Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lộc Đỉnh Ký

Chương 59 – Người áo xanh thình lình xuất hiện

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Trong khi đi đường, Vi Tiểu Bảo đã dự tính mọi điều đối đáp với sư phụ trong khi người hỏi đến việc rèn luyện võ công. Gã biết sư phụ là một nhân vật rất tinh tế, không thể lừa bịp một cách dễ dàng, chỉ có đường liệu mà tuỳ cơ ứng biến. Gã không ngờ sư phụ vừa thấy mặt đã hỏi ngay đến vấn đề luyện võ, gã không khỏi hoang mang, ấp úng đáp:

– Thưa sư phụ. Những chỗ đệ tử… không hiểu rõ rất nhiều. Ðệ tử mong mỏi… sư phụ giá lâm để xin chỉ điểm. Trần Cận Nam vốn tính ôn hoà, mỉm cười đáp:

– Hay lắm! Nếu vậy chuyến này ta vì ngươi mà nán lại mấy ngày để chỉ điểm cho ngươi. Trần Cận Nam nói tới đây thì một người anh em giữ cửa lật đật tiến vào khom lưng bẩm:

– Kính trình Tổng đà chủ! Có người lên bái sơn, tự xưng là Mộc Kiếm Thanh và Liễu Ðại Hồng ở Mộc vương phủ tại Vân Nam. Trần Cận Nam mừng rỡ, đứng dậy nói:

– Chúng ta mau ra nghênh tiếp. Vi Tiểu Bảo nói:

– Ðệ tử chưa kịp cải trang, không tiện gặp bọn họ. Trần Cận Nam gật đầu đáp:

– Phải rồi! Ngươi hãy ở mé sau chờ ta nghe! Bọn người Thiên Ðịa Hội ra ngoài đón khách. Vi Tiểu Bảo chuyển vào phía sau giáp vách sảnh đường, gã kêu ghế ngồi một lát đã nghe Liễu Ðại Hồng cười hô hố. Lão nói:

– Chí nguyện bình sinh của tại hạ là được ra mắt một vị nổi danh thiên hạ như Tổng đà chủ. Bữa nay thế là mãn nguyện, dù có phải chết ngay cũng không uổng một đời. Trần Cận Nam đáp:

– Liễu lão anh hùng có lòng quá yêu đề cao tại hạ, khiến tại hạ rất lấy làm hổ thẹn. Tổng đà chủ vừa nói vừa dẫn khách vào sảnh đường, chia ngôi tân chủ an toạ. Lại nghe Mộc Kiếm Thanh hỏi:

– Trong quý hội có một vị là Vi Hương Chủ không ở đây ư? Tại hạ muốn chính mình được ngỏ lời tạ ơn Hương Chủ. Ơn sâu đức cả của Vi Hương Chủ khiến cho tệ xứ từ trên xuống dưới, chẳng ai là không cảm kích. Trần Cận Nam chưa biết vụ này, lấy làm kỳ hỏi:

– Vi Tiểu Bảo là một đứa trẻ nít làm gì mà có công đức với quý phủ? Tiểu vương gia bao dong gã như vậy là đề cao quá đỗi. Bỗng nghe một người lớn tiếng:

– Thầy trò tại hạ và Lưu sư điệt đây được toàn là nhờ Vi Hương Chủ cứu cho. Tại hạ đã hứa lời với Tiền sư phó ở quý hội là khi nào quý hội có sai phái tới, thầy trò Ngô mỗ xin hết sức tuân mệnh, dù gặp nguy hiểm đến đâu cũng không lùi bước. Người nói câu này chính là Dao đầu sư tử Ngô Lập Thân. Trần Cận Nam không hiểu nội vụ, liền hỏi Tiền Lão Bản:

– Tiền huynh đệ! Vụ này là thế nào đây? Nguyên Tiền Lão Bản đã cùng bọn Ngô Lập Thân ba người từ trong cung ra đến thẳng chỗ ở của Mộc Kiếm Thanh. Lão được bọn người Mộc phủ giữ lại khoản đãi. Ăn uống xong, Mộc Kiếm Thanh và Liễu Ðại Hồng thân hành đưa mọi người đến trụ sở của Thiên Ðịa Hội để tạ ơn. Tiền Lão Bản dẫn đường cho bọn này. Không ngờ đoàn người vừa tới nơi lại hay tin Tổng đà chủ giá lâm. Tiền Lão Bản nghe Trấn Cận Nam hỏi tới liền kể sơ lược những chuyện đã xảy ra. Lão nói Vi Hương Chủ có một người bạn thân làm thái giám ở Thanh cung. Viên thái giám này nhận lời uỷ thác của Vi Tiểu Bảo không từ nguy hiểm, cứu bọn Ngô Lập Thân ba người ra khỏi Hoàng cung. Trấn Cận Nam nghe nói vậy liền hiểu ngay Vi Hương Chủ cùng người bạn tốt nào đó cũng chỉ là Vi Tiểu Bảo, một mình gã đóng hai vai trò. ông mừng thầm trong bụng, cười nói:

– Tiểu vương gia! Liễu lão gia tử! Ngô đại ca! Ba vị thật khách sáo quá! Tệ hội cùng quý phủ như cây liền cành, tình đồng thủ túc. Cùng là người nhà với nhau, ai gặp nạn là mình viện trợ được, lẽ đương nhiên phải gắng sức hết lòng. Sao ba vị lại nói đến chuyện đền ơn trả nghĩa? Vi Tiểu Bảo bất qụá là tên tiểu đồ của tại hạ. Gã còn nhỏ tuổi chưa hiểu việc đời. Có điều gã coi rất trọng hai chữ nghĩa khí… Ông nói tới đây, nghĩ thầm trong bụng:

– Tiểu Bảo trà trộn vào Thanh cung để ngấm ngầm do thám những điều ẩn bí. Ta chỉ mong gã dò la được những điều cơ mật trọng yếu của Thanh triều, có lợi cho công cuộc phản Thanh phục Minh, làm nên nghiệp lớn. Bây giờ những chuyện tày đình đã xảy ra thế này, lai lịch gã tất bị bại lộ. Chẳng sớm thì muộn người giang hồ sẽ biết hết. Nếu mình còn giấu diếm Mộc vương phủ thì hiển nhiên không hết tình bằng hữu chi thân. Ngô Lập Thân nói:

– Bọn tại hạ rất mong được gặp Vi Hương Chủ để ngỏ lời cảm tạ. Trần Cận Nam cười đáp:

– Vụ này tuy không phải chuyện tầm thường, nhưng chúng ta đã là chỗ bạn thân, tại hạ không dám dấu diếm: tên tiểu đồ Vi Tiểu Bảo của tại hạ hiện trà trộn vào làm tiểu thái giám ở trong cung. Vậy tiểu thái giám kia cũng là gã đó Rồi ông cất tiếng gọi:

– Tiểu Bảo đâu? Ngươi ra bái kiến các vị tiền bối đi. Vi Tiểu Bảo ở sau vách sảnh đường lên tiếng:

– Dạ! Xin tuân lời sư phụ! Ðoạn gã xoay mình tiến ra, chắp tay cùng mọi người thi lễ. Bọn Mộc Kiếm Thanh, Liễu Ðại Hồng, Ngô Lập Thân đều đứng dậy. Ai cũng lấy làm kinh dị vô cùng!.. Bọn Mộc Kiếm Thanh không ngờ Vi Hương Chủ lại là thái giám. Bọn Ngô Lập Thân, Ngao Bưu, Lưu Nhất Chu cũng không ngờ tên tiểu thái giám đã cứu mạng cho bọn họ lại là Vi Hương Chủ và là đồ đệ của Trần Cận Nam ở Thiên Ðịa Hội. Vi Tiểu Bảo cười hì hì nhìn Ngô Lập Thân nói:

– Ngô lão gia tử! Vừa rồi ở trong Hoàng cung, vãn bối đã đưa tên giả ra với lão tiền bối, xin lão tiền bối miễn trách cho. Ngô Lập Thân đáp:

– Lúc mình ở chỗ nguy hiểm dĩ nhiên phải thế, lão phu đã từng bảo Ngao Bưu: vị thiếu niên anh hùng này hành động rất lanh lợi, chẳng những có đảm lược, còn đầy lòng khảng khái. Trong cung bọn Thát Ðát sao lại có nhân tài đến như vậy? Bọn lão phu rất lấy làm kỳ. Té ra là một vị Hương Chủ trong Thiên Ðịa Hội. Ha ha! Thế thì không trách được! Không trách được! Lão vừa nói vừa chìa ngón tay cái lên. Ngô Lập Thân là sư đệ của Liễu Ðại Hồng, oai danh cũng lừng lẫy trên chốn giang hồ. Trần Cận Nam thấy lão tán dương đồ đệ của mình, cũng nức lòng hởi dạ,cười nói:

– Ngô huynh tán dương gã như vậy là quá cưng trẻ nít làm cho gã hư thân đó Liễu Ðại Hồng ngửa mặt lên cười hô hố nói:

– Trần Tổng đà chủ! Bao nhiêu tiện nghi trong võ lâm đều bị Tổng đà chủ chiếm mất hết cả. Võ công đã cao thâm khôn lường, thanh danh lại lẫy lừng thiên hạ. Một tay gây dựng nên Thiên Ðịa Hội hưng vượng là thế! Ðến việc thu đồ đệ cũng làm cho nở mặt nở mày. Trần Cận Nam chắp tay cười nói:

– Liễu lão gia tử nói vậy là cưng chiều cả tại hạ đến thành hư đốn mất! Liễu Ðại Hồng lại nói:

– Trần tổng đà chủ! Bình sinh Liễu mỗ chưa khâm phục mấy người. Thế mà phong độ của Tổng đà chủ khiến cho lão phu phải phục sát đất. Ngày sau đuổi được bọn Thát Ðát đi rồi, Chu ngũ thái tử của chúng ta khôi phục cơ đồ, lên ngôi Hoàng đế, thì chức Tể tướng đương triều phải mời Tổng đà chủ nắm lấy, chẳng còn ai hơn nữa. Trần Cận Nam tủm tỉm cười đáp:

– Tại hạ đức thiển tài sơ, khi nào dám giữ ngôi cao. Tiền Lão Bản bỗng xen vào:

– Liễu lão gia tử! Ngày sau đuổi được quân Thát Ðát rồi, Chu tam thái tử lên ngôi Hoàng đế, trung hưng cơ nghiệp nhà Ðại Minh. Toàn thể anh em nhất định cử Liễu lão gia lên cầm quyền Ðại nguyên soái thống lãnh binh mã trong thiên hạ! Liễu Ðại Hồng trợn mắt lên hỏi:

– Lão… bảo sao? Chu tam thái tử nào? Tiền Lão Bản đáp:

– Long Võ thiên tử bỏ mình vì nước, còn để lại Chu tam thái tử hiện thời tạm lánh ngoài đảo Ðài Loan. Ngày sau thu phục giang sơn, dmhiên Chu tam thái tử lên ngôi Hoàng đế là đúng vị nhân quân. Liễu Ðại Hồng đứng phắt dậy, lớn tiếng:

– Chuyến này Thiên Ðịa Hội đã cứu thoát sư đệ cùng đồ đệ của lão phu, dĩ nhiên toàn thể bọn lão phải mang nặng mối ân tình đó. Nhưng vị Hoàng đế chính thống thì nhất định không thể nào sai trật được. Tiền lão đệ! Chân mệnh thiên tử hiển nhiên là Chu ngũ thái tử mới đúng. Vĩnh Lịch thiên tử là vị nhân quân chính thống nhà Ðại Minh, thiên hạ ai ai cũng biết. Vậy lão đệ không được nói càn. Bữa trước giữa Từ Thiên Xuyên và anh em họ Bạch xảy chuyện động thủ cũng chỉ vì chuyện tranh chấp hai vị Hoàng đế Long Võ và Vĩnh Lịch ở ngôi chính thống mà ra. Trịnh Thành Công và Thiên Ðịa Hội ở Ðài Loan một mực phò tá Ðường Vương. Còn phe Mộc vương phủ lại bảo vệ Quế vương. Hiện giờ nhà Mãn Thanh đang cầm quyền thiên hạ mà việc tranh chấp giữa hai phe Ðường Vương cùng Quế Vương vẫn tiếp tục khai diễn, thuỷ chung không giải quyết được. Trần Cận Nam là một nhân vật rất thông hiểu đại cuộc. Ông biết rằng công việc trước mắt là phải liên kết hào kiệt trên chốn giang hồ, hiệp lực chống nhà Mãn Thanh. Chưa thu phục lại giang sơn đã đề cập đến chuyện Chu tam thái tử lên làm Hoàng đế thì còn sớm quá. Ðiều cần nhất là đừng làm tổn thương hoà khí giữa những người lo chung công cuộc lớn lao. Ông liền mỉm cười nói:

– Liễu lão gia tử! Lão gia bất tất phải động nộ. Ngôi chính thống nhà Ðại Minh thuộc về ai là một việc lớn. Chúng ta bất quá là kẻ thần tử thì trong lúc nhất thời khó mà tranh chấp cho ra lẽ phải. Ðoạn ông hô người bày tiệc rượu và nói tiếp:

– Nào! Mời các vị hãy uống say một bữa cho thoả thích. Chỉ mong sao toàn thể chúng ta đồng tâm hiệp lực quét sạch bọn Thát Ðát. Còn bất cứ việc gì hãy để về sau sẽ thương lượng cũng chưa muộn. Mộc Kiếm Thanh lắc đầu nói:

– Trần Tổng đà chủ nói vậy là sai. Danh không chính thì ngôn không thuận. Ngôn không thuận thì việc không thành. Bọn tại hạ khuông phò Chu ngũ thái tử quyết chẳng phải vì mưu đồ vinh hoa phú quý. Tưởng Tổng đà chủ nên hiểu thiên mệnh về đâu, người đó mới là chính thống. Ai tận trung với Chu ngũ thái tử thì bọn Mộc vương phủ từ trên xuống dưới đều vâng theo răm rắp. Nếu Trần Tổng đà chủ cũng đồng quan điểm thì bọn tại hạ dù có làm kẻ dong xe ruổi ngựa cũng không dám trái lệnh. Trần Cận Nam mĩm cười lắc đầu đáp:

– Trời không hai mặt, nước chẳng hai vua. Chu tam thái tử hãy còn đường hoàng ở Ðài Loan. Mấy chục quân dân trên hải đảo cùng mời mấy vạn anh em trong Thiên Ðịa Hội đã dốc dạ phò Chu tam thái tử. Liễu Ðại Hồng tính nóng như lửa, mắt trợn tròn lớn tiếng hỏi:

– Trần Tổng đà chủ nói những gì mà mấy chục vạn quân dân, mười mấy vạn anh em? Phải chăng Tổng đà chủ ỷ vào số đông để thủ thắng cậy thế lớn ăn hiếp người? Nhưng hàng ức triệu bách tính trong thiên hạ đều biết Vĩnh Lịch thiên tử bỏ mình vì nước ở đất Diến Ðiện là vị Hoàng đế tối hậu của nhà Ðại Minh. Chúng ta không lập con cháu Vĩnh Lịch thiên tử thì đối với một vị thiên tử nhà Ðại Minh chịu muôn vàn gian khổ và chết bất đắc kỳ tử sao cho phải đạo? Lão nói tới đây khản tiếng phải dừng lại. Trần Cận Nam chuyến này lên Bắc Kinh cốt để hỏi cho biết rõ vụ tranh chấp ngôi chính thống thuộc Ðường Vương và Quế Vương giữa Bát tý viên hầu Từ Thiên Xuyên cùng anh em ho Bạch trong Mộc vương phủ để xảy việc lỡ tay đánh chết Bạch Vạn Tùng. ông là người cơ trí thâm trầm, bụng dạ quảng bác đã biết trước việc lớn phản Thanh phục Minh cần phải liên lạc với hào kiệt người Hán trong thiên hạ, chung lưng đấu cật, mưu đồ nghĩa cử, mới mong thành tựu. Nếu chưa đánh đuổi được bọn Thát Ðát đã tranh chấp nhau gây cuộc rối loạn xà ngầu là một trở ngại rất lớn cho việc chống đối nhà Thanh. Vì thế nên khi vừa hay tin kia, lập tức ông bỏ hết mọi việc lại, đi ngay đêm đến Bắc Kinh, chỉ mong sao giữ được mối giao hảo với Mộc vương phủ dù có phải nhường nhịn cũng đành… Khi tới kinh, ông hỏi ra cục diên đã trở lại hoà hoãn, không đến nỗi nghiêm trọng như ông đã tiên liệu. Ông biết cả việc anh em trong Thiên Ðịa Hội ở kinh đô Vi Tiểu Bảo thống lãnh đã đến tương hội với những nhân vật đầu não của Mộc Vương Phủ hai đôi bên chưa đến nỗi mất mặt với nhau mà còn có cơ trở lại hoà hảo. Trần Cận Nam đã mừng thầm trong bụng, lại nghe nói Vi Tiểu Bảo vừa cứu thoát được bọn Ngô Lập Thân ba người của Mộc Vương phủ, thì vụ Thiên Xuyên ngộ sát Bạch Hoa Tùng nhất định thông qua được, không còn nghi ngờ gì nữa. Bây giờ Mộc Kiếm Thanh và Liễu Ðại Hồng lại gợi ra việc tranh chấp Ðường vương cùng Quế Vương, tình thế dần dần đi đến chỗ gay go sắp thành cục diện kiếm tuốt cung dương. Ông thấy Liễu Ðại Hồng vừa nhắc tới vụ Vĩnh Lịch Hoàng đế bỏ mình vì nước, hai hàng lão lệ lã chã tuôn rơi bất giác lòng ông se lại chậm rãi lên tiếng: Việc đức Vĩnh Lịch bệ hạ bỏ mình vì nước khiến cho trời đất cùng thán nhân đều phẫn nộ. Mộc tiểu vương gia! Liễu lão gia tử! Chúng ta chưa trả xong mối đại cừu sao đã gây nên cuộc tranh chấp giữa người nhà? Kế hoạch ngày nay là chúng ta nên đồng tâm hiệp lực giết chết Ngô Tam Quế để báo thù cho Vĩnh Lịch bệ hạ, cùng rửa hận cho Mộc lão vương gia. Trần Cận Nam vừa nói đến mấy câu sau cùng, bọn Mộc Kiếm Thanh, Liễu Ðại Hồng, Ngô Lập Thân đều đứng cả dậy đồng thanh nói:

– Trần Tổng đà chủ nói phải lắm! Phải lắm! Rồi người thì nước mắt đầm đìa, kẻ thì toàn thân phát run. Ai nấy đều kích động vô cùng! Trần Cận Nam lại nói tiếp:

– Còn việc đức Long Võ hay đức Vĩnh Lịch là ngôi chính thống thì lúc này ta chưa cần bàn đến. Mộc vương gia! Liễu lão gia tử! Anh hùng thiên hạ chẳng ai là không căm hận Ngô Tam Quế thấu xương. Chỉ mong sao có người giết được Ngô Tam Quế là toàn thể anh em đều vâng lệnh nhân vật đó. Phụ thân của Mộc Kiếm Thanh là Mộc Thiên Ba bị Ngô Tam Quế giết chết, nên Mộc Kiếm Thanh ngày cũng như đêm chỉ nghĩ sao giết được Ngô Tam Quế. Y nghe Trần Cận Nam nói vậy liền hô lên trước:

– Chính thế! Ai mà giết được Ngô Tam Quế là anh hùng thiên hạ nhất nhất tuân theo mệnh lệnh của vị đó. Trần Cận Nam nói:,.

– Mộc Vương gia! Bây giờ quý phủ cùng tệ hội lập lời thề ước với nhau. Nếu vị anh hùng nào ở quý phủ mà giết được Ngô Tam Quế thì Thiên Ðịa Hội từ trên xuống dưới đều tuân theo hiệu lệnh của Mộc vương phủ… Mộc Kiếm Thanh nói theo:

– Nếu người giết được Ngô Tam Quế là một vị anh hùng trong Thiên Ðịa Hội thì Mộc gia ở Vân Nam từ Mộc Kiếm Thanh này trở xuống, ai ai cũng tuân theo mệnh lệnh của Trần Tổng đà chủ trong Thiên Ðịa Hội. Hai người cùng giơ tay ra vỗ một tiếng. Thời bấy giờ trên chốn giang hồ nếu đã vỗ tay ba tiếng để tuyên lời trọng thệ thì nhất quyết không hối hận nữa. Trần Cận Nam cùng Mộc Kiếm Thanh mới vỗ tay một tiếng. Tiếng thứ hai sắp bắt đầu thì đột nhiên trên nóc nhà có người nổi lên tràng cười rồi lớn tiếng hỏi:

– Nếu ta giết được Ngô Tam Quế thì sao? Tiếp theo trên nóc nhà phía Ðông và phía Tây đồng thời có tiếng quát hỏi:

– Ai? Những người Thiên Ðịa Hội canh gác trên nóc nhà nhảy xổ lại. Kế đó một tiếng “bịch” khẽ vang lên. Một người từ trên nóc nhà đã nhảy xuống sân. Cửa sổ không có gió tự nhiên mở ra. Một bóng xanh mau lẹ phi thường lạng mình chuồn vào. Mé Ðông có Phong Tế Trung và Từ Thiên Xuyên, mé Tây Liễu Ðại Hồng và Ngô Lập Thân giang tay ra ngăn lại. Người kia nhẹ nhàng nhảy cao lên lướt qua đỉnh đầu bốn người, đến đứng sững trước mặt Trần Cận Nam và Mộc Kiếm Thanh. Phong Tế Trung, Từ Thiên Xuyên, Liễu Ðại Hồng và Ngô Lập Thân đều là những tay cao thủ hạng nhất trên chốn giang hồ hiện nay. Vậy mà cả bốn người hợp lực vẫn không cản được người kia để họ nhảy vào thì thật là một điều khó ai tin tưởng. Người kia vừa đứng xuống đất, bọn Phong, Từ, Liễu, Ngô đã vươn tay ra chụp lấy người hắn. Phong Tế Trung nắm vai bên phải, Từ Thiên Xuyên chụp trúng nách bên phải đối phương. Liễu Ðại Hồng nắm được cánh tay trái. Ngô Lập Thân vung cả hai tay chụp được sau lưng đối phương. Bốn người đều thi triển cầm nã thủ pháp vào hạng thượng thặng. Người kia tuyệt nhiên không phản kháng, bật cười hỏi:

– Thiên Ðịa Hội và Mộc vương phủ đối đãi với hảo bằng hữu thế này ư? Mọi người bây giờ nhìn lại thì người lạ mặt là một thiếu niên lối 23, 24 tuổi, mặc áo bào xanh. Thân hình cao và gầy, có dáng văn nhược thư sinh. Trần Cận Nam chắp tay hỏi:

– Tôn tính đại danh túc hạ là gì? Có phải là hảo bằng hữu với bọn tại hạ không? Gã thư sinh kia cười đáp:

– Nếu chẳng phải là hảo bằng hữu thì đã không đến. Ðột nhiên người gã co lại như trái banh thịt. Bọn Phong Tế Trung bốn người bỗng tuột tay ra nắm vào quãng không. Lại thấy một làng bóng xanh bay vọt lên không. Trần Cận Nam nổi lên tràng cười, vươn tay mặt ra chụp nhanh như chớp. Gã thư sinh thoát được bàn tay bốn người, nhưng bỗng cảm thấy gót chân trái bị nắm chặt như đóng đai sắt. Giữa những tiếng sột soạt như xé lụa, gã nổi lên tràng cười ha hả, vung chân phải đá vào mặt Trần Cận Nam. Phát đá này kình lực rất mạnh. Trần Cận Nam tiện tay cầm lấy chiếc kỷ trà bên cạnh giơ lên đỡ.

“Chát” một tiếng vang! Chiếc kỷ trà gỗ hồng lập tức vỡ tan tành. Trần Cận Nam hất tay mặt ra liệng gã thư sinh xuống đất. Mông gã thư sinh vừa chấm đất, không hiểu gã phát huy luồng kình lực gì khiến cho người gã như một mảnh gói đánh thia lia trên mặt nước lướt qua nền gạch xanh ra xa mấy trượng. Lưng gã bỗng thẳng lên, gã đứng tựa vào tường. Trong tay bọn Từ Thiên Xuyên, Liễu Ðại Hồng, Ngô Lập Thân, Phong Tế Trung còn cầm một nắm vải. Té ra áo trường bào của gã thư sinh đã bị họ nắm rách. Tiếng sột soạt vừa rồi như xé lụa tức là những mảnh áo rách này gây ra. Ðộng tác của thư sinh cực kỳ mau lẹ. Sáu người đã ra tay là những tay cao thủ danh gia rất lanh lợi đứng bàng quan đều trông thấy rõ không nhịn được đều lớn tiếng hoan hô.. Trong những người reo hò này thanh âm vang dội nhất là Thiết bối thương long Liễu Ðại Hồng. Dao đầu sư tử Ngô Lập Thân chỉ lắc đầu quày quạy. Lão vừa lộ vẻ bẽ bàng vừa thán phục. Trần Cận Nam mỉm cười hỏi thư sinh:

– Các hạ đã nhận là hảo bằng hữu sao lại không ngồi chơi xơi nước đã? Thư sinh chắp tay đáp:

– Tại hạ xin quấy quả chung trà này. Gã bệ vệ chắp tay xá mọi người xung quanh rồi tiến lại ngồi xuống chiếc ghế ở dưới cùng. Nếu vừa rồi quần hùng không chính mắt mình trông thấy thư sinh thi triển võ công tuyệt đỉnh thì chẳng thể nào tin được con người văn nho lả lướt như vậy lại mang một bản lãnh cao cường vào hàng thượng thặng đến như thế. Trần Cận Nam cười nói:

– Sao các hạ lại quá khiêm như vây? Mời các hạ ngồi trên này. Gã thư sinh lắc đầu đáp:

– Không dám! Không dám! Tại hạ đã được ngồi chung với chúng vị anh hùng thế này là một điều đại hân hạnh lắm rồi. Khi nào còn dám ngồi trên? Gã ngừng lại một chút rồi tiếp:

– Thưa Trần Tổng đà chủ! Vừa rồi Tổng đà chủ hỏi tên họ mà tại hạ chưa kịp phúc đáp, xin cam tội thất kính. Tại hạ họ Lý tên gọi Tây Hoa. Bọn Trần Cận Nam, Liễu Ðại Hồng nghe gã xưng danh đều nghĩ bụng:

– Trong võ lâm mình chưa từng nghe nhân vật nào mang danh hiệu Lý Tây Hoa. Ðây chắc chỉ là tên giả. Nhưng trong lớp thiếu niên anh hùng, mình cũng chưa thấy vị nào bản lãnh cao thâm như gã này. Trần Cận Nam đáp:

– Tại hạ là kẻ hủ lậu, kiến văn hẹp hòi, chưa được biết một vị đại anh hùng trên chốn giang hồ như các hạ, thật lấy làm hổ thẹn. Lý Tây Hoa cười khanh khách nói:

– Người ta đồn Trần Tổng đà chủ ở Thiên Ðịa Hội đối đãi với mọi người một dạ chí thành, quả nhiên tiếng đồn không ngoa. Giả tỷ Tổng đà chủ nghe tạì hạ xưng tiện danh rồi đáp lại bằng câu “Hâm mộ đại danh từ lâu”, thì tại hạ tuy không nói ra miệng, nhưng trong lòng cũng có ý nghĩ không đẹp. Tại hạ mới ra khỏi lều danh, chẳng có chút tiếng tăm gì trên chốn giang hồ. Chính tại hạ cũng chưa biết mình thế nào, chứ đừng nói người ngoài. Ha ha! Ha ha! Trần Cận Nam mỉm cười nói:

– Cuộc tương hội bữa nay sẽ khiến cho đại danh của Lý huynh lừng lẫy khắp giang hồ. Từ đây trở đi, bất cứ ai gặp Lý huynh cũng nói câu “hâm mộ đại danh từ lâu”. Trần Cận Nam nói câu này thật cao minh, ai nghe cũng hiểu ngay là một lời kín đáo mà thành thực. Nên biết bốn tay đại cao thủ ở Mộc vương phủ và Thiên Ðịa Hội không ngăn cản được thư sinh lẻn vào, lại nắm không chắc để gã thoát thân. Trần Cận Nam đối phó với gã hai chiêu chỉ chiếm được một chút thượng phong. Như vậy thì thân pháp của thư sinh dĩ nhiên khắp giang hồ đều cảm phục. Lý Tây Hoa lắc đầu đáp:

– Không phải thế! Vừa rồi tại hạ phô trương bất quá là mấy môn công phu nhỏ mọn, không khỏi có vẻ bàng môn tả đạo. Liễu lão gia tử đây đã sử chiêu “Vân trung hiện trảo” nắm được cánh tay tại hạ xuýt bị gãy rời. Còn vị ưa lắc đầu với chòm râu rậm thì hai tay nắm được lưng tại hạ. Chắc đó là chiêu “Ðoán thỏ thủ”. Y nắm chặt đến độ tại hạ phải giở khóc giở mếu. Còn vị lão công công râu bạc ra chiêu “Bạch thiên thủ đao” nắm lấy khối thịt dưới nách tại hạ chằng chằng không chịu buông ra. Vị bằng hữu này sử… một chiêu xảo diệu phải chăng là “Thành hoàng tiểu quỷ”? Phong Tế Trung chĩa ngón tay cái bên trái lên, tuy không nói gì, nhưng đã thừa nhận là thư sinh nói đúng. Ðó quả là chiêu “Tiểu quỷ phản thành hoàng”. Gã thư sinh nói ngược lại cho có vẻ khiêm nhượng.

Chọn tập
Bình luận