Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Con cóc liếm nước mưa

Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Chọn tập

Có hai người bạn Ân và Nghĩa cùng làm nghề sơn tràng. Thường ngày họ vào trong rừng sâu tìm cây đốn ngã xuống, phạt cành lá, rồi cho trâu kéo ra bán cho bọn lái gỗ. Những ngày lên rừng họ thường làm chung với nhau, và cùng sống cạnh nhau vui vẻ hòa thuận. Sau đó ít lâu Ân lấy vợ. Vợ Ân rất đẹp. Hai vợ chồng sống rất tương đắc.

Nhưng mặt hồ đang phẳng lặng bỗng tự nhiên nổi cơn sóng gió. Trước hạnh phúc của bạn, tâm hồn Nghĩa dần dần trở nên khác trước. Hắn đâm ghen với bạn, oán số kiếp mình. Hắn thường nghĩ bụng: – “Tài trai như mình hơn hẳn nó mọi thứ, thế mà cuộc đời của nó mười, mình không được một”. Trong lòng người đàn ông ấy ngày một chứa đầy ghen ghét và ấm ức.

Rồi một ngày nọ đến kỳ làm việc ở rừng, hai người lại cùng nhau vác búa đi tìm gỗ. Nghĩa lừa Ân đi qua ba ngọn núi cao, sáu thác nước xiết, bảo rằng có người mách cho biết có một cây vàng tâm chừng ba người ôm. Nếu được một cây như thế thì tha hồ mà bắt chẹt bọn lái. Ân tin bạn thực bụng, dấn sâu vào rừng thẳm. Trong khi Ân đang ngửa mặt tìm gỗ quý thì bất thình lình Nghĩa ném ra một sợi dây xiết chặt hai tay Ân lại. Ân giãy giụa cố gắng thoát thân, nhưng sức Nghĩa vốn khỏe như vâm, lại thêm có chủ ý từ trước, nên chỉ trong một lát, Ân đã bị trói gô lại. Ân cầu khẩn:

– Xin anh tha cho tôi! Nếu anh cần dùng tiền nong thế nào, tôi xin chạy đủ số.

Nghĩa nói:

– Tao nói thật cho mày biết, tao muốn lấy vợ mày nhưng nếu để mày sống thì tao làm sao mà lấy được. Vậy tao phải giết mày. Mày có còn điều gì trối lại thì cho cứ nói đi!

Ân trước còn van lạy mong bạn hồi tâm nghĩ lại, nhưng sau thấy kẻ thù của mình đã nhất quyết quá, dù có nói hết hơi cũng không thể lay chuyển lòng lang dạ sói của hắn, nên anh nghiến răng chửi rủa hắn thậm tệ. Giơ cây búa lên, Nghĩa nói:

– Mày cứ yên lòng mà chết đi! Mỗi năm tới ngày này tao sẽ làm lễ cúng cho mày!

Nghĩa định giáng lưỡi búa vào giữa đầu Ân, nhưng cặp mắt đau thương nguyền rủa của Ân giương to lên gặp đôi mắt của hắn làm hắn rợn cả người. Hắn nghĩ: – “Không cần giết, nó cũng phải chết. Không lọt vào hàm cọp thì cũng hết thở vì đói khát mà thôi. Chả có ma nào dám bén mảng tới chốn rừng sâu núi thẳm này làm gì”. Nghĩ thế, hắn ném búa, đem Ân trói giật cánh khỉ vào một thân cây cho loài cọp beo thường đi qua đây kết liễu hộ mình. Xong, Nghĩa trở về nói dối với vợ Ân là chồng chị còn vào rừng sâu kiếm gỗ mấy hôm nữa sẽ về.

Hai hôm sau, Nghĩa lại lên chỗ Ân bị trói xem thử đã chết chưa. Từ đàng xa nhìn tới, Nghĩa thấy Ân vẫn còn cựa, mà đầu thì hơi ngẩng lên cao. Hắn ngạc nhiên tự hỏi thầm: – “Nó đang làm cái gì mà lại ngẩng đâu lên như thế kia nhỉ?”. Vừa lúc hắn nhận ra cái lưỡi của Ân cứ từng lúc lại thè ra ngoài. Thì ra vì khát quá nên Ân đã làm như vậy mong hứng lấy những giọt sương mai rơi từ lá cây xuống, hy vọng duy trì sự sống.

