Dương Dật Chi nghe tiếng Vi Tiểu Bảo hô đột nhiên muốn ngồi nhỏm dậy, nhưng người y vừa ngóc lên lại té xuống liền. Quần hùng nhìn thấy thảm trạng của Dương Dật Chi đều nẩy lòng phẫn khích, bụng bảo dạ:
– Tên này làm chó săn cho Hán gian, đáng lý chẳng có chi phải thương tiếc, nhưng cha con Ngô Tam Quế đối với kẻ thuộc hạ trung thành mà hạ độc thủ như vậy thì lòng dạ hiểm ác của hắn đến mực nào, không cần hỏi cũng biết. Vi Tiểu Bảo lau ráo nước mắt, trấn tĩnh tâm thần, bật lên tràng cười ha hả chạy đến sảnh đường nói:
-Thật là thú quá! Gã thấy những kép hát trên sân khấu đều đứng ngẩn ra không cử động. Vi Tiểu Bảo vừa về tới, chuông trống lại nổi lên. Đào kép tiếp tục diễn vở
“Chung Húc giá muội”! Nguyên gã rời sảnh đường đi vào phía trong, Ngô ứng Hùng liền ra lệnh cho ban hát dừng lại, chờ gã trở về mới được diễn tiếp, để gã khỏi bỏ mất một đoạn. Vi Tiểu Bảo nhìn Ngô ứng Hùng ngỏ lời xin lỗi. Gã nói tiếp:
– Công chúa biết phò mã đến đây dự yến nên kêu tại hạ vào hỏi tỷ mỷ tướng mạo cùng tính tình phò mã thế nào? Ngày thường phò mã thích mặc y phục gì cùng ăn uống những món nào? Vì phải hầu chuyện Công chúa lâu quá, khiến tiểu Vương gia mất công chờ đợi. Ngô ứng Hùng mừng rỡ khôn xiết, luôn miệng đáp:
– Không hề gì! Không hề gì! Tan hát, Ngô ứng Hùng từ biệt đi rồi, Vi Tiểu Bảo trở về sương phòng, chẳng thấy quần hùng Thiên Địa Hội đâu. Gã hỏi ra mới biết họ ra ngoài hết rồi. Trong lòng rất lấy làm kỳ, gã không hiểu đã xảy ra chuyện gì. Vi Tiểu Bảo ngồi chờ tới đêm khuya mới thấy quần hùng trở về. Họ lại bắt thêm một người đến. Nguyên bọn Từ Thiên Xuyên tra hỏi khẩu cung Dương Nhất Phong, được biết Ngô Tam Quế sở dĩ hành hạ Dương Dật Chi như vậy, một là vì hắn nghi ngờ y đã kết giao với Vi Tiểu Bảo, bày mưu bội phản họ Ngô, hai là hắn có mối liên quan với Vương tử Cát Nhĩ Đan xứ Mông Cổ. Mấy năm gần đây Cát Nhĩ Đan giao tình mật thiết với Ngô Tam Quế. Hai bên thường thường qua lại đưa tặng lễ vật. Mới đây Cát Nhĩ Đan lại phái sứ giả đem đồ biếu đến Côn Minh. Lão sứ giả tên gọi Hãn Thiếp Ma trò chuyện với Ngô Tam Quế mấy ngày rồi không hiểu tại sao Dương Dật Chi biết hết nội tình. Dường như gã đưa lời can gián lên Ngô Tam Quế khiến hắn nổi giận. Dương Nhất Phong quan chức nhỏ mọn, không hiểu nội vụ một cách tường tận, chỉ được nghe ở bọn vệ sĩ của Ngô Tam Quế kể lại mấy câu. Bây giờ lão bị quần hùng Thiên Địa Hội khảo đả phải phun ra hết, chẳng dám giấu diếm điều gì. Quần hùng thương nghị cùng nhau: đã không làm thì thôi mà đã làm thì phải cho đến nơi. Họ gan liền giả mạo làm bọn tùy tùng thân tín của Ngô Tam Quế cho đến cùng, chứ không chịu bỏ dở. Họ lại bắt luôn cả Hãn Thiếp Ma đem về. Khi Vi Tiểu Bảo ở chùa Thiếu Lâm đã gặp Vương tử Cát Nhĩ Đan là người kiêu ngạo ngang ngược. Hắn sai bộ thuộc phóng phi tiêu vào Vi Tiểu Bảo. Nếu gã không có bảo y hộ thân thì đã mất mạng rồi. Gã nghĩ tới chủ đã tàn ác như vậy thì sứ giả của hắn quyết chẳng phải là người tử tế. Gã lại thấy Hãn Thiếp Ma lối ngoài 50 tuổi với chòm râu màu vàng lợt. Mục quang láo liên không ngớt, hiển nhiên là một tay giảo hoạt. Vi Tiểu Bảo nói:
– Đưa hắn sang coi Dương đại ca. Mã Ngạn Siêu dạ một tiếng rồi đẩy Hãn Thiếp Ma qua phòng bên cạnh. Bỗng nghe Hãn Thiếp Ma kêu to lên một tiếng. Thanh âm đầy vẻ khủng cụ, vì ngó thấy thảm trạng của Dương Dật Chi, hắn sợ quá chẳng còn hồn vía nào nữa. Mã Ngạn Siêu lại lôi Hãn Thiếp Ma trở về sương phòng. Người hắn run bần bật, mặt không còn chút huyết sắc. Vi Tiểu Bảo hỏi:
– Vừa rồi ngươi đã nhìn thấy người đó chưa? Hãn Thiếp Ma gật đầu luôn mấy cái. Vi Tiểu Bảo nói tiếp:
– Ta đã hỏi người đó, hắn trả lời cũng thành thực, nhưng có mấy câu lừa dối. ta đã lập ra một thứ lề luật: ai nói dối một câu là bị chặt một chân, lừa dối hai câu thì bị chặt hai chân. Anh em thử đếm coi hắn đã nói dối mấy câu? Mã Ngạn Siêu đáp:
– Hắn đã nói dối bảy câu. Vi Tiểu Bảo lắc đầu nói:
– Hỡi ơi! Hắn nói dối nhiều quá, nên bị chặt hai chân hai tay, móc hai tròng mắt và cắt đầu lưỡi. Gã rút đao trủy thủ ra cúi xuống khẽ chém một nhát, chặt đứt một cái chân ghế. Gã cầm chân ghế vung lên làm đồ chơi và cười hỏi:
– Lưỡi đao này của ta chặt chân tay rất tầy tận, chứ không nham nhở chút nào. Ngươi có muốn thử không? Hãn Thiếp Ma run sợ đáp:
– Đại… đại nhân có điều gì xin cứ hỏi, tiểu nhân… tiểu nhân… không dám nói dối nửa lời. Vi Tiểu Bảo hỏi:
– Hay lắm! Bình Tây Vương bảo ta hỏi ngươi coi những lời ngươi đã nói với Vương gia là chân hay giả? Có mấy câu trá ngụy? Hãn Thiếp Ma đáp:
– Xin đại nhân minh xét cho. Tiểu nhân… tiểu nhân khi nào dám lừa gạt Vương gia? Những câu tiểu nhân… nói, hoàn toàn là sự thực, chẳng có một lời dối trá. Vi Tiểu Bảo lắc đầu nói:
– Vương gia không tin ngươi được. Lão nhân gia bảo bọn người Mông Cổ các ngươi xảo quyệt vô cùng! Những câu nói thường thường không đáng kể, vì các ngươi nói rồi lại chối cãi. Nét mặt Hãn Thiếp Ma lập tức ra chiều phẫn nộ, lại có ý kiêu ngạo đáp:
– Bọn tại hạ là con cháu Thành Cát Tư Hãn, trước nay nói sao có vậy, một là một, hai là hai… Vi Tiểu Bảo gật đầu ngắt lời:
– Đúng thế! Nói ba là ba, nói bốn là bốn. Hãn Thiếp Ma giật mình kinh hãi. Tuy hắn nói tiếng Hán rất lưu loát nhưng những thổ âm, thành ngữ chỉ biết có giới hạn mà thôi. Hắn không hiểu Vi Tiểu Bảo nói hai câu này là để nhại hắn làm trò cười, hay còn ám chỉ điều chi khác nữa? Trong lúc nhất thời hắn ngẩn người ra, không biết trả lời thế nào? Vi Tiểu Bảo sa sầm nét mặt hỏi:
– Ngươi có biết ta là ai không? Hãn Thiếp Ma đáp:
– Tại hạ không rõ. Vi Tiểu Bảo nói:
– Ngươi thử đoán coi. Hãn Thiếp Ma thấy khu An Phụ viên quy mô rộng lớn, đền đài tráng lệ. Vi Tiểu Bảo tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã mặc sắc phục võ quan vào hàng nhất phẩm, ngoài khoác áo choàng màu vàng. Đầu đội mũ có hai hạt ngọc đỏ như hai mắt con công. Đúng là một đại quan quý hiển tại triều đình. Nên biết chức phó Đô thống Kiêu Kỵ doanh tuy mới là võ quan vào hàng nhị phẩm, nhưng gã đã được phong tước Tử thì sắc phục theo hàng võ quan nhất phẩm và được Hoàng thượng ban ơn ngoài khoác áo choàng màu vàng. Đó là một điều vinh hiển đặc biệt. Hãn Thiếp Ma tâm tư rất linh mẫn, bụng bảo dạ:
– Thằng lỏi này còn nhỏ tuổi như vậy mà đã làm đến quan lớn, chắc là gã được nhờ phúc ấm của phụ thân. Trong thành Côn Minh, ngoài Bình Tây Thân Vương ra còn ai là người thanh thế nhường này? Hơn nữa bọn thuộc hạ thân tín của Bình Tây Vương đối với gã lại tỏ ra cực kỳ cung kính. Phải rồi! Nhất định gã là nhân vật này. Hắn liền kính cẩn đáp:
– Tiểu nhân có mắt không tròng. Té ra đại nhân là tiểu công tử của Bình Tây Thân Vương. Vi Tiểu Bảo nghe gã đoán vậy không khỏi ngạc nhiên, mắng thầm:
– Con mẹ nó! Nó nói gì mà kỳ vậy? Rồi gã tự nhủ:
– Thằng cha này bảo ta là Công tử của lão con rùa đại Hán gian. Nếu vậy thì lão gia há chẳng biến thành con rùa nhỏ tiểu Hán gian? Gã chợt động tâm linh, nổi lên tràng cười khanh khách rồi nói:
– Tôn sứ quả là người thông minh vô cùng! Thảo nào Cát Nhĩ Đan Vương tử phái tôn sứ đi công cán công chuyện lớn lao này. Quý Vương tử có mối giao tình khá mật thiết với tại hạ. Hắn liền kể tướng mạo và phục sức của Cát Nhĩ Đan tuyệt không có chỗ nào sai trật và nói tiếp:
– Hôm đó tại hạ và quý Vương tử bàn luận võ công. Lão nhân gia đã trổ mấy chiêu thức cực kỳ cao minh. Gã liền biểu diễn những chiêu thức mà Cát Nhĩ Đan đã sử dụng hôm gặp ở chùa Thiếu Lâm. Hãn Thiếp Ma cả mừng liền dâng lời vấn an và nói:
– Tiểu Vương gia đã là chỗ bằng hữu thâm giao với Vương tử của tiểu nhân thì đã thành người một nhà rồi. Vi Tiểu Bảo hỏi:
– Quý Vương tử vẫn bình yên chứ? Hồi này lão nhân gia còn ở chung một nơi với Xương Tề Lạt Ma ở Tây Tạng không? Hãn Thiếp Ma đáp:
– Hiện nay Xương Tề Lạt Ma vẫn là tân khách ở Vương phủ tệ xứ. Vi Tiểu Bảo gật đầu nói:
– Thế thì đúng rồi. Gã chợt nhớ ra điều gì vội hỏi:
– Còn một vị cô nương người Hán thường mặc áo màu lam tên gọi A Kỳ, nay có ở trong quý Vương phủ không? Hãn Thiếp Ma trố cặp mắt thao láo lộ vẻ vừa kinh ngạc vừa vui mừng đáp:
– Té ra… té ra tiểu Vương gia biết cả… chuyện này rồi. Quả nhiên… quả nhiên tiểu nhân có điều lầm lỗi. Xin tiểu Vương gia khoan miễn cho. Vi Tiểu Bảo buột miệng đoán càn không ngờ lại trúng hết. Gã rất lấy làm đắc ý cười ha hả nói:
– Vương tử của tôn sứ chẳng giấu diếm tại hạ điều gì. A Kỳ cô nương giao hảo với quý Vương tử, sư muội của cô là A Kha cô nương lại rất thân tình với tại hạ. Chúng ta chẳng phải là người một nhà thì còn là gì nữa? Ha ha!… Hai người nhìn nhau cả cười, không còn chuyện khách sáo chi nữa. Vi Tiểu Bảo hỏi:
– Phụ vương bảo tại hạ hỏi lại tôn sứ: những điều mà tôn sứ đã trình bày với phụ vương của tại hạ có đúng là chân tâm thành ý không, hay còn âm mưu nào khác? Hãn Thiếp Ma hỏi lại:
– Tiểu Vương gia! Tiểu Vương gia đã là chỗ thân tình với Vương tử của tiểu nhân mà sao còn có dạ hoài nghi? Vi Tiểu Bảo đáp:
– Phụ vương của tại hạ bảo: một người đã nói dối thì khi nói lại lần thứ hai thế nào cũng có điểm bất đồng với lần thứ nhất. Câu chuyện này quan hệ trọng đại vô cùng! Nếu không thận trọng thì hết thảy mọi người sẽ lâm vào tình trạng cực kỳ thảm hại. Vì thế nên tại hạ yêu cầu tôn sứ nói lại từ đầu đến cuối những điều mà tôn sứ đã nói với tệ phụ vương để thử coi có chỗ nào không giống như in như lần trước chăng? Gã dừng lại một chút rồi cất giọng ôn tồn hơn:
– Hãn Thiếp Ma lão huynh! Chẳng phải tiểu đệ không tín nhiệm quý Vương tử. Đây bất quá là vì tiểu đệ mới gặp lão huynh lần đâu, chưa hiểu rõ ruột gan nhau mà phải hỏi lại cho cặn kẽ. Mong lão huynh đừng trách. Hãn Thiếp Ma đáp:
– Đó nguyên là một sự cần thiết. Nếu để vụ này tiết lộ ra ngoài là lập tức phải họa sát thân. Bình Tây Vương hành động thận trọng như vậy là rất hợp lý. Xin tiểu Vương gia bẩm lại Vương gia: sau khi bốn nhà chúng ta kết minh với nhau rồi sẽ nhất tề ra quân, chia tư thiên hạ. Cõi giang sơn ở Trung Nguyên nhất định thuộc về một mình Vương gia. Còn đâu thì ba nhà chia nhau, quyết không có sự ghen tỵ để xẩy biến cố. Vi Tiểu Bảo nghe Hãn Thiếp Ma nói: bốn nước cùng khởi binh để phân chia thiên hạ thì không khỏi giật mình kinh hãi tự hỏi:
– Không hiểu bốn nước là những nước nào? Nếu ta hỏi lại hắn thì tỏ ra mình chẳng biết cóc gì và cơ mưu sẽ bị bại lộ. Gã cười hì hì hỏi:
– Vụ này tại hạ đã thương nghị với quý Vương tử mấy lần rồi. Có điều sau khi thành sự, thiên hạ sẽ phân chia theo cách nào thì nói qua nói lại vẫn chưa rõ rệt. Lần này quý Vương tử bảo sao? Hãn Thiếp Ma đáp:
– Theo lời Vương tử của tại hạ thì lão nhân gia quyết chẳng có ý gì tranh chiếm phần hơn. Có điều liên lạc được với nước La Sát cùng xuất binh thì… Vi Tiểu Bảo nghe nói tới nước La Sát cũng xuất quân, bất giác gã ngấm ngầm run sợ. Hãn Thiếp Ma nói tiếp:
-… tệ Vương tử phải cực kỳ vất vả mới thuyết phục được. Hỏa khí của nước La Sát ghê gớm vô cùng! Họ đã nổ súng thì quân Thanh chẳng thể nào kháng cự nổi. Được nước La Sát ưng thuận ra quân là đại sự nhất định phải thành tựu. Một khi Bình Tây Vương lên làm đại Hoàng đế Trung Quốc, tiểu Vương gia cũng trở nên Thân Vương điện hạ. Nguyên nước La Sát tức là nước Nga La Tư. Người nước này tóc vàng mắt biếc, tướng mạo khác thường. Người Trung Quốc coi họ như quỷ sứ. Trong kinh Phật dùng từ ngữ “La Sát” để trỏ những loài ác quỷ. Vì thế mà thời bấy giờ người ta gọi Nga La Tư là nước La Sát. Trong đời Thuận Trị Hoàng đế, quân kỵ binh của Kha Tát Khắc nước La Sát đã mấy phen giao phong với quân nhà Thanh, tuy họ đều bị Thanh binh đánh đuổi, nhưng quân Thanh cũng bị tổn thương trầm trọng. Vi Tiểu Bảo tuy chẳng hiểu gì đến quốc gia đại sự, nhưng gã ở hoàng cung đã từng được nghe nói binh tướng La Sát cực kỳ tàn bạo, hung hãn. Hỏa khí rất ghê gớm khó lòng chống nổi. Bây giờ đã nghe Hãn Thiếp Ma nói tới nước La Sát cũng xuất binh thì nghĩ thầm trong bụng:
– Vụ này nguy to rồi! Tên gian tặc Ngô Tam Quế quen trò bán nước. Nay hắn câu kết với nước La Sát là một mối họa lớn cho quốc gia. Ta phải liệu về cho sớm tâu việc này đến tai tiểu Hoàng đế, để ngài nghĩ biện pháp chống cự hỏa pháo của quân La Sát.