Hán tử đọc một câu rồi mọi người đọc lại câu đó. Vi Tiểu Bảo cười thầm bụng bảo dạ:
– Vụ này có khác gì hoà thượng niệm kinh? Sao họ lại bảo là bảo huấn của giáo chủ? Mọi người niệm xong đồng thanh hô:
” Bảo huấn của giáo chủ, Thời khắc ghi vào lòng. Lập công cùng phá địch, Trường thọ với non sông.” Nhất là bon thiếu niên nam nữ càng hô thật lớn. Vi Tiểu Bảo thấy vẻ mặt giáo chủ đã xấu xa lại lạnh như tiền. Còn người đàn bà ngồi cạnh lão vừa tụng niệm, lại vừa cười tý ta tý toét. Mọi người niệm bảo huấn xong, nhà đại sảnh yên lặng như tờ. Thiếu phụ đảo mắt nhìn quanh, môi vẫn giữ nụ cười. Bỗng mụ đủng đỉnh lên tiếng:
– Chưởng môn sứ Hắc Long Môn! Bữa nay đã đến kỳ hạn, quý sứ giả hãy đem kinh sách nộp lên. Thanh âm mụ vừa trong trẻo vừa hấp dẫn nghe rất lọt tai. Mụ vươn tay trái ra tựa hồ để đón lấy kinh sách. Vi Tiểu Bảo đứng từ xa thấy bàn tay mụ trắng tựa bạch ngọc thì trong lòng tự nhủ:
– Thiếu phụ này tuy lớn tuổi, nhưng ta lấy được làm vợ cũng hay lắm. Mụ mà đến làm ăn ở Lệ xuân viện thì bao nhiêu khách làng chơi thành Dương Châu tất ào ào kéo đến, có khi chen lấn nhau làm vỡ cả cổng lớn. Bỗng một lão già áo đen ở đầu mé tả tiến lên hai bước, khom lưng nói:
– Kính bẩm phu nhân? Theo tin tức từ Bắc Kinh đưa tới thì đã điều tra được bốn pho kinh sách hiện dấu ở đâu. Bọn thuộc hạ đang hết sức tìm kiếm. Theo lời bảo huấn của giáo chủ thì bọn thuộc hạ có phải hy sinh tính mạng cũng vui lòng, chỉ cầu sao lấy được kinh sách về dâng lên giáo chủ cùng phu nhân. Giọng nói của lão phát run, vì lão sợ hãi quá chừng? Thiếu phụ tủm tĩm cười nói:
– Giáo chủ đã khoan hạn đến ba lần, thế mà Hắc Long sứ vẫn tìm cớ thoái thác không chịu hết sức làm cho nên việc. Như vậy là đối với giáo chủ chưa hết dạ trung thành. Hắc Long sứ cúi rạp xuống đáp:
– Thuộc hạ chịu ơn cao đức cả của giáo chủ cùng phu nhân, dù xương tan thịt nát cũng chưa đủ báo đền trong muôn một. Có lý đâu dám chẳng hết lòng? Thực ra vụ này khó khăn vô cùng! Thuộc hạ phái đến Hoàng cung sáu người thì Tống Minh Nghĩa và Liễu Yến đã bị uổng mạng. Vi Tiểu Bảo nghe nói đến Liễu Yến, gã tự hỏi:
– Mụ cung nữ béo chùn béo chụt quả là môn đồ của Thần Long giáo. Còn tên Tống Minh Nghĩa nào đó phải chăng là người cung nữ giả? Thiếu phụ giơ tay trái lên vẫy Vi Tiểu Bảo, cười nói:
– Tiểu đệ đệ? Ðệ đệ hãy lại đây? Vi Tiểu Bảo giật bắn người lên khẽ hỏi:
– Phải chăng phu nhân kêu tiểu tử? Thiếu phụ cười đáp:
– Phải rồi ta kêu tiểu đệ đệ. Vi Tiểu Bảo liếc mắt ngó Lục Tiên Sinh và Uỷ Tôn giả đứng hai bên. Lục Tiên Sinh nói:
– Phu nhân đã truyền hô, vậy công tử tiến lên cung kính hành lễ. Vi Tiểu Bảo lẩm bẩm:
– Ta không cung kính thì đã sao? Nhưng gã cũng tiến lên kính cẩn khom lưng thi lễ, miệng hô:
– Giáo chủ cùng phu nhân hưởng phúc trọn đời, thọ ngang Thượng Ðế. Hồng phu nhân rất cao hứng cười hỏi:
– Chú nhỏ này ngoan lắm? Ai dạy chú dưới chữ ” giáo chủ ” thêm vào ba chữ “cùng phu nhân”? Nguyên giáo chúng trong Thần Long giáo chỉ hô ” giáo chủ hưởng phúc trọn đời, thọ ngang Thượng Ðế”. Ai gia nhập Thần Long giáo cũng học thuộc lòng câu chúc này, chẳng dám thêm vào hay bớt đi một chữ nào. Vi Tiểu Bảo thấy vị phu nhân này đã xinh đẹp vô cùng lại quyền thế rất lớn, có tâng bốc mụ cũng chẳng mất vốn mất lãi gì, gã liền thêm đại vào ba chữ ” Cùng phu nhân”. Vi Tiểu Bảo nghe Hồng phu nhân hỏi vây liền đáp:
– Giáo chủ được phu nhân bầu bạn thì thọ ngang thượng Ðế mới là thú vị. Bằng không thì sau một vài trăm năm phu nhân quy tiên rồi, một mình giáo chủ chẳng hiu quạnh tĩnh mịch lắm ru? Hồng phu nhân nghe gã nói cười tươi như hoa nở. Hồng giáo chủ cũng không khỏi nhếch mép, tay quét chòm râu dài rồi gật đầu mỉm cười. Bọn giáo chúng Thần Long giáo hễ thấy mặt giáo chủ là kinh hồn táng đởm, chẳng khác gì chuột sợ mèo. Còn ai dám buột miệng nói càn? Ban đầu họ nghe Vi Tiểu Bảo nói vậy đều sợ hãi rụng rời, bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Sau thấy giáo chủ cùng phu nhân nét mặt tươi cười, chúng mới yên lòng. Hồng phu nhân tươi cười hỏi:
– Ba chữ đó chính tiểu đệ đệ tự nghĩ ra thêm vào ư? Vi Tiểu Bảo đáp:
– Ðúng thế? Tiểu tử nghĩ rằng không thêm vào không được, vì trong khoa đẩu văn khắc trên bia đá đã có danh tự của phu nhân rồi. Gã nói câu này khiến Lục Tiên Sinh sợ tái mặt, khác nào bị rớt xuống hố băng, bụng bảo dạ:
– Mình đã mất bao nhiêu tâm huyết mới dạy cho gã học thuộc lòng bài văn bia. Không ngờ bị gã thay đổi một cách đột ngột. Gã mà thêm danh tự của phu nhân vào thì tất số chữ trong bài văn bia sẽ chênh lệch không còn đúng nữa. Biết làm thế nào? Rồi y than thầm:
– Thằng lỏi ngang ngược này buột miệng huênh hoang, tất gã đi đến bài văn bia của mình ra đọc loạn xà ngầu. Nguyên bài văn bia mình làm đã có chỗ sơ hở. Gã lại giở trò này thì còn chi mà không bại lộ? Hồng phu nhân sửng sốt hỏi:
– Ngươi nói trên bia đá có khắc cả tên ta ư? Vi Tiểu Bảo đáp:
– Ðúng thế? Ngoài miệng gã đáp “đúng thế ” mà trong bụng la thầm:
– Hỏng bét! Nếu mụ bắt ta đọc thuộc bài văn bia thì làm gì trong đó có tên mụ? May ở chỗ Hồng phu nhân không căn vặn chuyện đó, mụ hỏi sang chuyện khác:
– Phải chăng ngươi họ Vi và ở Bắc Kinh tới đây? Vi Tiểu Bảo lại đáp:
– Ðúng thế. Hồng phu nhân hỏi:
– Bạn đầu đà đã nói là khi ngươi ở Bắc Kinh đã gặp một cô nương béo mập tên gọi là Liễu Yến và thị đã truyền dạy võ công cho ngươi, có đúng thế không? Vi Tiểu Bảo nghĩ bụng:
– Những điều gì ta nói với Uỷ Tôn Giả, lão đều bẩm lại với giáo chủ cùng phu nhân hết rồi. Bây giờ sự đã lỡ thì cho lỡ luôn. Vả lại Liễu Yến chết rồi, còn tìm đâu ra được để đối chứng? Gã liền đáp:
– Ðúng thế! Liễu a di là bạn với thúc thúc của tiểu tử. Ngày cũng như đêm a di thường đến chơi nhà tiểu tử. Hồng phu nhân cười khanh khách hỏi:
– Thị đến nhà ngươi làm chi? Vi Tiểu Bảo đáp:
– A di cùng thúc thúc nói chuyện cười đùa. Có lúc cả hai người còn ôm lấy nhau mà hôn. Các vị tưởng tiểu tử không biết, nhưng tiểu tử đã ngó trộm thấy rồi. Gã rất thạo nghề nói dối và biết rằng càng nói những chuyện ly kỳ khúc chiết càng khiến người ta tin tưởng, nên gã cứ bịa đại ra mà nói. Hồng phu nhân cười nói:
– Ngươi thật là một thằng nhỏ tinh quái. Người ta hôn nhau cũng dòm trộm. Mụ quay lại hỏi Hắc Long sứ:
– Ngươi đã nghe thấy chưa? Con nít đã nói là thật. Vi Tiểu Bảo nhìn theo ánh mắt Hồng phu nhân thấy Hắc Long sứ nét mặt tái mét ra chiều khiếp sợ đến cùng cực. Người run bần bật, hắn quỳ hai đầu gối xuống dập đầu năn nỉ:
– Thuộc hạ… thuộc hạ không biết đường đôn đốc, tội đáng muôn thác. Xin giáo chủ cùng phu nhân mở…cho một sinh lộ. Thuộc hạ xin lập công chuộc tội Vi Tiểu Bảo rất lấy làm kỳ tự hỏi;
– Ta nói chuyện cô nương béo mập cùng thúc thúc hôn nhau thì có liên can gì đến lão? Tại sao lão lại kinh hồn táng đởm? Hồng phu nhân mãn cười nói:
– Lập công chuộc tội ư? Ngươi có công lao gì? Ta tưởng ngươi phái người đi hết sức làm việc cho giáo chủ. Dè đâu thị tới Bắc Kinh để mua vui. Hắc Long sứ dập đầu binh binh. Trán lão máu tươi chảy đầm đìa. Vi Tiểu Bảo thấy thế sinh lòng bất nhẫn. Muốn nói vài câu gỡ cho lão mà trong lúc nhất thời không nghĩ ra được. Hắc Long sứ vẫn quỳ gối tiến lên kêu ca:
– Bẩm giáo chủ? Thuộc hạ đã từng vì lão nhân gia xuất sinh nhập tử, tuy công lao chẳng có gì, nhưng cũng chịu đủ điệu cực khổ… Hồng phu nhân cười lạt, ngắt lời:
– Ngươi nhắc đến chuyện ngày trước làm chi? Tuổi ngươi đã già rồi còn giúp việc được cho giáo chủ mấy năm nữa? Ta tưởng ngươi đừng làm chức Hắc Long sứ nữa, há chẳng khoái hơn ư? Hắc Long sứ ngửng đầu lên nhìn Hồng giáo chủ kêu van bằng một giọng rất tha thiết:
– Thưa giáo chủ! Giáo chủ đối với lão thuộc hạ, lão huynh đệ không còn chút tình nghĩa cũ nào ư? Hồng giáo chủ mặt vẫn trơ như gỗ, hững hờ đáp:
– Trong bản giáo bọn lão hủ hồ đồ rất nhiều, cần phải chỉnh đốn mới được. Thanh âm giáo chủ trầm trầm lai ồm ồm nghe không rõ. Từ lúc Vi Tiểu Bảo vào bái kiến, bây giờ gã mới nghe lão nói là lần đầu. Lại nghe mấy trăm thiếu niên nam nữ ngoài cửa sảnh đường đồng thanh hô vang:
” Bảo huấn của giáo chủ, Thời khắc ghi vào lòng. Lập công cùng phá địch, Trường thọ với non sông.” Hắc Long sứ buông tiếng thở dài, người run lẩy bẩy đứng lên nói:
– Cần thay cũ đổi mới. Bọn lão thuộc hạ già rồi chết cũng là đáng. Lão xoay mình lại hô:
– Ðem vào đây? Bốn gã thiếu niên áo đen đứng ngoài cửa sảnh đường rảo bước tiến vào. Mỗi tên đều bưng một cái mâm gỗ, đậy lồng bàn. Chúng vào tới trước mặt Hắc Long sứ liền dừng lại đặt mâm gỗ xuống đất rồi vội vã trở gót lui ra. Những người trong sảnh đường chẳng ai bảo ai mà đều lùi lại mấy bước. Hắc long sứ mạng lẩm bẩm đọc:
” Bảo huấn của giáo chủ, Thời khắc ghi vào lòng. Lập công cùng phá địch, Trường thọ…ha ha,…cái mạng già này không tồn tại được nữa.” Lão thò tay mở lồng bàn lên. Bỗng thấy trong mâm có một vật đột nhiên vươn mình lên. Tiếp theo ánh bạch quang lấp loáng. Một lưỡi phi đao phi chênh chếch ra chặt đứt vật đó làm hai đoạn rớt xuống lòng mâm quằn quại. Ðó là một con rắn nhỏ ngũ sắc lốm đốm. Vi Tiểu Bảo bật tiếng la hoảng. Mọi người trong sảnh đường quát tháo mỗi người một câu:
– Ai vậy?
– Ai dám phạm thượng làm loạn!
– Bắt lấy nó?
– Tên bạn đồ nào dám lớn mật phản nghịch giáo chủ? Hồng phu nhân lớn tiếng ra lệnh:
– Ngũ Long thiếu niên? Nhất tề động thủ đi? Ðừng tưởng Hồng phu nhân người xinh đẹp là tính khí ôn hoà. Tiếng thét của mụ lấn át cả tiếng la hét của cả mấy trăm giáo chúng trong đại sảnh, đủ tỏ nội công của con người kiều diễm thâm hậu tới mức nào? Lại nghe tiếng lách cách vang lên. Những trường kiếm rút ra khỏi vỏ, kiếm quang xanh lè lấp loáng. Mấy trăm thiếu niên này cơ nào đội ấy rất chỉnh tề. Bốn thiếu niên áo xanh đứng vào đoàn áo xanh, áo trắng đứng vào đoàn áo trắng, chứ không lộn xộn. Ai giữ phương vị của người ấy. hoặc sáu bảy tên làm một toán, hoặc tám chín tên làm một toán. Mỗi toán đối phó với một người. trường kiếm chia ra trỏ vào yếu huyệt. Mấy chục lão già chỉ trong khoảnh khắc đã bị kiềm chế. Xung quanh Uỷ Tôn Giả và Lục Tiên Sinh cũng có mấy tên cầm trường kiếm đối lập. Một đạo nhân áo đen ngoài năm chục tuổi cười khanh khách hỏi:
– Phu nhân! Phu nhân thao luyện trận pháp này phí mất bao nhiêu ngày tháng? Thực ra muốn đối phó với bọn lão huynh đệ này bất tất phải phí công như vậy. Bọn thiếu niên vây quanh lão là tám thiếu nữ áo hồng. Hai tên dựng trường kiếm chỉ vào trước ngực lão quát:
– Không được vô lễ với giáo chủ phu nhân? Ðạo nhân kia cười hỏi:
– Thưa phu nhân? Con ngũ sắc thần long kia là do tay Vô Căn đạo nhân này hạ sát. Phu nhân định trị tội thì xin cứ động thủ đi? Sao lại để liên luỵ đến người khác? Hồng phu nhân mỉm cười đáp:
– Ðạo trưởng tự mình thú nhận là hay quá rồi. Ðạo trưởng ơi! Giáo chủ đối sử với đạo trưởng không có gì tệ bạc, lại uỷ cho đạo trưởng làm chưởng môn sứ Xích Long môn. Ðạo trưởng chỉ dưới quyền một mình giáo chủ mà ngồi trên muôn người. Cớ sao đạo trưởng lại muốn làm phản? Vô căn đạo nhân đáp:
– Thuộc hạ không có ý tạo phản. Hắc Long sứ là Trương Ðạm Nguyệt có công lớn với bản giáo, chỉ vì thuộc hạ của y làm việc bất lực mà phu nhân hạ sát y, nên thuộc hạ không phục, mới cả gan thỉnh cầu giáo chủ cùng phu nhân lượng tình cho. Hồng phu nhân cười nói:
– Nếu bản toà không chịu thì sao? Vô căn đạo nhân đáp:
– Thần Long giáo tuy do bàn tay của giáo chủ sáng lập ra, nhưng mấy vạn anh em đã vào sinh ra tử đều góp phần công lao. Thuộc hạ còn nhớ ngày trước lúc khởi sự có tất cả một ngàn linh hai mươi ba tên lão huynh đệ, mà đến nay kẻ thì mất mạng vì tay địch thủ, người thì bị giáo chủ tru lục, chỉ còn không tới một trăm người.Thuộc hạ xin giáo chủ rộng ơn tha mạng cho mấy chục người anh em tuổi già. Giáo chủ cách chức hết bọn thuộc hạ đuổi ra khỏi bản giáo cũng là đủ rồi. Giáo chủ cùng phu nhân đã chán chường bọn già nua, muốn dùng người mới thay vào, thì chỉ việc bảo bọn lão phu nhất tề rút lui là xong. Hồng phu nhân cười lạt nói:
– Từ ngày sáng lập Thần Long giáo đến nay chưa có ai là người sống sót rời khỏi bản giáo. Vô căn đạo trưởng nói vậy là nẩy ra tư tưởng quái dị. Vô căn đạo trương hỏi:
– Phu nhân nói vậy là không muốn chấp nhận đề nghị của thuộc hạ hay sao? Hồng phu nhân đáp:
– Bản toà xin lỗi đạo trưởng. Vì bản giáo không có luật lệ này nên chẳng thể ưng thuận được. Vô căn đao nhân lại cười khanh khách nói:
– Thế là giáo chủ cùng phu nhân nhất định phải tru lục hết bọn lão nô rồi. Hồng phu nhân mãn cười đáp:
– Không phải thế. Người già mà dốc dạ trung thành thì giao chủ cũng coi như anh em, quyết không kỳ tử. Chúng ta bất chấp tuổi già hay thanh niên, chỉ hỏi có tận trung một dạ với giáo chủ hay không mà thôi. Vị nào nguyện trung với giáo chủ thì giơ tay lên. Mấy trăm thiếu niên nam nữ đều giơ tay hết. Cả những giáo chúng niên trưởng bị bao vây cũng giơ tay. Vô căn đạo nhân càng giơ tay trái cao hơn. Toàn thể giáo chúng đồng thanh hô:
– Bọn thuộc hạ xin tận trung với giáo chủ quyết chẳng hai lòng. Vi Tiểu Bảo thấy mọi người giơ tay lên hết, hắn cũng giơ tay theo. Hồng phu nhân gật đầu nói:
– Thế thì hay lắm? Té ra mọi người đều tận trung với giáo chủ. Cả chú em mới đến tuy không phải người bản giáo cũng tỏ dạ trung thành với giáo chủ. Vi Tiểu Bảo lẩm bẩm:
– Ta trung thành với con rùa đen, với quân khốn kiếp. Hồng phu nhân lại nói:
– Nếu ai cũng dốc dạ trung thành thì chúng ta đây không có tên phản tặc nào, như vậy e không đúng. Bản tòa cần tra hỏi cặn kẽ. Các vị lão huynh đệ chịu khuất tất một chút để cho trói lại. Mấy trăm thiếu niên nam nữ đồng thanh dạ ran. Một đại hán cao lớn la lên:
– Hãy khoan! Hồng phu nhân hỏi:
– Bạch Long sứ? Bạch Long sứ có điều chi cao kiến? Ðại hán đáp:
– Thuộc hạ chẳng có cao kiến gì, nhưng cảm thấy vụ này không được công bằng. Hồng phu nhân cười lạt hỏi:
– Chà chà? Bạch Long sứ chỉ trích ta xử sự bất công ư? Ðại hán đáp:
– Thuộc hạ không dám. Thuộc hạ đã theo giáo chủ hai chục năm, gặp việc gì cũng hăng hái xông vào. Khi thuộc hạ liều mạng cho bản giáo thì bọn nhỏ kia còn chưa ra đời. Tại sao bọn chúng mới trung thành với giáo chủ? Còn bọn thuộc hạ lại không trung thành? Hồng phu nhân cười ha hả hỏi:
– Bạch Long sứ nói vậy để kể công ư? Phải chăng Bạch Long sứ cho rằng nếu không có Bạch Long sứ Trương Chí Linh thì Thần Long giáo chẳng thể được như ngày hôm nay? Ðại hán người to lớn tức Trương Chí Linh đáp:
– Việc sáng lập ra Thần Long giáo là công trạng của một mình giáo chủ, còn hết thảy chỉ là kẻ tùy tùng lão nhân gia đi đánh thiên hạ chẳng có ai công lao gì đáng kể. Nhưng… Hồng phu nhân hỏi:
– Nhưng làm sao? Trương Chí Linh đáp:
– Nhưng nếu bọn thuộc hạ mà không có công lao thì bọn lỏi con mười mấy tuổi đầu kia chẳng có chút công lao nào. Hồng phu nhân hỏi:
– Vậy thì ta mới ngoài hai mươi tuổi cũng chẳng có chút công lao nào ư? Trương Chí Linh ngần ngừ một lúc rồi đáp:
– Ðúng thế? Phu nhân cũng chẳng có công lao. Thuộc hạ đã nói việc sáng lập bản giáo là công lao của một mình giáo chủ lão nhân gia. Hồng phu nhân thủng thẳng hỏi:
– Ðã chẳng ai có công lao thì việc sát hại Bạch Long sứ cũng chẳng có chi oan uổng, phải vậy chăng? Mụ nói tới đây, cặp mắt chiếu ra những tia sáng hung dữ, nhưng nét mặt vẫn tươi cười trông rất xinh đẹp. Trương Chí Linh lửa giận đầy ruột lớn tiếng hô:
– Hạ sát một mình Trương mỗ, dĩ nhiên chẳng có gì quan hệ, nhưng e rằng tàn sát trung lương,tru lục công thần thì cơ nghiệp Thần Long giáo này sẽ bị tan tành vì một bàn tay của phu nhân. Hồng phu nhân nói:
– Hay lắm! hay lắm! Hỡi ôi! Ta cũng mệt lắm rồi. Mụ nói mấy câu này ra chiều uể oải chán đời. Ngờ đâu đó chính là ám hiệu để hạ lệnh giết người. Bảy tên thiếu niên áo trắng nghe phu nhân nói vậy, đang bao vây Trương Chí Linh đột nhiên phóng kiếm đâm vào người lão. bảy thanh kiếm rút ra, bảy luồng máu tươi trên mình Trương Chí Linh vọt ra như tên bắn, khiến cho áo trắng của bọn thiếu niên này biến thành đỏ lòm. Trương Chí Linh gầm réo:
– Giáo chủ ơi! Giáo chủ…thật là nhẫn tâm!… Lão chưa dứt lời đã ngã lăn ra chết liền. Bảy tên thiếu niên áo trắng lui vào hành lang, cử động của chúng rất mau lẹ bay bướm. Bạch Long sứ Trương Chí Linh là một trong những cao thủ của Thần Long giáo, nhưng bảy mũi kiếm đồng thời đâm tới, lão không chống cự được mảy may, đủ rõ bảy thiếu niên kia đã được huấn luyện tới trình độ tinh thục mới phóng được nhát kiếm trong sảnh đường bữa nay một cách mau lẹ êm thắm. Hồng phu nhân ngáp dài một cái, tay trái khẽ giơ lên che miệng anh đào nhỏ bé coi càng hấp dẫn. Hồng giáo chủ nét mặt vẫn trơ như gỗ, lờ đi như không ngó thấy vụ hạ sát Trương Chí Linh. Hồng phu nhân nhỏ nhẹ nói:
– Thanh Long sứ? Hoàng Long sứ? Phải chăng hai vị nhận thấy Bạch Long sứ mưu đồ tạo phản là tội đáng chết? Một lão già thân hình lùn tịt khom lưng đáp:
– Trương Chí Linh lập tâm tạo phản giáo chủ cùng phu nhân đã lâu ngày, thuộc hạ rất lấy làm thống hận và đã từng cáo tố cùng phu nhân mấy lần. Nhưng phu nhân dạy rằng:
– Vì nể mặt những anh em già cả nên để cho y có cơ hội tỉnh ngộ hối lỗi. Giáo chủ cùng phu nhân khoan hồng độ lượng khoan hồng mong y sửa đổi lỗi lầm. Không ngờ y lại là người ác độc vô cùng? Tội phản nghịch thì còn dung tha thế nào được? Nay y bị xử tử một cách nhẹ nhàng như vậy cũng là phúc đức cho y lắm rồi? Toàn thể anh em trong bản giáo không ai là không cảm kích ơn đức giáo chủ cùng phu nhân. Vi Tiểu Bảo lẩm bẩm:
– Thằng cha này đúng là “Bợ đít đại vương”. Hoàng Long sứ hiểu biết đại thể, còn Thanh Long sứ nghĩ sao? Một hán tử cao gầy, tuổi ngoại năm mươi, giương cặp mắt tức giận lên nhìn tám thiếu niên áo xanh đứng ở quanh mình quát lên:
– Cút đi? Giáo chủ muốn giết ta tự ta không biết động thủ hay sao? Tám thiếu niên đưa thêm trường kiếm về phía trước một chút. Mũi kiếm vừa đụng tới tà áo lão. Hán tử kia bật lên mấy tiếng cười khánh khách, từ từ đưa tay lên nắm lấy cổ áo mình nói:
– Giáo chủ? Phu nhân! Ngày trước thuộc hạ cùng bốn chưởng môn sứ Xích, Bạch, Hắc, Hoàng đã kết nghĩa chi lan và quyết tâm hiến mình cho Thần Long giáo mà không ngờ đưa đến kết quả ngày nay. Giả tỷ phu nhân có hạ sát Hứa mỗ thì cũng chẳng có chi là lạ, nhưng lạ ở chỗ Hoàng Long sứ Ân đại ca là con người ham sinh uý tử, thốt ra những lời hèn hạ bỉ ổi để vu cáo, khinh miệt người anh em chí thân của mình… Lão nói đến đây, bỗng nghe đánh roạt một tiếng. hai tay áo lão hất ra ngoài. Lão đã xé áo trường bào của mình làm hai mảnh. Lão rung tay một cái. Hai mảnh trường bào vung lên hất trường kiếm của bon áo xanh trệch đi. Ánh thanh quang lấp loáng, Trong tay lão đã cầm hai thanh đoản kiếm dài chừng nửa thước. Mấy tiếng ” sột sột ” vang lên. Tám gã thiếu niên áo xanh đều bị trúng kiếm ở trước ngực, té xuống hết. Máu tươi từ miệng các vết thương phun ra như tưới. Tám xác chết ở quanh mình lão nằm thành vòng tròn và dường như được sắp đặt lại chỉnh tề. Thủ pháp này của lão cao gầy vừa mau lẹ vừa đột ngột khác nào sét đánh không kịp bưng tai.