Nghĩa trở về. Hai hôm sau hắn lại lên nữa. Hắn trông thấy rõ ràng Ân đã chết, đầu gục xuống ngực. Lần này Nghĩa về rất yên tâm. Nghĩa phao lên cái tin rằng Ân tự dưng bỏ mình, bỏ quê hương đi làm ăn ở phương xa không tưởng gì đến vợ con làng nước nữa.

Thế rồi Nghĩa thỉnh thoảng lai vãng đến nhà vợ Ân làm bộ hỏi thăm tin tức chồng nàng. Thấy nàng túng thiếu, hắn làm bộ hào hiệp giúp đỡ khi năm quan, khi ba quan không tiếc. Trong lúc chồng đi xa, lại được bạn chồng tận tâm săn sóc, vợ Ân rất cảm động. Nàng chưa từng thấy có một người nào lại tốt bụng đến thế. Cho đến ngày cái tin Ân bị lũ cướp ở biên giới giết chết trong xó rừng đến tai nàng, thì nàng thấy không thể nào lìa Nghĩa được nữa.

Rồi sau đó khi đoạn tang, hai người lấy nhau, và đưa nhau về quê hương của Nghĩa ở một tỉnh xa ngoài Bắc.

*

Hai người ăn ở với nhau thấm thoắt đã được chín mười năm trời. Chồng vẫn không thổ lộ gì với vợ, mà vợ cũng không ngờ vực gì người chồng mới. Nghĩa bây giờ không phải vào rừng đốn gỗ nữa mà là một ông lái buôn bè giàu có: nhà lim sân gạch, kẻ hầu người hạ, cuộc sống rất dễ chịu.

Một buổi chiều hè trời mưa phùn, hai vợ chồng cùng ngồi ăn cơm dưới mái hiên. Bỗng nhiên Nghĩa trông thấy một con cóc đang chống chân bò lại gốc cây cau, dựng đứng người lên, thè lưỡi để hứng lấy những giọt nước mưa bay qua đầu. Hắn sực nhớ tới cái lưỡi của Ân một ngày xa xôi nào cũng thè ra hứng lấy những giọt sương như con cóc bây giờ. Tự nhiên Nghĩa bật ra một tiếng cười ghê rợn. Người vợ buông đũa sửng sốt nhìn chồng và tò mò hỏi chồng.

– Anh nghĩ gì mà cười thế?

Hắn trả lời ngập ngừng:

– Nhìn thấy con cóc liếm nước mưa tôi sực nhớ tới ngày xưa…

Biết mình lỡ lời, Nghĩa dừng câu chuyện. Thấy vậy, vợ tò mò hỏi gặng. Hắn giấu quanh nhưng giấu một cách vụng về. Vợ ngờ chồng có tình duyên vụng trộm gì đó nên lại càng hỏi dồn. Câu chuyện cuối cùng biến thành một cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng.

Nghĩa bụng bảo dạ: – “Vợ mình ăn ở với mình đã ngần ấy năm trời, từ nghèo khổ đến giàu có, vậy thì dù có biết rõ câu chuyện kia, hẳn cũng chả phàn nàn gì mình, mà biết đâu lại chẳng thương mình hơn vì thấy mình phải vượt qua lắm nỗi khó khăn mới đến được hạnh phúc ngày nay”. Nghĩ thế, hắn liền dặn vợ giữ kín câu chuyện sắp nói, rồi thuận miệng kể toạc ra tất cả mọi điều bí ẩn ngày xưa.

Người vợ ngồi nghe trở nên trầm ngâm yên lặng. Nàng thấy kẻ ngồi trước mặt mình không còn là loài người. Tất cả lòng tử tế, sự âu yếm của giống sài lang ấy từ trước tới nay toàn là giả dối. Nàng thương xót người chồng yêu quý chỉ vì đứa bất lương phản bạn mà chết một cách oan khốc. Tuy không tỏ thái độ gì ngay nhưng trong lòng nàng có cả một đống lửa đang ngày một bốc lên ngùn ngụt.

