Ngày xưa có hai vợ chồng một nhà nghèo đói nọ, có một đứa con, chừng mười một, mười hai tuổi nhưng thông minh lanh lợi hơn người. Thiếu ăn, nhà ấy thường phải đâm đầu đi vay nợ. Một năm nọ, trời làm đói kém, hai vợ chồng phải vay nhà Bá cả vốn lẫn lãi là ba mươi quan. Tuy hạn vay đã hết, họ vẫn không thể góp đủ số tiền để trả. Chủ nợ mấy lần cho người đến đòi, hai vợ chồng nhà ấy một van nài xin khất.
Một hôm, đích thân cụ Bá tới nhà thúc nợ. Lúc tới nhà thấy đứa bé đang ngồi chơi một mình ở sân, hắn hỏi ngay:
– Bố mẹ mày đâu.
Thấy em bé làm thinh, hắn lại hỏi dồn:
– Có phải bố mẹ mày trốn nợ hay đi đâu thì phải nói cho thật?
Bấy giờ em bé mới lên tiếng:
– Bố tôi đi chém cây sống trồng cây chết. Mẹ tôi đi bán gió mua que.
Nghe nói, cụ Bá đứng ngẩn người, chẳng hiểu ra làm sao cả, lại hỏi dồn một thôi. Em bé tủm tỉm cười:
– Ông cứ đoán đi, dễ lắm mà!
Thấy cụ bá lại hỏi nữa, em bé nói:
– Nếu ông không đoán ra thì phải cho tôi gì, tôi giảng cho.
– Mày cứ giảng đi, nếu đúng, có bao nhiêu tiền nợ nhà mày tao tha cho tất.
– Có thật không? Ông không nói chuyện đưa trâu qua đò đấy chứ.
Cụ Bá dõng dạc:
– Lời tao là lời vàng ngọc, mày lại khinh tao à?
– Nếu thế thì tôi phải đi mời một người làm chứng mới được!
Lão chủ nợ nghĩ bụng: – “Thằng này cũng đáo để lắm, nhưng ta cũng phải kiếm cách gì giã lã với nó cho qua, chả lẽ nói rồi lại thôi”. Vừa thấy có một con mối đang bò ra đớp mồi, lão bèn nói:
– Con mối kia cũng làm chứng được đấy, mày cứ giảng đi, nếu đúng, tao hứa sẽ xóa nợ cho nhà mày.
Bây giờ em bé mới thong thả nói:
– Bô tôi đi cấy, đi cấy chả phải chém cây sống, trồng cây chết là gì. Còn mẹ tôi thì bán quạt mua tre, bán quạt mua tre chả phải “bán gió mua que” là gì.
Thấy em bé giải đáp đúng, cụ Bá khen nó một câu rồi ra về.
*
Mấy hôm sau nữa, cụ Bá lại cho người đến đòi nợ. Lúc này bố em bé ở nhà. Thấy bố nó phải năn nỉ xin khất, em bé nói riêng với bố:
– Bố không cần phải khất khứa gì nữa. Hôm nọ cụ Bá đã hứa cho con tất cả nợ rồi đấy.
Người nhà của cụ Bá mắng:
– Trẻ con nói nhảm nhí, ai lại cho không mày, chứng cớ đâu?
– Có chứng cớ hẳn hoi tôi mới nói.
– Thế thì chứng cớ đâu?
– Trước mặt cụ Bá tôi sẽ đưa.
Cãi nhau một hồi, người đòi nợ tức mình, nói:
– Thôi, tao không thèm nói chuyện với trẻ con. Còn ông, ông hãy liệu trả đi, nếu không thì mời ông lại quan.
Nói đoạn, hắn vùng vằng ra về.
Khi người đòi nợ ra khỏi nhà, người bố mới quay trở lại hỏi con:
– Chứng cớ là thế nào con hãy nói bố nghe. Đừng có dại mà chơi với lửa đấy con ạ!
Em bé bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện hôm nọ rồi nói:
– Bố đừng lo trả nợ nữa, cứ để mặc con!
Cuối cùng rồi chủ nợ cũng buộc con nợ đi hầu kiện. Lên đến công đường, đã nghe quan đập bàn mắng bị cáo:
– Tên kia, mày quỵt nợ của cụ Bá đây phải không?
