Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lộc Đỉnh Ký

Chương 228 – Cuộc đông tiến của quân La Sát

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Còn một việc lớn, tướng quân đã chuẩn bị chưa? Thi Lang hỏi lại:

– Ty chức không hiểu còn đại sự gì? Vi Tiểu Bảo cười đáp:

– Chuyến này tướng quân bình trị Đài Loan, công lao không phải là nhỏ. Tướng quân phải đưa ít nhiều lễ vật cho mỗi vị đại thần ở trong triều. Thi Lang ngơ ngác hỏi:

– Đây là nhờ uy lực của thiên tử, công lao của tướng sĩ mà bình được Đài Loan. Các đại thần trong triều có giúp sức gì đâu? Vi Tiểu Bảo lắc đầu đáp:

– Lão Thi ơi! Lão Thi đắc ý lại đâm ra chứng nào tật ấy. Lão Thi bình trị Đài Loan người ta đều tưởng lão là cây tiền núi bạc. Lão Thi phát tài một mình nuốt hết. Các quan trong triều chẳng ai là không đỏ mắt. Thi Lang vội nói:

– Đại nhân minh xét cho. Thi Lang này mà lấy một lạng bạc nào của Đài Loan thì chuyến này lên Bắc Kinh cam chịu đức Hoàng thượng xử tội lăng trì, ngàn đao phanh thây. Vi Tiểu Bảo nói:

– Bản tước biết rồi. tướng quân tự mình muốn làm một vị quan thanh liêm thì được, nhưng không thể bắt mọi người theo mình làm thanh quan. Tướng quân càng thanh liêm, người ta càng dễ gièm pha tướng quân. Họ bảo tướng quân ở Đài Loan mua chuộc lòng người, mưu đồ bất chính. Chuyến này tướng Đài Loan lên Bắc Kinh với hai bàn tay trắng, chẳng đem theo lễ vật mà toàn được ư? Thi Lang đáp:

– Thổ sản ở Đài Loan có những thứ gỗ khắc, giỏ tre, chiếu cỏ, níp da, đành đem đi mỗi thứ một ít. Vi Tiểu Bảo nổi lên tràng cười hô hố. Gã cười lăn cười lộn khiến cho Thi Lang thẹn đỏ mặt lên. Nhưng rồi hắn tỉnh ngộ ngay, nhìn Vi Tiểu Bảo xá dài nói:

– Đa tạ đại nhân có lòng chỉ điểm. Chuyến này ty chức xuýt nữa lại gây nên vạ lớn. Vi Tiểu Bảo triệu tập văn võ quan viên lại, nói:

– Này Thi tướng quân lên Bắc Kinh để thỉnh mạng cho trăm họ. Nếu không thành công thì toàn đảo phải nhà tan cửa nát. Khoản thỉnh mạng phí này chẳng lẽ để một mình Thi tướng quân phải bỏ ra? Các vị lão huynh! Các vị mau mau thu xếp đỡ đần cho tướng quân mới được. Thi Lang trị quân rất nghiêm chỉnh, làm quan rất thanh liêm. Hắn đến Đài Loan chưa từng lấy tiền bạc vàng lụa của dân gian một chút nào. Nay Vi Tiểu Bảo tiếp tay, lệnh đầu tiện của gã là đưa ra khoản thỉnh mạng phí. May mà trăm họ ở Đài Loan làm ăn cần kiệm, nhà nào cũng phú túc. Họ lại phong phanh có chỉ dụ ban ra cho quân dân phải thiên cư, ai nấy đều hồi hộp lo sợ. Bây giờ nghe nói Thi Lang muốn tiến kinh thỉnh mạng cho trăm họ khỏi phải thiên cư, nên khoản thỉnh mạng phí ai cũng vui lòng gom góp. Mới nửa ngày đã thu được trên ba chục vạn lạng. Vi Tiểu Bảo lại hạ lệnh mượn ở công khố ngoài sáu chục vạn lạng nữa là một trăm vạn lạng. Gã còn chỉ điểm cho Thi Lang cửa nào cần đưa nhiều tiền và chỗ nào chỉ phải đưa ít. Thi Lang cảm kích vô cùng! Hắn lật đật thu xếp cho tới canh một mới khai thuyền được. Hôm sau Vi Tiểu Bảo ra công đường, nhìn các quan nói:

– Về vụ Thi tướng quân đêm qua khởi hành tiến binh, khoản thỉnh mạng phí tính lui tính tới còn thiếu hơn trăm vạn lạng. Bản tước vì bảo vệ trăm họ mà phải đem hết bao nhiêu tiền gom góp bấy lâu, lấy cả châu báu cùng đồ trang sức của bảy vị phu nhân mới đủ số để giao cho Thi tướng quân đem đi sử dụng. Hỡi ơi! Làm quan ở Đài Loan thật không phải chuyện dễ dàng. Huynh đệ bất quá tạm thờixử lý mà ngày đầu tiên đã mất không một trăm vạn lạng. Thế là nước lã ra sông, trong nhà sạch sành sanh. Viên tri phủ ở Đài Loan khom lưng đáp:

– Khải bẩm đại nhân! Đây là đại nhân vì thương yêu trăm họ mà hết lòng. Đại nhân làm cha mẹ dân chẳng khác gì Phật sống của bách tính. Ngoài trừ số tiền hơn sáu chục vạn lạng mượn ở công khố, một trăm vạn lạng của đại nhân dĩ nhiên đều do trăm họ gom góp để kính hoàn. Vi Tiểu Bảo gật đầu nói:

– Các vị mỗi người đều phải góp tiền là lại hai bàn tay trắng. Cái đó huynh đệ biết lắm. Bây giờ các vị quan to phải góp đến hàng vạn lạng, quan nhỏ cũng mấy ngàn hay mấy trăm không nhất định. Các vị đồng tâm hiệp lực cũng chỉ vì trăm họ mà thôi. Về khoản này dĩ nhiên nhân dân địa phương sẽ trả lại. Có điều chúng ta đã là quan phụ mẫu thì chẳng thể tính lời với trăm họ. Chỗ đó đành chịu thiệt vậy. Các quan nghe nói cả mừng, đều ngỏ lời tạ ơn. Họ nhận thấy Vi đại nhân rất thể tình cho người dưới. Phát tài đều được hưởng chung. Đúng là một vị thượng cấp tuyệt hảo. Vi Tiểu Bảo làm quan ngày đầu tiên đã khoét được một trăm vạn lạng bạc. Từ đó trở đi tài nguyên tiếp tục cuồn cuộn đưa vào. Nghề xoay tiền của gã rất khôn ngoan, bất tất phải thuật kỹ. Sau mấy bữa, Vi Tiểu Bảo lại sai chuẩn bị lễ vật đến nhà từ đường tế điện Trịnh Thành Công để coi hình dạng của một vị Quốc tính gia lừng danh thiên hạ xem thế nào? Vi Tiểu Bảo vào nhà từ đường, ngẩng đầu nhìn lên thấy tượng Trịnh Thành Công ngồi nghiêm trang trên ghế. Khuôn mặt tròn trĩnh, môi trên môi dưới và nơi cằm mọc râu đen tua tủa. Vi Tiểu Bảo nhìn tượng Trịnh Thành Công thấy tai to nhưng mắt nhỏ, cặp lông mày cong cong. Tướng mạo đầy vẻ hiền hòa, tuyệt không ra chiều hảo mại anh hùng. Trong lòng không khỏi thất vọng, gã liền quay lại hỏi:

– Tướng mạo Quốc tính gia có giống hệt thế này không?Lâm Hưng Châu đáp:

– Pho tượng này tạc theo chân tướng của Quốc tính gia dĩ nhiên giống hệt. Quốc tính gia nguyên là người đọc sách xuất thân. Ngài nổi tiếng đại anh hùng đại hào kiệt, song tướng mạo rất nho nhã. Vi Tiểu Bảo nói:

– Té ra là thế! Gã lại ngó thấy hai bên đặt hai pho tượng nhỏ. Pho bên trái là phụ nữ, pho bên phải là nam nhân. Gã hỏi:

– Hai pho tượng kia là ai? Lâm Hưng Châu đáp:

– Pho nữ tượng là Đổng thái phi, còn nam tượng là Tự vương gia. Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Tự vương gia là ai? Lâm Hưng Châu đáp:

– Là Đại công tử của Quốc tính gia, lên tiếp nhiệm làm Vương gia. Vi Tiểu Bảo gật đầu nói:

– à!Thế ra là Trịnh Kinh. Tướng mạo Tự vương gia cũng hao hao giống tên tiểu tử Trịnh Khắc Sảng. Gã lại hỏi:

– Còn tượng gia sư là Trần quân sư đặt ở đâu? Lâm Hưng Châu đáp:

– Trần quân sư không có tượng. Vi Tiểu Bảo nói:

– Mụ Đổng thái phi tồi bại quá chừng! Mau mau hạ tượng mụ xuống và kêu thợ tạc ngay pho tượng Trần quân sư đặt vào đó để bầu bạn với Quốc tính gia.Lâm Hưng Châu cả mừng, lập tức chuồn vào khám thờ, hạ tượng Đổng thái phi xuống. Vi Tiểu Bảo quỳ lạy trước mặt tượng Trịnh Thái Công. Gã dập đầu mấy cái rồi khấn. Khải bẩm Quốc tính gia! Ngài là bậc anh hùng hào kiệt. Vãn bối khấu đầu làm lễ chắc Ngài cũng vui lòng. Mụ kiền bà này làm hư đại sự của Ngài mà hàng ngày bầu bạn với Ngài, nhất định làm cho Ngài phải bực mình. Vãn bối giúp Ngài đuổi mụ đi cho và đặt tượng của gia sư tức Trần quân sư thế vào để bồi tiếp ngài. Gã nghĩ tới sư phụ bị thảm tử, bất giác dòng châu lã chã khôn cầm. Trăm họ ở Đài Loan đều căm hận Đổng phi thấu xương. Còn Trần Vinh Hoa lại chăm việc khẩn điền, mở mang việc học, chấn hưng điều lợi, trừ bỏ điều hại, thương yêu trăm họ. Nhân dân đều xưng hô ông là Gia Cát Lượng ở Đài Loan. Nhưng gặp lúc Trịnh Khắc Sảng cầm quyền, không ai dám nói đến những điều tệ hại của Đổng thái phi mà cũng không dám ca tụng Trần Vinh Hoa câu nào. Bây giờ Vi Tiểu Bảo hạ lệnh dẹp bỏ tượng Đổng thái phi khiến cho mọi người khoan khoái vô cùng! Lại thấy Vi Tiểu Bảo sụp lạy trước tượng Quốc tính gia, nước mắt đầm đìa, trăm họ đều cảm kích. Tuy Vi đại nhân đòi tiền khá nặng, nhưng một là y làm đệ tử của Trần quân sư nên nhân dân Đài Loan đem lòng kính ái. Hai là Thi Lang dẫn quân Thanh đến lấy Đài Loan trừ diệt mảnh giang sơn của nhà Đại Minh ở ngoài biển. Vì thế mà chẳng ai ưa, mặc dù hắn là vị quan thanh liêm. Trăm họ còn nhận thấy ở vị thiếu niên Vi đại nhân này tính nết hòa ái dễ bề thân cận và đều mong y trấn thủ Đài Loan, hay hơn hết là Thi Lang vĩnh viễn không trở về. Nhưng sự thực trái với tâm nguyện. Sau đó hơn một tháng. Thi Lang dẫn thủy binh trở về Đài Loan. Vi Tiểu Bảo ra bờ biển nghênh tiếp. Gã thấy Thi Lang bồi tiếp một vị đại quan mặc phẩm phục vào hàng nhất phẩm đưa lên bờ. Vị đại quan này vừa bước lên cầu thang đã lớn tiếng hô:

– Vi huynh đệ! Huynh đệ mạnh giỏi chứ? Ca ca nhớ huynh đệ muốn chết.Vi Tiểu Bảo ngưng thần nhìn lại thì ra Sách Ngạch Đồ. Gã mừng rỡ vô cùng lật đật tiến ra. Hai người tay bắt mặt mừng đứng trên cầu thang, miệng cười ha hả. Sách Ngạch Đồ cười nói:

– Vi huynh đệ! Ca ca đem tin mừng đến đây. Đức Hoàng thượng xuống chỉ cho huynh đệ trở về Bắc Kinh. Vi Tiểu Bảo vừa mừng vừa lo, nghĩ bụng:

– Nếu ta chịu đi Bắc Kinh thì đã đi từ trước rồi. Vị tiểu Hoàng đế này rất cố chấp, không chịu đầu hàng ta. Ta không ưng đánh lại Thiên Địa Hội, Ngài cũng không cần nhìn mặt ta nữa. Thi Lang cũng cười hì hì nói tiếp:

– Hoàng ân bát ngát không thể nói xiết được! Đức Hoàng thượng đã chuẩn tấu thu hồi chỉ dụ thiên di nhân dân ở Đài Loan vào nội địa. Quân dân ở Đài Loan hơn một tháng nay ngày đêm lo ngay ngáy, chỉ sợ Hoàng đế kiên trì việc phế bỏ Đài Loan, vì họ cho là Kim khẩu của đức Hoàng đế phán ra quyết không thay đổi. Bây giờ Thi Lang nói câu này, quan viên trên bờ vừa nghe lọt tai, không nhịn được lớn tiếng reo hò và đồng thanh hoan hô:

– Muôn năm! Muôn năm! Đức kim thượng vạn vạn tuế. Tin này không có chân mà chạy thật nhanh. Chỗ nào cũng có tiếng hoan hô nổi dậy tưng bừng. Tiếp theo là tiếng pháo nổ rền không ngớt, so với cuộc đốt pháo ngày tết còn náo nhiệt hơn. Theo sử chép thì hồi ấy triều đình đã có quyết nghị bỏ Đài Loan. Sau này Thi Lang hết sức tranh đấu, quan đại học sĩ Lý úy cũng xoay dùm mới thành quyết định thiết lập nha quan, phái quân đồn trú. Lúc đương thời việc này tựa hồ nhỏ mọn, nhưng ảnh hưởng rất lớn cho hậu thế. Ngày ấy nếu Thi Lang đấu tranh bất lực thì Thanh đình bình xong họ Trịnh rồi liền phóng khí Đài Loan, bắt quân dân toàn Đài Loan phải thiên di vào nội địa, tất người Hà Lan trở lại chiếm cứ và từ đó đảo Đài Loan không còn thuộc về bản đồ Trung Quốc nữa.Đương thời tuy rất nhiều người thóa mạ Thi Lang là Hán gian, nhưng đối với dân tộc Trung Hoa, hắn đã ra sức tranh đấu cho triều đình thu hồi quyết nghị bỏ Đài Loan, bảo toàn được mảnh đất lớn lao trên bản đồ Trung Quốc, vậy công lao này không phải là nhỏ. Thi Lang lại tâu lên Hoàng đế xin giảm thuế điền địa cho đảo Đài Loan và được đức Vua theo lời. Vậy hắn cũng có công với trăm họ ở Đài Loan. Con thứ của Thi Lang là Thi Thế Luân làm quan rất thanh liêm. Gặp trường hợp bình dân có chuyện tranh chấp với quan viên, Thi Thế Luân tất nhiên che chở bình dân. Vì thế mà nhân dân xưng hô ông bằng Thi Thanh Thiên. Thi Thế Luân là vai chính trong truyện Thi Công án để lại cho đời sau. Con thứ sáu của Thi Lang là Thi Thế Loa làm Thủy sư đề đốc tỉnh Phúc Kiến đồn trú ở Đài Loan năm Khang Hy thứ 16. Sử chép rằng:

“Ngày 13 tháng 8 trời nổi quái phong bạo vũ gây nên tai nạn làm cho quân dân chết hại khá nhiều. Thế Loa đứng suốt đêm ngoài trời rồi mắc bệnh mà chết ở trong quân vào khoảng tháng chín. Đức Vua hạ chỉ lân tuất truy tặng hàm Thái tử Thái bảo.” Thế Loa suốt đêm ở bên ngoài tắm mưa gội gió chỉ huy cuộc cứu thiên tai nhân đó mà bị bệnh mà thác, cũng đáng kể là một viên quan hết lòng thương yêu bách tính. Đó là việc về sau, hãy xin tạm gác. Nhắc lại Sách Ngạch Đồ truyền chỉ dụ tưởng thưởng Vi Tiểu Bảo và sai gã lập tức lai kinh để bổ nhiệm vào việc khác. Vi Tiểu Bảo tạ ơn xong, hai người liền vào nội đường truyền cho tả hữu lui ra để bàn chuyện kín. Sách Ngạch Đồ nói:

– Huynh đệ! Thể diện của huynh đệ phen này không phải là nhỏ, đức Hoàng thượng sợ trong lòng huynh đệ còn có điều úy kỵ nên đặc biệt sai tiểu huynh đến thúc giục. Huynh đệ có biết Hoàng thượng sắp phái huynh đệ đi làm sứ mạng gì không?Vi Tiểu Bảo lắc đầu đáp:

– Đức Hoàng thượng thần cơ diệu toán thì bọn nô tài chúng ta làm sao mà đoán thấu được? Sách Ngạch Đồ ghé miệng vào bên tai gã khẽ nói:

– Đánh La Sát quỷ! Vi Tiểu Bảo sửng sốt rồi nhảy reo lên:

– Tuyệt diệu! Sách Ngạch Đồ nói:

– Đức Hoàng thượng đã bảo huynh đệ được tin này nhất định cao hứng vô cùng, quả nhiên đúng thiệt. Huynh đệ! Bọn quỷ La Sát chiếm cứ một giải Hắc Long Giang của chúng ta từ triều Thuận Trị. Bọn chúng rất đỗi ngông cuồng. Đức tiên đế khoan hồng đại lượng, không muốn chấp trách. Ngờ đâu bọn quỷ La Sát được đằng chân lân đằng đầu, chiếm đất mỗi ngày mỗi nhiều. Tỉnh Liêu Đông là nơi căn bản của nhà Đại Thanh ta thì để bọn quỷ đó uy hiếp thế nào được? Hiện nay đã dẹp xong loạn Tam Phiên và bình trị họ Trịnh ở Đài Loan rồi, nhà nước không còn việc gì nữa, nên đức Hoàng thượng quyết dùng binh để đối phó với La Sát. Vi Tiểu Bảo ăn không ngồi rồi ngoài đảo Thông Cật chắn ngán chẳng khác gì đánh bài cẩu rút phải “mười tịt” hoài. Nay gã được tin này nức lòng nở dạ, há hốc ra không ngậm lại được nữa. Sách Ngạch Đồ lại nói:

– Đức Hoàng thượng không muốn bới việc đã gửi mấy đạo chỉ dụ cho Quốc vương nước La Sát mà thủy chung họ không phúc đáp. Sau có sứ thần nước Hà Lan chuyển bẩm nói là nước La Sát tuy lớn nhưng rất man di mọi rợ. Khắp nước không một người nào hiểu được văn tự Trung Quốc. Họ tiếp được chỉ dụ của Hoàng đế ta mà chẳng hiểu chi hết, nên không biết đường phúc đáp. Đã thế quân La Sát thủy chung vẫn không đình chỉ việc chiếm đất. Lão dừng lại một chút rồi tiếp:

– Đức Hoàng thượng còn nói Trung Hoa chúng ta là thượng quốc, biết điều nhân nghĩa, chẳng thể không giáo huấn man di đã mở cuộc giết tróc. Vậy trướchết là xử hòa hài, huấn dụ họ một phen dể họ có cơ hội cải quá. Nếu sau khi huấn dụ, họ vẫn bướng bỉnh không tuân giáo hóa, bây giờ sẽ ra tay tru lục. Các vị đại thần ở trong triều không thông hiểu ngôn ngữ La Sát, chỉ có một mình huynh đệ. Lời chú của tác giả: Thời bấy giờ cuộc giao thiệp Trung – Nga, hai bên không hiểu ngôn ngữ, không thông văn tự là chuyện thật. Sử chép rằng: Sa Hoàng nước Nga gửi thư cho Vua Khang Hy có câu: “Trước đức Hoàng đế có ban cho cuốn sách, nhưng hạ quốc không sao hiểu được, hãy còn bỏ đó”. Vi Tiểu Bảo nghĩ bụng:

– Té ra là vì ta hiểu tiếng quỷ La Sát mà tiểu Hoàng đế chịu đầu hàng ta. Vẻ đắc ý của gã lộ ra mặt. Sách Ngạch Đồ hỏi:

– Huynh đệ tinh thông nói cùng văn tự nước La Sát dĩ nhiên là điều đáng quý lắm rồi, nhưng còn một chuyện lớn càng không ai theo kịp. Nghe nói tỷ tỷ của Quốc Vương La Sát cũng làm Nhiếp chính mà vị nữ vương này lại là chỗ rất thân mật với huynh đệ có đúng thế không? Vi Tiểu Bảo cười ha hả đáp:

– Nữ nhân nước La Sát đầy mình lông lá. Nhiếp chính nữ vương Tô Phi á tướng mạo coi được, nhưng nàng da to, sờ vào ráp lắm. Sách Ngạch Đồ cười nói:

– Đức Hoàng thượng đã muốn huynh đệ xuất mã, huynh đệ ráng làm cho nên việc, dù có phải sờ mó cũng cố mà chịu. Vi Tiểu Bảo lắc đầu đáp:

– Không tiêu được đâu! Không tiêu được đâu! Sách Ngạch Đồ nói:

– Huynh đệ sờ một cái mà hai nước giao hảo, từ đây khỏi tai họa binh đao. Đó là một kỳ công để an bang định quốc. Vi Tiểu Bảo cười nói:- Té ra đức Hoàng thượng chẳng phải phái tiểu đệ dẫn quân đi đánh giặc mà là đi thi triển “Thập bát mô thần công”. Ha ha! Thế này thì tức cười đến chết! Đoạn gã hắng giọng cất tiếng hát:

– “Một ta sờ, hai ta sờ, sờ vào mái tóc vàng hoe của nữ vương nước La Sát. Tóc nữ vương chẳng khác hoàng kim. Vi Tiểu Bảo tha hồ mà xài” Hai người trông nhau cả cười. Vi Tiểu Bảo chợt nhớ tới một điều vội hỏi:

– Tại sao đức Hoàng thượng lại biết chuyện tiểu đệ dính dấp với nữ vương nước La Sát? Minh kiến của ngài trông xa muôn dặm, chẳng lẽ cả chuyện này Ngài cũng nhìn thấy? Sách Ngạch Đồ cười nói:

– Cái đó thì tiểu huynh không thể biết được. Hoặc giả trong bọn thuộc hạ của huynh đệ có người khải tấu đến tai Hoàng thượng. Vi Tiểu Bảo vỗ đùi nói:

– Phải rồi! Nhất định là thằng cha Phong Tế Trung đã tâu động cửu trùng. Vi Tiểu Bảo lại hỏi đến tình hình nước La Sát xâm chiếm Hắc Long Giang. Sách Ngạch Đồ liền thuật một cách tường tận:

– Nguyên từ đời Vạn Lịch nhà Minh, người La Sát đã quyết ý xâm lẫn phương Đông. Nước La Sát tức là nước Nga La Tư. Trong những truyện Thanh sử cảo, Lang Viên có nói: Nga La Tư hay La Sát chỉ là phiên âm mau hay chậm mà thôi. Đọc chậm là Nga La Tư mà đọc nhanh thành La Sát. Theo bản âm của tiếng Nga thì đọc thành La Sát tương đối giống hơn. Nước La Sát kế tiếp xây những thành Thác Mộc Tư Khắc, Diệp Ni Tái Tư Khắc, Nhã Khố Thứ Khắc, Ngạc Hoắc Thứ Khắc ở đất Tây Bá Lợi á. Năm Thuận Trị thứ sáu, người La Sát lại xây thành trên núi Lộc Đỉnh kêu bằng A Nhĩ Ba Thành, người Trung Quốc gọi là Nhã Tát Khắc thành. Đồng thời chúngtheo dòng sông tiến về phía Đông. Dọc đường chúng cướp bóc nhũng nhiễu nhân dân. Năm Thuận Trị thứ chín, quan đô thống nhà Mãn Thanh ở Ninh Cổ Tháp là Hải Sắc dẫn hai ngàn quân đánh đuổi bọn La Sát ở bên bờ sông Hắc Long Giang. Về sau lại có cuộc giao phong ở cửa sông Tùng Hoa giang, quan đô thống nhà Mãn Thanh là Minh An Đạt Lý, dũng cảm tiến đánh, phá tan quân La Sát. Quân La Sát lui về phía tây đắp thành ở Ni Bố Sở, một mặt sai sứ về Mạc Tư Khoa xin viện binh. Sứ giả dọc đường phao ngôn là suốt giải Hắc Long Giang đầy rẫy kim ngân, trâu ngựa từng đàn. Phòng ốc của dân cư đều dát vàng. Vì thế người La Sát mơ mộng một phen đại phát tài, liền kết thành từng đội tiến về phía đông. Dọc đường chúng cướp bóc tàn hại trăm họ, nhất là toán kỵ binh Kha Tát Khắc lại càng tàn bạo. Quan đô thống nhà Mãn Thanh ở Ninh Cổ Tháp là Sai Nhĩ Hổ Đạt và tướng quân Ba Hải lĩnh binh cự địch vào những năm Thuận Trị thứ 16, 17, thắng liền mấy trận, giết chết viên đại tướng thống lĩnh quân La Sát và chém giết toán kỵ binh Kha Tất Khắc đến quá nửa. Từ đó, người La Sát không dám tiến đến bờ sông Hắc Long Giang nữa. Mấy năm đầu Vua Khang Hy, quân dân La Sát lại kéo đến, dùng Nhã Tát Khắc thành làm căn cứ địa. Vua Khang Hy dần dần lớn tuổi biết dã tâm của người La Sát rất lớn, liền hạ lệnh gia tăng cuộc phòng thủ và dời đội thủy quân ở Cát Lâm đến trú phòng tại Hắc Long Giang. Quân La Sát cũng không ngớt gia tăng thêm mỗi ngày một nhiều, chúng đắp thành Nhã Tát Khắc rất kiên cố. Đồng thời đặt nhà trạm trên đường giao thông đến bản độ nước La Sát. Chúng quyết ỷ lấy cả khu vực rộng lớn theo giải Hắc Long Giang. Khi ấy Vua Khang Hy đang đem toàn lực để đối phó với Ngô Tam Quế, không thể chia quân chống cự bọn xâm lược La Sát, phải chờ khi bình xong tam Phiên, họ Trịnh ở Đài Loan cũng quy hàng, không còn lo mối lo nội bộ, ngài mới yên tâm đối ngoại.Nhà Vua nhớ tới Vi Tiểu Bảo đã qua Mạc Tư Khoa, chẳng những gã hiểu nội tình nước La Sát mà còn có mối quan hệ không phải tầm thường với Nhiếp chính nữ vương hiện đang nắm quyền bính nước La Sát. Gã còn được nàng phong tước cho nữa. Đây là một con cờ lợi hại trong tay khi nào Hoàng đế lại không dùng tới? Nhà Vua vừa hay tin Vi Tiểu Bảo đã đến Đài Loan, liền sai Sách Ngạch Đồ đi triệu về tức khắc. Vi Tiểu Bảo đem theo vợ con, lại sai phu khuân vác món tiền “thỉnh mạng tài” lấy được ở Đài Loan xuống thuyền bắc tiến. Lúc lâm hành gã còn đòi Thi Lang trả lại những tướng lãnh thủ hạ của họ Trịnh ngày trước là Hà Hựu, Lâm Hưng Châu, Hồng Triều cùng năm trăm đằng giáp binh. Thi Lang biết chuyến này gã tiến kinh nhất định lại được trọng dụng. Hắn còn trông cậy gã ở trong triều bảo vệ cho mình, nên gã đòi điều gì hắn cũng chịu ngay. Hắn còn đưa tặng một phần hậu lễ cho Vi Tiểu Bảo và Sách Ngạch Đồ. Trăm họ ở Đài Loan biết triều đình sở dĩ thủ tiêu quyết định di dân vào nội địa là nhờ công đức cao cả của thiếu niên Vi đại nhân này, nên ai ai cũng đem lòng cảm kích. Nhân dân lấy cả Vạn dân tán, Hộ dân kỳ ra làm hành trang để tiễn đưa. Lúc Vi Tiểu Bảo xuống thuyền, hai vị kỳ lão trụt giày gã ra giơ cao lên nói là xin lưu lại để làm kỷ niệm. Lễ thoát hài này nguyên chỉ dành cho những quan địa phương thanh chính của Thanh triều. Trăm họ quyến luyến mới dùng nghi tiết này. Vi Tiểu Bảo là một viên quan ăn tiền mà cũng được hưởng vinh dự đó thì thật là chuyện tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả. Cuộc hoan tống còn pháo nổ rầm trời, tiếng reo dậy đất, tưởng không cần thuật kỹ.

Chọn tập
Bình luận