Một hôm nhằm ngày giỗ Ân – ngày giỗ mà Nghĩa vẫn không quên bày lễ cúng hàng năm như lời hứa – người đàn bà đi chợ mua rượu thịt về cúng vong hồn người bạc mệnh. Sau khi lễ tất, hai vợ chồng cùng ngồi vào ăn. Nàng cố chuốc cho Nghĩa uống thật nhiều. Khi đứa gian ác đã thật sự say gục xuống chiếu, nàng trói chặt hắn vào giường. Rồi cầm một con dao bầu đã mài sẵn, nàng rạch bụng hắn lấy quả tim bỏ vào đĩa, đặt lên bàn thờ cúng chồng một lần nữa.

Đoạn nàng đến công đường tự thú[1].

KHẢO DỊ

Đồng bào Cham-pa có truyện giống hệt với truyện trên về kết cấu và về hình tượng con cóc thè lưỡi.

Có hai người thanh niên cùng một làng: một người tính ác hay gây gổ, không ai chơi với, cũng không người đàn bà nào chịu lấy làm vợ; một người hiền lành hay giúp người thì cả làng ai cũng mến. Sau đó người hiền lấy vợ. Vợ chàng là một cô gái xinh trong vùng làm cho anh chàng kia ganh tị. Vợ chồng sau đó sinh được một trai.

Một hôm người ác rủ người hiền vào rừng sâu đào con kỳ nhông làm thức ăn. Mãi mới tìm được một hang, nhưng đào rất mệt vì hang lắm ngóc ngách. Người ác đào được một hồi kêu mệt, nghỉ tay nhường cho người kia đào. Hiền cố công đào mãi, lúc bắt được con kỳ nhông là lúc sức đã kiệt. Vừa nằm xuống thì anh bị người bạn ác xông tới trói vào gốc cây và nhét cỏ vào mồm, nhưng cũng như truyện của ta, hắn để vậy cho chết chứ không giết ngay. Về đến nhà, hắn nói là bạn bị hổ vồ. Thế rồi hắn cũng làm bộ thương xót, chu cấp cho vợ con bạn. Được mấy bữa hắn lại lên rừng, thì thấy người bị trói đã nhè được cỏ ra khỏi mồm và đang thè lưỡi. Thấy người ác đến, người hiền gật đầu ra ý xin tha, nhưng hắn lắc đầu nói: – “Vợ mày sắp về tay tao, tao không thể để mày sống được!” Nói rồi bỏ về.

Ba năm mãn tang, hắn lấy được vợ bạn. Một hôm thấy một con cóc thè lưỡi hắn cũng buột miệng nói câu nói làm cho vợ nghi ngờ, hỏi gạn mãi. Sau cùng hắn nghĩ rằng ván đã đóng thuyền nói ra cũng chẳng hại gì, nên cũng thú thật với vợ. Vợ đem việc ấy trình làng; làng bắt hắn đưa đường vào tìm hài cốt người bạc mệnh. Rồi đó, làng trói hắn lại, làm đuốc cho người đàn bà đốt làm đám cho chồng[2].

Đồng bào Ha-lang có truyện Sự tích núi Yang-kô (đầu thần) hay là truyện Đầu nó vỡ rồi cũng có những nét gần gụi với hai truyện trên:

Có hai người bạn chơi thân với nhau. Một người có vợ đẹp vừa mắt người kia. Người sau này bèn nảy âm mưu hại bạn để được lấy vợ bạn. Một hôm hai người rủ nhau đi săn. Đến một hòn đá cao trên đỉnh núi, tên gian ác xui bạn trèo lên để nhìn xa ngắm cảnh cho thích thú. Người kia trèo, không may bị trượt ngã, đầu va vào đá; hắn reo lên “Đầu nó vỡ rồi!” rồi bỏ bạn lại mà về, báo tin cho mọi người biết rằng bạn đã chết. Sau đó hắn lấy vợ bạn. Nhưng khác với hai truyện trên là người bạn lại không chết, nhờ có thần kịp thời giúp đỡ nên chỉ bị thương, sau đó mò mẫm lê về đến một túp lều được người ở đây chữa chạy, chăm sóc hơn một tháng thì lành. Trở về thấy bạn đã chiếm mất vợ, người ấy đánh bạn vỡ đầu chết, rồi đuổi vợ đi, bắt phải phạt vạ cho mình. Nay hòn núi ấy còn mang tên “Đầu nó vỡ rồi”, hay là Yang-kô[3].

[1] Theo báo Tràng an.

[2] Theo lời kể của đồng bào Phú-yên .

[3] Theo Truyện cổ Tây-nguyên.