Nghe theo lời dặn của con, bị cáo đáp:
– Bẩm quan, cụ Bá đã hứa cho con tôi số nợ ấy, chứ tôi không dám quỵt.
Cụ Bá nói:
– Anh đừng nói láo. Tôi hứa cho con anh bao giờ? Chứng cớ như thế nào? Xin quan cho đòi thằng bé lên hỏi thử.
Quan lập tức cho lính đòi em bé đến. Trước mặt mọi người em bé kể lại đầu đuôi câu chuyện hôm nọ mình nói chuyện với cụ Bá như thế nào, cụ Bá hứa cho những gì, v.v… Nghe xong, quan hỏi:
– Vậy lúc ấy có ai làm chứng cho câu nói của cụ Bá hứa cho mày hay không?
– Bẩm quan, có kẻ làm chứng phân minh. Chính lúc ấy cụ Bá trỏ vào con mối đang leo cột nhà bảo nó làm chứng. Có vậy tôi mới giải đố cho cụ ấy
Nghe nói vậy, cụ Bá vội cướp lời:
– Mối đậu đũa cả chứ làm gì có mối leo cột nhà.
Quan liền phán:
– Như vậy lúc ông hứa với nó quả thị có con mối làm chứng, thế là đủ. Vậy ông phải làm theo lời đã hứa.
Cụ Bá cứng họng tiu nghỉu đi ra. Còn cha con nhà nọ ra về sung sướng vì thắng lợi[1].
KHẢO DỊ
Truyện trên có một dị hản là truyện Vũ Công Duệ:
Vũ Công Duệ thuở nhỏ, bố mẹ rất nghèo. Một hôm cả nhà đi vắng chỉ có một mình ông. Có một chủ nợ tới đòi nợ, cũng hỏi cha mẹ ông đi đâu. Đáp:
– “Bố tôi đi giết người, mẹ tôi đi cứu người”. Người chủ nợ hỏi gặng nhưng ông không đáp. Sau hắn dỗ ông nói thật sẽ tha nợ cho. Ông đưa ra một cục đất dẻo bảo người chủ nợ in bàn tay vào làm tin. Đoạn ông cho hắn biết: – “Bố tôi di nhổ mạ chả là đi giết người là gì; mẹ tôi đi cấy, chả phải đi cứu người là gì”.
Hôm khác chủ nợ lại tới đòi ông đưa miếng đất có in bàn tay của hắn ra làm hắn cứng lưỡi[2].
Mô-típ trên cũng rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Sau đây là một số truyện.
Truyện của Pháp vùng Pi-các-đi (Picardie):
Một ông chúa sai đầy tớ đi đến các nhà đòi nợ. Đến một nhà nọ chỉ có một đứa bé giữ nhà. Người đòi nợ hỏi: – “Bố mày đâu?” Đáp: – “Bố tôi đi săn: những gì giết được ông để lại, những gì không giết được ông mang về”. Người kia không làm sao hiểu nổi nhưng cũng không thể cạy miệng em bé, đành về báo lại cho Chúa biết. Chúa lại sai người kia đến bảo tha hết nợ cho nhà em bé nếu nó giải đáp cho câu ấy. Em bé nói: – “Bố tôi săn rận”.
Truyện trên cũng phổ biến ở Nam Âu như Ý (Italia), Thụy-sĩ (Suisse) và Ti-rôn (Tyrols). v.v…
Một quyển khác Vua Xa-lô-mông và Mác-côn phổ biến ở nhiều nước châu Âu tuy rằng mỗi vùng kể khác nhau một vài chi tiết:
Vua Xa-lô-mông đi săn qua nhà Mác-côn, nghỉ lại đây, và hỏi anh này một số câu hỏi. Anh ta trả lời theo kiểu câu đố làm cho vua ngạc nhiên. Vua lần lượt hỏi: – “Bố mày đâu, mẹ mày đâu, anh mày đâu?” v.v… Trả lời: – “Bố tôi ở ngoài đồng, ông ta làm một thiệt hại thành hai”. Vua chịu, không hiểu nổi, bắt anh giải. Anh cho biết: bố anh ở ngoài ruộng muốn rấp một con đường đi băng qua ruộng ấy, nên cắm gai góc ở đường, và kết quả là người ta lại đi ra hai bên thành thêm hai lối không trồng trọt được. Về mẹ thì Mác-côn đáp: – “Mẹ tôi đến làm cho bà hàng xóm cái điều mà bà ta không tự làm lấy được” (tức là vuốt mắt cho bà hàng xóm chết, việc đó không có ai tự làm cho mình bao giờ)[3]. Về anh. Mác-côn đáp (gần giống với câu trong truyện trên): – “Anh tôi ngồi ở ngoài nhà, gặp ai là giết tất” (tức là bắt rận). Về truyện kể vua Xa-lô-mông và Mác-côn còn xem thêm ở Khảo dị truyện số 84.
