Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lộc Đỉnh Ký

Chương 137 – Cuộc tứ hôn đưa đến Vân Nam

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Vi Tiểu Bảo về phòng mình lấy những mảnh da dê nát vụn ở trong các pho Tứ thập nhị chương kinh đem ra định ráp lại với nhau cho thành bản đồ. Gã nghĩ thầm:

– Tất cả tám pho kinh sách, ta đã lấy được bảy, chỉ còn thiếu một chút thì ta cũng có thể đoán ra đại khái được. Ngờ đâu gã cặm cụi mất hết nửa giờ mà chưa ráp xong được một góc địa đồ. Gã là con người hiếu động, thiếu nhẫn nại, đâm ra chán nản, không ngồi ráp nữa. Gã lại lấy tấm giấy dầu gói hàng ngàn mảnh da vụn cất cẩn thận vào trong mình. Sáng sớm hôm sau, gã khâu nốt mấy bộ bìa sách lại như cũ rồi bụng bảo dạ:

– Lão Khang là kỳ chủ đạo quân Hồng, vậy pho kinh sách của lão dĩ nhiên gáy màu đỏ. Ta lấy bộ sách gáy vàng đem đến cho lão. Gã liền chuồn pho kinh sách gáy vàng vào bọc rồi đến phủ Khang Thân Vương. Khang Thân Vương nghe Vi Tiểu Bảo tới, liền ba chân bốn cẳng chạy ra nghênh tiếp. Lão nắm lấy tay Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Thế nào? Thế nào? Vi Tiểu Bảo mặt buồn rười rười, lắc đầu không ngớt. Khang Thân Vương thấy vậy ngỡ là không thành sự, trái tim chìm hẳn xuống, nhưng ngoài miệng vẫn ai ủi gã:

-Vụ này thật là khó khăn! Song bữa nay chưa thành công thì… Vi Tiểu Bảo nói khẽ ngắt lời:

– Cái đó thì lấy được rồi. Nhưng sợ trong vòng mười ngày hay nửa tháng giả tạo kinh sách không kịp, biết làm thế nào? Khang Thân Vương mừng quýnh ôm choàng lấy Vi Tiểu Bảo chạy vào thư phòng. Bọn thị vệ thấy Vương gia cử động như vậy không khỏi cười thầm. Vi Tiểu Bảo lấy kinh sách trong bọc ra, hai tay cầm đưa lại hỏi:

– Có phải cái này không? Khang Thân Vương vồ ngay lấy, toàn thân run bần bật, mở bao sách ra coi rồi mừng rỡ đáp:

– Chính thị! Chính thị! Pho kinh này ở trong đại nội nên gáy sách màu vàng. Bây giờ chúng ta lập tức khởi công viết chữ và làm bản khắc. Huynh đệ ơi! Huynh đệ dạy ta dùng cách nào trì hoãn mấy bữa rồi sẽ vào chầu. Lão ngừng lại một chút rồi tiếp:

– à! Ta giả vờ ngã ngựa cho vỡ đầu chảy máu, hôn mê bất tỉnh, bao giờ chế tạo kinh sách xong sẽ vào triều. Huynh đệ tính thế có ổn không? Vi Tiểu Bảo lắc đầu đáp:

– Hoàng thượng là người rất anh minh. Vương gia giở trò này e rằng ngài không khỏi sinh lòng ngờ vực. Ngài đã có ý hoài nghi thì dâng kinh sách giả lên, ngài sẽ khám phá ra ngay. Gã ngừng lại một chút rồi hỏi:

– Bộ này so với bộ Vương gia đánh mất, ngài điểm gáy sách khác màu, còn chỗ nào không giống nữa chăng? Khang Thân Vương đáp:

– Chỉ có gáy sách khác màu, còn thì giống hệt. Vi Tiểu Bảo nói:

– Thế thì dễ lắm! Vương gia chỉ cần thay gáy sách màu đỏ vào rồi đưa trình Hoàng thượng ngay bữa nay là xong. Khang Thân Vương vừa kinh ngạc vừa mừng thầm, cất giọng run run:

– Cái này… cái này… trong cung bỗng nhiên mất kinh sách, tất mở cuộc điều tra, e làm liên lụy đến huynh đệ. Vi Tiểu Bảo đáp:

– Đêm hôm qua tại hạ lén lút lấy được kinh sách này, chẳng một ai hay. Tại hạ chắc bọn mặt dơi tai chuột trong cung không dám đả động gì đến tại hạ đâu mà ngại. Tại hạ xin bảo đảm vụ này với Vương gia là xong. Khang Thân Vương trong lòng cảm kích không lúc nào tả xiết. Lão cảm động cơ hồ sa lệ nắm chặt lấy hai tay Vi Tiểu Bảo rồi không thốt nên lời. Vi Tiểu Bảo trở vào cung lấy bốn bộ kinh sách khác đi kiếm ủy Tôn Giả và Lục Cao Thăng. ủy, Lục hai lão trông chờ gã đã mòn con mắt. Nay thấy gã đột nhiên tới nơi lại lấy được bốn bộ kinh sách cho giáo chủ thì mừng rỡ không biết đến thế nào mà kể. Vi Tiểu Bảo nói:

– Lục tiên sinh! Tiên sinh cấp tốc đem kinh sách về trình giáo chủ. Đồng thời tiên sinh bẩm cùng lão nhân gia và phu nhân là tại hạ đã nghe tin tức về bốn pho kia. Kết quả cuộc điều tra cho hay là chỉ có Ngô Tam Quế biết được những pho đó hiện giờ lạc lõng ở đâu. Bản sứ xin hết lòng tận trung phục vụ cho giáo chủ lão nhân gia cùng phu nhân, dù phải ức lần chết, triệu lần nguy hiểm cũng không lùi bước. Vì vậy bản sứ chuyến này đi Vân Nam chẳng khác gì dấn thân vào dầu sôi lửa bỏng, cũng tận tâm kiệt lực để tìm ra kinh sách. Gã lại bảo ủy Tôn Giả:

– Còn ủy Tôn Giả ở lại hộ vệ bản sứ giả đi lập công cho giáo chủ. ủy, Lục hai lão vâng dạ luôn miệng. ủy Tôn Giả nói:

– Lục huynh! Bạch Long sứ lập nên công lớn này, anh em mình cũng có phận nhờ. Giáo chủ có ban thuốc giải Độc long dịch cân hoàn thì Lục huynh sai người đem đến Vân Nam mau lẹ dùm cho. Lục Cao Hiên liền ưng lời ngay. Lão nghĩ bụng:

– Bạch Long sứ hãy còn nhỏ tuổi mà tài ba quả nhiên không phải tầm thường. Nếu sau này giáo chủ không thọ ngang thượng đế thì ngôi cao kia tất nhiên truyền cho gã. Ta không nhân cơ hội này cầu cạnh gã đi thì còn đợi đến bao giờ? Lão nghĩ vậy liền nói:

– Thư thuốc giải này quan hệ không phải tầm thường. Thuộc hạ chẳng thể yên tâm mà giao cho người khác được, nhất định phải thân hành đưa tới. Lão ngừng một chút rồi tiếp:

– Thưa Bạch Long sứ! Kẻ thuộc hạ xin dốc dạ trung thành với Tôn sứ. Thuộc hạ phải chờ tôn sứ uống thuốc giải trước rồi mới cùng ủy huynh uống sau. Nếu không thế thì dù Độc long dịch cân hoàn có phát tác mà thuộc hạ tay cầm thuốc giải cũng giải quyết không uống trước. Vi Tiểu Bảo cười nói:

– Hay lắm! Hay lắm! Lục tiên sinh dốc dạ trung thành với bản sứ giả như vậy, bản sứ giả vĩnh viễn chẳng bao giờ quên được tấm lòng chung thuỷ của tiên sinh. Lục Cao Hiên cả mừng, khom lưng nói:

– Thuộc hạ kính chúc Bạch Long sứ phước như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn. Vi Tiểu Bảo nghĩ bụng:

– Ta còn kém giáo chủ một bậc, vậy y chúc ta thọ tỷ Nam Sơn là đúng điệu rồi. Gã về cung chưa được mấy chốc đã thấy thái giám đến tuyên đọc sắc chỉ của triều đình phong cho gã Nhất đẳng Tử tước và làm Tứ hôn sứ để hộ tống Kiến Ninh công chúa đi Vân Nam vì Hoàng thượng ngự tứ cho nàng kết hôn cùng Bình Tây Vương thế tử là Ngô ứng Hùng. Sắc chỉ còn gia phong cho Ngô ứng Hùng làm đệ tam đẳng Ni Cáp Phiên tinh kỳ, kiêm Thái tử thái bảo. Vi Tiểu Bảo lấy tiền thưởng cho tên thái giám. Gã nghĩ thầm trong bụng:

– Thế này thì thật phước lớn cho tên Ngô ứng Hùng quá đổi. Gã được lấy nàng công chúa xinh đẹp lại được phong làm quan lớn. Ta từng nghe thầy đồ nói chuyện Nhạc Phi gia gia phong quan đến Thiếu bảo. Thằng lỏi thối tha Ngô ứng Hùng đã làm công trạng gì cho đất nước mà được phong tước ngang với Nhạc Phi gia gia? Sau gã lại tự nhủ:

– Nhưng Hoàng thượng cố ý phong chức quan to là để cho Ngô Tam Quế khỏi sinh lòng ngờ vực. Thực ra chẳng sớm thì muộn cha con gã sẽ bị mất đầu. Gã nghĩ tới đây lại thấy hả dạ. Vi Tiểu Bảo vào cung tạ ơn Vua Khang Hy. Gã tâu:

– Tâu Hoàng thượng! Chuyến này nô tài đi công cán ở Vân Nam, Hoàng thượng có cẩm nang diệu kế gì xin nói cho nô tài hay. Vua Khang Hy cười ha hả đáp:

– Tiểu Quế Tử đã không học vấn, mà cẩm nang diệu kế phải gói trong túi gấm, chẳng thể tiết lộ thiên cơ được. Có lý đâu cẩm nang diệu kế lại nói cho ngươi hay? Vi Tiểu Bảo tâu:

– Té ra là thế. Đáng tiếc nô tài không biết chữ. Vậy Hoàng thượng có cẩm nang diệu kế gì thì vẽ tranh cũng được. ái chà! Lần trước Hoàng thượng sai nô tài lên làm trụ trì chùa Thanh Lương đã ban thánh chỉ bằng bức vẽ rất đẹp. Vua Khang Hy cười nói:

– Tự cổ chí kim, chưa có bao giờ thánh chỉ mà không dùng văn tự mà lại dùng tranh vẽ. Trẫm e rằng chỉ có Vua tôi nhà mình là mở đầu vụ này. Vi Tiểu Bảo tâu:

– Thế mới gọi là “Tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả” Nhà Vua tươi cười khen ngợi:

– Hay lắm! Ký ức của ngươi khá đấy! Thành ngữ này ta mới dạy ngươi có một lần mà đã nhớ được ngay. Vi Tiểu Bảo tâu:

– Chỉ có Hoàng thượng giáo huấn là điều gì nô tài cũng ghi nhớ vào lòng được ngay, còn người khác dạy dỗ, nô tài lại quên sạch, mà không hiểu vì lẽ gì. Tỷ như câu “Nhất ngôn ký xuất…gì mã nan truy” nô tài không nhớ được là con ngựa gì? Gã nói tới đây thì một tên thái giám vào báo có Kiến Ninh công chúa xin đến cáo biệt nhà vua để ra đi. Vua Khang Hy đưa mắt cho Vi Tiểu Bảo rồi gọi công chúa vào. Kiến Ninh công chúa vào thư phòng, nhảy xổ vào lòng Hoàng đế khóc oà lên nói:

– Hoàng đế ca ca! Tiểu muội… tiểu muội… không muốn lấy chồng Vân Nam. Xin Hoàng đế ca ca thu hồi đạo thánh chỉ đó. Nguyên trước kia nhà Vua rất ưa thích cô em này từ thuở nhỏ, nhưng sau khi ngài biết những hành vi tàn ác của Thái hậu, ngài thù hận bà mẹ đâm ra chán ghét cả cô con. Nhà Vua gả công chúa cho Ngô ứng Hùng là cố ý hãm hại. Nhưng bây giờ ngài thấy cô khóc lóc tội nghiệp, trong lòng bất nhẫn. Có điều thánh chỉ đã ban ra khó nổi thu về. Ngài liền vỗ vai cô nói:

– Con gái lớn khôn thì phải lấy chồng. Ta đã kén cho muội muội một người trượng phu rất xứng đáng. Nhà Vua quay lại hỏi Vi Tiểu Bảo:

– Tiểu Quế Tử! Có phải tướng mạo Ngô ứng Hùng cực kỳ anh tuấn không? Ngươi hãy nói cho công chúa nghe đi. Vi Tiểu Bảo đáp:

– Đúng thế! Thưa công chúa! Vị phò mã kia là một chàng trai bảnh nổi tiếng ở Vân Nam. Chuyến đi trước y lai kinh mà ngoài cửa xảy chuyện mấy chục cô nương đánh nhau và ba cô bị uổng mạng. Kiến Ninh công chúa sửng sốt hỏi:

– Tại sao vậy? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Nguyên thế tử Bình Tây Vương nổi tiếng khắp thiên hạ là người đẹp chẳng kém gì Phan An, Tống Ngọc. Hôm y đến Bắc Kinh, hàng ngàn hàng vạn cô nương cùng thái thái chen chúc đi coi mặt. Mười mấy cô chen lấn nhau rồi xẩy cuộc ẩu đả gây thành án mạng. Kiến Ninh công chúa đang nước mắt chan hoà nghe gã nói không khỏi phì cười, hỏi lại:

– Ngươi chỉ khéo bịa chuyện, làm gì có vụ đó? Vi Tiểu Bảo hỏi lại:

– Thưa công chúa! Công chúa thử đoán coi vì lẽ gì mà Hoàng thượng phái nô tài đi hộ tống công chúa đến Vân Nam? Sao Hoàng thượng lại dặn nô tài phải dẫn binh hùng tướng mạnh để bảo vệ cho ổn thoả? Công chúa đáp:

– Đó là Hoàng đế ca ca hết dạ thương yêu ta nên đề phòng cẩn thận để khỏi xảy ra chuyện bất trắc, có chi là lạ? Vi Tiểu Bảo nói:

– Đúng thế! Đức Hoàng thượng là bậc anh minh nghĩ sâu lo xa. Công chúa thử tưởng tượng coi: Phò mã đã là một nhân vật thiếu niên anh tuấn thì trong thiên hạ biết bao vị cô nương mơ mộng được lấy y làm chồng. Nay y đột nhiên bị công chúa chiếm mất thì trong thiên hạ biết bao nhiêu chum giấm, bình giấm, hũ giấm bị tan tành. Những cô võ nghệ cao cường mà nổi cơn tam bành biết đâu chẳng đến làm khó dễ với công chúa? Chuyến này nô tài đưa công chúa xuống Vân Nam trách nhiệm rất nặng nề vì việc đối phó với cánh quân nương tử ăn phải giấm chua thật khó khăn vô cùng! Công chúa nghĩ thế có đúng không? Kiến Ninh công chúa cười nói:

– Người toàn nói chuyện bày trò. Làm gì có đạo quân nương tử ăn phải giấm chua? Mặt đẹp như hoa, trên má hãy còn đọng mấy giọt nước mắt trong như hạt châu, công chúa nhìn Vua Khang Hy nói tiếp:

– Hoàng đế ca ca! Tiểu Quế Tử đưa tiểu muội đến Vân Nam rồi ca ca bắt y ở lại bầu bạn với tiểu muội để giải những cơn phiền muộn. Không thế thì tiểu muội không đi đâu. Vua Khang Hy cười đáp:

– Được rồi! Để gã ở lại với muội muội cho có bạn trong một thời gian. Khi nào Hoàng muội quen nếp sống ở Vân Nam rồi gã sẽ trở lại kinh. Kiến Ninh công chúa nói:

– Tiểu muội yêu cầu Hoàng đế ca ca bắt gã vĩnh viễn ở lại Vân Nam đừng cho gã trở về nữa. Vi Tiểu Bảo thè lưỡi ra nói:

– Như vậy không được, phò mã gia tất sinh lòng chán ghét nô tài. Y mà nổi nóng lên chém một dao, Tiểu Quế Tử bay đầu thì còn lấy gì mà trở về Bắc Kinh? Công chúa bĩu môi nói:

– Hừ! Chẳng đời nào y làm thế! Vi Tiểu Bảo vừa ở trong ngự thư phòng đi ra liền gặp bọn thị vệ, thái giám tới tấp chạy đến dâng lời chúc hạ. Tên thị vệ nào cũng muốn tâng công để được gã cho đi Vân Nam. Chúng biết Ngô Tam Quế phú xưng địch quốc, chuyến này đi Vân Nam nhất định đại phát tài. Chiều hôm ấy, Khang Thân Vương vào cung rồi trở ra bảo gã:

– Huynh đệ ơi! Tiểu huynh đã đưa kinh sách trình Hoàng thượng. Ngài coi rồi ban khen mấy câu. Vi Tiểu Bảo nói:

– Thế là may lắm! Khang Thân Vương nói:

– Bất nhật huynh đệ sẽ lên đường đi Vân Nam. Vậy bữa nay ca ca thết tiệc một là để khánh hạ huynh đệ được phong tước tử, hai là để tiễn hành huynh đệ đăng trình. Lão dắt tay Vi Tiểu Bảo ra khỏi Hoàng cung nhưng không đưa về phủ Thân Vương mà lại dắt đến một toà phủ đệ rất sang trọng ở phía đông thành. Tòa nhà này tuy không rộng lớn bằng phủ Khang Thân Vương nhúng chạm trổ rất tinh vi, bên ngoài lại đủ cả vườn hoa cây cảnh cùng núi đá. Cách kiến trúc cực kỳ xa hoa. Khang Thân Vương hỏi:

– Huynh đệ coi nhà cửa phòng ốc ở nơi đây thế nào? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Đẹp lắm! Thật là tuyệt mỹ! Vương gia quả nhiên là nhân vật am hiểu về cung cách hưởng thụ. Phải chăng Vương gia dùng nơi đây làm chỗ di dưỡng tinh thần? Khang Thân Vương chỉ mỉm cười mà không đáp. Lão đưa Vi Tiểu Bảo vào trong nhà đại sảnh. Trong nhà đại sảnh đã có rất đông quan khách chờ s½n. Bọn Sách Ngạch Đồ, Đa Long hối hả chạy ra nghênh tiếp. Những câu •cung hỷ• vang lên không ngớt. Khang Thân Vương tươi cười nói:

– Bữa nay là tiệc mừng Vi đại nhân cao thăng quan tước. Theo lẽ y đáng ngồi vào thủ tịch nhưng y là chủ nhân toà nhà này thì phải ngồi vào địa vị chủ nhân. Vi Tiểu Bảo lấy làm kỳ hỏi:

– Sao lại là chủ nhân toà nhà này? Khang Thân Vương cười đáp:

– Toà nhà này là Tử tước phủ của Vi đại nhân.Tiểu huynh đã chuẩn bị đầy đủ cho hết cả: phu xe, nhà bếp, nô bộc, nữ tỳ không thiếu thứ gì. Có điều sắp đặt một cách vội vàng, e rằng không được chu toàn. Vậy nếu huynh đệ thấy còn khiếm khuyết gì thì sai người qua bên nhà tiểu huynh mà lấy. Ha ha! Ha ha! Vi Tiểu Bảo vừa kinh ngạc vừa vui mừng, gã giúp Khang Thân Vương xong xuôi được việc lớn mà chẳng mất mát một đồng một chữ, lại không nguy hiểm gì. Tuy gã biết thế nào lão cũng tạ ơn, nhưng không ngờ lão cư xử trọng hậu thế này. Trong lúc nhất thời gã ngập ngừng không nói nên lời, chỉ ngập ngừng:

– Cái này…cái này….sao lại thế được? Khang Thân Vương nắm lấy tay gã nói:

– Chúng ta đã kết giao sinh tử có nhau, làm gì còn có chuyện riêng tư. Vào đây! Vào đây! Chúng ta uống một bữa cho thỏa thích. Bữa nay mà vị nào không say lúy túy thì không được về. Tiệc rượu này ai nấy đều vui vẻ, say sưa rồi giải tán. Vi Tiểu Bảo bây giờ đã được phong tước Tử, công việc ở ngự thiện phòng trao lại cho người khác rồi, gã cũng không cần trở về nội cung làm thái giám nữa. Đêm hôm ấy gã ngủ trong một toà nhà cực kỳ hoa lệ. Chỗ nào không bày đồ nạm vàng giát bạc, thì cũng trướng rủ màn che, gấm vóc lụa là. Bỗng gã lẩm bẩm:

– Tổ bà nó! Giả tỷ ta mở kỹ viện trong Tử tước phủ này thì đến mười cái Lệ Xuân Viện cũng không bì kịp. Sáng sớn hôm sau Vi Tiểu Bảo đến bái kiến Cừu Nạn báo tin cho bà hay gã được Hoàng đế phái đi tống hôn đến Vân Nam. Cừu Nạn nói:

– Vậy thì hay lắm! Ta cùng đi với ngươi một chuyến. Vi Tiểu Bảo mừng rỡ vô cùng, quay lại ngó A Kha. Cừu Nạn nói:

– Cả A Kha cũng đi. Vi Tiểu Bảo càng khoan khoái hơn. Đây là nỗi vui mừng gấp trăm lần được Hoàng đế phong cho tước Tử. Vi Tiểu Bảo cáo biệt Cừu Nạn rồi đến trụ sở Thiên Địa Hội. Trần Cận Nam nghe gã thuật chuyện sắp phải đi Vân Nam. Ông trầm ngâm rồi nói:

– Hoàng đế mà sủng ái Ngô Tam Quế như vậy thì trong lúc nhất thời khó lòng lật hắn được. Nhưng đây cũng là một cơ hội rất tốt. Tiểu Bảo! Tên gian tặc Ngô Tam Quế không muốn tạo phản thì chúng ta cũng kích thích cho hắn tạo phản. Nếu khiêu khích không thành công vu oan cho hắn có ý phản nghịch. Đáng lẽ ta cùng đi với ngươi, nhưng nhị công tử lọt vào tay Thi Lang, ta phải ở lại tìm cách cứu y. Còn ngoài ra trong đám anh em ngươi đưa đi hết cả Vân Nam cũng được. Vi Tiểu Bảo nói:

– Thưa sư phụ! Nhị công tử là người tồi bại, sư phụ không nên cứu y vì y thoát nạn rồi lại thành mối hậu hoạn rất lớn. Trần Cận Nam thở dài đáp:

– Ngươi nói rất có lý, nhưng Quốc tính gia và Vương gia đồi với ta ơn nghĩa rất thâm trọng, dù tan xương nát thịt cũng không đủ báo đền. Nhị công tử là con yêu của Vương gia, ta chẳng thể không cứu được. Vi Tiểu Bảo lại nói:

– Thi Lang là con người khả ố như vậy, đệ tử sẽ đưa hơi cho Hoàng đế Thát Đát lấy mấy câu là hắn mất đầu. Trần Cận Nam đứng dậy dõng dạc nói:

– Bất tất phải thế. Thằng cha Thi Lang này tự phụ vô cùng. Ta đối với hắn khi nào chịu khiếp nhược. Phen này quyết cùng hắn tỷ đấu một phen. Nếu mượn tay Thát Đát giết hắn thì không phải là anh hùng hảo hán. Ông nói rồi ngửng đầu trông ra ngoài, thái độ rất hiên ngang. Vi Tiểu Bảo lại nói:

– Dạ! Đã thế thì các huynh đệ nên ở lại hết để giúp đỡ sư phụ. Bằng không đệ tử chẳng yên lòng chút nào. Trần Cận Nam vỗ vai gã, ngọt ngào đáp:

– Ngươi có lòng kính hiếu như vậy là hay lắm! Nhưng việc giải cứu nhị công tử ta đã có kế hoạch, không cần phải dùng nhiều người. Việc trừ Hán gian Ngô Tam Quế là một đại sự quan trọng bậc nhất hiện nay, chúng ta nên dồn hết lực lượng vào đó để làm cho thành công. Sau khi giải cứu nhị công tử ra rồi ta cũng đến Vân Nam ngay. Chúng ta không thể để cho họ Mộc tranh tiên trong vụ này được. Vi Tiểu Bảo gật đầu đáp:

– Đúng thế! Nếu để Mộc vương phủ hạ thủ trước thì rồi đây Thiên Địa Hội chúng ta phải tuân theo hiệu lệnh của họ là nhục lắm. Trần Cận Nam đưa tay ra cầm mạch Vi Tiểu Bảo, lại bảo gã thè lưỡi ra coi. Ông lộ vẻ lo âu nói:

– Chất độc trong mình ngươi không hiểu sao lại biến tính. Còn may là ở chỗ nó chưa phát tác trong thời gian ngắn. Những nội công ta truyền dạy cho ngươi tạm thời phải dừng lại, không nên tiếp tục rèn luyện nữa để đề phòng chất độc xâm nhập vào các kinh mạch thì rồi đây khó khu trục ra ngoài. Vi Tiểu Bảo cả mừng tự nhủ:

– Sư phụ bảo ta nghĩ luyện công là một điều mong còn chưa được. Nay lão nhân gia tự mình ra lệnh dĩ nhiên sau này người không thể phiền trách ta được. Sau mấy ngày chuẩn bị đầy đủ, Vi Tiểu Bảo thống lĩnh một toán ngự tiền thị vệ, một đội Kiêu Kỵ doanh binh, quần hùng trong Thiên Địa Hội và ủy Tôn Giả ở Thần Long Giáo. Gã từ biệt Vua Khang Hy cùng Thái hậu rồi ra đi hộ tống Kiến Ninh công chúa tới Vân Nam. Cừu Nạn và A Kha hoá trang làm cung nữ trà trộn vào đám đông. Quần hùng Thiên Địa Hội và ủy Tôn Giả cũng thay hình đổi dạng làm kẻ tùy tùng Vi Tiểu Bảo. Vi Tiểu Bảo cưỡi con ngựa Ngọc Thông của Khang Thân Vương tặng cho, gã được tiền hô hậu ủng lên đường, vẻ mặt nhơn nhơn tự đắc, nhằm hướng Nam mà tiến. Dọc đường, Vi Tiểu Bảo được các quan địa phương long trọng đón tiếp. Dĩ nhiên ai cũng hết lòng tâng bốc “Tứ hôn sứ đại nhân”. Họ xu phụ luồn cúi Vi Tiểu Bảo chẳng khác gì quan Khâm sai đại thần. Vi Tiểu Bảo nức lòng hả dạ. Từ ngày gã làm đương sai cho triều đình chưa bao giờ gã lại tỏ ra khoan khoái như lần này. Bất giác gã lẩm bẩm:

– Con mẹ nó! Mụ điếm già kém bề cạnh tranh, chỉ sinh hạ được một cô con gái. Giả tỷ mụ đẻ liên hồi mười bảy, mười tám cô để lão gia chuyên nghề “Tống hôn đại thần” đưa đi gả chồng từng cô một thì có phải lão gia được bao nhiêu người hoan hô, cung phụng. Vàng bạc châu báu cùng vật quí giá tha hồ mà lấy, bất cứ việc gì cũng không bằng. Một hôm đoàn người ngựa đến Trịnh Châu. Viên tri phủ ra đón tiếp cả phái đoàn vào nghỉ đêm trong vườn hoa nhà họ Trịnh, một tay đại phú gia ở địa phương này. Nơi đây mở yến tiệc thết đãi cực kỳ trọng hậu. Tiệc tan, Kiến Ninh công chúa lại triệu Vi Tiểu Bảo đi đến một chỗ nói chuyện phiếm. Từ ngày ra khỏi kinh thành, ngày nào cũng như ngày ấy, ngoài những lúc đi đường cùng yến tiệc, công chúa cũng tìm một nơi trò chuyện với Vi Tiểu Bảo. Vi Tiểu Bảo vẫn còn sợ công chúa ngứa chân ngứa tay vung lên đấm đá nên lần nào gã cũng dẫn Mã Ngạn Siêu và Tiền Lão Bản đi theo. Dù công chúa năn nỉ cũng thế mà nổi giận cũng thế, chẳng khi nào gã chịu rời bỏ hai người để ngồi một mình. Đêm hôm ấy cả ba người cùng đến nhà tiểu sảnh, ngoài phòng ngủ công chúa. Công chúa bảo Vi Tiểu Bảo ngồi xuống nói chuyện. Tiền Lão Bản va Mã Ngạn Siêu đứng đằng sau gã. Lúc này đang tiết mùa hạ, khí trời nóng nực. Công chúa mặc phong phanh một tấm áo mỏng. Nét mặt công chúa hồng hào, trên môi đọng những hạt mồ hôi lấm tấm. Nhan sắc cô đã xinh đẹp, lúc này lại thêm phần kiều diễm. Vi Tiểu Bảo lẩm bẩm:

– Kiến Ninh công chúa tuy nhan sắc còn thua cô vợ mình nhưng cũng là nhân tài vào bậc nhất rồi. Thằng lỏi Ngô ứng Hùng lấy được cô vợ này thật là diễm phúc nhà gã tày đình. Công chúa bỗng ngoảnh đầu trông ra hỏi:

– Tiểu Quế Tử! Ngươi có thấy bữa nay trời nóng nực lắm không? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Nô tài vẫn dễ chịu không lấy gì làm nóng nực lắm. Công chúa lại hỏi:

– Ngươi không nóng mà sao trán ngươi cũng toát mồ hôi nhiều thế? Vi Tiểu Bảo đưa tay áo lên lau mồ hôi rồi mỉm cười nhưng không trả lời. Lúc này một tên cung nữ bưng một cái liễn màu ngũ sắc vào. Thị đặt liễn trên bàn nói:

– Khải bẩm công chúa! Đây là Toan mai thang ướp lạnh của Mạnh tri phủ cung tiến để công chúa dùng cho mát. Công chúa cả mừng đáp:

– Tốt lắm! Ngươi múc ra một chén để ta nếm thử coi.

Chọn tập
Bình luận
× sticky