Có hai người bạn Ân và Nghĩa cùng làm nghề sơn tràng. Thường ngày họ vào trong rừng sâu tìm cây đốn ngã xuống, phạt cành lá, rồi cho trâu kéo ra bán cho bọn lái gỗ. Những ngày lên rừng họ thường làm chung với nhau, và cùng sống cạnh nhau vui vẻ hòa thuận. Sau đó ít lâu Ân lấy vợ. Vợ Ân rất đẹp. Hai vợ chồng sống rất tương đắc.

Nhưng mặt hồ đang phẳng lặng bỗng tự nhiên nổi cơn sóng gió. Trước hạnh phúc của bạn, tâm hồn Nghĩa dần dần trở nên khác trước. Hắn đâm ghen với bạn, oán số kiếp mình. Hắn thường nghĩ bụng: – “Tài trai như mình hơn hẳn nó mọi thứ, thế mà cuộc đời của nó mười, mình không được một”. Trong lòng người đàn ông ấy ngày một chứa đầy ghen ghét và ấm ức.

Rồi một ngày nọ đến kỳ làm việc ở rừng, hai người lại cùng nhau vác búa đi tìm gỗ. Nghĩa lừa Ân đi qua ba ngọn núi cao, sáu thác nước xiết, bảo rằng có người mách cho biết có một cây vàng tâm chừng ba người ôm. Nếu được một cây như thế thì tha hồ mà bắt chẹt bọn lái. Ân tin bạn thực bụng, dấn sâu vào rừng thẳm. Trong khi Ân đang ngửa mặt tìm gỗ quý thì bất thình lình Nghĩa ném ra một sợi dây xiết chặt hai tay Ân lại. Ân giãy giụa cố gắng thoát thân, nhưng sức Nghĩa vốn khỏe như vâm, lại thêm có chủ ý từ trước, nên chỉ trong một lát, Ân đã bị trói gô lại. Ân cầu khẩn:

– Xin anh tha cho tôi! Nếu anh cần dùng tiền nong thế nào, tôi xin chạy đủ số.

Nghĩa nói:

– Tao nói thật cho mày biết, tao muốn lấy vợ mày nhưng nếu để mày sống thì tao làm sao mà lấy được. Vậy tao phải giết mày. Mày có còn điều gì trối lại thì cho cứ nói đi!

Ân trước còn van lạy mong bạn hồi tâm nghĩ lại, nhưng sau thấy kẻ thù của mình đã nhất quyết quá, dù có nói hết hơi cũng không thể lay chuyển lòng lang dạ sói của hắn, nên anh nghiến răng chửi rủa hắn thậm tệ. Giơ cây búa lên, Nghĩa nói:

– Mày cứ yên lòng mà chết đi! Mỗi năm tới ngày này tao sẽ làm lễ cúng cho mày!

Nghĩa định giáng lưỡi búa vào giữa đầu Ân, nhưng cặp mắt đau thương nguyền rủa của Ân giương to lên gặp đôi mắt của hắn làm hắn rợn cả người. Hắn nghĩ: – “Không cần giết, nó cũng phải chết. Không lọt vào hàm cọp thì cũng hết thở vì đói khát mà thôi. Chả có ma nào dám bén mảng tới chốn rừng sâu núi thẳm này làm gì”. Nghĩ thế, hắn ném búa, đem Ân trói giật cánh khỉ vào một thân cây cho loài cọp beo thường đi qua đây kết liễu hộ mình. Xong, Nghĩa trở về nói dối với vợ Ân là chồng chị còn vào rừng sâu kiếm gỗ mấy hôm nữa sẽ về.

Hai hôm sau, Nghĩa lại lên chỗ Ân bị trói xem thử đã chết chưa. Từ đàng xa nhìn tới, Nghĩa thấy Ân vẫn còn cựa, mà đầu thì hơi ngẩng lên cao. Hắn ngạc nhiên tự hỏi thầm: – “Nó đang làm cái gì mà lại ngẩng đâu lên như thế kia nhỉ?”. Vừa lúc hắn nhận ra cái lưỡi của Ân cứ từng lúc lại thè ra ngoài. Thì ra vì khát quá nên Ân đã làm như vậy mong hứng lấy những giọt sương mai rơi từ lá cây xuống, hy vọng duy trì sự sống.

