Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế Giới, Việt Nam có 50 % nam giới và 3,4% nữ giới hút thuốc lá, trên 40% nam cán bộ y tế và 1,3 % nữ cán bộ y tế hút thuốc lá. Thuốc lá không những gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người hút thuốc mà còn có tác động xấu tới người không hút thuốc. Do đó, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, 10% dân số Việt Nam nghĩa là khoảng 7,5 triệu người Việt Nam sẽ chết sớm do thuốc lá.
Thuốc lá hoặc thuốc lào là một loại cây có độc, nhất là những lá già, có hàm lượng Nicotine cao. Nicotine là tên gọi được đặt theo tên của một nhà ngoại giao người Pháp Nicot (1530 – 1600), người đầu tiên nhập thuốc lá vào Pháp. Hàm lượng Nicotine trong các loại thuốc này thay đổi từ 2 – 10%. Nicotine được sử dụng ở liều thấp, tạo ra sự sảng khoái nhẹ nhàng, làm dịu cơn đói và bớt mệt mỏi. Nhưng nếu dùng lâu dài sẽ gây lệ thuộc và độc hại cho cơ thể, liều cao sẽ gây chết người.
Chỉ cần vài giây sau khi rít một hơi thuốc lá vào phổi, chúng ta sẽ cảm nhận được những kích thích của chất Nicotine lên hệ thần kinh trung ương và lên toàn cơ thể. Một số vùng có những thụ thể tiếp nhận Nicotine ở não, cho nên khi hút thuốc lá, người hút có thể thấy trí óc sáng suốt và làm việc có hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế nếu chúng ta càng hút nhiều, cơ thể bị kích thích tiết các chất nội tiết tố liên tục cho đến khi các chất này bị cạn kiệt, lúc ấy thay vì có cảm giác sảng khoái, người bệnh lại thấy mệt mỏi hơn, khó tập trung tư tưởng, cáu gắt và suy sụp tinh thần mau chóng. Tiếc rằng, phần lớn những người nghiện thuốc lá lại không ý thức được vấn đề này, khi họ hút thuốc mà không thấy sảng khoái thì lại có khuynh hướng tăng liều, nên càng lúc càng nghiện nặng hơn và phải gánh chịu những hậu quả rất tồi tệ. Phần đông thanh niên mới lớn đều tập tành hút thuốc lá, lý do là bắt chước theo người lớn cũng như muốn khẳng định mình với bạn bè. Từ đó, lâm vào cơn nghiện và cuối cùng là từ bỏ không được nếu không có thuốc lá.
Người hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá đều mang lại những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, nhất là đối với trẻ em. Tuy nhiên, người hít phải khói thuốc lá lại có yếu tố nguy cơ gấp 4 lần so với người hút thuốc lá vì trong khói thuốc có chứa hơn 4700 chất độc hại khác nhau, trong đó có 43 hoá chất là nguyên nhân gây ung thư, chủ yếu là ung thư phế quản phổi, ung thư vòm họng, miệng, thực quản, ung thư ruột,… nguy hiểm nhất là chất hắc ín, Nicotine, chất gây nghiện,… Ngoài ra, trong khói thuốc lá còn có nhiều chất kích thích khối u, kích thích gây viêm nhiễm đường hô hấp như: bệnh phổi mãn tính, tắc nghẽn không khí, viêm phế quản mãn tính. Khi hút thuốc lá, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành các điều kiện và nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch như: nhồi máu cơ tim, viêm tắc mạch máu, xuất huyết não. Người hút thuốc lá và hít phải khói thuốc lá còn mắc các bệnh về răng, lợi, đồng thời tăng các yếu tố nguy cơ loãng xương gây đau nhức, khó ngủ và giảm thể lực. Nam giới hút thuốc lá sẽ làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh. Riêng đối với nữ giới, đặc biệt là phụ nữ mang thai hút hoặc hít phải khói thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, dị dạng thai nhi. Còn đối với trẻ em hít phải khói thuốc lá thì dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng do bị giảm tiết sữa ở người mẹ.
Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là gánh nặng kinh tế với cá nhân, gia đình và xã hội. Ngoài ra, thuốc lá còn có nguy cơ gây ra những vụ hỏa hoạn dữ dội và những vụ cháy rừng tàn phá tài nguyên, thiên nhiên. Do đó, một trong những cách hiệu quả nhất để giảm tiêu thụ thuốc lá và giảm số người hút thuốc lá ở Việt Nam là tăng giá thông qua tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá. Việc giảm tiêu thụ thuốc lá không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn giảm các chi phí do bệnh tật và hàng ngàn cas tử vong liên quan đến thuốc lá.