Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lộc Đỉnh Ký

Chương 162 – Vi tiểu bảo tấu trình sứ mạng

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Nguyên Kiến Ninh công chúa đã bàn định mọi việc với Vi Tiểu Bảo, để khi vào bái kiến Vua Khang Hy sẽ tâu bày trường hợp vô lễ của Ngô ứng Hùng. Vi Tiểu Bảo chờ công chúa ra rồi liền thuật lại vụ đó một cách tường tận. Vua Khang Hy chau mày không nói gì. Ngài nghe xong trầm ngâm một lúc rồi phán:

-Tiểu Quế Tử! Ngươi thật là lớn mật. Vi Tiểu Bảo giật nẩy mình lên, sợ hãi đáp:

-Nô tài không dám… Vua Khang Hy ngắt lời:

-Ngươi toa rập với Công chúa, dám lừa gạt cả ta. Vi Tiểu Bảo ấp úng:

-Không… không có chuyện đó. Khi nào nô tài dám… lừa gạt Hoàng thượng? Vua Khang Hy nói:

-Ngô ứng Hùng vô lễ với Công chúa, dĩ nhiên ngươi không trông thấy, sao ngươi dám nghe lời một bên Công chúa mà tâu bậy với ta? Vi Tiểu Bảo than thầm:

-Chết cha rồi! Ông Vua con này ghê quá, đã nhìn thấy chỗ sơ hở. Gã vội quỳ xuống dập đầu tâu:

-Hoàng thượng sáng soi muôn dặm. Ngô ứng Hùng vô lễ với Công chúa trong trường hợp nào, quả nhiên nô tài không được mắt thấy. Nhưng lúc đó nhiều người ở ngoài cửa sổ đều nghe rõ hết. Vua Khang Hy nói:

-Nếu vậy lại càng hồ đồ hơn nữa. Ta đã gặp mặt Ngô ứng Hùng hai lần, nhận thấy gã là con người tinh minh mẫn cán. Gã lại không còn nhỏ tuổi nữa thì trong phòng gã thiếu gì cơ thiếp xinh đẹp? Khi nào gã dám lớn mật càn rỡ, cử động vô lễ với Công chúa? Hừ! Tính khí Công chúa chẳng lẽ ta còn chưa hiểu hay sao? Nhất định là Công chúa gây lộn với Ngô ứng Hùng rồi… cắt con mẹ nó cái đó đi. Nhà Vua nói tới đây không nhịn được, nổi lên tràng cười ha hả. Vi Tiểu Bảo cũng phì cười. Gã đứng dậy tâu:

-Sự tình này Công chúa không tiện nói ra, dĩ nhiên nô tài cũng không dám hỏi nhiều. Công chúa bảo sao nô tài tâu trình làm vậy. Vua Khang Hy gật đầu phán:

-Thế thì phải rồi. Gã tiểu tử Ngô ứng Hùng phải chịu oan khuất trong vụ này. Ngươi truyền chỉ ra cho chúng ở lại Kinh thành chọn ngày làm lễ thành hôn. Sau một tháng sẽ trở về Vân Nam. Vi Tiểu Bảo tâu:

-Tâu Hoàng thượng việc hoàn hôn thì không sao. Nhưng Ngô Tam Quế sắp làm phản, không thể để Công chúa về Vân Nam được. Vua Khang Hy thản nhiên gật đầu nói:

-Ngô Tam Quế quả nhiên muốn làm phản. Ngươi thấy thế nào? Vi Tiểu Bảo liền đem vụ Ngô Tam Quế câu kết với xứ Tây Tạng, xứ Mông Cổ, nước La Sát, Thần Long giáo, tình hình thế nào, nhất nhất thuật lại. Khi gã kể đến vụ bắt sứ giả xứ Mông Cổ, gã liền đem việc mình giả trang làm con nhỏ của Ngô Tam Quế để hiểu rõ chân tướng. Bộ hạ của gã hóa trang làm gia tướng ở Bình Tây Vương phủ vào kỹ viện tranh gái, nổi cơn ghen đánh lộn để giết chết Hãn Thiếp Ma giả, gã không bỏ sót một chi tiết. Gã hớn hở ra chiều đắc ý. Vua Khang Hy lắng tai nghe rồi phán:

