Mọi người nghe cô la hoảng đều nhìn ra biển thì không thấy tông tích con thuyền lớn đậu ở ngoài bãi đâu nữa. Ai nấy giật mình kinh hãi, vận hết mục lực nhìn tận đằng xa, chỉ thấy làn nước biếc mông mênh đến tận chân trời. Trên mặt biển mấy chục con bạch âu bay liệng tưng bừng. Tô Thuyên co giò chạy lên sườn núi đảo mắt nhìn xung quanh một lượt thì cả bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc vẫn chẳng thấy bóng con thuyền kia đâu. Phương Di chạy lên sơn động kiểm tra lại chỗ dấu lèo lái cùng dụng cụ thì quả nhiên đúng như cô dự liệu, tất cả đã không cánh mà bay hết rồi. Mọi người chúm dúm vào một chỗ, ngơ ngác nhìn nhau, trong lòng đều hoang mang lo sợ. Đêm hôm trước tám người cười nói đùa giỡn thỏa thích, canh khuya mới đi ngủ, quên cả cắt người luân lưu canh gác, nên bị bọn thuyền phu lấy cắp hết đồ đạc xuống thuyền đi mất. Từ nay mọi người bị giam hãm trên hòn đảo cô quạnh, khó có cơ hội thoát thân. Vi Tiểu Bảo nghĩ tới Thi Lang và Trịnh Khắc Sảng, nhất định chúng sẽ đem binh trở lại trả thù, trong lòng hồi hộp, tự hỏi:
– Bọn mình có tám người thì chống làm sao nổi? Dù kể cả Tô Thuyên, Công chúa, A Kha sinh ba đứa hài nhi khôn lớn rồi, cũng chỉ được mười một người mà chống lại quan binh hàng ngàn hàng vạn thì khác gì trứng chọi với đá? Tô Thuyên an ủi mọi người, nói:
– Việc đã xảy ra thế này, nóng nẩy cũng bằng vô dụng. Chúng ta thủng thẳng nghĩ kế tự giải cứu mới được. Mọi người trở về nhà. Ai nấy lớn tiếng nguyền rủa, thóa mạ bọn thuyền phu. Nhưng chửi bới hàng giờ hết cả mọi điều, không còn câu gì mới mẻ để thóa mạ nữa. Tô Thuyên nhìn Vi Tiểu Bảo hỏi:
– Công việc hiện giờ là phải đề phòng quân Thanh trở lại, Tiểu Bảo! Đệ đệ tính sao đây? Vi Tiểu Bảo đáp:
– Quân Thanh mà trở lại nhất định nhân số rất đông. Chúng ta không đánh lại nổi, chỉ còn đường lẩn tránh. Mong sao bọn chúng không tìm thấy, cho là ta đã cưỡi thuyền xa chạy cao bay. Tô Thuyên gật đầu nói:
– Đệ đệ nói rất có lý. Nhất quyết quân Thanh không đoán ra được thuyền của chúng ta bị bọn thuyền phu lấy cắp đem đi. Vi Tiểu Bảo lại nổi lòng cao hứng nói:
– Giả tỷ ta là Thi Lang thì quyết không trở lại nữa. Trở lại để làm gì? Dĩ nhiên chúng ta đã bôi mỡ vào chân chạy biệt tích rồi thì còn trở lại để bắt ai? Công chúa nói:
– Nếu hắn tâu trình Hoàng đế ca ca, Hoàng đế ca ca tất phái người ra coi. Dù chúng ta có chạy trốn rồi, họ cũng tìm kiếm hành tung, xem bọn ta chạy về Phương nào. Vi Tiểu Bảo lắc đầu đáp:
– Thi Lang không tâu trình Hoàng thượng đâu mà ngại. Công chúa trợn mắt lên hỏi:
– Tại sao vậy? Vi Tiểu Bảo đáp:
– Nếu hắn tâu trình, tất Hoàng thượng hỏi tại sao không bắt chúng ta giải về thì hắn chỉ còn đường thừa nhận đã thua trận, chẳng hóa ra hắn tự rước lấy cái khổ nhục vào mình? Tô Thuyên cười nói:- Phải lắm! Phải lắm! Bản lãnh làm quan của Vi Tiểu Bảo thật cao minh. Làm quan thường nói dối người trên, chứ không lừa gạt kẻ dưới. Đó là yếu quyết của đường sĩ hoạn. Vi Tiểu Bảo cười nói:
– Thuyên tỷ tỷ mà làm quan thì chắc là đại thăng quan, đại phát tài. Tô Thuyên mỉm cười nghĩ bụng:
– Những người ở Thần Long giáo đều hành động kiểu này thì chốn quan trường cũng vậy, chẳng khác nhau mấy tý. Vi Tiểu Bảo lại nói:
– Thị Lang mà nói ra, Hoàng thượng quở trách hắn là đồ vô dụng còn khá, nhưng ngài phái hắn dẫn binh đi tróc nã, chắc hắn tiên đoán bọn ta đã viễn tẩu cao phi, còn bắt làm sao được? Như thế chẳng là hắn tự rước lấy phiền lụy vào mình? Sao bằng ngậm miệng ăn tiền? Quần nữ nghe gã nói có lý mới bớt nỗi lo âu. Phương Di hỏi:
– Còn tên tiểu tử Trịnh Khắc Sảng thì sao? E rằng hắn không dằn nổi mối căm tức này. Cô vừa nói vừa liếc mắt nhìn A Kha. Mọi người hiểu ngay chỗ ngụ ý về cái nhìn của cô, miệng lẩm bẩm:
– Khi nào hắn chịu bỏ con người nguyệt thẹn hoa nhường như A Kha mà không đem binh trở lại cướp lấy? A Kha mặt đỏ bừng lên, cúi đầu xuống khẽ nói:
– Nếu hắn trở lại, tiểu muội… tiểu muội sẽ tự tử, quyết không đi theo hắn. Cô nói bằng một giọng rất cương quyết. Vi Tiểu Bảo cả mừng nghĩ bụng:- A Kha trước kia đối với ta rất đỗi vô tình, ta phải nghĩ ra bao nhiêu ngụy kế lừa gạt mới nắm được vào tay. Bây giờ nghe nàng nói câu này ta tưởng tìm được mười con thuyền lớn cũng không sướng bằng. Gã khoái quá, không sao nhịn được, liền ôm choàng lấy A Kha, hôn vào má cô đánh “chụt” một cái rồi nói:
– Hảo A Kha! Hắn không trở lại nữa đâu. Hắn đã mắc nợ đến ba trăm tám mươi vạn lạng bạc thì mật có lớn bằng cái đấu, cũng chẳng dám chạm mặt trái chủ. Công chúa xen vào:
– Trời ơi! Người ngu quá! Hắn đã dẫn binh tới bắt người, lại còn sợ món nợ kia ư? Hắn mà tới đây chẳng những đoạt A Kha đem đi, mà còn bắt người phải mua gia gia, má má, nhưng nhưng, ngoại bà của ngươi với giá bảy trăm sáu mươi vạn lạng bạc, tức là gấp đôi số tiền nợ cũ. Gã cũng chặt đầu ngón tay ngươi và bắt ngươi viết văn tự thiếu nợ. Vi Tiểu Bảo càng nghe càng phẫn nộ. Nếu những việc này gã có thể đối phó được thì chẳng lấy gì làm bực tức, nhưng Trịnh Khắc Sảng mà làm đúng theo lời Công chúa đem gia gia, má má, nhưng nhưng, ngoại ngoại của gã mà bán cho bắt gã phải mua, gã không biết đối phó bằng cách nào. Mặt khác má má gã chẳng kể làm gì, gia gia gã là ai gã có biết đâu? Đã không biết gia gia là ai thì dĩ nhiên chẳng thể biết nhưng nhưng là ai. Đem hai người chính gã cũng chẳng biết là ai bán cho gã thì gã sao chịu nổi? Vi Tiểu Bảo giận quá lớn tiếng quát:
– Đừng nói nữa! Tên tiểu tử Trịnh Khắc Sảng mà dẫn quân đến đây thì ta không bán một người nào khác chỉ bán một nhân vật đáng tiền nhất. Y là cành vàng lá ngọc, là ngự muội của đức đương kim Hoàng thượng với giá một ngàn vạn lạng bạc. Ngoài ra ta còn đòi hắn món nợ cũ ba trăm tám mươi vạn lạng nữa. Món này thật là lãi lớn! Công chúa tru lên khóc, bưng mặt chạy đi. Mộc Kiếm Bình vội rượt theo để an ủi nàng. Cô dỗ dành là vì Vi Tiểu Bảo quyết chẳng có lòng dạ như vậy, bất quá gã hăm dọa nàng mà thôi.Vi Tiểu Bảo nổi nóng một lúc rồi cũng đành thúc thủ vô sách chẳng biết làm gì. Mọi người đều nghe theo lời chỉ huy của Tô Thuyên, chiếm trong rừng rậm trong đảo thấy một sơn động rất lớn. Quần nữ quét dọn để bố trí làm chốn an thân. Từ đó không ai bước chân về chỗ ở cũ. Mọi người chỉ mong Thi Lang hoặc Trịnh Khắc Sảng trở lại thấy trên đảo tuyệt không có vết chân người liền cho là bọn mình đã viễn tẩu cao phi, rồi chúng bỏ đi không sục tìm nữa là phước lớn. Những ngày đầu ai nấy trong lòng đều hồi hộp, ngày đêm luân lưu canh gác và cắt người ra bãi biển nhìn xem có thấy bóng thuyền bè gì không. Nhưng sau vài tháng đừng nói không thấy thuyền bè của triều đình Mãn Thanh hay của Đài Loan, mà cả đến những thuyền chài lưới cũng tuyệt không có cái nào. Mọi người dần dần quên nỗi lo sợ, đoán là Thi Lang không dám đa sự, còn Trịnh Khắc Sảng ngồi cái mủng nhỏ ra giữa biển khơi tất bị sóng đánh chìm rồi. Tám người ở trên đảo bắt cá hoặc đuổi thú, bắn chim, hái trái cây làm đồ nhật dụng, tuy suốt ngày bận rộn, nhưng được thái bình vô sự. May ở chỗ trên đảo rất nhiều điểu thú, dưới biển chẳng thiếu cá tôm. Tám người đều có võ công, nên những việc săn thú bắt cá rất dễ dàng. Về phần lương thực không lo thiếu thốn. Mùa thu qua mùa đông tới. Khí trời một ngày một giá lạnh, Tô Thuyên, Công chúa, A Kha ba người mỗi ngày một lớn bụng. Phương Di vội lột da thú để chế áo mùa đông cho cả tám người. Cô còn chuẩn bị cho ba đứa nhỏ sắp sinh mỗi đứa một tấm áo. Lại qua nửa tháng nữa, đột nhiên trời xuống tuyết dữ. Mới một ngày một đêm mà trên đảo chỗ nào cũng trắng xóa. Tám người đã chuẩn bị cá muối, thịt khô đầy đủ. Củi đuốc cùng cỏ khô chất đống trong động thật là sung túc. Ban ngày ngồi nói chuyện phiếm. Đầu đề không ngoài ba đứa trẻ sắp ra đời.Một hôm trời tối rồi, mưa tuyết đã ngừng, nhưng gió bắc thổi rất mạnh, không ngớt lọt qua khe cửa bằng vách ván vào trong động. Song Nhi ngồi bỏ củi vào đống lửa, Vi Tiểu Bảo lấy xúc xắc cho quần nữ gieo. Năm cô gieo rồi. Mộc Kiếm Bình gieo được ba điểm là nhỏ nhất. Đêm nay cầm chắc cô phải thua. Tăng Nhu cười nói:
– Nhất định Kiếm Bình muội tử thua rồi, ta khỏi cần gieo nữa. Mộc Kiếm Bình không chịu vừa cười vừa giục:
– Gieo lẹ đi! Gieo lẹ đi! Biết đâu tỷ tỷ gieo được hai điểm thì sao? Tăng Nhu cầm xúc xắc trong tay học lối Vi Tiểu Bảo ghé miệng thổi vào một hơi toan liệng ra thì một con gió bắc thổi tới. Trong tiếng gió dường như phảng phất có lẫn tiếng người. Mọi người nghe thấy đều tái mặt. Tô Thuyên đã nằm lăn ra ngủ cũng ngồi bật dậy. Tám người ngơ ngác nhìn nhau. Chỉ trong giây lát, mặt người nào người nấy cắt không còn hột máu. Mộc Kiếm Bình khẽ gọi một tiếng rồi chui đầu vào lòng Phương Di. Sau một lúc, tiếng gió đem theo tiếng người hô hoán rất lớn. Lần này ai cũng nghe rõ. Người bên ngoài hô:
– Tiểu Quế Tử! Tiểu Quế Tử! Ngươi ở chỗ nào? Tiểu Huyền Tử nhớ ngươi quá. Vi Tiểu Bảo nhảy bổ lên cất tiếng run run:
– Tiểu… Tiểu Huyền Tử đến kiếm ta rồi. Công chúa hỏi:
– Tiểu Huyền Tử là ai? Vi Tiểu Bảo đáp:
– Là… là…Ba chữ Tiểu Huyền Tử chỉ có mình gã biết là Vua Khang Hy. Từ trước đến nay gã chưa nói chuyện vụ này với ai. Chính Vua Khanh Hy lại càng giữ kín không để một người nào biết. Nay đột nhiên có người nói đến mà thanh âm lại vang dội như vậy, trách nào chẳng khiến cho Vi Tiểu Bảo bở vía. Toàn thân gã run bần bật vì cảm thấy sự thật rất cổ quái. Bất giác gã lẩm bẩm:
– Nhất định Khang Hy tiểu Hoàng đế chết rồi. Y hiện hồn lên đảo Thông Cật này kiếm ta, vì hồn y nhớ lại thời gian ta chơi thân với y ngày trước. Gã nghĩ như vậy, bất giác hai mắt đẫm lệ, từ trong động chạy ra hô hoán:
– Tiểu Huyền Tử! Tiểu Huyền Tử kiếm ta đấy ư? Tiểu Quế Tử ở đây này. Thanh âm kia lại réo lên:
– Tiểu Quế Tử! Tiểu Quế Tử! Ngươi ở chỗ nào? Tiểu Huyền Tử mong nhớ ngươi lắm! Thanh âm quá lớn tựa hồ không phải là ở miệng một người phát ra, mà phải hàng mấy trăm người đồng thanh hô hoán. Nhưng nếu là hàng trăm người hàng ngàn người đồng thời kêu réo lại chẳng thể tề chỉnh đến như vậy. Bằng là tiếng của một người thì dù ai có nội lực cao thâm đến đâu cũng quyết không thể phát ra thanh âm như sấm sét, làm kinh thiên động địa đến thế được. Vi Tiểu Bảo đoán chắc là quỷ hồn của Vua Khang Hy. Gã trong lòng đau xót, hai hàng nước mắt tuôn như mưa. Gã tự nhủ:
– Quả nhiên Tiểu Huyền Tử đối với ta bằng điều nghĩa khí cực kỳ thâm trọng. Sau khi y chết rồi, linh hồn còn tìm đến ta. Bình nhật gã sợ nhất là ma quỷ, nhưng hiện giờ gã quyết tâm cùng Tiểu Huyền Tử hội diện một phen, liền co giò vọt về phía phát ra thanh âm. Miệng gã hô lớn:
– Tiểu Huyền Tử! Tiểu Huyền Tử! Đừng bỏ đi. Tiểu Quế Tử đây này! Trên đảo khắp chỗ đầy tuyết phủ, đường trơn như mỡ đổ, Vi Tiểu Bảo trượt chân té lộn mấy lần. Gã lồm cồm đứng dậy được lại thục mạng chạy tới.Vừa chuyển qua sườn núi, gã đã ngó thấy bên bãi cát ánh lửa thấp thoáng, đầy đặc như sao. Mấy trăm người tay cầm đèn đuốc sắp thành hàng rất tề chỉnh. Gã giật mình kinh hãi la lên:
– Trời ơi! Rồi xoay mình chạy trốn. Trong đám đông một người vọt ra hô hoán:
– Vi Đô thống! Vi Đô thống! Thế là thuộc hạ kiếm thấy Đô thống rồi. Vi Tiểu Bảo vừa khoa chân bước được hai bước liền biết rõ tình thế trước mắt không còn cách gì tẩu thoát, vì tông tích mình đã bị phát giác. Bên đối Phương mấy trăm người sục tìm thì ở trên hòn đảo Thông Cật nhỏ bé này quyết chẳng thể lẩn tránh được. Gã nghe tiếng người rất quen thuộc liền dừng bước, đánh bạo từ từ xoay mình lại. Người kia lại la lên:
– Vi đô thống! Toàn thể anh em đều tưởng nhớ Đô thống vô cùng! Tạ ơn Trời Phật! Nay lại mới tìm thấy Đô thống. Người đó cầm bó đuốc giơ cao lên, cất bước tiến gần lại. Té ra Vương Tiến Bảo. Tha hương ngộ cố nhân, Vi Tiểu Bảo mừng rỡ không bút nào tả xiết. Gã lại nghĩ tới ngày trước ở ngoại thành Bắc Kinh. Vương Tiến Bảo đã phụng chỉ đem quân đuổi bắt, nhưng hắn cố ý lờ đi, buông tha cho gã thoát thân, gạt bỏ cả bước tiền đồ cùng tính mạng. Gã cảm kích tự nhủ:
– Vương tam ca là người nghĩa khí thâm trọng. Bữa nay y có dẫn quân đội đến tróc nã, ta cũng còn có đất để thương lượng. Gã liền mỉm cười đáp:
– Vương tam ca! Mưu kế của Tam ca thật là tuyệt diệu, đánh lừa được tiểu đệ phải bò ra. Vương Tiến Bảo liệng bó đuốc xuống đất, khom lưng đáp:- Thuộc hạ chẳng bao giờ dám lừa dối Đô thống. Thực tình không biết Đô thống ở trên đảo này. Vi Tiểu Bảo mỉm cười hỏi:
– Thế thì đây là cẩm nang diệu kế của đức Hoàng thượng trao cho hay sao? Vương Tiến Bảo đáp:
– Hôm ấy Hoàng thượng biết là Đô thống chạy ra ngoài biển trốn tránh, liền phái thuộc hạ thống lĩnh ba con hải thuyền, mang theo thánh chỉ đi khắp các hòn đảo nhỏ tìm kiếm. Lên đảo nào cũng phải tuân thánh chỉ của Hoàng thượng mà hô hoán như vậy. Lúc này, Song Nhi, Phương Di cũng chạy tới nơi, đứng ở phia sau Vi Tiểu Bảo. Một lúc nữa, Tô Thuyên, Công chúa, A Kha, ba người, đều đến cả. Vi Tiểu Bảo quay lại bảo Công chúa:
– Hoàng đế ca ca của nàng thiệt là giỏi! Y dùng diệu kế kiếm thấy chúng ta rồi. Vương Tiến Bảo nhận ra Công chúa liền quỳ xuống hành lễ. Công chúa hỏi:
– Phải chăng Hoàng thượng phái ngươi đến bắt bọn ta phải về Bắc Kinh? Vương Tiến Bảo vội đáp:
– Không phải thế! Không phải thế! Hoàng thượng chỉ phái nô tài ra biển tìm kiếm Vi Đô thống. Ngài tuyệt không hay Công chúa điện hạ cũng ở đây. Công chúa cúi xuống ngó cái bụng phưỡn ra, bất giác mặt đỏ bừng lên. Vương Tiến Bảo nhìn Vi Tiểu Bảo nói:
– Hơn sáu tháng trời, thuộc hạ ra biển đã lên trên ngoài trăm hòn đảo nhỏ kêu gọi tìm kiếm. Đêm nay mới gặp Đô thống ở đây. Nỗi vui mừng kể sao cho xiết! Vi Tiểu Bảo cười nói:- Hiện giờ tiểu đệ là kẻ phạm tội lớn, không phải thượng cấp của tam ca nữa. Vậy xin Tam ca miễn xưng hô những danh từ “Đô thống” và “thuộc hạ”. Vương Tiến Bảo đáp:
– ý kiến Hoàng thượng thế nào, phải chờ tuyên đọc thánh chỉ rồi mới biết. Hắn quay lại nhìn đám đông vẫy tay hô:
– Ôn công công! Mời công công lại đây! Một người từ trong đám đông tiến lại, mặc sắc phục thái giám. Té ra là thái giám Ôn Hữu Phương đã quen thân với Vi Tiểu Bảo từ ngày ở Ngự thư phòng. Ôn Hữu Phương tiến gần lại dõng dạc tuyên bố:
– Có thánh chỉ. Nguyên Ôn Hữu Phương gặp Vi Tiểu Bảo hồi mới tiến cung, thường đánh bạc với gã, y gieo thò lò không biết gian lận đã là con “mồng béo” của gã và không hiểu nợ y bao nhiêu tiền bạc. Từ ngày Vi Tiểu Bảo thanh vân đắc lộ, mỗi lần gặp y vẫn thưởng cho một vài trăm lạng. Vi Tiểu Bảo nghe nói có thánh chỉ, vội quỳ xuống. Ôn Hữu Phương nói:
– Đây là mật chỉ, mọi người phải xa ra. Vương Tiến Bảo nghe Ôn Hữu Phương nói vậy, liền lùi ra xa. Bọn Tô Thuyên cũng tránh đi hết. Công chúa hỏi:
– Thánh chỉ của Hoàng đế ca ca, ta cũng không nghe được ư? Ôn Hữu Phương đáp:
– Hoàng thượng đã truyền dạy đây là mật chỉ ban xuống cho một mình Vi Tiểu Bảo thì bất luận là ai cũng không được nghe lén. Nếu để tiết lộ nửa lời là cả nô tài phải chém đầu. Công chúa hắng giọng lên một tiếng hỏi:- Có chuyện ghê gớm đến thế ư? Nàng biết mình con đứng đây tất thái giám không chịu đưa thánh chỉ ra đành phải rút lui. Ôn Hữu Phương lấy trong mình ra hai phong giấy vàng. Vi Tiểu Bảo quỳ xuống hô:
– Nô tài là Vi Tiểu Bảo nghênh tiếp thánh chỉ. Ôn Hữu Phương nói:
– Hoàng thượng đã truyền dạy lần này đô thống phải đứng tiếp chỉ chứ không được quỳ xuống dập đầu, mà cũng không được tự xưng nô tài. Vi Tiểu Bảo lấy làm kỳ hỏi:
– Thế là nghĩa làm sao? Ôn Hữu Phương đáp:
– Hoàng thượng dặn sao, bản sứ nói vậy. Còn vì lẽ gì thì khi Đô thống về chầu sẽ hỏi ngài. Vi Tiểu Bảo lại dõng dạc tuyên bố:
– Dạ! Bái tạ ơn điểm của Hoàng thượng. Rồi gã đứng thẳng người lên. Ôn Hữu Phương đưa một phong giấy vàng cho Vi Tiểu Bảo nói:
– Đô thống mở ra mà coi. Vi Tiểu Bảo hai tay đón lấy, mở bao thư, rút một tờ giấy vàng ra. Ôn Hữu Phương tay trái cầm đèn lồng soi gần vào. Vi Tiểu Bảo nhìn thấy trên tờ giấy vẽ sáu bức họa đồ. Bức thứ nhất vẽ hai thằng nhỏ vật nhau lăn dưới đất. Đúng là tình hình gã cùng nhà Vua ngày trước chơi trò đô vật. Bức thức hai vẽ một lũ trẻ nít xúm xít lại bắt Ngao Bái. Ngao Bái nhẩy xổ về phía Vua Khang Hy, Vi Tiểu Bảo cầm đao đâm vào sau lưng Ngao Bái.Bức thứ ba vẽ một tên tiểu hòa thượng cõng một nhà sư già chạy trốn. Phía sau sáu, bảy tên Lạt Ma cầm đao rượt theo. Đó là tình trạng Vi Tiểu Bảo cứu lão Hoàng gia ở chùa Thanh Lương. Bức thứ tư vẽ một ni cô áo trắng từ trên không nhảy xuống phóng kiếm đâm Vua Khang Hy. Vi Tiểu Bảo