Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lộc Đỉnh Ký

Chương 100 – Vi Tiểu Bảo phen này bị vố to

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Ngô Tam Quế trấn giũ Sơn Hải quan để chống cự quân Mãn Châu vào xâm lược. Tư Ðồ Bá Lôi là tay kiêu dũng mà lại thiện chiến nên lập được nhiều công trạng. Sau Lý Tự Thành đánh phá Bắc Kinh, Ngô Tam Quế hướng dẫn quân Thanh vào quan ải. Tư Ðồ Bá Lôi lảnh binh ra tác chiến với bọn Lý Tự Thành từng phá được Sấm quân, giết được vô số binh tướng. Lão là người đầu tiên vào đánh Bắc Kinh. Khi đó lão tưởng quân Thanh kéo vào quan ải chỉ vì mục đích báo thù cho Sùng Trinh Hoàng đế. Ngờ đâu quân Thanh lại thừa cơ chiếm lấy giang sơn của người Hán và Ngô Tam Quế là một tên đại Hán gian. Tư Ðồ Bá Lôi cực kỳ phẩn nộ lập tức bỏ lên núi Vương ốc ẩn cư. Tư Ðồ Bá Lôi võ công đã cao cường, lại nhân thời kỳ ẩn cư chuyên tâm rèn luyện, bản lãnh lão ngày càng tiến bộ. Bọn thủ hạ của Tư Ðồ Bá Lôi có nhiều người không muốn đầu hàng nhà Mãn Thanh đều tụ tập về núi Vương ốc. Tư Ðồ Bá Lôi rảnh việc liền đem võ công truyền thụ cho bọn thủ hạ rồi tự nhiên biến thành phái Vương ốc. Phái Vương ốc trước có tình thày trò, sau mới thành môn phái nên khác hẳn các môn phái khác. Cái tên Tư Ðồ Bá Lôi bọn Trương Khang Niên đã được nghe qua. Nguyễn Nghĩa Phương lại cho hay gã thanh niên cầm đầu bọn áo lam tên gọi Tư Ðồ Hạc, con thứ ba của Tư Ðồ Bá Lôi. Còn ngoài ra là sư huynh, sư đệ đồng môn. Trong bọn này có một vị niên trưởng bọn chúng xưng hô bằng sư thúc. Nguyễn Nghĩa Phương lại cho hay thiếu nữ đó tên gọi là Tăng Nhu. Phụ thân cô là bộ hạ của Tư Ðồ. Mấy nãm trước, phụ thân cô lúc lâm chung đã sai cô đến xin làm môn hạ của phái này. Mới đây quần hào phái Vương ốc được tin con trai Ngô Tam Quế là Ngô Ứng Hùng tới Bắc Kinh. Tư Ðồ chưởng môn liền phái bọn thuộc hạ đến ra mắt gã. Nhân đi đường qua đây thấy một doanh trại của quân Thanh dựng nên, Tư Ðồ Hạc hãy còn nhỏ tuổi, bản tánh hiếu sự liền trà trộn vào thám thính thì thấy mọi người đang đánh bạc. Hắn muốn động thủ đánh trước,thực ra không phải để ý đến tiền bạc mà chỉ cốt đánh giết quân Mãn Châu cho tan nhuệ khí. Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Bọn ngươi định đến ra mắt con trai Ngô Tam Quế để làm gì? Nguyễn Nghĩa Phương đáp:

-Gia sư dặn bọn tại hạ nghĩ cách bắt gã đem lên núi Vương ốc uy hiếp Ngô Tam Quế bức bách hắn bức bách hắn. Vi Tiểu Bảo hỏi dồn:

– Sao? Bức bách hắn tạo phản phải không? Nguyễn Nghĩa Phương đáp:

– Ðó là lời dạy của gia sư, không liên quan gì đến tiểu nhân. Tiểu nhân giữ lòng trung với nhà Thanh, quyết không dám tạo phản. Bửa nay tiểu nhân đã chặt đứt quan hệ với phái Vương ốc tức là không chịu theo bọn nghịch tặc, bỏ chỗ tối ra chỗ sáng, khởi nghĩa ngay trước trận. Vi Tiểu Bảo vung cước đá gã một cái, vừa cười vừa thoá mạ:

– Con mẹ nó. Ngươi mà là một tay đại nghĩa sĩ? Nguyễn Nghĩa Phương tuy không né tránh, chịu hứng cái đá, miệng đáp:

– Dạ! Dạ! Tiểu nhân hoàn toàn trông cậy vào sự tài bồi của tiểu tướng quân. Từ nay nều tiểu nhân được tiểu tướng quân cho làm tôi mọi, tiểu nhân xin dốc dạ trung thành. Dù phải nhảy vào đống lửa cũng không lùi bước. Vi Tiểu Bảo nghĩ thầm:

– Việc ta buông tha cho bọn Tư Ðồ Hạc, Tăng Nhu, e rằng bọn Trương Khang Niên và đoàn thị vệ không phục. Bây giờ ta phải cho chúng lợi một chút, nhà cái mới gỡ được mặt mũi. Gã trầm ngâm một lát, quyết định chủ ý rồi, đập mạnh tay xuống bàn quát:

– Mi là tên phản tặc to gan lớn mật. Hiển nhiên đến câu kết với Ngô Tam Quế tạo phản triều đình. Còn mi nói đến bắt con y thì được lợi gì? Mi muốn dấu diếm cho y phải không? Tổ bà quân khốn kiếp. Thủ hạ đâu? Nọc hắn ra mà đánh một trận cho gã biết phép nước. Lập tức bảy tám tên quân ngoài cửa trướng nhảy vào vật Nguyễn Nghĩa Phương xuống đất, dùng côn đánh một hồi đến nát da rữa thịt. Vi Tiểu Bảo hỏi:

-Mi da chịu cung xưng chưa? Mi bảo tới bắt con Ngô Tam Quế sao lại trà trộn vào quân trường ta để sát hại Ngự tiền thị vệ? Gã ngừng lại một lát rồi nói tiếp:

– Ngự tiền thị vệ và Kiêu kỵ doanh đều là những người thân tín của Hoàng Thượng. Bọn mi đắc tội với Ngự tiền thị vệ và Kiêu kỵ doanh tức là không nể mặt Hoàng thượng. Bọn Trương Khang Niên, Phú Xuân nghe gã nói trong lòng rất khoan khoái, đều lớn tiếng ra oai. Vi Tiểu Bảo lại nói:

-Quân này chỉ bẻm mép dùng hoa ngôn xảo ngữ, bịa đặt chuyện hoang đường để gạt ta. Nếu không đánh dàu thì sao tra ra được thực tình của quán phản tặc. Bọn quán sĩ lại quát tháo, vung côn đánh xuống như mưa. Nguyễn Nghĩa Phương la làng:

– Ðừng đánh nữa! Ðừng đánh nữa! Tiểu nhân xin thú hết! Vi Tiểu Bảo quát hỏi:

– Bọn mi ở trên Vương ốc cả thảy có bao nhiêu tên? Nguyễn Nghĩa Phương đáp:

– Tất cả hơn bốn trăm người. Vi Tiểu Bảo lại hỏi:

– Kể cả người nhà tổng số bao nhiêu? Nguyễn Nghĩa Phương đáp:

– Nếu kể cả người nhà thì nhân số lên tới hơn hai ngàn người. Vi Tiểu Bảo vỗ án quát lớn:

– Tổ bà nó! Sao lại ít thế? Quân bay. Ðánh nữa đi cho ta coi. Nguyễn Nghĩa Phương kêu thét lên:

– Ðừng đánh nữa. Ðừng đánh nữa. Cả thảy có..bốn ngàn..năm ngàn người hay hơn nữa. Vi Tiểu Bảo lớn tiếng thoá mạ:

– Chém cha con mẹ tổ tôn mười tám đời nhà mi. Nói sao thì nói cho mau lẹ, dứt khoát. Chín ngàn thì mi bảo là chín ngàn, sao còn phải nói là bốn, năm ngàn. Nguyễn Nghĩa Phương đáp:

-Dạ, dạ! Có chín ngàn người… hay hơn nữa.. Vi Tiểu Bảo lại quát:

– Bọn phản tặc nhà mi có bao giờ chịu nói thật. Mi bảo hơn chín ngàn thì ít ra phải đến một vạn chín ngàn. Gã vỗ bàn đánh bình một tiếng, quát hỏi:

-Trên núi Vương ốc tụ tập bao nhiêu tên phản loạn? Ngươi phải khai cho đúng. Nguyễn Nghĩa Phương nghe giọng lưỡi Vi Tiểu Bảo thì dường như nhân số càng nhiều gã càng thích. Gã liền đáp:

-Tiểu nhân nghe nói.. tổng cộng hơn ba vạn người… Vi Tiểu Bảo mừng rỡ nói:

– Có thế chứ! Phải bấy nhiêu mới gần đúng. Gã quay lại bảo Tham lĩnh Phú Xuân:

– Quân đê tiện này, không đánh đau là không cung xưng. Phú Xuân đáp:

-Dạ đúng thế! Phải đánh nữa mới được. Nguyễn Nghĩa Phương kêu la:

– Bất tất phải đánh nữa. Tướng quân đại nhân hỏi câu gì, tiểu nhân xin thú câu đó. Nguyễn Nghĩa Phương chủ ý là cứ theo giọng lưỡi của viên tiểu tướng quân này mà khai ra, để khỏi phải đau đớn về da thịt. Vi Tiểu Bảo liền hỏi:

– Hơn ba vạn người trong bọn mi cũng luyện tập võ công cả phải không? Vừa rồi vị tiểu cô nương kia mới 15, 16 tuổi cũng đã giỏi võ nghệ. Phải chăng bọn mi toàn là bộ hạ cũ của Ngô Tam Quế? Còn những tên nhỏ tuổi thì là con cái của các tướng lãnh dưới trướng hắn ngày trước chứ gì? Nguyễn Nghĩa Phương đáp:

– Dạ dạ! Toàn thể đều đã học võ nghệ và đều là chân tay bộ hạ cũ của Ngô Tam Quế, hay con cháu của bọn này. Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Tên Tư Ðồ Bá Lôi, chủ lãnh của bọn mi, trước kia là ái tướng của Ngô Tam Quế, bản lãnh ghê gớm lắm phải không? Hắn đã nói ra miệng là phải giết chết cho kỳ hết bọn người Mãn Châu chúng ta, Mi có biết chuyện đó không? Nguyễn Nghĩa Phương đáp:

– Ðó là lời nói của kẻ đại nghịch vô đạo như y mới dám thốt ra. Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Hắn phái bọn mi đến Bắc Kinh gặp con trai Ngô Tam Quế để thương lượng về việc tạo phản, sao bọn mi lại không đến Vân Nam để bàn định thẳng với Ngô Tam Quế? Nguyễn Nghĩa Phương ấp úng:

-Cái đó cái đó e rằng.. e.rằng còn có nguyên nhân. Thực tình bọn chúng chỉ được sai đi bắt Ngô Ứng Hùng.. Câu hỏi của Vi Tiểu Bảo thực khó trả lời, gã ấp úng lựa chiều mãi mà nói không trôi. Vi Tiểu Bảo tức giận quát:

– Quân khốn kiếp. Còn nguyên nhân gì nữa? Chính Tư Ðồ Bá Lôi đã đến Vân Nam từ trước để bàn định với Ngô Tam Quế rồi. Có đúng thể không? Nguyễn Nghĩa Phương ngập ngừng đáp:

– Dường như… dường như đúng thế Vi Tiểu Bảo vỗ bàn thoá mạ:

– Con mẹ nó. Ðúng là đúng mà không đúng là không đúng. Sao còn dường như với chẳng dường như. Nguyễn Nghĩa Phương vội nói theo:

– Dạ? Dạ! Ðúng thế. Hắn đi Vân Nam rồi. Bọn Trương Khang Niên, Triệu Tệ Hiền, Phú Xuân nghe Vi Tiểu Bảo dẫn dụ cho Nguyễn Nghĩa Phương cung khai buộc Bình Tây Vương Ngô Tam Quế vào tội tạo phản đại nghịch, đều không khỏi ngơ ngác nhìn nhau. Chúng ngấm ngầm kinh hãi, không hiểu gã có dụng ý gi? Vi Tiểu Bảo lại hỏi:

– Tại sao tên tướng thân ái của Ngô Tam Quế là Tư Ðồ Bá Lôi dẫn hơn ba vạn tinh binh lại không đóng trại tại Vân Nam? Tổ bà nó! Núi Vương ốc ở địa phương nào? Gã nghĩ bụng:

– Nếu nói Vương ốc cũng ở trong tỉnh Vân Nam thì mình bỏ câu này là dại. Lại nghe Nguyễn Nghĩa Phương đáp:

– Núi Vương ốc ở huyện Tề Nguyên tỉnh Hà Nam. Vi Tiểu Bảo nói:

– Phải mà. Núi Vương ốc ở gần Bắc Kinh hơn nhiều. Bọn phản tặc dụng tâm thật ác độc. Chúng đưa một cánh quân tinh nhuệ mai phục trước trong vùng rừng núi ở gần Bắc Kinh. Hễ Ngô Tam Quế ở Vân Nam nõ lên làm phản là lập tức bọn mi kéo quân từ trong núi ra bổ vây Bắc Kinh chặt đầu bọn Ngự tiền Thị vệ, Kiêu Kỵ thân binh chúng ta như sung rụng cả một lượt. Bọn mi tàn sát đến máu chảy thành sông, thây cao như núi, cát bụi mịt trời, té đái vãi phân mới vừa lòng, có phải thế không? Nguyễn Nghĩa Phương dập đầu nói:

– Ðó là âm mưu của hai tên phản tặc Ngô Tam Quế và Tư Ðồ Bá Lôi, không liên quan gì đến tiểu nhân. Vi Tiểu Bảo mỉm cười nghĩ bụng:

– Mi quả là một đứa khôn ngoan. Rồi gã hỏi:

– Trong phái Vương ốc có bao nhiêu tên bộ hạ của Ngô Tam Quế đã làm quan binh, ngươi phải khai cho rõ. Nguyễn Nghĩa Phương đáp:

– Số người này nhiều lắm. Hắn đưa ra khá nhiều tên họ thực sự chớ không phải bịa đặt. Vi Tiểu Bảo nói:

– Vậy ngươi viết tên họ bọn chúng ra bản cung. Trước bọn đó làm chức gì dưới trướng Ngô Tam Quế phải kê cho đúng. Nguyễn Nghĩa Phương nói:

– Có một số…tiểu nhân không nhớ rõ. Vi Tiểu Bảo quát:

– Ngươi không nhớ rõ ư. Nọc ra đánh ba chục côn là ngươi nhớ hết. Nguyễn Nghĩa Phương vội la:

– Bất tất phải đánh…Tiểu nhân nhớ được cả rồi. Quân sĩ lấy giấy bút ra đưa cho Nguyễn Nghĩa Phương lập danh sách. Vi Tiểu Bảo thấy hắn viết hàng nửa ngày trời mà vẫn không lập xong, trong lòng nóng nẩy, nhìn Trương Khang Niên nói:

– Trương huynh đi kêu thư lại đến lấy khẩu cung tên này. Gã lại nhìn Nguyễn Nghĩa Phương lớn tiếng:

– Khẩu cung của mi vừa khai thế nào thì bây giờ phải đọc lại đúng như cũ mi chỉ sai nửa câu là ta chặt đầu đó. Các ngươi đem nó xuống dưới kia để khai cung. Hai tên quan quân lôi Nguyễn Nghĩa Phương ra ngoài. Vi Tiểu Bảo cười hề hề nói:

– Ba vị lão huynh? Phen này chúng ta thật hên vận mới khám phá ra vụ án phản nghịch tày đình. Ðây nhất định là một dịp thăng quan, phát tài cho chúng ta. Bọn Trương Khang Niên ba người vừa kinh hãi vừa mìmg thầm. Triệu Hiền Tề nói:

– Ðây là sáng kiến anh minh của Ðô thống Ðại nhân, bọn tiểu nhân có công trạng gì đâu? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Mọi người tham dự đều có công lao và được dự phần ân thưởng. Trương Khang Niên hỏi:

– Việc nói Bình Tây Vương tạo phản không hiểu đã đủ bằng chứng chưa? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Bọn nghịch tặc trên núi Vương ốc định tạo phản không phải là điều giả dối. Chúng đều là thuộc hạ của Ngô Tam Quế, điều này cũng nhất định không sai. Vậy chúng đến Bắc Kinh tìm con trai của Ngô Tam Quế để làm gì? Trương Khang Niên đáp:

– Theo lời của gã họ Nguyễn thì chúng đến Bắc Kinh bắt Bình Tây Vương Thế tử để bức bách Bình Tây Vương tạo phản. Vậy trước khi sự việc xảy ra Bình Vương Tây chưa chắc đã có liên quan gì đến bọn chúng. Vi Tiểu Bảo cười lạt hỏi:

– Trương đại ca đã qua lại rất nhiều với bọn người trong Bình Tây Vương phủ và đã hiểu được lắm chuyện về nội tình phải không? Nếu bọn chúng tạo phản thành công, Bình Tây Vương lên làm Hoàng đế thì hà.. hà.. Trương Khang Niên thấy giọng lưỡi Vi Tiểu Bảo có điều bất thiện bất giác sợ run, vội đáp:

– Tiểu nhân không biết một tên nào trong phủ Bình Tây Vương. Ðô Ðô thống đại nhân..nói phải lắm? Tên Ngô Tam Quế là…kẻ đại nghịch vô đạo. Bọn…ta nên lập tức..lập bản cáo trạng tâu lên Hoàng đế. Vi Tiểu Bảo nói:

– Ba vị hãy đi theo thư lại thương lượng cùng nhau để làm bản tâu cho hết nhẽ. Chẳng bao lâu ba người và tên thư lại viết xong bản tâu và đọc lại cho Vi Tiểu Bảo nghe. Nội dung bản tâu theo lời cung chiêu của Nguyễn Nghĩa Phương. Bản tâu có đính kèm danh sách những thuộc hạ của của Ngô Tam Quế. Trong bản tâu còn thêm dầu thêm mỡ. Nào là ban ngày Phó Ðô thống đã biết có phản tặc nhòm ngó, ban đêm giả vờ để doanh trại không phòng bị cho phản tặc đột kích. Nào là phản tặc cực kỵ hung hăng. Nào là Phó Ðô thống xông trước sĩ tốt, hết sức chiến đấu bắt được tên đầu đảng Nguyễn Nghĩa Phương mới biết được mưu đồ phản nghịch. Nào là bọn thị vệ Cát Thông đã trung dũng bỏ mình vì nước.. Vi Tiểu Bảo nghe xong nói:

– Thêm vào mấy câu nói răng đã bắt được 19 tên phản tặc và đã dùng bất cứ hình phạt gì chúng cũng không cung khai. Sau phải y theo phương lược của Hoàng đế bữa trước: cố ý phóng thích cả 18 tên phản tặc mới điều tra ra được toàn bộ mưu mô phản nghịch.. một cách đầy đủ, rõ ràng. Ba người nghe xong đồng thanh hỏi:

– Té ra việc Ðô Thống tha 18 tên phản tặc là chiếu theo phương lược của Hoàng Ðế truyền thụ ư? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Cái đó hẳn rồi. Ta còn nhỏ thế này có lý đâu thông minh đến thế được. Nếu không theo mưu cao kế sâu của đức Hoàng Thượng thì sao đủ tài điều tra ra vụ phản nghịch này? Vi Tiểu Bảo nói đây là việc ngày trước Vua Khang Hy sai gã buông tha bọn Ngô Lập Thân, Ngao Bưu, Lưu Nhất Chu để làm phương tiện điều tra quần hào ở Mộc Vương Phủ vào cung hành thích. Bọn Trương Khang Niên cho ngay là vụ bọn người phái Vương ốc đến đột kích đã bị Nhà Vua phát giác, vậy việc vu hãm Ngô Tam Quế cũng là do Nhà Vua ngỏ lời cho Vi Tiểu Bảo rồi. Chúng thấy mình gặp phen đại phú quý, tự nhiên không tốn hơi sức gì thì mừng rỡ vô cùng, hết lời tạ ơn Vi Tiểu Bảo. Chiếu theo luật lệ của Nhà Mãn Thanh thì bất kỳ tướng lãnh nào đi chinh chiến thì chỉ khi nào có chiếu triệu của nhà Vua mới được quay về kinh. Bọn Vi Tiểu Bảo tuy mới dời Bắc Kinh có 2- 3 chục dặm nhưng cũng không dám thiện tiện trở về cung ra mắt vua Khang Hy. Gã liền sai hai tên Tá lệnh cùng mười tên Ngự tiền thị vệ lệnh ba trăm quân áp giải Nguyễn Nghĩa Phương ngay trong đêm về Kinh để tâu trình lên Ðức Vua. Vi Tiểu Bảo lấy làm đắc ý nghĩ thầm:

– Phen này đủ làm cho Ngô Tam Quế phải khốn đốn. Phe Mộc Vương Phủ và Thiên Ðịa Hội chúng ta ganh nhau hạ Ngô Tam Quế. Bữa nay lão gia đối.với hai vị sư phụ đều lập nên công lớn. Trần sư phụ ở Thiên Ðịa Hội chắc là khoái lắm. Cả Hoàng Ðế sư phụ chắc cũng vui mừng. Hôm sau gã dẫn quân từ tư đi về phía Nam. Vào lúc xế chiều bỗng thấy hai tên Ngự tiền thị vệ từ trong Kinh ngồi khoái mã rượt đuổi tới nơi. Chúng đồng thanh kêu to:

– Hoàng Thượng có mật chỉ. Vi Tiểu Bảo cả mừng lập tức triệu bọn thị vệ cùng quan quân ở Kiêu kỵ Doanh đến trung quân để nghinh tiếp Thánh chỉ. Viên thị vệ đứng giữa trung quân dõng dạc đọc Thánh chỉ:

– ” Ngự tiền thị vệ Phó Tổng Quản, Kiêu Kỵ Doanh chính Hoàng kỳ Phó Ðô Thống Vi Tiểu Bảo hãy nghe đây: Trẫm sai ngươi đi công cán chùa Thiếu Lâm. Ai bảo ngươi dọc đường xen vào chuyện vu vơ? Ngươi nghe lời kẻ tiểu nhân nói năng càn rỡ, vu hãm bậc công thần. Hành động mù quáng này há chẳng khiến cho những Phiên thần phải đau lòng. Những lời nói.nhăng nói cuội tư nay cấm chỉ không được nhắc tới. Nếu để một câu tiết lộ ra ngoài thì các ngươi hãy xách thủ cấp về mà gặp Trẫm. Khâm thử! ” Vi Tiểu Bảo nghe thánh chỉ chả còn hồn vía nào nữa, toàn thân toát mồ hôi lạnh ngắt. Gã đành dập đầu tạ ơn. Mọi người trong quân trường đều mặt mũi ngơ ngác, cực kỳ hổ thẹn. Bọn Trương Khang Niên, Phú Xuân không dám nói gì, chỉ thầm nghĩ trong bụng:

– Thằng lỏi này gây rắc rối mà Hoàng Thượng không bắt tội là phúc tày đình cho gã. Lúc này tâm tình gã đang khốn quẫn. Ta còn đứng đây khác nào là cái gai trước mặt gã. Không chừng gã giận cá chém thớt là khổ cho mình. Chúng nghĩ vậy rồi cáo từ lui ra. Tên thị vệ đọc thánh chỉ đến gần Vi Tiểu Bảo nói nhỏ vào tai gã:

– Hoàng Thượng dặn Vi Phó Ðố thống phải coi chừng. Vi Tiểu Bảo đáp:

– Dạ. Ða tạ hồng ân của Thánh Thượng. Gã lấy một ngàn lạng bạc ra tạ ơn hai tên thị vệ. Hai tên thị vệ đi rồi, Vi Tiểu Bảo trong lòng cực kỳ buồn bã, tự hỏi:

– Chẳng lẽ Hoàng Ðế biết ta cố ý hãm Ngô Tam Quế? Hay là thằng cha Nguyễn Nghĩa Phương đến Bắc Kinh rồi phản cung. Chắc hắn nói ta đánh hắn đau buộc phải nhận? Xem chừng Hoàng Ðê rất thân với Ngô Tam Quế. Muốn lật đổ hắn thật không phải dễ dàng. Quan quân bị vố này như đụng phải đinh, đánh bạc cũng không còn thích thú nữa. Dọc đường chẳng có chuyện gì xảy ra. Cuối cùng quan quân đã kéo tới chùa Thiếu Lâm ở núi Tung Sơn. Các vị sư trong chùa nghe tin có thánh chỉ tới liền kéo xuống núi nghênh tiếp, đón bọn Vi Tiểu Bảo lên chùa. Vi Tiểu Bảo lấy thánh chỉ bên mình đưa cho Trương Khang Niên tuyên đọc. Thánh chỉ là một trường thiên đại luận. Nào là:

– Các Pháp sư: Thâm ngộ huyền cơ, tảo thức diệu lý Khắc kiến gia du, giáp phụ hoàng kỳ Nào là: Phạn thiên cung điện, huyền nhật nguyệt chỉ quang hoa Phật địa viên lâm, động yên vân chí khí sắc Nào là: Vân nhiễu Tung nhạc, loan hồi Thiếu Thất. Hảo thuỷ tiên lộ, lâm thăng Phật nhật Trắc yên phạn chúng, đại hữu minh triết Tiếp theo Trương Khang Niên đọc tới đoạn gia phong cho trụ trì chùa Thiếu Lâm là Hối Thông hòa thượng làm Hộ quốc hựu thánh thiền sư. Cả 18 nhà sư đã lập công trên Ngũ Ðài Sơn đều được phong thưởng. Ðoạn sau cũng là:

– Nay phái Ngự tiền thị vệ Phó Tổng quản, Kiêu Kỵ doanh chinh Hoàng kỳ Phó Ðô Thống được khâm mạng mặc áo vàng là Vi Tiểu Bảo để thay Trẫm lên chùa Thiếu lâm xuất gia đầu phật, nghiên cứu Phạn điển hoàng đương Phật pháp. Vi Tiểu Bảo còn được ngự tứ độ phật pháp khí, lập tức xuống tóc quy y. Khâm thử. Phía trên thánh chỉ là một thiên văn tứ lục theo thể biến ngẫu, Vi Tiểu Bảo chẳng hiểu làm sao. Ðoạn dưới gã hiểu được, mặt mày tái mét. Vua Khang Hy bảo gã lên Ngũ Ðài Sơn.làm hòa thượng, gã đã tuân mệnh rồi, ai ngờ Ngài lại sai gã lên chùa Thiếu Lâm thệ phát quy y. Ðạo thánh này gã mang ở trong mình. Dĩ nhiên dọc đường không dám mở ra coi lén. Dù gã có coi chăng nữa cũng chả hiểu Thánh Chỉ viết những gì. Hối Thông thiền sư cùng quần tăng nghe đọc chỉ xong đều dập đâu tạ ơn. Vi Tiểu Bảo đứng bên dở khóc dở cười, trong lòng rất đỗi băn khoăn. Hối Thông thiền sư nói:

– Vi đại nhân xuất gia thay hoàng thượng là một điều vinh dự lớn cho bản Tự. Thiền sư lấy dao cạo ra rồi nói tiếp:

– Vi đại nhân thay mình đức hoàng thượng là một chuyện không phải tầm thường. Lão tăng không dám làm sư phụ mà chỉ thay mặt tiên sư thu nạp làm đệ tử, tức là sư đệ của lão tăng. Pháp danh của sư đệ là Hối Minh. Trong chùa Thiếu Lâm pháp hiệu bằng chữ “Hối” chỉ có hai người là lão tăng và sư đệ. Vi Tiểu Bảo nghe tới đây đành quỳ xuống.chịu lễ thế phát. Hối Thông thiền sư ra tay cạo trước đỉnh đầu gã ba cái rồi giao cho Thế độ tăng cạo nốt. Ðầu tóc của Vi Tiểu Bảo đã bị cháy trụi, chỉ còn lơ thơ mấy sợi tóc nên cạo rất mau, chỉ loáng cái đã xong. Hối Thông thiền sư đọc mấy câu: Thiếu Lâm tố bích, bất dĩ vi ngại Ðại đế xuất gia, bất dĩ vi thái Trần thế vinh hoa, tích thế kim minh Bất khứ bất lai, hà tồn hà tăng Thiền sư lại lấy ngự tử độ diệp của Hoàng đế ra. Lão viết hai chữ “Hối Minh” nhét vào trong diệp rồi dẫn Vi Tiểu Bảo lên làm lễ Tam Bảo. Quần tăng đồng thanh tuyên phật hiệu. Vi Tiểu Bảo mắng thầm trong bụng:

– Mồ cha tổ tôn mười tám đời lão trọc không biết tu nhân tích đức lại đem đầu lão gia ra cạo trọc. Lão gia niệm một câu ” Tổ bà quân khốn kiếp”. Ðột nhiên gã tự thương thân lớn tiếng khóc ròng, khiển cho quần tăng cùng quan quân đều kinh ngạc đến thộn cả mặt ra.

Chọn tập
Bình luận