Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lộc Đỉnh Ký

Chương 161 – Thần hành bách biến có một không hai

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Cái gói đó chính là bọc đựng những mảnh giấy vụn lấy ở trong tám bộ Tứ Thập Nhị Chương Kinh ra. Vi Tiểu Bảo cởi những sợi dây nhỏ buộc bên ngoài, mở ra một lần vải dầu. Bên trong còn một lần giấy dầu nữa mới đến những mảnh giấy vụn. Vi Tiểu Bảo nói:

– Thưa sư phụ! Đệ tử chẳng có gì đáng đem dâng sư phụ để tỏ lòng hiếu kính. Xin lão nhân gia thu lấy gói giấy vụn này. Trần Cận Nam ban đầu thấy gã trịnh trọng mở bọc vải ra đã tưởng bên trong đựng vật gì trân quý, ông thấy toàn là giấy vụn, trong lòng rất lấy làm kỳ hỏi:

– Cái đó là cái gì? Vi Tiểu Bảo liền thuật lại lai lịch về những mẩu giấy vụn. Trần Cận Nam càng nghe càng lộ vẻ nghiêm trọng. Chẳng khi nào ông ngờ tới những mảnh giấy vụn này lại là vật khiến cho bao nhiêu nhân vật lớn đầu như Thái hậu, Hoàng đế, Ngao Bái, Ngô Tam Quế, Độc Tý Ni Cửu Nạn, giáo chủ Thần Long giáo ngày đêm mơ tưởng, vì những mảnh giấy này là tất cả những bí ẩn về long mạch cùng kho tàng của nhà Mãn Thanh. Trần Cận Nam hỏi lại rất kỹ về những tình hình đã trải qua thì Vi Tiểu Bảo trình bày từng chi tiết một cách rất cặn kẽ. Trần Cận Nam trầm ngâm một lúc rồi nói:

– Cái gói này thật không phải chuyện tầm thường. Ngươi giao cho ta để thầy trò ước hội anh em đi đào long mạch và lấy bảo tàng của bọn Thát Đát rồi hưng binh khởi nghĩa thì thật là một kỳ công quán thế. Nhưng chuyến này ta vâng lệnh vương gia đi đón Trịnh công tử trở về Đài Loan mà dắt gói này bên mình, xông pha đường biển sợ xảy điều sơ xuất. Vậy ngươi hãy tạm thu cất. Ta trở về Đài Loan rồi lập tức lên Bắc Kinh để gặp ngươi. Khi đó sẽ cùng nhau mưu đồ đại sự. Vi Tiểu Bảo đáp:

– Như vậy càng hay. Xin sư phụ đến Bắc Kinh thật lẹ cho. Trần Cận Nam nói:

– Ngươi cứ yên tâm! Ta hết sức làm tròn sứ mạng thật mau, không chần chờ một khoảnh khắc nào… Ông thở phào nói tiếp:

– Tiểu Bảo! Ta suốt đời bôn tẩu chỉ vì cuộc mưu đồ khôi phục nhà Minh mà thấy tháng ngày lặng lẽ trôi, lòng người phai lạt dần dần. Tiểu Hoàng đế Thát Đát chính sự lại rất hoàn thiện khiến cho hy vọng khôi phục đại nghiệp càng ngày càng mong manh. Không ngờ Ngô Tam Quế lại sắp hưng binh tạo phản. Đồng thời ngươi lấy được bản đồ. Thật là những chuyển biến trọng đại. Ông nói tới đây bất giác lòng mừng hớn hở, nỗi cao hứng lộ ra khóe mắt. Trước nay lúc nào nét mặt Trần Cận Nam cũng đăm chiêu, tỏ ra tâm sự chồng chất. Bữa nay mới thấy ông phấn khởi tinh thần. Vi Tiểu Bảo thấy sư phụ ra chiều hoan hỷ, gã cũng mừng thầm trong dạ. Trần Cận Nam lại hỏi:

– Ngươi hành động rất tinh minh. Quả thật là một tên hảo đồ đệ của ta. Trong mình ngươi bị trúng độc hiện tình ra sao? Đã giảm bớt chút nào chưa? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Đệ tử được mụ điếm Thái hậu cho thuốc uống, bao nhiêu chất độc trong mình đã giải trừ hết. Trần Cận Nam cả mừng nói:

– Thế thì hay lắm! Hai vai ngươi hiện đang gánh nặng ngàn cân về công cuộc phản Thanh phục Minh. Từ nay trở đi ngươi phải thận trọng lắm mới được. Ông vừa nói vừa nắm lấy hai vai gã. Vi Tiểu Bảo đáp:

– Dạ! Đệ tử chẳng hiểu chi hết, làm ẩu làm tả lấy được những mẩu giấy này, bất quá là gặp vận hên mà thôi. Lần nào cũng giống hệt như tiểu tử đánh bạc làm cái nhà ăn người ta một cách dễ dàng. Thiên cống ăn Thiên cống, mười tịt ăn mười tịt. ¡n như thế mới thật ngon lành. Trần Cận Nam không nhịn được tủm tỉm cười nói:

– Ngươi trở về Bắc Kinh rồi, ban đêm đóng cửa cài then, thủng thẳng mở những mẩu giấy này ra giáp lại thành một bức đồ hình. Ngươi học thật kỹ lấy những điểm trong địa đồ cho đến khi thuộc lòng không còn một chút nào sai trật. Sau đó ngươi lại rỡ ra thành những mẩu giấy vụn gói làm bảy, tám gói cất dấu ở những nơi riêng biệt thì không ngại gì nữa. Ông dặn tiếp:

– Tiểu Bảo! Vận khí của con người lúc hên lúc xui, chẳng thể nào thuận buồm xuôi gió suốt đời. Hơn nữa công việc lớn lao này chúng ta cũng chẳng thể chỉ trông vào khí vận được. Vi Tiểu Bảo đáp:

– Đúng thế! Sư phụ nói thật không sai! Tỷ như tiểu tử đánh bài cẩu làm cái đã ăn được tám bàn rồi, nếu bị một bàn phải giam hết là lỗ vốn. Gói giấy vụn này để người ta đoạt mất thì khác gì toàn quân bị đắm thuyền? Vì thế sau này khi ăn được tám bàn liền là lập tức phải thôi làm cái, không thì mất cả cửa nhà. Trần Cận Nam nghĩ thầm:

-Thằng nhỏ này nặng đầu óc cờ bạc quá. Ông mỉm cười nói:

-Ngươi hiểu được đạo lý đó là hay. Đánh bạc thua hay được chẳng có gì quan hệ. Còn chúng ta mưu đồ đại sự mà đi lầm một bước là có thể mất mạng lại làm hư đại sự chứ chẳng phải chuyện chơi. Hàng ức triệu tính mạng người trong thiên hạ nằm ở trong công cuộc này, vậy phải nghĩ sao chớ để thua mà khốn. Vi Tiểu Bảo đáp:

-Đúng thế! Đệ tử được bạc rồi phải ôm ngay tiền về nhà ngay, chôn xuống gầm giường, chặt đứt ngón tay tuyên thệ vĩnh viễn không để thua nữa. Trần Cận Nam đến bên cửa sổ ngửng đầu trông chiều trời, khẽ nói:

-Tiểu Bảo! Sau khi ta nghe được tin này dù có phải chết ngay lập tức, trong lòng cũng khoan khoái. Vi Tiểu Bảo nghe sư phụ nói vậy trong lòng không khỏi kinh ngạc nghĩ thầm:

-Những lần trước ta thấy sư phụ tinh thần quắc thước mà sao lần này lão nhân gia lộ vẻ đăm chiêu lại thốt ra những lời gở miệng? Gã liền hỏi:

-Thưa sư phụ! Dường như lão nhân gia ở Đài Loan trong lòng không được vui vẻ thì phải? Trần Cận Nam ra chiều kinh ngạc hỏi lại:

-Sao ngươi lại biết thế? Vi Tiểu Bảo đáp:

-Đệ tử nhận thấy sư phụ dường như có điều chi bứt rứt. Lão nhân gia trước nay chẳng quan tâm đến chuyện gì, cả việc khó khăn cũng coi thường. Bao nhiêu anh hùng hảo hán trên chốn giang hồ đều tỏ lòng ngưỡng mộ. Đệ tử nghĩ rằng ngay đến Hoàng đế lão nhân gia còn không sợ thì khắp thiên hạ chỉ có một mình Trịnh vương gia ở Đài Loan là nguyên nhân sự phiền não của sư phụ. Trần Cận Nam thở dài, lặng lẽ hồi lâu mới nói:

-Vương gia rất kính trọng ta lại một niềm tin cậy, chưa từng có điều chi thất lễ. Vi Tiểu Bảo nói:

-ồ! Nếu vậy thì tiểu tử hiểu rồi: thằng cha Trịnh nhị công tử thối tha kia đã làm cho sư phụ phải buồn rầu. Trần Cận Nam đáp:

-Câu chuyện này khá dài. Ngày trước Quốc tính gia đối với ta ơn nặng tầy non, ta đã thề lấy cái chết để báo đền. Bất cứ việc gì của nhà họ Trịnh ta cũng phải cúc cung tận tụy mà làm cho đên hơi thở cuối cùng. Trịnh nhị công tử hãy còn nhỏ tuổi, dù y ăn nói có điều lỗ mãng ta cũng chẳng để vào lòng. Thế tử của Trịnh vương gia lại là thứ xuất. Vi Tiểu Bảo không hiểu hỏi:

-Thứ xuất là thế nào? Trần Cận Nam đáp:

-Thứ xuất tức là không phải Vương phi sanh ra. Vi Tiểu Bảo nói:

-ủa! Đệ tử hiểu rồi. Y là con của vợ lẽ Vương gia. Trần Cận Nam thấy gã ăn nói thô tục, nhưng nghĩ tới gã chưa từng đọc sách, không biết nói văn vẻ nên ông cũng không lý gì đến. Ông nói:

-Phải rồi! Ngày trước Quốc tính gia tạ thế có liên quan đến vụ này, vì lẽ Vương thái phi không ưa thích thế tử. Bà liền bảo Vương gia truất ngôi thế tử để lập nhị công tử lên làm thế tử. Vi Tiểu Bảo lắc đầu nói:

-Nhị công tử vừa hồ đồ vừa sợ chết, tư cách còn kém cả Ngô ứng Hùng, thế tử của Ngô Tam Quế. Hỏng rồi! Thằng cha đó chỉ là cái bị thịt. Con mẹ nó! Đúng là quân chó đẻ. Gã nghĩ tới A Kha một lòng một dạ với Trịnh Khắc Sảng, lửa hờn ghen nổi lên, càng mạnh miệng chửi bới, quên cả sư phụ đứng trước mặt. Trần Cận Nam sịu xuống hỏi:

-Tiểu Bảo! Ngươi phải lựa lời ăn nói cho đường hoàng một chút. Ngươi thốt ra những lời như vậy chẳng là thóa mạ Vương gia ư? Vi Tiểu Bảo “ồ” lên một tiếng bưng miệng lại. Lát sau gã mới nói:

-Đệ tử thật là đáng chết. Ba tiếng “quân chó đẻ” không thể tùy tiện thóa mạ bừa bãi. Trần Cận Nam lại nói:

-Thế là hai vị công tử xảy ra chuyện tranh chấp. Đem so sánh tư cách nhị công tử quả không bằng ca ca của y. Nhưng y tướng mạo đoan chính, ăn nói khôn ngoan, rất được lòng tổ mẫu… Vi Tiểu Bảo vỗ đùi ngắt lời:

-Phải rồi! Đàn bà thì còn biết cóc gì, cứ thấy kẻ mặt trắng khéo ăo nói là yêu quý như bảo bối. Trần Cận Nam không hiểu gã nghĩ tới A Kha mà nói câu này. Ông lắc đầu kể tiếp:

-Vương gia không ưng chịu việc đổi ngôi thế tử. Cả văn võ bá quan cũng khuyên Vương gia không nên thay đổi. Vụ này đưa đến kết quả là: hai vị công tử có mối bất hòa. Thái phi và Vương gia hai mẹ con cũng thường xảy chuyện tranh chấp. Vương thái phi có lúc nổi nóng lại kêu bọn ta vào phiền trách một chập. Vi Tiểu Bảo nói:

-Mụ… Xuýt nữa ba chữ “mụ điếm già” thốt ra khỏi cửa miệng. Gã vội…về đổi giọng:

-Lão thái thái tuổi nhiều đâm ra hồ đồ. Sư phụ! Đệ tử nghĩ lão nhân gia ở Đài Loan khó chịu như vậy thì sau khi xong việc này ra đi, lão nhân gia bất tất trở về Đài Loan nữa. Trần Cận Nam thở dài đáp:

-Đài Loan là một hải đảo bé nhỏ mà trong vương phủ hay chốn quan trường lại có chuyện rắc rối thì thật là khó chịu, đâu có được tự do tự taị như ở Trung Nguyên, bao la rộng rãi? Nhưng tính mạng ta không còn là của ta. Ta đã bán nó cho Quốc tính gia rồi. Tiểu Bảo! Không nói đến những chuyện này nữa. Ngươi nên biết: Người ta sống ở đời, chịu ơn phải mong báo đáp. Ngày trước Quốc tính gia đã dùng lễ quốc sĩ đối xử với ta, thì ta cũng phải lấy tư cách quốc sĩ để báo đền. Ông dừng lại một chút rồi tiếp:

-Hiện nay bên mình Vương gia, nhân tài ngày một điêu linh, ta quyết không thể tự lo cho mình, bỏ Vương gia mà đi. Việc Trung hưng phục quốc thật muôn vàn khó khăn! Hỡi ơi! Ta chỉ biết làm được tới đâu hay tới đó mà thôi. Ông nói tới đây lại lộ vẻ đăm chiêu buồn bã. Vi Tiểu Bảo muốn nói mấy câu an ủi, nhưng gã không rõ nội tình ở Đài Loan. Trong lúc nhất thời gã không biết nên nói thế nào? Sau một lúc, gã gợi chuyện:

-Hôm qua bọn tiểu (???) đã toan đem Trịnh Khắc Sảng… Gã giơ tay lên phóng chưởng chém xuống, nói tiếp:

-… chém làm hai đoạn cho rồi đời hắn để khỏi xảy chuyện rắc rối. Nhưng Mã đại ca bảo làm thế là đưa sư phụ tới chỗ không dám nhìn thấy ai nữa, vì lão nhân gia đã mang lấy tội danh thí chúa. Trần Cận Nam nói:

-Mã huynh đệ ngăn cản ngươi như vậy là phải. Nếu các ngươi hạ sát Trịnh công tử thì ta còn mặt mũi nào ngó thấy Vương gia nữa? Ngày sau chết xuống cửu tuyền cũng không dám nhìn mặt Quốc tính gia. Vi Tiểu Bảo nói:

-Sư phụ! Khi nào có dịp lão nhân gia đưa đệ tử về Đài Loan du ngoạn, tiểu tử sẽ có cách đối phó với Vương thái phi. Gã nghĩ tới con người ghê gớm như giả Thái hậu mà gã còn thu thập xong, bắt buộc mụ phải riu ríu phục tùng, gã lại đối phó được với —– thái hậu thì vẻn vẹn một bà Vương thái phi gã chẳng coi vào đâu. Trần Cận Nam cười đáp:

-Ngươi lại nói nhăng rồi. Ông dắt tay Vi Tiểu Bảo ra khỏi gian phòng. Vi Tiểu Bảo nhìn sư phụ, Ngô Lục Kỳ, Mã Siêu Hưng, ngỏ lời từ biệt. Ngô Lục Kỳ và Mã Siêu Hưng đưa gã ra cửa. Ngô Lục Kỳ nói:

-Vi huynh đệ! Ta đã kết thành huynh muội với tên tiểu nha đầu của huynh đệ là Song Nhi. Lão nói câu này khiến Vi Tiểu Bảo và Mã Siêu Hưng đều giựt mình ngơ ngác. Hai người quay đầu nhìn lại thấy Song Nhi cúi đầu xuống, đỏ mặt lên. Thái độ cực kỳ bẽn lẽn. Vi Tiểu Bảo cười hỏi:

-Ngô đại ca khéo nói giỡn nhỉ? Ngô Lục Kỳ nghiêm nghị đáp:

-Ta không nói giỡn đâu. Y một dạ trung can nghĩa đảm, hơn —– bọn mày râu, xứng đáng là người trong ngô bối. Ta đã đem lòng kính mến y. Lão ngừng lại một chút rồi tiếp:

-Ta thấy Vi huynh đệ kết bái huynh đệ với Mỹ đao vương Hồ Dật Chi rất nên tương đắc, vậy ta cũng học các vị kết bái với Song Nhi và ta đã làm rồi. Trước ta nói mãi y không chịu nghe, thoái thác không dám với lên cao. Ta liền bảo y ta chỉ là một lão khiếu hóa, có cao quý gì đâu mà nói đến chuyện cao với thấp? Ta nhất định —– kết, y đành phải ưng chịu. Mã Siêu Hưng hỏi:

-Vừa rồi hai vị nói chuyện ở trong phòng. Té ra là thương lượng việc kết giao. Ngô Lục Kỳ đáp:

-Đúng thế! Song Nhi muội tử còn dặn Ngô mỗ không nên nói với ai. Ha ha! Việc kết nghĩa huynh muội là quang minh chính đại, hà tất phải giấu diếm? Vi Tiểu Bảo nghe lão nói vậy biết là chuyện thật, hết nhìn lão lại nhìn Song Nhi trong lòng rất lấy làm kỳ. Ngô Lục Kỳ lại nói:

-Từ nay trở đi Vi huynh đệ phải coi nghĩa muội của ta bằng con mắt đặc biệt. Nếu huynh đệ đắc tội với y là rắc rối với ta có. Song Nhi vội nói:

-Không, không có chuyện đó. Tướng công cư xử với tiểu tỳ rất tử tế. Vi Tiểu Bảo cười đáp:

-Cô đã có vị đại ca kia chống đỡ sau lưng thì Ngọc Hoàng đại đế, Diêm La lão tử cũng chẳng dám đắc tội với cô. Ba người nổi lên tràng cười ha hả rồi chắp tay từ biệt. Vi Tiểu Bảo lui ra ngoài hỏi đến chuyện kết bái. Song Nhi bẽn lẽn đáp:

-Ngô gia… Ngô gia… Vi Tiểu Bảo ngắt lời:

-Sao lại Ngô gia? Đại ca là đại ca. Đã kết bái rồi chẳng lẽ không đếm xỉa đến nữa hay sao? Song Nhi đáp:

-Dạ! Y bảo nô tỳ là người trung nghĩa nhất định đòi kết bái huynh muội. Cô lấy cây súng trong bọc ra nói tiếp:

-Y bảo trong mình không đem theo vật gì, dùng cây súng của tướng công đưa tặng nô tỳ. Nô tỳ xin trao lại để tướng công thu lấy mà giữ mình. Vi Tiểu Bảo xua tay nói:

-Đây là của đại ca cô đã tặng cô, sao còn đưa trả ta? Gã nghĩ tới hành động của Ngô Lục Kỳ ra ngoài sự tưởng tượng của mọi người không khỏi lấy làm kỳ. Đoàn người từ từ trở về Bắc Kinh. Dọc đường Cửu Nạn truyền cho Vi Tiểu Bảo một đường quyền pháp, dặn gã rèn luyện. Nhưng Vi Tiểu Bảo là con người phù động, không chịu chuyên tâm học tập. Khi Cửu Nạn bảo gã biểu diễn thì chỉ thấy gã thi triển chiêu thức một cách hời hợt, chẳng có một chút thực lực nào. Bà không khỏi thở dài nói:

-Ta với ngươi chỉ có tiếng là thầy trò chứ không có sự thực. Coi bộ ngươi học võ không ăn thua. Bây giờ đành thế này vậy: Trong phái Thiết Kiếm chúng ta có môn công phu “Thần hành bách biến” của ân sư là Mộc Tang đạo nhân sáng lập ra. Môn này đứng đầu về khinh công trong thiên hạ. Nó cần có nội công cao thâm làm căn bản, chắc ngươi không thể lĩnh hội hết được. Ngươi chẳng có một môn tuyệt kỹ nào để phòng thân thì ngày sau gặp bước nguy nan, lấy gì để chống chọi? Vậy ta dạy ngươi một chút về phép chạy trốn. Vi Tiểu Bảo cả mừng đáp:

-Phải lắm! Dưới chân đã bôi mỡ thì đánh nhau cũng chẳng sợ —–. Sư phụ truyền dạy cho đệ tử môn chạy trốn, nhất định không ai đuổi kịp. Cửu Nạn lắc đầu nói:

-Môn Thần hành bách biến trên đời không ai bì kịp. Ngày trước oai danh lừng lẫy võ lâm. Không ngờ hiện nay dùng làm mỡ bôi chân cho ngươi. Ân sư ở dưới suối vàng nếu biết vụ này nhất định sẽ không chịu nhận ngươi làm đồ tôn. Nhưng ngoài môn đó, ta chẳng còn tuyệt kỹ nào để truyền dạy cho ngươi thành người có bản lãnh. Vi Tiểu Bảo cười đáp:

-Sư phụ thu nạp phải một tên chẳng ra gì như tiểu tử làm đồ tử đồ tôn là xúi quẩy quá rồi. Người ta đánh bạc bằng tiền khi thua khi được, chẳng có gì quan hệ. Sư phụ thu tiểu tử làm đồ đệ kể như là thua một canh bạc cháy túi, khí vận hẩm hiu đến cùng cực. Nếu đức Thượng đế có mắt thì phải phù hộ cho sư phụ rồi đây được tám bàn liền, tức là thu được tám tên đồ đệ khét tiếng võ lâm, tranh hùng thiên hạ. Cửu Nạn cười khành khạch, vỗ vai gã nói:

-Người võ công thật giỏi chưa chắc đã là những nhân vật ưu tú. Ngươi không ưa học võ là bởi thiên tính, chẳng thể miễn cưỡng được, nhưng ngoại trừ cái miệng lẻo lẻo, ngươi đáng kể là một tên hảo đồ đệ của ta. Vi Tiểu Bảo nghe bà nói vậy, vui sướng như mở cờ trong bụng. Gã xúc động vô cùng, những muốn đem gói giấy vụn trao cho bà, nhưng gã lại tự nhủ:

-Gói giấy vụn này ta đã đưa cho nam sư phụ rồi thì không thể trình bày với nữ sư phụ được nữa. May ở chỗ cả hai vị sư phụ đều chủ trương đuổi quân Thát Đát để khôi phục lại giang sơn của người Hán thì bất luận đưa cho vị nào cũng vậy. Cửu Nạn liền trích lấy phần không cần đến nội lực về môn “Thần hành bách biến” đem ra truyền dạy cho Vi Tiểu Bảo một ít thân pháp và bộ pháp. Bà nói sơ lược về yếu quyết cho gã nghe. Lạ thay! Vi Tiểu Bảo rất biếng nhác về những môn quyền pháp, chưởng pháp, gã chỉ học sơ qua rồi bỏ lửng, chứ không chịu dụng tâm nghiên cứu, rèn luyện.Thế mà môn chạy trốn này thì gã lại rất lấy làm hứng thú, gã học một cách say sưa mài miệt, hễ rảnh lúc nào là rèn luyện lúc ấy. Nhiều lúc gã có ý định luyện thành một tay khinh công trác tuyệt, gã liền chạy trước và bảo một tay khinh công cao thâm là Từ Thiên Xuyên rượt theo. Từ Thiên Xuyên thấy Vi Tiểu Bảo chợt lướt bên này, chợt qua bên kia, thân pháp rất kỳ diệu, lão sinh lòng kính phục vô cùng! Ban đầu Từ Thiên Xuyên còn đuổi kịp gã mấy lần. Nhưng sau Cửu Nạn tiếp tục truyền thụ thêm những yếu quyết mới mẻ. Khi đoàn người tới Trực Lệ thì Từ Thiên Xuyên ra sức đuổi theo cũng không kịp được nữa. Cửu Nạn thấy Vi Tiểu Bảo có duyên phận với môn khinh công “Thần hành bách biến” ra ngoài sự tiên liệu của mình, bà vui mừng nói:

-Xem chừng số trời đã định cho ngươi làm thân phận chuột chù chỉ tài lẩn tránh. Vi Tiểu Bảo cười đáp:

-Đệ tử đã không luyện nổi “Thần hành bách biến” thì cũng phải học cho bằng được môn “Thần hành bôi mỡ vào chân”. Như thế không thể bảo là hạng vô dụng, ăn hại cơm trời, uống cạn nước sông. Gã pha một bình trà mới bưng đến trước mặt Cửu Nạn và hỏi bà:

-Thưa sư phụ! Sư tổ là Mộc Tang đạo trưởng đã qua đời thì trong thiên hạ hiện nay, lão nhân gia là người võ công đệ nhất phải không? Cửu Nạn lắc đầu đáp:

-Không phải đâu. Bảy chữ “Thiên hạ võ công đệ nhất nhân” há phải chuyện thường ai muốn xưng càn cũng được? Bà đưa mắt nhìn ra ngòai cửa sổ, vẻ mặt buồn rầu nói tiếp:

-Ta biết một người đáng gọi là “Thiên hạ võ công đệ nhất nhân”. Vi Tiểu Bảo hỏi ngay:

-Người đó là ai? Đệ tử nhất định tìm tới nơi bái kiến. Cửu Nạn ngập ngừng:

-Y… y… Đột nhiên vành mắt đỏ hoe, bà lẳng lặng không nói nữa. Vi Tiểu Bảo lại hỏi:

-Vị tiền bối đó danh hiệu là gì? Đệ tử muốn biết để ngày sau mà có cơ duyên hội ngộ sẽ kính cẩn dập đầu phục lạy. Cửu Nạn xua tay bảo gã lui ra. Vi Tiểu Bảo rất lấy làm kỳ, chậm chạp cất bước ra ngoài. Gã tự hỏi:

-Vẻ mặt sư phụ ta đột nhiên biến thành quái dị, chẳng lẽ thiên hạ võ công đệ nhất nhân là người tình của lão nhân gia? Gã đoán như vậy là đã trúng được phần nửa. Lúc này Cửu Nạn đang nghĩ đến con người ở hải ngoại, cách xa hàng vạn dặm là Viên Thừa Chí, nhưng lão ta lại chung tình với người khác mất rồi. Hơn hai chục năm nay bà chôn sâu mối tình xuống tận đáy lòng, bây giờ lại bị Vi Tiểu Bảo nhắc tới, khiến bà không khỏi bâng khuâng trong dạ. Sáng hôm sau Vi Tiểu Bảo trở dậy vào phòng Cửu Nạn để vấn an thì bà đã không từ biệt mà bỏ đi rồi. Bà để lại một mảnh giấy có viết chữ. Vi Tiểu Bảo cầm mảnh giấy đem cho Từ Thiên Xuyên đọc thì trên mảnh giấy này vỏn vẹn chỉ có tám chữ:

-“Liệu đấy mà làm có ngày tái hội” Vi Tiểu Bảo bồi hồi trong dạ, miệng lẩm bẩm:

-Hôm qua ta hỏi sư phụ ai là người võ công đệ nhất thiên hạ? Phải chăng câu này là đắc tội với lão nhân gia? Chẳng bao lâu đoàn người về tới Bắc Kinh. Kiến Ninh công chúa và Vi Tiểu Bảo cùng nhau vào bái yết Hoàng đế. Vua Khang Hy đã tiếp được bản tâu và phúc chỉ chuẩn cho Ngô ứng Hùng lai kinh hoàn hôn. Bây giờ nhà vua thấy mặt em gái và Vi Tiểu Bảo, long tâm rất lấy làm hoan hỷ. Kiến Ninh công chúa nhảy xổ vào ôm lấy Hoàng đế khóc rống lên. Nàng vừa khóc vừa nói:

-Thằng lỏi Ngô ứng Hùng khinh khi tiểu muội thái quá! Vua Khang Hy cười hỏi:

-Gã tiểu tử đó lớn mật như vậy ư? Để trẫm đét vào đít gã cho. Làm sao gã dám khinh khi Hoàng muội? Công chúa xụt xùi đáp:

-Hoàng đế ca ca hỏi lại Tiểu Quế Tử sẽ rõ. Hắn khinh nhờn tiểu muội. Nhất định Hoàng đế ca ca phải làm chủ việc này mới xong. Nàng vừa khóc vừa dậm chân bình bịch. Vua Khang Hy cười nói:

-Được rồi! Hoàng muội hãy về phòng an nghỉ, để ta hỏi Tiểu Quế Tử.

Chọn tập
Bình luận