đứng ngăn chặn trước mình ngài để chịu đựng nhát kiếm. Bức thứ năm vẽ Vi Tiểu Bảo đạp Giả Thái hậu xuống đất ở tẩm điện cung Từ Ninh, lại nâng đỡ Chân Thái hậu ở trên giường. Bức thứ sáu vẽ Vi Tiểu Bảo cùng một tướng La Sát, một Vương tử xứ Mông Cổ và một lão Lạt Ma. Bốn người cùng nắm lấy bím tóc của một vị lão tướng quân. Coi sắc phục của lão tướng quân này đúng là Bình Tây thân vương. Dĩ nhiên bức đồ này nói về vụ Vi Tiểu Bảo dùng kế tán ba lộ quân đồng minh với Ngô Tam Quế. Nét đan thanh của nhà Vua trên sáu bức họa rất linh động. Có điều Ngô Tam Quế, Cát Nhĩ Đan Vương tử, Tang Kết Lạt Ma là những nhân vật ngài chưa từng gặp mặt, nên tướng mạo không giống. Còn những nhân vật khác rất đầy đủ tinh thần, nhất là Vi Tiểu Bảo với vẻ mặt bướng bỉnh tinh ranh mà lại rất dễ thương. Trên sáu bức họa không có một chữ, nhưng dĩ nhiên Vi Tiểu Bảo cũng hiểu đây là sáu công lớn của gã đối với nhà Vua. Kể ra vụ chơi đùa, luyện võ của gã với Vua Khang Hy không đáng kể là công lao, nhưng nhà Vua vẫn ấp ủ những kỷ niệm vui thú này không bao giờ quên được. Còn những vụ nổ súng lên đảo Thần Long, đuổi bắt Ngô ứng Hùng, tương đối nhỏ mọn không đáng kể đến. Vi Tiểu Bảo đứng nhìn sáu bức vẽ ngơ ngẩn xuất thần. Gã cảm xúc quá bất giác tuôn đôi hàng lệ, miệng lẩm bẩm:
– Tiểu Huyền Tử tốn bao nhiêu công phu vẽ ra sáu bức họa này để ghi nhớ công lao của ta. Thế thì trong lòng y chắc không giận ta nữa. Ôn Hữu Phương chờ một lúc lậu mới hỏi:
– Đô thống đã coi rõ chưa?Vi Tiểu Bảo đáp:
– Hiểu rồi! Ôn Hữu Phương mở phong thơ thứ hai, ra nói:
– Bản sứ xin tuyên đọc mật chỉ của Hoàng thượng. Hắn rút tờ giấy ra đọc:
– “Tiểu Quế Tử! Con mẹ nó! Ngươi đi đằng nào mất rồi? Ta nhớ ngươi quá xá! Ngươi là một kẻ thối tha vô tình vô nghĩa, quên cả lão gia rồi chăng?”. Vi Tiểu Bảo lẩm bẩm:
– Ta không quên đâu! Ta không quên đâu. ở Trung Quốc, từ đời Tam Hoàng, Ngũ đế trở xuống, Thánh chỉ của nhà Vua mà dùng đến ba chữ “Con mẹ nó”, Hoàng đế lại tự xưng là “lão gia” chỉ có trong đạo mật chỉ này của Vua Khang Hy mà thôi. Đúng là một vụ không tiền khoáng hậu. Ôn Hữu Phương dừng lại một chút rồi đọc tiếp:
– “Ngươi chẳng nghe lời ta, không chịu giết sư phụ, lại đưa Kiến Ninh Công chúa chạy trốn. Con mẹ nó! Ngươi làm thế để kêu ta bằng đại cữu tử cho tiện hay sao? Có điều công lao của ngươi lớn quá, lại đối với ta một lòng trung ái, nên dù người phạm tội gì đi chăng nữa ta cũng dung tha. Ta nói cho ngươi hay ta sắp làm lễ thành hôn. Ngươi không về uống rượu mừng thì lão gia mất cả khoan khoái. Ta lại cho ngươi biết: Khôn hồn thì đầu hàng đi, lập tức trở về Bắc Kinh. Ta đã sai dựng cho ngươi một tòa Bá Tước phủ khác rồi. Tòa này so với tòa cũ còn tráng lệ hơn nhiều…”.