Một truyện của Ấn-độ:
Ma-hăng-sa-da đi tìm một người vợ tương lai. Trên đường anh gặp một cô gái đẹp thuộc đẳng cấp cao hơn và có vẻ khiêm tốn. Qua câu chuyện, anh biết tên cô là Vi-xa-ka. Tìm cách thử xem cô có thông minh không, anh hỏi: – “Bố cô đi đâu?”. Cô đáp: – “Bố tôi đi làm một đường thành hai đường” (gần giống với truyện trên có nghĩa là ông ta đi kiếm cành cây và búi gai để rấp con đường; nhưng cũng vì thế mà thành ra có hai đường[4].
Truyện của A-rập (Arabie):
Một người nọ dự định sẽ lấy làm vợ cô gái nào trả lời được câu đố “8, 4, 2.” của anh. Anh hỏi nhiều người, ai cũng trả là “14”. Một hôm đi đêm gặp một người cõng một cô gái đẹp như trăng rằm. Anh đem câu ấy ra hỏi, cô trả lời: 8 là vú chó cái, 4 là vú lạc đà cái, 2 là vú đàn bà”. Anh bèn hỏi cô làm vợ.
Hôm cưới, người của nhà chồng hỏi cô: -“Bố cô ở đâu?”. Đáp “Bố tôi làm gần cái đã xa và làm xa cái đã gần”. Lại hỏi: – “Mẹ cô ở đâu?”. – “Mẹ tôi chặt một linh hồn thành hai”. Lại hỏi: – “Anh ruột ở đâu?” – “Anh tôi giữ mặt trời.”.
Người nhà về báo lại, chàng rể đoán biết đó là bố cô ấy kết nghĩa với một bộ lạc chống lại một bộ lạc khác. Mẹ cô ấy đang đi đỡ đẻ cho một người đàn bà. Anh cô ấy đi chăn súc vật và đang chờ mặt trời lặn để trở về, v.v…[5]
Truyện của người Ma-rốc (Maroc) cũng gần như trên: Mẹ tôi làm cho một linh hồn ra khỏi linh hồn (đỡ đẻ) và anh tôi thì phải đưa kẻ không trở lại nữa (dẫn người chết ra mồ).
Truyện ở Băng-la-dex (Bangladesh): Mẹ tôi đi làm hai người từ một người (đỡ đẻ).
Truyện của người Ka-bi-lơ (Kabyles): mẹ tôi đi nhìn kẻ mà nó chưa nhìn thấy bao giờ (một đứa mới đẻ).
Truyện Ấn-độ ở Ban-nu (Bannoue): cha tôi đi ngăn cách đất với đất (đào huyệt chôn ma).
Truyện Ấn-độ từ Ca-sơ-mia (Cachemire): Mẹ tôi đi bán lời nói (làm mối)[6]
Vân vân…
[1] Theo Nguyễn Văn Ngọc. Sách đã dẫn.
[2] Theo Tài trẻ nước Nam.
[3] Một dị bản khác kể: Về mẹ thì Mác-côn trả lời: – “Mẹ tôi nấu một nồi bánh đã ăn hết”, nghĩa là trước đó bà vay bánh để ăn và đã ăn hết, nay nấu nồi khác để trả nợ.
[4] Một dị bản khác kể như sau: Ma-hăng-sa-đa hỏi người vợ tương lai: – “Bố cô làm gì?” – Bố tôi làm một thành hai”. – “Ông ấy cày phải không?” – “Vâng” – “Cày ở đâu?” – “Ở nơi mà ai đến đó đều không trở về” – “Ở bãi tha ma phải không?” – “Vâng”.
[5] Theo Bát-xê (Basset), tập II, sách đã dẫn.
[6] Đều theo Cô-xcanh (Cosquin). Sách đã dẫn.
