Hồng An Thông mĩm cười hỏi lại:
– Sao lại không phải đại anh hùng? Bản tòa đặt tên gì cho được bây giờ? À phải rồi, bản tòa dùng hai ngón tay ấn vào lông mày. Vậy kêu bằng “Trương Sướng họa mi”. Hồng phu nhân cười nói:
– Trương Sướng không phải là anh hùng, vẽ lông mày cho vợ mà bảo là chiêu thức anh hùng càng không được nữa. Hồng An Thông hỏi:
– Lạc thú chốn khuê phòng còn gì thanh nhã hơn vẽ mày mà phu nhân bảo là không phải anh hùng ư? Hồng phu nhân hai má đỏ ửng lắc đầu không nói. Vi Tiểu Bảo chẳng biết Trương Sướng là ai, gã nghĩ thầm:
– Vẽ lông mày cho vợ chẳng những không anh hùng mà còn có vẻ hèn hạ sợ vợ nữa. Gã không hiểu Hồng An Thông muốn chơi chữ để đùa giỡn với vợ, liền xen vào:
– Thưa giáo chủ. Chiêu này của giáo chủ tập trung vào cổ địch nhân mà những bậc anh hùng cưỡi ngựa thì thiếu gì. Tỷ như Quan Vân Trường cưỡi ngựa Xích Thố, Tần Thúc Bảo cưỡi ngựa Hoàng Phiếu. Hồng An Thông cười đáp:
– Phải đấy! Nhưng con ngựa Xích thố trước là của Lữ Bố, về sau mới đến tay Quan Vân Trường. Tần Quỳnh lại đem con ngựa Hoàng Phiếu bán đi mất. Như vậy đều không hợp cảnh. Ðược rồi. Chiêu này lấy điển tích ở Ðịch Thanh hàng phục long câu. Vậy lấy tên là “Ðịch Thanh hàng câu” Hồng phu nhân vỗ tay cười nói:
– Hay lắm! Hay lắm! Ðịch Thanh ra trận đeo cái mặt nạ bằng đồng xanh khiến cho Phiên binh sợ quá kêu la ầm ỷ, bỏ chạy tán loạn. Dĩ nhiên Ðịch Thanh là một vị anh hùng. Vi Tiểu Bảo liền diễn thử ” Mỹ nhân tam chiêu” và “Anh hùng tam chiêu”. Chỗ nào thủ pháp hoặc thân pháp không đúng liền được Hồng An Thông cùng Hồng phu nhân chủ điểm và sửa chữa. Công phu của sáu chiêu này thật là kỳ diệu, dĩ nhiên trong lúc nhất thời Vi Tiểu Bảo không thể học hiểu ngay được, nhưng gã biết đường rèn luyện thì gã cố gắng trong một thời gian sẽ học thuộc. Hai người dạy xong sáu chiêu này thì trời đã đúng ngọ. Hồng phu nhân nói:
– Bạch Long sứ. Trong bản giáo người được đích thân giáo chủ truyền dạy công phu ngoài ta ra chỉ có một mình ngươi. Vi Tiểu Bảo nói:
– Không biết thuộc hạ đã tu hành mấy kiếp mà nay được hưởng phúc khí này? Hồng phu nhân đáp:
– Người nên tận trung phục vụ giáo chủ để báo đền ân đức. Vi Tiểu Bảo vâng lời. Hồng phu nhân lại nói:
– Bây giờ ngươi hãy thu xếp hành trang để mai cùng Bạn Ðầu Ðà và Lục Cao Hiên xuống thuyền khởi hành, bất tất phải vào đây cáo biệt nữa. Vi Tiểu Bảo liền nhìn hai người kính cẩn thi lễ rồi trở gót đi ra. Ðến bên cửa gã quay lại hỏi:
– Thưa phu nhân! Nếu thuộc hạ sống được tới tám chục tuổi thì khi đó giáo chủ cùng phu nhân mỗi vị lão nhân gia lại truyền cho thuộc hạ ba chiêu được chăng? Hồng phu nhân ngơ ngác một chút liền hiểu ngay là những lời cầu chúc, bụng bảo dạ:
– Bây giờ mới mười bốn, mười lăm tuổi thì còn hơn sáu chục năm gã mới tới tám mươi tuổi. Nhưng ta cùng giáo chủ thọ ngang Thượng Ðế thì ngoài sáu chục năm nữa ăn thua gì? Mụ hể hả đáp:
– Ta nhận lời với ngươi vào ngày sinh nhật ngươi được tám chục tuổi, giáo chủ cùng ta lại truyền thụ cho ngươi mỗi người ba chiêu. Ðến ngày ngươi đủ trăm tuổi vào hàng đại thọ chúng ta lại truyền cho ba chiêu nữa kêu bằng “Lão thọ tinh tam chiêu”, “Lão bà bà tam chiêu”. Vi Tiểu Bảo nói:
– Không phải thế khi ấy phu nhân vẫn trẻ đẹp như bây giờ, không chừng giáo chủ cùng phu nhân còn trẻ hơn nữa là khác. Vậy hai vị lão nhân gia truyền thụ cho thuộc hạ “Kim đồng tam chiêu” và “Ngọc nữ tam chiêu”. Hồng An Thông cùng Hồng phu nhân nghe gã nói đều nổi lên tràng cười khanh khách. Vi Tiểu Bảo vừa ra khỏi đại sảnh đã thấy Uỷ Tôn Giả cùng Lục Cao Hiên ngồi chờ trên tảng đá. Hai người chờ lâu quá trong lòng rất đỗi kinh nghi, chỉ lo đã xảy ra biến cố gì. Bây gì thấy gã nét mặt hơn hớn đi ra mới yên lòng, muốn hỏi chuyện mà lại không dám. Vi Tiểu Bảo nói:
– Giáo chủ cùng phu nhân truyền thụ cho tại hạ mấy môn võ công rất tinh diệu. Uỷ Tôn Giả và Lục Cao Hiên đồng thanh ca tụng:
– Cung hỷ Bạch Long sứ. Trong bản giáo ngoài phu nhân ra giáo chủ chưa truyền cho ai một chiêu một thức nào. Vi Tiểu Bảo nhơn nhơn đắc ý đáp:
– Giáo chủ cũng bảo với tại hạ thế. Lục Cao Hiên hỏi:
– Bạch Long sứ được giáo chủ sủng ái như vậy thật là kể từ ngày bản giáo sáng lập tới nay chưa ai tốt số đến thế. Giáo chủ truyền cả cách luyện ” Ðộc Long dịch cân hoàn ” cho Bạch Long sứ rồi chứ? Vi Tiểu Bảo đáp:
– Cái đó thì chưa. Lục Tiên Sinh có hiểu môn đó không? Lục Cao Hiên nói:
– Tại hạ chỉ hiểu sơ qua nhưng còn kém giáo chủ xa lắm. Ba người về tới Lục gia, Lục Cao Hiên liền đem công quyết truyền cho Vi Tiểu Bảo. Y dạy gã ngồi mỗi ngày nửa giờ để cho linh đan Ðộc long dịch cân hoàn tan vào những huyệt đạo cùng gân cất trong toàn thân. Y dạy gã cả tọa công cùng cách vận động nội tức. Vi Tiểu Bảo nghĩ thầm trong bụng:
– Ðộc long dịch cân hoàn đã là thứ linh đan rất bổ ích cho thân thể thì Uỷ Tôn Giả cùng Lục Cao Hiên uống vào rồi đáng lý phải lộ vẻ vui mừng mới phải, sao hai lão này lại ra chiều khác lạ? Hiển nhiên họ đau khổ hơn là vui sướng, khác nào người uống phải chất kịch độc? Gã sinh lòng ngờ vực liền nói:
– Một viên thuốc nhỏ xíu mà công hiệu lớn lao như vậy, đáng tiếc là cái tên không được dễ nghe. Hai chữ “Ðộc long” làm cho người ta tưởng làm một thứ độc dược chứ không phải thuốc bổ. Uỷ Tôn Giả thở dài đáp:
– Là độc dược hay linh đan cũng không qua mắt ai được. Có điều tính mạng của ba người chúng ta hoàn toàn ở trong tay Bạch Long sứ. Vi Tiểu Bảo kinh hãi hỏi:
– Uỷ Tôn Giả nói thế là nghĩa làm sao? Uỷ Tôn Giả nhìn Lục Cao Hiên thấy y gật đầu, liền hỏi lại:
– Bạch Long sứ. Khi người lịch sự thì gọi tại hạ bằng “Uỷ Tôn Giả”, mà không lịch sự cũng gọi là Bạn Ðầu Ðà, nhưng tại hạ người vừa cao vừa gầy, hoàn toàn trái ngược với sự thực. Bạch Long sứ có cảm thấy quái lạ không? Vi Tiểu Bảo đáp:
– Phải rồi. Trong lòng tại hạ rất lấy làm kỳ, nhưng tại hạ cho rằng người ta kêu trái ngược như vậy chỉ vì muốn chế diễu Tôn Giả mà thôi. Có điều ai giở giọng trào phúng còn được, nhưng chính giáo chủ cùng phu nhân cũng hô Tôn Giả bằng Bạn Ðầu Ðà thì ra lão nhân gia đùa giỡn với tại hạ. Uỷ Tôn Giả thở dài nói:
– Tại hạ uống Ðộc Long dịch cân hoàn lần này lần thứ hai, đã từng nếm mùi đau khổ còn hơn chết đi sống lại. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn tưởng tượng như mình đã trải qua một cơn ác mộng. Nguyên trước tại hạ vữa lùn vừa mập. Uỷ Tôn Giả hay Bạn Ðầu Ðà chẳng phải nói sai đâu. Vi Tiểu Bảo hỏi:
– Ủa! Vậy ra Tôn Giả uống Ðộc long dịch cân hoàn vào rồi biến thành vừa cao vừa gầy hay sao? Như vậy là tốt lắm chứ? Bây giờ Tôn Giả tướng mạo đường đường oai phong lẫm liệt. Nếu lại vừa thấp vừa mập nhất định chân tướng không được như ngày nay. Uỷ Tôn Giả nhăn nhó cười nói:
– Bạch Long sứ nói vậy cũng đúng, nhưng Bạch Long sứ thử tưởng tượng một người vừa thấp lùn vừa béo mập mà trong vòng ba tháng kéo dài ra đến ba thước. Toàn thân da thịt máu chảy đầm đìa thì tình trạng này khó chịu hay dễ chịu? Nếu không vận khí được lưu thông thì phải trở về Thần Long đảo, giáo chủ đại phát từ bi ban cho thuốc giải, nhưng tại hạ sợ rằng còn dài thêm ba thước nữa. Vi Tiểu Bảo kinh hãi la lên:
– Thế thì ba người chúng ta uống thuốc này vào đều dài thêm ra ba thước hay sao? Lục Tiên Sinh cùng tại hạ thì còn coi được, nhưng Tôn Giả mà còn dài ra thêm ba thước nữa thì không khỏi..cao quá! Uỷ Tôn Giả đáp:
– Ðộc Long dịch cân hoàn rất công hiệu, ai uống vào chỉ trong một năm là cảm thấy thân thể cường kiện, gia tăng công lực, song ngoài một năm hết hạn mà không uống thuốc giải thì chất độc mãnh liệt phát tác và hành hạ cực kỳ khổ sở, không nhất định chất thuốc đều kéo con người dài ra, tỷ như tệ sư ca Cao Tôn Giả, người đang cao lại biến thành thấp lùn. Vi Tiểu Bảo cười nói:
– Tôn Giả đang thấp biến thành cao, Cao Tôn Giả đang cao biến thành thấp. Như vậy hai người chỉ đổi danh tự cũng là hòa cả làng, có mất mát gì đâu? Uỷ Tôn Giả vẻ mặt hơi tức giận đáp:
– Không được… Vi Tiểu Bảo vội xin lỗi:
– Uỷ Tôn Giả. Tại hạ có điều thất thố, xin Tôn Giả miễn trách cho. Uỷ Tôn Giả nói:
– Hiện nay Bạch Long sứ chấp chưởng Ngũ Long lệnh mà tại hạ chỉ là tên bộ thuộc thì dù Bạch Long sứ có đánh mắng tại hạ cũng không dám phản kháng. Vả lại câu nói đó không phải Bạch Long sứ có ý chế diễu. Lão dừng lại một chút rồi tiếp:
– Giữa tệ huynh với tại hạ cũng chẳng có điều gì giống nhau: Về võ công cũng như về tính nết, về tư cách cũng như về tướng mạo và thanh âm, hai người một cao một thấp cũng khác hẳn nhau, không thể Uỷ Tôn Giả biến thành Cao Tôn Giả, hay Cao Tôn Giả thành Uỷ Tôn Giả. Vi Tiểu Bảo gậy đầu nói:
– Té ra là thế. Uỷ Tôn Giả nói:
– Năm năm trước, giáo chủ sai tại hạ cùng tệ sư ca đi làm một việc, nhưng công cán này khó quá, lúc hoàn thành sứ mạng đã quá kỳ hạn ba ngày. Hai người xuống thuyền về đảo ngay mà ở trong thuyền đã bị chất độc phát tác làm cho đau đớn không bút nào tả xiết. Tệ sư ca tính nóng như lửa cơ hồ phát điên. Y vung cước đá gãy cột buồm, con thuyền lênh đênh trên biển cả hết ngày này qua ngày khác. Tại hạ mỗi này một cao thêm, còn tệ sư ca mỗi ngày một thấp lùn. Uỷ Tôn Giả thở dài nói tiếp:
– Tình trạng phiêu lưu này kéo dài đến hơn hai tháng, bọn tại hạ yên trí là không thể sống được. Sau trên thuyền lương thực hết sạch, tệ sư ca phải giết bọn thủy thủ ăn thịt dần. Lão giương mắt nhìn ra chân trời nói tiếp:
– May sao trời còn thương. Anh em tại hạ gặp một con thuyền khác cứu thoát nạn. Bọn tại hạ bắt buộc con thuyền đó trở về đảo Thần Long lập tức. Giáo chủ thấy bọn tại hạ làm tròn sứ mạng mà không phải cố ý chần chờ nên không bắt tội và ban cho thuốc giải. Hai cái mạng này coi như được tái sinh. Nét mặt Vi Tiểu Bảo lúc xanh rờn, lúc lợt lạt. Gã càng nghe Uỷ Tôn Giả kể chuyên lại càng khiếp sợ. Vi Tiểu Bảo quay lại ngó Lục Cao Hiên thấy lão tỏ vẻ trịnh trọng thì biết lão không nói dối, liền hỏi:
– Nếu vậy thì trong vòng một năm chúng ta nhất định phải lấy được tám pho Tứ thập nhị chương kinh đem về Thần Long đảo hay sao. Lục Cao Hiên đáp:
– Nếu lấy được cả tám bộ thì còn nói gì nữa? Nhưng chuyện này đâu phải việc dễ dàng? Chúng ta chỉ mong lấy được một vài bộ và trở về kịp thời, dĩ nhiên giáo chủ cũng ban thuốc giải. Vi Tiểu Bảo tự nhủ:
– Trong tay ta đã có bảy bộ, sang năm cùng lắm là ta lấy một bộ đem về cho giáo chủ cũng đủ, thì còn khó khăn gì nữa? Gã yên tâm cười nói:
– Phen này mà chúng ta không đem lại được kết quả nào, giáo chủ không cho thuốc giải thì không chừng trẻ nhỏ biến thành lão già mà lão già lại hóa ra trẻ nhỏ. Tại hạ biến thành một vị lão công bảy, tám chục tuổi. Còn hai vị biến thành những đứa nhỏ bảy, tám tuổi thì thật là thú quá! Lục Cao Hiên run lên đáp:
– Cái đó chẳng phải là không thể xảy ra. Giọng nói của lão tỏ vẻ cực kỳ khiếp sợ. Vi Tiểu Bảo kiếm lời an ủi:
– Hai vị cứ yên tâm trông vào tạ hạ, thế nào giáo chủ cũng cho thuốc giải. Xin hai vị hãy ngồi đây, tại hạ đi dặn Phương cô nương mấy câu. Hôm qua gã đã hội kiến với Mộc Kiếm Bình, nay nóng lòng báo cho Phương Di biết: Ngờ đâu Lục Cao Hiên nói:
– Hồng phu nhân đã truyền gọi Phương cô nương đi rồi. Phu nhân còn dặn Bạch Long sứ cứ yên lòng đi hoàn thành sứ mạng cho giáo chủ là Phương cô nương ở trên đảo cũng được phần tử tế. Vi Tiểu Bảo giật mình kinh hãi hỏi:
– Phương…Phương cô nương không được đi với chúng ta ư? Lục Cao Hiên đáp;
– Hồng phu nhân sai người tới gọi cô, có dặn lời cho nội nhân của tạ hạ như vậy. Y còn nói cả Mộc Kiếm Bình ở Xích Long môn cũng cùng một tình trạng này. Vi Tiểu Bảo đau đớn âm thầm. Vừa rồi gã nói với Vô Căn đạo nhân xin lựa mấy người ở Xích Long môn cùng đi. Dè đâu Hồng phu nhân đã sớm biết. Gã khẽ hỏi:
– Phu nhân… chưa tin hẳn tại hạ hay sao? Lục Cao Hiên đáp;
– Ðó là luật lệ của bản giáo. Bạch Long sứ đi làm việc thay giáo chủ chẳng thể đem theo gia quyến. Vi Tiểu Bảo gượng cười nói:
– Nhưng hai cô đó không phải là gia quyến của tạ hạ. Lục Cao Hiên đáp:
– Dù không phải tlù cũng tương tự như vậy. Vi Tiểu Bảo tưởng ngày mai được cùng Phương, Mộc hai cô rời khỏi đảo, trong lòng cực kỳ hào hứng. Bây giờ gã được tin này bất giác chưng hửng đờ người, bụng bảo dạ:
– Giáo chủ cùng phu nhân quả là ghê gớm? Họ đã đem Ðộc long dịch cân hoàn chụp lên người ta còn chưa đủ, lại giữ cả hai cô Phương, Mộc làm con tin. Sáng sớm hôm sau. Vi Tiểu Bảo vừa thức dậy đã nghe hiệu tù và nổi lên, rồi có người ngoài cửa lớn tiếng hô:
– Bọn đệ tử dưới trướng Bạch Long môn kính cẩn tiễn đưa Bạch Long sứ xuất chinh tận tâm làm tròn sứ mạng cho giáo chủ. Tiếp theo đàn sáo cổ nhạc vang lên. Vi Tiểu Bảo vội bước ra thì thấy ngoài cửa đã xắp hàng hai, ba trăm người đều mặc đồ trắng. Bọn chúng vừa thấy Vi Tiểu Bảo đã đồng thanh lớn tiếng hoan hô:
– Chưởng môn sứ kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công. Vi Tiểu Bảo nổi lòng hào hứng, gã cùng Uỷ Tôn Giả và Lục Cao Hiên lập tức xuống thuyền. Lúc gã ở đầu thuyền cùng bọn Vô Căn đạo nhân, Trương Ðạm Nguyệt, Hoàng Long sứ thi lễ cáo biệt bỗng nghe tiếng vó ngựa xen vào tiếng cổ nhạc. Hai người cưỡi ngựa mặc áo trắng ruổi tới bên thuyền. Chính là Phương Di và Mộc Kiếm Bình. Vi Tiểu Bảo mừng quýnh, trong lòng hồi hộp tự hỏi:
– Phải chăng Hồng phu nhân hồi tâm nghĩ lại rồi cho hai cô đi theo ta? Lại thấy hai cô Phương, Mộc nghiêng mình xuống ngựa, tiến thêm vài bước. Phương Di dõng dạc tuyên bố:
– Vâng lệnh giáo chủ cùng phu nhân, bọn thuộc hạ đến tiễn Bạch Long sứ xuất chinh. Vi Tiểu Bảo nghe nói trái tim chùn xuống, miệng lẩm bẩm:
– Té ra hai cô chỉ tới đưa chân mình. Phương Di lai khom lưng nói tiếp:
– Bọn thuộc hạ là Phương Di, Mộc Kiếm Bình vâng lệnh phu nhân được chuyển từ Xích Long môn qua Bạch long môn để tuân theo hiệu lệnh của Bạch Long sứ. Vi Tiểu Bảo càng sửng sốt, sau gã tỉnh ngộ nghĩ thầm:
– Té ra các cô là thuộc hạ của Xích Long môn ở Thần Long giáo mà lúc đi đường họ làm bộ làm tịch, sự thực cô lừa gạt ta đến đảo Thần Long. Uỷ Tôn Giả dùng cách cứng cỏi mời ta không thành công rồi phu nhân sai Phương Di thi kế mềm dẻo để đưa ta đi. Gã chợt nghĩ tới điểm này trong lòng rất đỗi bâng khuâng. Gã toan nói mấy câu thân thiết, nhưng trong lòng chẳng hứng thú chút nào, chỉ chắp tay đáp lễ, chứ không nói một lời. Gã chợt nhớ ra điều gì liền nhìn Lục Cao Hiên nói:
– Lục Tiên Sinh. Con tiểu nha đầu phục thị tại hạ là Song Nhi đâu? Tiên sinh đi kêu người thả thị ra để cùng đi với tại hạ. Lục Cao Hiên ngập ngừng:
– Cái đó cái đó Vi Tiểu Bảo tức giận quát:
– Còn cái đó cái kia gì nữa? Thả thị ra mau. Lục Cao Hiên thấy Vi Tiểu Bảo lớn tiếng quát ra chiều giận dữ, không dám trái lệnh liền đáp: Dạ! Dạ! Y nhìn tên tuỳ tùng ở trên thuyền dặn mấy câu. Người này nhảy lên bờ chạy đi như bay. Chỉ trong khoảnh khắc,đã thấy hai người cưỡi ngựa chạy tới. Người đi trước thân hình bé nhỏ chính là Song Nhi. Song Nhi không chờ ngựa đứng lại đã cất tiếng gọi:
– Công tử! Rồi thì từ trên yên tung mình nhảy ra, nhẹ nhàng hạ mình xuống đầu thuyền. Trước mắt những tay cao thủ như Vô căn đạo nhân, thân pháp này tuy chưa dáng kể vào đâu, nhưng thấy Song Nhi còn nhỏ tuổi, tư thế rất là ngoạn mục không nhịn được đến cất tiếng hoan hô. Ban đầu Vi Tiểu Bảo ngồi thuyền ra đi, chỉ sợ Song Nhi lại lọt vào tay gian nhân. Trong lòng gã rất thắc mắc vì thị tuy võ công cao cường nhưng hãy còn nhỏ tuổi, tính tình lại ôn nhu văn nhã, không hiểu thế sự thì ở ngoài biển chẳng chạy đi đâu được. Sau gã nghĩ đến Phương Di là đệ tử của Thần Long giáo thì cái thuyền gã ngồi đây cũng là của giáo phái này. Tính mạng hai người ở trong tay họ rồi. Gã vừa thấy Song Nhi thì rất đổi vui mừng, nắm lấy tay thị nhìn dung nhan tiều tuỵ, cặp mắt đỏ hoe. Hiển nhiên thị đã khóc nhiều. Gã vội hỏi:
– Cô bị người ta khinh khi, đánh đập chăng? Song Nhi đáp:
– Không…không phải đâu…Nô tỳ chỉ mong nhớ công tử. Bọn họ… bọn họ giam nô tỳ lại. Vi Tiểu Bảo an ủi:
– Thôi được. Bây giờ chúng ta đi về. Song Nhi ấp úng nói:
– Ở đây nhiều rắn độc quá. Dứt lời thị lại khóc oà lên. Vi Tiểu Bảo liếc mắt nhìn Phương Di. Gã nhớ tới việc nàng dẫn mình vào trong rừng để cho rắn độc cắn, lại nhận định bao nhiêu hành đông cùng những lời nói đường mật của nàng lúc đi thuyền trên biển cả toàn là giả dối. Gã không khỏi tức giận, cặp mắt hăm hăm lườm Phương Di một cái rồi ra lệnh:
– Khai thuyền đi. Bọn thủy thủ trên thuyền liền nhổ neo, giương buồm khởi hành. Trên bờ tiếng pháo nổ ran, nhưng người tiễn hành đồng thanh hô lớn:
– Cung chúc Bạch Long sứ kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công. Bạch Long sứ sẽ lập nên công lớn cho giáo chủ. Con thuyền thuận buồm xuôi gió băng băng rẽ sóng rời khỏi Thần Long đảo. Vi Tiểu Bảo bụng bảo dạ:
– Ta mà không biết Phương cô nương đã gia nhập Thần Long giáo thì chẳng lúc nào không mong nhớ nàng. Bây giờ ta đã hiểu rõ thì không vướng víu gì nữa. Nhưng gã nhớ tới mối nhu tình êm ái du dương của Phương Di đối với mình thì không khỏi bâng khuâng trong lòng. Một hôm thuyền tới Tần Hoàng đảo, mọi người lên bờ tiến vào Bắc kinh. Vi Tiểu Bảo nói:
– Tại hạ muốn tìm cách trà trộn vào cung, nhưng chưa biết ngày nào mới song việc, vậy các vị nên kiếm một chỗ tạm trú tại Bắc Kinh. Lục Cao Hiên đi về phía cửa Tây, thuê một chỗ trọ trong ngõ hẻm. Cả đoàn người hơn mười người liền thu dọn tới đó. Bọn họ đã chuẩn bị đầy đủ nào đầu bếp, nào xa phu, nhất nhất đều từ ngoài đảo Thần Long đưa vào. Mọi người có chỗ ở yên trí rồi. Vi Tiểu Bảo đi tìm trụ sở bí mật của Thiên Ðịa hội để nghe ngóng tình hình. Gã đến quán trà thì đã đổi chủ. Gã đem mấy câu mật khẩu ra hỏi thì nhà quán ngơ ngác chẳng hiểu gì. Hiển nhiên người trong hội đã dời địa chỉ đi chỗ khác Vi Tiểu Bảo liền lén tới Thiên Kiều, gã tính thầm trong bụng:
– Dù Bát thủ tiên viên Từ thiên Xuyên không còn ở đó nữa thì trong bọn anh em như Cao Ngạn Siêu, Phàn Cương, Phàn lão Bản…mình chỉ cần tìm lấy một người là hỏi ra ngay. Ngờ đâu gã đi lui đi tới trên Thiên kiều mấy vòng liền mà chăng gặp một người quen nào. Vi Tiểu Bảo lại tới khách điếm mà lần trước gã lai kinh đã tạm trú. Gã lấy mười lang bạc liệng lên quầy bảo thuê một gian. Chưởng quầy thấy bạc trắng ngần liền một điều thiếu gia hai điều thiếu gia, tiếp đãi rất cung kính. Vi Tiểu Bảo lại lấy năm đồng cân bạc nhét vào tay điếm tiểu nhị bảo gã lấy cho căn phòng số tám có chữ “thiên” mà gã đã trọ ngày trước. May ở chỗ căn phòng này hãy còn bỏ trống. Thế là tiểu nhị ăn không được năm đồng cân bạc. Vi Tiểu Bảo nằm dài bên trên hỏa lò, uống ba chung trà rồi nhắm mắt dưỡng thần. Gã nghe bốn bề im lặng bèn rút lưỡi truy thủ khoét lỗ hổng tường mà bữa trước gã đã giấu bộ kinh sách của Thuận Trị Hoàng đế giao cho. Pho sách hãy còn nằm yên đó. Gã mở lần giấy dầu ra kiểm điểm song cất sách vào bọc, đặt lại phiến gạch lấp lỗ hổng rồi ra đi về phía cấm thành. Vi Tiểu Bảo đến ngoài cửa cung, tên thị vệ gác cửa thấy một gã thiếu niên ăn mặc theo lối bình dân tiến thẳng tới liền quát hỏi:
– Chú nhỏ kia? Ði đâu đấy? Vi Tiểu Bảo đáp:
– Ông bạn không nhận được ra ta ư? Ta là Quế công công đây mà. Tên thị vệ nhìn kỹ lại liền nhận ra quả là Quế công công, gã hầu cận của đức Hoàng Thượng, liền tươi cười nói:
– Quế công công? Công công ăn mặc thế này…hà hà..