Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lộc Đỉnh Ký

Chương 142 – Vi Tiểu Bảo dò la động tĩnh

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Hãn Thiếp Ma thấy Vi tiểu bảo ngồi thừ ra ngẫm nghĩ chẳng nói năng gì, mặt lộ vẻ kém vui, liền hỏi:

– Chẳng hay tiểu vương gia có điều chi chỉ giáo? Vi Tiểu Bảo đứng dậy, miệng hậm hực:

– Con mẹ nó! Ta còn có có điều chi chỉ giáo? Phụ vương có làm Hoàng đế thì sau này ca ca ta lên thừa kế ngôi báu, ta bất quả là một tên thân vương điện hạ cũng chẳng thú gì? Hãn Thiếp Ma tỉnh ngộ tiến đến bên Vi Tiểu Bảo khẽ đáp:

– Vương tử của tiểu nhân đã là bạn thân của tiểu vương gia, vậy tiểu nhân trở về sẽ trình bày ý nghĩ của tiểu vương gia với ngài là xong việc. Sau khi trình bày đại sự, xứ Mông Cổ và nước La Sát, thêm vào Hoạt Phật ở Tây Tạng, cả ba nơi đều hết sức bênh vực tiểu vương gia thì… tiểu vương gia còn lo gì nữa? Vi Tiểu Bảo lẩm bẩm:

– Té ra bốn nước khởi binh là Mông Cổ, Tây Tạng, La Sát, và thêm vào Ngô Tam Quế. Gã làm bộ vui mừng nói:

– Nếu cả ba nơi các vị thực lòng giúp sức thì dĩ nhiên ta có thể nắm được đại quyền. Khi đó ta nhất định đền đáp trọng hậu, quyết chẳn khi nào quên tấm lòng tốt của tiểu huynh. Gã lấy trong bọc ra tập ngân phiếu một vạn lạng bạc đưa cho Hãn Thiếp Ma và bảo hắn:

– Đây là chút bạc vụn để lão huynh tiêu vặt trước. Hãn Thiếp Ma thấy Vi Tiểu Bảo xử đối rộng rãi thì trong lòng mừng rỡ khôn xiết, liền cúi đầu bái tạ. Lúc trước hắn còn có chút nờ vực, nhưng bây giờ thì tiêu tan hết rồi. Hắn yên trí tiểu vương gia này muốn tranh ngôi Hoàng đế mai hậu với ca ca gã là Ngô ứng Hùng. Hắn ở giữa bị thóc chọc bị gạo là một mối lợi cho hắn. Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Quý vương tử có nói đến sau khi thành sự, thiên hạ sẽ được phân chia cách nào không? Hãn Thiếp Ma đáp: Phần giang sơn gấm vóc bao la ở Trung Nguyên dĩ nhiên đều của Ngô gia. Đất Tây Xuyên và tỉnh Thanh Hải căựt về Tây Tạng cho Hoạt Phật. Hai miền nam bắc núi Thiên Sơn, Đông tứ minh, Tây nhị minh, đất Nội Mông và ba tỉnh Sát Cáp Nhĩ, Nhiệt Hà, Tuy Viễn thuộc về Mông Cổ của Tệ vương tử. Vi Tiểu Bảo nói:

– Khu này rộng quá nhỉ? Nguyên gã chẳng biết phần đất này lớn nhỏ thế nào nhưng nghe Hãn Thiếp Ma kể ra nhiều địa danh liền cho là phần đất của Mông Cổ rất rộng lớn. Hãn Thiếp Ma mỉm cười đáp:

– Xứ Mông Cổ của bọn tiểu nhân phải vì vương gia mà ra sức nhiều hơn hết, thì có phần đất lớn hơn một tí cũng đáng lắm. Vi Tiểu Bảo gật đầu hỏi:

– Còn nước La Sát phần nào? Hãn Thiếp Ma đáp:

– Đại Hoàng Đế nước La Sát nói là cương thổ của nước ngài với địa hạt của Vương gia xin lấy Sơn Hải Quan làm ranh giới. Bọn họ quyết không bước chân vào phía trong quan ải. Bên ngoài Sơn Hải Quan nguyên là ranh giới của bon Thát Đát. Nước La Sát chỉ chiếm phần đất người Mãn Châu, quyết chẳng lấn vào Trung Quốc một tấc. Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Cách phân chia như vậy kể cũng công bằng Quí vương tử chuẩn bị đến bao giờ sẻ khởi sự? Hãn Thiếp Ma đáp:

– Đại sự này chủ trương ở nơi vương gia. Còn ba nhà kia chỉ là hưởng ứng giáp công. Vậy ngày ra quân hay nhất thiết mọi việc hoàn toàn ở nơi vương gia quyết định. Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Phụ vương tại hạ còn muốn biết đích xác khi bọn ta ra quân thì ba nơi các vị hưởng ứng bằng cách nào? Hãn Thiếp Ma đáp:

-Vương gia bất tất phải quan tâm về điểm này. Hễ đại quân của Vương gia kéo ra khỏi Vân Nam, Quí Châu, thì đạo tinh binh của Mông Cổ bên tiểu nhân từ phương tây kéo lại. Đoàn kỵ binh của Kha Tát Khắc nước La Sát từ phương bắc kéo xuống, dĩ nhiên có cả đội pháo binh của nước này. Thế là Bắc Kinh bị hai mặt giáp công. Kế đó lập tức Tạng binh của Hoạt Phật tử từ Tây Tạng kéo vào đánh Lược Châu. Lại còn kỳ binh của Thần Long giáo… Vi Tiểu Bảo ồ lên một tiếng, hai tay vỗ đùi, hỏi xen vào:

– Công việc của Thần Long giáo, sao các vị cũng biết? Hồng giáo chủ bảo sao? Gã nghe tới Thần Long giáo cũng dính líu vào cuộc đại âm mưu này trong lòng chấn động. Giọng nói phát run: Hãn Thiếp Ma thấy Vi Tiểu Bảo lộ vẻ khác lạ liền hỏi:

– Vương gia có đem chuyện Thần Long giáo nói với tiểu vương gia rồi ư? Vi Tiểu Bảo cười ha hà đáp:

– Sao lại không nói? Tại hạ đã cùng Hồng giáo chủ và Hồng phu nhân đàm luận mấy lần. Tại hạ còn gặp Ngũ Long sứ trong giáo này nữa là khác.Tại hạ cứ tưởng quý vương tử chưa biết việc đó. Hãn Thiếp Ma mỉm cười nói:

– Hồng giáo chủ ở Thần Long giáo đã chịu sắc phong của đại Hoàng đế nước La Sát. Vậy nước La Sát mà ra quân. dĩ nhiên Thần Long giáo phải hưởng ứng.Trong tương lai bao nhiêu hải đảo ở Trung Quốc, gồm cả đảo Đài Loan và đảo Hải Nam đều thuộc quần hạ Thần Long giáo. Hắn ngừng một chút rồi tiếp:

– Ngoài ra còn Cảnh Tịnh Trung ở Phúc Kiến, Thượng Khả Hỷ ở Quảng Đông cũng hưởng ứng công cuộc này. Như vậy thì thiên hạ của nhà Mãn Thanh còn gì mà không lọt vào tay Vương gia? Vi Tiểu Bảo cười khanh khách nói:

– Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu! Nhưng thực tình trong bụng gã la thầm:

– Hỏng bét! Thực là hỏng bét! Gã hãy còn nhỏ tuổi, gặp việc bình thường thì gã dối trá không lộ chỗ nào sơ hở nhưng đụng phải quốc gia đại sự, trong lòng không khỏi lo âu cho tiểu Hoàng đế. Câu gã nói: “Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu!”, nét mặt chẳng lộ vẻ hân hoan chút nào. Hãn Thiếp Ma là con người tinh quái. Hắn đã nhìn thấy Vi Tiểu Bảo có mối tâm sự làm cho kém vui, liền nói:

– Tiểu vương gia có mối giao tình mật thiết với vương tử của tiểu nhân, mà ngay đối với chính tiểu nhân tiểu vương gia cũng có lòng hậu đãi. Tiểu nhân dù tan xương nát thịt cũng không đủ báo đáp. Nếu Tiểu Vương gia có chỗ nào nan giải thì xin nói rõ cho hay, hoặc giả tiểu nhân có thể giúp đỡ thì muôn thác cũng chẳng từ nan. Vi Tiểu Bảo đáp:

– Tại hạ đang nghĩ đến việc thiên hạ bị xâu xé thành nhiều mảnh thì sau này mình có lên làm Hoàng đế cũng bị cảnh giang sơn chia năm xẻ bảy, nên không được vui dạ. Hãn Thiếp Ma lẩm bẩm:

– Té ra gã lo âu về việc này nhưng cũng thật có lý. Liền khẽ nói:

– Xin tiểu vương gia hãy minh xét đặng tính kế vẹn toàn, bất tất phải lo nghĩ. Sau này khi đại sự thành rồi thì hay hơn hết là trừ khử bọn Cảnh Tỉnh Trung, Thượng Khả Hỷ, Khổng Tử Trinh đi. Lúc đó tiểu vương gia có cần đến quân Mông Cổ giúp đở thì dĩ nhiên bọn tiểu nhân phải vì nghĩa khí mà hưởng ứng ngay. Vi Tiểu Bảo làm bộ hoan hỷ đáp:

-Đa tạ! Đa tạ! Vụ này tôn sứ nói cho cho Vương tử nghe, Tôn sứ là một nhân vật tâm phúc rất thân tín của Cát Nhĩ Đan điện hạ, vậy đã ưng thuận điều gì thì chẳng khác chính Vương tử điện hạ hứa lời. Hãn Thiếp Ma cảm thấy hơi khó khăn cho mình, nhưng lại nghĩ tới đây là việc về sau, bây giờ cứ hứa bừa cũng chẳng hại gì. Hắn liền vỗ ngực nói:

– Tiểu nhân nhất quyết gắng sức hết lòng vì tiểu vương gia, chẳng khi nào phụ lòng trông cậy. Vi Tiểu Bảo lại căn vặn hồi lâu, nhưng cũng không hỏi thêm dược gì nữa, liền nói:

– Tôn sứ hãy ở đây nghĩ ngơi, tại hạ về báo cho phụ vương hay. Gã khẽ dặn:

– Câu chuyện giữa chúng ta vừa rồi, tôn sứ chớ tiết lộ với ai nửa lời. Tệ ca ca mà phát giác ra tất hạ độc thủ giết chết tại hạ, dù phụ vương có muốn cứu cũng không được. ở Mông Cổ, cái cảnh anh em trong họ tranh giành quyền vị, tàn sát lẫn nhau, Hãn Thiếp Ma đã chứng kiến nhiều rồi. Hắn biết rõ vụ này không phải chuyện tầm thường, liền quì xuống, trỏ tay lên trời lập lời trọng thệ. Vi Tiểu Bảo ra khỏi phòng, lại dặn bọn Phong Tế Trung, Từ Thiên Xuyên phòng thủ nghiêm ngặt, đừng để cho Hãn Thiếp Ma bỏ đi. Đoạn gã vào thăm Dương Dật Chi.Vừa mở cửa phòng, gã giật mình kinh hãi vì thấy cái mình Dương Dật Chi nằm lăn dưới đất. Vi Tiểu Bảo vội lại gần coi thì thấy cặp mắt y trợn tròn xoe, người không nhúc nhích chẳng hiểu y chết tự bao giờ rồi. Tấm chăn trắng trên giường có mấy chữ lớn viết bằng máu. Vi Tiểu Bảo chỉ nhận dược chữ “Tam” và chữ ” Quế “. Gã quay lại hỏi:

– Những chữ gì đây? Mã Ngạn Siêu đáp:

– Đó là bảy chữ ” Ngô Tam Quế tạo phản bán nước ” Vi Tiểu Bảo thở dài nói:

– Dương đại ca lúc lâm tử cũng còn dùng cánh tay bị chặt đứt để viết lên những chữ này tố cáo cho ta hay. Mã Ngạn Siêu buồn rầu nói theo:

– Đúng thế! Vi Tiểu Bảo liền triệu tập quần hùng trong Thiên Địa hội lại nói cho bọn họ nghe những lời hỏi được ở nơi Hãn Thiếp Ma Ai nấy đều nổi lòng phẫn kích, thóa mạ Ngô Tam Quế là một tên Hán gian khốn kiếp, bán nước một lần chưa xong, lại toan bán đến lần thứ hai. Huyền Trinh đạo nhân nghiến răng ken két. Đột nhiên y cởi áo ra nói:

– Xin quí vị hãy nghe câu chuyện của bần đạo. Quần hùng thấy trước ngực y có một vết sẹo rất lớn, da nhăn lại, xương lồi ra, coi rất rùng rợn. Bên vai trái y lại có một vết đao thương dài chừng hơn thước. Mọi người tuy kết giao với y lâu ngày mà chưa ai hay trong mình y lại mang nhiều vết thương khủng khiếp như vậy. Nay mới thấy lần đầu đều phát khiếp. Huyền Trinh đạo nhân nói tiếp:

– Đây là những vết thương do hỏa pháo của bọn ác quỷ nước La Sát gây nên. Vi Tiểu Bảo hỏi:

– Đạo trưởng đã giao thủ với bọn người la Sát rồi hay sao? Đạo trưởng bị những vết thương này trong trường hợp nào? Huyền Trinh đạo nhân vẻ mặt thê thảm đáp:

– Phụ thân, bá thúc cùng huynh trưởng của bần đạo cả thảy chín mạng người đều bị chết về tay bọn quỷ dữ La Sát. Cả việc bần đạo xuất gia cũng do vụ đó mà ra. Đạo nhân liền thuật lại những chuyện đã trải qua:

– Nguyên nhà Huyền Trân đạo nhân làm nghề hàng da đễ sinh sống đã truyền mấy đời. Nhà này mở tiệm Phúc Xương bán đồ da ở Trương Gia Khẩu.Tiệm Phúc Xương dựng ra đã đến trăm năm. Một hôm bá phụ và phụ thân Huyền Trân đạo nhân dẫn anh em con cháu ra ngoài quan ải để mua các loại da quí như Ngân hồ, Từ điêu. Dọc đường bọn họ gặp người La Sát. Chúng thấy bọn này có tiền bạc cùng hóa vật liền ra tay đánh cướp. Hãng da Phúc Xương có mướn ba vị tiêu sư theo để bảo vệ, nhưng súng ống của người La Sát ghê gớm vô cùng! Chúng vừa khai pháo, ba vị tiêu sư lập tức uổng mạng. Còn phụ huynh, bá thúc Huyền Trinh đạo nhân đều chết vì đao thương. Huyền Trinh bị trúng đao ở đầu vai. Trước ngực bị thương về chất nổ, nằm ngất xỉu trong vũng máu. Bọn La Sát tưởng y chết rồi liền cướp lấy kim ngân hóa vật rồi bỏ đi. Huyền Trinh sau khi tỉnh lại lẩn quẩn ở trong rừng dưỡng thương mấy tháng mới khỏi. Cuộc đại họa này khiến gia đình y khánh kiệt gia tài. Tiệm hàng cũng đóng cửa. Huyền Trân chán ngán sự đời liền xuất gia làm đạo nhân. Sau cơn quốc biến, Huyền Trân gia nhập Thiên Địa Hội, nhưng hễ nghĩ tới hỏa khí của người La Sát dù là sự việc cách đây hơn hai chục năm, đến nay vẫn còn khủng khiếp. Nhiều khi nửa đêm y đột nhiên gặp cơn ác mộng lại kêu thét thật to rồi kinh hoàng tỉnh giấc. Mã Ngạn Siêu nói:

– Người La Sát đã lợi hại về môn hỏa khí thì ta tìm cách phá môn đó đi là không sợ gì chúng nữa. Huyền Trinh lắc đầu đáp

– Hỏa khí của chúng phát ra chẳng khác gì sấm nổ chớp nhoáng. Dù ai võ công cao cường đến đâu cũng không tránh kịp, chứ đừng nói chuyện chống đối. Từ Thiên Xuyên nói: Quân La Sát muốn liên thủ với Ngô Tam Quế cướp lấy giang sơn của bọn Thát Đát thì chúng ta cứ việc tụ thủ bàng quan, để mặc chúng đánh nhau đến long trời đất lở, rồi chúng ta giữ địa vị ngư ông ở giữa thủ lợi, thừa cơ khôi phục lại giang sơn nhà Đại Minh. Huyền Trinh nói: Bần đạo e rằng chúng ta lâm vào tình trạng mặt trước chống hổ dữ cửa sau ngừa lang sói. Người la Sát so với quân Thát Đát còn hung tàn gấp mười. Bọ chúng trừ xong Mãn Thanh rồi, quyết chẳng chịu để Sơn Hải Quan làm ranh giới, mà còn vượt qua quan ải để chiếm cứ thiên hạ rộng lớn của ta. Từ Thiên Xuyên hỏi:

– Chẳng lẽ lúc đó chúng ta lại giúp bọn Thác Đát ở Mãn Châu? Quần hùng nghị luận phân vân, ai cũng có ý riêng của người đó. Vi Tiểu Bảo quyết chí giúp vua Khang Hy nhưng không dám công nhiên tuyên bố. Gã hỏi:

– Vụ này chưa cần quyết định vội ngay bây giờ. Chúng ta đã cướp Dương đại ca, lại bắt Hãn Thiếp Ma và Dương Nhất Phong. Chỉ trong nháy mắt là có kẻ báo cáo đến tai Ngô Tam Quế. Vậy chúng ta đối phó bằng cách nào? Mọi người ngẫm nghĩ kế hoạch. Người thì bảo lập tức trở mặt động thủ với họ, kẻ thì bàn nhân lúc đêm khuya trốn đi liền. Vi Tiểu Bảo nói:

– Con rùa già rất nhiều binh mã và thủ hạ, thì mình đánh lại thế nào được? Địa phương Vân Nam, Qui Châu rất rộng lớn, chạy trốn trong mười ngày hay nửa tháng cũng chưa thoát khỏi bàn tay của chúng. Hừ! Bây giờ đành thế này vậy. Các vị đem tên cẩu quan Dương Nhất Phong và thi thể Dương đại ca trả về nhà ngục

. Quần hùng sửng sốt hỏi:

– Đưa trả về nhà ngục ư? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Đúng thế! Chúng ta chỉ hăm doạ tên cẩu tặc Dương Nhất Phong mấy câu là hắn không dám la lối hoặc tiết lộ vụ này, vì hắn có báo cáo lên thượng cấp thì chính hắn cũng không thoát khỏi bị liên lụy. Còn Dương đại ca chết rồi, giữ thi thể y lại cũng không ích gì. Quần hùng tuy có nhiều lịch duyệt và kinh nghiệm giang hồ, nhưng đối với tâm tính kẻ làm quan thì đâu có hiểu rõ bằng Vi Tiểu Bảo? Ai cũng nghĩ nước cờ này là quá mạo hiểm, vì cướp ngục bắt quan là việc lớn, họ sợ Dương Nhất Phong nhất định phải trình báo với thượng ty. Huyền Trinh đạo nhân ngần ngại nói:

– Bần đạo xem chừng tên cẩu quan Dương Nhất Phong là kẻ nhát gan. E rằng

•gã không dám dấu diếm đại sự này và sẽ báo cáo với Ngô Tam Quế. Vi Tiểu Bảo cười đáp:

– Ta không nên lo gã nhát gan mà chỉ sợ gã là một đứa ngu xuẩn vô dụng không biết đường làm quan. Trong quan trường đã có câu: có lừa bịp nên lừa bịp người trên chứ đừng dối gạt kẻ dưới thì những việc tày đình lấp liếm dễ như chơi. Chẳng ai muốn trát lọ nồi vào mặt đâu mà ngại. Thôi được! Các vị hãy đem tên cẩu quan đó lên đây để tại hạ thức tỉnh gã mấy câu. Mã Ngạn Siêu trở gót bước ra đem Dương Nhất Phong vào đặt xuống đất. Dương Nhất Phong vừa bị đánh đòn lại vưà khiếp sợ, mặt hắn cắt không còn hạt máu. Vi Tiểu Bảo cười nói:

– Dương lão ca! Lão ca đã phải chịu một phen tân khổ. Dương Nhất Phong ấp úng đáp:

– Dạ dạ… Tiểu nhân không.. không dám. Vi Tiểu Bảo lại cười nói:

– Dương lão ca quả đúng là người bạn tốt của bản sứ mới đem cả đại sự bí mật của Bình Tây Vương nói cho biết rõ từ chân tơ kẽ tóc, không giấu diếm mảy may nào cả. Bây giờ thế này nhé! Chúng ta đã có duyên gặp gỡ, bọn tại hạ tha lão ca về. Những việc cơ mật của Bình Tây Vương mà lão ca đã có hảo tâm cho bản sứ hay, bản sứ nhất quyết giữ kín trong lòng, chẳng hở môi với ai hết. Đã là hán tử giang hồ thì phải nói một là một, hai là hai. Còn lão ca có thích đem tuyên dương với người khác để đối nghịch với Bình Tây Vương một cách công khai thì đó là việc riêng của lão ca, bản sứ không tiện khuyên can. Ha ha! Ha ha! • Dương Nhất Phong toàn thân run bần bật đáp:

– Tiểu nhân dù lớn mặt đến đâu cũng… cũng không dám thế… Vi Tiểu Bảo nói:

– Hay lắm! Các vị huynh đệ hãy hộ tống Dương đại nhân về nha môn hành sự. Cả thi thể tên tử tù đó cũng trả hết để bề trên hỏi tới, Dương đại nhân mới có thể phúc đáp cho yên việc. Quần hùng vâng dạ tuân theo. Dương Nhất Phong vừa kinh hãi, vừa mừng thầm lại vừa ngớ ngẩn hồ đồ, để quần hùng đưa đi. Mấy ngày kế đó ở Thiên Địa hội đều hồi hộp trong lòng, chỉ lo Dương Nhất Phong đem mọi việc báo cáo với Ngô Tam Quế thì có thể đại đội nhân mã dưới trướng Bình Tây Vương sẽ kéo đến bổ vây An Phụ viên để bắt hết. Sau mấy ngày, quần hùng không thấy động tĩnh gì, nhưng vẫn thấp thỏm không hiểu là tên gian quyệt Ngô Tam Quế còn mưu tính kỹ càng rồi mới hành động, hay là điều tiên liệu của Vi Tiểu Bảo quả đã không lầm, Dương Nhất Phong không dám báo cáo với hắn. Quần hùng trong lòng thắc mắc lo âu nên hàng ngày cùng nhau hội nghị. Vi Tiểu Bảo nói:

– Bây giờ tại hạ đến bái phỏng Ngô Tam Quế để nghe giọng lưỡi hắn thế nào? Từ Thiên Xuyên đáp:

– Chỉ sợ hắn giữ hương chủ lại không thả cho về thì hỏng hết. Vi Tiểu Bảo cười nói:

– Chúng ta hiện nằm ở trong bàn tay lão con rùa, nếu hắn định bắt mình thì chẳng chạy đâu cho thoát. Gã liền kiểm điểm một số Kiêu Kỵ Doanh Binh cùng Ngự tiền thị vệ kéo nhau đến Bình Tây Vương phủ. Ngô Tam Quế thân hành ra đón tiếp. Hắn tươi cười nắm tay Vi Tiểu Bảo sóng vai tiến vào Vương phủ. Ngô Tam Quế vừa cười vừa cất giọng thân mật:

– Vi đô thống có chuyện gì sao không bảo một thằng nhỏ đến đây báo cho lão phu là xong? Hà tất phải nhọc lòng đại giá? Vi Tiểu Bảo giương mắt lên đáp:

– Trời ơi! Vương gia nói gì mà kỳ vậy? Tiểu tướng quan nhỏ chức bé chưa bén gót vương gia khi nào dám hỗn hào? Vương gia nói vậy thật khiến cho tiểu tướng phải tổn thọ. Ngô Tam Quế nói:

– Vi đô thống là một viên ái tướng chầu hầu kề cận đức Hoàng đế lại được ngài rất sủng ái thì bước tiền trình viễn đại không biết đến đâu mà lường. Rồi đây đô thống đến làm một vị vương gia trong Vương phủ này cũng chẳng có chi là lạ. Vi Tiểu Bảo giật mình đánh thót một cái. Sắc mặt biến đổi, gã dừng bước lại nói:

– Xin lỗi Vương gia! Vương gia nói câu này thật không đúng rồi. Ngô Tam Quế cười hỏi:

– Sao không đúng? Vi đô thống bất quá mười lăm, mười sáu tuổi mà đã làm quan đến chức Phó đô thống, Khâm sai đại thần, hàm đã phong tước Tử. Từ tước Tử lên tước Bá rồi tước Hầu, tước Công, tước Vương sau cùng đến Thân Vương cũng chỉ mươi mười lăm năm hoặc hai chục năm là cùng. Ha ha! Ha ha! Vi Tiểu Bảo lắc đầu nói:

– Thưa Vương gia! Chuyến này tiểu tướng ở cung ra đi, đức Hoàng thượng đã phán bảo: “Ngươi ra bảo Ngô Tam Quế liệu mà làm quan cho đắc lực. Ngôi Bình Tây Thân Vương sau này là của Ngô ứng Hùng, em rể trẫm. Ngô ứng Hùng chết đi, ngôi Thân Vương lại truyền sang cho ngoại sanh của trẫm. Ngoại sanh của trẫm chết rồi truyền lại cho con nó. Nói tóm lại ngôi Bình Tây Vương cứ để họ Ngô đời đời kế tiếp”. Thưa Vương gia! Đức Hoàng Thượng nói mấy câu này với cả tấm lòng thân thiết.Vậy tiểu tướng đến trình bày để Vương gia rõ. Ngô Tam Quế trong lòng hớn hở hỏi lại:

– Hoàng thượng phán thế thật ư? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Chẳng lẽ tiểu tướng lại bịa chuyện để lừa gạt Vương gia? Nhưng Hoàng thượng đã dặn tiểu tướng những lời phán đó không nên hấp tấp nói cho Vương gia hay. Ngài còn truyền cho tiểu tướng phải khám xét kỹ càng, nếu Vương gia quả là một bậc đại trung thần, khi đó sẽ mở môi không thì, ha ha, lời nói của đức Vạn tuế biến thành những lời bỏ đi hay sao? Còn đâu là thiên tử nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy? Ngô Tam Quế hắng đặng một tiếng rồi hỏi:

– Bữa nay Vi đô thống thuật lại cho tiểu vương hay thì ra đã coi tiểu vương là trung thần rồi chăng? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Cái đó vương gia lại còn phải hỏi? Nếu Vương gia chẳng phải trung thần thì trong thiên hạ chẳng còn ai trung thần nữa? Tiểu tướng nghĩ rằng: Giả tỷ sau này quả tiểu tướng có một ngày cũng được phong Chinh Đông Vương, Tảo Bắc Vương, Định Nam Vương, như kim khẩu của Vương gia, vừa phát ngôn, và được đến Vân Nam ở phủ Bình Tây Vương thì ” hà ” tiểu tướng ngày nay là khách, nhưng vĩnh viễn không phải là khách mãi mà được làm chủ nhân. Hai người vừa nói chuyện vừa đi vào. Ngô Tam Quế nghe Vi Tiểu Bảo thuyết như vậy, trong lòng rất cao hứng, nắm lấy tay gã nói:

– Này này! Chúng ta vào trong nội thư phòng ngồi chơi. Hai người xuyên qua hai toà đình viện vào tới nội thư phòng. Căn phòng này tuy được gọi là thư phòng mà trên vách treo đầy đao, thương, kiếm kích, chứ không có giá sách hay một quyển sách nào hết. Giữa nhà đặt cỗ ghế thái sư trên phủ da hổ. Những con hổ thường đầu lông vàng vằn đen, nhưng tấm da hổ này lại lông trắng vằn đen, mới là đặc biệt. Vi Tiểu Bảo trầm trồ:

– úi chà! Vương gia! Tấm da hổ trắng này thật quí báu vô cùng! Tiểu tướng ở trong Hoàng cung mà trước nay chưa thấy tấm nào như vậy. Bữa nay là lần đầu tiên được mở rộng tầm mắt. Ngô Tam Quế rất lấy làm đắc ý đáp:

– Ngày trước tiểu vương gia làm trấn thủ Sơn Hải quan đi săn bắn tại khu phụ cận tỉnh Liêu Ninh và tỉnh Tuy Viễn đánh được một con. Giống Bạch lão hổ này kêu bằng “Sô ngu” thật hiếm có. Ai săn được nó là điềm đại cát đại lợi. Vi Tiểu Bảo liền tán dương:

– Hàng ngày Vương gia cứ ngồi vào ghế bọc hổ trắng này thì việc thăng quan tiến chức phát tài vĩnh viễn không cùng tận. Chà chà! Thật là hy hữu! Gã chợt ngó thấy bên cỗ ghế bọc da hổ hai tấm bình phong bằng đá nước đại lý.Tấm nào cũng cao tới năm, sáu thước. Trên mặt đá có đủ sơn thuỷ thảo mộc, chẳng khác gì một bức tranh vẽ. Trên một tấm bình phong vẽ hình trái núi.Trên ngọn núi có hình chim giống như con hoàng oanh. Cạnh suối nước có một con hổ, càng nhìn càng linh động. Vi Tiểu Bảo lại giở giọng tán:

– Hai bức bình phong này là bảo vật trân quí không biết đến thế nào mà kể. Tiểu tướng ở trong cung cũng chưa hề thấy qua.Thưa Vương gia! Tiểu tướng nghe người ta nói: ” Đức Thượng Hoàng sinh ra đồ hình này, nó mà lọt vào tay ai là có triệu chứng cho nhân vật đó”. Ngô Tam Quế mỉm cười hỏi:

– Tiểu vương không hiểu hai bức bình phong này có triệu chứng gì? Vi Tiểu Bảo đáp:

– Theo nhận xét của tiểu tướng thì tấm bình phong kia trên cao có con tiểu hoàng oanh. Nó hót líu lo rất hay mà chẳng dùng được việc gì. Còn phía dưới là con lão hổ oai phong lẫm liệt, lợi hại vô cùng! Con đại lão hỗ này đương nhiên trỏ vào Vương gia rồi. Ngô Tam Quế nức lòng hở dạ nghĩ thầm:

– Gã bảo con tiểu hoàng oanh đứng trên cao chỉ biết hót líu lo chứ chẳng được ích gì. Phải chăng gã muốn nói đó trỏ vào tiểu Hoàng đế? Gã nói mấy câu này phải chăng để thử ta? Hắn nghĩ vậy liền hỏi:

– Con tiểu hoàng oanh này không hiểu trỏ vào cái gì? Vi Tiểu Bảo mỉm cười hỏi lại:

– Theo nhận xét của Vương gia thì sao? Ngô Tam Quế lắc đầu đáp:

– Tiểu vương không hiểu, mong được Vi đô thống chỉ giáo? Vi Tiểu Bảo mỉm cười trỏ vào tấm bình phong thứ hai nói:

– Nơi đây có núi có sông, tức là giang sơn muôn dặm. Ha ha! Ha ha! Triệu chứng hay quá! Triệu chứng hay quá! Ngô Tam Quế trống ngực đánh thình thình, toan hỏi nữa nhưng lại không dám.Trong lúc này hắn cảm thấy môi miệng khô rang. Vi Tiểu Bảo chợt để mắt tới một pho kinh sách để trên giá. Chính là pho Tứ Thập Nhị Chương Kinh mà gã trông đã quen nên vừa ngó thấy đã biết ngay. Trống ngực đánh hơn trống làng, Vi Tiểu Bảo nghĩ thầm:

– Té ra pho kinh thứ tám này quả nhiên ở chỗ lão con rùa. Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu! Gã liền ngó ra chỗ khác làm bộ không để ý đến kinh sách nữa. Vi Tiểu Bảo đưa mắt nhình những đao thương trên vách rồi cười nói:

– Thưa Vương gia! Vương gia quả là một bậc đại anh hùng, đại hào kiệt.Trong thư phòng cũng bày binh khí la liệt. Chẳng đấu gì Vương gia, tiểu tướng chẳng biết một chữ nào, nên nghe nói đến thư phòng là hoảng rồi. Dè đâu trong thư phòng của Vương gia cách bài trí lại cao minh thế này. Tiểu tướng lấy làm bội phục vô cùng! Ngô Tam Quế cười khanh khách đáp:

– Những món binh khí này, món nào cũng có một lai lịch của nó. Tiểu vương treo trong phòng này là để kỉ niệm chuyện cũ.

Chọn tập
Bình luận