Ngày xưa có hai vợ chồng một nhà nghèo đói nọ, có một đứa con, chừng mười một, mười hai tuổi nhưng thông minh lanh lợi hơn người. Thiếu ăn, nhà ấy thường phải đâm đầu đi vay nợ. Một năm nọ, trời làm đói kém, hai vợ chồng phải vay nhà Bá cả vốn lẫn lãi là ba mươi quan. Tuy hạn vay đã hết, họ vẫn không thể góp đủ số tiền để trả. Chủ nợ mấy lần cho người đến đòi, hai vợ chồng nhà ấy một van nài xin khất.
Một hôm, đích thân cụ Bá tới nhà thúc nợ. Lúc tới nhà thấy đứa bé đang ngồi chơi một mình ở sân, hắn hỏi ngay:
– Bố mẹ mày đâu.
Thấy em bé làm thinh, hắn lại hỏi dồn:
– Có phải bố mẹ mày trốn nợ hay đi đâu thì phải nói cho thật?
Bấy giờ em bé mới lên tiếng:
– Bố tôi đi chém cây sống trồng cây chết. Mẹ tôi đi bán gió mua que.
Nghe nói, cụ Bá đứng ngẩn người, chẳng hiểu ra làm sao cả, lại hỏi dồn một thôi. Em bé tủm tỉm cười:
– Ông cứ đoán đi, dễ lắm mà!
Thấy cụ bá lại hỏi nữa, em bé nói:
– Nếu ông không đoán ra thì phải cho tôi gì, tôi giảng cho.
– Mày cứ giảng đi, nếu đúng, có bao nhiêu tiền nợ nhà mày tao tha cho tất.
– Có thật không? Ông không nói chuyện đưa trâu qua đò đấy chứ.
Cụ Bá dõng dạc:
– Lời tao là lời vàng ngọc, mày lại khinh tao à?
– Nếu thế thì tôi phải đi mời một người làm chứng mới được!
Lão chủ nợ nghĩ bụng: – “Thằng này cũng đáo để lắm, nhưng ta cũng phải kiếm cách gì giã lã với nó cho qua, chả lẽ nói rồi lại thôi”. Vừa thấy có một con mối đang bò ra đớp mồi, lão bèn nói:
– Con mối kia cũng làm chứng được đấy, mày cứ giảng đi, nếu đúng, tao hứa sẽ xóa nợ cho nhà mày.
Bây giờ em bé mới thong thả nói:
– Bô tôi đi cấy, đi cấy chả phải chém cây sống, trồng cây chết là gì. Còn mẹ tôi thì bán quạt mua tre, bán quạt mua tre chả phải “bán gió mua que” là gì.
Thấy em bé giải đáp đúng, cụ Bá khen nó một câu rồi ra về.
*
Mấy hôm sau nữa, cụ Bá lại cho người đến đòi nợ. Lúc này bố em bé ở nhà. Thấy bố nó phải năn nỉ xin khất, em bé nói riêng với bố:
– Bố không cần phải khất khứa gì nữa. Hôm nọ cụ Bá đã hứa cho con tất cả nợ rồi đấy.
Người nhà của cụ Bá mắng:
– Trẻ con nói nhảm nhí, ai lại cho không mày, chứng cớ đâu?
– Có chứng cớ hẳn hoi tôi mới nói.
– Thế thì chứng cớ đâu?
– Trước mặt cụ Bá tôi sẽ đưa.
Cãi nhau một hồi, người đòi nợ tức mình, nói:
– Thôi, tao không thèm nói chuyện với trẻ con. Còn ông, ông hãy liệu trả đi, nếu không thì mời ông lại quan.
Nói đoạn, hắn vùng vằng ra về.
Khi người đòi nợ ra khỏi nhà, người bố mới quay trở lại hỏi con:
– Chứng cớ là thế nào con hãy nói bố nghe. Đừng có dại mà chơi với lửa đấy con ạ!
Em bé bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện hôm nọ rồi nói:
– Bố đừng lo trả nợ nữa, cứ để mặc con!
Cuối cùng rồi chủ nợ cũng buộc con nợ đi hầu kiện. Lên đến công đường, đã nghe quan đập bàn mắng bị cáo:
– Tên kia, mày quỵt nợ của cụ Bá đây phải không?