-Vụ này khá hay đấy. Ngài nói tiếp:

-Ngô Tam Quế là người thế nào ta chưa thấy qua. Ngày trước trong cung loan tin làm lễ tế hiếu Phụ vương, Ngô Tam Quế có đem trọng binh đến kinh thành tế bái. Ta muốn gặp hắn một lần, nhưng mấy vị Cố mệnh đại thần phòng ngừa hắn dẫn binh vào thành lỡ xảy biến một cách đột ngột thì trở tay không kịp, nên bảo hắn ở ngoài thành dựng rạp tế vọng chứ không được vào thành. Nhà Vua nói tới đây đứng dậy phê phán:

-Ngao Bái thật là ngu xuẩn. Nếu sợ Ngô Tam Quế vào thành mà xảy ra biến loạn, sao không hạ chỉ cho cha con hắn nhập thành tế bái, còn đại quân đóng ở ngoài thành thì hắn còn làm gì được? Nếu hắn không dám vào thành một mình là tự hắn khiếm khuyết lễ số. Mình không cho hắn vào thì có khác gì bảo hắn: “Bọn ta sợ đại quân của ngươi tạo phản, vậy ngươi phải ở ngoài không được vào”. Nhà Vua cười khành khạch nói tiếp:

-Một đằng mình tỏ ra khiếp nhược, một mặt Ngô Tam Quế lại cho là triều đình có lòng nghi kỵ hắn. Triều đình vừa sợ vừa nghi kỵ hắn thì dĩ nhiên hắn nảy lòng tạo phản. Ta e rằng nguyên nhân mưu phản của Ngô Tam Quế đã chớm nở ngay từ hồi ấy. Vi Tiểu Bảo nghe nhà Vua phân tích như vậy càng sinh lòng khâm phục. Gã nói:

-Giả tỷ ngày ấy Ngô Tam Quế gặp Hoàng thượng. Hoàng thượng dẫn dụ cho hắn một phen, có khi hắn không dám nghĩ đến chuyện làm phản. Vua Khang Hy lắc đầu đáp:

-Hồi đó ta còn nhỏ tuổi quá, không hiểu gì về quân quốc đại sự. Có khi gặp hắn cũng không biết điều gì lợi hại mà nói. Không chừng gã khinh thường ta nhỏ bé chẳng coi vào đâu, lại càng làm phản mau chóng. Rồi nhà Vua hỏi đến tướng mạo cùng hành vi của Ngô Tam Quế. Vi Tiểu Bảo nhất nhất tâu trình. Nhà Vua lại hỏi:

-Trong thư phòng của Ngô Tam Quế có tấm da con bạch hổ như thế nào? Vi Tiểu Bảo rất lấy làm kỳ liền mô tả tấm da con bạch hổ đó rồi nói:

-Cả việc nhỏ nhặt này Hoàng thượng cũng biết mới thật tài tình. Vua Khang Hy mỉm cười không đáp. Ngài lại hỏi tới cách bố trí binh mã của Ngô Tam Quế cùng con rể hắn là Hạ Quốc Tương và mười tên đại tổng binh dưới trướng tính tình ra sao, tài cán thế nào? Cứ những lời phỏng vấn của Vua Khang Hy cũng đủ biết ngài hiểu tường tận về mọi tình trạng ở nơi Ngô Tam Quế. Tư cách, tài năng của các đại tướng dưới trướng hắn, cùng binh mã tại Bình Tây Vương phủ nhiều hay ít nhà vua đều rõ hết. Tên nào tham tiền, tên nào hiếu sắc, tên nào hồ đồ, tên nào úy tử tham sanh cũng không qua được tai mắt của ngài. Vi Tiểu Bảo vừa kinh hãi lại vừa khâm phục. Gã nói:

-Tâu Hoàng thượng! Hoàng thượng không tới Vân Nam mà tình trạng ở Bình Tây Vương phủ, trong cũng như ngoài, còn biết rõ hơn nô tài nhiều lắm. Đột nhiên gã tỉnh ngộ nói tiếp:

-à phải rồi! Hoàng thượng đã phải người tới Côn Minh do thám. Vua Khang Hy cười đáp:

-Thế mới gọi là tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng. Hắn định tạo phản, chẳng lẽ chúng ta để mặc kệ hắn? Tiểu Quế Tử! Chuyến này công lao của ngươi lớn lắm vì ngươi đã thám thính được Ngô Tam Quế câu kết với xứ Tây Tạng, xứ Mông Cổ và nước La Sát. Vụ này rất kỳ bí bọn thám tử của ta không điều tra được. Chúng chỉ có thể dò la những chuyện nhỏ nhặt, chứ không thám thính nổi việc lớn nhà nước. Vi Tiểu Bảo cả mừng tâu:

-Đây hoàn toàn trông vào hồng phúc tầy trời của đức Hoàng thượng. Nhà Vua phán:

-Ngươi đem Hãn Thiếp Ma vào cung để ta thân hành thẩm vấn. Vi Tiểu Bảo vâng dạ lui ra rồi dẫn mười tên ngự tiền thị vệ giải Hãn Thiếp Ma vào ngự thư phòng. Vua Khang Hy vừa nhìn thấy Hãn Thiếp Ma đã dùng tiếng Mông Cổ để mở cuộc thẩm vấn. Hãn Thiếp Ma thấy nhà Vua nói tiếng Mông Cổ rất lấy làm kinh dị, nhưng cũng có phần thân thiết. Hắn nhìn thấy khí thế trong Hoàng cung không dám giấu diếm gì nữa, đem hết sự thật trình bày với nhà Vua. Vua Khang Hy thẩm vấn một hồi liền đến mấy giờ đồng hồ. Ngoài vụ xứ Mông Cổ câu kết với Ngô Tam Quế trong trường hợp nào, nhà vua còn hỏi đến binh lực cùng các bộ thự ở xứ Mông Cổ. Ngài hỏi cả địa thế núi sông, nhân tình phong thổ, cùng các bậc vương công ai thân với ai, ai thù ghét ai. Nói tóm lại nhà Vua không bỏ sót một chi tiết nào có ảnh hưởng đến việc lợi dụng nhân vật ở xứ này. Vi Tiểu Bảo đứng bên chầu chực, gã ngẩn mặt ra mà nghe hai người lý la lý lố không ngớt. Gã chẳng hiểu gì nhưng cũng nhận được vẻ mặt Hãn Thiếp Ma có lúc khâm phục nhà Vua trẻ tuổi, có lúc ra chiều sợ hãi vô cùng. Sau rốt thấy hắn dập đầu lia lịa dường như để cảm tạ ơn đức của nhà Vua. Vua Khang Hy thẩm vấn xong, sai bọn Ngự tiền thị vệ đưa Hãn Thiếp Ma xuống nhà giam. Một tên tiểu thái giám bưng bát sâm thang vào dâng lên. Nhà Vua đón lấy uống rồi bảo tiểu thái giám:

-Ngươi đi lấy cho Vi tổng quản một chén. Tiểu thái giám vâng lời chạy đi lấy đưa vào. Vi Tiểu Bảo dập đầu tạ ơn bưng lấy sâm thang uống. Bỗng nghe ngoài thư phòng có tiếng bước chân vang lên. Một tên tiểu thái giám chạy vào tâu:

-Khải bẩm Hoàng thượng! Nam Hoài Nhân và Thang Nhược Vọng xin vào bệ kiến. Vua Khang Hy gật đầu.

-Tiểu thái giám truyền lệnh ra ngoài. Hai người ngoại quốc thân thể cao lớn lật đật tiến vào quỳ xuống dập đầu trước mặt nhà Vua. Vi Tiểu Bảo rất lấy làm kỳ nghĩ bụng:

-Sao lại có hai tên quỷ sứ ngoại quốc đến đây làm chi? Thế này thì thật là khó hiểu. Hai người ngoại quốc khấu đầu xong, rút trong bọc ra một cuốn sách đặt lên án. Người ít tuổi tên gọi Nam Hoài Nhân lên tiếng:

-Tâu Hoàng thượng! Bữa nay bọn nô tài lại trình bày về cách phát xạ súng lớn. Vi Tiểu Bảo nghe hắn nói tiếng kinh rất rõ ràng lưu loát, bất giác •ủa• lên một tiếng, ra chiều kinh hãi, lẩm bẩm:

-Ly kỳ! Thật là ly kỳ! Tên quỷ này lại không phun tiếng ngoại quốc ra. Vua Khang Hy nhìn gã mỉm cười rồi cúi xuống ngó cuốn sách. Nam Hoài Nhân đứng một bên vừa trỏ tay vào sách vừa giải thích cho Vua nghe. Vua Khang Hy hễ thấy chỗ nào chưa hiểu liền hỏi lại. Nam Hoài Nhân giảng chừng nửa giờ thì người ngoại quốc kia tuổi già râu bạc tên gọi Thang Nhược Vọng tiếp tục giảng giải về thiên văn lịch pháp. Lão này cũng giảng chừng nửa giờ. Rồi cả hai người lạy tạ lui ra. Vua Khang Hy cười hỏi:

-Người ngoại quốc nói được tiếng Trung Quốc chắc ngươi nghe lấy làm lạ lắm phải không? Vi Tiểu Bảo tâu:

-Ban đầu nô tài rất lấy làm kỳ, nhưng sau nghĩ lại cũng chẳng có chi là lạ. Thánh thiên tử được bách thần phù hộ. Nước La Sát mưu đồ chuyện bất chính nên đức Thượng đế phái hai con quỷ Tây Dương biết nói tiếng Trung Quốc đến phò tá thánh triều, chế tạo súng ống để bình định La Sát. Vua Khang Hy nói:

-Tâm tư ngươi quả là thông minh. Nhưng hai tên Dương quỷ này không phải trời sinh ra liền biết nói tiếng Trung Quốc. Lão già đã đến Trung Quốc từ thời Thiên Khải nhà Minh. Lão là người Nhật Nhĩ Man. Còn tên trẻ tuổi là người Tỷ Lợi Thì đến đây vào triều Thuận Trị. Cả hai đều là giáo sĩ đạo Gia Tô. Chúng đến Trung Quốc truyền giáo. Muốn truyền giáo phải học tiếng Trung Quốc. Vi Tiểu Bảo nói:

-Té ra là thế. Nô tài vẫn lo ngay ngáy về súng ống của nước La Sát vô cùng lợi hại. Bữa nay được nghe người ngoại quốc giảng giải về súng lớn súng nhỏ, trình bày trước Hoàng Thượng đâu ra đấy. Bây giờ nô tài mới vững dạ. Vua Khang Hy thả bước trong ngự thư phòng thủng thẳng nói:

-Người La Sát cũng là người, chúng ta cũng là người. Họ chế tạo được súng ống thì chúng ta cũng chế tạo được súng ống, có điều chúng ta chưa hiểu phương pháp mà thôi. Ngày trước chúng ta đánh nhau với triều Minh, quân Minh có súng lớn đã làm cho chúng ta thất điên bát đảo. Đức Thái Tổ Hoàng đế trúng đạn bị thương rồi băng, mà giang sơn nhà Minh cũng mất về tay chúng ta. Như vậy đủ chứng tỏ súng ống là để cho người sử dụng. Nếu người sử dụng thiếu chí khí phấn đấu thì dù súng ống lợi hại đến đâu cũng bằng vô dụng. Vi Tiểu Bảo hỏi:

-Thế ra triều nhà Minh đã có súng lớn. Không hiểu những khẩu súng đó hiện để ở đâu? Chúng ta lấy đem đi bắn lão tiểu tử Ngô Tam Quế cho cả lò cả lũ nhà hắn bay tung lên trời. Vua Khang Hy mỉm cười đáp:

-Triều nhà Minh chỉ có mấy khẩu súng lớn mua của người Hồng Mao. Nhưng chỉ hòng mua của bọn Dương quỷ vẫn không ăn thua, vì khi mình đã đánh nhau với họ, tất họ không chịu bán nữa. Như vậy há chẳng hỏng bét? Chúng ta phải tự chế tạo lấy thì mới không sợ người khác đưa mình vào chỗ chết. Vi Tiểu Bảo nói:

-Đúng lắm! Đúng lắm! Hoàng thượng còn lo bọn giáo sĩ Gia Tô lừa gạt, nên phải tự mình điều tra cho biết rõ. Từ nay trở đi, bất luận bọn Dương quỷ nói thiên hô bách sát thế nào cũng không lừa gạt được Hoàng thượng nữa. Vua Khang Hy đáp:

-Thế là ngươi đã hiểu tâm ý của ta rồi. Có điều cách chế tạo súng ống còn vấp phải nhiều chuyện khó khăn. Ngay một việc luyện thép đã không phải chuyện dễ dàng. Vi Tiểu Bảo phấn khởi tinh thần nói:

-Tâu Hoàng thượng! Nô tài xin ra ngoài kêu hết thợ sắt trong thành Bắc Kinh vào đây đắp lò luyện thép suốt ngày đêm lấy mấy trăm vạn cân thượng hảo. Vua Khang Hy đáp:

-Khi ngươi đi Vân Nam, bọn ta đã luyện được mấy vạn cân thép nguyên chất rồi. Thang Nhược Vọng và Nam Hoài Nhân hiện đang giám đốc công cuộc chế tạo súng lớn. Lát nữa ngươi theo ta đi coi. Vi Tiểu Bảo cả mừng nói:

-Thế thì hay lắm! Đột nhiên gã nghĩ ra điều gì liền nói tiếp:

-Tâu Hoàng thượng! Bọn quỷ ngoại quốc thường ôm mối bất lương. Chúng ta phải đề phòng mới được. Nơi chế luyện súng ống lại có hỏa dược cùng sắt thép. Hoàng thượng không nên đi, để nô tài giám sát bọn chúng. Vua Khang Hy đáp:

-Cái đó ngươi bất tất phải quan tâm. Vụ này quan hệ đến khí vận Quốc gia mà chính mắt ta không nhìn tới thì không thể yên lòng được. Nam Hoài Nhân trung thành ngay thẳng. Còn Thang Nhược Vọng đã được ta cứu mạng, lão cảm kích vô cùng. Quyết hai người này không nẩy dị tâm. Vi Tiểu Bảo nói:

-Hoàng thượng cứu mạng cho cả lão quỷ nước ngoài thì thật là kỳ. Vua Khang Hy mỉm cười đáp:

-Năm Khang Hy thứ ba, Thang Nhược Vọng nói là tòa Khâm thiên giám tính lầm ngày nhật thực rồi hai bên tranh biện rất kịch liệt. Nhà Vua ngừng lại một chút rồi tiếp:

-Dương Quang Tiên tại Hán cung trong tòa Khâm thiên giám không biện minh được, liền tìm cách trả oán. Hắn làm bản tâu nói là Thang Nhược Vọng chế ra bộ Đại Thanh thời hiến lịch và suy đoán chỉ có hai trăm năm. Nhưng nhà Đại Thanh được Thượng đế bảo hựu, thánh tộ vô cương, hưởng phúc vô cùng, gây dựng ra giang sơn hàng vạn năm. Thang Nhược Vọng chỉ dâng cuốn lịch hai trăm năm tức là nguyền rủa nhà Đại Thanh chỉ trị vì thiên hạ được hai trăm năm. Vi Tiểu Bảo thè lưỡi ra nói:

-Lợi hại! Thật là lợi hại! Lão quỷ nước ngoài kia chỉ biết tính thiên văn địa lý, mà lại không hiểu thủ đoạn làm quan. Vua Khang Hy nói:

-Khi ấy Ngao Bái cầm quyền chính trong triều. Thằng cha này xử sự hồ đồ. Hắn nói là Thang Nhược Vọng nguyền rủa triều đình, đáng xử tội lăng trì. Hắn đưa chỉ dụ cho ta coi, nhưng ta phát giác ra một chỗ sơ hở. Vi Tiểu Bảo nói:

-Năm Khang Hy thứ ba Hoàng thượng mới mười tuổi đã khám phá ra chỗ trá ngụy thì thật là thánh thiên tử thông tuệ khác đời, cổ kim hiếm có. Vua Khang Hy cười đáp:

-Ngươi đừng xu nịnh ta nữa. Thực ra vụ này rất nông cạn. Ta hỏi Ngao Bái: Bộ

“Đại Thanh thời hiến lịch” bao giờ làm xong thì hắn trả lời không biết… Hắn đi điều tra rồi tâu lại là lịch làm xong năm Thuận Trị thứ mười. Ngày ấy đức Tiên đế đã hạ chỉ ban khen và phong cho tên hiệu là “Thông Huyền giáo sư”… Nhà Vua liếc mắt nhìn Vi Tiểu Bảo nói tiếp: Ta liền bảo Ngao Bái: “Phải rồi! Khi lên sáu, lên bảy ta đã trông thấy cuốn Đại Thanh thời hiến lịch. Thế là bộ sách này làm xong ngót mười năm rồi. Sao ngay hồi đó triều đình không làm tội y? Bây giờ mới đem ra xử án là bất công”. Nhà Vua nói tiếp: Ngao Bái ngẫm nghĩ cho là ta nói phải nên không hạ sát Thang Nhược Vọng, đem giam vào nhà tù. Sau ta cũng quên mất vụ này. Mới đây Nam Hoài Nhân nhắc tới, ta liền hạ chỉ buông tha y ra. Vi Tiểu Bảo cười nói:

-Nô tài đi bảo Thang Nhược Vọng để tâm nghiên cứu làm một pho “Đại Thanh vạn niên lịch”. Vua Khang Hy bật cười mấy tiếng rồi nghiêm nghị đáp:

-Ta đã đọc lịch sử các tiền triều thì Vua chúa đời nào thương yêu trăm họ đều trị nước lâu dài. Nếu không thế thì dù tạo ra bao điềm lành cũng bằng vô dụng. Từ xưa đến nay ai ai cũng xưng hô Hoàng đế bằng đức Vạn tuế mà thực ra chưa ông nào hưởng thọ được trăm năm, chứ đừng nói đến Vạn tuế. Những câu

“Thọ tỷ nam sơn”, “Vạn thọ vô cương” gì gì đều là những láo khoét để lừa gạt người đời. Phụ hoàng lúc nào cũng căn dặn câu “Vĩnh bất gia phú” và bảo ta phải tuân hành lời huấn dụ này. Ta đã nghĩ kỹ thì chỉ có bốn chữ đó đúng là phương châm giữ vững giang sơn bền như sắt đá. Tiểu Bảo! Những súng ống của người Tây dương hay binh cường mã tráng của Ngô Tam Quế ta cũng chẳng quan tâm. Vi Tiểu Bảo chẳng hiểu gì về đạo lý an bang trị quốc, gã chỉ vâng dạ liên thanh. Vi Tiểu Bảo lấy pho Tứ Thập Nhị Chương Kinh mà gã đã đánh cắp được ở nơi Ngô Tam Quế hai tay cầm dâng lên nói: Tâu Hoàng thượng! Pho sách này quả nhiên đã bị lão tiểu tử Ngô Tam Quế nuốt mất. Nô tài vào trong thư phòng của hắn ngó thấy liền đánh cắp. Thế là vật về với chủ cũ. Vua Khang Hy cả mừng nói:

-Hay lắm! Hay lắm! Mẫu hậu thường hay lo nghĩ về vụ này. Ta đem dâng cho lão nhân gia để đưa vào nhà Thái miếu đốt đi là xong. Bất luận trong sách có những điều gì bí ẩn, từ nay chẳng một ai hay biết nữa. Vi Tiểu Bảo bụng bảo dạ:

-Hoàng đế đốt sách này đi càng hay. Cái đó kêu bằng “hủy thi diệt tích”. Vụ ta lấy cắp những mảnh giấy vụn bên trong vĩnh viễn không còn ai phát giác ra được nữa. Gã trở về Tử tước phủ của mình chờ đến đêm, đóng cửa cài then lại. Gã lấy gói giấy vụn ra và gọi Song Nhi lại bảo:

-Ta có việc rất tốn công. Cô hãy làm giúp ta. Gã dặn thị ngồi tỷ mỷ giáp hàng mấy ngàn mảnh giấy vụn vào đúng chỗ của nó cho thành một bức đồ hình. Song Nhi vâng lời để tâm nhìn kỹ những mảnh giấy. Thị cắm cúi ngắm nghía những vết cắt ở cạnh từng mảnh để lẫn lộn vào với nhau vào một chỗ khó khăn vô cùng! Vi Tiểu Bảo ban đầu ngồi bên bàn chú ý nhìn nhặt mỗi nơi một mảnh giáp lại để đỡ phần nào công việc của Song Nhi. Nhưng gã lần mò hàng giờ muốn giáp hai mảnh cho ăn khớp cũng không tìm ra được. Gã đâm ra chán nản đành bỏ đó. Tự mình vào phòng nằm ngủ. Sáng hôm sau gã tỉnh dậy thấy phòng ngoài hãy còn thắp đèn lửa. Song Nhi tay vần một mảnh giấy vụn, ngẩn ngơ suy nghĩ. Vi Tiểu Bảo đi tới sau lưng thị “ồ” lên một tiếng thật to. Song Nhi giật mình kinh hãi, nẩy bắn người lên. Thị cười hỏi:

-Tướng công đã tỉnh giấc rồi ư? Vi Tiểu Bảo đáp:

-Đám giấy vụn này làm cho người ta mất công nhiều lắm! Ta có bảo phải làm gấp đâu mà cô ngồi thức suốt đêm cặm cụi? Cô hãy đi ngủ đi! Song Nhi đáp:

-Dạ! Để nô tỳ thu xếp lại đã. Vi Tiểu Bảo ngó thấy trên bàn đặt một tờ giấy trắng lớn. Song Nhi đã dùng kim thêu cắm mười bảy, mười tám mảnh giấy vụn vào và ăn khớp với nhau. Gã cả mừng nói:

-Cô đã tìm ra được bấy nhiêu rồi ư? Song Nhi đáp:

-Lúc ban đầu thật khó khăn vô cùng! Bây giờ nô tỳ đã hiểu được một chút đạo lý. Sau này có thể làm lẹ hơn nữa. Thị thận trọng sắp đặt và gói những mảnh giấy vụn rồi gấp cả tờ giấy trắng lớn cất vào trong hộp khóa lại. Vi Tiểu Bảo nói:

-Những mảnh giấy này rất cần cho ta, chớ để người khác đánh cắp mất. Song Nhi đáp:

-Suốt ngày nô tỳ ở đây canh giữ, không dám rời xa nửa bước. Chỉ sợ ngủ đi xảy chuyện bất ngờ. Vi Tiểu Bảo nói:

-Không sao đâu! Ta kêu một tiểu đội Kiêu Kỵ doanh binh đến đây canh gác và “bảo giá” cho cô. Song Nhi mỉm cười đáp:

-Có như thế nô tỳ mới vững dạ. Vi Tiểu Bảo thấy cặp mắt của thị ẩn hiện những tia đỏ, tỏ ra thị đã mỏi mệt quá. Gã nảy lòng lân tích bảo:

-Cô đi ngủ lẹ lên! Ta bồng cô đặt cô vào giường. Song Nhi mặt thẹn đỏ bừng, xua tay lia lịa, đáp:

-Không, không, không được… Vi Tiểu Bảo cười hỏi:

-Có gì mà không được? Cô giúp ta làm việc vất vả suốt đêm. Ta bồng cô lên giường một chút đã ăn thua gì? Gã nói rồi vươn tay ra ôm lấy. Song Nhi bật lên tiếng cười hì hì, luồn xuống dưới hai tay gã chui ra ngoài. Vi Tiểu Bảo chực ôm thị mấy lần mà lần nào cũng vồ sểnh. Gã tự biết khinh công của mình còn kém Song Nhi xa nên trong lòng cảm thấy chán nản. Gã buông tiếng thở dài, ngồi phệt xuống ghế. Song Nhi cười khúc khích tiến lại gần nói:

-Nô tỳ xin phục thị tướng công gội rửa và ăn lót dạ xong sẽ đi ngủ. Vi Tiểu Bảo lắc đầu không nói gì. Song Nhi thấy gã không vui, trong lòng hồi hộp khẽ hỏi:

-Tướng công! Tướng công… tức giận rồi ư?

Chọn tập
Bình luận