Lương Ngọc Kiều hát xong, một ca kỷ khác tiến vào. Người này lối ba mươi bốn, ba mươi lăm tuổi, cử chỉ thuần nhã, giọng ca thánh thót. Gặp những câu khúc chiết vi diệu, tiếng hát càng thanh thoát lên bổng xuống trầm, biến hóa vô cùng. Thị hát khúc “Vọng hải triều” của Tần Quan: Đầy trời ngưu đầu, một cõi mênh mông sông giáp biển, Dương Châu ao giếng chẳng còn đâu. Hoa nở đầy đường oanh hót líu lo vui dạ khách, mười dặm rèm châu gió thoảng qua. Bài từ ca này ả ca kỹ hát rất hay, nhưng Vi Tiểu Bảo lại cực kỳ chán ngán. Gã không nhịn được, mở miệng ngáp dài. Khúc Vọng hải triều mới hảt chưa được phân nửa. Ngô Chí Vinh rất tinh ý biết là Vi Tiểu Bảo không muốn nghe nữa, vội vẫy cho ả ca kỹ dừng lại. Thị thi lễ rồi rút lui. Ngô Chí Vinh tươi cười hỏi:
– Vi đại nhân! Hai ả ca kỹ này đều là danh ca nổi tiếng ở thành Dương Châu. Chúng lại hát toàn khúc mô tả cảnh phồn hoa ở đất Dương Châu. Không hiểu đại nhân nghe thế nào? Nguyên hắn thấy nói Khân sai đại nhân muốn thiết lập hành viên ở chùa Thiền Trí liền tưởng gã là kẻ sĩ phong nhã, nên đã lựa những khúc hát nổi tiếng về thi từ. Ngờ đâu Vi Tiểu Bảo nghe những khúc hát này chẳng khác đàn gảy tai trâu. Chỗ sở thích của gã phải là một thiếu nữ xinh đẹp, hai là hát những tiểu khúc phong lưu nhàn nhã, ba là tiếng hát phải lẳng lơ phóng đãng. Ngày trước Trần Viên Viên đã có tấm dung nhan đổ nước nghiêng thành, mụ lại vừa hát vừa giải thích, gã mới nghe được hết bài •Viên Viên khúc•. Bây giờ gã thấy hai ả ca kỹ này nhan sắc tầm thường, vẻ mặt lại ngớ ngẩn. Khúc hát gã chẳng hiểu gì, nên chán quá mà phải ngáp dài. Như vậy cũng đã là lịch sự lắm rồi. Gã nghe Ngô Chí Vinh hỏi vậy liền đáp:
– Cũng được! Cũng được! Nhưng già mất một chút. Những món đồ cũ kỹ không hợp với mùi vị tiểu đệ. Ngô Chí Vinh nói:
– Dạ dạ! Đỗ Mục Chi là người nhà Đường còn Tần Thiếu Du là người nhà Tống. Quả nhiên là những nhân vật quá xưa rồi. Hắn dừng lại một chút rồi nói tiếp:
– Hiện tại có một bài thơ mới, do thi nhân tân tiến làm ra. Thi nhân này tên gọi Tra Thận Hành, nổi tiếng chưa bao lâu. Y làm thơ tả mùi phong vận của cô gái nhà nông ở Dương Châu. Lời thơ đã mới, tứ thơ còn mới hơn. Y dứt lời liền dơ tay ra hiệu cho kẻ chầu hầu truyền lệnh ra ngoài. Chỉ trong nháy mắt, lại một ả danh kỹ tiến vào. Vi Tiểu Bảo nói những món hàng cũ kỹ là trỏ vào ả ca kỹ, Ngô Chí Vinh không hiểu lại tưởng gã chê khúc hát xưa quá rồi. Vi Tiểu Bảo chẳng hiểu Đỗ Mục Chi, Tần Thiếu Du là ai, gã theo Ngô Chí Vinh nói đến những cô gái nhà nông xinh đẹp ở thành Dương Châu, lại khoe những gì mới mẻ thì nghĩ bụng:
– Đã có những cô thôn nữ phong lưu lại mới mẻ ở đất Dương Châu thì ta thử coi xem thế nào cũng chẳng hề gì. ả ca kỷ tiến vào hoa bằng. Vi Tiểu Bảo không ngó đến còn khá, gã vừa trông thấy ả, bất giác lửa giận trong lòng nổi lên, những muốn phát tác ngay.Nguyên ả ca kỹ này tuy chưa tới năm chục tuổi nhưng cũng ngoài bốn mươi, món tóc mai đã đốm bạc, trên trán nhiều vết nhăn. Gã thích cặp mắt lớn, thì mắt ả này nhỏ tý hý. Cái miệng cần nhỏ lại thi lại rộng hoác ả ca kỹ ôm lấy cây tỳ bà. Vi Tiểu Bảo ngó thấy càng tức giận hơn, gã lẩm bẩm:
– Con mụ này cũng học đòi làm Trầm Viên Viên ư? Bỗng nghe tiếng đàn nổi lên khác nào ngọc đổ châu reo. Tiếng hát trong trẻo du dương thật lọt tai: Sông Hoài một giải xanh xanh Ngoài thành ẩn hiện mái gianh mấy nhà Người không the lụa lượt là Quần xanh tha thướt mặn mà kém ai? Tiếng hát đã thanh nhã lại phổ vào tiếng tỳ bà có lúc như nước chảy róc rách, có khi như tiếng nhạc xôn xao. Nhất là câu “Quần xanh tha thướt mặn mà kém ai?”, tiếng tỳ bà thoang thoảng như có như không. Các quan đều cảm thấy tinh thần thư thái. Người thì nhắm mắt ngưng thần, người thì gật gù đầu. Tiếng tỳ bà vừa dứt, các quan không nhịn được cất tiếng hoan hô. Quan tuần phủ nói:
– Lời văn đã hay, khúc hát cũng hay, tiếng tỳ bà càng hay hơn nữa. Thật là con người áo vải quần sồi cũng không dấu được vẻ thiên hương quốc sắc, đúng là công phu vào bậc nhất. Vi Tiểu Bảo đằng hắng một tiếng rồi hỏi:
– Ngươi có biết hát khúc “Thập bát mô” không? Thử hát một khúc nghe chơi. Các quan nghe Vi Tiểu Bảo nói vậy đều cả kinh thất sắc.ả ca kỹ lại càng tái mặt. Đột nhiên hay hàng lệ châu tầm tã tuôn rơi. Thị trở gót quay ra ngoài. Bỗng nghe đánh chát một tiếng. Cây đàn tỳ bà rớt xuống đất, ả ca kỹ cũng không lượm lên nữa tiếp tục chạy đi. Vi Tiểu Bảo nổi lên tràng cười ha hả nói:
– Ngươi không biết hát ta cũng không phạt ngươi, hà tất phải sợ hãi như vậy? Thập Bát Mô là những khúc hát vặt cực kỳ dâm đãng. Khúc hát này nói về sờ soạng vào mười tám chỗ trên người đàn bà. Mỗi lần sờ chỗ nào đều có những câu để hình dung chỗ đó. Các quan tuy đều đã nghe qua, nhưng ở nơi thịnh yến thanh nhã này chẳng thể công nhiên nhắc tới được, vì khúc hát này làm điếm nhục quan trâm. ả ca kỹ ôm đàn tỳ bà kia nổi danh Dương Châu đã lâu ngày. Chẳng những thị ngâm thơ rất hay mà còn tự mình làm ra thơ được. Trước nay thị chỉ hát mướn lấy tiền chứ không bán mình. Tiếng tăm thị đồn đại xa gần. Những khách công hầu cùng phú thương ở Dương Châu muốn gặp riêng thị cũng không được. Vi Tiểu Bảo hỏi câu đó là một điều sỉ nhục cho thị. Viên bố chánh khẽ nói:
– Vi đại nhân muốn nghe những khúc hát vặt thì rồi chúng ta sẽ có cơ hội tìm người hát nghe chơi. Vi Tiểu Bảo đáp:
– Cả những khúc hát Thập bát mô mà mụ điếm già này cũng không biết hát thì thật là kém quá! Mai mốt tiểu đệ mời đại nhân đến Lệ Xuân Viện ở phường Minh Ngọc chơi. Những con nhỏ bên đó hát nhiều khúc hay lắm. Gã nói câu này ra cửa miệng liền biết ngay có điều không ổn, miệng lẩm bẩm:
– Ta không thể mời y đến Lệ Xuân Viện được. ở Dương Châu rất nhiềy kỹ viện: chín viện lớn, chín viện nhỏ. Bất cứ viện nào tới chơi cũng được. Gã vừa cầm chung lên đã cười nói:- Uống rượu đã! Uống rượu đã! Các quan văn nghe Vi Tiểu Bảo nói những điều thô tục ra chiều bẽn lẽn, liền nâng chung rượu lên uống. Họ lờ đi như không nghe tiếng. Các võ tướng trái lại vẻ mặt rất hân hoan. Chúng cảm thấy có chỗ đồng đạo với Khâm sai đại nhân. Giữa lúc ấy, bỗng thấy một tên sai dịch cuối đầu đi ra khỏi hoa bằng. Vi Tiểu Bảo nhìn sau lưng gã rất quen thuộc mà không hiểu là ai? Sau tên sai dịch kia không trở vào hoa bằng nữa rồi gã cũng quên đi. Các quan lại ngồi uống thêm mấy chung rượu. Vi Tiểu Bảo phải ngồi tiếp bọn quan văn rất vô vị lạt lẽo. Gã không được coi tuồng hát bội hay đánh bạc thì chẳng còn gì thú nữa. Trong đầu óc gã chỉ tưởng tượng những khúc Thập bát mô. Gã lẩm bẩm:
– Một ta sờ, hai ta sờ, sờ đến đầu tóc của thư thư… Sau gã không nhẫn nại được nữa, liền đứng dậy nói:
– Tiểu đệ say rượu rồi. Vậy xin cáo từ. Gã chắp tay nhìn quan tuần phủ, quan bố chánh, quan án sát là những vị quan lớn, thi lễ rồi cất bước ra. Các quan đều ra khỏi hoa bằng tiễn chân gã lên kiệu. Vi Tiểu Bảo trở về hành viên dặn bọn thân binh là mình cần nghỉ ngơi, bất luận ai đến nhất thiết đều ngăn lại đừng cho vào. Vi Tiểu Bảo vào phòng thay đồ, mặc quần áo rách rưới. Bộ quần áo này Song Nhi đã ra chợ từ mấy bữa trước mua về xé toạc mấy chỗ lại di xuống đất và bôi dầu mở vào cho lem luốc, hôi hám. Cả mũ giày cho chí sợi dây dóc tóc cũng đều đùng đồ cũ kỹ, rách nát. Gã lại vốc than trong lò bóp vào bát nước để bôi lên mặt cho nhọ nhem. Gã soi gương quả thấy mình giống một thằng nhỏ ở Lệ Xuân Viện. Song Nhi chầu chực cho gã thay quần áo bất giác bật cười hỏi:- Thưa tướng công! Trong vở tuồng “Khâm sai đại nhân Bao Long Đồ cải dạng điều tra” họ cũng ăn mặc thế này hay sao? Vi Tiểu Bảo đáp:
– Đại khái là như vậy. Có điều Bao Long Đồ nước da đen nhẻm không cần phải trát tro than lên mặt nữa. Song Nhi hỏi:
– Nô tỳ theo tướng công nên chăng? Tướng công đi một mình e xảy chuyện gì bất trắc, không có người bảo vệ. Vi Tiểu Bảo cười đáp:
– Ta đến chỗ này những cô bé xinh đẹp không thể tới được. Gã nói rồi hát ngao:
– Một ta sờ, hai ta sờ, sờ đến khuôn mặt trái xoan của Song Nhi. Gã vừa hát vừa đưa tay ra sờ mặt thị. Song Nhi thẹn đỏ mặt lên cười hì hì, lạng người né tránh. Vi Tiểu Bảo nhét vào bọc một tập ngân phiếu, lại lấy một nắm bạc vụn đem theo. Gã bắt Song Nhi lại khẽ hôn vào má thị một cái rồi chuồn ra cửa sau. Tên thân binh gác cửa quát hỏi:
– Làm gì thế này? Vi Tiểu Bảo đáp:
– Ta là con của bà họ Hà và là muội phu của biểu ca. Ta làm gì mặc ta, ngươi hỏi làm chi? Tên thân binh chưng hửng. Hắn còn đang nhẩm tính họ hàng thân thích của đối phương thì Vi Tiểu Bảo đã ra khỏi cửa rồi. Vi Tiểu Bảo thuộc hết đường lớn hẻm nhỏ trong thành Dương Châu, tưởng chửng nhắm mắt cũng không lạc lối. Chẳng bao lâu gã đã tới phường Minh Ngọc ở bờ Tây Hồ. Tai gã nghe văng vẳng tiếng đàn tiếng sáo từ phía trong vọng ra. Tiếng đàn xen lẫn tiếng hátxướng, cười đùa, quát tháo, hợp lại thành khúc nhạc rất lọt tai Vi Tiểu Bảo. Gã tưởng khúc nhạc này còn hay hơn cả khúc Quân Thiều trên thế giới. Bất giác gã khoan khoái vô cùng. Vi Tiểu Bảo đi tới ngoài viện Lệ Xuân thì thấy môn đình vẫn nguyên như trước. Ngày nay so với lúc ra đi năm xưa chẳng có chi khác lạ. Gã chạy lén đến bên viện, mở cánh cửa ngách chuồn vào trong. Vi Tiểu Bảo nghĩ tới chuyến này mình đi cốt gặp riêng một mình mẫu thân để đưa cho bà tập ngân phiếu, rồi sẽ sai thân binh đưa về Bắc Kinh. Gã cũng tính chuyện thưởng cho từ mụ giầu đến các kỹ nữ cùng kẻ hầu người hạ mỗi tên một hai trăm lạng bạc. Sau khi xử sự một cách rộng rãi sẽ qua bên viện Quỳnh Hoa ở giáp vách để nghe hát và đánh bạc. Gã nhón gót đi tới ngoài phòng của mẫu thân, liếc mắt vào chẳng thấy một ai biết là mẫu thân đang bận tiếp khách. Bất giác gã lẩm bẩm:
– Con mẹ nó! Không biết thằng ôn nào đang nhân tình với má má để làm bố hờ ta. Gã tiến vào trong phòng thấy chăn đệm trên giường còn y nguyên là những đồ vật ngày trước. Có điều đã cũ hơn và rách hơn nhiều. Gã nghĩ bụng:
– Xem chừng cách làm ăn của má má không còn hưng thịnh nữa, vậy những bố hờ ta cũng không có nhiều. Gã ngảnh đầu sang bên vẫn thấy cái giường nhỏ của gã ngày trước còn để nguyên đó. Trước giường đặt một đôi giày cũ. Chăn đệm trên giường giặt dũ rất sạch sẽ. Vi Tiểu Bảo tiến lại ngồi xuống giường, thấy tấm áo dài bằng vải xanh của gã gấp vuông vắn để trong góc giường. Trong lòng có điều hối hận, gã tự nhủ:
– Má má vẫn chờ ta trở về. Tổ bà nó! Lão gia ở Bắc Kinh sống một cuộc đời sung sướng mà không biết sai người về đưa tiền cho má má, thì ra lão gia chẳng nhớ gì đến mẹ.Gã nằm ghé xuống trên giường để chờ mẫu thân trở về. Theo qui củ trong kỹ viện thì những khách làng chơi ngủ lại đã có những phòng rộng rãi, cách thiết trần hoa lệ, chăn gấm đệm thuê. Các kỹ nữ có phòng nhỏ cho riêng mình, nhưng những phòng này rất hủ lậu. Những gã kỹ nữ nhỏ tuổi xinh đẹp thì phòng riêng còn khá hơn. Mẫu thân Vi Tiểu Bảo vừa lớn tuổi, rất ít khách hàng, dĩ nhiên chủ chứa đối đãi với bà rẻ rúng hơn nhiều. Gian phòng của mẫu thân Vi Tiểu Bảo sơ sài quá, ván vách rất mỏng. Gã nằm một lúc bỗng nghé sang phòng bên có người lớn tiếng quát mắng. Đúng là tiếng chủ chứa:
– Lão nương mất bao nhiêu tiền bạc mua mi đem về, mà mi nay chối mai chối, không chịu tiếp khách. Hừ hừ!…Thế thì ta mua mi về làm tượng Quan Thế Âm Bồ Tát để thờ phụng mi chăng? Tụi bay đánh nó róc xác ra thử xem nó có còn từ chối được không? Tiếp theo là tiếng roi quật xuống da thịt đen đét, tiếng rên la, tiếng khóc kêu gào, tiếng thoá mạ loạn xạ ngầu. Những thanh âm này Vi Tiểu Bảo đã từng nghe quen từ thuở nhỏ biết ngay là mụ mới mua được cô gái nhỏ tuổi về, bắt cô tiếp khách nhưng cô không chịu nên bị đánh đòn. Đó là chuyện rất tầm thường chằng có chi là lạ với gã. Cô nào mà không chịu tiếp khách còn phải chịu nhiều đau đớn, nào kim đâm vào móng tay, nào sắt nung áp vào da thịt đều được sử dụng. Trong kỹ viện chẳng thể nào tránh khỏi thứ thanh âm rùng rợn này. Có điều Vi Tiểu Bảo ra đi lâu ngày, bây giờ lại nghe thấy, gã có cảm giác như đang ôn lại những giấc mộng cũ, chứ không nghĩ tới tiểu cô nương kia thật đáng tội nghiệp. Tiểu cô nương rất đổi quật cường. Cô la lớn:
– Ngươi đánh chết ta đi càng hay. Chẳng thà ta chết chứ không chịu tiếp khách. Ta đập đầu tự tử cho ngươi coi. Mụ chủ tiếp tục quát bọn tôi đòi đánh đập mà vị tiểu cô nương thủy chung vẫn không chịu khuất phục.Chúng đánh thêm hai, ba chục roi nữa rồi một tên gia nô nói:
– Bữa nay hãy tạm dừng tay không đánh nữa, để đến mai sẽ liệu. Mụ chủ hằn học nói:
– Khiêng con tiện nhân này ra ngoài kia! Bọn nô tỳ dìu cô bé ra ngoài. Sau một lát chúng trở vào phòng, mụ chủ dặn:
– Con tiện nhân đó dùng cương không được thi phải dùng nhu. Các ngươi cho thị uống Mê xuân tửu. Một tên nô tỳ hỏi:
– Y không chịu uống thì sao? Mụ gắt lên:
– Ngu quá! Ngươi hòa vào canh là được! Tên nô tỳ đáp:
– Dạ dạ! Thất Thư! Kế ấy hay quá! Vi Tiểu Bảo dán mắt vào kẽ vách ngó sang, thấy mụ chủ mở tủ lấy bình rượu rót một chung đưa cho ả nô tỳ và bảo thị:
– Gọi Xuân Phương ra bồi rượu cho hai vị công tử đó. Họ có nhiều tiền lắm đấy. Họ nói là đến viện ta ở trọ để tìm chờ bạn. Những con mòng béo này mà không ưng Xuân Phương thì lát nữa ta sẽ bảo chúng hãy thủng thẳng chờ ta đánh bẫy con tiểu tiện nhân này. Gặp vận may thì lấy của chúng ba bốn trăm lạng bạc chẳng có chi là khó. Nô tỳ cười đáp:
– Cung hỷ Thất Thư được dịp phát tài, tiểu tỳ cũng nhờ phước của Thất Thư để có chút trả nợ đánh bạc. Mụ chủ mắng thị:- Làm ăn cực nhọc mới kiếm được vài lạng bạc, mà đem cúng vào chỗ ba mươi hai quân bài hết. Vụ này ngươi làm không trôi thì coi chừng ta sẽ xẻo tai ngươi đi đó. Vi Tiểu Bảo biết Mê xuân tửu là một thứ rượu thuốc, hễ ai uống vào là mê chẳng còn biết gì nữa. ở các kỹ viện thường dùng thứ rượu này để làm cho các cô gái không chịu tiếp khách mê đi Ban đầu đac nghe Mê xuân tửu lấy làm kỳ lạ, bây giờ gã hiểu là thứ thuốc mê bỏ vào rượu thì lại thành chuyện tầm thường quá. Gã tự nhủ:
– Bữa nay bố hờ ta là hai tên công tử nhỏ tuổi ư? Hình thù chúng thế nào, ta muốn coi cho biết. Vi Tiểu Bảo rón rén lần mò tới ngoài phòng Cam lộ sảnh. Gã đứng tren cái đôn đá dòm vào. Cam lộ sảnh là căn phòng chuyên để tiếp đãi các khách thương hào phú. Ngày trước gã ở Lệ Xuân Viện mỗi khi có khách đến thưởng thức là gã lại ra đứng trên đôn đá dòm trộm. Chỗ này khen cửa rộng đặc biệt, ở ngoài dòm vào rõ mồn một. Trong nhà, khách ngồi chênh chếch một bên không ngó thấy bóng người ở ngoài. Vi Tiểu Bảo ngày trước đã dòm trộm không biết đến mấy trăm lần mà chưa từng ai bắt gặp. Trong sảnh đường ngọn nến hồng cao thấp sáng trưng Vi Tiểu Bảo nhìn thấy mẫu thân mặt trát một lớp phấn dày, mình mặc tấm áo đoạn màu hồng đẹp nhất. Đầu cài một bông hồng. Mụ đang tươi cười rót rượu mời khách. Vi Tiểu Bảo nhìn kỹ mẫu thân, bất giác than thầm:
– Má má ta dạo này già đi nhiều, làm nghề này chẳng được bao lâu nữa. Chắc chỉ có hai tên ôn vật kia đui mắt mới kêu người ra bồi tiếp. Má má ta ca những câu hát vặt nghe cũng chẳng bùi tai chút nào. Giả tỷ ta là khách làng chơi và người không phải là má má ta thì có các ba ngàn lạng bạc ta cũng chẳng chịu cho người bồi tiếp. Bỗng nghe mẫu thân cười nói:- Mời hai vị công tử uống chung rượu này. Tiện thiếp xin hát khúc “Tương tư ngũ canh điệu” để hai vị hãm rượu. Vi Tiểu Bảo ngấm ngầm thở dài, lẩm bẩm:
– Đến những câu hát vặt má má cũng không biết mấy. Nếu người chẳng hát khúc “Tương tư ngũ canh điệu” thì lại cho ra khúc “Nhất căn tử chi trực miêu miêu”. Cùng lắm đến câu “Nhất bà phiến tử thập thốn chưởng, nhất nhân phiến phong nhị nhân lương”. Người làm gái điếm mà cũng chẳng dụng công học nhiều câu hát vặt. Đoạn gã nghĩ tới mình suýt bật cười. Gã tự nhủ:
– Té ra ta không chịu dụng tâm học võ công là tự tính lười biếng của má má truyền lại. Bỗng nghe thanh âm trong trẻo cất lên:
– Không cần đâu! Ba tiếng này vừa lọt vào tai Vi Tiểu Bảo đã khiến gã chấn động tâm can, suýt nữa gã không đứng vững được ở trên thạch đôn. Vi Tiểu Bảo từ từ liếc mắt nhìn vào thấy bàn tay ngọc nhỏ bé đưa ra ngáng chung rượu. Gã ngó theo tay áo lên trên bộ mặt xinh đẹp. Người này ngồi nghiêng, gã chỉ nhìn thấy nửa mặt đã nhận ra là A Kha. Trống ngực đánh thình thình, Vi Tiểu Bảo vừa ngạc nhiên vừa mừng thầm, cơ hồ không kiềm chế được. Gã tự hỏi:
– Sao A Kha lại tới Dương Châu? Nàng vào Lệ Xuân Viện kêu má má ta bồi rượu là có dụng ý gì? Nàng cải nam trang tới đây sao chẳng kêu ai, lại kêu má má mình? Nhất định nàng nghĩ tới ta rồi. Té ra nàng còn có lương tâm, nhớ tới người chồng đã thành hôn. Ha ha! Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu! Bữa nay vợ chồng mình đoàn tụ, khi động phòng hoa chúc ta sẽ ôm nàng gọn trong lòng! Vi Tiểu Bảo còn đang khoan khoái với ý nghĩ mê ly thì đột nhiên nghe tiếng đàn ông cất lên:
– Ngô hiền đệ khoan rồi hãy uống cũng được, chúng ta chờ mấy vị bạn hữu người Mông Cổ tới đã.Vi Tiểu Bảo nghe câu này không khỏi ù tai, biết là cơ sự nguy rồi. Gã tưởng chừng trời đất xoay chuyển, không nhìn thấy gì nữa. Gã phải nhắm mắt một lúc mới trấn tỉnh tâm thần lại được. Gã mở mắt ra coi: chàng thiếu niên ngồi bên A Kha chẳng phải nhị công tử Trịnh Khắc Sảng ở Đài Loan thì còn là ai nữa? Vi Xuân Phương cười hỏi:
– Tiểu tướng công không uống rượu thì đại tướng công uống thêm một chung nữa. Mụ nói rồi rót rượu vào chung cho Trịnh Khắc Sảng. Mụ lại đặt đít ngồi vào lòng hắn. A Kha la lên:
– Ô hay! Ngươi hãy đứng đắn một chút! Vi Xuân Phương cười hỏi:
– ái chà! Tiểu tướng công gương mặt còn non choẹt, chắc chưa quen nhìn thấy cảnh này. Từ nay trở đi hàng ngày tiểu tướng công đến đây chơi, tiện thiếp chỉ lo mai mốt tiểu tướng công còn chê người ta là không đủ vẻ phong tình. Tiểu tướng công ơi! Tiện thiếp kêu một vị tiểu cô nương ra bồi tiếp tiểu tướng công, nên chăng? A Kha gạt đi:
– Không không! Ta không thích. Cô ngồi sang một bên. Vi Xuân Phương cười nói:
– Chao ôi! Tiểu tướng công ăn phải dấm chua rồi. Phải chăng tiểu tướng công bực mình vì tiện thiếp không bồi tiếp tiểu tướng công? Mụ vừa nói vừa đứng lên, toan ghé đít ngồi vào lòng A Kha. Vi Tiểu Bảo thấy thế vừa tức giận vừa buồn cười, nghĩ bụng:
– Trong thiên hạ sao lắm chuyện kì? Cô vợ mình lại đến ở má má mình.Bỗng thấy A Kha đưa tay đẩy mạnh một cái. Vi Xuân Phương đứng không vững, ngã ngồi xuống đất. Vi Tiểu Bảo tức giận lẩm bẩm:
– Con điếm non kia! Mi đẩy té mẹ chồng. Thật là vô pháp vô thiên. Vi Xuân Phương vẫn không nổi nóng, cười hì hì đứng lên hỏi:
– Tiểu tướng công không chịu, vậy sang ngồi vào lòng tiện thiếp được không? A Kha sẵng giọng đáp:
– Không được! Cô quay sang nhìn Trịnh Khắc Sảng nói:
– Tiểu đệ muốn đi đây. Sao không tìm chỗ nào hội diện, mà cứ nhất định chỗ này? Trịnh Khắc Sảng đáp:
– Anh em đã hẹn nhau tới đây, chưa gặp mặt thì không đi được. Tiểu huynh không ngờ trong này lắm chuyện thối tha. Gã quay sang Vi Xuân Phương:
– Này này! Cô hãy nghiêm chỉnh một chút.