Nghĩa trở về. Hai hôm sau hắn lại lên nữa. Hắn trông thấy rõ ràng Ân đã chết, đầu gục xuống ngực. Lần này Nghĩa về rất yên tâm. Nghĩa phao lên cái tin rằng Ân tự dưng bỏ mình, bỏ quê hương đi làm ăn ở phương xa không tưởng gì đến vợ con làng nước nữa.

Thế rồi Nghĩa thỉnh thoảng lai vãng đến nhà vợ Ân làm bộ hỏi thăm tin tức chồng nàng. Thấy nàng túng thiếu, hắn làm bộ hào hiệp giúp đỡ khi năm quan, khi ba quan không tiếc. Trong lúc chồng đi xa, lại được bạn chồng tận tâm săn sóc, vợ Ân rất cảm động. Nàng chưa từng thấy có một người nào lại tốt bụng đến thế. Cho đến ngày cái tin Ân bị lũ cướp ở biên giới giết chết trong xó rừng đến tai nàng, thì nàng thấy không thể nào lìa Nghĩa được nữa.

Rồi sau đó khi đoạn tang, hai người lấy nhau, và đưa nhau về quê hương của Nghĩa ở một tỉnh xa ngoài Bắc.

*

Hai người ăn ở với nhau thấm thoắt đã được chín mười năm trời. Chồng vẫn không thổ lộ gì với vợ, mà vợ cũng không ngờ vực gì người chồng mới. Nghĩa bây giờ không phải vào rừng đốn gỗ nữa mà là một ông lái buôn bè giàu có: nhà lim sân gạch, kẻ hầu người hạ, cuộc sống rất dễ chịu.

Một buổi chiều hè trời mưa phùn, hai vợ chồng cùng ngồi ăn cơm dưới mái hiên. Bỗng nhiên Nghĩa trông thấy một con cóc đang chống chân bò lại gốc cây cau, dựng đứng người lên, thè lưỡi để hứng lấy những giọt nước mưa bay qua đầu. Hắn sực nhớ tới cái lưỡi của Ân một ngày xa xôi nào cũng thè ra hứng lấy những giọt sương như con cóc bây giờ. Tự nhiên Nghĩa bật ra một tiếng cười ghê rợn. Người vợ buông đũa sửng sốt nhìn chồng và tò mò hỏi chồng.

– Anh nghĩ gì mà cười thế?

Hắn trả lời ngập ngừng:

– Nhìn thấy con cóc liếm nước mưa tôi sực nhớ tới ngày xưa…

Biết mình lỡ lời, Nghĩa dừng câu chuyện. Thấy vậy, vợ tò mò hỏi gặng. Hắn giấu quanh nhưng giấu một cách vụng về. Vợ ngờ chồng có tình duyên vụng trộm gì đó nên lại càng hỏi dồn. Câu chuyện cuối cùng biến thành một cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng.

Nghĩa bụng bảo dạ: – “Vợ mình ăn ở với mình đã ngần ấy năm trời, từ nghèo khổ đến giàu có, vậy thì dù có biết rõ câu chuyện kia, hẳn cũng chả phàn nàn gì mình, mà biết đâu lại chẳng thương mình hơn vì thấy mình phải vượt qua lắm nỗi khó khăn mới đến được hạnh phúc ngày nay”. Nghĩ thế, hắn liền dặn vợ giữ kín câu chuyện sắp nói, rồi thuận miệng kể toạc ra tất cả mọi điều bí ẩn ngày xưa.

Người vợ ngồi nghe trở nên trầm ngâm yên lặng. Nàng thấy kẻ ngồi trước mặt mình không còn là loài người. Tất cả lòng tử tế, sự âu yếm của giống sài lang ấy từ trước tới nay toàn là giả dối. Nàng thương xót người chồng yêu quý chỉ vì đứa bất lương phản bạn mà chết một cách oan khốc. Tuy không tỏ thái độ gì ngay nhưng trong lòng nàng có cả một đống lửa đang ngày một bốc lên ngùn ngụt.

