Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lộc Đỉnh Ký

Chương 227 – Đổi thông cật đảo thành điếu ngư đảo

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Thi Lang vội đáp:

– Ngũ Tử Tư là một bậc đại anh hùng, đại hào kiệt. Khi nào ty chức dám so bì? Có điều Ngũ Tử Tư toàn gia bị nạn rồi một mình trốn đi. Sau y đem quân về báo cừu tuyết hận. Cuộc tao ngộ của ty chức trong điểm này cũng tương tự như vậy mà thôi. Vi Tiểu Bảo lẩm nhẩm gật đầu nói:

– Bản tòa mong sao Thi tướng quân không đến nỗi đi vào kết quả như Ngũ Tử Tư. Bằng không thì thật là bất diệu! Thi Lang tái mặt. Bàn tay hắn đặt trên kỷ trà bất giác run lên bần bật. Nguyên Ngũ Tử Tư lập được công lớn cho nước Ngô rồi sau lại bị Ngô vương xử tử bêu đầu. Gã lắc đầu nói tiếp:

– Thi tướng quân! Giữa bản tước và tướng quân trước đã có mối liên can là thượng cấp và bộ hạ. Tình nghĩa không phải tầm thường. Có điều tướng quân tự kỷ với Ngũ Tử Tư quả là chuyện đại nghịch vô đạo. Bài văn tế kia đã đồn đại vào đến Bắc Kinh và dĩ nhiên đức Hoàng thượng nghe thấy rồi. Nếu không có ai phân thuyết giúp tướng quân trước mặt Hoàng thượng thì bản tước đại nhân rằng… hà hà… trường công lao này sẽ trôi theo dòng nước. Thi Lang vội cãi lại:

– Xin đại nhân minh xét. Ty chức chỉ nói không làm theo hành động của Ngũ Tử Tư, chứ không dám so mình với Ngũ Tử Tư. Trong điểm này… khác hẳn nhau. Vi Tiểu Bảo đáp:

– Bài văn tế của tướng quân lưu truyền khắp nơi và vụ tướng quân tự so mình với Ngũ Tử Tư là một chuyện khắp thiên hạ ai cũng biết rồi. Thi Lang đứng dậy, cất tiếng run bần bật:

– Hoàng thượng là bậc anh minh. ¥n đức coi bằng trời biển. Những kẻ công thần đều được bảo toàn. Ty chức được thờ một vị minh quân là tốt số hơn Ngũ Tử Tư nhiều lắm. Vi Tiểu Bảo đáp:

– Lời tướng quân tuy rất đúng. Bụng dạ Ngũ Tử Tư thế nào, bản tước không hiểu rõ. Chỉ khi coi tuồng hát thấy lúc Ngô Vương xử tử Ngũ Tử Tư thì ông nói:

“Các ngươi đem mắt ta khảm vào cửa thành, để ta được nhìn thấy quân Việt kéo vào kinh đô trừ diệt Ngô quốc”. Sau dường như Ngô quốc quả nhiên bị diệt vong. Thi tướng quân văn võ toàn tài, nhất định biết thiên cố sự này. Có đúng thế không? Thi Lang nghe gã nói mấy câu sau bất giác ớn lạnh xương sống. Ban đầu hắn chỉ nghĩ đến Ngũ Tử Tư đã lập đại công rồi sau bị Ngô Vương giết. Nhưng hắn không thuộc lịch sử và mấy câu nói của Ngũ Tử Tư lúc lâm tử. Hắn lại nghĩ tới câu “Quyết chẳng làm theo kẻ cùng sĩ trong bụi lau” tuy nói lên không hành động theo Ngũ Tử Tư, nhưng ý kiến tỷ mình với Ngũ Tử Tư lại in vào tai mắt mọi người. Huống chi trong bài văn tế nhắc tới chuyện Ngũ Tử Tư quật thây báo cừu, liệu có khỏi bị Vi Tiểu Bảo nắm lấy làm lời nguyền rủa vong quốc không? Vụ này có thể phạm vào tội lớn mà khi người ta đã khoác cho mình thì nguy hiểm vô cùng! Hắn lại tự nhủ:

– Một khi những câu của Vi Tiểu Bảo lọt vào tai Hoàng đế thì dù ngài là bậc thánh minh không bắt tội mình, nhưng nhất định trong lòng ngài có ấn tượng không hay, và mình đừng hòng được Hoàng thượng gia quan tấn tước cho nữa. ấy là chưa kể đến nếu Hoàng đế còn kẻ thân tín như Vi Tiểu Bảo thêm mắm muối vào, gièm pha mình có lòng oán vọng, chê bai triều đình giết kẻ công thần, thì cái đầu trên cổ khó mà giữ vững. Thi Lang càng nghĩ càng hối hận về việc điếu tế Trịnh Thành Công. Hắn càng hối hận hơn về vụ bảo sư gia làm văn tế, khiến cho tên tiểu quỷ tinh ranh cổ quái nắm được cẳng để quật mình. Thi Lang đứng thộn mặt ra, trong lòng lo lắng, không biết phân biện cách nào cho được. Hắn còn đang bối rối. Vi Tiểu Bảo lại cất tiếng hỏi:

– Thi tướng quân! Đức Hoàng thượng lên chấp chính, việc đầu tiên của ngài là việc gì? Thi Lang đáp:

– Việc đầu tiên của đức Hoàng thượng là hạ sát tên gian thần Ngao Bái. Vi Tiểu Bảo nói:

– Đúng rồi! Ngao Bái cố nhiên là gian thần, nhưng hắn lại là cố mạng đại thần. Ngày trước hắn đã đánh thành phá giặc lập được rất nhiều công lớn cho nhà Đại Thanh ta. Rồi gã kể tiếp:

– Lúc giết Ngao Bái Hoàng thượng đã nói một câu: “Trẫm hạ sát Ngao Bái đại nhân rằng có kẻ bảo trẫm không thể tuất công thần”. Ngài còn nói cái gì chim, cái gì cung nhưng bản tước không nhớ. Tướng quân có biết không? Thi Lang đáp:

– Đó là câu: “Chim muông hết cung tên xếp xó”. Vi Tiểu Bảo nói:

– Phải rồi! Phải rồi! Cả tướng quân cũng nói như vậy. Thi Lang vội ngắt lời:

– Không phải thế! Không phải thế! Ty chức chỉ nhắc lại câu thành ngữ mà Hoàng thượng thốt ra. Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Tướng quân đọc câu thành ngữ để hình dung Hoàng thượng lúc hạ sát Ngao Bái chứ gì? Thi Lang vội đáp:

– Không phải thế. Vì đại nhân hỏi ty chức về câu thành ngữ đó, nên ty chức chỉ nói ra để đáp lại câu hỏi của đại nhân mà thôi. Ty chức có mười cái đầu cũng… chẳng khi nào dám buông lời phỉ báng Hoàng thượng. Vi Tiểu Bảo dương mắt lên nhìn chằm chằm vào mặt Thi Lang, khiến hắn cực kỳ hoang mang lo sợ. Từ xưa đến nay, kẻ thần tử tự cho mình lập nên công lớn mà phần thưởng bạc bẽo không xứng đáng, Hoàng đế nhất định tức giận. Đạo làm tôi không bao giờ được thốt lời oán trách, chỉ trong lòng có ý oán hờn cũng đủ tội chết rồi. Thi Lang trong lúc tâm thần bàng hoàng, bị Vi Tiểu Bảo dẫn dụ phọt ra câu

“Điểu tận cung tàng”, nghĩa là chim muông hết cung tên bỏ xó. Hắn biết là nguy rồi nhưng không thu về kịp nữa, huống chi ngoài Vi Tiểu Bảo, còn Lâm Hưng Châu và Hồng Triều ngồi đó làm chứng, thì dù hắn muốn chối cãi cũng không thể được. Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Thi tướng quân nói câu “Điểu tận cung tàng” phải chăng là phỉ báng Hoàng thượng? Bản tước ít học không thể hiểu được. ở triều đình chẳng thiếu gì đại học sĩ, thượng thơ học nhiều hiểu rộng, chúng ta sẽ xin các vị đó bình luận. Gã dừng lại một chút rồi tiếp:

– Bản tước được kề cận Hoàng thượng trong những thời gian khá lâu dường như ngài thích người ta xưng tụng là “Điểu Sinh Dủy Thang” (Nghiêu Thuấn Vũ Thang), mà không thích ai nói câu “Điểu tận cung tàng”. Đầu hai câu đều có chữ

“Điểu”, mà nghĩa lại trái ngược nhau, chắc là một hảo điểu, một ác điểu. Có đúng thế không? Thi Lang vừa kinh hãi, vừa tức giận, bất giác bụng bảo dạ:

– Trời không chịu đất thì đất chẳng chịu trời. Gã định vu hãm ta thì ta đành liều giết cả ba thằng này đi cho hết mầm họa. Hắn nghĩ tới đây, bất giác mắt chiếu ra những tia sáng hung dữ. Vi Tiểu Bảo đột nhiên nhó thấy Thi Lang đằng đằng sát khí, mặt mũi đanh ác, trong lòng không khỏi khiếp sợ. Gã gượng cười nói tiếp:

– Thi tướng quân là bậc đại trượng phu thì nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Hiện giờ tướng quân chỉ có hai đường. Một là đem bản tước cùng Lâm, Hồng nhị vị giết ngay đi. Tiếp theo hạ sát cả những bảy vị phu nhân và mấy đứa con của bản tước, rồi kéo quân đến Đài Loan tự lập làm Vua. Có điều bọn tùy tùng của tướng quân đều là quan binh nhà Đại Thanh, chưa chắc chúng chịu theo tướng quân làm phản, mặt khác quân dân ở Đài Loan vị tất đã tâm phục tướng quân. Thi Lang mới thầm tính trong bụng, đã nghe Vi Tiểu Bảo nói huỵch toẹt mưu toan của hắn làm hắn bở vía. Bao nhiêu vẻ hung dữ tiêu tan hết. Thi Lang ngắt lời:

– Ty chức tuyệt không có ý nghĩ như vậy, đại nhân bất tất phải đa nghi mà buộc tội danh vào ty chức. Hắn dừng lại một chút rồi hỏi:

– Còn đường thứ hai thế nào? Xin đại nhân rộng ơn chỉ điểm cho. Vi Tiểu Bảo nghe giọng nói đối phương mềm nhũn, gã cũng yên tâm một chút, liền gác chân rung đùi đáp:

– Đường thứ hai là tướng quân phải được hai vị Lâm, Hồng cùng huynh đệ giúp đỡ mới xong… Gã dừng lại một chút rồi tiếp:

– Vừa rồi Thi tướng quân nhắc tới Hoàng thượng đã nói đến chữ “Điểu” là kính cẩn xưng tụng đức Hoàng thượng như “Điểu sinh dủy thang” thì hay quá rồi! Mai đây huynh đệ có dịp bái kiến Hoàng thượng nhất định sẽ tâu lên Thi tướng quân chữ Trung đội ở trên đầu, lúc nào cũng tâm niệm ơn đức bao la của Hoàng thượng. Trong khi đàm luận, tướng quân thường chê Ngũ Tử Tư quên ân phụ nghĩa. Ngô Vương đã phát binh giúp họ Ngũ trả xong mối thù giết cha anh thì đáng lý về sau Ngô Vương sai y làm gì, dù phải nhảy vào dầu sôi lửa bỏng cũng không lùi bước mới phải. Sao y lại ôm lòng bất mãn thốt lời phán vọng? Giả tỷ ngày đó Thi tướng quân là Ngũ Tử Tư thì chẳng những hết sức giữ vững giang sơn nước Ngô muôn ngàn năm mà đừng nói chuyện giữ một Tây Thi mỹ nhân, nếu có Đông Thi, Nam Thi, Bắc Thi, Trung Thi cũng cướp hết đem về dâng Ngô Vương. Ngũ Tử Tư lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình. Còn Thi tướng quân thì ngày ngày tâm niệm đức Thánh minh thiên tử của nhà Đại Thanh. Kẻ hảo tâm tất được đền đáp xứng đáng. Đức Hoàng thượng luận công ban thưởng, dĩ nhiên Thi tướng quân được phong công hầu vạn đái. Thi Lang nghe Vi Tiểu Bảo thuyết một hồi, sung sướng như mở cờ trong bụng. Hắn vội đứng dậy chắp tay xá dài đáp:

– Nếu được đại nhân tâu bày Hoàng thượng bằng những lời hoa mỹ như vậy thì ty chức suốt đời chẳng dám lãng quên ơn cao đức cả của đại nhân. Vi Tiểu Bảo cũng đứng lên đáp lễ, mỉm cười nói:

– Lời nói chẳng mất tiền mua mà lại được ân huệ. Có điều huynh đệ vui dạ thì dĩ nhiên lời tâu càng văn vẻ, khúc chiết. Thi Lang tự hỏi:

– Nếu ta không để gã đi Đài Loan một chuyến thì tâm tình gã làm sao vui vẻ cho được? Hắn liền đáp:

– Đài Loan mới bình xong, lòng người chưa ổn. Ty chức muốn tâu lên Thánh thượng phái một viên đại đức cao vọng trọng tới đó tuyên thị thánh đức, vỗ yên trăm họ. Vị đại viên này dĩ nhiên là Vi đại nhân xứng đáng hơn hết. Ty chức lập tức viết biểu tâu trình xin Hoàng thượng giáng chỉ phái đại nhân đến Đài Loan tuyên dụ. Vi Tiểu Bảo lắc đầu nói:

– Thi tướng quân dâng biểu về kinh để chờ chỉ ý của Hoàng thượng thì nguyên thời giờ vãng phản đã mất mấy tháng rồi. Trong khoảng thời gian này, e rằng miệng thế phôi pha, những điều này tiếng kia lọt vào tai Hoàng thượng rồi. Vụ này phải làm thật gấp, không thì sai một ly đi một dặm. Vi Tiểu Bảo thở phào nói tiếp:

– Hay hơn hết là tướng quân mời một viên thân tín của Hoàng thượng cùng đi Đài Loan mở cuộc điều tra lập tức. Có thế mới chứng minh được tướng quân tuyệt chẳng có ý tự lập làm Vua ở Đài Loan. Rồi gã nói:

– Bên ngoài người ta phao ngôn Thi tướng quân đã tự đặt cả danh hiệu là Đại Minh Đài Loan Tĩnh Hãi Vương gì đó, có đúng thế không? Thi Lang nghe đến bảy chữ “Đại Minh Đài Loan Tĩnh Hải Vương” bất giác sợ hết hồn, bụng bảo dạ:

– Lời phao ngôn kia mà đồn đại tới Bắc Kinh thì triều đình dù còn hoài nghi, nhất định cũng tin là chuyện thực đề phòng ngừa, còn hơn bảo là không mà chuẩn bị. Vụ này có thể đưa ta đến chỗ chết không còn đất chôn. Hắn vội đáp:

– Bọn gian nhân dựng đứng len những lời phao ngôn, xin đại nhân chớ tin tưởng họ. Vi Tiểu Bảo thủng thẳng nói:

– Nhất định là thế! Huynh đệ cùng tướng quân biết nhau đã lâu, dĩ nhiên chẳng khi nào tin lời đồn bậy. Có điều tướng quân đến bình định Đài Loan, không thể tránh khỏi giết người nhiều quá nên oan gia nhất định tìm cách buộc tội để rửa hờn. Cừu nhân đã âm mưu làm hại tướng quân thì huynh đệ tưởng khó nỗi đề phòng cho xiết. Mối oan khiên nào phải chuyện giải thích dễ dàng cho rõ được? Người ta đã có câu: “Trong triều không có người đỡ đầu thì đừng làm quan” thật là phải lắm. Chẳng hiểu Thi tướng quân đã có vị đại lão nào ở trong triều làm hậu thuẫn hết sức bênh vực mình chưa? Thi Lang càng hồi hộp trong lòng. Tại triều hắn chẳng có nhân vật nào ủng hộ. Chả thế mà năm trước, hắn đến Bắc Kinh bơ vơ lạc lõng, vào cửa nào cũng không lọt. Mãi về sau được Vi đại nhân đây đỡ đầu mới thành công. Hắn nghiến răng đáp:

– Vi đại nhân có lòng chỉ điểm khiến ty chức cảm kích vô cùng! Tình thế đã cấp bách như vậy, ty chức đánh bạo xin đại nhân sáng mai thượng lộ đến Đài Loan để điều tra cho rõ ngọn ngành. Vi Tiểu Bảo cả mừng, nhưng gã nghĩ tới hắn đã cầu mình thì cũng làm khó dễ một phen cho hả. Gã tính vậy liền nói:

– Vì việc minh oan cho tướng quân thì huynh đệ có phải cực nhọc một phen cũng chẳng có chi đáng kể. Nhưng huynh đệ ở trên đảo Thông Cật lâu ngày quá rồi, nay lại ra khơi chỉ sợ say sóng. Đồng thời vợ con huynh đệ ngày nào cũng ở bên mình, nhất đán khó nỗi phân ly. Thi Lang mắng thầm trong bụng:

– Người vượt bể không biết bao nhiêu lần rồi, mà ta có thấy ngươi say sóng con mẹ nó lần nào đâu? Đây là ngươi cố ý làm bộ với ta. Trong lòng nghĩ vậy, nhưng ngoài mặt hắn làm bộ tươi cười đáp:

– Các vị phu nhân, công tử cùng tiểu thư dĩ nhiên đi theo đại nhân. Ty chức sẽ lựa con thuyền thật lớn, thật êm để đại nhân nằm ngồi. Dạo này bể lặng sóng yên, đại nhân bất tất phải quan tâm. Vi Tiểu Bảo nhíu cặp lông mày nói:

– Đã vậy huynh đệ vì mối giao tình giữa chúng ta mà gắng gượng đi một chuyến để giúp dùm Thi tướng quân. Thi Lang luôn miệng tạ ơn. Hôm sau Vi Tiểu Bảo cùng bảy vị phu nhân, hai trai là Hổ Đầu, Đồng Trùy, một gái là Song Song xuống ngồi thuyền lớn có treo cờ của Thi Lang. Bành tham tướng toan cản trở, Thi Lang lập tức hạ lệnh cột y vào gốc cây. Đoàn thuyền khởi hành ra khơi. Vi Tiểu Bảo nhìn lên hòn đảo gã đã cư trú mấy năm, cười nói:

– Nhà cái đã dời đảo thì nơi đây không nên kêu bằng Thông Cật đảo nữa. Chúng ta tìm một tên khác đổi lại mới được. Thi Lang đáp:

– Đúng thế! Xin đại nhân xem tên gì hay đổi lại là hơn. Vi Tiểu Bảo ngẫm nghĩ rồi đáp:

– Đức Hoàng thượng phái người đến truyền chỉ đã nói: Chu Văn Vương có Khương Thái Công câu cá, Hán Quang Vũ có Nghiêm Tử Lăng câu cá. Hễ có thánh minh thiên tử là có trung thần câu cá. Hoàng thượng phái huynh đệ ở đây câu cá. Vậy chúng ta đổi tên hòn đảo này làm Điếu Ngư đảo quách. Thi Lang vỗ tay hoan hô nói:

– Đại nhân đặt tên như vậy là tuyệt hảo rồi! Điểm thứ nhất xưng tụng đức Hoàng thượng sánh với Chu Văn Vương, Hán Quang Vũ. Điểm thứ hai tỏ rõ đại nhân văn võ toàn tài như Khương Thái Công, lại thanh cao phong nhã bằng Nghiêm Tử Lăng. Phải lắm! Phải lắm! Từ nay, chúng ta kêu trái đảo này bằng Điếu Ngư đảo. Vi Tiểu Bảo cười đáp:

– Đây bất quá là huynh đệ muốn đổi tước Thông Cật hầu làm Điếu Ngư hầu. Nếu ngày sau còn được thăng quan sẽ kêu bằng Điếu Ngư Công gì đó thì lại không “ngon” nữa. Thi Lang cười nói:

– “Ngư ông đắc lợi” là điểm tốt rồi. Ty chức vẫn thấy ngon lắm. Vi Tiểu Bảo gật đầu đáp:

– Hoàng thượng phong huynh đệ làm Thông Cật bá, rồi Thông Cật hầu. Huynh đệ nghe rất lọt tai, nhưng mấy vị phu nhân lại không hứng thú. Ngày sau sẽ tâu trình Hoàng thượng đổi làm Điếu Ngư hầu, chắc là mọi người đều hoan hỷ. Thi Lang cười thầm trong bụng, tự hỏi:

– Cái gì mà Thông Cật bá với Thông Cật hầu? Đây bất quá Hoàng thượng muốn làm cho gã vui dạ và coi gã là kẻ vi thần lãng mạn chứ nào phải có ý tôn trọng. Dù cho đổi làm Điếu Ngư hầu cũng chẳng có chi hay ho hết. Nhưng ngoài miệng hắn nói:

– Từ ngàn xưa đã có câu “Ngư, tườu, canh độc”. Ngư ông đứng đầu, người đọc sách xuống hàng thứ tư. Vậy Điếu Ngư công hay Điếu Ngư vương so với trạng nguyên, hàn lâm còn tôn quý hơn nhiều. Điếu Ngư đảo phải chăng đời sau kêu bằng Điếu Ngư hải đảo? Đáng tiếc trong sử sách không chỗ nào nói đến, thành ra khó bề kê cứu. Nếu muốn tìm di tích của Vi Tiểu Bảo ở trên đảo, cũng chỉ thấy nói từ mấy năm đầu Vua Khang Hy, hòn đảo này do người Trung Quốc trường kỳ cư trú và triều đình có phái năm trăm quân xa đồn trú. Vi Tiểu Bảo ngồi trên kỳ hạm của Thi Lang đi tới Đài Loan, lên bờ ở phủ An Bình. Dọc đường, Lâm Hưng Châu và Hồng Triều trỏ cho gã hay ngày trước Trịnh Thành Công tiến binh thế nào, đại phá quân Hồng mao ra sao? Vi Tiểu Bảo nghe hai người nói rất lấy làm thú vị. Lúc này gã nghiêm trang thốt ra những lời trào phúng. Thi Lang đặt tiệc lớn ở phủ tướng quân khoản đãi cực kỳ long trọng. Mọi người đang yến ẩm, chợt nghe báo có chỉ dụ ở Đế Kinh đưa tới. Thi Lang vội ra tiếp chỉ. Lúc hắn trở vào vẻ mặt lo âu, nhìn Vi Tiểu Bảo nói:

– Vi đại nhân! Thượng dụ truyền ra phế bỏ Đài Loan không đồn trú nữa. Vụ này thật là hỏng bét! Vi Tiểu Bảo lấy làm kỳ hỏi:

– Sao lại thế được? Thi Lang đáp:

– Thượng dụ ra lệnh cho ty chức chuẩn bị bỏ Đài Loan và đưa hết quân dân toàn Đài Loan đi vào nội địa. Không một nhà, một người nào được ở trên đảo… Hắn thở dài nói tiếp:

– Ty chức đã hỏi sứ thần thì đây là kiến nghị của các đại thần trong triều nói Đài Loan là hòn đảo cô lập ở hải ngoại dễ biến thành sào huyệt của đạo tặc. Triều đình khống chế khó khăn. Nếu phái đại quân đồn trú phải tiêu phí nhiều lương tiền. Vì thế mà quyết định rút đi. Vi Tiểu Bảo trầm ngâm một lúc rồi hỏi:

– Thi tướng quân có biết dụng ý chân chính của các vị đại lão trong triều là thế nào không? Thi Lang kinh hãi cất giọng run run đáp:

– Chẳng lẽ… chẳng lẽ câu chuyện Ngũ Tử Tư gì đó đã đồn đại vào đến Bắc Kinh. Vi Tiểu Bảo mỉm cười nói:

– Người ta đã có câu: “Điều hay không ra khỏi cửa, việc dở truyền đi ngàn dặm”. Triều đình sợ tướng quân quả có ý muốn làm Đại Minh Đài Loan Tĩnh Hải Vương gì gì đó. Thi Lang càng sợ hãi, miệng ấp úng:

– Biết làm… làm thế nào bây giờ? Trăm họ ở Đài Loan có đến hàng chục vạn người đã an cư lạc nghiệp mấy chục năm mà nay nhất đán đưa vào nội địa thì họ sinh hoạt bằng cách nào? Nếu bức bách cuộc thiên di đi này tất sinh đại biến. Huống chi quan binh nhà Đại Thanh bỏ đi, quân Hồng mao lại đến chiếm cứ. Người Trung Quốc chúng ta phải bao nhiêu tân khổ mới gây dựng nên cơ nghiệp ở đây mà nay dâng cho bọn Hồng mao quỷ thì bách tính cam tâm thế nào được. Vi Tiểu Bảo đáp:

– Bản tước nhận thấy vụ này không đến nỗi hoàn toàn vô phương cứu vãn. Đức Hoàng thượng rất mực nhân từ, yêu thương trăm họ. Bây giờ tướng quân thỉnh mạng cho bách tính, may ra Hoàng thượng chuẩn tấu cũng chưa biết chừng. Thi Lang nghe gã nói đã yên tâm một phần. Hắn hỏi:

– Nhưng trong triều đã phong phanh chuyện gì mà ty chức tâu trình như vậy tựa hồ không muốn dời khỏi Đài Loan, lại càng tỏ ra… có lòng phản nghịch thì sao? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Tướng quân nên lập tức trở về Bắc Kinh đem tình trạng này diện tấu Hoàng thượng. Tướng quân tới Bắc Kinh rồi thì những lời phao vu vụ tự lập làm Đài Loan Vương dĩ nhiên không còn ai tin nữa. Thi Lang nói:

– Phải lắm! Phải lắm! Lời chỉ giáo của đại nhân hay tuyệt. Sáng mai ty chức phải thượng lộ ngay. Hắn chợt động tâm cơ nói tiếp:

– Những văn võ quan viên ở Đài Loan, xin đại nhân tạm thời thống lãnh giùm cho, Đức Hoàng thượng hết lòng tín nhiệm đại nhân. Chỉ cần đại nhân trấn giữ Đài Loan là các đại thần ở trong triều chẳng ai dám nói ra nói vào nữa. Vi Tiểu Bảo mừng thầm nghĩ bụng:

– Ta ở Đài Loan làm quan ít lâu cho biết mùi kể ra cũng thú. Gã cười hỏi:

– Tướng quân chưa được thánh chỉ, mà thiện tiện giao đại quyền binh mã cho bản tước, nếu Hoàng thượng phiền trách thì làm thế nào? Thi Lang nghe gã hỏi lại phân vân trong dạ, nghĩ thầm:

– Gã là đệ tử của Trần Cận Nam, là đồng đảng của bọn Thiên Địa Hội phản nghịch. Vì thế đức Hoàng thượng tuy sủng ái gã mà mấy năm nay bắt ở lại Thông Cật đảo, không giao quyền bính hoặc cho làm một việc gì. Nếu gã cầm quyền binh mã vào tay rồi cùng bọn Thiên Địa Hôi tạo phản thì ta… chắc bị xử tử. Sau một lúc xoay chuyển ý nghĩ, hắn tìm ra kế hoạch tự nhủ:

– Ta đem toàn bộ thủy quân đưa đi là gã không dám cử động gì nữa. Nếu gã lớn mật làm càn, mưu đồ tạo phản, thì ta dẫn binh quay lại cũng dẹp được ngay. Hắn liền cười đáp:

– Ty chức nghĩ rằng đem đại quyền ở Đài Loan giao cho người khác có khi Hoàng thượng trách phạt, nhưng trao vào tay đại nhân thì chẳng có điều chi phải úy kỵ. Sau khi tan tiệc, Thi Lang hạ lệnh ngay đêm triệu tập văn võ quan viên ở Đài Loan đến tham kiến Vi Tiểu Bảo để giới thiệu việc trao quyền chỉ huy lại cho gã. Thi Lang lại mời sư gia viết bản tấu cho Vi Tiểu Bảo nói là vì lo việc quân quốc mà tam thời trấn thủ Đài Loan để triều đình khỏi mối lo về mặt đông, đồng thời xin triều đình tha cho tội tự ý chuyên quyền. Mọi việc xong xuôi toan xuống thuyền khởi hành ngay.

Chọn tập
Bình luận
× sticky