Nghe theo lời dặn của con, bị cáo đáp:
– Bẩm quan, cụ Bá đã hứa cho con tôi số nợ ấy, chứ tôi không dám quỵt.
Cụ Bá nói:
– Anh đừng nói láo. Tôi hứa cho con anh bao giờ? Chứng cớ như thế nào? Xin quan cho đòi thằng bé lên hỏi thử.
Quan lập tức cho lính đòi em bé đến. Trước mặt mọi người em bé kể lại đầu đuôi câu chuyện hôm nọ mình nói chuyện với cụ Bá như thế nào, cụ Bá hứa cho những gì, v.v… Nghe xong, quan hỏi:
– Vậy lúc ấy có ai làm chứng cho câu nói của cụ Bá hứa cho mày hay không?
– Bẩm quan, có kẻ làm chứng phân minh. Chính lúc ấy cụ Bá trỏ vào con mối đang leo cột nhà bảo nó làm chứng. Có vậy tôi mới giải đố cho cụ ấy
Nghe nói vậy, cụ Bá vội cướp lời:
– Mối đậu đũa cả chứ làm gì có mối leo cột nhà.
Quan liền phán:
– Như vậy lúc ông hứa với nó quả thị có con mối làm chứng, thế là đủ. Vậy ông phải làm theo lời đã hứa.
Cụ Bá cứng họng tiu nghỉu đi ra. Còn cha con nhà nọ ra về sung sướng vì thắng lợi[1].
KHẢO DỊ
Truyện trên có một dị hản là truyện Vũ Công Duệ:
Vũ Công Duệ thuở nhỏ, bố mẹ rất nghèo. Một hôm cả nhà đi vắng chỉ có một mình ông. Có một chủ nợ tới đòi nợ, cũng hỏi cha mẹ ông đi đâu. Đáp:
– “Bố tôi đi giết người, mẹ tôi đi cứu người”. Người chủ nợ hỏi gặng nhưng ông không đáp. Sau hắn dỗ ông nói thật sẽ tha nợ cho. Ông đưa ra một cục đất dẻo bảo người chủ nợ in bàn tay vào làm tin. Đoạn ông cho hắn biết: – “Bố tôi di nhổ mạ chả là đi giết người là gì; mẹ tôi đi cấy, chả phải đi cứu người là gì”.
Hôm khác chủ nợ lại tới đòi ông đưa miếng đất có in bàn tay của hắn ra làm hắn cứng lưỡi[2].
Mô-típ trên cũng rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Sau đây là một số truyện.
Truyện của Pháp vùng Pi-các-đi (Picardie):
Một ông chúa sai đầy tớ đi đến các nhà đòi nợ. Đến một nhà nọ chỉ có một đứa bé giữ nhà. Người đòi nợ hỏi: – “Bố mày đâu?” Đáp: – “Bố tôi đi săn: những gì giết được ông để lại, những gì không giết được ông mang về”. Người kia không làm sao hiểu nổi nhưng cũng không thể cạy miệng em bé, đành về báo lại cho Chúa biết. Chúa lại sai người kia đến bảo tha hết nợ cho nhà em bé nếu nó giải đáp cho câu ấy. Em bé nói: – “Bố tôi săn rận”.
Truyện trên cũng phổ biến ở Nam Âu như Ý (Italia), Thụy-sĩ (Suisse) và Ti-rôn (Tyrols). v.v…
Một quyển khác Vua Xa-lô-mông và Mác-côn phổ biến ở nhiều nước châu Âu tuy rằng mỗi vùng kể khác nhau một vài chi tiết:
Vua Xa-lô-mông đi săn qua nhà Mác-côn, nghỉ lại đây, và hỏi anh này một số câu hỏi. Anh ta trả lời theo kiểu câu đố làm cho vua ngạc nhiên. Vua lần lượt hỏi: – “Bố mày đâu, mẹ mày đâu, anh mày đâu?” v.v… Trả lời: – “Bố tôi ở ngoài đồng, ông ta làm một thiệt hại thành hai”. Vua chịu, không hiểu nổi, bắt anh giải. Anh cho biết: bố anh ở ngoài ruộng muốn rấp một con đường đi băng qua ruộng ấy, nên cắm gai góc ở đường, và kết quả là người ta lại đi ra hai bên thành thêm hai lối không trồng trọt được. Về mẹ thì Mác-côn đáp: – “Mẹ tôi đến làm cho bà hàng xóm cái điều mà bà ta không tự làm lấy được” (tức là vuốt mắt cho bà hàng xóm chết, việc đó không có ai tự làm cho mình bao giờ)[3]. Về anh. Mác-côn đáp (gần giống với câu trong truyện trên): – “Anh tôi ngồi ở ngoài nhà, gặp ai là giết tất” (tức là bắt rận). Về truyện kể vua Xa-lô-mông và Mác-côn còn xem thêm ở Khảo dị truyện số 84.
