1. Trái Đất là hành tinh thứ ba tính từ Mặt Trời, đồng thời cũng là hành tinh lớn nhất trong các hành tinh đất đá của hệ Mặt Trời xét về bán kính, khối lượng và mật độ vật chất. Trái Đất còn được biết tên với các tên “thế giới”, “hành tinh xanh” hay “Địa Cầu”, là nhà của hàng triệu loài sinh vật,trong đó có con người và cho đến nay đây là nơi duy nhất trong vũ trụ được biết đến là có sự sống
2. CON NGƯỜI VỚI TRÁI ĐẤT
Trái Đất cung cấp những tài nguyên có thể được con người sử dụng cho nhiều mục đích. Một vài trong số đó là những nguồn tài nguyên không tái tạo và rất khó tạo ra trong một thời gian ngắn như các loại nhiên liệu hóa thạch.
Sinh quyển Trái Đất tạo ra các sản phẩm sinh học có ích cho con người bao gồm thức ăn, gỗ, dược phẩm, khí ôxy và tái chế nhiều chất thải hữu cơ. Hệ sinh thái lục địa phụ thuộc vào tầng đất mặt và nước sạch còn hệ sinh thái đại dương dựa vào các chất dinh dưỡng hòa tan trong nước được rửa trôi từ đất liền ra. Con người cũng sống trên đất bằng cách sử dụng các vật liệu xây dựng để kiến thiết nhà cửa.
Cuộc sống của con người cũng chịu những tác động xấu từ các dạng thời tiết chu kì như bão, áp thấp nhiệt đới hay các biến động bất thường như động đất, lở đất, sóng thần, phun trào núi lửa, lốc xoáy, sụt đất, bão tuyết, lũ lụt, hạn hán và các thảm họa thiên tai khác.
Con người cũng là thủ phạm của nhiều xáo trộn tiêu cực cho Trái Đất, nhiều trong số đó ảnh hưởng lại chính con người: sự ô nhiễm không khí và nguồn nước, mưa axít và các chất độc hại khác, sự biến mất của thảm thực vật (chăn thả quá mức, nạn chặt phá rừng, sa mạc hóa) và của động vật hoang dã (tuyệt chủng loài), hiện tượng bạc màu đất, sự mất đất, sự xói mòn và sự xuất hiện của các sinh vật xâm hại.
Người ta đồng ý rằng có một mối liên hệ giữa các hoạt động của con người với hiện tượng nóng lên toàn cầu do sự phát thải khí điôxít cacbon trong các hoạt động công nghiệp. Hiện tượng này làm tan băng, gia tăng các dải nhiệt độ khắc nghiệt, biến đổi khí hậu lớn và dâng cao mực nước biển.
3. ngày trái đất là gì và xuất xứ của nó:
Ngày 22 tháng 4 là ngày quốc tế về Trái Đất. Đó là ngày mà nhân loại tạm gác lại những công việc hàng ngày, những lo lắng buồn phiền để suy nghĩ và hành động cho thế giới tự nhiên mà chúng ta đang sống.
Ông John McConnell, người đề xướng Ngày Trái Đất, đã vận động cử hành tôn vinh Trái Đất ngày 21-03-1970. Thành phố San Francisco đã hưởng ứng, công bố ngày 21-03-1970 là Ngày Trái Đất, và sau đó Tổng thư ký Liên hiệp quốc U Thant đã công bố đó là ngày Trái Đất quốc tế. Đó là ngày mùa đông chấm dứt chuyển sang xuân, cây cối nẩy chồi ra lá mới. Nhưng sau này một bộ phận đông đảo những nhóm hàng năm cử hành Ngày Trái Đất tin tưởng sau ngày Chúa Phục sinh mới thật sự là Ngày Trái Đất, và họ cử hành vào ngày 22 tháng 04 hàng năm.
LHQ lấy hình quả đất chụp từ mặt trăng để làm biểu tượng Ngày Trái Đất, với ý nghĩa “chúng ta là chủ nhân của tương lai của quả đất – nếu chúng ta không chăm sóc quả đất nơi ta đang sinh sống, không kiểm tra những khai thác tài nguyên cạn kiệt, những hành động làm tổn hại môi trường để có ý thức bảo vệ môi trường, thì chúng ta sẽ làm nguy cơ cho tương lai con cháu của chúng ta và con cháu của con cháu chúng ta.
Trong ngày này mọi người thường tổ chức các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ môi trường như tuyên truyền kêu gọi mọi người chung sức bảo vệ môi trường sống, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải,… Nói chung là nhằm mục đích bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp. Đây là một ngày rất ý nghĩa đối với công đồng.
Ngày Trái đất do ông Gaylord Nelson, nguyên thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Wisconsin, Mỹ phát động vào ngày 22-4-1970 với 20 triệu người tham gia. Cho đến nay, ngày này hàng năm vẫn được tổ chức kỷ niệm bằng những việc như trồng cây, dọn sạch rác và vận động cho một môi trường sạch.
Nelson là người ủng hộ công cuộc bảo vệ môi trường tự nhiên và được biết đến như một trong những nhà lãnh đạo về môi trường đầu tiên trên thế giới. Ông được đánh giá là một người khiêm nhường, hài hước và không bao giờ bị ảnh hưởng bởi quyền lực và sự phù hoa của những cương vị ông từng nắm giữ.
Năm 1995, 15 năm sau khi về hưu, Nelson được Tổng thống Clinton trao tặng Huân chương Tự do cho những nỗ lực của ông trong công tác môi trường. Ông qua đời ngày 3-7-2005.