Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lộc Đỉnh Ký

Chương 169 – Dở thói nịnh thần khoe bài trung nghĩa

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Lục Cao Hiên tức giận nói:

– Ngươi nói… Hai tiếng vừa ra khỏi cửa miệng, hắn biết ngay là mình lỡ lời. Tuy hắn kịp dừng lại nhưng ai cũng hiểu hắn định nói: “Ngươi nói nhăng nói càn” dù mấy tiếng sau chưa thốt ra. Vi Tiểu Bảo hỏi ngay:

– Lão bảo ta nói nhăng nói càn ư? Ta bảo lão sai lầm, chỉ có giáo chủ cùng phu nhân là vĩnh viễn hành động rất đúng, lão không phục chăng? Chẳng lẽ giáo chủ cùng phu nhân vĩnh viễn liệu việc sai trật? Chỉ có mình Lục tiên sinh là làm việc gì cũng đúng hay sao? Lục Cao Hiên mặt đỏ bừng lên chối cãi:

– Không phải ta có ý như vậy. Đó là tự miệng ngươi nói ra, chứ ta… ta đâu có nói thế. Vi Tiểu Bảo lại vặn hỏi:

– Giáo chủ cùng phu nhân bảo Bạch Long sứ dốc dạ trung trinh, không phải loài phản bạn. Hai vị lão nhân gia liệu việc như thần, có bao giờ lầm lẫn hồ đồ? Ta nói cho tiên sinh hay: Hoàng đế phái ta đem thủy binh cùng súng lớn đến Liêu Đông là để… là để… hừ! Tiên sinh biết làm sao được. Gã vừa nói vừa xoay chuyển ý nghĩ trong đầu óc: Hoàng đế phái ta đem quân đến Liêu Đông làm gì? Ta biết nói sao bây giờ? Hồng giáo chủ thấy gã ngập ngừng lại tưởng gã sợ tiết lộ bí mật liền hỏi ngay:

– Hoàng đế phái ngươi đi làm gì? Ngươi hãy nói thẳng ra. Vi Tiểu Bảo đáp:

– Vụ này cực kỳ cơ mật. Bất luận trường hợp nào cũng không thể nói cho người khác hay được. Thuộc hạ tiết lộ quân cơ, Hoàng đế hay được nhất định chém đầu. Nhưng giáo chủ đã hỏi đến mà trong lòng thuộc hạ coi giáo chủ còn cao hơn Hoàng đế gấp trăm lần. Người ta xương hô Hoàng đế bằng Vạn tuế thì thuộc hạ phải xưng hô giáo chủ bằng Bách Vạn tuế. Hoàng đế là Vạn vạn tuế thì giáo chủ phải là Bách vạn vạn tuế. Giáo chủ muốn thuộc hạ nói thì dĩ nhiên thuộc hạ không dám dấu diếm. Gã thuyết một tràng dài ngoài miệng mà trong dạ rối bời, tự nhủ:

– “Ta biết nói sao đây? Bịa chuyện thế nào để giáo chủ cùng phu nhân tin lời?”. Hồng giáo chủ nghe Vi Tiểu Bảo tuôn lời xiểm nịnh trôi như nước chảy, chẳng lấy thế làm ngượng mà còn khoan khoái trong lòng. Lão giơ tay lên vuốt râu, lẩm nhẩm gật đầu ra chiều tự đắc. Vi Tiểu Bảo nói tiếp:

– Khải bẩm giáo chủ cùng phu nhân! Bên cạnh Hoàng thượng hiện có hai người ngoại quốc thuộc nước Hồng Mao. Một người tên gọi là Thang Nhược Vọng, một người tên gọi Nam Hoài Nhân. Hai người này được phong làm quan Giám chính ở tòa Khâm thiên giám… Hồng giáo chủ ngắt lời:

– Cái tên Thang Nhược Vọng ta đã nghe tới. Nghe nói hắn thông hiểu thiên văn, chuyên về môn học âm dương thuật số. Vi Tiểu Bảo cả mừng đáp:

– Đúng thế! Giáo chủ không ra khỏi cửa mà rõ mọi việc trong thiên hạ. Thang Nhược Vọng tính qua tính lại rồi nói thấy phương bắc có một nước kêu bằng La Sát quốc làm điều bất lợi cho Hoàng đế… Hồng giáo chủ dương cặp lông mày lên hỏi:

– Thế thì sao? Vi Tiểu Bảo thấy Hồng giáo chủ để hết tinh thần lắng nghe thì biết là mình huênh hoang nói láo mà mười câu lão tin cả mười. Trong bụng mừng thầm gã nói:

– Tiểu Hoàng đế nghe Thang Nhược Vọng nói thế lộ vẻ buồn phiền, liền hỏi hắn có mưu kế gì trừ mối hại đó không. Thang Nhược Vọng tâu: “Xin Hoàng thượng cho hạ thần trở về, ban đêm quan sát thiên văn, ban ngày tính số âm dương, nghiên cứu kỹ càng mấy bữa nữa mới có thể tâu lại được”. Gã ngừng lại một chút rồi nói tiếp:

– Mấy hôm sau Thang Nhược Vọng vào tâu với Hoàng đế là long mạch của nước La Sát ở tỉnh Liêu Đông. Tỉnh này có trái núi kêu bằng Hô tổ bà nó Sơn và con sông kêu bằng A con mẹ nó Hà gì gì đó… Hồng An Thông ở tỉnh Liêu Đông lâu ngày nên biết hết các địa danh sơn xuyên trong tỉnh này. Lão nghe Vi Tiểu Bảo nói vậy, bất giác quay lại nhìn Hồng phu nhân cười nói:

– Phu nhân! Phu nhân nghe thằng nhỏ này nói có tức cười không? Hô Mã Nhĩ Oa Tập Sơn thì gã lại nghe ra là Hô tổ bà nó Sơn. A Mộc Nhĩ Hà thì gã lại kêu bằng A con mẹ nó Hà. Ha ha ha… Hồng phu nhân cũng nổi lên tràng cười khanh khách. Vi Tiểu Bảo lại nói:

– Dạ dạ! Phải rồi! Phải rồi! Chẳng việc gì giáo chủ không biết, chẳng chỗ nào giáo chủ không hay. Thuộc hạ khâm phục không biết đâu mà kể. Tên quỉ tóc đỏ kia nói mấy lần mà thuộc hạ không sao nhớ nổi. Tiểu Hoàng đế phải viết những địa danh đó bằng cả Hán tự lẫn Mãn tự giao cho thuộc hạ. Nhưng thuộc hạ lại mù chữ nên Hô tổ bà nó Sơn vẫn chẳng nhớ con mẹ gì… Hồng giáo chủ lại cười hô hố, quay lại nguýt Lục Cao Hiên. Thần sắc lão tỏ vẻ cực kỳ nghiêm khắc. Lục Cao Hiên và Uỷ Tôn Giả biết là nguy rồi, trong lòng không ngớt lo âu hồi hộp. Vi Tiểu Bảo nói tiếp:

– Thang Nhược Vọng lại tâu Hoàng đế phải chế tạo ngay mười khẩu súng lớn vận tải tới Liêu Đông bằng đường biển, nhằm trúng vào trái núi, dòng sông gì gì đó mà bắn hai trăm phát để phá tan long mạch nước La Sát. Có như thế thì từ đây trở đi trong vòng hai trăm năm nhà nước Đại Thanh mới được bình an vô sự. Tức là mỗi phát súng giữ cho một năm bình yên… Gã dừng lại một chút rồi nói tiếp:

– Tiểu Hoàng đế lại hỏi: “Thế thì bắn cả ngàn phát súng thì sẽ giữ được cho cả ngàn năm bình yên hay sao?” Thang Nhược Vọng tâu: ” Bắn nhiều quá sẽ không linh nữa”. Hắn còn nói thiên cơ bất khả lậu, hoàng đạo hắc đạo gì gì, ô lý ô lố hàng giờ. Nhưng thuộc hạ chẳng hiểu câu nào, đứng nghe mà chỉ cảm thấy tức mình và phát ngán… Vi Tiểu Bảo nói dối và bịa chuyện hoang đường vẫn theo yếu quyết là những chi tiết nhỏ nhặt bao giờ cũng ghé vào sự thực khiến cho toàn bộ không có gì sai lầm. Chỉ những điểm trọng yếu gã mới ba hoa nói càn nói ẩu. Đây là phương pháp gã học được từ những ngày còn ở kỹ viện. Hay là ở chỗ Hồng An Thông kiến thức sâu rộng. Lão cũng biết cả nội dung pho Đại Thanh Thời Hiến Lịch. Câu chuyện hoang đường của Vi Tiểu Bảo lại đúng sách một phần khiến lão cũng hơi tin. Hồng phu nhân hỏi:

– Ngươi nói vậy thì ra Hoàng đế phái ngươi đến Liêu Đông để khai pháo ư? Vi Tiểu Bảo ra chiều kinh dị hỏi lại:

– ủa? Sau phu nhân lại biết thế? Hồng phu nhân mỉm cười hỏi tiếp:

– Ta coi ngươi lần này nói năng không phải hoàn toàn là sự thực. Tiểu Hoàng đế phái ngươi đi Liêu Đông, sao ngươi lại ra đảo Thần Long? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Người ngoại quốc kia nói long mạch nước La Sát nguyên là con rồng biển nên phải vận chuyển mười cỗ đại pháo đi trên mặt biển nhằm đúng chỗ miệng rồng và phải tính đúng thời khắc, chờ nó hút nước biển là lập tức nổ súng. Nếu khai hỏa trên lục địa, con rồng bị trúng đạn rồi vẫn còn cử động được lập tức bay đi… Gã ngừng lại một chút rồi nói tiếp:

– Mỗi phát súng chỉ giữ được một năm bình yên. Sang năm lại phải sang bắn nữa thì phiền phức vô cùng. Bọn thuộc hạ phải vận chuyển đại pháo trên mặt biển đi vòng thật xa để khỏi làm kinh động long mạch. Trước nay thuyết phong thủy nói về long mạch là một điều ai cũng chú trọng. Nhưng chỉ có địa hình giống con rồng chứ làm gì có rồng thật đâu mà bảo là long mạch bị kinh động rồi trốn chạy? Điểm này hoàn toàn do Vi Tiểu Bảo dốt nát bịa đặt ra nói nhăng nói càn. Hồng An Thông nghe Vi Tiểu Bảo nói vậy, trong lòng nửa tin nửa ngờ. Vi Tiểu Bảo coi nét mặt giáo chủ biết lão chưa tin hẳn vội nói tiếp:

– Tên quỉ sứ ngoại quốc kia vẽ mấy tấm họa đồ đưa cho Tiểu Hoàng đế. Hắn còn dùng mấy thứ thước đo lui đo tới. Chỗ này khuyên vòng tròn, chỗ kia vạch đường thẳng. Hắn nói rõ tại sao long mạch ở đây lại chạy trốn được, nhưng thuộc hạ ngu quá chẳng hiểu gì hết. Vậy mà Tiểu Hoàng đế lại chăm chú nghe ra chiều thích thú mới kỳ. Hồng An Thông lẩm nhẩm gật đầu, nghĩ bụng:

– “Xem chừng thuật phong thủy nước ngoài họ xem theo một lề lối khác biệt. So với phong thủy Trung Quốc còn lợi hại hơn nhiều”. Vi Tiểu Bảo thấy lão lộ vẻ công nhận chi tiết này mới yên tâm được một phần. Gã tự nhủ:

– “Ta đã qua được cửa ải khó khăn rồi. Còn về sau cứ việc tha hồ huênh hoang láo khoét cũng không sợ lộ tẩy”. Gã nói tiếp:

– Một hôm Tiểu Hoàng thượng truyền chỉ cho tòa Khâm thiên giám chọn ngày hoàng đạo, hạ chỉ phái thuộc hạ lên tế trời ở núi Trường Bạch. Nhân tiện có tên Thủy sư đề đốc là Thi Lang ở Phúc Kiến lai kinh. Hắn quen nghề dùng súng lớn trên thuyền. Tiểu Hoàng đế phái hắn đi theo thuộc hạ và dặn đi dặn lại là mọi việc phải giữ hết sức cơ mật. Nếu để tiết lộ là hư hỏng việc lớn… Gã liếc mắt nhìn Hồng giáo chủ và phu nhân nói tiếp:

– Bọn thuộc hạ đến Thiên Tân rồi ra biển, quanh đường vòng ra xa rồi ngấm ngầm tiến về phía Liêu Đông. Ngờ đâu chiều hôm qua thuộc hạ thấy nhiều xác chết nổi lên trên mặt biển. Trong đám xác chết trôi này có cái thật, có cái giả. Cái giả tức là lão đầu đà ốm nhắt kia. Thuộc hạ vì hảo tâm mà cứu tỉnh hắn lại. Hắn bảo thuộc hạ là đại sự nguy đến nơi rồi. Trên đảo Thần Long đang xảy ra những trận đánh đến trời long đất lở. Hồng giáo chủ đã phái người hạ sát Thanh Long sứ Hứa Tuyết Đình. Cao Tôn Giả hét lên:

– Láo khoét! Láo khoét! Ta không bảo giáo chủ giết Thanh Long sứ bao giờ. Hồng phu nhân trợn cặp mắt xinh đẹp lên nhìn hắn quát:

– Sấu đầu đà! Trước mặt giáo chủ không được la hét. Cao Tôn Giả dạ một tiếng, không dám nói nữa. Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Lão bảo Thanh Long sứ bị người ta giết rồi. Có đúng thế không? Cao Tôn Giả đáp:

– Có có! Giáo chủ dặn ta nói với ngươi như vậy. Vi Tiểu Bảo nói:

– Giáo chủ bảo lão nói giỡn với ta thì có. Nhưng lão bảo giáo chủ muốn báo thù nên đã hạ sát Thanh Long sứ và Xích Long sứ là không đúng. Giáo chủ chí công vô tư, đại nhân đại nghĩa, chẳng khi nào lại tức giận thuộc hạ mà báo thù. Vi Tiểu Bảo nói một câu là Cao Tôn Giả lại tức giận la lên một chữ “giả dối!”. Vi Tiểu Bảo nói:

– Lão bảo giáo chủ vì chuyện báo thù mà hạ sát Thanh Long sứ và Xích Long sứ. Cao Tôn Giả nói ngay:

– Giả dối! Ta không nói thế. Vi Tiểu Bảo nói:

– Giáo chủ chí công vô tư. Cao Tôn Giả lại đáp:

– Giả dối! Vi Tiểu Bảo nói:

– Giáo chủ đại nhân đại nghĩa. Cao Tôn Giả vẫn la:

– Giả dối! Vi Tiểu Bảo nói:

– Giáo chủ chẳng bao giờ để tâm thù hằn thuộc hạ mà báo cừu. Cao Tôn Giả lại la:

– Giả dối! Lục Cao Hiên biết Cao Tôn Giả chất phác nóng nẩy đã bị Vi Tiểu Bảo đưa vào cạm bẫy. Mỗi lần lão la “giả dối” là Hồng giáo chủ lại nhăn mặt khó chịu. Lục Cao Hiên sợ Cao Tôn Giả tiếp tục la câu “giả dối” khiến giáo chủ nổi cơn tức giận thì chẳng thể vãn hồi được nữa. Hắn liền kéo tay Cao Tôn Giả nói:

– Tôn Giả hãy để gã bẩm giáo chủ xong đã, đừng ngắt lời như vậy. Cao Tôn Giả tức mình nói:

– Chẳng lẽ để thằng lỏi này nói càn nói ẩu mãi ư? Lục Cao Hiên nói:

– Giáo chủ là bậc thông minh tài trí, chẳng điều gì không hay, chẳng việc gì không biết. Cao Tôn Giả bất tất phải nóng nẩy. Tự nhiên giáo chủ sẽ rõ thực hư. Cao Tôn Giả hắng dặng một cái rồi nói:

– Cái đó chưa chắc… Lão thốt ra bốn tiếng rồi đột nhiên dừng lại vì biết mình đã lỡ lời. Miệng lão há hốc ra, trong lòng kinh hãi khôn xiết. Vi Tiểu Bảo trợn mắt lên nhìn Cao Tôn Giả rồi đột nhiên nhăn mặt thè lưỡi làm quỉ nhát. Người ngoài vô tình không ngó thấy nhưng Cao Tôn Giả nhìn thấy rõ ràng. Lão tức giận quá toan nổi hung, nhưng lại sợ làm cho giáo chủ động nộ, lão đành nín nhịn, thái độ cực kỳ hằn học. Bầu không khí trong khoang thuyền yên lặng, ngột ngạt, chỉ nghe tiếng Cao Tôn Giả thở hồng hộc. Sau một lúc Hồng giáo chủ cất tiếng hỏi Vi Tiểu Bảo:

– Hắn còn nói gì nữa không? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Khải bẩm giáo chủ! Lão lại bảo giáo chủ ở giữa đâm bị thóc chọc bị gạo khiến cho Xích Long môn đến đánh Thanh Long môn. Cao Tôn Giả không nín được la lên:

– Ta không nói thế. Hồng giáo chủ nổi cơn thịnh nộ, trợn mắt lên nhìn lão quát:

– Câm miệng ngay! Ngươi còn la lên một tiếng là ta chặt cái thân hình tròn ủng như quả dưa của ngươi ra làm hai mảnh. Cao Tôn Giả sắc mặt tím đen. Lục Cao Hiên và Uỷ Tôn Giả cũng kinh hãi thất sắc. Mọi người đều biết là bụng dạ Hồng giáo chủ rất thâm trầm. Bình thời mừng giận không lộ ra ngoài mặt, lại rất ít khi nổi nóng, buông lời thô lỗ. Nay lão đã lớn tiếng quát mắng Cao Tôn Giả là trong lòng đã phẫn nộ đến cùng cực. Vi Tiểu Bảo cả mừng nghĩ bụng:

– “Bây giờ Cao Tôn Giả đã phải câm miệng thì ta tha hồ mà thêu dệt, hắn không thể bài bác được.” Gã nghĩ vậy liền nói:

– Xin giáo chủ dẹp cơn thịnh nộ. Sấu đầu đà thực tình không nói câu gì vũ nhục đến giáo chủ mà chỉ bảo là giáo chủ bụng dạ nhỏ nhen. Sở dĩ lần trước cuộc mưu phản không thành là để cho một thằng lỏi con làm hư việc lớn, ai cũng đem lòng oán hận. Giáo chủ liền tìm cơ hội trả thù. Đầu đà lại nói giáo chủ phái tên Hà Thịnh đi hành động. Hà Thịnh là đại đệ tử của Vô Căn đạo nhân. Thuộc hạ chưa hiểu trên đảo có tên đó không? Hồng phu nhân hỏi lại:

– Có tên Hà Thịnh thì làm sao? Vi Tiểu Bảo động tâm nghĩ thầm:

– “Hà Thịnh là đồ đệ của Vô Căn đạo nhân thì chắc hắn còn nhỏ tuổi”. Gã liền đáp:

– Cao Tôn Giả bảo tên Hà Thịnh này thấy phu nhân diễm lệ, đã mấy năm nay gã cùng phu nhân làm chuyện nọ chuyện kia. Lão nói nhiều câu rất lỗ mãng khiến thuộc hạ phải bưng tai lại không dám nghe nữa. Thuộc hạ tức giận lão về tội thốt ra những lời bất kính vắng mặt phu nhân liền sai người vả vào miệng, lão mới thôi không dám nói nữa. Hồng phu nhân tức quá, sắc mặt xám xanh hỏi:

– Sao hắn lại kéo cả ta vào đó? Cao Tôn Giả lên tiếng:

– Thuộc hạ…thuộc hạ không nói thế. Vi Tiểu Bảo gạt đi:

– Giáo chủ đã cấm lão mở miệng, lão đừng nói nữa. Bây giờ ta hỏi lão: lão có nói đến Hà Thịnh không? Có thì lão gật đầu, không thì lắc đầu. Cao Tôn Giả liền gật đầu. Vi Tiểu Bảo lại hỏi:

– Phải rồi! Lão nói Hà Thịnh và Hứa Tuyết Đình vì vụ tranh phong mà ăn phải dấm chua. Hai người vành cạnh lấy lòng phu nhân. Hà Thịnh nổi cơn ghen tức giết chết Hứa Tuyết Đình. Phu nhân rất vui sướng bảo là giáo chủ bị che mắt chẳng biết chi hết. Lão nói với ta Thanh Long sứ Hứa Tuyết Đình bị sát hại, trong phòng còn để lại lưỡi đao dính máu bỏ dưới đất. Thanh đao đó là của Hà Thịnh. Phải thế không? Lão có nói vậy không? Cao Tôn Giả gật đầu đáp:

– Nhưng ở trước mặt… Vi Tiểu Bảo chẹn họng:

– Lão có nói vậy, thế là đúng rồi. Thực ra Cao Tôn Giả chỉ nói về vụ Thanh Long sứ Hứa Tuyết Đình bị giết, trong phòng còn bỏ lại lưỡi đao dính máu. Còn nửa trên đều là do Vi Tiểu Bảo bịa thêm vào. Cao Tôn Giả nghe hết câu chuyện rồi gật đầu tức là lão đã thừa nhận đã nói cả câu chuyện đó. Vi Tiểu Bảo lại hỏi:

– Lão còn bảo Thanh Long môn, Xích Long môn, Huỳnh Long môn và cả Bạch Long môn của ta nữa đã xảy ra cuộc đánh nhau loạn xà ngầu. Giáo chủ mất hết quyền bính, chẳng sao trấn áp nổi. Phải vậy không? Cao Tôn Giả lại gật đầu. Vi Tiểu Bảo hỏi tiếp:

– Lão còn nói giáo chúng trên đảo tạo phản, giáo chủ cùng phu nhân bị bắt rồi. Phu nhân bị lột sạch quần áo đưa đi khắp đảo để bêu riếu trước mặt quần chúng. Giáo chủ bị cột lại treo lên cây đã ba ngày ba đêm chẳng được ăn uống chi hết. Vụ này đến bây giờ chắc lão chẳng chịu thừa nhận. Phải không? Cao Tôn Giả nghe những câu này, gật đầu cũng không được mà lắc đầu cũng không xong. Mặt hắn đỏ bừng lên tựa hồ máu ứ phía trong làn da. Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Hiện giờ dĩ nhiên lão muốn chối cãi, chẳng chịu thừa nhận những câu đó có phải không? Cao Tôn Giả tức giận đáp:

– Ta không nói thế. Vi Tiểu Bảo lại hỏi:

– Tóm lại, lão bảo bản giáo xảy ra cuộc náo loạn trời long đất lở. Quá nửa số người bị giáo chủ trói liệng xuống biển. Nửa còn lại thì chém giết lẫn nhau. Giáo chủ cùng phu nhân lâm vào tình trạng nguy khốn, dù bây giờ chưa chết ngay nhưng cũng chẳng thể sống lâu được nữa. Có đúng thế không? Cao Tôn Giả ấp úng:

– Ta…ta…ta… Hắn bị Vi Tiểu Bảo dồn cho một thôi một hồi, đầu óc khẩn trương muốn ngất xỉu, chẳng biết đối đáp thế nào cho phải. Sự thực lão đã nói Ngũ Long môn trên đảo Thần Long gây nên cuộc đánh nhau loạn xà ngầu, tàn sát lẫn nhau. Nhưng so với những lời thêu dệt và bịa đặt thêm vào của Vi Tiểu Bảo thì khác nhau nhiều lắm. Vi Tiểu Bảo ngửng đầu nhìn Hồng giáo chủ nói tiếp:

– Khải bẩm giáo chủ! Thuộc hạ thống lĩnh thủy binh đến Liêu Đông bắn phá long mạch của nước La Sát. Khi thuyền bè tới khu thuộc hạ nhớ tới giáo chủ cùng phu nhân và… Phương cô nương. Nguyên thuộc hạ định lấy cô làm vợ, muốn ghé thăm cô. Thuộc hạ còn hy vọng lên thỉnh cầu giáo chủ cùng phu nhân chuẩn cho thuộc hạ đưa nàng đi nên bảo thuyền chèo gần vào. Dù ở đằng xa được ngó lên đảo mấy lần cũng là hay rồi. Nếu được ngó thấy giáo chủ cùng phu nhân thì thật là tuyệt diệu. Hồng phu nhân mỉm cười ngắt lời:

– Còn Phương cô nương nữa chứ? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Dạ dạ! Đó là thuộc hạ tư tâm, chưa được hết lòng cùng giáo chủ và phu nhân. Thật tội đáng chết lắm. Hồng An Thông gật đầu giục:

– Ngươi nói tiếp đi. Vi Tiểu Bảo nói:

– Ngờ đâu thuộc hạ đang đi trên mặt biển thì vớt được Sấu đầu đà lên. Thuộc hạ không hiểu lòng dạ lão thế nào mà nguyền rủa giáo chủ không tiếc lời. Thuộc hạ trong lúc hoang mang đâm ra hồ đồ, vừa nghe lão nói chân tay đã luống cuống, hận mình chẳng thể mọc cánh bay lên đảo Thần Long đặng đứng bên giáo chủ cùng phu nhân, cùng quân phản nghịch quyết một trận tử chiến… Gã ngừng lại một chút rồi nói tiếp:

– Lúc đó thuộc hạ bồn chồn nóng nẩy, chửi vung tán tàn và bảo với Sấu đầu đà: “Ngày trước mọi người đã ước hẹn với nhau những việc quá khứ xóa hết, bỏ đi không nhắc tới nữa. Sao họ còn để lòng căm hận, lại nẩy dạ tạo phản?”. Gã thở dài nói tiếp:

– Thuộc hạ chỉ nghĩ tới giáo chủ cùng phu nhân gặp bước hoạn nạn và tự nhủ: “Giáo chủ bị bọn bạn đồ trói lại treo ngược lên, phu nhân bị bọn chúng lột hết quần áo thì nguy quá rồi. Không thể chần chờ được nữa”. Thuộc hạ thật là ngu xuẩn đáng chết, không nhớ ra giáo chủ thần thông quảng đại. Dù có người phản loạn, giáo chủ chỉ cần giơ mấy đầu ngón tay ra là bóp chúng chết như bóp nát đàn kiến. Làm gì có chuyện quân phản loạn đụng được đến mình giáo chủ cùng phu nhân để lăng nhục? Vì thuộc hạ quá đỗi bồn chồn nên ra lệnh cho các chiến thuyền lập tức tấn công đảo Thần Long. Thuộc hạ lại căn dặn quân sĩ: Bao nhiêu người tốt trên đảo đều bị bọn phản đồ bắt hết rồi. Nếu gặp kẻ nào chống đối cứ việc nổ súng. Khi lên đảo phải lập tức mở cuộc điều tra, hễ thấy một vị oai phong lẫm liệt, tướng mạo đường đường như Ngọc Hoàng đại đế, lại giống một bậc thiên tiên Bồ Tát thì chính là Hồng giáo chủ của Thần Long giáo. Anh em phải nhất nhất nghe theo lệnh chỉ huy của lão nhân gia. Gã ngừng lại một chút rồi nói tiếp:

– Thuộc hạ còn dặn quân sĩ khi lên đảo hễ thấy đàn bà con gái nhất thiết không được đắc tội, nhất là một vị cô nương tuổi trẻ, dung nhan nguyệt thẹn hoa nhường. Đó là Hồng phu nhân, anh em phải hết lòng kính cẩn. Hồng phu nhân cười khanh khách hỏi:

– Theo lời ngươi nói thì ra ngươi phái binh tấn công Thần Long đảo chỉ vì lòng trung nghĩa đối với giáo chủ hay sao? Chẳng những ngươi không có tội mà còn có công ư? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Thuộc hạ tuyệt chẳng có chút công lao nào hết. Chỉ cầu thấy giáo chủ cùng phu nhân bình yên vô sự. Mấy vị chưởng môn sứ vẫn dốc dạ trung trinh, hết lòng phục vụ giáo chủ cùng phu nhân là thuộc hạ mãn nguyện lắm rồi. Hy vọng thứ nhất của thuộc hạ là giáo chủ cùng phu nhân vĩnh hưởng tiên phúc, thọ dữ thiên tề. Thứ hai là hết thẩy mọi người trong bản giáo tận trung báo quốc. Giáo chủ bảo sao cứ thế mà làm. Còn điều thứ ba là… là… Hồng phu nhân cười hỏi:

– Điều thứ ba là ngươi lấy được Phương cô nương làm vợ phải không? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Đây là một chuyện nhỏ. Thuộc hạ đã có chủ ý, chỉ cần hết sức phục vụ giáo chủ cùng phu nhân được vui lòng là tự nhiên giáo chủ cùng phu nhân sẽ cho mình mãn nguyện. Hồng An Thông gật đầu hỏi:

– Miệng lưỡi ngươi giỏi lắm, chẳng kém gì thông reo nước chảy. Nhưng sao ngươi bảo tưởng nhớ ta cùng phu nhân thì sao ngươi lại không chính mình dẫn quân lên đảo Thần Long mà chỉ phái người nổ súng bắn loạn vào? Còn ngươi lại lẩn tránh tận đằng xa ở phía sau?

Chọn tập
Bình luận