Một truyện của Ấn-độ:
Ma-hăng-sa-da đi tìm một người vợ tương lai. Trên đường anh gặp một cô gái đẹp thuộc đẳng cấp cao hơn và có vẻ khiêm tốn. Qua câu chuyện, anh biết tên cô là Vi-xa-ka. Tìm cách thử xem cô có thông minh không, anh hỏi: – “Bố cô đi đâu?”. Cô đáp: – “Bố tôi đi làm một đường thành hai đường” (gần giống với truyện trên có nghĩa là ông ta đi kiếm cành cây và búi gai để rấp con đường; nhưng cũng vì thế mà thành ra có hai đường[4].
Truyện của A-rập (Arabie):
Một người nọ dự định sẽ lấy làm vợ cô gái nào trả lời được câu đố “8, 4, 2.” của anh. Anh hỏi nhiều người, ai cũng trả là “14”. Một hôm đi đêm gặp một người cõng một cô gái đẹp như trăng rằm. Anh đem câu ấy ra hỏi, cô trả lời: 8 là vú chó cái, 4 là vú lạc đà cái, 2 là vú đàn bà”. Anh bèn hỏi cô làm vợ.
Hôm cưới, người của nhà chồng hỏi cô: -“Bố cô ở đâu?”. Đáp “Bố tôi làm gần cái đã xa và làm xa cái đã gần”. Lại hỏi: – “Mẹ cô ở đâu?”. – “Mẹ tôi chặt một linh hồn thành hai”. Lại hỏi: – “Anh ruột ở đâu?” – “Anh tôi giữ mặt trời.”.
Người nhà về báo lại, chàng rể đoán biết đó là bố cô ấy kết nghĩa với một bộ lạc chống lại một bộ lạc khác. Mẹ cô ấy đang đi đỡ đẻ cho một người đàn bà. Anh cô ấy đi chăn súc vật và đang chờ mặt trời lặn để trở về, v.v…[5]
Truyện của người Ma-rốc (Maroc) cũng gần như trên: Mẹ tôi làm cho một linh hồn ra khỏi linh hồn (đỡ đẻ) và anh tôi thì phải đưa kẻ không trở lại nữa (dẫn người chết ra mồ).
Truyện ở Băng-la-dex (Bangladesh): Mẹ tôi đi làm hai người từ một người (đỡ đẻ).
Truyện của người Ka-bi-lơ (Kabyles): mẹ tôi đi nhìn kẻ mà nó chưa nhìn thấy bao giờ (một đứa mới đẻ).
Truyện Ấn-độ ở Ban-nu (Bannoue): cha tôi đi ngăn cách đất với đất (đào huyệt chôn ma).
Truyện Ấn-độ từ Ca-sơ-mia (Cachemire): Mẹ tôi đi bán lời nói (làm mối)[6]
Vân vân…
[1] Theo Nguyễn Văn Ngọc. Sách đã dẫn.
[2] Theo Tài trẻ nước Nam.
[3] Một dị bản khác kể: Về mẹ thì Mác-côn trả lời: – “Mẹ tôi nấu một nồi bánh đã ăn hết”, nghĩa là trước đó bà vay bánh để ăn và đã ăn hết, nay nấu nồi khác để trả nợ.
[4] Một dị bản khác kể như sau: Ma-hăng-sa-đa hỏi người vợ tương lai: – “Bố cô làm gì?” – Bố tôi làm một thành hai”. – “Ông ấy cày phải không?” – “Vâng” – “Cày ở đâu?” – “Ở nơi mà ai đến đó đều không trở về” – “Ở bãi tha ma phải không?” – “Vâng”.
[5] Theo Bát-xê (Basset), tập II, sách đã dẫn.
[6] Đều theo Cô-xcanh (Cosquin). Sách đã dẫn.