Một hôm nhằm ngày giỗ Ân – ngày giỗ mà Nghĩa vẫn không quên bày lễ cúng hàng năm như lời hứa – người đàn bà đi chợ mua rượu thịt về cúng vong hồn người bạc mệnh. Sau khi lễ tất, hai vợ chồng cùng ngồi vào ăn. Nàng cố chuốc cho Nghĩa uống thật nhiều. Khi đứa gian ác đã thật sự say gục xuống chiếu, nàng trói chặt hắn vào giường. Rồi cầm một con dao bầu đã mài sẵn, nàng rạch bụng hắn lấy quả tim bỏ vào đĩa, đặt lên bàn thờ cúng chồng một lần nữa.

Đoạn nàng đến công đường tự thú[1].

KHẢO DỊ

Đồng bào Cham-pa có truyện giống hệt với truyện trên về kết cấu và về hình tượng con cóc thè lưỡi.

Có hai người thanh niên cùng một làng: một người tính ác hay gây gổ, không ai chơi với, cũng không người đàn bà nào chịu lấy làm vợ; một người hiền lành hay giúp người thì cả làng ai cũng mến. Sau đó người hiền lấy vợ. Vợ chàng là một cô gái xinh trong vùng làm cho anh chàng kia ganh tị. Vợ chồng sau đó sinh được một trai.

Một hôm người ác rủ người hiền vào rừng sâu đào con kỳ nhông làm thức ăn. Mãi mới tìm được một hang, nhưng đào rất mệt vì hang lắm ngóc ngách. Người ác đào được một hồi kêu mệt, nghỉ tay nhường cho người kia đào. Hiền cố công đào mãi, lúc bắt được con kỳ nhông là lúc sức đã kiệt. Vừa nằm xuống thì anh bị người bạn ác xông tới trói vào gốc cây và nhét cỏ vào mồm, nhưng cũng như truyện của ta, hắn để vậy cho chết chứ không giết ngay. Về đến nhà, hắn nói là bạn bị hổ vồ. Thế rồi hắn cũng làm bộ thương xót, chu cấp cho vợ con bạn. Được mấy bữa hắn lại lên rừng, thì thấy người bị trói đã nhè được cỏ ra khỏi mồm và đang thè lưỡi. Thấy người ác đến, người hiền gật đầu ra ý xin tha, nhưng hắn lắc đầu nói: – “Vợ mày sắp về tay tao, tao không thể để mày sống được!” Nói rồi bỏ về.

Ba năm mãn tang, hắn lấy được vợ bạn. Một hôm thấy một con cóc thè lưỡi hắn cũng buột miệng nói câu nói làm cho vợ nghi ngờ, hỏi gạn mãi. Sau cùng hắn nghĩ rằng ván đã đóng thuyền nói ra cũng chẳng hại gì, nên cũng thú thật với vợ. Vợ đem việc ấy trình làng; làng bắt hắn đưa đường vào tìm hài cốt người bạc mệnh. Rồi đó, làng trói hắn lại, làm đuốc cho người đàn bà đốt làm đám cho chồng[2].

Đồng bào Ha-lang có truyện Sự tích núi Yang-kô (đầu thần) hay là truyện Đầu nó vỡ rồi cũng có những nét gần gụi với hai truyện trên:

Có hai người bạn chơi thân với nhau. Một người có vợ đẹp vừa mắt người kia. Người sau này bèn nảy âm mưu hại bạn để được lấy vợ bạn. Một hôm hai người rủ nhau đi săn. Đến một hòn đá cao trên đỉnh núi, tên gian ác xui bạn trèo lên để nhìn xa ngắm cảnh cho thích thú. Người kia trèo, không may bị trượt ngã, đầu va vào đá; hắn reo lên “Đầu nó vỡ rồi!” rồi bỏ bạn lại mà về, báo tin cho mọi người biết rằng bạn đã chết. Sau đó hắn lấy vợ bạn. Nhưng khác với hai truyện trên là người bạn lại không chết, nhờ có thần kịp thời giúp đỡ nên chỉ bị thương, sau đó mò mẫm lê về đến một túp lều được người ở đây chữa chạy, chăm sóc hơn một tháng thì lành. Trở về thấy bạn đã chiếm mất vợ, người ấy đánh bạn vỡ đầu chết, rồi đuổi vợ đi, bắt phải phạt vạ cho mình. Nay hòn núi ấy còn mang tên “Đầu nó vỡ rồi”, hay là Yang-kô[3].

[1] Theo báo Tràng an.

[2] Theo lời kể của đồng bào Phú-yên .

[3] Theo Truyện cổ Tây-nguyên.

Chọn tập
Bình luận
720
× sticky