, trên mái nhà là dây bầu hoa trắng, biết là nhà cô gái[4]. (Xem thêm Khảo dị, truyện Em bé thông minh, số 80).

Người In-đô-nê-xi-a (Indonesia) có truyện Người chồng tội phạm, đoạn đầu có cùng mô-típ với các truyện trên:

Ở Xu-ma-tơ-ra (Sumatra) có 4 cô gái xinh xắn thông minh hẹn nhau nếu không gặp được người thông minh thì không lấy làm chồng. Gặp một chàng trai, họ mời đến chơi nhà. – “Nhà các cô ở đâu?”. Chàng trai hỏi. Cô thứ nhất trỏ vào tóc, cô thứ hai trỏ vào lông mày, cô thứ ba trỏ vào hai vú, cô thứ tư lấy tay đập nhẹ vào váy. Nói đoạn mỗi cô đi một ngả. Anh chàng không làm sao hiểu được. Đang suy nghĩ bỗng gặp một người có tội bị trói phơi nắng, lưng còm, máu me đầm đìa. Sau khi xin nước giải khát, người bị trói hỏi: – “Trông anh có việc gì bận tâm thì phải?” Anh kia kể lại mấy câu đố của bốn cô gái. Người ấy nói: – “Khó gì. Nhà cô thứ nhất kéo sợi, nhà cô thứ hai có hàng rào trúc, nhà cô thứ ba trước cửa có cây thanh yên có hai quả, nhà cô thứ tư có khung dệt vải”. Anh kia tìm đến quả đúng. Bốn cô hỏi ai bày cho, anh nói thật. – “Thế thì, anh không phải người chúng tôi mong đợi”. Anh kia thẹn bỏ đi.

Đoạn sau truyện phát triển gần giống với truyện Người ăn trộm và bốn cô gái của người Khơ-me (Khmer). (Xem Khảo dị, truyện số 107, tập III). Ở đây bốn cô góp tiền lên quan chuộc tội cho anh bị trói về. Sau đó cô thứ nhất vào rừng tìm thuốc, cô thứ hai tìm kiến thức ăn ngon, cô thứ ba trổ tài nấu nướng, cô thứ tư lau rửa vết thương. Lành mạnh rồi, các cô hỏi anh vì sao bị tội. Anh đáp: – “Bạn tôi có bố mẹ già, con dại, trót đi ăn trộm để lấy tiền về nuôi. Tôi phải nhận tội thay để cứu anh ấy và gia đình”. – “Sao lại chơi bời với người xấu?”. – “Không phải xấu đâu. Ít hôm nữa việc xong, anh ấy sẽ đến chịu tội thay”.

Bốn cô thấy anh vừa có tài lại có đức, bèn ngỏ lời xin anh chọn một người làm vợ. – “Biết chọn ai bây giờ?”, anh đáp. Trong khi bốn cô tranh công nhau thì người bạn quý đến chịu tội thay. Bốn cô nhờ người này phân xử hộ. Hắn đáp: – “Cô tìm thuốc có tình cảm của một người bố, cô tìm thức ăn có tình cảm của một người chị, cô nấu nướng là mẹ, cô chăm nom săn sóc thì mới đúng là tình cảm của người vợ đối với chồng”. Bốn cô chịu là phải[5].

Còn nhiều truyện khác nói về những nhân vật thông minh, có thể giải mã những dấu hiệu hoặc những câu nói mang ý nghĩa như là một câu đố, gần giống với nội dung của những truyện trên. Ví dụ truyện của Ả-rập (Arabie):

Một người trẻ tuổi thông minh, có ý định đi tìm một người đàn bà thông minh để lấy làm vợ. Dọc đường gặp một ông lão làm bạn đường. Đang đi anh hỏi: – “Ông mang tôi hay tôi mang ông?”. Đáp: – “Hỏi gì lạ vậy? Tôi cưỡi ngựa còn anh cũng vậy, còn mang cái gì”. Người kia không nói gì. Đến một đồng lúa tốt, anh hỏi: -“Mùa này có thể được ăn hay không?”. Đáp: -“Ngốc thật. Sắp gặt mà còn hỏi”. Lại đi nữa, thấy một đám ma anh hỏi: -“Người nằm trên đó chết hay không chết?”. -“Chẳng ai dớ dẩn như chú.” Tuy vậy đến chỗ chia tay, lão cũng mời anh về nhà nghỉ. Con gái lão hỏi bố về người khách, lão đáp: – “Ồ, đó là một thứ dở hơi, hỏi những câu ngây ngô, chả ra làm sao cả”. Rồi kể lại cho con nghe. Nghe xong, cô gái nói: – “Chả phải dở hơi đâu bố ạ! Về câu hỏi thứ nhất có nghĩa là: ông kể cho tôi hay tôi kể cho ông nghe một câu chuyện để đường bớt dài. Về câu thứ hai nghĩa là chủ ruộng đã “bán non” lúa và đã ăn mất số tiền ấy chưa? Về câu thứ ba nghĩa là người chết ấy có được kẻ hậu sinh nhắc đến trong ký ức hay không. Lão bèn chạy ra giảng cho khách biết. Chàng trẻ tuổi hỏi: -“Đây không phải ông nghĩ ra, vậy thì ai bày cho ông?”. -“Một cô gái”. Cuối cùng anh chàng kết duyên với con gái lão[6].

[1] Theo Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn.

[2] Truyện cổ dân gian Việt-nam, tập II

[3] Theo Hoàng Quyết. Truyện cổ Tày Nùng.

[4] Truyện cổ dân gian Việt-nam, tập I. Theo chúng tôi có lẽ không nên dịch mấy câu đối đáp thành thơ lục bát làm mất đi sắc thái riêng của ngôn ngữ Cham-pa.

[5] Theo Đinh Tú. Truyện cổ tích Nam -dương.

[6] Theo Bát-xê (Basset). Nghìn lẻ một truyện cổ tích, truyện kể và truyền thuyết – rập, quyển II.

Chọn tập
Bình luận