Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lộc Đỉnh Ký

Chương 176 – Tam Phiên Dâng biểu thử lòng vua

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Bọn Vương công, tướng quân ủng hộ Tô Phi á tương đối ít người hơn phe kia. Nàng liền triệu tập những nhân vật đầu não vào cung nói cho hay kế hoạch của Vi Tiểu Bảo. Tô Phi á trong tay nắm giữ binh quyền ở Mạc Tư Khoa, nàng không lên làm nữ Sa hoàng được vì trong nước chưa có tiền lệ. Bọn đại thần nghe đến mưu kế tôn nàng lên làm Nhiếp Chính Vương đề cho là tuyệt diệu, vì điều khẩn yếu là nắm đại quyền vào tay, còn làm Sa hoàng hay không chẳng có gì quan hệ. Mọi người thương nghị hồi lâu lại nghĩ ra biện pháp nữa là lập người em ruột của Tô Phi á tên gọi Y Phàm lên làm đại Sa hoàng. Còn Bỉ Đắc vẫn làm vua và gọi là Tiểu Sa hoàng. Đại tiểu Sa hoàng cùng ngồi chấp chính thì phe ủng hộ Bỉ Đắc tất không ai phản đối nữa. Tô Phi á Công chúa làm Nhiếp Chính Nữ Vương, xử lý hết mọi việc triều chính. Mọi người bàn định kế hoạch xong xuôi, Tô Phi á lập tức tụ hội các Hoả thương doanh, lại triệu tập toàn thể vương công đại thần vào triều. Nàng tuyên bố tân pháp độ với quần thần rùi hứa đảm bảo chức quyền cho các đại thần, quyết định không tự ý phế bỏ một ai. Người nào ủng họ chế độ này đều được thăng thưởng. Bọn vương công, đại thần thấy quyền lợi của mình không bị tổn thương, lại chẳng hại gì đến luật lệ của tiên triều, nên không ai có lời dị nghị. Một người dẫn đạo đầu tiên nhìn về phía Tô Phi á Nữ Nhiếp Chính Vương khom lưng hành lễ. Các quan đều răm rắp làm theo. Tô Phi á vui mừng khôn xiết liền sai người mời đệ đệ là Y Phàm vào triều. Đồng thời buông tha Bỉ Đắc tiểu Sa hoàng ở trong hầm rượu ra. Cả hai vị đều làm Hoàng đế kêu bằng đại tiểu Sa hoàng. Nàng ngồi ở phía dưới hai em để đình thần tung hô. Bá quan tâu bày công việc triều chính cùng đề nghị thưởng phại đều do Nữ Nhiếp Chính Vương cho quyết định. Hiện nay Y Phàm mười sáu tuổi, Bỉ Đắc mới lên mười. Cả hai cùng nhỏ tuổi, kiến thức nông cạn, nhất thiết mọi việc đều nghe theo chủ trương của tỷ tỷ. Tô Phi á thấy mình nắm được đại quyền vào tay rùi liền nghĩ đến ngay công ơn của thằng nhỏ mà là quan to ở Trung Quốc. Nếu không được gã liên tiếp nghĩ dùm mấy phen diệu kế thì hiện giờ nàng còn bị cầm tù ở Liệp Cung. Sau mấy tháng nữa, Hoàng thái hậu Na Đạt Lệ á chắc còn bức bách nàng phải cắt tóc đi tu suốt đời làm ni cô trong một toà am chiền tối tăm lạnh lẽo. Nàng nghĩ tới mạch vận bi thảm nàu không rét mà run. Nàng liền truyền Vi Tiểu Bảo đến hết lời tán tụng gã như một vị thiên thần. Vi Tiểu Bảo nghĩ thầm trong bụng:

– Những kế hoạch của ta người Trung Quốc coi là rất tầm thường chẳng có chi kỳ lạ. Ta ở Trung Quốc là một kẻ hèn nhát, ngu si, không ngờ lại biến thành Gia Cát Lượng ở nước La Sát, mới đáng tức cười. Gã toan ba hoa khoác lác một hồi, nhưng nghĩ lại có điều không ổn, vì nếu nàng Công chúa La Sát kia coi gã là Gia Cát Lượng thật sẽ lưu lại bên mình để phò tá trong những công việc quốc gia đại sự thì vĩnh viễn không buông tha cho trở về Trung Quốc nữa. Gã liền nói:

– Tâu nữ nhiếp chính vương nương nương! Nay nương nương làm nhiếp chính vương, sau này lên làm nữ Sa hoàng chẳng có gì khó khăn nữa, nương nương chỉ cần tuân giữ một điều là mọi người đều tâm phục. Tô Phi á hỏi:

– Điều gì? Nói lẹ cho ta nghe. Vi Tiểu Bảo đáp:

– Nhất ngôn ký xuất, Tam đầu mã xa nan truy. Vi Tiểu Bảo thấy ở Trung Quốc người ta thường nói: Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy, nay ở nước La Sát gã đổi thành: Tam đầu mã xa nan truy. Tô Phi á không hiểu liền hỏi:

– Tam đầu mã xa nan truy là gì? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Nghĩa là nương nương đã nói câu gì nhất định phải theo cho đúng. Hoàng đế bên Trung Quốc nói ra câu gì, người ta kêu bằng: Kim khẩu của đức Hoàng đế đã tuyên ngôn thì có chết cũng thôi chứ không canh cải. Tô Phi á hiểu ngay, cười hỏi:

– Phải chăng ngươi sợ ta thay đổi ý kiến về những điều ta đã ưng thuận với ngươi? Thằng con nít Trung Quốc thân ái của ta ơi! Lời nói của Nữ Nhiếp Chính Vương nước La Sát là câu tuyên ngôn của Bảo thạch khẩu, chứ không phải chỉ Kim khẩu mà thôi, vì Bảo thạch khẩu còn trân quý hơn kim khẩu của Hoàng đế bên Trung Quốc nhiều. Nàng liền hạ dụ phong Vi Tiểu Bảo làm Bá tước, cai quản địa phương Thát Đát ở mặt đông và chỉ huy quân đội ở xứ này. Nàng lại sai quan đại thần viết một phong quốc thư gửi cho Hoàng đế Trung Quốc do Vi Tiểu Bảo đem về. Đồng thời nàng phái một tên sứ thần nước Nga lãnh hai đội kỵ binh Kha Tát Khắc theo đi hộ tống. Nàng còn tặng rất nhiều kim ngân tài vật. Vi Tiểu Bảo trước đã đút lót nàng mười mấy vạn lạng bạc, nay nàng trả lại hết. Ngoài ra còn rất nhiều lễ vật đưa sang biếu Hoàng đế Trung Quốc. Những đồ biếu này đều là đặc sản rất quí trọng của nước La Sát như da cừu, bảo thạch. Tô Phi á đã lựa mấy tên trai tráng xinh đẹp người La Sát để bầu bạn với mình chứ không đến thân nhiệt với Vi Tiểu Bảo nữa. Nhưng lúc Vi Tiểu Bảo sắp từ biệt lên đường, nàng nghĩ tới mối ân tình trong mấy tháng ở chung với gã, lại cảm kích gã đã làm giúp bao nhiêu kế hoạch để đưa nàng đến bước vinh quang, làm nàng xúc động vô cùng, sinh lòng quyến luyến không nỡ rời tay. Theo chính sử Nga La Tư thì đội hoả thương thủ làm loạn trong ba ngày từ 15 đến ngày 17 tháng 5. Ngày 29 tháng 5 những hoả thương doanh đều đặt dưới quyền chỉ huy của Tô Phi á. Y Phàm và Bỉ Đắc đều được mời lên ngôi Sa hoàng, còn Tô Phi á công chúa làm tổng lý nhiếp chính vương. Cuộc nổi loạn chấm dứt và hoà bình trở lại vào khoảng trung tuần tháng sáu. Lúc này tiết trời nắng ấm. Vi Tiểu Bảo cưỡi tuấn mã và được đội kỵ binh Kha Tắc Khắc hộ vệ xuyên qua cánh đồng cỏ rộng mông mênh ở xứ Tây Bá Lợi á. Gió xuân mát mặt, vó ngựa vang tai. Thật là oai phong lẫm liệt. Vi Tiểu Bảo nghĩ thầm trong bụng:

– Lần này ta thoát chết quả thật là may mắn. Chẳng những cái mạng nhỏ xíu của mình được toàn vẹn mà còn giúp cho công chúa nước La Sát bao nhiêu công trạng lớn lao. Sở dĩ ta nên việc là hoàn toàn trông vào những lúc nghe sách cùng đi coi hát hàng ngày. Nên biết mấy ngàn năm lịch sử Trung Quốc đã diễn ra biết bao cuộc tạo phản thoán đế và những vụ chém giết tơi bời. Người Trung Quốc dĩ nhiên đầy đủ kinh nghiệm hơn hết mọi nước trên thế giới. Vi Tiểu Bảo bất quá mới được nghe chút vỏ ngoài truyền tụng ở dân gian, thế mà cũng đủ giúp cho nước ngoài mưu đồ thoán vị, định quốc an bang. Thực ra vụ này chẳng có chi là kỳ lạ. Nhà Mãn Thanh mở nước, các tướng đều vô học hủ lậu. Bao nhiêu cuộc hành quân, chiến đấu, cùng những mưu lược đánh thành đoạt luỹ trông cả vào pho tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa”. Ngày trước Thanh Thái Tôn dùng kế phản gián khiến cho Sùng Trinh Hoàng đế nhà Đại Minh hạ sát đại tướng của mình là Viên Sùng Hoán, cũng giống như kế Châu Do khiến Tào Tháo tự giết Thuỷ quân đô đốc của mình là Thái Mạo, Trương Doãn trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa. Thực ra lịch sử tuyệt đối không nói đến vụ Châu Do lừa gạt Tào Tháo hạ sát Thuỷ quân đô đốc nào hết. Không ngờ lời nói của tiểu thuyết gia lại biến thành sự thật có ảnh hưởng đến lịch sử mấy trăm năm của nước Trung Quốc mới thật là kỳ, ly kỳ hơn cả tiểu thuyết. Lời chú của tác giả: Vụ hoả thương doanh làm loạn ở Nga La Tư, ý Phàm và Bỉ Đắc cùng làm đại tiểu Sa hoàng, Tô Phi á làm Nữ Nhiếp Chính Vương đều có chép trong lịch sử nước này. Còn vụ người Trung Quốc là Vi Tiểu Bảo có tham dự vào những vụ đó hay không? Lịch sử nước Nga tuyệt không nói đến, e rằng Trung Quốc sử cũng khó lòng tra khảo ra được. Nhắc lại Vi Tiểu Bảo đưa sứ thần nước La Sát về theo. Đoàn người đi mãi, một hôm về tới Bắc Kinh. Bọn Khang thân vương, Sách Ngạch Đồ cùng vương công đại thần thấy gã trở về một cách đột ngột, ai nấy vừa kinh hãi vừa vui mừng. Nguyên hôm ấy gã đem đoàn thuỷ binh ra biển rồi từ đó mất tích. Triều đình đã mấy lần phái người đi điều tra, ai cũng trở về nói là biển cả mênh mang, chẳng có một vết tích chi hết. Lại không thấy một con thuyền hay một tên lính nào trở về. Nhà vua yên trí rằng Vi Tiểu Bảo cùng đội chiến thuyền ngẫu nhiên gặp bão ở giữa biển, toàn quân đã bị chìm đắm. Tin tức Vi Tiểu Bảo về tới nơi bào vào cung, vua Khang Hy lập tức triệu gã vào bệ kiến. Vi Tiểu Bảo thấy nhà vua vẻ mặt tươi cười, gã khấu đầu bái kiến rồi lược thuật những chuyện đã trải qua. Nhà vua sai gã đi chuyến này với mục đích tiêu diệt Thần Long giáo và bắt giả Thái Hậu. Hiện nay nghe nói Thần Long đảo đã bị đánh phá nhưng giả Thái Hậu chưa bắt được. Tuy nhiên gã lại kết được bằng hữu với nước La Sát. Nhà vua thấy Vi Tiểu Bảo bình yên trở về, mặt rồng hớn hở, lại thấy nói nước La Sát gửi sử thần đến bái kiến, càng lấy làm vui lòng, liền hỏi kỹ lại mọi tình hình. Vi Tiểu Bảo tường thuật từ đầu đến cuối. Khi gã nói tới vụ giúp Tô Phi á thúc giục đội hoả thương làm loạn, và vụ lập hai vị đại tiểu Sa hoàng, còn Công chúa La Sát làm Nữ Nhiếp Chính Vương, đức vua cười khanh khách phán:

– Con mẹ nó! Ngươi học được cái khôn của nhà Đại Thanh ta rồi đem qua nước La Sát dạy cho nữ quỉ. Hôm sau vua Khang Hy ra triều, tuyên triệu sứ thần nước Lá Sát vào bệ kiến. Cả triều đình chỉ có một mình Vi Tiểu Bảo là hiểu tiếng La Sát. Thật ra tiếng La Sát rất khó học, Vi Tiểu Bảo mới ở bên đó có mấy tháng nên chưa biết được nhiều. Những lời chúc tụng của sứ thần nước La Sát trong mười câu có đến chín câu gã không rõ nghĩa, nhưng gã coi thường, vì chẳng ai hiểu tiếng La Sát, gã cứ bịa đặt nói ra. Ngày trước gã đã học thuộc bài văn bia của Lục Cao Hiên có những câu

“Hàng mấy nghìn năm, mới có một nhà Đại Thanh, uy linh hiển hách, tế độ lê dân” gì gì, gã liền nói ra. Vi Tiểu Bảo vừa nói vừ liếc mắt dòm trộm vua Khang Hy. Gã thấy long nhan vui vẻ, cười nói mê ly thì biết bài văn kia có thể dùng được. Gã liền cất tiếng dõng dạc đọc:

“Hàng yêu phục ma, như nhật sơ thăng. Vũ dực phụ tá, thổ cố nạp tân. Vạn thọ bách tường, vô bất phong đấng. Tiên phúc vĩnh hưởng, phổ thế sùng kính, Thọ dữ thiên tề, văn võ nhân thánh. Tu du, thiên hiện…” Gã đọc tới hai chữ “thiên hiện” liền dừng lại nghĩ thầm:

– Nếu ta còn đọc tiếp tất phải lòi đuôi cáo ra. Gã liền nói:

– Tiểu Sa hoàng và nhiếp chính vương nước La Sát dâng lời chúc tụng Hoàng đế Trung Quốc, cầu mong đức vạn tuế thánh thọ an khang. Bài văn đó nguyên là của Lục Cao Hiên soạn ra để tán tụng Hồng giáo chủ ở Thần Long Giáo. Bây giờ Vi Tiểu Bảo đem ra đọc thuộc lòng, tuy không được hợp tình cảnh cho lắm, nhưng những câu “Văn võ nhân thánh”, “Thọ dữ thiên tề” đúng là những câu chúc tụng một vị đế vương. Vua Khang Hy cũng biết những câu văn thanh nhã cổ kính này, nhất định Vi Tiểu Bảo chẳng thể ứng khẩu dịch ra được, mà là gã đã thương lượng với sứ giả chuẩn bị từ trước, bây giờ gã thuộc lòng rồi cứ thể mà đọc. Nhà vua tuyệt đối không ngờ đó là bài văn chúc tụng Hồng giáo chủ mà Vi Tiểu Bảo đã đem râu ông nọ cắm cằm bà kia. Sứ thần nước La Sát lại đưa trình những lễ vật của nước La Sát dâng biếu. Nguyên khí hậu nước La Sát còn có phần lạnh giá hơn cả miền Liêu Đông nước Trung Quốc, nên những loại đặc sản như da điêu, da hồ vừa dầy tuyệt vừa mịn màng, đẹp hơn thổ sản Liêu Đông nhiều. Bọn đại thần người Mãn Châu đều là những tay sành sỏi về những thứ thổ sản này. Họ vừa ngó thấy đã biết ngay là của quí và tấm tắc khen không ngớt miệng. Vua Khang Hy liền hạ chỉ cho Vi Tiểu Bảo khoản đãi sứ thần một cách trịnh trọng và dặn gửi tặng phẩm vật Trung Quốc đưa về tặng lại cho Sa hoàng cùng nhiếp chính vương nước La Sát. Sau khi bãi triều, vua Khang Hy triệu Thang Nhược Vọng và Nam Hoài Nhân vào cung ra lệnh cho hai người đó đến hội kiến với sứ thần La Sát. Nam Hoài Nhân là người nước Tỷ Lợi thì cũng nói tiếng Pháp Lan Tây, một đằng sứ thần nước La Sát lại thạo Pháp ngữ. Hai bên trò chuyện với nhau ý hợp tâm đầu. Nam Hoài Nhân hết sức tán tụng vua Khang Hy là một vị anh quân đức độ, xưa nay ít có vị đế vương nào bì kịp. Sứ thần La Sát khâm phục nhà vua Trung Quốc không biết đến thế nào mà kể. Hôm sau vua Khang Hy lại sai Thang Nhược Vọng mở cuộc thao diễn pháo binh và tác xạ ở trong khu vườn mé nam Hoàng thành. Vi Tiểu Bảo bồi tiếp sứ thần La Sát ra quan sát cuộc thao diễn này. Sứ thần thấy hoả lực hùng hậu, tác xạ chuẩn đích, lại càng ngấm ngầm khâm phục. Nhà vua còn sai Nam Hoài Nhân chuyển lời giao hảo mật thiết của Hoàng đế Trung Quốc đối với Nữ Nhiếp Chính Vương nước La Sát. Từ nay hai nước hoà hiếu, vĩnh viễn coi nhau là huynh đệ chi bang. Sứ thần nước La Sát từ biệt ra về rồi, vua Khang Hy nghĩ tới Vi Tiểu Bảo chuyến này xuất chinh đã tước bỏ được hai phe cường viện của Ngô Tam Quế, công lao gã không phải là nhỏ. Nhà vua liền giáng chỉ phong cho gã làm Nhất đẳng Trung Dũng Bá. Vương công đại thần lại một phen tới tấp đến chúc tụng gã. Vi Tiểu Bảo nhớ tới bọn Thi Lang, Hoàng tổng binh, tự hỏi:

– Tại sao không thấy một người nào trong bọn họ trở về? Gã cho là chủ soái mất tích trên mặt biển, mà chủ soái lại là người thân cận thứ nhất của nhà Vua, nên chúng sợ Hoàng đế nổi lôi đình khép vào tử hình vì đã thục lùi lúc lâm trận để hư việc nước. Chắc bọn chúng còn đang lạc lõng ngoài Thông Cật đảo. Gã nghĩ vậy liền phái hai tên sứ giả và chỉ điểm đường lối cho chúng ra Thông Cật đảo và Thần Long đảo để đón Thi Lang về kinh. Một hôm vua Khang Hy triệu Vi Tiểu Bảo vào Ngự thư phòng, trỏ ba bản tâu trên mặt bàn, hỏi gã:

– Tiểu Quế Tử! Ba bản tấu này của ba nơi gởi về, Ngươi thử đoán oi là biểu tấu của những ai? Vi Tiểu Bảo lư cổ ra ngó vào ba bản tâu mà chẳng thấy dấu vết gì để có thể phỏng đoán, gã liền đáp:

– Chúa thượng có hở cho một chút đầu mối thì nô tài mới đoán được, bằng không nô tài đành chịu. Vua Khang Hy mỉm cười, giơ tay mặt làm tư thể chém ba cái đầu đồng thời đánh dứ một chưởng. Vi Tiểu Bảo cười đáp:

– Phải rồi! Đúng là bản tấu của bọn đại gian thần Ngô Tam Quế, Thượng Khả Hy, Cảnh Tĩnh Trung. Nhà Vua lại mỉm cười phán hỏi:

– Ngươi quả là thông minh. Bây giờ ngươi lại đoán coi ba bản tấu này nói gì? Vi Tiểu Bảo gãi đầu gãi tai hỏi lại:

– Cái này thật khó đoán. Phải chăng ba bản tấu đã gửi đến cùng một lúc? Vua Khang Hy đáp:

– Có bản đến trước, có bản đến sau, nhưng chỉ cách nhau mấy ngày thôi. Vi Tiểu Bảo nói:

– Chắc là ba tên đại thần đó đều có định kiến giống nhau. Nô tài tuy không đoán ra được: trong nội dung ba bản tấu chúng đa nói gì nhưng chắc chúng có ý nghĩ bất lương. Nô tài dù không đoán trúng hẳn thì cung không sai là mấy. Vua Khang Hy giơ tay lên khẽ đập xuống bàn một cái rồi đáp:

– Đúng thế! Bản tấu thứ nhất của Thượng Khả Hy. Hắn nói là đã già, muốn được về dưỡng lão ở Liêu Đông. Xin để cho con là Thượng Chí Tín ở lại trấn thủ tỉnh Quảng Đông. Nhà vua ngừng lại một chút rồi nói tiếp:

– Ta cho hắn hay nếu hắn trở về Liêu Đông thì bất tất phải để con lại ở Quảng Đông. Ngô Tam Quế nghe được tin này liền tiếp tục gởi bản tấu về cho ta. Vua Khang Hy cầm một bản tấu giơ lên nói:

– Bản tấu này của Ngô Tam Quế. Hắn nói: “Kẻ thần truyền đời thọ lãnh thiên ân, quên mình cũng khôn đáp, chỉ biết tận tuỵ ở nơi phiên trấn, chẳng khi nào dám nghỉ vai. Nay nhân Bình Nam Vương đã dâng sớ trần tình và được Thánh thượng cho rút khỏi phiên trấn. Vi thần ngửa trong lượng cả cũng xin triệt hồi bản phiên”. Nhà vua ngừng lại một chút rồi tiếp:

– Hừ! Đây là hắn muốn thử xem ta có dám triệt bỏ phiên trấn của hắn không? Hắn lại chẳng hành động một mình mà còn kéo bè với Thượng Khả Hy và Cảnh Tĩnh Trung cho thành bộ ba để hăm doạ trẫm. Vua Khang Hy lại cầm bản tấu thứ ba giơ lên nói:

– Đây là bản tấu của Cảnh Tĩnh Trung. Hắn nói: “Kẻ thần vì được tập tước đã hai năm (??? có lẽ là 20 năm???), trong lòng khắc khoải trông về cửa khuyết. Nhưng vì hải đạo khôn lường, vi thần chưa dám đề nghị bãi binh. Gần đây vi thần được Bình Nam Vương Thượng Khả Hy dâng sớ xin về đã được lãnh chỉ. Thần xin thánh thượng nghĩ tới kẻ bộ hạ khởi binh nam chinh đã ngoài hai chục năm. Mong rằng lượng thánh phê chuẩn triệt binh”. Nhà vua nói tiếp:

– Một tên ở Vân Nam, một tên ở Phúc Kiến, xa cách nhau hàng muôn dặm mà sao hai bản tấu lại tương tự nhau? Mặt khác hắn nói không nên bãi binh, một đằng lại xin triệt thoái. Mấy tên giặc này ấm ớ vậy thì còn coi ta vào đâu nữa? Nhà vua vừa nói vừa liệng bản tấu xuống bàn ra chiều phẫn nộ. Vi Tiểu Bảo tâu:

– Đúng thế! Ba bản tấu này đã lộ ý phản bạn, toan điều đại nghịch vô đạo. Tâu hoàng thượng! Chúng ta phen này phải phát binh tóm cỏ ba tên phản tặc đem về kinh sư, tru di…hừ hừ! tận sát bọn đàn ông. Còn đàn bà con gái thì thưởng cho công thần để làm nô bộc. Gã toan nói: Tru di tam tộc, chém chết cả nhà. Nhưng gã chợt nhớ tới A Kha và Trần Viên Viên, nên mới nói nửa câu rồi đổi giọng. Vua Khang Hy nói:

– Nếu chúng ta phát binh trước không khỏi để tiếng cho bách tính trong thiên hạ đồn đại là ta có ý trừ diệt công thần. Rồi những tiếng đồn “hêt chim bay cung tên bỏ xó”, “thỏ chết rồi chó săn bị mổ” gì gì toàn điều tiếng không hay. Chi bằng trước hết hãy triệt hồi phiên trấn thử xem ba người bọn chúng có động tĩnh gì? Nếu chúng tuân chỉ triệt binh, kính cẩn tuân theo mệnh lệnh của triều đình thì vụ này sẽ bỏ qua. Bằng không ta sẽ phát binh tiễu phạt. Thế là danh chính ngôn thuận. Vi Tiểu Bảo nói:

– Hoàng thượng lo nghĩ thật chu đáo, kế hoạch không sơ hở chút nào, khiến cho kẻ vi thần khâm phục vô cùng. Nhân vụ này, nô tài tưởng tượng ra một màn hát hội: Hoàng thượng ngồi trên hỏi:

– Kẻ quì dưới kia là ai? Ngô Tam Quế tâu:

– Nô tài là Ngô Tam Quế bệ kiến thánh hoàng. Hoàng thượng quát hỏi:

– Bớ Ngô Tam Quế! Ngươi thật là lớn mật! Sao không ngửng đầu lên? Ngô Tam Quế tâu:

– Kẻ vi thần phạm tội không dám ngửng đầu. Hoàng thượng quát hỏi:

– Ngươi phạm tội gì? Ngô Tam Quế tâu:

– Nô tài mưu việc đại nghịch, toan bề tạo phản để lên ngôi Hoàng đế. Hoàng thượng lại quát:

– Hừ! Quân này to gan thiệt! Vi Tiểu Bảo đâu? Nô tài chạy ra quì xuống tâu:

– Có, có! Có tiền tướng ứng hầu. Hoàng thượng tuyên bố:

– Có lệnh tiễn đây! Trẫm phát cho ngươi mười vạn hùng binh chinh phạt phản tặc Ngô Tam Quế! Nô tài đón lấy lệnh tiễn, miệng hô:

– Vâng thánh hoàng lệnh dạy, quyết trừ khử Ngô gia. Đồng thời nô tài vung chân đá vào đít Ngô Tam Quế đến té đái vãi phân. Ô hô ai tai! Phụ duy thượng hưởng! Vua Khang Hy bật cười khanh khách hỏi:

– Ngươi muốn đem binh đi đánh Ngô Tam Quế ư? Vi Tiểu Bảo liếc mắt ngó thấy nhà vua lộ vẻ trào phúng liền biêt ngay tiểu hoàng đế muốn bày trò giỡn cợt liền đáp:

– Nô tài bất quá là một thằng nhỏ thì thống lĩnh đại quân thế nào được? Hay hơn hết là Hoàng thượng tự mình làm đại nguyên soái, cho nô tài làm chức tiên phong, gặp núi phải mở đường, thấy sông nước phải bắc cầu. Đại quân rầm rộ nhằm Vân Nam thẳng tiến. Vua Khang Hy nghe gã nói bất giác rạo rực trong lòng. Ngài cảm thấy việc ngự giá thân chinh Ngô Tam Quế là một vụ rất thú vị liền nói:

– Để ta nghĩ kỹ lại xem sao đã. Sáng sớm hôm sau, vua Khang Hy triệu tập vương công đại thần đến điện Thái Hoà thương nghị quan quốc đại sự. Vi Tiểu Bảo tuy đã thăng quan liền mấy cấp bậc nhưng ở triều đình quan chức hãy còn bé nhỏ. Đáng lý gã không đủ tư cách vào điện Thái Hoà bàn việc triều chính. Nhưng nhà vua hạ đặc chỉ nói là gã đã vâng lệnh đi sứ Vân Nam, biết rõ nội tình của Ngô phiên, nên phải vào hậu giá bàn việc quân quốc. Tiểu hoàng đế ngồi trên long ngai giữa điện. Các vị thân vương quận vương, hoàng thân quốc thích, đại học sĩ, thượng thư chia ban thị lập. Vi Tiểu Bảo đứng ở chỗ sau rốt mọi người. Vua Khang Hy cầm ba bản tấu của Thượng Khả Hy, Ngô Tam Quế, Cảnh Tĩnh Trung giao cho quan đại học sĩ, kiêm lễ bộ thượng thư là Ba Thái và phán bảo:

– Tam phiên dâng bản tấu khẩn cầu triệt binh. Vậy đối với sự vụ này ta nên làm thế nào? Các khanh hãy tâu qua nghe thử. Nhà vua lại bảo chuyền các bản tấu cho vương công đại thần coi rõ rồi trình bầy. Khang Thân Vương Kiệt Thư lên tiếng trước:

– Tâu hoàng thượng! Theo ngu kiến của tiểu thần thì tam phiên khẩn cầu triệt binh không phải là bản tâm muốn như vậy, mà dường như có ý thử thách triều đình. Vua Khang Hy hỏi:

– Sao khanh biết thế? Kiệt Thư đáp:

– Cả ba bản tấu đều có chỗ nói đến quân vụ ở địa phương mình trách nhiệm trọng đại, không dám thiện tiện bỏ đi. Vậy mà dưới lại thỉnh cầu triệt binh, thật là mâu thuẫn rõ rệt. Quan đại học sĩ ở điện Thái Hoà là Chu Tô nói:

– Theo ý kiến của ngu thần thì triều đình nên ban chỉ uý lạo Tam Phiên nói là đức Hoàng thượng rất trông cậy ở họ về công việc vương thất, việc triệt binh chưa bàn tới.

Chọn tập
Bình luận